NHỚ STEPHEN HAWKING
THIÊN TÀI BẤT HẠNH
Lương Nguyên Hiền
Stephen Hawking không phải chỉ là môt nhà khoa học lớn mà cuộc đời của ông đầy rẫy những cố gắng không ngừng nghỉ, những nỗ lực vô biên hòng vượt qua căn bệnh quái ác, chiến thắng định mệnh khắc nghiệt để trở thành một nhà khoa học tên tuổi đã cống hiến những công trình vĩ đại về vũ trụ học cho nhân loại.
Một buổi chiều cuối năm 2015, nhân lúc rảnh rỗi chúng tôi rủ nhau đi coi cuốn phim “The Theory of Everything” (Lý thuyết về vạn vật) chiếu về cuộc đời của nhà khoa học Stephen Hawking. Không ngờ cuốn phim này đã làm tôi rất xúc động và đã phải tự hứa với mình một ngày nào đó sẽ viết về cuộc đời của ông. Bởi Stephen Hawking không phải chỉ là môt nhà khoa học lớn mà cuộc đời của ông đầy rẫy những cố gắng không ngừng nghỉ, những nỗ lực vô biên để vượt qua căn bệnh quái ác, chiến thắng định mệnh khắc nghiệt và trở thành một nhà khoa học tên tuổi đã cống hiến những công trình vĩ đại về vũ trụ học cho nhân loại.
Và tôi đã âm thầm mang món nợ đó, “viết về Stephen Hawking”, trên bốn năm trời, cho đến cuối năm 2019, tức là hơn một năm sau ngày ông mất (năm 2018), tôi mới có dịp trả món nợ này là viết về một “Thiên tài bất hạnh”.
Từ cuốn phim “Lý thuyết về vạn vật”
“The Theory of Everything” (Lý thuyết về vạn vật) là một phim tình sử của nhân vật nổi tiếng Stephen Hawking, một khoa học gia về vũ trụ học, với cô Jane Wilde. Sau này cô Jane Wilde trở thành vợ của Stephen Hawking và đổi tên thành Jane Hawking.
James Marsh là đạo diễn cho phim “The Theory of Everything”. Ông là một đạo diễn tài hoa và đã được giải Oscar năm 2009 với “Man on Wire”, một cuốn phim tài liệu về Philippe Petit . Eddie Redmayne đóng vai nam (Stephen Hawking) và Felicity Jones trong vai nữ (Jane), cả hai đều là những tài tử đã thành danh. Phim dựa theo cuốn hồi kí “Traveling to Infinity: My Life With Stephen” (Du hành đến vô cực: Đời tôi với Stephen) xuất bản năm 2007, do Jane Wilde viết. Nội dung kể về cuộc tình giữa Stephen Hawking với Jane Wilde, một câu chuyện thật nằm trong bối cảnh của một loại tiểu thuyết lãng mạng. Cuốn phim bắt đầu khi hai người gặp gỡ trong khuôn viên đại học Cambridge thơ mộng cổ kính bên Anh rồi yêu nhau. Hawking chàng sinh viên trẻ tuổi, thông minh, hóm hỉnh, thích tìm tòi học hỏi, đam mê khoa học, nàng như một đóa hoa chớm nở, hồn nhiên, tươi tắn và một chút mộng mơ. Một tương lai tươi sáng tưởng như đã mở cửa cho cặp đôi tình nhân trẻ này, nhưng cuộc sống này có những bề trái của nó, nó không cứ tiếp tục như thế mãi, đẹp đẽ như thế mãi và nhiều khi làm chúng ta rất đau khổ, đó là bệnh tật. Đúng lúc 21 tuổi Hawking bị choáng váng vì được tin mình bị bệnh ALS (Amyotrophic lateral sclerosis), bệnh xơ cứng cột bên teo cơ. Chứng bệnh hiếm hoi quái ác này sẽ bắt anh tàn tật suốt đời. Anh đâm ra bi quan khi bác sĩ cho biết anh không còn sống được quá 2 năm. Nhưng Jane người bạn gái đi sát bên anh đã chứng tỏ cô là một người phụ nữ mạnh mẽ và can đảm, dìu dắt anh qua được những cơn sóng đầu tiên ập tới. Cô an ủi, khuyến khích, giúp đỡ anh đi nốt những đoạn đường nghiên cứu tìm tòi đang dang dở. Cô chiến đấu không ngừng để giúp anh bắt tay vào những công trình khoa học vũ trụ đầy tham vọng. Cô giữ nguyên lời hứa của mình và làm đám cưới với anh vào năm 1965. Hai người có với nhau ba đứa con. Hạnh phúc bình thường của một gia đình đã cho anh sức mạnh để sống, ý chí làm việc để tìm ra lý thuyết về vạn vật. Đạo diễn James Marsh đã trình bày nhà khoa học tên tuổi Hawking rất thật, rất người: một con người khổ đau chiến đấu với bệnh tật để tiếp tục phục vụ lý tưởng khoa học của mình. James Marsch đã không cầu kỳ, không cứng nhắc, không giáo điều. Ông không để những lý thuyết khoa học cao siêu làm chóa mắt khán giả, ông dùng màu sắc, âm thanh nhẹ nhàng, những khoảnh khắc sâu lắng để chúng ta cảm nhận tình yêu thương của hai vợ chồng dành cho nhau. Mà từ đó chúng ta sẽ trân trọng hơn thứ tình cảm được xây dựng trên tình yêu cao đẹp, sự cảm thông sâu sắc và sự hy sinh vô bờ.
