LY THAM, LY SÂN, LY SI
Cư Sĩ Nguyên Giác
Bài viết
này để kính dâng lên giác linh Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu, người vừa
viên tịch tuần trước, với nội dung sẽ trích hoàn toàn từ bản Việt dịch của ngài
trong Kinh Tương Ưng Bộ, tập trung trả lời câu hỏi về con đường giải thoát —
ly tham, ly sân, ly si.
Duyên khởi
vì Thầy Thích Minh Trí, trụ trì Chùa Phúc Lâm, cho biết rằng một cuộc thảo luận
trên mạng giữa một vài vị trí thức trong và ngoài nước trong ngày 2-9-2012 đã “gợi
lên một đề tài đáng suy ngẫm, rằng Đạo
Phật có kêu gọi diệt Tham, Sân, Si hay không?” và nêu rằng cần sử dụng kinh
Phật để gạn lọc cho minh bạch.
Hai trích
đoạn sau từ 2 quan điểm đã được Thầy Thích Minh Trí tô đậm cho nổi bật.
Nhà văn Huỳnh
Ngọc Chênh đã viết nhân ngày lễ 2-9-2012, trích:
“...Con đường của chàng là mỗi người nên từ bỏ tham sân si, lấy từ
bi hỉ xả thương yêu mọi người để mà tiến đến sự tự giải thoát. Chàng trở thành Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni. Con đường của chàng vạch ra đã hơn 2000 năm trôi qua,
hiện nay vẫn là lẽ sống của gần cả tỷ người trên hành tinh này...” (hết trích)
Phản hồi
của Kỹ Sư Lê Quốc Trinh từ Canada viết, trích:
“…Là con người không ai có thể từ bỏ hay diệt tham sân si được đâu,
vì đó là trạng thái tâm lý, hiện tuợng năng lượng phát triển. Thái tử Tất Đạt
Ta đã vì lòng ham muốn “tìm chân lý” mà phải trải qua biết bao khổ cực, suýt
chết đấy. Tham Sân Si thường được Đức Phật so sánh như ba ngọn lửa nóng. Đó là
năng lực cần thiết để con người có ý chí kiên trì đạt đến mục tiêu tối hậu. Tuy
nhiên Đức Phật không hề kêu gọi “diệt” tham sân si, ngược lại Ngài hướng dẫn phương
pháp tu hành để phát triển trí tuệ nhằm kiểm soát ba ngọn lửa đó. Ba nguyên tắc
tu học theo thứ tự ưu tiên là GIỚI, ĐỊNH, TUỆ. Chỉ có con đường GIÁC NGỘ, phát
triển trí tuệ khám phá chân lý mới giải thoát con người khỏi khổ não mà thôi.
Nói chính xác hơn thì phát triển trí tuệ đi đến giác ngộ chỉ là phương
tiện, mà hướng tiến đến chính là “lòng từ bi” yêu thương chúng sinh. Có trí tuệ
mà thiếu từ bi thì nguy hiểm vô cùng đấy ông. Có lòng từ bi nhưng không biết hỷ
xả (bằng trí tuệ) thì con người cứ bị mắc kẹt mãi trong vòng lẫn quẩn của thù
hận…” (hết trích)
Trước tiên,
để nói ngắn gọn: tham, sân, si còn được gọi là ba pháp bất thiện, thường gọi là
ba độc, khởi lên vì duyên theo các tâm sở phiền não, vì Abhidhamma (A Tỳ Đàm,
tức Thắng Pháp Luận) nói rằng, “Không có gì sinh
ra mà không có nguyên nhân, không có gì sinh ra mà chỉ do một nguyên
nhân…” Câu hỏi nơi đây là có phải trừ diệt hay không? Cả hai quan
điểm đối trị và chuyển
hóa thực sự đều không sai, vì đều có ghi trong Kinh Phật, nhưng vẫn thường
tránh chữ diệt tham sân si, mà chỉ nói ly tham sân si, có khi gọi là
đoạn tận tham sân si... vì tất cả đều từ duyên khởi.
