Theo truyền thống, Kinh Lăng Nghiêm được sư người Ấn Độ tên Bát Lạt Mật Đế (般羅蜜帝) và 2 vị phụ tá dịch năm 705 tại chùa Chế Chỉ (制止寺) ở Quảng Đông, dưới sự bảo trợ của Phòng Dung (房融), một quan gián đại phu của Hoàng hậu Võ Tắc Thiên vừa bị giáng chức xuống hàng quan địa phương tại quê mình. Có người cho là kinh do Phòng Dung viết lại với một lối hành văn cổ điển lưu loát khác hẳn các bản dịch khác. Phẩm chất văn chương, sự thiếu nổi danh của những người dịch, những bình luận về các bực thầy giả hiệu, và sự ưa chuộng trong những người “hợp nhất tam giáo” là nguyên nhân của nhiều sự cáo buộc kinh là ngụy tác. Vì lý do này, kinh suýt bị thiêu hủy ở Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8 và luôn luôn được giữ như của riêng tư ở Nhật. Mặc dầu thế, cộng đồng Phật giáo Trung Hoa và nhiều chuyên gia thời hiện đại như Ron Epsein của Đại học San Francisco và La Hương Lâm (羅香林) của Đại học Hồng Kông, xem Kinh Lăng Nghiêm là một bản dịch tốt đẹp từ tài liệu tiếng Phạn và không phải là một sáng tác của Trung Hoa. Do không tìm được bản Phạn văn, cuộc tranh biện học thuật về tính chân truyền từ Ấn Độ hay ngụy Kinh từ Trung Quốc không có hồi kết. Tín đồ Phật giáo Hán truyền cho Kinh này là do đức Phật thuyết giảng trong thời đại ngài. Các học giả Phật giáo Trung Quốc như Lữ Trừng (吕澄) qua quyển Lăng nghiêm bách ngụy (楞严百伪)và học giả thế giới cho Kinh này được ra đời vào thời Đường ở Trung Quốc và khéo liệt vào các tác phẩm Kinh điển có xuất xứ từ Ấn Độ. Xem thêm: Kinh Ngụy Tạo (Apocrypha) Chúng tôi giới thiệu bản dịch Việt quyển Lăng Nghiêm Bách Ngụy do Nguyễn Thành Sang tự là Diệu Trai Cư sĩ dịch để các nhà học Phật tuỳ nghi nghiên cứu. |
LĂNG-NGHIÊM BÁCH NGỤY
(MỘT TRĂM ĐIỀU GIẢ DỐI CỦA “KINH LĂNG-NGHIÊM”)
楞嚴百偽
Nguyên tác: LỮ TRỪNG.
Dịch Việt: DIỆU TRAI cư sĩ. (Nguyễn Thành Sang)
Niên dịch: 2014. Email: thanhsang.nsb@gmail.com Phone: 012.555.00.131
Phật điển đời Đường được phiên dịch thịnh nhất, sự truyền bá của Ngụy kinh cũng thịnh nhất. Nhân Vương[1] là ngụy, Phạm Võng[2] là ngụy, Khởi Tín[3] là ngụy, Viên Giác[4] là ngụy, Chiêm Sát[5] là ngụy. Thật-xoa[6] trùng dịch Khởi Tín, Bất Không[7] dịch lại Nhân Vương, lại là điều ngụy trong ngụy; mà đều thịnh hành vào đời Đường. Ngay cả một bộ kinh Lăng-nghiêm là tập đại thành của ngụy thuyết, dường như văn từ khéo léo, thích nghĩa kỹ càng, thật thích hợp với kẻ ưa phù phiếm hư hão theo tính tình thổ dân nơi đây (chỉ Trung Quốc), cho nên nó lưu hành càng rộng. Phái Hiền Thủ dựa theo để giải thích Duyên khởi, phái Thiên Thai dẫn ra để giảng Chỉ Quán (Thiền), Thiền Tông vin lấy để chứng Đốn siêu, Mật Tông lại nắm lấy để thông với Hiển giáo. Đời Tống – Minh tới nay, kẻ Thích tử đàm luận huyền mầu, nhà Nho bài Phật, dường như chẳng ai không dính líu đến Lăng-nghiêm. Một môn siêu xuất mà vạn hạnh đều phế, căn bệnh hồ đồ lệch lạc này nhập sâu đến cao hoang[8], bèn khiến cho Phật Pháp trì trệ muốn đình đốn, kéo mãi đến nay làm mê hoặc bọn ngu chấp vững chẳng cải biến đặng giống hệt “a dua cái lớn”[9]. Tà thuyết không trừ thì Chính Pháp không tỏ, từ bỏ thì bài xích, cũng không dung thứ được. Chỉ có Kinh này lưu truyền đã lâu, phụ họa thêm nhiều, phân tích lột tả sợ rằng khó mà chu toàn. Nay trước tiên đề ra chứng minh một trăm điều ngụy soạn của Kinh văn, đem bày luận sẵn, ngoài ra còn phải được sự bổ sung cho đúng của thầy bạn.
Nguyên chú thích dưới đề Kinh Lăng-nghiêm rằng: “Còn tên nữa là Ấn Độ Na-lạn-đà Đạo Tràng Kinh, với Quán Đỉnh bộ chép ra biệt hành”.[10] Đây là ăn cắp từ câu: “Từ Kim Cương Đại Đạo Tràng Kinh đi ra” trong “Bài tựa Đà-la-ni Tập Kinh” mà phỏng theo sửa đổi. Đạo tràng Kim Cương gọi là Bồ-đề Kim Cương tòa, đức Phật ở đó thuyết những bài như Nhất Tự Đỉnh Luân Vương Kinh… sửa thành Na-lạn-đà thì không thể thông rõ được. Đó là điều ngụy thứ 1.
Mật Bộ Kinh Quĩ có Quán Đỉnh Mạn-đồ-la Tác Pháp bèn xưng là “Quán Đỉnh bộ” như những bài Đại Nhật Kinh, Kim Cương Đính Kinh… Toàn bộ Kinh Lăng-nghiêm không hề nhập với thuyết của đàn Quán Đính mà dám bịa đặt là đi ra từ Quán Đính bộ. Đó là điều ngụy thứ 2.
Tục dịch Kinh đồ ký của Trí Thăng chép bài từ truyền nghe rằng Kinh Lăng-nghiêm được dịch bởi Cực Lượng[11] vào ngày 23 tháng 5 năm Thần Long thứ nhất (705), Phòng Dung chắp bút. Xét ra Phòng Dung vào ngày Giáp Dần (ngày 4) tháng 2 năm Thần Long thứ nhất (705) đã lưu đến Cao châu (thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay), châu ấy cách kinh thành hơn 6’200 dặm (theo Cựu Đường Thư quyển 41), lội bước non ải, mỗi ngày tính ra đi mười dặm số cũng đến trăm ngày e chưa chắc đến được nơi biếm chức, làm sao Phòng Dung có thể đến Quảng châu chắp bút mà làm nên bộ dịch này? Đó là điều ngụy thứ 3.
Trí Thăng lại bảo là Hoài Địch chứng dịch, Hoài Địch từng dự trong chứng văn của Kinh Đại Bảo Tích (theo “Khai Nguyên lục“), xét theo Kinh Đạo Bảo Tích do Từ Ngạc thuật lại trường dịch làm chứng văn có ông Tuệ Địch chứ không có Hoài Địch. Lại trong “Khai Nguyên lục” gọi Hoài Địch đối với Bảo Tích dịch Tất Nam qui nghĩa là dịch Lăng-nghiêm. Bảo Tích được hoàn thành vào năm Tiên Thiên thứ hai (713), còn Lăng Nghiêm dịch vào năm Thần Long thứ nhất (705), trước sau cách nhau đến 8 năm, làm sao có thể làm chứng được đây? Đó là điều ngụy thứ 4.
Tựa Kinh Lăng-nghiêm: trước tiên đi ra từ một sự việc là A-nan bị đọa do chú thuật của Ma-đăng-già, đây là ăn cắp từ Kinh Ma-đăng mà soạn nên. Căn cứ Lăng-nghiêm quyển 2, vua Ba-tư-nặc tự nói là 62 tuổi. Theo Tỳ-nại-da Tạp Sự quyển 20 thì Phật và vua ấy cùng tuổi nhau nên cũng là 62 tuổi. A-nan vào lúc đức Phật tròn 60 tuổi đã làm thị giả của Phật rồi (theo Trung A-hàm q.8…), khi đó làm sao được rời Phật đi long nhong để đến nỗi mắc nạn Ma chứ? Đó là điều ngụy thứ 5.
