LƯỢC SỬ CÁC TÔN GIÁO
Ở LÀNG PHƯƠNG LANG XÃ HẢI BA
Tâm Hải – Nguyễn Khê
Làng Phương Lang là một làng cổ của vùng đất Thuận Hóa, cách đây trên 500 năm, anh em nhà họ Võ, là Võ Công Lữ và Võ Công Đường (Khổng Công Đường) người làng Trường Cát, Phù Anh Đô, xứ Nghệ An Trung đô đã đến khai hoang lập làng theo chiếu chỉ của Vua Lê Thánh Tông sức dân vao nam lập nghiệp. Người dân Việt dù đi đâu, ở đâu cũng luôn mang theo tín ngưỡng, tôn giáo thờ cúng Tổ tiên, tôn kính Thần, Phật và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng,…bởi ngoài vật chất, con người còn có tinh thần, niềm tin và đã trở thành truyền thống lâu đời trong dân gian, đó là những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
Nhìn chung, lịch sử của làng cũng có lịch sử của các tôn giáo đi cùng, có tôn giáo được hình thành từ lâu, có tôn giáo mới hình thành; có tôn giáo đi cùng với người người dân bền vững và cũng có tôn giáo chỉ hình thành một thời gian rồi tan rã… Quá trình, hình thành làng cho đến nay, ngoài tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên thì có 2 tôn giáo là Phật giáo và Thiên chúa giáo với những quan niệm giáo lý và các hình thức lễ nghi phù hợp với người dân, người dân có niềm tin vào cái thiêng, cái huyền bí, ở đó chứa đựng những yếu tố siêu nhiên, nó có một sức mạnh, một quyền lực to lớn có thể cứu giúp con người khỏi khổ đau, có được hạnh phúc và bình yên, từ đó người tin tưởng và đi theo
1. Phật giáo:
Phật giáo được truyền vào Việt Nam cuối thế kỷ thứ 2 và đầu thế kỷ thứ 3, gần 2000 năm đồng hành cũng dân tộc, truyền thống văn hóa của Phật giáo đã ăn sâu vào tâm khảm của người dân Việt; ở làng Phương Lang không biết chắc đạo Phật được hình thành từ lúc nào, nhưng trên địa bàn làng có 2 ngôi cổ tự, một ngôi chùa ở giữa làng là “Phương Lang Cổ Tự”, một ngôi chùa ở phía Tây làng là “Chùa Ngọc” và cũng không biết đợc xây dựng từ lúc nào, bởi vì chiến tranh nhiều cuộc đã làm mất các chứng tích, các bậc bô lão cũng không biết cụ thể.
Chùa làng thờ tiền Phật hậu linh (thờ 2 vị khai khẫn và 6 vị khai canh của làng). Trước đây, làng có mời các vị Tăng già (Bồ tát tại gia) về làm trụ trì, để lo việc truyền đạo, lo các lễ cúng thờ, lo hương khói hằng ngày… Làng trích ruộng đất để có hoa lợi chăm sóc thờ tự. Trong các giai đoạn chống Pháp, ngôi chùa Ngọc đã bị hư hỏng nặng, đến nay chỉ còn ngôi miếu gọi là miếu chùa Ngọc.
Mặc dù đạo Phật có từ rất sớm ở làng, nhưng phải đến năm 1950, khi phong trào chấn hưng Phật giáo ra đời thì đạo Phật mới phát triển rộng rãi trong nhân dân; các Khuôn hội Phật giáo, gia đình Phật tử (GĐPT), niệm Phật đường phát triển mạnh; nhân dân trong làng tham gia vào khuôn hội đông, số người trẻ gia nhập tổ chức GĐPT ngày càng nhiều.
