NGHIỆP BÁO VÀ TÁI SANH
(The Buddhist Doctrine of Kamma and Rebirth)
NĀRADA MAHĀ THERA
Dịch giả: NGUYỄN TRẠCH THIỆN
Duyên may được đọc quyển “The Buddhist Doctrine of Kamma and Rebirth” của Đại Đức Narada Maha Thera, chúng tôi đã trút bỏ bao nhiêu mơ hồ, ngộ nhận về Nghiệp Báo Luân Hồi. Chúng tôi cũng không còn thắc mắc với những câu hỏi: Từ đâu chúng tôi đến đây? Đến đây để làm gì? Và từ đây chúng tôi sẽ về đâu?
LỜI DỊCH GIẢ
Khi vừa đắc quả dưới cội bồ đề, Phật Gotama bèn thốt rằng: “Này anh thợ cất nhà, trải qua vô lượng kiếp luân hồi, ngươi đã làm nhà cho Như Lai ở. Nay Như Lai đã biết ngươi rồi, thì từ đây Như Lai không để cho ngươi cất nhà cho Như Lai nữa đâu”.
Mục đích của người tu Phật cũng không ngoài sự tìm kiếm cho ra anh thợ cất nhà ấy. Thế mà vấn đề then chốt này lại không mấy ai chủ tâm sưu tầm. Thật ra nếu không gia công tham khảo chu đáo trọn cả bộ Tam Tạng Pháp Bảo, thì không dễ gì giải thích và phân tách, theo lối khoa học, cái guồng máy huyền bí, phức tạp, cấu tạo ra loài người, trong muôn vạn tình trạng vật chất và tinh thần khác nhau.
Duyên may được đọc quyển “The Buddhist Doctrine of Kamma and Rebirth” của Đại Đức Narada Maha Thera, chúng tôi đã trút bỏ bao nhiêu mơ hồ, ngộ nhận về Nghiệp Báo Luân Hồi. Chúng tôi cũng không còn thắc mắc với những câu hỏi: Từ đâu chúng tôi đến đây? Đến đây để làm gì? Và từ đây chúng tôi sẽ về đâu?
Các bạn thanh niên Âu học không ưa thích đạo Phật, vì chưa gặp ai luận chứng cho thấy rõ Phật giáo là môn khoa học về tinh thần siêu việt; người trí thức cũng chán nản trước những lý thuyết viễn vong mơ hồ.
Công trình khảo cứu của Đại Đức Narada Maha Thera, trong quyển sách nói trên, may ra sẽ bổ túc những khuyết điểm trong sự hoằng dương Phật pháp và góp một phần xây dựng cho tiền đồ Phật giáo. Vì lẽ đó, chúng tôi không nệ tài hèn học kém, phiên dịch Anh văn ra Việt ngữ tác phẩm rất hữu ích của một nhà sư tài đức đã từng phổ cập giáo lý Phật Đà cùng khắp hoàn cầu. Chúng tôi không đủ tài năng diễn tả trung thành bút pháp cao thượng của tác giả, nên chỉ mô phỏng theo lối văn xuôi cho dễ hiểu.
DỊCH GIẢ
LỜI NÓI ĐẦU
Mỗi Phật tử phải thấu hiểu giáo lý về Nghiệp báo và Tái sanh, phần chánh yếu trong giáo pháp của Đức Phật.
Làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ, giống nào quả nấy. Đó là giáo lý Nghiệp báo. Nói một cách khác, đó là Luật Nhân Quả trong phạm vi luân lý.
Nhờ hiểu luật Nhân Quả trong vật lý vũ trụ, nhà bác học đã chiếm lĩnh hầu hết không gian và đã phát minh nhiều sáng tác kỳ diệu, rất hữu ích cho nền hạnh phúc nhân loại.
Khi ta hiểu được định luật Nghiệp báo đương thống ngự lãnh vực luân lý, ta nên kiểm soát và điều chỉnh nếp sống, hầu đem lại hạnh phúc yên vui lâu dài cho ta và cho kẻ khác.
Nghiệp báo tạo ra điều kiện tái sanh thích hợp với hành vi tạo tác của chúng ta.
Đời sống hiện tại chỉ là một kiếp trong chuỗi đời vô tận quá khứ và vị lai. Chúng ta, hàng Phật tử, chẳng nên tin rằng chỉ có một kiếp sống duy nhất giữa hai cảnh giới bất diệt của Thiên đàng và Địa ngục.
Nơi đây chúng ta gặt hái chi chúng ta đã gieo trồng trong quá khứ và hiện tại. Cái chi chúng ta gieo trồng nơi đây, chúng ta sẽ gặt hái trong đời sống hiện tại và vị lai.
Hiện tại và tương lai đều do nơi tự tay chúng ta tạo ra. Chúng ta tự tạo Thiên đàng cho chúng ta, mà cũng tự tạo Địa ngục cho chúng ta.
Có điều đáng mừng được biết rằng có nhiều nhà thông thái Âu Mỹ đã bắt đầu lĩnh nạp giáo lý phức tạp về Nghiệp báo và Tái sanh. Nhiều quyển sách về vấn đề bổ ích này được viết ra do những tác giả không phải là Phật tử, chứng tỏ rằng thuyết ấy chẳng phải là một lý luận suông, mà là một định luật hiển nhiên có thể chứng minh được.
Tôi rất cảm tạ bác sĩ Nguyễn Trạch Thiện đã phiên dịch quyển sách nhỏ này ra Việt ngữ và chư thiện nam tín nữ đã phát tâm lành chung lo tái bản.
Narada Maha Thera
Tháng mười, 2503 / 1959
Jatavana vihāra, Kỳ Viên Tự
Discussion about this post