Tựa Kinh Lăng-nghiêm lại bảo rằng: “Vừa lúc các vị Tỳ-khưu nghỉ ngơi dịp tự tứ mùa hạ”[12], xét theo các Luật văn thì vào lúc an cư không được rời khỏi giới thì huống chi chạy long nhong? Còn như ông trọn ngày chưa trở về cũng phải nên ở trong kết giới khác để cộng hành tự tứ, làm sao có thể đi một mình khất thực được? Nói như thế ắt hẳn là không hiểu rõ Tăng chế mà làm bậy. Đó là điều ngụy thứ 6.
Kinh nói: “Hội tự tứ đã xong, bèn đến dự tiệc chay của vua”[13]. Nhưng theo Luật chế, sau khi tự tứ phải tác y, tác xong mới được đi nơi khác, làm sao được nhận lời thỉnh của vua? Đây cũng là không hiểu rõ Tăng chế mà nói bậy. Đó là điều ngụy thứ 7.
Tục lệ Ấn-độ: Những hàng “tiện tộc” (dòng thấp hèn) Chiên-đà-la (Caṇḍāla) phải sống ở bên ngoài thành. Luật chế rằng Tỳ-khưu không được vào nhà cho nên trong Kinh Phật chỉ nói là vào thành khất thực, không nghe giao du. A-nan làm sao được qua nhà của dâm nữ mà tự chuốc phiền não? Đây cũng là bịa đặt. Đó là điều ngụy thứ 8.
Tựa Kinh Lăng Nghiêm kê ra số chúng rằng: “Tỳ-khưu một nghìn hai trăm năm mươi người, đều là A-la-hán”[14]. Mà đoạn dưới lại ghi: “Ứng thân vô lượng, độ thoát chúng sinh”[15]. Đây có khác gì với Bồ-tát? Lại trong liệt chúng có Bích-chi vô học, Bích-chi chính vì không gặp Phật làm tên gọi, còn đã đồng tới hội sao lại khác với Thanh Văn? Không tỏ rõ sự dị đồng của Tam Thừa. Đó là điều ngụy thứ 9.
Kinh nói: “Ma Đăng Già nữ dùng 《Sa-tì-cà-la Tiên Phạm Thiên chú》”[16]. Xét từ “Sa-tì-cà-la” đây thì chỗ Kinh quyển 1, quyển 10 được gọi là bậc tiên Phạm chí thuyết minh đế (đạo lí sâu thẳm). Ngoại đạo Ấn Độ Duy-cà-tì-la thuyết minh đế, nay bèn bịa đặt Sa-tì-cà-la để gom câu chữ. Đó là điều ngụy thứ 10.
Kinh rằng: “A-nan hỏi Phật diệu Xa-ma-tha Tam-ma thiền-na tối sơ phương tiện”[17]. Xét ba pháp: Xa-ma-tha (śamatha)… cùng nêu ra, là ăn cắp từ văn của Viên Giác, Viên Giác” thì lấy gốc từ Trí Luận. Trí Luận quyển 5 phân biệt Tam-muội, có Định, có Thiền, có Tam-muội. Trong Kinh, Định gọi là Tam-ma-hứ-đa (Samahita) và Tam-ma-bát-để (Samapati), Viên Giác đổi làm Xa-ma-tha, Tam-ma-bát-để và Thiền-na (dhyāna), đã là bịa đặt, nay Kinh lại lược Tam-ma-bát-để là Tam-ma, càng thấy là tách nhánh. Vả trong Tam-muội há chỉ có Chỉ mà không Quán, lại đi xưng là Xa-ma-tha? Đó là điều ngụy thứ 11.
A-nan cùng các vị dòng Thích xuất gia, do bởi lệnh vua, bấy giờ hệt đứa trẻ, vốn không phát ý (theo Trung A-hàm q.3 …), nay trong Kinh bèn có thấy ba mươi hai tướng của Phật khát ngưỡng nói những lời chảy nước mắt, phát sinh bảy điềm xứ nhất tâm đại đoạn, há chẳng phải bịa đặt? Đó là điều ngụy thứ 12.
Kinh nói: “Chúng sinh luân hồi đều do không biết thường trụ chân tâm, tính tịnh minh thể”[18]. “Thường trụ tâm” này tức là chỗ về sau nói về tâm diệu Chân Như tính của Như Lai Tạng, thật thì pháp tính giả danh là tâm (Trang Nghiêm Luận quyển 3). Sự thường của pháp tính gọi là lí Vô ngã, có Phật hay không Phật vẫn hằng không biến đổi, há còn có thể kham ngôn trụ nào ư? Đoán tưởng rồi lập ngôn, đó là điều ngụy thứ 13 (Thường trụ chân tâm nói ở đây là đời sau hiểu sai gốc của Phật Pháp nên biện luận).
“Phật bảo A-nan: Có Tam-ma-đề tên là Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng-nghiêm Vương”[19]. Xét Đại Phật Đỉnh là tôn tướng của Mật pháp, vì sao nối với Thủ-lăng-nghiêm (Śūraṅgama) ghép làm một từ (Thủ Lăng Nghiêm dịch ý là Kiện Hành, không thể gọi là Phật Đỉnh Kiện Hành được). Lại, Thủ Lăng-nghiêm tam-muội là sở đắc của Thập địa Bồ Tát (xem Thủ Lăng-nghiêm Tam-muội Kinh quyển thượng), há là phương tiện đầu tiên à? Hỏi đáp không khớp. Đó là điều ngụy thứ 14.
Kinh nói: “Vô thủy Bồ-đề Niết-bàn nguyên thanh tịnh thể, thì ngươi hôm nay hiểu tinh nguyên minh có thể sinh các duyên, chỗ thứ duyên để lại”[20]. Xét Phật Pháp có tự tính Niết-bàn mà không có tự tính Bồ-đề, lời nói “vô thủy”, thật là đặt đoán tạo ra. “Nguyên thanh tịnh thể” phải chỉ cho Pháp tính, Pháp tính là pháp sở y (chỗ nương của pháp), chẳng thể nào sinh pháp. Nay nói là “có thể sinh các duyên” (Kinh quyển 2, các duyên gọi là sắc tâm), cũng là đưa ra bịa đặt. Đó là điều ngụy thứ 15.
Kinh rằng: “Chấp phân biệt chỗ đã rõ là tâm”[21]. Lại rằng: “Nếu tính phân biệt ly trần không có thể, thì đây trần trước phân biệt ảnh sự”[22]. Xét “phân biệt ảnh sự” ăn cắp từ tên gọi “phân biệt sở duyên ảnh tượng, sở duyên cảnh sự”[23] của Thâm Mật[24], nguyên ý gọi là “thức sở duyên, duy thức sở hiện”[25]. Phật Pháp nói cảnh theo tâm, không nghe nói tâm theo cảnh, tại sao phân biệt ly trần vô thể? Đó là điều ngụy thứ 16.
Kinh rằng: “Diệt dọc tất cả kiến văn giác tri giữ bên trong u nhàn, giống như pháp trần phân biệt ảnh sự”[26]. Xét “kiến văn giác tri” là công năng của sáu căn[27], căn trần đối nhau mà có phân biệt, đã diệt ý căn (tri), sao có pháp trần phân biệt? Nếu còn có “tri” giữ bên trong “u nhàn”, lại thành hí luận. Đó là điều ngụy thứ 17.
Kinh rằng: “Nếu lìa trần trước có tính phân biệt tức chân tâm của ngươi”[28]. Xét tâm có “chân” (thật) “vọng” (giả), là bút đắc ý của Kinh này. Tìm ý gốc của nó, chân tâm gọi là pháp tính tâm, đây thì giả xưng là tâm, chẳng phải cũng có phân biệt ư. Vả pháp tính và pháp không được lìa nhau, tức pháp tính tâm cũng phải là pháp sở y (như “Trung biên” tính Không là chỗ nương của hư vọng phân biệt), tại sao được lìa trần trước chỉ mỗi có tính này? Đó là điều ngụy thứ 18.
Kinh giải về khách trần: “Không trụ danh trần, dao động danh trần”[29]. Xét ra thốt nhiên mà đến là khách (Tạng văn dịch là đột nhiên), trần là trần cấu, chỉ hình trạng bất tịnh, há lại là dao động (đoạn văn Kinh sau còn có mạch văn hay than phiền về dao động, càng không hiểu nổi)? Trông văn mà sinh nghĩa. Đó là điều ngụy thứ 19.
