MỘT CÂU A DI ĐÀ PHẬT NIỆM ĐẾN CÙNG
Pháp Sư Tịnh Không
Chào chư vị đồng
tu! Chúng ta xem tiếp đoạn thứ năm ở trong đoạn lớn này: “A Di Đà Phật thị
vạn đức hồng danh, dĩ danh chiêu đức, khánh vô bất tận. Cố tức dĩ chấp trì danh
hiệu vi chánh hạnh, bất tất canh thiệp quán tưởng, tham cứu đẳng hạnh, chí giản
dị chí trực tiếp dã”. Đoạn nhỏ này là bảo với chúng ta chỗ thù thắng bất tư
nghì của pháp môn này. Đây đích thực là pháp môn khó tin, quá dễ dàng, quá đơn
giản, rất nhiều người tiếp xúc mà không cách gì tiếp nhận được.
A Di Đà Phật, danh
hiệu này là vạn đức hồng danh, tại sao vậy? Danh hiệu này là danh hiệu của tự
tánh, là danh hiệu của tánh đức. Đây là tiếng phạn, nếu như theo ý nghĩa của
mặt chữ mà dịch thì A dịch thành Vô, Di Đà dịch thành Lượng, Phật dịch thành
Giác hoặc dịch thành Trí. Dịch hoàn toàn qua ý nghĩa tiếng Trung Quốc là Vô
Lượng Trí, Vô Lượng Giác. Quí vị thử nghĩ về danh hiệu này, Vô Lượng Trí là bản
thể của tự tánh, Vô Lượng Giác là đức dụng của tự tánh, bao gồm hết rồi! Đại
đức xưa gọi đây là vạn đức hồng danh, danh hiệu của thể đại dụng chân như tự
tánh toàn.
“Dĩ danh chiêu
đức, khánh vô bất tận”. Danh và thực
nhất định tương ưng. Chúng ta niệm cái danh hiệu này là chiêu đức của ai vậy?
Chiêu tự tánh của chính mình, chiêu tánh đức của chính mình. Hay nói cách khác,
dùng một câu danh hiệu này đánh thức tự tánh của chúng ta, tìm trở lại tánh đức
của chúng ta. Thể dụng của tự tánh chúng ta hoàn toàn không bị mất, mà chỉ bị
làm sao vậy? Chỉ mê mất mà thôi. Dùng một câu Phật hiệu này để phá vỡ cái cửa
mê này, đánh thức trở lại thể dụng của tự tánh chúng ta. Nếu như bạn hiểu rõ
đạo lý này, thì bạn sẽ quyết chí một lòng chấp trì danh hiệu, bạn mới hiểu được
danh hiệu này, pháp môn này, không thể tìm ra thêm một pháp môn nào khác có thể
thù thắng hơn nó được. Hơn nữa, nó rất dễ dàng, rất đơn giản. Tất cả mọi thứ
của khắp pháp giới hư không giới toàn bộ bao gồm trong đó, khánh vô bất tận.
Ở trong Phật pháp
có hai câu nói, nếu như chúng ta thật sự có thể thể hội được, bạn sẽ hiểu rõ,
đó là: “Tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới”. Hai câu nói này chúng ta
nghe rất quen, cũng nói được, nhưng có nghĩa là gì vậy? Người đích thực có thể
thể hội được không nhiều. Đây là toàn bộ pháp giới, người hiện nay gọi là vũ
trụ, trong Phật pháp gọi là pháp giới. Danh từ pháp giới này hay hơn vũ trụ,
tại sao vậy? Vũ trụ thì không có linh tri, ở trong pháp giới có linh tri; Pháp
giới là sống, còn vũ trụ không phải sống, cho nên danh từ pháp giới này hay hơn
vũ trụ. Phạm vi của vũ trụ không lớn bằng pháp giới, vì pháp giới là trùng trùng
vô tận, ở trong pháp giới không có lớn nhỏ, không có đến đi, không có trước
sau, không có sinh diệt, không có có không, kỳ diệu tuyệt vời, không thể nghĩ
bàn. Ở trong vũ trụ không hàm chứa những tư tưởng này ở trong đó. Danh tướng
của Phật học thù thắng.