Với tình yêu tuyệt vời như thế, với cuộc sống hạnh phúc vô vàn như thế, tưởng chừng hai người có thể sống với nhau trọn đời trọn kiếp. Nhưng ở đời này không có cái gì là vĩnh cửu, không có cái gì “bất biến”, ngoại trừ sự vô thường: có hợp thì có tan. Trách nhiệm của người mẹ với 3 đứa con, của người vợ với người chồng tật nguyền càng ngày càng đè xuống nặng trĩu và dù mạnh mẽ đến đâu, Jane vẫn là một người phụ nữ như bao nhiêu phụ nữ khác, cô cần một bờ vai vững chắc để dựa vào. Cuốn phim chấm dứt khi hai người chia tay nhau. Mặc dù mang tên rất là khoa học “Lý thuyết về vạn vật”, nhưng người xem cảm nhận hình như đạo diễn James Marsh muốn biến nó thành ra “Lược sử tình yêu”, một câu chuyện tình đầy xúc động của Hawking, tác giả những cuốn sách khoa học nổi tiếng như “Lược sử của tôi” (My Brief History), “Lược sử thời gian” (A Brief History Of Time),…
Đầu năm 2015, phim “The Theory of Everything” được 2 giải thưởng của Golden Globes (Quả cầu vàng) về nam diễn viên chính và âm nhạc. Tháng hai năm 2015, được thêm một Oscar về nam diễn viên chính. Giải Golden Globes và giải Oscar là những giải thưởng cao quý nhất về điện ảnh ở Mỹ. Chính Stephen Hawking sau khi xem xong phim, cũng phải thốt lên lời khen ngợi và cho rằng nam tài tử Eddie Redmayne đã đóng quá hay khiến ông cứ tưởng như là mình trong phim.
Thiên tài bất hạnh
Ngày 14 tháng 3 năm 2018 Stephen Hawking đã ra đi vĩnh viễn ở thành phố Cambridge bên Anh, hưởng thọ được 76 tuổi, ở cái tuổi thuộc loại “thất thập cổ lai hy”. Thật là một điều quá kỳ diệu vì cách đây 55 năm đúng lúc 21 tuổi bác sĩ cho biết ông không sống được bao lâu nữa. Bệnh tật không làm ông bỏ cuộc, sau mỗi lần ngã ông đứng dậy tiến tới. Ông nói: „Theo tôi, những người khuyết tật nên tập trung vào những điều họ có thể làm được thay vì chạy theo những gì mà họ không thể làm được“. Và ông đã hành động như lời ông nói, tập trung vào những điều làm được là sự đam mê tìm tòi, khám phá không mệt mỏi về nguồn gốc của vũ trụ, lý thuyết về hố đen, vụ nổ lớn, không gian 4 chiều, … và quên đi những gì không làm được là cơn bệnh đang hành hạ thân thể mình, là chân tay co quắp, là mất cả tiếng nói. Điều kỳ diệu đã nuôi sống ông mấy chục năm qua chính nhờ vào sức mạnh của ý chí, của nghị lực để chống lại bản án tử hình của mình.