Kinh nói: “Ca-chiên-diên Tì-la-đê Tử đều nói thân này sau khi chết đoạn diệt”[30]. Lại nói: “Bọn Mạt-già-lê đều nói thân này sau khi chết đoạn diệt”[31]. Xét ra lũ Ca-chiên-diên… là lục sư ngoại đạo, thông thường nghe thuyết bọn Ca-chiên-diên và Mạt-già-lê đều nói là giải thoát tự nhiên (theo Kinh Sa-môn Quả), sao lại đoạn diệt? Tì-la-đê Tử lập Bất tử kiểu loạn luận (luận sửa rối về bất tử), cũng không chấp một bên. Kinh văn bịa đặt. Đó là điều ngụy thứ 20.
Kinh nói: “Sự thật giả của thân tâm, sinh diệt và không sinh diệt, tức nơi tâm sinh diệt có cõi không sinh diệt”[32]. Xét theo thuyết Nhất tâm nhị môn của Khởi Tín, thì pháp thân tâm và pháp tính tuy có ý là trong sinh diệt thấy không sinh diệt, nhưng sinh diệt và không sinh diệt về sự vẫn không giống được. Pháp là sự sinh diệt, nghĩa là hữu vi niệm niệm chẳng trụ được; Pháp tính là lẽ bất diệt, nghĩa là cái lí hữu vi vô ngã bất biến. Ở đây không hẳn là có sự an trụ kiên cố giữa pháp và sinh diệt cùng nhau. Người soạn Kinh không hiểu nghĩa này, cho là tính kiến tinh (cái thấy tinh ròng) chưa từng mất đi, không sinh diệt, tựa như bên ngoại đạo có một pháp ngoại lệ. Đó là điều ngụy thứ 20.
Kinh ghi: “Các pháp sở duyên được hiện ra chỉ duy tâm”[33]. Xét ra thì tâm này là ăn cắp duy tâm của Lăng-già, lẽ ra chỉ cho tám thức, nhưng người soạn Kinh nhầm lẫn là Diệu minh chân tâm. Đó là điều ngụy thứ 22.
Kinh ghi: “Bọn Câu-xá-li lầm cho là Minh đế”[34]. Câu-xá-li tức là ông Mạt-già-lê đã nói ở trước, không tính là Minh đế. Nói Minh đế là Số luận ngoại đạo, can dự gì đến Câu-xá-li? Đó là điều ngụy thứ 23.
Kinh nói tám lượt biện luận kiến giải, lấy kiến trở về trần, vẫn thuộc về đảo tâm theo cảnh, Phật không có thuyết này. Đó là điều ngụy thứ 24.
Kinh nói: “Minh ám khác biệt thì thấy không khác biệt”[35]. Lại bảo: “Vật loại không khác, tính Thấy không phân”[36]. Xét ra ở đây muốn đem tính Thấy làm Ngã thể. Thế nhưng Thấy (Kiến) vốn thuộc về nhãn căn (mắt), giám chiếu đối trần, nhãn thức theo đó phân biệt nhiều thứ, đặt vào minh và ám thấy không khác biệt, hành tướng của nhãn thức sao lại còn có tính Thấy nữa? (Kinh còn gọi là kiến tinh) Như chỉ pháp tính thì thuộc về Không, Vô ngã… cớ gì cái thuộc về Kiến là Kiến à. Đó là điều ngụy thứ 25 (Kinh lại lấy Kiến thuộc Thức, tính Thấy thuộc tính Giác, pháp và pháp tính cũng không khác biệt, vẫn là ngụy thuyết).
Kinh nói: “Ngồi chốn Kì-đà lâm, quán khắp rừng rộng, đối trước sông Hằng”[37]. Xét về cự li giữa Kì Viên và sông Hằng cách hơn 300 dặm, ngồi trong rừng thì thấy bằng cách nào? Do đó quả là không hiểu gì về hình thế núi sông Ấn-độ, nói năng bậy bạ. Đó là điều ngụy thứ 26.
Kinh viết: “Kiến và Duyên này nguyên là minh thể diệu tịnh của Bồ-tát”[38]. Lại nói: “Gốc là Vô Thượng Bồ-đề tịnh viên chân tâm, bậy là sắc không cùng với thấy nghe”[39]. Xét theo Kinh Đại Bát-nhã lấy pháp tính Vô minh và pháp tính Bồ-đề đánh đồng một vị, cho nên nói phiền não tức là Bồ-đề (xem Trang Nghiêm Luận q.6 và luận cùng tên của ngài An Tuệ chú thích), nhưng không phải nói là phiền não lấy Bồ-đề làm thể, càng không phải là Bồ-đề có thể sinh phiền não. Vả lại Bồ-đề là quả, ắt thấy Phật tính là được (xem Kinh Niết-bàn q.7…), chứ làm gì có gốc là chân tâm Bồ-đề, bậy là sự thấy nghe đâu? Đó là điều ngụy thứ 27.
Kinh nói: “Châu Diêm-phù-đề có hai ngàn ba trăm nước lớn”. Xét thuyết cũ Ấn-độ nói Diêm-phù lấy cõi đất của họ làm chuẩn, cho nên nói là có 16 hay 36 nước lớn, cho đến hơn 2000 nước nhỏ (xem Kinh Thập Nhị Du, Kinh Lâu Thán…) nay hiểu sai Sách cũ nên lẫn lộn lớn nhỏ. Đó là điều ngụy thứ 28.
Kinh nói: “Năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ, vốn là tính diệu chân như của Như Lai Tạng”[40]. Xét ra Nhập và Xứ vốn là một pháp, cựu dịch là Nhập, tân dịch là Xứ, thế làm sao lại chia làm hai? Cũng giống như cựu dịch là Ấm, tân dịch là Uẩn, há có thể nói là một ấm năm uẩn à? Đó là điều ngụy thứ 29.
Kinh biện giải về sự giống và khác giữa Thức và Ý trong mười tám giới rằng: “Lại nữa, thức tâm và các điều tư lượng của ngươi kiêm cả biệt tính”[41]. Xét ra, ý của Ý giới là nói cho ý căn, phải là thức diệt vô gián. Nay lại chuyên chỉ cho thức Mạt-na tư lượng, cũng là sai lầm. Đó là điều ngụy thứ 30.
Kinh nói: “Như ông Tiên Ca-tì-la thành Thất-la”[42]. Xét truyền thuyết bảo ông Tiên Ca-tì-la sống ở thành Ca-tì-la-vệ (xem Kinh Bản Hạnh Tập q.5) nay lại soạn là ở Thất-la (Savatthi). Đó là điều ngụy thứ 31.
Chủng tộc và họ hàng ở Ấn-độ có khác, như Sát-lợi… là tộc, Phả-la-đọa… là họ. Nay Kinh nêu chung gộp cả Phả-la-đọa và Sát-lợi, không biết phân biệt. Đó là điều ngụy thứ 32.
Thuyết về sáu đại lấy nguồn từ sáu giới, gọi là chỗ gốc của sắc tâm sĩ phu. Nay Kinh lại thêm Kiến đại là bảy. Kiến vốn thuộc về căn, căn tức tứ đại thanh tịnh là tính. Sao còn có pháp khác? Hơn nữa, Đại là trọn khắp, Kinh này sau có nói công đức của sáu căn, ba căn chẳng trọn khắp, sao là Đại được? Đó là điều ngụy thứ 33.
Trong Thức đại có nói về kiến tướng, mà lại cho sự nhìn thấy sáng tối là kiến, nhưng Kiến phần thông đường nói đến lại khác nhau, ở đây là do không phân biệt được sự sai khác căn và thức. Đó là điều ngụy thứ 34.
Kinh nói Phú-lâu-na hỏi Như Lai Tạng thanh tịnh bản nhiên, làm sao chợt sinh núi, sông, đại địa. Xét ra tên gọi Như Lai Tạng đi ra từ Phật tính. Phật tính gọi là chủng tính Như Lai (Trong Đại Luận Huyền Trang dịch là Như Lai chủng tính, Chân Đế thì dịch là Phật tính), Như Lai Tạng tức là thai tạng Như Lai, đều là lập xưng từ nhân biên tịnh pháp, kỳ thật là Pháp tính. Sinh tử luân hồi cũng vẫn là cùng y vào tính này, như Thắng Man nói sinh tử y Như Lai Tạng… Nhưng Y khác với Nhân, là nhân sinh tử, còn có pháp khác tồn tại. Lăng-già đã nói: “Như Lại Tạng gọi Tàng thức là pháp nhân của thiện và bất thiện”. Đúng vậy! Cho nên nói núi, sông, đại địa y vào Như Lai Tạng, không hại đến lí, nói Như Lai Tạng sinh núi sông đại địa thì thành ra điên đảo. Không biết nghĩa này cho nên mới có đoạn vấn đáp của Phú-lâu-na. Đó là điều ngụy thứ 35.
