Xin chào các vị bằng hữu!
Chúng ta vừa thuyết minh về trình tự học tập, phải qua quá trình: “Bác học, thẩm vấn, thận tư, minh biện, đốc hành”. Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu thế nào là “bác học”.
Thứ nhất, Bác Học
“Bác” là học rộng. Trong “Tam Tự Kinh” nói: “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”. Dạy và học là một sự việc, dạy phải chuyên, học cũng phải chuyên. Ở đây nói “bác học”, tại sao “Tam Tự Kinh” lại nói phải chuyên, chúng ta nhất định phải hiểu. “Tam Tự Kinh” nói: “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”, “học chi đạo quý dĩ chuyên”. Điều quan trọng nhất là phương pháp cầu học vấn, vừa bắt đầu nhất định phải chuyên, phải thâm nhập một môn. Sau khi bạn nắm bắt được toàn bộ cương lĩnh đức hạnh của giáo huấn Thánh Hiền rồi, trong năm năm này bạn có thể đạt đến một trình độ nào đó, một trí tuệ nào đó, “định tính”. Bạn có “định tính” như vậy, có nền móng như vậy, tiếp theo bắt đầu “bác học”, sau đó mở rộng nghiên cứu thảo luận với mọi người. Cho nên năm năm nền móng này phải chuyên chú.
Tại vì sao chúng tôi lại có sự thể hội như vậy?
Thứ nhất, bản thân tôi trong quá trình tiếp nhận giáo huấn Thánh Hiền, năm – sáu năm này tôi đều chỉ theo học một vị thầy, cho nên rất nhiều tư tưởng quan niệm đã được hình thành. Khi gặp phải cách nói khác, tôi lập tức có thể phản bác, phân biệt lời họ nói là đúng hay sai. Ngoài việc thể hội được từ kinh nghiệm học tập của bản thân, trong triết học giáo dục quan trọng nhất của Trung Quốc là “Thiên Lễ Ký”, “Học Ký” cũng đồng thời nói, sau khi học năm năm mới có thể “bác tập thân sư”, mới được phép học rộng. Giáo huấn Thánh Hiền trong thâm nhập đạo đức học vấn, vừa bắt đầu nhất định phải chuyên theo một vị thầy, chuyên chú nắm lấy một quyển Kinh điển, thâm nhập một môn, sau khi đặt nền móng tốt rồi mới học rộng.
Trong học rộng uyên thâm, quan trọng nhất là phải học tập từ phương diện cuộc sống.
Trong phương diện cầu học vấn, “bác học” này là đợi sau khi đặt nền móng tốt rồi mới bắt đầu. Trong phương diện đời sống, giáo dục đời sống chúng ta có thể học rộng. Ví dụ, trẻ em ở trong đời sống ăn cơm như thế nào có cần học hay không? Cần. Nếu như lúc các em ăn cơm vung vãi ra đất, tiếp đó âm thanh ăn phát ra rất lớn, người khác ăn cơm chung với các em thấy toàn thân không thoải mái, như vậy rất vô lễ. Khi vô lễ thì ấn tượng của người khác đối với các em sẽ không tốt, thậm chí sẽ khinh mạn, coi thường các em. Cho nên, Khổng Lão Phu Tử nói: “Bất học lễ, vô dĩ lập”, không học tập phép tắc thì làm sao chung sống với người khác? Rất khó có chỗ đứng ở trong xã hội.
Chúng ta vừa mới nói ăn cơm phải học, vậy mặc quần áo có cần học hay không? Cần. Mặc quần áo không học, khi mặc không biết quý trọng quần áo, vốn dĩ quần áo có thể mặc được năm năm, bị chúng ta mặc vào ba tháng là rách rồi. Cho nên, mặc quần áo phải học, phải yêu quý đồ vật. Thậm chí, bước đi có cần học hay không? Đi đứng, nằm, ngồi có cần học hay không? Người hiện nay không học đi đứng, nằm, ngồi, cho nên có một phần đông người sinh ra bệnh vẹo cột sống, có hay không? Rất nhiều. Đứng không ra tướng đứng, lâu ngày dài tháng cột sống đều bị vẹo hết. Rất nhiều người bị gai cột sống, đây đều là do tư thế đi đứng nằm ngồi không đúng tạo nên.