Để tạo điều kiện hội họp, hoạt động cũng như sinh hoạt của khuôn hội của GĐPT, làng đã cấp cho khuôn hội 5 sào ruộng để xây dựng ngôi Niệm Phật đường vào năm 1961 (địa điểm hiện nay tại nhà bia ghi danh các Liệt sĩ). Trong làng cũng có nhiều vị xuất gia học Phật đã có bằng cấp cao, có chức vị lớn trong Phật giáo như:
– Hòa thượng Thích Màn Giác (thế danh là Võ Viết Tính), năm 1960 du học ở Nhật Bản, năm 1965 đậu tiến sỹ triết học, về nước được mời làm giáo sư tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, Huế; Hòa thượng giữ chức vụ phó viện trưởng viện Đại học Vạn Hạnh; năm 1978, định cư tại Hoa Kỳ Hòa thượng giữ chức vụ Hội chủ tổng hội Phật giáo Hoa Kỳ; hòa thượng không chỉ là một vị tu sĩ mà còn là một thi sĩ, nhà văn, nhà dịch giả,…với bút hiệu là Huyền Không với nhiều bài thơ nổi tiếng như: Nhớp chùa, Không bến hạn, Không gian thành chiếc áo,.. Ngoài những đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa Thượng còn quan tâm đến quê hương, Hòa Thượng đã tài trợ cho làng tân tạo ngôi đình làng vào năm 2001, ngôi chùa làng năm 1995 và nhiều hỗ trợ khác cho dân làng
– Hòa thượng Thích Trí Hải (thế danh là Võ Viết Hữu), Hòa Thượng là thành viên Hội Đồng Chứng Minh Trung Ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, phó trưởng ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị, trú trì Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang tỉnh Quảng Trị và chùa Hải Đức Huế. Trong quá trình hoạt động Phật sự, Hòa Thượng còn cùng với Hòa Thượng Thích Mản Giác tài trợ cho làng xây dựng đình và chùa làng năm 1995, năm 2005 khi chùa xuống cấp, Hòa Thượng đã tài trợ xây dựng lại toàn bộ ngôi chùa làng hiện nay và nhiều tài trợ khác như: Đúc tượng Phật bằng đồng, đại hồng chung tại chùa làng, xây dựng 2 trường mầm non…
– Thượng tọa Thích Thiện Tuệ, giám tự chùa Quang Minh ở Huế, đỗ Tiến sỹ khoa Sử
– Đại đức Thích Trung Định, trú xứ tại chùa Quy Thiện, đỗ Tiến sỹ Phật học. Thầy cũng có những tác phẩm sách như: Như một dòng sông, Những suy nghĩ về lời Phật dạy qua kinh tạng Pali, và cuốn Tam vô lậu học qua kinh tạng Pali. Thầy là cộng tác viên cho tờ bào Văn hóa và báo Giác ngộ.
Ngoài ra trong làng còn có khoảng 20 vị Tăng, Ni đã thọ giới Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, đã qua đại học Phật giáo, có vị đang là trú trì các chùa trong và ngoài tỉnh. Hiện nay ngôi chùa Phương Lang cổ tự do Đại đức Thích Nguyên Tấn trú trì
Các hoạt động tu tập và Phật sự được tổ chức thường xuyên vào các ngày rằm, ngày mồng một hằng tháng và các lễ lớn cũng như các ngày cúng các vị tiền khai khẩn hậu khai canh, hiệp kỵ quá cố công đức các hội viên, huynh trưởng, đoàn viên GĐPT và các hương linh ký tự tại chùa được tổ chức chu đáo nghiêm trang.
Nhìn chung, đạo Phật từ khi hình thành đã đi vào cuộc sống của người dân làng, có đến 60% dân số trong làng có thờ Phật, đi chùa và đồng hành với hoạt động Phật sự.
2. Thiên chúa giáo:
Thiên chúa giáo có mặt tại làng vào khoảng năm 1950, khi Ngô Đình Diệm lên giữ chức Tổng thống ở miền Nam Việt Nam, những người có chân trong nhà nước và những người muốn tham gia vào công việc, chức vụ của nhà nước lúc đó một số đi theo Thiên chúa giáo để dựa vào thế lực của đạo này, kể cả một số gia đình theo đạo , để hưởng được những ưu ái về vật chất; cả làng có khoảng 10 gia đình theo đạo, qua thời gian 10 năm số tín đồ không tăng thêm, con em giáo dân không có người đi tu để làm linh mục, bà xơ; trong làng không có nhà thờ, không có nhà nguyện.
Năm 1963 khi nhà nước Ngô Đình Diệm sụp đổ, trong làng chỉ còn vài nhà tiếp tục theo đạo. Đến năm 1975, khi đất nước thống nhất thì trong làng không có hoạt động và không có người đi theo đạo Thiên chúa giáo.
Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội, ở làng Phương Lang không đa dạng lắm, ngoài tín ngưỡng dân gian bản địa về thờ cúng tổ tiên, thể hiện đạo Hiếu làm người, thì Phật giáo Đại thừa và Thiên chúa giáo (hay Ki tô giáo) là những tôn giáo có mặt ở làng; Trong đó Phật giáo hòa nhập tốt với tín ngưỡng của người dân và được nhân dân ủng hộ; và như vậy, tôn giáo có ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, tâm linh của người dân, nó là niềm tin, là sự mong cầu hạnh phúc và bình yên của bao gia đình.
(Bài viết trích trong Kỷ yếu Làng Phương Lang, Nhân lễ kỷ niệm 550 thành lập làng Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.)
Tâm Hải – Nguyễn Khê
Discussion about this post