Thắng Man nói nguồn gốc sinh tử là Vô minh trụ địa. Nay Kinh lại nói: “Tính Giác ắt hiểu rõ Vọng là Minh Giác”[43]. Thật ra thì Vô minh mê muội không phải vì rõ Giác kia mà thành Mê, Giác kia sáng tỏ cũng không thể tự minh tự giác, Pháp tính Vô ngã, Vô minh ngã si, làm sao hiểu được Vô ngã kia? Lí Vô ngã phải chờ Bát-nhã mới sáng tỏ, làm sao mà tự Minh Giác được? Lộng bậy chữ nghĩa, càng nói càng lầm. Đó là điều ngụy thứ 36.
Thứ tự Thành kiếp của thế giới, Đại Thừa và Tiểu Thừa đều nói như nhau: Phong luân nương Không luân, Thủy luân nương Phong luân, Địa luân nương Thủy luân (xem Kinh Lâu Thán, Trí Độ 7, Du-già 2…) tính Đất thì vững ngưng, cho nên xưng là Kim tính Địa luân, vốn không hẳn có Kim luân. Nay Kinh lại lầm cho Kim luân nương Phong luân… Đó là điều ngụy thứ 37.
Ngũ trược vốn từ thế giới mà nói, cho nên có kiếp trược, chúng sinh trược v.v… Nay Kinh cho nạp các loài hữu tình vào ác tuệ làm kiến, hiểu sai rằng giác tri tương thức thọ mạng là sự sống, cũng lầm là thấy nghe mất chuẩn, nhiều điều trái ngược. Đó là điều ngụy thứ 38.
Kinh ghi: “Thế là đổi dòng, giới là phương vị”[44]. Lại nói: “Quá khứ, hiện tại, vị lai là thế gian”[45]. Xét ra ở đây giải thích thế giới, thuần là do sự hiểu sai của dịch gia. Thật ra thì tên gọi thế giới đi ra từ phá hoại, liên quan gì đến đổi dòng? Lại còn ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, nguyên là thuộc ba thời, người dịch đổi thành chữ “thế” (đời), sao lại là thế gian? Đó là điều ngụy thứ 39.
Công đức sáu căn, hoặc là tám trăm, hoặc là một ngàn hai trăm, nó đi ra từ Pháp Hoa. Nhưng theo Kinh Thánh Đà-la-ni Đại Tự Tại Vương thì công đức sáu căn cũng được gộp làm một ngàn hai trăm, Trang Nghiêm Kinh Luận là gốc của thuyết này. Vô Tính giải thích rằng: “Vì sáu căn có chấp, thì đối cảnh trở thành chướng ngại, nếu thanh tịnh hỗ dụng thì không có lỗi lầm kia, tức là công đức”. Đó là công đức của sáu căn, do bởi sự thanh tịnh hỗ dụng của sáu căn. Mà tám trăm hay một ngàn hai trăm vốn chỉ thành số, không nên câu nệ. Nay Kinh lại phụ hội ba đời, bốn phương, ba chồng lưu biến, giải thích quanh co. Đó là điều ngụy thứ 40.
Kinh nói: “Các căn chẳng phải một chẳng phải sáu, nhưng với sự tròn trong niêm phát thấy nghe”[46]. Xét ở đây bản Kinh ý tức là bốn triền chia diệu minh tâm ra là nghe, nhìn v.v… phản giác, hợp triền, bèn nói là niêm (đoạn văn dưới dùng là bạt, càng lạ lùng hơn)[47]. Thật ra thì diệu viên chân tâm sáu căn pháp tính, nói là một mùi vị thì đúng, nhưng nói là một thể thì không phải. Làm gì có chuyện một tâm hỗn độn có thể cắt ra làm sáu? Viên minh trọn khắp, sao lại có thể niêm (dán lại)? Ăn nói rỗng tuếch. Đó là điều ngụy thứ 41.
Kinh nói thể của mắt như trái nho… đây ăn cắp rồi sửa lại từ Câu-xá. Câu-xá nói là hình của căn cực nhỏ, nay có lẽ là sửa đổi từ phù trần (như mắt nhỏ vốn là hoa cây ấu, chắc sửa là trái nho). Ngay cả thân căn, vốn là như thân, trong đó nữ căn giống như đầu cái trống, nay tác giả bài Kinh hiểu sai câu văn, lấy nguyên cả thân ví như đầu trống vậy hóa ra con người lấy nữ căn biến thành toàn thân ư? Lại nữa, ý căn vốn thuộc về tâm pháp, mà cũng nói là có phù căn tứ triền, nhiều điều trái ngược. Đó là điều ngụy thứ 42.
Kinh nói: “Bảy tên gọi quả vị: Bồ-đề, Niết-bàn, Chân Như, Phật tính, thức Am-ma-la, Không Như Lai Tạng, Đại viên kính trí”[48]. Xét ra Như Lai Tạng và Phật tính vốn mang danh nghĩa là nhân vị (Thắng Man nói tại triền Như Lai Tạng, xuất triền Pháp thân; Niết-bàn 27 nói Phật tính là chủng tử Trung đạo Vô thượng Bồ-đề của chư Phật), vậy mà cũng liệt kê là quả. Đó là điều ngụy thứ 43.
Kinh nói: “Làm cho ngươi sinh tử chỉ có sáu căn của ngươi, khiến cho chứng giải thoát cũng chỉ do sáu căn”[49]. Xét ra ở đây nói sự nhiễm hay tịnh căn bản đều là tại sáu căn, Phật không có nói vậy. Năm căn là pháp vô ký, hơn nữa không thể tạo nghiệp, làm sao là gốc của sinh tử được? Năm căn thanh tịnh, theo Viên kính trí mà chuyển, làm sao có thể là gốc của giải thoát nữa? Ngay cả cái gọi do triền mà phát tri, vì căn có tướng, thấy rõ ràng là nói tạp nham, cũng không có bằng cứ (ở trước Kinh cũng đem kiến trá thành căn, suy tướng ra thành cảnh). Đó là điều ngụy thứ 44.
Kinh có nói một câu tụng: “Chân tính hữu vi Không”[50], đoán là ăn cắp rồi sửa từ Chưởng Trân Luận. Chưởng Trân vốn ghi: “Vô vi không có thật, không khởi tợ hoa trời”[51]. Nay bèn sửa thành “Vô vi không khởi diệt, không thật như hoa trời”[52]. Cái nguồn bị đảo ngược, vốn không cần bàn. Vả lại, không có thật tức là thật ra không có pháp đó, đối lập với có. Không thật nghĩa là sự có mặt giả tạo, đối lập với chân thật. Hai ý này khác nhau, sao có thể đổi qua dễ vậy? Lại nữa, phép tụng Phạn văn thì tụng này thuộc về thể Thủ-lư-già (Śloka), mỗi câu tám vần, đổi không khởi thành không khởi diệt, phần nhiều đi ra từ ba vần, không thể thành câu được. Phàm ở đây hình như người soạn Kinh không biết cho nên viết bậy. Đó là điều ngụy thứ 45.
Kinh có nói một câu tụng: “Thức vi tế Đà-na”[53], ăn cắp Kinh văn của Thâm Mật, cũng thêm sửa đổi. Thâm Mật vốn ghi: “Sợ bọn phàm ngu kia phân biệt chấp là ngã”[54]. Nay Kinh sửa “Chân và phi chân sợ thành mê”[55], thức biến thành chân rồi thì còn mê gì nữa? Đó là điều ngụy thứ 46.
Lối dịch cũ gọi phiền não hay dịch là trần lao, lấy ví dụ làm tên gọi, không hẳn cứ lao động mới là lao. Nay Kinh lấy cách gọi tên này giải thích lại ghi rằng: “Nhương mắt phát lao, Bồ-đề cũng có tướng lao”[56]. Lại nói: “Lao đã lâu thì thành triền, dấy khởi lên phiền não”[57]. Lại bảo: “Phát vọng không ngừng, lao kiến phát triền”[58]. Nhưng mắt nhìn thì chưa phải là lao (phiền não), lao mà chưa có lâu thì sẽ không có triền hoặc (sự mê lầm do trói buộc) và không hại đến minh tịnh ư? Ở đây nói không hợp lý. Đó là điều ngụy thứ 47.