Hiện nay, trong xã hội rất nhiều người ưa thích nằm ngủ giường nệm, cảm thấy ngủ giường nệm giống như hưởng thụ, thực ra có lợi ích đối với mình không? Ngủ nệm càng mềm thì toàn bộ xương cột sống đều bị ảnh hưởng. Tôi thường thường ngồi ghế sofa cũng cảm thấy không tự tại, giống như càng ngồi tinh thần càng tệ, đầu óc không tỉnh táo, bởi vì toàn bộ cột sống đều không thẳng, tuần hoàn máu sẽ càng ngày càng giảm dần, sẽ cảm thấy toàn thân không tự tại. Cho nên, tốn tiền mà chưa chắc có sức khỏe.
Tôi đã từng đi diễn giảng tại một Xí nghiệp ở Bác Ngao, Hải Nam. Tôi ở khách sạn Hoàng Kim Hải Ngạn, một ngày phải trả phí mấy ngàn đồng, cuối cùng đêm hôm đó cũng không ngủ được. Chúng tôi nói: “Không có cái phước phần đó, hay là không ngủ còn tốt hơn”, bởi vì giường của khách sạn đó thật sự quá mềm, chúng tôi ngủ giường cứng quen rồi. Cho nên ngày hôm đó, tôi suốt đêm trằn trọc không ngủ được. Hôm sau, may là diễn giảng vẫn được bình thường, nếu không thì tôi có lỗi với người khác đã tốn nhiều tiền như vậy. Chúng ta từ đây có thể thể hội được, ngay cả đi đứng nằm ngồi cũng phải học tập. Bởi vì, nó đại biểu cho uy nghi của bạn, người ta không dễ dàng coi thường bạn; nó đại biểu thói quen sinh hoạt của bạn, cũng có thể ảnh hưởng sức khỏe của bạn. Những thứ phải học trong toàn bộ các mặt của đời sống thật sự là quá nhiều. Chúng ta cần nắm lấy các loại cơ hội để con trẻ học tập làm sao độc lập, làm sao chăm sóc bản thân, làm sao chung sống với người khác. Nói năng như thế nào, làm việc như thế nào, thế nào là lễ phép, chào hỏi như thế nào, tiếp khách đến ra làm sao, khách ra về tiễn như thế nào, tất cả có cần học hay không?
Tôi nhớ có anh bạn học cấp ba, thành tích của anh vô cùng tốt. Anh ấy cấp hai chỉ học hai năm là trực tiếp thi vào cấp ba, hơn nữa còn thi đậu nguyện vọng một của Cao Trung. Tôi vào lúc đó học chung với anh ấy ba năm, tình cảm cũng rất tốt. Lúc học đại học, tôi đến nhà anh tìm anh. Lúc tôi sắp ra về, tôi nói: “Chào bạn mình về”. Anh ta nói: “Chào nhé!”. Chỉ một mình tôi bước ra. Cuối cùng ba của anh ta nhìn thấy, liền mắng anh ta: “Con ngay cả tiễn khách cũng không biết tiễn”. Chỉ số thông minh của anh ta có cao không? Anh ta có thông minh hay không vậy? Có thể học vượt cấp, thế là quá thông minh rồi, nhưng mà đối nhân xử thế chẳng biết gì! Ba của anh nói: “Sao con không tiễn khách”. Thật ra, bậc làm cha mẹ chúng ta có dạy hay không? Không có dạy. Cho nên nếu bậc làm cha mẹ hiểu được con trẻ nhất định phải biết đối nhân xử thế, thì con trẻ mới từng li từng tí có cơ hội học tập trong đời sống. Cho nên, một đứa trẻ có thể “bác học” hay không vẫn thật sự chịu sự ảnh hưởng của cha mẹ.
Tôi có một em học trò nữ, từ lớp một đến lớp năm thành tích học tập tất cả đều đứng nhất. Học trò như vậy có giỏi hay không? Các bạn có ngưỡng mộ hay không? Người con như vậy ở nhà bạn có tốt hay không? Tốt à! Đừng tốt nhanh như vậy! Mãi đến năm lớp sáu thành tích học tập của em đều đứng nhất, nhưng ở nhà em hoàn toàn không làm việc nhà. Ở nhà đều không làm việc nhà thì có thể đến trường sẽ bỗng nhiên biến thành một người rất chịu khó hay không? Không thể. Sau đó, bởi vì phân chia công việc cũng không chăm chỉ làm, cho nên bạn học oán hận càng ngày càng nhiều, tiếng oán hờn khắp nơi, đã uy hiếp đến uy tín của người làm thầy này. Tôi nếu như không xử lý thì những học trò khác nói: “Bạn thấy thầy thiên vị?”, cho nên vào lúc này không thể không ra tay. Tôi liền gọi điện thoại cho mẹ của em. Chúng ta chung sống với người khác phải nắm một nguyên tắc, gặp người khác trước tiên phải khen (khen họ cũng được, khen con của họ cũng được). Bạn không được gặp người khác câu đầu tiên là: “Con của anh thật tệ”, “Anh hôm nay tại sao không làm tốt việc này?”. Câu đầu tiên bạn nói như vậy thì tâm trạng của họ sẽ rất không tốt. Cho nên nói chuyện có cần học hay không?