“Danh dĩ chiêu
đức”. Danh hiệu A Di Đà Phật này là
tổng danh hiệu, ở trong Phật pháp gọi danh từ thuật ngữ, đây là tổng danh hiệu.
Tất cả mọi danh hiệu chư Phật đều từ đây lưu xuất ra, tất cả mọi danh hiệu
Bồ-tát cũng từ đây lưu xuất ra, tất cả mọi danh hiệu của chúng sanh vẫn không
lìa khỏi nó. Đây là trong kinh Hoa Nghiêm nói, chúng ta đã đọc qua ở trong phẩm
danh hiệu Như Lai.
“Tức dĩ chấp
trì danh hiệu vi chánh hạnh”. Pháp
môn Tịnh-độ, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực-lạc, phải tu như thế nào? Chánh hạnh.
Tu hành chính thức chính là niệm Phật. Phật pháp phải phá chấp trước, pháp môn
này vẫn cứ dùng chấp trước, chính là chấp trước danh hiệu; ngoài câu danh hiệu
ra, tất cả mọi chấp trước khác đều buông xả, không chấp trước thêm nữa, chính
là chấp trước danh hiệu này, gìn giữ cái danh hiệu này niệm niệm không mất, gọi
là trì. Niệm niệm đều là A Di Đà Phật, đó chính là trì. Nhớ kỹ, A Di Đà Phật là
vô lượng trí, vô lượng giác, niệm niệm giác chứ không mê, niệm niệm chánh chứ
không tà, niệm niệm tịnh chứ không nhiễm, đây chính là tự tánh A Di Đà, tự tánh
tam bảo. Tam bảo là một thể, một mà ba, ba mà một. Những quán tưởng, tham cứu,
trì chú, nghiên cứu giáo lý khác thảy đều không cần, không nên xen tạp những
thứ này, chính là một câu Di Đà niệm đến cùng, chí giản dị. Chí là đến chỗ tột
cùng, đơn giản đến tột cùng, dễ dàng đến tột cùng. Đơn giản dễ dàng, hơn nữa nó
còn trực tiếp, không vòng vo. Trực tiếp đến đâu vậy? Trực tiếp đến minh tâm
kiến tánh, trực tiếp đến vô thượng chánh đẳng chánh giác, trực tiếp đến Phật
quả cứu cánh viên mãn.
Có người hỏi,
không phải người hiện nay, mà người xưa đã có người hỏi, đến thế giới Tây
Phương Cực-lạc còn tu pháp môn gì nữa? Đậu cơ thuyết giáo, tức là bạn muốn tu
pháp môn nào, bạn liền có thể thành tựu được pháp môn ấy. Ưa thích, vậy là quá
hay. Thành thật mà nói với bạn, đến thế giới Tây Phương Cực-lạc rồi bạn sẽ thay
đổi ý định. Đổi ý định gì vậy? Một câu A Di Đà Phật này niệm đến cùng, không tu
thêm pháp môn khác nữa. Tại sao vậy? Một câu A Di Đà Phật này đã bao gồm tất cả
pháp môn ở trong đó rồi. Cũng tức là nói, vạn pháp quy về một. Một chính là tự
tánh. A Di Đà Phật chính là tánh thể, tánh đức, tánh tướng, tánh dụng, chỉ cần
bạn khế nhập cảnh giới. Đây là kinh luận các tổ sư đại đức nói rất hay. Nếu như
bạn niệm Phật, niệm đến lý nhất tâm bất loạn, thì tất cả pháp thế xuất thế gian
tự nhiên thông đạt cả, bạn cần phải học nữa hay không? Bất kể pháp môn nào, có
người thỉnh giáo bạn, bạn đều đối đáp trôi chảy, không cần phải suy nghĩ. Cái
này kỳ lạ, cái này không thể nghĩ bàn. Trên thực tế không có gì kỳ lạ cả,
nguyên nhân gì vậy? Pháp thế xuất thế gian đều do tự tánh biến hiện ra. Đã là
tự tánh biến hiện ra, chỉ cần bạn kiến tánh được rồi thì đâu có lý nào mà không
biết. Bạn đối với tất cả các pháp không hiểu, không biết, nguyên nhân căn bản
là gì vậy? Là bạn đã mê mất tự tánh. Một câu A Di Đà Phật này khi niệm đến lý
nhất tâm bất loạn, triệt kiến tự tánh, viên kiến tự tánh, thì vấn đề chẳng phải
đã giải quyết rồi sao, bạn còn đi tìm phiền phức khác sao?