Ông Kiều-trần-như tự trình bày sự viên thông, nói là ở Lộc Uyển, Kê Viên thấy Phật thành đạo. Xét theo sử sách thì Phật thành đạo ở Già-da (Kim Cương Đăng), còn Lộc Uyển là chuyển Pháp luân, sao có thể lẫn lộn vậy! Lại nữa, Kê Viên là ở thành Vương Xá, sau thời vua A-dục (Asoka) mới bắt đầu xây dựng (theo Tây Vực Ký q.8), đức Phật thành đạo và vùng đất ấy có liên quan gì? Nhiều thứ phỏng đoán tạo nên. Đó là điều ngụy thứ 48.
Ưu-ba-ni-sa-đà là cách gọi chỉ số lượng cực bé, cho nên hiệu lượng trong Kinh thường chia Ưu-ba-ni-sa-đà không giống nhau. Đệ tử Phật cũng không ai có tên hiệu này (Trung A-hàm: Đệ tử phẩm,… đều không thấy xuất hiện tên này). Nay lại bịa đặt nói là sắc nhân viên thông. Đó là điều ngụy thứ 49.
Dược Vương và Dược Thượng nguyên là hai vị Trưởng giả bố thí thuốc thang cho chúng Tăng, phát tâm thành đạo cho nên mới lấy Dược làm hiệu (Kinh Quán Dược Vương Dược Thượng), nay Kinh lại nói đó là bậc lương y của thế gian, miệng thường nếm thuốc. Đó là điều ngụy thứ 50.
Mười sáu vị Khai sĩ của Bạt-đà-ba-la (Hiền Hộ), trong Bảo Tích và Đại Tập đều nói là Bồ-tát tại gia. Nay Kinh lại nói: “Được nghe pháp xuất gia nơi đức Phật Lôi Âm Vương”[59]. Lại nói: “Bây giờ từ Phật xuất gia”[60]. Hiển trái với Giáo. Đó là điều ngụy thứ 51.
Xá-lợi-phất gặp Mã Thắng Tỳ-khưu thuyết kệ nhân duyên rồi phát tâm xuất gia, Mục-liên sau đó theo Xá-lợi-phất rồi cắt tóc đi tu, điều này Tiểu Thừa và Đại Thừa cùng nói (Kinh Bản Hạnh Tập q.41, Trí Luận q.11…). Nay lại soạn là gặp anh em Ca-diếp thuyết kệ xuất gia. Đó là điều ngụy thứ 52.
Ưu-ba-li xuất gia từ các Thích tử, các bộ phái cũng đều nói vậy (Kinh Bản Hạnh Tập q.53). Nay lại theo Phật vượt thành, quán Phật thành đạo. Đó là điều ngụy thứ 53.
Có đoạn 32 ứng hóa của Quán Thế Âm Bồ-tát, Kinh văn ăn cắp và chỉnh lại từ Pháp Hoa phẩm Phổ Môn. Phẩm Phổ Môn chỉ nêu những loại ứng thân chứ không giải thích ý nghĩa của chúng. Nay lại giải bậy, trái chướng cả mắt. Như nguyên nguồn nói Bích-chi, nay chia làm Độc Giác, Duyên Giác, không tợ như con tê giác đi bộ. Lại nữa, Đại Tự Tại Thiên nguyên là Lạc Biến Hóa thiên, nay lại giải thích là Du Hành Tự Tại, lại trong nguyên nguồn là Tiểu vương, người thuộc dòng vua đối luận với Luân vương thì nói phải, nay lại hiểu sai là Thái tử của Tứ Thiên Vương. Đến ngay cả nhân và phi nhân, nguyên là tên gọi chung của tám bộ (Kinh Xá-lợi-phất Vấn), nay lại hiểu lầm là hữu hình và vô hình, hữu tưởng và vô tưởng, cách gọi sai bét. Đó là điều ngụy thứ 54.
Quán Thế Âm vốn là dịch nhầm từ Quán Thế Tự Tại, Tự Tại trong tiếng Phạn là Y-hê-phiệt-la (iśvara), cựu dịch là Sa-phiệt-la, bèn dịch là Âm. Nhưng trong phẩm Phổ Môn giải thích danh nghĩa chỉ gọi là quán âm thanh của người thế gian xưng danh (tiếng Phạn không có từ này, nhưng người dịch giải thêm), vẫn không trái ngược lắm với tên gốc. Nay Kinh lại đổi thành Bất Tự Quán Âm. Còn viết: “Nay quán âm thanh của chúng sinh kia liền được giải thoát”[61]. Thế thì phải gọi là Thế Quán Âm chứ sao lại là Quán Thế Âm? Đó là điều ngụy thứ 55.
Tên gọi Quán Âm đã là dịch sai, Nhĩ Môn Viên Thông đương nhiên là vô căn cứ. Hơn nữa nó trùng tụng viên thông là: “Tiếng thảy đều diệt, tiếng chẳng có sinh”[62]. Lại nói: “Tính thanh động tĩnh, chẳng thật nghe không”[63]. Thật ra là thông với Thanh luận của ngoại đạo, đâu phải Phật nói. Đó là điều ngụy thứ 56.
An lập đạo tràng, trước tiên nói bốn giới, hoàn toàn giống Tiểu Thừa, vốn không phải bàn. Trong giới Sát, Phật vốn nói tam tịnh nhục, nhưng soạn là năm Tỳ-khưu có năm thức ăn, nhai nuốt rễ, thân, lá, hoa, quả. Ở đây tức là rau củ mà soạn là đất của Bà-la-môn rau cỏ không mọc. Cho đến nói Tỳ-khưu không uống đồ sữa, đề hồ, Niết-bàn q.7 nói rõ đó là Ma thuyết, nay Kinh lại vu là Phật thuyết. Đó là điều ngụy thứ 57.
Trong giới Trộm nói người tu định thiêu thân đốt tay trước mặt đức Phật, có thể trả nợ kiếp xưa, ở đây chính là tập tục xấu của người thời Đường, những người chịu đau đớn sai lầm trong Luật gia (Ký Quy Truyện 4). Nay lại soạn là Phật thuyết. Đó là điều ngụy thứ 58.
Có đoạn kiến lập đạo tràng, ăn cắp từ văn của Kinh Đà-la-ni Tập: ‘Phật đỉnh pháp’, mặc ý sửa đổi, có nhiều sai sót (Nhật Bản còn có một loại ngụy thư khác là Đại Phật Đỉnh Biệt Hành Pháp, tức là hợp nhất giữa Tập Kinh và Lăng-nghiêm lại). Như nói: “Ở trong đạo tràng ra vào tắm gội, sáu thời không ngủ, ba mươi bảy ngày”[64]. Xét Tập Kinh nói là ngày ngày rửa gội, nằm ngồi cỏ sạch chứ có nói là đừng ngủ đâu. Nay Kinh bịa đặt, đồng với tà đạo. Đó là điều ngụy thứ 59.
Lại nói: “Trước tiên nắm phân của con bò trắng Núi Tuyết làm đất nơi ấy”[65]. Thật ra thì đất bùn đạo tràng lấy phân của của con nghé không ăn cặn cám là đệ nhất, chứ không có lấy bò trắng Núi Tuyết, nếu ắt là Núi Tuyết thì những đạo tràng nơi khác làm sao xây dựng đây? Đó là điều ngụy thứ 60.
Lại nói: “Qua bình nguyên khác năm thước lấy bùn đất nơi đó”[66]. Thật ra thì phải đào đất xấu lên ở đạo tràng bản địa, lấy đất tốt lấp vào, là hợp với nghi quỹ tịnh địa (đất sạch), chứ sao chỉ đào nơi khác thôi? Đó là điều ngụy thứ 61.
Lại nói: “Vuông tròn trượng sáu là đàn tám góc”[67]. Thật ra thì phép chung của Mạn-đồ-la là ngoài vuông trong tròn (ngoài vuông để tiện kết thừng làm vạch ngăn bốn cửa), có hoa sen tám cánh (bát diệp), chứ sao lại tám góc (bát giác)? Lại, đàn lượng có tám thời, mười hai thời pháp, sao lại gọi là trượng sáu? Đó là điều ngụy thứ 62.
Lại nói: “Tâm đàn đặt hoa sen, để bát đựng đầy nước”[68]. Thật ra trung tâm tòa đàn phải an vị tôn tượng (sau Kinh có nói là treo tượng, thật ra là Đại Mạn-đồ-la, tức chính giữa phải an tượng Phật đỉnh). Nay đổi sang đặt nước, giống như Thủy đàn, không phải phép nghi quỹ nữa. Đó là điều ngụy thứ 63.