Giáo huấn của Khổng Lão Phu Tử có bốn điều rất quan trọng. Điều thứ nhất là “Đức hạnh”, điều thứ hai là “Ngôn ngữ”. “Nhất ngôn hưng bang, nhất ngôn tang bang”. Bạn nói hay có thể khiến một quốc gia hưng thịnh, nói sai có thể khiến một quốc gia gặp tai ương, cho nên ngôn ngữ phải thật cẩn thận. Một quốc gia có thể bởi vì lời nói mà tai họa thì một gia đình càng không cần phải nói nữa. Điều thứ ba là “Chính sự”. Chữ “chính” này là việc quản lý mọi người, cho nên “chính sự” chúng ta giải thích rộng ra chính là năng lực làm việc của con trẻ, trí tuệ xử lý sự việc. Phụ huynh hiện nay đều không để con trẻ làm việc, chúng có thể xử lý công việc hay không? “Ngọc không mài giũa không thành đồ hữu dụng”. Hiện nay năng lực xử lý công việc của con trẻ liên tục đi xuống, không phải không có nguyên nhân, bởi vì chúng ta không có dạy. Điều thứ tư là “Văn học”. Đây là bốn giáo huấn của Khổng Lão Phu Tử.
Lập ngôn trong văn học cổ đại chúng ta gọi là “tam bất hủ”, văn chương lưu lại tiếng thơm muôn đời, có thể lợi ích cho người đời sau. Nhưng thật ra, tiền đề của lợi người ở chỗ nào vậy? Bất kỳ nền tảng nào cũng không lìa khỏi đức hạnh. Không có đức hạnh thì văn tự lưu lại không thể khiến người ta được lợi ích, cho nên đức hạnh là quan trọng.
“Tam bất hủ” của đời người, thứ nhất là lập đức, tiếp đó là lập công, sau cùng là lập ngôn. Đối với gia đình, đối với quốc gia, đối với xã hội, bạn có sự giúp ích chân thật, có đức hạnh, thật sự bản thân bạn không viết thì người ta giúp bạn viết.
“Nghĩa Điền Ký” là sách miêu tả Phạm Trọng Yêm. Xin hỏi có phải Phạm Trọng Yêm tự mình viết ra không vậy? Không phải. Rất nhiều bài văn ca tụng bậc Thánh Hiền các thời kỳ đều không phải đích thân họ viết ra, đều là do người khác khâm phục họ mà viết ra. Cho nên người có thể lập đức, có thể lập công thì thế nào cũng được lưu truyền lại.
Chúng ta hiện nay cần suy nghĩ, việc học tập bốn điểm trọng yếu này ở trong đời sống chúng ta đã được dạy hay chưa? Năng lực làm việc nhà là một loại trí tuệ cuộc sống bồi dưỡng họ làm việc. Cho nên, tôi gọi điện thoại trước tiên nói với mẹ của em: “Em bé này gần đây có biểu hiện tốt gì…., còn đại diện trường đi thi đấu cũng rất nỗ lực luyện tập”. Mẹ của em sau khi nghe xong nói: “Không có đâu, không có đâu, thầy ơi! thầy đừng ghét bỏ”. Sau khi khen xong, chúng tôi sau đó chuyển đề tài, tôi liền nói cho vị phụ huynh này biết. Tôi nói: “Con trẻ có rất nhiều thái độ có thể ảnh hưởng chúng cả đời”. Tôi không có nói con của cô ấy như thế nào, chúng tôi chỉ chuyển đề tài làm dẫn dắt, giống như xây dựng thái độ làm việc nhà sẽ khiến trẻ em hình thành thái độ xử lý công việc theo nhóm, rất quan trọng. Những việc nào vậy? Tôi liền phân tích cho mẹ của em. Tôi nói, trẻ em biết làm việc nhà, điều thứ nhất chúng biết cảm ơn. Khi bạn bảo trẻ lau sạch phòng khách, khi chúng làm chúng mới biết lau nhà như thế nào? Vất vả. Chúng bỗng nhiên suy nghĩ: “Mẹ mình sáng sớm đi làm, chiều trở về, tối về còn phải nấu cơm, còn phải xếp đồ. Ta lau như thế này đã mệt vậy rồi thì mẹ chắc mệt hơn”. Bạn để trẻ thật sự làm thì chúng mới có thể có sự cảm nhận. Bạn đều không để chúng làm, mỗi ngày chúng ở đó xem ti vi thì chúng đâu có biết bạn vất vả ở chỗ nào. Cho nên, Thánh Hiền chỉ dạy người, tập lao động mới biết cảm ân. Người thường hay lao động, hay cho đi, họ mới có thể cảm ân sự cho đi của người khác.