Thế gian này có
một số người không biết, nên thiền tịnh song tu, mật tịnh song tu, còn có gì
nữa vậy? Thiền mật tịnh tam tu. Thông thường người thế gian chúng ta nghe xong,
mới nghe đến, cái này tuyệt quá, cao siêu! Kỳ thực, người trong nghề biết họ
đang lòng vòng. Mặc dù có thể thành tựu, nhưng thành tựu của họ không đủ sâu,
tại sao vậy? Tinh thần, sức lực của họ bị phân tán rồi. Họ phân thành hai mặt,
phân thành ba mặt, họ không chuyên! Nếu bạn muốn nhanh, hãy chuyên công phu một
môn, một mục tiêu, một phương hướng, sẽ nhanh! Không có gì nhanh hơn cái này.
Cùng lúc đi hai đường, cùng lúc đi ba đường thì khó lắm, không dễ đâu, lại chậm
chạp nữa! Pháp môn này đơn giản thẳng tắt thành đạo vô thượng. Chúng ta phải
nhận thức rõ ràng, chỉ có thật sự hiểu rõ thì niềm tin mới kiên cố, nguyện mới
không nghi, dứt khoát không đổi. Pháp môn không thể nghĩ bàn.
Xem tiếp phía dưới
đoạn thứ sáu: “Biệt minh tam tuệ”. Tam tuệ, cái mà Bồ-tát đại thừa tu là
văn, tư, tu tam tuệ. Ở đây chia thành ba đoạn nhỏ. Đoạn nhỏ thứ nhất: “Cụ
túc tam tư phương danh văn tuệ”. Cái này rất hiếm có. Nguyên văn ở trong
Yếu Giải là: “Văn nhi tín, tín nhi nguyện, nguyện nhi năng trì”. Chính
là chịu chấp trì. Bất tín bất nguyện thì bằng với không nghe. “Tuy vi viễn
nhân, bất danh văn tuệ”, đây là nguyên văn của Yếu Giải. Văn tuệ nhất định
phải đầy đủ ba điều kiện văn tư tu. Nếu như không đầy đủ ba điều kiện này, bạn
chỉ có nghe không thể gọi là tuệ. Cái tam tuệ này bạn có thể gọi văn, gọi tư,
gọi tu, không có chữ tuệ. Phàm phu có văn, tư, tu không có tuệ. Không những phàm
phu không có, nói thêm với quí vị, nhị thừa cũng không có. Nhị thừa tu tam học
giới, định, tuệ, Bồ-tát tu văn, tư, tu tam tuệ. Bồ-tát cao hơn nhị thừa. Tam
tuệ là tuệ gì vậy? Tam tuệ chính là tuệ của giới, định, tuệ. Không có giới,
không có định thì làm gì có tuệ? Cái danh tướng thuật ngữ này nhất định phải
hiểu rõ, dứt khoát không được hiểu lầm. Đến giới, định, tuệ thì trí tuệ mở rồi.
Do giới được định, do định khai tuệ, trí tuệ mở rồi. Trí tuệ áp dụng vào trong
đời sống thường ngày, áp dụng vào công việc, áp dụng trong ứng xử với người với
vật, hoàn toàn là trí tuệ. Đời sống ở trong trí tuệ, đây gọi là tam tuệ, văn,
tư, tu tam tuệ.
Văn là gì vậy?