Sau đây
là trích từ Kinh Tương Ưng Bộ, bản Việt dịch của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích
Minh Châu, về nhiều phương pháp để giải thoát, trong đó những pháp chúng ta thường
được quý Thầy nhắc tới là:
(1) tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác,
như thật chứng ngộ Bốn Thánh Đế;
(2) dùng chánh tri kiến, chánh định,
nhiếp phục tham sân si, tu tập Bát Thánh Đạo;
(3) Thất giác chi (Trạch pháp, Tinh
tấn, Hỉ, Khinh an, Niệm, Định, Xả). Chỉ cần tu tập một giác chi cũng có thể đi đến
kết quả thấy biết như thật, giải thoát lậu hoặc khổ đau. “Tu tập một giác chi đã có thể thành tựu mục đích của đời
sống phạm hạnh, huống nữa là tu tập cả Thất giác chi”. (Phật Học
Khái Luận, HT Thích Chơn Thiện, dẫn Tương Ưng Bộ Kinh tập V, http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-76_4-13343_5-50_6-3_17-167_14-1_15-1)
Trong Trạch pháp có nói về cái nhìn chánh tri kiến, “Cái này không phải
của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.” Trong
chi Niệm, thường tu tập là Tứ Niệm Xứ. Trong chi Định còn có pháp Thiền Chỉ
Quán. Trong chi Xả thường được giới Phật Giáo Thái Lan dẫn câu của ngài Buddhadasa
Bhikkhu: “…let go of [the clinging to] your
mind and body.” (Hãy xả bỏ sự dính mắc vào thân và tâm); Phật Giáo
Việt Nam thường dẫn bài Bát Nhã Tâm Kinh.
(4) Đức Phật dạy, “Này các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không có tư niệm, không có tư
lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở
duyên không có mặt thời thức không an trú. Do thức ấy không an trú và không
tăng trưởng, nên trong tương lai tái hữu không sanh khởi.” (Kinh Tương Ưng
Bộ, VIII. Cetanà: Tư Tâm Sở). Có lẽ Kinh này dẫn tới pháp Thiền Tông Đông Độ, với
ngài Bồ Đề Đạt Ma nói “pháp vô tâm,” và ngài Huệ Năng nói, “pháp vô niệm.”
Tất cả trích dẫn sau là từ Kinh Tương Ưng Bộ,
bản Việt dịch của ngài Thích Minh Châu (link: http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-509_5-50_6-1_17-53_14-1_15-1)
*
II.
Người (S.i,70)
1) Tại
tịnh xá ở Sàvatthi.
2) Rồi
vua Pasenadi nước Kosala, đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi
xuống một bên.
3) Ngồi
xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
— Có
bao nhiêu loại pháp, bạch Thế Tôn, khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ
đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy?
4) —
Thưa Đại vương có ba loại pháp khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa
lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy. Thế nào là ba? Tham pháp, thưa Đại
vương, khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và
bất an cho người ấy. Sân pháp, thưa Đại vương, khi khởi lên trong nội tâm của
một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an trú cho người ấy. Si pháp,
thưa Đại vương, khi khởi lên trong nội tâm của một người sẽ đưa lại bất lợi,
khổ não và bất an cho người ấy. Ba pháp ấy, thưa Đại vương, khi khởi lên trong
nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy.
*
34.IV.
Khăn Đầu (S.v,440)…
2) —
Này các Tỷ-kheo, khi khăn đầu hay đầu bị lửa cháy, thời phải làm gì?
— Bạch
Thế Tôn, khi khăn đầu hay bị bị lửa cháy, để dập tắt khăn đầu hay đầu cần phải
có ước muốn tăng thượng (chanda), tinh tấn (vàyàmo), cố gắng (ussàho), nỗ lực
(ussohii), không có thối thất (appativami), chánh niệm và tỉnh giác.
3) — Bỏ
qua đầu và khăn bị cháy, này các Tỷ-kheo, không có tác ý để như thật chứng ngộ
bốn Thánh đế, chưa được chứng ngộ, cần phải có ước muốn tăng thượng, tinh tấn,
cố gắng, nỗ lực, không thối thất, chánh niệm và tỉnh giác. Thế nào là bốn?
4) Thánh
đế về Khổ… Thánh đế về Con Đường đưa đến Khổ diệt.
5) Do
vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Đây là
Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Đây là Con Đường đưa
đến Khổ diệt”.
*
84.VIII.
Bạn Hữu Với Thiện (2) (S.v,37)…
2) — Ta
không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, Thánh đạo Tám ngành
được tu tập, được làm cho viên mãn. Chính là bạn hữu với thiện.
3) Với
Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành sẽ
được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo,
như thế nào là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho
sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở
đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến với cứu cánh là nhiếp phục
tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si… tu tập
chánh định với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với
cứu cánh là nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo bạn hữu với
thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
*
XVIII.
Phẩm Bộc Lưu – 165-174. I-IX. (S.v,139)…
2) —
Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm? Tham sắc giới,
tham vô sắc giới, mạn, trạo cử, vô minh. Đây là năm thượng phần kiết sử.
3) Này
các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng
phần kiết sử này, bảy giác chi cần phải tu tập. Thế nào là bảy?
4) Ở
đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi… tu tập xả giác chi với
mục đích nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, nhập vào bất tử, lấy
bất tử làm tối thượng, lấy bất tử làm cứu cánh, thiên về Niết-bàn, hướng về
Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.