Lại nói: “Tám phương để tám tấm kính, mười sáu (16) lò đốt hương hoa sen và mười sáu (16) đồ đựng sữa để cúng dường”[69]. Thật ra thì phép Phật đỉnh, trong 27 ngày bội thêm cúng dường, 18 bình nước, 18 bình sữa bò. Số lượng có khác, đều không phải là 16. Tự ý sửa phép. Đó là điều ngụy thứ 64.
Lại nói: “Khi ăn giữa đêm, đốt cháy tô mật nơi lò lửa nhỏ để cúng dường”[70]. Sự thật thì giữa đêm khi không phải hành đạo (xem Kinh Đại Nhật q.7…) Lại, đốt tô mật phải là lúc hết thời tác pháp 27 ngày, nghi thức hộ-ma, nay lại nói là bày ra trước tiên. Đó là điều ngụy thứ 65.
Lại nói: “Bốn bên vách Đàn thất đặt tượng Phật, Bồ-tát”[71]. Đàn ở trong thất (Kinh nói là vây đàn hành đạo, bốn bên phải có khe hở), tượng buộc ở ngoài đàn, Kinh này về phép sám đàn sao lại có Mạn-đồ-la như thế? Lại còn viết “Mười phương Như Lai” mà lại dừng ở hai vị Phật hướng Đông (A-súc) và hướng Tây (Di-đà), tên gọi phương khác, người soạn có lẽ không thể nêu lên được. Đó là điều ngụy thứ 66.
Lại nói: “Nên giăng bày tôn tượng Thích-ca, Quan Âm và Kim Cương Tạng đặt bên tả và hữu Phật”[72]. Thật ra thì Phật đỉnh có tôn tượng khác, không thể chỉ là Thích-ca. Lại còn Quan Âm bên phải, Kim Cương Tạng bên trái, đó là kiểu phép chung, nay lại tự ý đảo ngược. Đó là điều ngụy thứ 67.
Lại nói: “Từ sau ba mươi bảy ngày, ngồi thẳng thêm trăm ngày đắc Tu-đà-hoàn”[73]. Xét ra Đà-la-ni đã cầu Tất-địa, có đời ra đời, bài chú dưới đó toàn là thế gian tất-địa sở dụng (xem thêm Tập Kinh, Kinh Đại Nhật q.7 và Sớ), trịnh trọng nói là thành Phật không lầm, đã là sự mâu thuẫn. Ngay cả “trăm ngày đắc Tu-đà-hoàn” vẫn thuộc Tiểu quả, có ích gì hơn thành Phật? Dường như người soạn Kinh ở những chỗ này hoàn toàn không phân biệt được rõ ràng. Đó là điều ngụy thứ 68.
Bài Bạch Tán Cái Đà-la-ni thuộc phần mà người soạn đã tiếp nhận, sao chép tạp nham đưa vào Kinh, vì đương thời dịch bản âm gốc chữ Phạn đã lưu hành rồi (cựu truyền là Bất Không dịch, nhưng Trinh Nguyên Lục ghi những loại sách do Bất Không dịch rõ nhất, không có bản này, hình như người đời sau quy lầm cho Bất Không), hơn nữa bản dịch của Tây Tạng sai sót đã nhiều, câu đọc không thông (có khảo chứng khác), vốn không thể trì tụng. Vả lại, khi nhìn vào âm dịch Chú văn, rất có chênh lệch với Kinh (như Chú dịch: Đá-tha-già-đa, mà Kinh dịch: Đát-thát-a-kiệt; Chú dịch: Bà-già-bà, mà Kinh dịch: Bạc-già-phạn; Chú dịch: Tát-đát-đa, mà Kinh dịch: Tất-đát-đa; Chú dịch: Bột-địa, mà Kinh dịch: Bồ-đề; Chú dịch: A-sô-bệ, mà Kinh dịch: A-súc v.v…) Có thể chứng minh văn của Kinh và Chú không phải được viết từ bàn tay của một người. Nếu cho là Chú văn có bằng cứ thì có thể phản chứng lại việc soạn thuật ra Kinh văn. Nay có người lấy Chú thành Kinh, bảo cả hai đều là thật, quả là điên đảo. Đó là điều ngụy thứ 69.
Chú văn có ý nghĩa, có thể tìm được, đó là Đà-la-ni Lăng-nghiêm chú, nay lại bảo là Già-đà (bài tụng). Lại nữa, Phật Đỉnh Tâm Chú gọi là bài đoản chú, còn đại chú và trường chú (xem Tập Kinh. Lại thông lệ chung là như vậy), nay lại xưng lộn xộn là Chú tâm. Lại nữa, xây đàn kết giới, cúng dường cầu đảo, Chú vốn khác biệt mà nay cũng gộp lằng nhằng lại. Ngay cả pháp kết giới cũng khá là phức tạp, tác giả không thể hiểu thông, bèn khiến cho ngài A-nan có hỏi nhưng Phật không trả lời. Đó là điều ngụy thứ 70.
Kinh nói là tu hành tiệm thứ (dần dần theo thứ lớp), 44 tâm của Càn Tuệ địa. Xét ra Càn Tuệ địa vốn là Sơ địa – cấp chung của cả Tam Thừa, dịch đúng phải là Tịnh Quán, cựu đọc chữ tịnh Tu-già là Tu-khư, cho nên là Càn. Trí Luận q.74 nói, Càn Tuệ của Đại Thừa từ sơ phát tâm cho đến Thuận Nhẫn (địa tiền), Càn Tuệ của Tiểu Thừa cũng đến Noãn Pháp. Nay lại soạn là đứng trước Thập tín, không phải Tiểu, không phải Đại. Đó là điều ngụy thứ 71.
Kinh nói: “Tính Diệu vốn không, chúng sinh thế giới vì vọng sinh diệt, diệt vọng là chân”[74]. Bàn về sự chân và vọng này, hoàn toàn không biết có huyễn nghĩa Phật Pháp, bèn nói thành thế giới Tử tướng. Chúng sinh nếu vốn dĩ là không, há không phải có khởi thủy? Chúng sinh vọng sinh chân diệt, há chẳng phải lượng có tăng giảm ư? Chúng sinh thế giới diệt rồi làm chân, gọi là công đức của Phật tận bờ vị lai, thế là nói gì nữa đây (hoặc hiểu chúng sinh thế giới vốn không này là giả thuyết danh đi, nhưng nghĩa của văn ở trên và dưới không khớp)? Đó là điều ngụy thứ 72.
Kinh nói chúng sinh có mười hai loại, đây là cải sửa thành văn từ ba phiên giải thoát tất cả chúng sinh của Kinh Kim Cương. Kinh Kim Cương nói bốn loài như noãn sinh… để thụ sinh chia biệt tất cả chúng sinh: lại nói hai loài hữu sắc và vô sắc, để y chỉ phân chia tất cả chúng sinh; lại nói ba loài hữu tưởng, phi tưởng và phi hữu tưởng phi vô tưởng, để thâu nhiếp cảnh giới phân biệt chúng sinh. Nói đến ba lần vốn không nêu ra (xem Kim Cương Kinh Luận của Vô Trước). Vả lại Phi hữu tưởng phi vô tưởng cũng chỉ là một loài, tức là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ. Nay Kinh lại cắt rời ra Phi Hữu Tưởng và Phi Vô Tưởng, lại thêm bậy Phi Hữu Sắc và Phi Vô Sắc. Kỳ thật Phi Hữu Sắc tức Vô Sắc, Phi Vô Sắc tức Hữu Sắc, đặt tên lộn xộn, trở thành hý luận. Đó là điều ngụy thứ 73.
Năm ngôi Thai Tạng: Yết-la-lam v.v… là do căn Hữu sắc lần lượt tăng trưởng tại mà chia, hữu tình Vô sắc đã không có sắc căn để chấp thụ (Thâm Mật: phẩm Tâm ý thức) thì hóa sinh khởi rất nhanh (Du-già q.2). Nay Kinh đối với thứ tự năm ngôi này lại tùy ý nói là noãn Yết-lam thai Át-bồ-đàm, vậy há là có loài thai sinh không khởi từ Yết-la-lam ư? Lại, hóa tướng trở xuống thảy xưng là Yết-nam, há không có ngôi thứ năm Bát-la-xa-khư à? Ngay cả Vô sắc Vô tưởng, vốn không có năm ngôi, cũng khái quát xưng là Yết-nam, nhiều sự điên đảo. Đó là điều ngụy thứ 74 (Chim dữ phá kính, minh minh hữu sắc, lại nói là Vô tưởng, càng bịa đặt nữa, không đáng biện luận).