Điểm thứ nhất, làm việc nhà sẽ biết cảm ân
Tập lao động, biết cảm ân. Tiên sinh Tăng Quốc Phiên trị gia rất có trí tuệ. Tuy địa vị quyền lực của Tiên sinh Tăng Quốc Phiên đã đạt đến Tổng đốc của bốn tỉnh (trong lịch sử mấy trăm năm của triều Thanh xưa nay chưa có một người Hán nào có địa vị quyền lực lớn như vậy), nhưng Tiên sinh yêu cầu đời sống cơ bản của tất cả con cháu ông (y phục, những việc nhà) đều không được để người cấp dưới làm, đều phải đích thân mình làm, như vậy con cháu của ông mới không bị “siêng ăn nhác làm”, cho nên biết lo xa nghĩ rộng.
Tiên sinh Tăng Quốc Phiên nói: “Xem một gia tộc này sẽ hưng hay bại chỉ cần nhìn vào ba điểm”. Thứ nhất, con cháu ngủ đến mấy giờ. Nếu như con cháu đều ngủ đến khi mặt trời đã lên cao mới thức dậy, đó là đại biểu cái gia tộc này sẽ lười biếng mà đi xuống dần. Cho nên, điều đầu tiên xem họ ngủ đến mấy giờ. Điều thứ hai, xem con cháu có làm việc nhà hay không. Thói quen cần cù lao động ảnh hưởng cả đời của một người. Điều thứ ba, xem con cháu đời sau có đang học Kinh điển Thánh Hiền hay không? Người không học sẽ không biết nghĩa, không biết đạo. Tiên sinh Tăng Quốc Phiên có quan niệm chích xác như vậy, cho nên con cháu của ông hiện nay vẫn rất hưng vượng.
Trong “Bảo Phú Pháp” của Tiên sinh Nhiếp Vân Đài vẫn nhiều lần nhắc đến con cháu đời sau của Tiên sinh Tăng Quốc Phiên, vào thời đó cũng vẫn rất tốt. Ông cũng nhắc đến Tiên sinh Lâm Tắc Từ. Những phần tử trí thức có học vấn của triều Thanh này thật sự đem đạo đức, học vấn của họ truyền thừa cho thế hệ sau.
Cho nên, nhất định phải để con trẻ làm việc nhiều thì chúng mới biết cảm ân bạn.
Có một em nhỏ, bởi vì thầy giáo dạy em “sinh nhật là ngày bị nạn của mẹ”, cho nên sinh nhật không nên nghĩ đến McDonald, không nên nghĩ đến rất nhiều quà tặng, mà nên nghĩ đến điều gì vậy? Nghĩ đến nỗi vất vả của mẹ, nghĩ đến nỗi khó nhọc sinh con của mẹ. Những công lao dưỡng dục này phải ghi nhớ trong lòng, phải luôn luôn nghĩ đến biết ân báo ân. Cho nên sinh nhật không phải đi yêu cầu mua thật nhiều quà tặng, mà tự mình chủ động biết làm việc nhà.