5) Này
các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng
phần kiết sử này, bảy giác chi này cần phải tu tập.
*
VII.
Không Phải Của Ông (Tạp 12.13, Phi Nhữ Sở Hữu, Đại 2, 84a) (S.ii,64)
1) …
Trú ở Sàvatthi.
2) –Này các Tỷ-kheo, thân thể này không phải của các Ông, không phải của người
khác.
3) Thân
này, này các Tỷ-kheo, phải được xem là do hành động, do sắp đặt, do sự cố ý, do
sự cảm thọ trong quá khứ.
4) Ở
đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đa văn khéo léo chân chánh suy nghiệm định
lý duyên khởi như sau:
5)
“Cái này có mặt cái kia có mặt. Do cái này sanh khởi, cái kia sanh khởi.
Cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt.
“Tức là do duyên vô minh có các hành. Do duyên hành có thức… như vậy là
sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách
hoàn toàn, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt… như vậy là sự đoạn
diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
*
VIII.
Cetanà: Tư Tâm Sở (Tạp 14.19, Tư Lường. Đại 2,100a) (S.ii,65)
1) …
Trú ở Sàvatthi.
2) …
Này các Tỷ-kheo, cái chúng ta tư niệm, tư lường, có thầm ý, cái ấy trở thành sở
duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy
an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái
hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như
vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
3) Này
các Tỷ-kheo, nếu không có tư niệm, không có tư lường nhưng nếu có thầm ý,
(canuseti), cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt
thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái
hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu,
bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
4) Này
các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không có tư niệm, không có tư lường, không có thầm ý,
thời không có sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên không có mặt thời thức
không an trú. Do thức ấy không an trú và không tăng trưởng, nên trong tương lai
tái hữu không sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu không có mặt trong tương lai, nên
sanh, già chết, sầu, bi, ưu, não được đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của
toàn bộ khổ uẩn này.
*
[20]
Chương XI
Tương
Ưng Thí Dụ
I. Chóp
Mái (S.ii,262)
1) Như
vầy tôi nghe.
Một thời
Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại vườn ông Anàthapindika
(Cấp Cô Độc).
2) Ở
đây, Thế Tôn nói như sau:
3) — Ví
như, này các Tỷ-kheo, một ngôi nhà có nóc nhọn cao, phàm có những cây kèo xa
nào, tất cả chúng đều đi đến góc nhọn, đều quy tựa vào góc nhọn, đều châu đầu
vào góc nhọn, tất cả chúng đều đâm đầu vào một gốc.
4) Cũng
vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những bất thiện pháp nào, tất cả chúng đều lấy vô
minh làm cội rễ, đều lấy vô minh làm điểm tựa, đều châu đầu vào vô minh, tất cả
chúng đều đâm đầu vào một gốc.
5) Do
vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng ta hãy sống
không phóng dật”.
*
VI. Tỉnh
Mặc (Tạp, 3.7-8, Thọ, Đại 2,17a) (S.iii,15)
1) Nhân
duyên tại Sàvatthi…
2) —
Này các Tỷ-kheo, hãy trú tâm, dán tâm vào tỉnh mặc. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
có tỉnh mặc hiểu biết một cách như thật.
3) Hiểu
biết gì một cách như thật? Sắc tập khởi và đoạn diệt; thọ tập khởi và đoạn
diệt; tưởng tập khởi và đoạn diệt; các hành tập khởi và đoạn diệt; thức tập
khởi và đoạn diệt ( Như kinh trước, từ số 4 đến số 18 ).
*
III. Vô
Ngã (S.iii,21)
1-2)
Nhân duyên ở Sàvatthi…
3-7) —
Này các Tỷ-kheo, sắc là vô ngã…, thọ là vô ngã…, tưởng là vô ngã…, các
hành là vô ngã…, thức là vô ngã…
8) Thấy
vậy, này các Tỷ-kheo, vị Đa văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với
thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm
ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi
lên: “Ta được giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh
đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này
nữa”.
*
X. Dục
Được Đoạn Trừ (S.iii,161)
1-2)
Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) —
Này các Tỷ-kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào, phàm có những
chấp thủ phương tiện, tâm thủ trước, thiên chấp tùy miên nào đối với sắc… hãy
đoạn trừ chúng. Như vậy, sắc ấy sẽ được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ…
4-6)…
Đối với thọ… đối với tưởng… đối với các hành…
7) Này
các Tỷ-kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào, phàm có những chấp
thủ phương tiện, tâm thủ trước, thiên chấp tùy miên nào đối với thức, hãy đoạn
trừ chúng. Như vậy, thức ấy sẽ được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như
thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi lại trong tương
lai.
