“2 năm Covid-19 xảy đến này là 2 năm tuyệt vời nhất của tôi, chỉ ngồi trong chùa nhìn thân tâm mình, để xả ly hết, chỉ còn lại tôi trong suốt, không dính mắc, chẳng khổ đau. Đây cũng là 2 năm tôi làm được rất nhiều việc”.
Những chia sẻ của nhà văn Phan Việt, đồng thời là một nữ tu, phó giáo sư tại Đại học Minnesota (Hoa Kỳ) trong buổi trò chuyện trực tuyến mới đây từ một ngôi chùa tại Thái Lan với các bạn trẻ ở trong nước có thể mang đến sự vỗ về rất lớn cho nhiều người đang rối bời, thậm chí hoảng loạn giữa cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây nên.
Buổi trò chuyện nằm trong chuỗi hoạt động của Tủ sách Tinh hoa – Cà-phê thứ Bảy trẻ tổ chức.
Có một điều thú vị đang diễn ra những ngày đặc biệt vì đại dịch Covid-19 này, có lẽ không chỉ ở Việt Nam mà cả nhiều nơi trên thế giới, đó là trong khi rất nhiều người hoảng loạn, cuống cuồng sợ hãi hoặc nhẹ hơn, cảm thấy bất an, khủng hoảng, khả năng làm việc giảm sút… thì lại cũng có nhiều người hoàn toàn bình thản giữa tâm bão, vui sống từng khoảnh khắc và vẫn miệt mài làm việc của mình, thậm chí làm việc nhiều hơn trước.
Nhà văn Phan Việt là một người trong số những người làm việc được nhiều hơn trong quãng thời gian khó khăn này. Chị thành thật rằng khoảng thời gian qua rất tuyệt vời đối với chị, hoàn toàn chỉ ở một ngôi chùa tại Thái Lan mà 4 năm nay chị chọn là nhà mình. Suốt 2 năm chỉ ngồi trong chùa nhìn lại thân tâm mình, những dính mắc nhỏ nhất còn sót lại đều được xả ly hết, kể cả ảo tưởng cứu độ thế giới.
Trong trí huệ của một nhà tu hành và một phó giáo sư nghiên cứu về tôn giáo, hiện đang thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về mô hình trị liệu cho toàn bộ các bệnh về tâm thần của con người, nhà văn Phan Việt quan niệm rằng Covid-19 chỉ là một việc xảy ra trong một thế giới không bao giờ hết việc, một sự bình thường.
“Không có Covid-19 thì sẽ có một thứ khác tương tự. Giống như người ta không đánh nhau ở Trung Đông thì cũng đánh nhau ở châu Phi, không mưa đá ở đây thì sẽ lụt lội ngoài kia. Thế giới không bao giờ hết việc theo đúng nhân quả, nó không bao giờ ngừng chuyển động, nó không ngừng xảy ra, nó không bao giờ ngừng thị hiện” – người chấp bút Trái tim không – Cuộc đời và thơ của Thiền sư Yantra Amaro nói.
Chị nhấn mạnh rằng đại dịch Covid-19 cũng chỉ là một sự việc trong vô vàn sự việc không ngừng xảy ra ở thế gian vô thường, luôn luôn thay đổi này, rằng bản thân Covid-19 không phải là bất hạnh, khổ đau, mà chính cách nhìn của con người khiến mình cảm thấy nó là bất hạnh, khổ đau.
Nhà văn Phan Việt rất đồng cảm vớinhững người có cha mẹ, con cái, chồng/vợ thiệt mạng trong đại dịch đã và đang hoang mang, đau khổ bởi nỗi mất mát quá lớn, không biết cha mẹ, con cái, chồng/vợ mình đi đâu.
Chị hiểu rằng những người này, như bao con người giữa chốn nhân sinh vẫn còn đang sống trong cái ảo, cái tưởng về thế giới này – thế giới kia, về sống – về chết, nên mới có những ám ảnh, những dằn vặt về sống – chết như vậy. Còn khi mình chạm đến được cái “trong veo”, nhìn thế giới này đúng như nó là, đúng bản chất, đúng sự thật, thì sẽ khác, sẽ hiểu thế giới không có ngày xấu – ngày đẹp, không có đại dịch, nó chỉ đang hiện hữu theo đúng nhân quả và tất cả những hiện hữu này đều thanh tịnh, kể cả Covid-19.
Chỉ cần nhìn kỹ vào thân tâm mình thôi, sẽ thấy thế giới này không có cái bất hạnh, mà chỉ là mình cảm thấy bất hạnh. Thực hành sống bằng cái thiện, cái trong, cái sáng, cái thẳng thì sẽ nhận ra bất cứ cái gì hiện diện trong thế giới này cũng là một tài sản của mình, cũng đẹp, bao gồm cả những bất hạnh, cả Covid-19. Cho nên có Covid-19 hay không cũng không động một chút nào đến thân, tâm.
“Đại dịch xảy ra là nó tuân theo đúng quy luật của nó. Nó đến rồi nó sẽ phải đi. Hiện nay nó đang xảy ra nghĩa là nó đang đi qua rồi”, nhà văn Phan Việt trấn an.
Chị đưa ra lời khuyên cho mọi người hãy dùng cái tâm trong sáng mà đối xử với tất cả mọi thứ, đối với cả đại dịch Covid-19, thì sẽ không cần phải đôn đáo chạy dịch, không lo lắng, không chán nản, để mang cái trong veo, thanh tịnh của mình giúp được cho những người còn bấn loạn.
“Thế giới vận hành theo nhân quả, không liên quan gì đến mong cầu của ta. Hãy hiểu rõ điều đó. Mình chỉ cần làm hết sức của mình, với một thiện ý, thì tương lai sẽ có quả ngọt. Ai cũng có trí tuệ tuyệt vời để tự trả lời hết các câu hỏi của mình” – Phan Việt nhắn nhủ.
Phan Việt là tác giả tập truyện ngắn Phù phiếm truyện (2005); tiểu thuyết Tiếng người (2008); tập truyện ngắn Nước Mỹ, nước Mỹ (2009); và bộ sách Bất hạnh là một tài sản gồm ba cuốn Một mình ở châu Âu (2012), Xuyên Mỹ (2014), và Về nhà (2017).
Chị là tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam về ngành công tác xã hội. Hiện tại, Phan Việt là phó giáo sư tại Đại học Minnesota, Hoa Kỳ; đồng thời thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Phật giáo TP.HCM.
Từ năm 2018, Phan Việt sống tại chùa Rombodhidharma ở Thái Lan trong lúc vẫn làm việc tại Mỹ và Việt Nam. Chị chia đều thời gian giữa Mỹ, Việt Nam, Thái Lan và các nước cho các hoạt động khoa học, nghệ thuật, và thiện nguyện.
Ngoài giải thưởng văn học, chị từng được giải thưởng Người phụ nữ truyền cảm hứng của Trung tâm Văn hóa Birmingham, Hoa Kỳ và Bằng khen của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về những đóng góp cho sự phát triển nghề công tác xã hội của Việt Nam.
Thúy Hương
Discussion about this post