Có một bé gái nhân ngày sinh nhật, em quyết định nấu một bữa ăn cho mẹ em. Ngày hôm đó em nấu món dưa leo xào. Bé gái này chiều cao có cao không vậy? Khi đứng lên rất không thuận tiện, em liền tự mình dời một cái ghế đến để đứng lên. Khi bước lên, chiều cao đủ rồi, cầm chiếc vá đem dầu đổ vào. Kết quả dầu như thế nào? Bắn tung tóe. Người chưa bao giờ xào thức ăn đều không biết. Khi bắn tung tóe lên, em lập tức đi tìm cái bao tay lớn mang vào, tiếp tục vũ trang đầy đủ. Cuối cùng khi cho dưa leo vào bắn tóe cao hơn nữa rồi. Em lập tức bỗng nảy ra một ý tưởng, tìm nón bảo hiểm của ba em đội lên, tìm đủ cách vô cùng khổ cực để làm xong món dưa leo xào. Sau đó, em dọn ra cho mẹ của em ăn. Tôi tin là em nhỏ này sau khi xào xong món dưa leo này, sau này em ăn thức ăn có kén chọn lung tung không? Không thể, vì biết vất vả rồi. Chúng ta thường hay nói: “Nhổ mạ giữa trưa hè, mồ hôi theo mạ cấy, ai biết bữa cơm này, mỗi hạt đều khó nhọc”. Đọc thì cứ đọc. Nếu như bạn thật sự đi trồng một vụ lúa, tôi xin thưa với bạn, khi bạn ăn cơm cũng khác rồi. Thật vậy! Bạn thật sự làm việc bốn tháng, sau đó đi thu hoạch chúng, thì khi bạn ăn mỗi hạt cơm đều nhai sẽ rất nhuyễn. Bởi vì bản thân tôi đã làm công việc này, nhưng không phải tôi đi trồng lúa, mà trồng củ cải đỏ. Trồng được một – hai tháng, nhưng một bữa đã ăn hết toàn bộ chúng rồi. Cho nên, cảm nhận được nỗi vất vả của người nông dân thì thái độ quý trọng, tâm cảm ơn của chúng ta liền xuất hiện ngay.
Chúng ta nói làm khách tha phương, đi sống ở bên ngoài thường đều hay nhớ nghĩ đến ai vậy? Cha mẹ. Lúc tôi đến Hải Khẩu cũng thường hay nghĩ đến mẹ thật vĩ đại, vì sao vậy? Bởi vì tôi đi đến Hải Khẩu mọi việc đều phải tự mình làm, quần áo tự mình giặt, nhà tự mình lau. Sau khi tất cả việc nhà tự mình làm rồi mới biết: “Ồ! Mẹ thật không dễ dàng làm”. Sắp xếp một gia đình đúng là học vấn chân thật. Cơm cũng phải tự mình nấu, cho nên khi tự mình cắt rau mới biết vất vả. Cho nên chúng tôi nói, tập lao động mới biết cảm ân. Khi một đứa trẻ có thể sinh khởi tâm cảm ân thì chúng mới có thể nhớ ân người khác, mới có thể luôn luôn nghĩ đến sự cho đi của người khác, tiến tới báo đáp người khác, quan tâm người khác. Cho nên làm việc nhà rất quan trọng, điểm thứ nhất là biết cảm ân.
Điểm thứ hai, làm việc nhà sẽ hình thành thói quen cần cù, siêng năng.
Trong quá trình dạy học, tôi nhìn thấy rất nhiều em nhỏ, khi bạn giao việc cho chúng, chúng làm rất gọn gàng đều là những em ở nhà thường hay làm việc. Những em ở nhà không làm việc thì tỏ vẻ rất xa lạ. Bạn giao việc cho chúng, chúng liền nghĩ này nghĩ nọ, sau đó làm thì bạn sẽ cảm thấy rất chậm chạp. Bảo chúng vắt cho sạch cây lau nhà, bạn nhìn thấy tay chân chúng vụng về, không chịu khó.
Thực ra, tôi cũng tay chân vụng về, bởi vì lúc nhỏ làm việc quá ít. Tôi là cháu đích tôn, cho nên nếu như tôi muốn rửa chén thì trong nhà nhất định sẽ xảy ra biến đổi rất lớn, bởi vì bà nội tôi nhất định sẽ chạy qua, sau đó mẹ tôi cũng liền chạy qua. Mẹ tôi chạy qua thì hai người chị của tôi lại chạy qua, cho nên tôi không có cơ hội để rửa chén. Chẳng qua đây cũng là tìm cái cớ. Việc ở trong nhà làm ít, cho nên động tác sẽ không linh hoạt.
Tôi đến Úc Châu để học tập nửa năm, một lần đến lượt tôi phải rửa chén, đúng lúc chú Lư đi qua. Chú vốn dĩ sắp đi qua, bỗng nhiên quay đầu lại nhìn tôi nói: “Xem anh rửa chén là biết anh quá tốt số”. Người thật sự có trí tuệ, có trải nghiệm cuộc sống, chỉ nhìn chúng ta – những người tuổi trẻ này nói chuyện, nhìn động tác của bạn, liền biết bạn nặng mấy lạng. Cho nên bạn hy vọng con cái bạn sau này có triển vọng thì hiện nay phải luyện tốt khả năng cho chúng. Quá trình học của một người không thể qua mắt nổi những người có trí tuệ, có kinh nghiệm. Bạn muốn tính toán chuyện lâu dài cho con cái bạn thì từ nhỏ phải rèn luyện tốt năng lực làm người cho chúng.