Tiếp xúc. Mắt tiếp xúc sắc tướng, tai tiếp xúc âm thanh, mũi tiếp xúc mùi vị,
sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, vừa tiếp xúc liền biết rõ. Thông
đạt biết rõ đây gọi là văn tuệ. Văn là đại biểu cho tiếp xúc, dùng một chữ làm
đại biểu. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài đều gọi là văn. Tuệ là biết rõ,
thông đạt biết rõ, ở trong biết rõ dứt khoát không có sai lầm. Từ tiếp xúc đây
là văn, từ biết rõ gọi là tư. Phàm phu chúng ta lúc nào cũng suy nghĩ, Ồ! Tôi
hiểu rồi. Họ không cần tư, vừa tiếp xúc liền biết rõ. Vừa biết rõ là quyết định
không có sai lầm, không có sai lầm gọi là tu. Văn tư tu là một sự việc, tuyệt
đối không có ba giai đoạn. Không phải nói sau khi tôi nghe rồi mới suy nghĩ,
sau khi suy nghĩ tiếp đó tôi mới tu. Đó là gì vậy? Đó là phàm phu, đâu phải
Bồ-tát. Văn tư tu tam tuệ là một mà ba, ba mà một, là ở trong một sát na đó đã
xong rồi, không có thứ lớp trước sau. Cái này bạn mới biết đây gọi là Bồ-tát.
Nghe xong, thấy xong còn đi suy nghĩ, đây không phải Bồ-tát. Nhị thừa thì được.
Tuyệt đối không rơi vào ý thức, cũng tức là hoàn toàn không có phân biệt, không
có vọng tưởng, phân biệt, thông đạt tường tận. Thế giới Tây Phương Cực-lạc là
đại thừa, không phải tiểu thừa, ở nơi đây giảng tam tuệ, nghe đến danh hiệu của
Phật A Di Đà, vừa tiếp xúc liền tin sâu không nghi, liền phát nguyện cầu sanh,
liền thật thà niệm Phật, đây gọi là văn tuệ. Họ thật thông minh, không có nghi
ngờ, không có xen tạp, làm thật, họ chân thật có được thành tựu.
Chúng ta xem tiếp
điều thứ hai: “Tịnh niệm tương tục, vô hữu gián đoạn, cố danh tư tuệ”.
Ngẫu Ích đại sư ở trong đoạn này giảng văn tự hơi dài một chút: “Chấp trì là
mổi niệm nhớ đến danh hiệu Phật, như vậy là tư tuệ”. Niệm Phật, niệm không
phải niệm bằng miệng. Chữ niệm của niệm Phật không thể thêm chữ khẩu, có rất
nhiều người đã thêm chữ khẩu cho nó, vậy là sai rồi, vậy là họ hoàn toàn không
hiểu ý nghĩa của niệm Phật. Niệm Phật là trong tâm thật sự có Phật. Chữ niệm
này của Trung Quốc là chữ hội ý. Bạn xem cách viết của chữ này, bạn phải hiểu
được ý nghĩa của nó. Kim tâm, kim là hiện tại. Hiện tại trong tâm có Phật gọi
là niệm Phật, không nhất định niệm bằng miệng, trong tâm bạn thật có. Trong tâm
không có Phật, cửa miệng có Phật thì không linh, không có cảm ứng. Trong tâm
thật sự có Phật, cửa miệng không có Phật, có cảm ứng. Thế thì tại sao niệm Phật
vẫn phải niệm thành tiếng vậy? Trong tâm có Phật là tự lợi, niệm ra thành tiếng
là lợi tha. Niệm Phật hiệu ra thành tiếng không phải niệm cho mình, mà niệm cho
người khác nghe, niệm cho tất cả chúng sanh nghe. Ta hướng dẫn tất cả chúng
sanh niệm Phật, nên niệm ra thành tiếng công đức rất lớn, tự lợi lợi tha. Không
niệm ra thành tiếng, đối với người có công phu thiền định Bát-nhã tương đối
sâu, họ có thể được lợi ích. Tại sao vậy? Họ thấy tướng được lợi ích. Người có
trí tuệ Bát-nhã định lực rất sâu. Ở trong tâm có Phật, tướng của bạn sẽ khác.