Tên thật ông là Stephen William Hawking, người ta thường gọi ông là Stephen Hawking. Ông sinh vào ngày 8 tháng 1 năm 1942, đúng 300 năm sau ngày mất của Galileo Galilei, một nhà thiên văn học người Ý ở thế kỷ 17. Đây là một sự trùng hợp, vì Galileo, người đã chứng minh là trái đất quay chung quanh mặt trời, mất ngày 8 tháng 1 năm 1642 cùng ngày sinh với Hawking. Ông dí dỏm dặt câu hỏi là có khoảng hai trăm ngàn trẻ em được sinh cùng ngày với ông, nhưng có ai trong đó sau này quan tâm đến vũ trụ học không? Điều đó ông thú nhận là không được biết rõ [2]. Stephen Hawking sinh tại Oxford nước Anh, hồi nhỏ đi học, ông không phải thuộc thành phần xuất sắc cho lắm và không những thế cách làm việc có vẻ hơi luộm thuộm, mặc dù vậy bạn bè hay gọi ông là Einstein. Có lẽ do năng khiếu toán học của ông bật trội hơn hẳn khi giữa đám đông. Theo thời gian, ông càng chứng tỏ có khả năng về khoa học tự nhiên một cách đặc biệt. Ông dự định lên đại học sẽ chọn môn toán học, nhưng cha ông khuyên ông nên học y khoa vì có tương lai hơn. Để chiều lòng cha và được đi theo con đường của mình, ông đã chọn vật lý hoá học làm môn chính và toán học làm môn phụ. Người ta nói may thay, nếu ông nghe lời cha ông chọn y khoa, nhân loại có thể sẽ mất đi một thiên tài về vũ trụ học và một nhà văn đầy tài năng chuyên viết về chuyện khoa học.
Năm 1959 lúc 17 tuổi ông vào học tại Đại học Oxford, một trường danh tiếng ở Anh. Thời gian đầu ông cảm thấy cô đơn và chán nản vì ông ít tuổi nhất trong đám sinh viên. Vài năm sau, ông cố gắng hòa nhập vào đám bạn bè lớn tuổi, ông trở thành một con người hoạt bát, vui vẻ. Năm 1962 sau khi học xong ở Oxford, ông tiếp tục ở Đại học Cambridge về vũ trụ học. Nhưng chính thời gian này, sức khoẻ của ông đi xuống rất nhiều, có dấu hiệu về bệnh hoạn. Bác sĩ đã cho biết ông bị bệnh ALS (Amyotrophic lateral sclerosis) ngay sau sinh nhật 21 của ông. Một căn bệnh quái ác sẽ làm ông bị liệt toàn thân suốt đời và bác sĩ chẩn đoán ông không sống quá 2 năm nữa. Đang hứng thú làm việc tìm tòi học hỏi, tính toán cho tương lai, thì bệnh tật đã làm cho ông cảm thấy tất cả đều là vô nghĩa. Từ đó ông bị chìm sâu vào trầm cảm. Ông cử động càng ngày càng khó khăn hơn, nói năng lắp bắp không trôi chẩy, bị té mấy lần xuống cầu thang sau đó phải ngồi xe lăn. Trong lúc căn bệnh khắc nghiệt đang hoành hành, một điều may mắn đã đến, ông quen được một cô gái tên Jane Wilde học về ngôn ngữ. Tình yêu đã chớm nở giữa hai người, cô đã cảm hóa được ông và hứa sẽ săn sóc cho ông. Ông lấy lại hứng thú làm việc và hoàn thành luận án tiến sĩ về vũ trụ học năm 1966. Ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài „Các đặc tính của vũ trụ mở rộng“ tại đại học Cambridge. Luận án của ông đã làm kinh ngạc các giáo sư và đồng nghiệp, gây được tiếng vang trên thế giới và tạo nên tên tuổi cho ông
Năm 1965 ông làm đám cưới với Jane và hai người có với nhau 3 đứa con. Có gia đình, có trách nhiệm ông lại càng miệt mài với công việc nhiều hơn. Ông cũng công nhận rằng, tình yêu đã thêm sức mạnh cho ông để sống. Mà không phải chỉ đơn thuần thêm sức mạnh, ông còn được Jane cứu thoát chết 2 lần vì cơn bệnh trở nặng.
Sau 25 năm chung sống, ông và bà Jane chia tay nhau năm 1990. Năm 1995 ông làm đám cưới với bà Elaine Mason, một nữ điều dưỡng trước đó đã chăm sóc ông, nhưng rồi cũng chia tay năm 2006.
Năm 1997 ông cùng bà vợ thứ hai Elaine Mason bay qua Việt Nam mấy ngày để thăm một cô bé mồ côi tên là Nguyễn Thị Thu Nhàn (sinh 1980) lúc đó đang sống ở làng trẻ em SOS Hà Nội. Ông đã nhận cô Nhàn làm con nuôi từ năm 1990. Người ta kể lại để làm vui lòng cô con gái nuôi, ông đã biểu diễn lái xe lăn cho cô xem.