Nửa năm ở Úc Châu tôi thể hội rất nhiều sự việc. Tôi thể hội, cả đời của một con người cần làm bao nhiêu việc đã được định sẵn. Nếu như nhân lúc còn trẻ bạn không làm việc, thì tuổi già số mạng của bạn sẽ không tốt. Già rồi mới làm việc trở lại thì rất đau khổ. Cho nên, nhân lúc còn trẻ tạo phước nhiều, phục vụ nhiều cho quần chúng thì khi già rồi bạn sẽ hưởng phước. Bởi vì có bảy – tám chục người đi học, cho nên chén của bảy – tám chục người đều cần chúng tôi rửa. Tôi đã từng rửa một thùng nấu canh lớn như thế này, là phải chà như thế này. Tôi mấy chục năm không có làm việc nên phải mất nửa năm làm bù. Sau đó làm bánh màn thầu, một lần phải làm 800 đến 1.000 cái, nhồi bột đến lưng của tôi không thể đứng thẳng được. Nhưng cũng từ trong quá trình làm việc này, tôi thể hội được rất nhiều phương pháp làm việc, cũng cảm nhận được nỗi khó nhọc cho đi của người khác. Một người trong một ngày cần cho đi bao nhiêu mới có thể thành tựu đời sống một ngày của bạn? Cho nên, bạn thật sự làm việc thì tâm cảm ân của bạn sẽ nảy sinh một cách rất tự nhiên, sẽ tự nhiên không chà đạp sự phục vụ của người khác đối với bạn.
Trẻ em siêng năng đặc biệt có phúc, đặc biệt dễ dàng nhận được sự giúp đỡ của quý nhân. Lúc tôi còn đi dạy, đúng lúc năm đó dạy môn tự nhiên, sau khi hết tiết học còn rất nhiều dụng cụ dạy học bày ở trên bàn, ba – bốn em học trò đã chủ động giúp tôi sắp xếp có thứ tự mặc dù tôi không có nhờ chúng làm. Hai em quét dọn, hai em sắp xếp. Bạn nhìn thấy các em như vậy sẽ như thế nào? Sinh tâm hoan hỷ. Bạn đối với chúng có quan tâm nhiều hơn hay không? Nhất định có. Chúng ta làm thầy thì không thiên vị, nhưng gặp được các em biết ngoan ngoãn, lại biết nghe lời như vậy, chúng ta sẽ từ trong đáy lòng muốn cố gắng đề bạt chúng. Cho nên trẻ em siêng năng đặc biệt dễ dàng gặp được quý nhân giúp đỡ.
Ưu điểm thứ ba của làm việc nhà là thúc đẩy quan hệ nhân tế.
Thưa các bạn, các bạn thích hợp tác với người như thế nào? Thích hợp tác với người siêng năng hay lười biếng? Chúng tôi lúc học đại học, khi tìm bạn để thành lập nhóm viết báo cáo, những người nào chúng ta thích tìm nhất vậy? Người đặc biệt chịu khó. Người lười biếng chúng ta đều nhanh chân chạy, không muốn cùng nhóm với họ. Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều sinh viên học đại học được mấy tháng, sau đó bị nhà trường đuổi học. Tại sao vậy? Kỹ năng sống quá kém, phòng ngủ lộn xộn lung tung. Nếu như con em chúng ta đến ký túc xá, vừa bước vào đoàn thể liền chủ động quét dọn, nhìn thấy người khác đang bận cũng biết chạy đến nói: “Có việc gì tôi có thể làm giúp được không?”, chúng cho bạn học, cho thầy cô ấn tượng đầu tiên là gì vậy? Cảm giác chịu khó, rất thoải mái. Cho nên quan hệ nhân tế của họ tự nhiên sẽ rất tốt. Nhưng nếu như họ không làm việc nhà, quy tắc sống lại rất kém, không chỉ không giúp đỡ người khác, mà sẽ còn tạo thêm rất nhiều phiền phức cho người khác. Đồ đạc người ta để ở chỗ đó dùng xong lại không đem trả lại chỗ cũ, đến khi người ta đi tìm, tìm cả buổi, cuối cùng lại thấy ở trong phòng của bạn, người ta chỉ biết giận chứ không biết nói gì. Đến khi oán giận tích lũy đến loại mức độ nào đó sẽ bùng phát ra. Cho nên, một số sinh viên bị đuổi học là do không biết phép tắc chung sống với bạn học và thầy cô, đến cuối cùng bị trường đuổi học.