Cái gọi là: “một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm
Phật”. Trong tâm bạn nhớ đến Phật, thì Phật ở trong tâm bạn. Phật ở trong
tâm bạn thì Phật sẽ gia trì cho bạn, tự nhiên gia trì. Thân của bạn phóng ra
hào quang kim sắc, tướng mạo của bạn đoan trang hiền từ, họ có thể nhìn thấy,
có thể nhìn thấy thân bạn tỏa sáng, hào quang kim sắc, nên được lợi ích. Nhưng
phàm phu không được lợi ích, phàm phu nhìn không thấy, không có năng lực này.
Nhưng niệm Phật thì được, phàm phu nhĩ căn là lợi nhất: “Ta bà chân giáo thể,
thanh tịnh tại âm văn”. Bạn niệm ra thành tiếng thì có rất nhiều chúng sanh
được lợi ích, ngoại trừ người nghiệp chướng quá sâu thì vô phương, họ không
tin, họ không thể tiếp nhận. Tuy là không tin, không thể tiếp nhận, nhưng họ
nghe thấy rồi. Nghe thấy gì vậy? Gieo chủng tử vào trong A-lại-da thức. Nên
niệm thành tiếng thì: “Ba căn trải khắp, lợi độn đều nhận”. Đây là chỗ
hay của niệm Phật.
Tâm chân thành
khẩn thiết mong muốn cầu sanh Tịnh-độ, đây là tư tuệ. Đại sư nói với chúng ta,
ở trong đây có sự trì, có lý trì. Trì là trì danh. Sao gọi là sự trì? Sự là ở
trên sự tướng, quyết chí cầu sanh, quyết định chí nguyện của ta là cầu sanh về
thế giới Tây Phương Cực-lạc. Câu dưới đây là ví dụ: “Như con nhớ mẹ”.
Giống như con cái tuy ở xa, mà họ thường hay nghĩ về mẹ của mình. Họ nhớ mẹ của
họ hoàn toàn không có nói ra ngoài miệng, trong tâm họ nhớ thật, không lúc nào
quên. Thật sự là ở mọi lúc, ở mọi nơi, ở trong tâm họ luôn nhớ về mẹ không bao
giờ rời, đây gọi là sự trì. Nhưng người hiện nay thì không được. Người bây giờ
đã quên mất mẹ từ lâu rồi. Thời xưa dùng cái ví dụ này thì được, người hiện nay
thì không được. Thời xưa dạy từ nhỏ, cha mẹ dạy, thầy cô dạy, người lớn dạy,
quan niệm hiếu với cha mẹ thường giữ rất sâu ở trong tâm, quả thực họ niệm niệm
không quên, tâm hiếu. Hiện nay từ nhỏ cha mẹ không dạy họ, ở trường thầy cô
cũng không dạy, người lớn cũng không dạy, nên không biết đạo hiếu là gì. Đặc
biệt là xã hội hiện nay, là xã hội chủ nghĩa công lợi. Xã hội chủ nghĩa công
lợi, chúng ta hãy bình tĩnh mà quan sát, hiện nay người trong xã hội họ cũng có
một thứ không bao giờ quên, ở mọi lúc họ đều nhớ đến, họ đều mong cầu, đó là gì
vậy? Tiền! Hiện nay không nên nói như con nhớ mẹ, nên nói là như người nhớ ngân
phiếu. Cái này họ niệm niệm không quên, ở mọi lúc, ở mọi nơi họ đều nhớ đến nó,
mẹ quên mất từ lâu rồi! Điều mong cầu duy nhất, chúng ta không học Phật không
biết, cũng giống như người thế gian vậy, đây là cổ nhân nói: “Người chết vì
tiền, chim chết vì thức ăn”. Ý niệm tham tiền tài ở trong xã hội hiện nay
là đứng đầu, không có gì vượt qua điều này. Chỉ cần có tiền, còn cha mẹ thì
quên từ lâu rồi. Không giống trước đây, người trước đây quả thật cha mẹ đứng
hàng đầu, thù thắng khác, danh vọng lợi dưỡng nhiều bao nhiêu, nhưng vì cha mẹ
họ thảy đều có thể xả bỏ. Hiện nay quan niệm thay đổi rồi, thời đại thay đổi
rồi, không đúng rồi!