Sức khỏe của ông càng ngày càng tồi tệ, ông không tự điều khiển được thân thể nên không sống được một mình, từ mặc quần áo cho đến ăn uống, tắm rửa đều phải nhờ đến người khác. Cuối năm 1968 ông phải ngồi xe lăn. Rồi ông mất tiếng nói phải dùng máy thiết bị phát tiếng nói. Mới đầu ông sử dụng bằng ngón tay để chọn lựa những từ ngữ và từ đó chuyển đến một máy điện tử để phát ra tiếng nói. Sau này ông cũng mất khả năng để viết vì chân tay co quắp, ông dùng bắp thịt ở trên má để chọn các từ ngữ trên máy tính.
Mặc dù gần như tê liệt hoàn toàn, nhưng lúc nào ông cũng vui vẻ và lạc quan. Ông viết „chúng ta phải nhận thức rằng cuộc sống này không công bằng và hãy làm những gì tốt nhất trong điều kiện của mình“. Vì không biết mình còn sống bao lâu, nên ông lăn xả vào công việc, say mê tìm tòi, miệt mài viết sách, đắm chìm trong những câu hỏi về hố đen, tiếng nổ lớn,…Và rồi phần thưởng dành cho ông là ông đã nhìn thấy được sự thành công của mình, ông nhận được rất nhiều giải thưởng: năm 1974 thành viên hội khoa học hoàng gia Royal Society, năm 1975 huy chương Eddington, năm 1979 huy chương Albert-Einstein, năm 1985 huy chương vàng của Hội Thiên văn học Hoàng gia Royal Astronomical Society là huy chương cao quý nhất dành cho các khoa học gia, năm 1986 thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng, năm 1988 giải Wolf về Vật lý, năm 2009 huy chương Tự do của Tổng thống Mỹ (Presidential Medal of Freedom),… Tuy ông đã gặt hái được rất nhiều huy chương và giải thưởng khác nhau, nhưng giải Nobel vẫn chưa tới tay ông.
Có lẽ niềm vui lớn nhất tới với ông là năm 1979 ông được bổ nhiệm vào chức vụ giáo sư Toán Học hàm Lucas (Lucasian Professor of Mathematics) của Đại Học Cambridge. Ông làm việc ở đây cho đến năm 2009 tổng cộng 40 năm. Đây là một chức vụ rất cao quý, được thành lập từ năm 1663 và cho tới nay chỉ có đúng 14 người được nhận chức vụ này. Trong đó có nhà toán học nổi tiếng Isaac Newton (1642-1726) người đã tìm ra định luật sức hút của trái đất (định luật vạn vật hấp dẫn) khi đang nhìn trái táo rơi xuống đất.
Tuy là một khoa học gia, nhưng ông lại là một người có tên có tuổi trong giới cầm bút. Những cuốn sách do ông viết về vũ trụ học đã được rất đông đọc giả ngưỡng mộ như cuốn “Lược sử thời gian” (A Brief History Of Time) năm 1988, “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ“ (The Universe in a Nutshell) năm 2001, “Thiết kế vĩ đại” (The Grand Design) viết chung với nhà vật lý người Mỹ Leonard Mlodinow năm 2010,….Ngoài ra ông còn viết chung với con gái ông, Lucy Hawking, sách thiếu nhi như cuốn “Chìa khóa Vũ trụ của George“ (George’s Secret Key to the Universe) năm 2007, trong cuốn sách này Hawking đã chứng tỏ ông có khả năng truyền đạt khoa học một cách hấp dẫn cho người lớn lẫn trẻ em…. Riêng cuốn “Lược sử thời gian” đã mang lại cho ông vinh quang lớn nhất cho người cầm bút. Cuốn sách này bán được trên 10 triệu lần và được dịch ra bốn mươi thứ tiếng trên thế giới. Riêng tiếng Việt có hai bản dịch, một bản do Thượng Tọa Thích Viên Lý và một bản khác do Cao Chi dịch. “Lược sử thời gian” là một cuốn sách viết về những điều rất khó hiểu, khó nuốt như: Có người sáng tạo ra vũ trụ không? Trước vụ nổ lớn (big bang) có cái gì? Hố đen là gì?…
Tháng 9 năm 2013, Stephen Hawking cho ra một cuốn sách lấy tên là “Lược sử của tôi”, nguyên bản tiếng Mỹ “My Brief History” và được dịch ra tiếng Đức “Meine kurze Geschichte” [1]. Đây là một cuốn sách có tính cách hồi ký nhiều hơn là nặng phần trình diễn về khoa học mặc dù cũng có đề cập đến những đề tài như hố đen, du hành thời gian và vụ nổ lớn mà ông đã trình bầy trong những cuốn sách trước. Với một giọng văn nhẹ nhàng, dí dỏm, ông đã hé mở cho người đọc đi vào thế giới riêng tư của ông, từ lúc còn bé cho đến khi thành danh.