Trong 44 ngôi, ban đầu liệt ra Thập tín, ăn cắp văn của Kinh Anh Lạc. Anh Lạc lại bịa đặt từ Phạm Võng. Tên gọi Thập tín trong Anh Lạc trước sau khác nhau, chính nó không tự xác định. Như dùng năm tên đầu: Tín, Tiến, Niệm, Định, Tuệ. Năm căn tức là ứng từ thứ đệ đó, lại thác loạn là Tín, Niệm, Tiến, Tuệ, Định (Nhân Vương dịch thời Đường liền lấy văn này đổi sang Cựu dịch). Nay Kinh sao chép văn ấy, giải thích gượng gạo, lấy làm Trí minh biến tịch, cho nên trước là Tuệ sau là Định. Thế nhưng năm căn, năm lực đều là nói ngoa ư? Đó là điều ngụy thứ 75.
Cuối cùng trong Thập địa là Kim Cương Dụ tâm, sát-na đoạn chứng, càng không có tiệm thứ (Thành Duy Thức q.9…) Nay lại nói trong Kim Cương tâm có Càn Tuệ địa trùng trùng mười hai. Đó là điều ngụy thứ 76.
Ở kết đưa ra một đoạn tên Kinh, mô phỏng theo Viên Giác. Viên Giác nói: “Được Như Lai ba đời thủ hộ, chỗ Bồ-tát mười phương quy y, mười hai bộ kinh thanh tịnh hải nhãn”. Nay Kinh bèn gọi Như Lai mười phương thanh tịnh hải nhãn. Viên Giác gọi là Đại Phương Quảng Viên Giác Đà-la-ni, nay Kinh cũng tên gọi Đại Phương Quảng Phật Mẫu Đà-la-ni. Viên Giác tên Tu-đa-la Liễu Nghĩa (tên này thật không thể thông), nay Kinh cũng tên Tu Chứng Liễu Nghĩa. Viên Giác gọi Bí Mật Vương Tam-muội, nay Kinh cũng gọi Quán Đỉnh Thủ-lăng-nghiêm (Tam-muội). Dấu vết sao chép trông qua là biết. Đó là điều ngụy thứ 77.
Kinh nói Lưu Ly Vương giết hại tộc Thích nên bị vào địa ngục. Xét về chuyện Vua Lưu Ly, sau khi giết Vua Ba-tư-nặc tự lên ngôi, cùng với năm Phật diệt, nay phần tựa Kinh đã nói là Vua Ba-tư-nặc ở tại chúng hội, sao còn có việc này? Hoặc hiểu là Kinh này nói không phải một thời, nhưng Phật nói chuyện Vua Lưu Ly càng không phải ở Xá-vệ (Kinh Lưu Ly Vương… bảo là Phật thuyết ở Cà-duy). Nói ở nơi khác, Kinh cũng hội khác, sao có thể được gom làm một bài? Đó là điều ngụy thứ 78.
Kinh nói chúng sinh thăng trầm vì tình tưởng phân chia tình loại. Ái dục là nhân sinh tử, vốn không luân hồi cũng không dấn với tình, tưởng là biến hành, vô tâm bất cụ thì làm gì có thể nằm ngoài tưởng. Nay lại nói là thuần tưởng liền bay đi, thuần tình liền rơi xuống. Đó là điều ngụy thứ 79.
Kinh nói 10 nhân và 6 báo, xét tên gọi dâm tham thực ra một phiền não mà chia ra hai thói trá tụng, cũng là đoán mò. Nghiệp nhân sinh tử là ba thứ tham sân si, không thể thiếu một. Nay nói là 10 thói tập mà lại sót đi mỗi ngu si. Đó là điều ngụy thứ 80.
Kinh nói ác nghiệp chúng sinh đồng tạo, rơi địa ngục A-tỳ, mỗi tạo tác của sáu căn luôn luôn đày đọa vô gián (không ngừng). Xét ra ở đây nói sáu căn tạo nghiệp vốn dĩ là mới nghe, còn âm dịch A-tỳ có nghĩa là Vô Gián, thật ra là một pháp, lại chia bậy làm hai. Lại, Tám đại địa ngục thì thứ tám tức là Vô Gián chứ không hề có cách nói nào khác. Đó là điều ngụy thứ 81.
Cựu thuyết là Tám đại nhiệt ngục (địa ngục nóng), Mười đại hàn ngục (địa ngục lạnh), cho nên gọi là 18 địa ngục. Nhưng vốn ngoài ngục còn thêm 16 ngục nữa, thì cách dịch cũ và mới không có gì khác cả. Nay Kinh lấy 18 địa ngục của cựu thuyết rồi nhân đôi lên thành 36 ngục, lại lên 108 ngục, đoán mò vô căn cứ. Đó là điều ngụy thứ 82.
Quỷ thú tức là Ngạ quỷ. Kinh Chính Pháp Niệm Xứ q.9 nói có 36 loại, đều tự thiêu đốt bằng sự đói khát. Nay Kinh lại chia ra trong cõi Quỷ là Quái quỷ, Bạt quỷ, Ngạ quỷ… lấy cái chung làm cái riêng, vốn không có căn cứ rồi. Ngay cả Ngạ quỷ gặp gió thành hình, quỷ có hình chất, tứ đại thảy đủ, há chỉ có gió thôi à? Đó là điều ngụy thứ 83.
Ngoại đạo Ấn-độ đắc đạo nhờ khổ hạnh, cũng xưng là Tiên nhân, nhưng thuộc nhân loại, không phải là cõi khác. Nay Kinh ngoài sáu cõi đường ra, còn lập ra 10 loại Tiên thú khác. Thú tức là chỗ đi đến, là cái mà nghiệp chiêu cảm, nếu các Tiên nhân nhờ tu tập mà thành hạng Vô sinh cả vậy thì liên quan gì đến nghiệp cảm mà cũng xưng là nẻo thú? Đó là điều ngụy thứ 84.
Lạc Biến Hóa thiên trong Sáu Cõi Trời Dục, vốn là tự vui biến hóa năm trần hưởng thụ dục lạc. Nay Kinh soạn là sinh việt Hóa địa, tên Hóa là hóa gì đây? Nếu lại là Tha Hóa Tự Tại thiên thì ngoài tự biến trần ra còn khiến kẻ khác biến, cho nên xưng Tự Tại. Nay Kinh lại gọi việt hóa vô hóa, chẳng có lí lẽ gì cả. Đó là điều ngụy thứ 85.
Lại, Trời Sắc giới có cõi cựu dịch là Quang Âm, vốn là dịch sai (dịch đúng là Quang Tịnh). Nay Kinh sử dụng (cái cũ) mà không biết lẽ sai của nó, còn giải bậy rằng: hấp giữ viên quang (giải chữ Quang này), thành tựu giáo thể (giải chữ Âm này). Lại, Trời Vô Tưởng, diệt trừ niệm đầu và niệm sau, thảy không còn tưởng thô. Nay Kinh lại bịa đặt là sinh một nửa kiếp đầu, nửa kiếp sau diệt. Lại, cách gọi Hữu Đỉnh, là ba Hữu Đỉnh, đáng ra thuộc Vô sắc. Nay Kinh lại xưng bờ ranh của Sắc giới là Hữu Đỉnh, đều là bịa đặt. Đó là điều ngụy thứ 86.
Lại, Thức Vô Biên xứ của Trời Vô sắc giới vẫn thuộc ý thức phân biệt, luận thuyết năm ngôi vô tâm, không thấy loại trừ cái này (Thành Duy Thức q.7). Nay Kinh lại soạn là chỉ lưu A-lại-da về nửa phần Mạt-na vi tế, điều này thì có khác gì với Diệt Tận định? Đó là điều ngụy thứ 87.
Tu-la chỉ thông với ba đường, nay Kinh lại nói cũng thông với Súc sinh. Lại cõi Quỷ chỉ có hóa sinh hoặc kiêm cả thai sinh (Bà-sa q.120, và Trí Luận q.8), nay Kinh lại gọi noãn sinh là Quỷ. Đó là điều ngụy thứ 88.
Kinh nói chung về chỉ quán Ma sự là Ấm Ma, Thiên Ma, thứ tự mà hết, xét theo Niết-bàn q.2, Trí Luận q.5, Bồ-tát vì đắc Pháp thân mới phá Ngũ Ma, làm gì có chuyện mới chỉ quán sơ tu mà dứt hết cả Ấm. Đó là điều ngụy thứ 89.