Loại thứ hai là lý
trì, là từ trên lý luận: “Tâm tác tâm thị, tâm cảnh nhất như, năng sở bất
nhị, tức thị lý trì”. Cảnh giới này rất cao. Tâm tác, tâm là Phật, tâm làm
Phật, đây là đích thực hiểu rõ chân tướng của vũ trụ vạn hữu. Phạm vi của hai
chữ “Tâm tác” này quả thật là quá rộng. Tâm tác bao gồm cái mà trong kinh Hoa
Nghiêm đã nói là: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Hoa nghiêm nói
tám chữ, còn Tịnh-độ tông nói hai chữ: “Tâm tác”. Tâm đã tác gì vậy? Hư không
là tâm tác. Chữ tác này tức là có thể biến hiện. Hư không là tâm tác. Tâm là
năng tác, hư không là sở tác. Sát độ, sát độ là thế giới, đại thế giới, người
hiện nay gọi là hệ sao. Hệ sao là gì vậy? Ở trong thường thức của chúng ta ngày
nay, hệ sao lớn nhất gọi là hệ ngân hà. Ở trong kinh Phật nói, hệ ngân hà là
nhỏ nhất, là đơn vị thế giới. 1000 cái hệ ngân hà hợp thành một đại thế giới,
gọi là tiểu thiên thế giới. Lại lấy tiểu thiên thế giới làm đơn vị, hợp 1000
cái tiểu thiên thế giới, quí vị phải nhớ kỹ, một cái tiểu thiên thế giới là
1000 cái hệ ngân hà, 1000 lại nhân lên 1000, đây là một trung thiên thế giới.
Sau đó lại lấy trung thiên thế giới làm đơn vị, 1000 cái trung thiên thế giới
gọi là một đại thiên thế giới. Đây là thế giới mà ở trong kinh Phật thông
thường hay nói. Thuật ngữ Phật học gọi là một cõi Phật. Vì nó có ba cái 1000 là
tiểu thiên, trung thiên, đại thiên gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Đây là
thế giới ở trong kinh Phật nói, không thể nghĩ bàn. Cái thế giới như vậy có
phải là lớn nhất chưa? Chưa phải. Cái lớn nhất, kinh Hoa Nghiêm nói thế giới
chủng. Một cái thế giới chủng, cái đại thế giới này là vô lượng vô biên. Chúng
ta xem thấy ở trong phẩm thế giới thành tựu, xem thấy ở trong thế giới Hoa Tạng,
phẩm thế giới Hoa Tạng là nêu ra một cái thế giới chủng. Thế giới Cực-lạc và
thế giới Ta-bà chúng ta đều ở tầng thứ mười ba của cái thế giới chủng này. Ở
trong một tầng này lại có vô lượng vô biên tam thiên đại thiên thế giới. Ta-bà
và Cực-lạc cùng ở một tầng, không thể nghĩ bàn. Ở trong kinh Phật nói, giống
như cái thế giới chủng này ở trong hư không pháp giới là vô lượng vô biên,
tuyệt đối không thể dùng tính toán mà có thể tính ra được. Đây là nói đại thế
giới.
Ở trong thế giới
có rất nhiều vô số chúng sanh. Từ đâu mà có vậy? “Duy tâm sở hiện, duy thức
sở biến”, do tâm tạo. Tâm có thể tạo, tác chính là tạo tác, nó có thể tạo.