Chân không mà diệu hữu
Stephen Hawking là một nhà vật lý học, nhà vũ trụ học và cũng là người hay mơ mộng như ông thường tự nhận. Ông được đánh giá như một truyền nhân của Galileo và là một nhà vật lý lý thuyết tài năng nhất sau Albert Einstein. Trọng tâm nghiên cứu của ông là về sự hình thành của vũ trụ đi từ „vụ nổ lớn“ (Big Bang) cho tới „hố đen“ (Black Hole) và ông đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lãnh vực nghiên cứu về khoa học vũ trụ.
Hawking cho rằng vũ trụ xuất phát từ một vụ nổ lớn (Big Bang). Tiếng nổ khai sinh ra vũ trụ và không cần có tác động bên ngoài để thành hình. Vũ trụ có sự sáng tạo nhưng không có người sáng tạo hay nói một cách khác hơn vũ trụ tự sáng tạo ra nên không cần đến Đấng Tạo Hóa. Cách đây 13,7 tỷ năm, vũ trụ là một khoảng không gian nóng và vô cùng nhỏ bé và có thể coi như không có kích thước. Chính vụ nổ lớn này đã giải phóng được năng lượng đang bị giam hãm để tạo nên không gian và thời gian để rồi sau đó mấy tỷ năm sau có sự sống được phát sinh (diệu hữu). Quan niệm trên khó được chấp nhận ở phương Tây, nơi mà tất cả đều khởi nguồn từ cái “có” (Đấng Tạo Hóa), nhưng lại tương đồng với vũ trụ quan “Chân không diệu hữu” trong nhà Phật. Theo lý thuyết Phật giáo, mọi hiện tượng đều phát xuất nội tại từ “không”, vì không có tác động bên ngoài nên tuân thủ theo nguyên lý Duyên khởi, duyên hợp thì sanh, duyên tan thì hoại diệt. Cũng như vũ trụ đủ điều kiện thì sẽ bùng nổ để tạo nên sự sống. Như thế khoa học và Phật giáo đã gặp nhau ở điểm từ “không” tới “có”, từ vô hạn đến hữu hạn.
Hố đen là một trong những điều bí ẩn nhất của vũ trụ, các nhà khoa học cho rằng đó là một vùng có trường lực hấp dẫn cực lớn nên có một sức hút vô cùng mãnh liệt. Theo lý thuyết cổ điển thì không một vật chất nào kể cả ánh sáng thoát ra ngoài sức hút của hố đen, tất cả vật chất và kể cả thông tin về mọi sự việc trong hố đen cũng bị biến mất. Chính vì thế khoa học không biết được quá khứ hay dự đoán tương lai của hố đen. Theo thuyết lượng từ thì chuyện đó lại có thể. Hawking cho rằng hố đen không phá hủy vật chất mà trái lại nó phát ra lại năng lượng dưới dạng bị biến đổi. Ông đã kết hợp được hai nền tảng vật lý hiện đại, thuyết tương đối (Theory of Relativity) của Albert Einstein và thuyết lượng tử (quantum theory) của Hawking để giải thích về hiện tượng hố đen. Những khám phá của ông được đánh giá như là chìa khóa mở cửa để đi vào vũ trụ.
Kết luận
Bên cạnh những thành tựu to lớn trong khoa học kỹ thuật, cuộc đời của Stephen Hawking là điển hình cho những cố gắng vượt bực, cho những nỗ lực vô hạn để vượt qua số phận của mình và trở thành một nhà khoa học có tên tuổi đã cống hiến những công trình vĩ đại về vũ trụ học cho nhân loại.
Cuối cùng, xin trích ra đây một câu của triết gia Phạm Công Thiện viết về Stephen Hawking: „Người ta cho rằng sở dĩ ông còn sống được là do sức mạnh phi thường của óc não, của trí tuệ, của tinh thần, của sức tập trung tư tưởng vĩ đại. Đây là bài học của Hawking gửi lại cho chúng ta: dù sống trong bất cứ hoàn cảnh bi đát khó khăn nhất, chúng ta vẫn đạt tới được những điều vĩ đại nhất mà ít có ai đạt tới được.“ [3].
Cuối năm 2019
[1] Sách Meine kurze Geschichte: Stephen Hawking
[2] Zeit On Line 10/10/2013: Stephen Hawking Meine kurze Geschichte, Gero Von Randow
[3] Sách Lược sử thời gian: Stephen Hawking, người dịch T.T. Thích Viên Lý
Discussion about this post