Có một anh sinh viên ở Thẩm Quyến, bạn học đều không muốn ở chung, ngay cả thầy cũng rất sợ anh ta đến tìm. Bởi vì có khi anh ta đến nhà thầy giữa trưa, nhấn chuông cửa làm ồn khi thầy còn đang ngủ. Sau đó vào nhà vừa ăn quà vặt vừa lên mạng, đồ ăn rơi đầy đất, dầu dính trên tay vẫn cứ đánh lên bàn phím. Thầy của anh ta nhìn thấy đều rất sợ hãi. Đến cuối cùng nhà trường đuổi học anh ta. Báo Thẩm Quyến đã vẽ một bức họa, là vẽ anh sinh viên này đội chiếc mũ tiến sĩ, mẹ của anh ta đang đút cơm cho anh ta. Năng lực gì cũng không biết! Tại sao vẽ mẹ của anh ta đút cơm cho anh ta ăn vậy? Bởi vì mẹ của anh ta là kẻ tử thù với anh ta, mẹ anh không đút thì anh không ăn. Một sinh viên có hành vi như vậy sẽ tạo thành thế nào? Mẹ của anh ta đang đút cho anh ta ăn có thể sẽ rất oán hận, rất buồn tủi. Nhưng vấn đề tại sao thành như vậy? Từ nhỏ quá nuông chiều mới tạo thành kết quả này. Người giác ngộ phải tìm nguyên nhân. Người mê hoặc chỉ ngồi đó sợ kết quả.
Một đứa trẻ nếu quan hệ nhân tế tốt thì nhất định sẽ chủ động đi giúp đỡ người khác. Mấu chốt là trong lúc bình thường chúng có chịu khó hay không, có thói quen làm việc nhà hay không.
Cuối cùng, làm việc nhà sẽ ảnh hưởng đến ý chí của trẻ rất lớn.
Trẻ làm việc nhiều mới có thể đảm đương, mới có những kinh nghiệm chịu trách nhiệm, mới có thể suy nghĩ làm sao làm tốt việc. Giống như tôi giao công việc cho học trò, rất nhiều bạn học phối hợp thì tự nhiên chúng sẽ đi tìm phương pháp.
Lúc còn nhỏ, mẹ của chú Lư có khi còn bảo chú đi gánh nước đổ đầy lu cho nhà của dì hàng xóm. Có phải là lu nước của nhà chú không? Không phải, là của dì nhà hàng xóm. Bạn có thể bảo con bạn đi làm việc giúp cho hàng xóm hay không? Người trước đây chân thành với người thân, hòa thuận với xóm giềng, “bà con xa không bằng láng giềng gần”. Ở nông thôn vào mấy mươi năm trước, người trong gia đình này thu hoạch thì hàng xóm khác tất cả cùng đến giúp họ làm việc. Vào thời đó, phong khí xã hội, quan hệ giữa người với người vô cùng hài hòa, hỗ trợ nhau. Hiện nay thì sao? Hiện nay ở nông thôn mặc dù người trong nhà của mình làm việc, mà anh em con bác, con dì làm cũng muốn tính tiền công, mỗi một giờ tính rõ ràng. Cho nên, người với người hiện nay không còn tình nghĩa, chỉ có lợi ích, lợi hại. Nếu như người lớn chúng ta hiện nay đều biểu diễn hình mẫu như vậy thì thế hệ sau như thế nào? Đều chỉ biết theo đuổi theo lợi ích. Thế hệ sau đều chỉ biết theo đuổi lợi ích thì ai gặp tai họa đầu tiên? Người làm cha mẹ bị tai họa đầu tiên. Người tính không bằng trời tính. Vẫn là nên tuân theo giáo huấn Thánh Hiền, trưởng dưỡng tâm nhân từ cho con trẻ, luôn luôn hoan hỷ giúp người.