Thân của tôi, thân của bạn, thân của mọi người cũng là tâm tạo. Thân của Phật
Thích-ca-mâu-ni, thân của Phật Tỳ-Lô-giá-na, thân của Phật A Di Đà cũng là tâm
tạo. Tất cả vạn pháp không thể rời khỏi tâm. Tâm là năng biến, tâm là bản thể
của vạn pháp. Trong kinh Lăng Nghiêm nói: “Thế giới vi trần, nhân tâm thành
thể”, cái thể này chính là hiện tượng. Hiện tượng do đâu mà có? Do tâm biến,
tâm hiện. Đây là tâm tác. Hiện nay chúng ta giác ngộ rồi, hiểu rõ sự việc này
rồi. Tâm thị, ta hiện nay cái tâm này là tâm Phật, là Phật. Tâm tác, cái tâm đó
là chân tâm, là bản tánh. Ta hiện nay vừa niệm Phật, cái tâm niệm Phật này
tương ưng với tự tánh, chân tâm, bản tánh. Thị tâm tác Phật, ta phát tâm, ta
nhất định phải làm Phật, vậy là tương ưng với Phật. Bạn thử xem, tâm mình vốn
là Phật, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Bây giờ bạn lại muốn phát tâm làm
Phật, cái nguyện vọng này của bạn sẽ không phải là trống không, ngay trong đời
này bạn chắc chắn làm Phật. Tín tâm đầy đủ, không hề có mảy may nghi ngờ.
Chúng tôi thường
hay nhắc nhở các đồng tu, tâm là tâm Phật, nguyện là nguyện Phật, giải là giải
Phật, hạnh là hạnh Phật. Tín, nguyện, giải, hạnh phải đồng Phật. Tâm Phật là
gì? Chúng ta không thể nói từ trên tánh. Nói từ trên tánh thì dứt đường ngôn
ngữ, bặt dấu tâm hành, không có gì để nói, không thể nói được. Chúng ta nói từ
trên sự, không nói từ trên lý, trên lý nói không được. Trên sự, tâm chân thành,
thường giữ chân thành; tâm thanh tịnh, không bị bất kỳ sự ô nhiễm nào; tâm bình
đẳng, không có cao thấp; tâm chánh giác, không mê hoặc; tâm từ bi, không tự tư.
Nếu như chúng ta khởi tâm động niệm đều có thể hoàn toàn tương ưng với chân
thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, thì cái tâm này là tâm Phật.
Dùng cái tâm này để niệm A Di Đà Phật, thì tâm tâm tương ưng. Tại sao vậy? Tâm
của Phật A Di Đà chính là cái tâm này, cái này chính là tâm đại Bồ-đề.
Chân thành là thể, thể của chân tâm, tâm của
chúng ta chân, tâm của chúng ta thành, không có một mảy hư ngụy, không hề mảy
may giả dối, là bạn đã tương ưng với thể của chân tâm.
Đức của chân tâm
là thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Tác dụng của chân tâm là đại từ đại bi,
cứu khổ cứu nạn. Bạn đều tương ưng với thể, tướng, dụng của chân tâm, tự tánh,
dùng cái tâm này niệm A Di Đà Phật, dùng cái tâm này cầu sanh Tịnh-độ, dùng cái
tâm này gần gũi Di Đà, tâm cảnh nhất như. Âu Dương Cánh Vô nói: “Phật giáo
không phải triết học” chính là cái ý này. Ở trong triết học tâm và cảnh là
đối lập. Phật pháp không phải triết học, Phật pháp tâm và cảnh không phải đối
lập, là viên dung, là thống nhất. Ở trong đại kinh Phật thường hay nói sự việc
này với chúng ta; không một không khác. Bạn không thể nói nó là một, tại sao
vậy? Bạn nói nó là một, tâm là tâm, cảnh là cảnh, không thể nói một. Bạn cũng
không thể nói không một, không phải một. Nó là một tánh biến hiện ra. Lời nói
này hơi khó hiểu. Chúng ta dùng vàng để làm ví dụ, mọi người sẽ dễ hiểu. Ví dụ
bạn có một chiếc nhẫn làm bằng vàng và bạn có một chiếc vòng tay bằng vàng. Hai
thứ này bày ra ở đây, bạn nói nó là một hay là hai? Nếu bạn nói nó là một,
nhưng nhẫn không phải vòng tay, vòng tay không phải nhẫn. Nếu bạn nói nó là
hai, nhưng đều là vàng cả mà. Nhẫn là vàng ròng, vòng tay cũng là vàng ròng,
không có gì khác. Bạn không thể nói nó là hai, cũng không thể nói nó là một.