Kinh nói: “Tính Không trong tâm”[75], lại nói: “Một người phát chân quy nguyên, mười phương này Không thảy đều tiêu mất”[76]. Xét ra pháp tính chúng sinh tuy là một vị, nhưng không phải một thể, cho nên không phải một người thành Phật là tất cả giải thoát. Làm sao có chuyện trong tâm hư không thì mười phương đồng mất? Vả lại, ở trước Kinh văn có nói: “Không chẳng phải sở tác, vì không hoại diệt”[77]. Nhưng rốt cuộc không nghe nói là hủy hoại hư không, ở đây thì tiêu mất, bảo thế là sao? Đó là điều ngụy thứ 90.
Năm uẩn nghĩa là tích tụ gộp lại, cựu dịch là Ấm, có cách hiểu khác là che mờ vốn không đúng. Nay Kinh chỉ lấy mỗi ý kia (Ấm) rồi giải là che trùm u ám, nhốt ấm lại thì ánh sáng vào, càng nói càng xa. Đó là điều ngụy thứ 91.
Năm trược thế giới vốn không thể phối cùng năm uẩn, nay Kinh nói là dứt tận một ấm là vượt qua một trược, thật vô căn cứ. Kiếp là thời phần, tương quan với Hành ấm, làm sao mà Sắc tận thì không còn Kiếp. Trời Vô Sắc kia 80.000 kiếp, chẳng có kết quả à? Thụ thì quy cho phiền não, Tưởng thì thuộc về hữu tình, điên đảo y vậy. Đó là điều ngụy thứ 92.
Kinh nói: “Sắc ấm tiêu đi là khởi lên đại ngã mạn, mạn và quá mạn. Cho đến ti liệt mạn, nhất thời cùng phát”[78]. Xét ra cảnh sở duyên của bảy thứ mạn này khác nhau, vốn khó mà khởi lên cùng nhau cả (xem Câu-xá q.19, Tạp Tập q.6). Nay Kinh thứ nói trong tâm còn khinh mười phương Như Lai, vậy đối với người đó thì Ti liệt mạn kiểu gì? Đó là điều ngụy thứ 93.
Kinh nói: “Thụ ấm dứt hết thì trên qua sáu mươi Thánh vị, đắc ý sinh thân”[79]. Xét ra thân biến dịch được thụ nhận trên cấp địa thì có liên quan gì đến 60 Thánh vị chứ? Thụ là biến hành, Thánh vị có tâm, làm sao không thụ? Tuy biến hóa thân, há lại có thể nằm ngoài? Đó là điều ngụy thứ 94.
Kinh nói: “Tưởng ấm dứt hết thì căn nguyên sinh diệt phơi bày từ đây”[80]. Xét ra căn nguyên sinh diệt phải dùng Phật nhãn mới thấy, Thiền định diệt tưởng, sao ngừng đến đó? Ở trước Kinh văn có nói: “Chín định thứ đệ không được Lậu tận”[81]. Là Diệt Tận định, tưởng tế tuy diệt nhưng vẫn như hữu lậu, không thể thấu đạt căn nguyên sinh diệt, xá chi ngoài đó, Thiền định diệt tưởng có thể bằng được sao? Đó là điều ngụy thứ 95.
Về mười loại Ma của Hành ấm thì Kinh y theo 62 tà kiến, chung làm mười loại. Thật ra thì mỗi kiến khác nhau, không phải chỗ tính chấp của một người, nay lại hợp hai loại vô nhân thành một ngoại đạo… thì không thể thông suốt. Lại ở trong hai luận vô nhân đó nói là được nhãn căn tám trăm công đức, thấy tám vạn kiếp. Công đức nhãn căn là phải đợi Vô lậu chuyển y (Trang Nghiêm Kinh Luận q.3). Đã chuyển y rồi, sao còn xưng là ngoại đạo? Đó là điều ngụy thứ 96.
Kiến quá khứ là bốn Biến thường luận, đều không như thật mà có vọng chấp đối với sinh diệt. Nay Kinh lại nói cái thấy không sinh diệt lấy làm Biến thường. Lại một phần thường vốn là hễ sinh ra ở chỗ nào thì không như thật biết mà sinh vọng chấp. Nay Kinh lại nói năm ấm hoặc tận hoặc diệt lấy làm một phần. Ngay cả Hữu biên, vốn chỉ thế gian, lại đi nói là chúng sinh nửa sinh nửa diệt, càng không thể hiểu. Đó là điều ngụy thứ 97.
Trong năm loại kiến tương lai, bốn luận là sau khi chết có tưởng là chấp ngã hữu sắc hay vô sắc v.v… cho nên thông cả ba cõi. Nay Kinh sửa làm bốn câu là ngã ở trong sắc, vậy thì không thông tới Vô sắc, vả lại cái vốn thuộc về Hữu tưởng lại đi giải là Hữu tướng, cũng thuộc dạng bịa đặt, những luận khác như Sở dư vô tưởng câu phi v.v… cũng đều là giải theo kiểu đoán mò, không có điểm y cứ. Đó là điều ngụy thứ 98.
Kinh nói: “Đã diệt sinh diệt, mà với sinh diệt, tinh diệu chưa tròn”[82]. Xét thì câu văn này đi ra từ câu tụng trong Niết-bàn “Sinh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui”[83]. Nghĩa gốc của tụng này chỉ cho các hành hữu lậu, sinh rồi thì diệt, sinh diệt thì khổ, Tịch kia là vui (Du-già q.18). Ở đây là lấy hình tướng sinh diệt và tịch diệt vốn không diệt rồi mới dần dần có niềm vui, cho nên Du-già dịch là “vì sinh nên dịch” (xét câu bản Phạn này, cũng có ý là sinh rồi thì diệt không diệt rồi). Há lại có cảnh giới đã diệt sinh diệt mà tịch diệt chưa tròn à? Như trong Niết-bàn cựu dịch thì diệt sinh diệt rồi thì phải tịch diệt, sao lại nói là chưa tròn? Đó là điều ngụy thứ 99.
Kinh nói: “Từ trong các căn hỗ dụng mà có thể nhập Càn Tuệ kim cương của Bồ-tát, như vậy là siêu hạng Thập tín… vào biển Như Lai”[84]. Xét ra sáu căn hỗ dụng thì ắt phải chuyển y (Trang Nghiêm Luận q.3), kim cương tâm này là cho hậu sự. Nay lại nói do hỗ dụng nhập kim cương tâm, đảo ngược cái nhân rồi. Kim cương tâm cứ sát-na là đoạn trừ mê hoặc, thứ niệm liền chứng Bồ-đề, sao còn có lớp Càn Tuệ nữa? Đạt kim cương tâm vốn là tự cứu cánh, sao còn siêu nữa? Chỉ nhờ chỉ quán mà đắc kim cương tâm đã là nghi vấn rồi. Đó là điều ngụy thứ 100.
Kinh nói: “Năm ấm chồng khởi”. Lại nói: “Lí thì đốn ngộ, sự thì tiệm tận”. Xét pháp năm ấm thì sắc và tâm nương nhau, đã khởi thì cùng khởi. Lại câu hợp với thụ và tưởng là Biến hành, cũng không có thứ lớp. Sao lại gọi là Chồng khởi? Ngay cả năm ấm tiệm tận (dần dần hết đi), cũng không thuộc sự và lí. Há có thể nhổ hết thảy Biến hành kia khiến cho nó không tương ưng nữa? Thiền gia Bắc Tông có nói về Đốn ngộ và Tiệm tu, tác giả ăn cắp ý tưởng ấy để soạn Kinh. Đó là điều ngụy thứ 101.
[6] Tức Thật Xoa Nan Đà (652 – 710), là vị Tăng người Tây Vực sang phiên dịch kinh vào đời Đường Vũ Tắc Thiên nữ hoàng.
[7] Tức Bất Không Kim Cương (705 – 774), là Tăng nhân người nước Sư Tử (Sri Lanka) phía Nam Thiên Trúc sang nước Xà Bà (nay là đảo Jawa) học đạo, là vị tổ sư Mật Tông của Phật giáo Hán truyền, dịch kinh đời vua Đường Huyền Tông.
[8] Lấy thành ngữ: “Bệnh nhập cao hoang”, cao hoang tức là vùng dưới tim mà trên lớp hoành cách mô, bệnh nhập đến vùng ấy thì vô phương cứu chữa.
[9] Nguyên văn là câu thành ngữ: “Đại hữu nhân tại” (大有人在), hình dung cho một hạng người hay một quan điểm nào đó được nhiều người theo.
Discussion about this post