*
TẬP IV –
THIÊN SÁU XỨ
Tương
Ưng Vô Vi
Phần Hai
– Phẩm Hai
I. Vô Vi
I. Chỉ
(S.iv,362)
1) —
Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về vô vi, và về con đường đưa đến vô vi. Hãy lắng
nghe.
2) —
Này các Tỷ-kheo, thế nào là vô vi? Này các Tỷ-kheo, sự đoạn tận tham, sự đoạn
tận sân, sự đoạn tận si; này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô vi.
3) Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi? Chỉ, này các Tỷ-kheo, đây
là con đường đưa đến vô vi.
4) Như
vậy, này các Tỷ-kheo, Ta thuyết về vô vi, Ta thuyết về con đường đưa đến vô vi.
5) Này các
Tỷ-kheo, những gì một bậc Đạo sư cần phải làm cho những đệ tử, vì hạnh phúc, vì
lòng từ mẫn, vì khởi lên lòng từ mẫn đối với họ; tất cả, Ta đã làm cho các Ông.
6) Này
các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống, hãy tu tập Thiền
định. Chớ có phóng dật. Chớ để hối hận về sau. Đây là lời giáo giới của Ta cho
các Ông.
II.
Quán.
1)– Và
này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về vô vi và con đường đưa đến vô vi.
Hãy lắng nghe.
2) Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là vô vi? Này các Tỷ-kheo, sự đoạn tận tham, sự đoạn
tận sân, sự đoạn tận si ; này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô vi.
3) Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi? Quán, này các Tỷ-kheo, đây
là con đường đưa đến vô vi.
…
III. Sáu
Định (S. iv. 62)
…
3) — Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi? Định Vô tướng, này các
Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô vi…
IX. Bốn
Niệm Xứ (1) (S.iv,363)
…
3)– Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi? Ở đây, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo sống tùy quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp
phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến vô vi…
X – XII.
Bốn Niệm Xứ (2-4)
…
3)… Ở
đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tùy quán thọ trên thọ… tùy quán tâm trên
tâm… tùy quán pháp trên pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô
vi…
XIV –
XVI. Bốn Chánh Cần (2-4)
…
3)– Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi? Ở đây, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo phát sanh lòng ước muốn rằng các ác bất thiện pháp đã sanh được đoạn
tận, tinh cần, tinh tấn, kiên tâm, trì chí… phát sanh lòng ước muốn rằng các
thiện pháp chưa sanh được sanh khởi… phát sanh lòng ước muốn rằng các thiện
pháp đã sanh được an trú, không tán thất, được tăng trưởng, được quảng đại,
được tu tập, được viên mãn, tinh cần, tinh tấn, kiên tâm, trì chí. Này các
Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô vi.
XXXI-XXXVII.
Bảy Giác Chi (1-7) (S.iv,367)
…
3)– Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tu
tập niệm giác chi… trạch pháp giác chi… tinh tấn giác chi… hỷ giác chi…
khinh an giác chi… định giác chi… xả giác chi, y cứ viễn ly, y cứ ly tham,
y cứ diệt tận, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô
vi…
XXXVIII-XLV.
Tám Chánh Đạo (1-8) (S.iv,367)
…
3)– Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tu
tập chánh tri kiến… chánh tư duy… chánh ngữ… chánh nghiệp… chánh
mạng… chánh tinh tấn… chánh niệm… chánh định, y cứ viễn ly, y cứ ly tham,
y cứ diệt tận, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô
vi…
***
XXXIII.
Đến Bờ Bên Kia (Paràyanam)
1) —
Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về sự đến bờ bên kia và con đường đưa
đến bờ bên kia, hãy lắng nghe.
2) Này
các Tỷ-kheo, thế nào là đến bờ bên kia? Này các Tỷ-kheo, sự đoạn tận tham, sự
đoạn tận sân, sự đoạn tận si ; này các Tỷ-kheo, đây gọi là đến bờ bên kia.
3) Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến bờ bên kia? Thân niệm, này các
Tỷ-kheo, là con đường đưa đến bờ bên kia.
4) Như
vậy, này các Tỷ-kheo, Ta thuyết về sự đến bờ bên kia, Ta thuyết về con đường
đưa đến bờ bên kia.
5) Này
các Tỷ-kheo, những gì một bậc Đạo sư cần phải làm cho những đệ tử, vì hạnh
phúc, vì lòng từ mẫn, vì khởi lên lòng từ mẫn đối với họ; tất cả, Ta đã làm đối
với các Ông.
6) —
Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống, hãy tu tập
Thiền định. Chớ có phóng dật. Chớ để hối hận về sau. Đây là lời giáo giới của
Ta cho các Ông.
(đ
Discussion about this post