Không một không khác, tâm cảnh nhất như. Chữ như là nói tánh. Ngày nay chúng ta
nói tâm, nói tâm Bồ-đề: chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi là
ở trong tự tánh hiện ra. Tất cả cảnh giới cũng là ở trong tự tánh hiện ra. Cảnh
giới, nhỏ như cơ thể chúng ta, hoặc giả cái gắn liền nhất với cơ thể chúng ta
là áo lót chúng ta mặc, gắn liền nhất. Lớn, khắp pháp giới hư không giới, đây là
cảnh.
Cái tâm này của
chúng ta hiện nay là tâm duyên lự, có thể tư duy, có thể tưởng tượng, chúng ta
dùng tâm duyên lự. Cái tâm này là chân tâm hiện ra, là thức tâm biến ra. Toàn
bộ vũ trụ, toàn bộ pháp giới, đây chính là cái gọi là cảnh, cũng là cái tâm này
hiện ra, cũng là cái tâm này biến ra, không hai không khác. Năng sở không hai,
câu nói này ý nghĩa rất sâu. Cái năng biến là tự tánh, cái sở biến là vạn pháp.
Vạn pháp là tướng, tự tánh là thể, thể không lìa tướng, tướng không lìa thể.
Nếu tướng lìa khỏi thể, thì tướng không thể tồn tại. Tất cả hiện tướng phải
viên mãn đầy đủ đức năng của thể tánh, hiện nay chúng ta nói nhất định đầy đủ
bản năng của bản thể. Bản năng của bản thể là gì vậy? Ở trong Phật pháp gọi là
linh tri, ở trong kinh đại thừa Phật nói là kiến, văn, giác, tri. Kiến, văn,
giác, tri là bản năng của tự tánh, bất sanh bất diệt, không đến không đi, không
có không không. Nó đã biến hiện ra tất cả vạn sự vạn vật, lớn như thế giới, nhỏ
như vi trần. Nhân tâm thành thể, nó không bị mất đi đặc tính của tâm. Đặc tính
của tâm chính là linh tri. Tất cả vạn vật là sống, không phải chết. Tánh là
sống, nó biến ra mọi thứ, làm sao chết được? Tất cả vạn sự vạn vật, bản năng
của nó có thể thấy, có thể nghe, có thể giác, có thể biết. Phàm phu chúng ta tâm
ý lơ là, cho rằng những thực vật, khoáng vật này không có tri giác, sai rồi!
Thảy đều có tri giác. Ở trong Phật pháp nói linh tri, không gọi là tri giác,
gọi là linh tri.
Tiến sĩ Giang Bản
Thắng, Nhật Bản, họ của ông là Giang Bản, không giống như người Trung Quốc chỉ
một chữ, ông họ Giang Bản, tên là Thắng. Ông thực nghiệm chứng minh, chứng minh
nước (nước là vật chất) có đầy đủ đặc tính của tự tánh. Lá cây cũng thảy đều
đầy đủ. Vi trần cũng đầy đủ. Ông có thể thực nghiệm bùn cát đất đá. Tất cả vạn
vật bạn làm thực nghiệm bạn sẽ phát hiện, thảy đều biết nghe, đều biết thấy,
đều hiểu được ý của con người. Ở trong kinh Phật nói rất rõ ràng, rất sáng tỏ,
ông đặc biệt dùng phương pháp khoa học thực nghiệm chứng minh ra được. Ban đầu
chỉ chứng minh được một sự việc, sau đó bạn từ từ thực nghiệm, tất cả mọi vạn
vật thảy đều đầy đủ bản năng của tự tánh là kiến, văn, giác, tri.
Bây giờ thời gian đã hết! A Di Đà Phật!
MỘT CÂU A DI ĐÀ PHẬT NIỆM ĐẾN CÙNG
(Trung phong tam thời hệ niệm toàn tập)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Giảng tại Học viện Tịnh tông Úc Châu.
Thời gian: tháng 5 năm 2003
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư Sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hiền
Discussion about this post