Cho nên lúc mẹ của chú Lư bảo chú đi làm, nhìn thấy hơn bốn giờ (cả đi cả về cũng phải hai chuyến, bởi vì gánh một chuyến phải hơn một giờ đồng hồ, hai chuyến phải hơn hai giờ, cho nên khi chú trở về cũng phải hơn bốn giờ), cơm đều như thế nào? Đều nguội. Bạn có chịu để cho con bạn làm như vậy không, có cam lòng như vậy không? Thời đại đó của chú Lư đối với cha mẹ đều rất cung kính. “Cha mẹ bảo, phải làm ngay”, sau khi nói rồi thì phải làm, không được lười biếng, cho nên chú liền đi gánh nước xong mới ăn cơm. “Co được mới duỗi được”. Con trẻ trong quá trình làm việc này, sức ý chí và năng lực giải quyết vấn đề của chúng mới có thể nâng lên. Khi chúng gánh nặng như vậy, chúng sẽ nghĩ “ta phải bước qua, từng bước, từng bước mới có thể xong việc này”. Cho nên, chú Lư mấy chục năm nay ở trên thương trường gánh vác trách nhiệm và áp lực nhiều như vậy, tại sao chú có thể chịu đựng được? Chú nói, mỗi lần khi chú tiếp nhận rất nhiều áp lực, thì ở trong đầu đều hiện lên cảnh tượng chú đang gánh nước. Bạn xem, sự rèn luyện sức ý chí đó đối với tâm linh của chú có sự thể hội rất sâu. Cho nên khi chú cảm thấy không thể chịu đựng nổi, liền nghĩ phải bước qua, đột phá tiếp là được ngay, cho nên không lùi bước là đã thành tựu sự nghiệp của cả đời chú. Cho nên, để cho trẻ làm việc nhiều mới có thể hình thành sức chịu đựng cho chúng.
Khi chúng tôi giảng xong, vị phụ huynh liền nói: “Thầy Thái, quan niệm giáo dục của thầy rất khác, có thể con của họ gặp phải nhiều thầy giáo, xưa nay cũng không có thầy cô quan tâm nói phải làm việc nhà”. Cho nên sau khi cô ta nghe xong thì ngày hôm sau liền bảo con của cô làm việc nhà. Con gái của cô chạy đến nói: “Thầy à! Đều do thầy hại cả. Mẹ của con hôm nay bảo con là việc nhà con đều không làm, mẹ của con liền xử phạt con”. Tôi bảo: “Con nên làm, việc đúng thì phải làm, phải nghe lời”. Phụ huynh có thể tiếp nhận, lại phối hợp với thầy, thì hành vi của trẻ chuyển đổi sẽ tương đối nhanh.
Giáo dục đời sống rất quan trọng.
Thứ nhất, “Ứng đối, tiến thối”, rất quan trọng. Quét dọn chính là làm việc nhà, lao động nhiều. “Ứng đối, tiến thối” chính là khi chung sống với bạn bè, với người lớn cần phải dùng thái độ như thế nào. Điều này rất quan trọng. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút, “ứng đối, tiến thối” cũng có thể bao hàm trong lễ độ này, “lễ nghi”. Lễ độ là cự ly tốt đẹp nhất ở trong quan hệ giữa người với người, cho nên bạn phải dạy lễ độ cho con cái từ nhỏ. Ví dụ trẻ nhỏ nhìn thấy người lớn thì cần phải như thế nào? Chào hỏi. Thế cách chào hỏi như thế nào? Có dạy hay không? Hiện nay chúng ta đang giao lưu với rất nhiều bạn bè, họ nói: “Hiện nay trẻ nhỏ vẫn chào bạn, có thể mỉm cười với bạn là khá rồi”. Khi bậc làm cha mẹ chúng ta dạy con trẻ đều hạ đến tiêu chuẩn thấp như vậy, xin hỏi có thể dạy ra trẻ như thế nào?
Chúng tôi ở Thẩm Quyến, những em nhỏ học tập văn hóa Trung Quốc này chỉ cúi chào hai – ba tháng, xin thưa các bạn, không nên xem thường cái cúi chào này. Khi cái lưng của chúng thật sự có thể khom xuống, khom một cách rất chân thành, thì tâm cung kính của chúng nảy sinh. Học vấn của bậc Thánh Hiền, điều quan trọng nhất là “chủ kính tồn thành”, luôn luôn cung kính, luôn luôn chân thành. Đây là nền móng của học vấn chân thật. Xin hỏi lòng cung kính và chân thành của chúng đến lúc nào được đề cập? Đương nhiên là lúc giao tiếp với người. Cho nên, đứng trước người lớn vừa gặp chào hỏi như thế nào? Chúng ta nói cúi chào. Cúi chào phải chú ý cự ly. Bạn không được đi đến trước mặt người lớn, sau đó cúi chào khiến đụng người lớn văng ra. Cho nên những chi tiết này bạn dạy chúng trong quá trình học lễ thì chúng sẽ rất thận trọng. Lễ nghi chào hỏi khoảng cách khoảng chừng hai bước, sau đó cúi chào xuống, vậy là rất tốt. Khi cúi xuống chào còn phải như thế nào? Hỏi thăm. Vào lúc này nói: “Con chào chú”. Toàn bộ động tác này khiến người khác rất thoải mái. Ngoài động tác và hỏi thăm khi cúi chào ra, còn phải thế nào nữa? Ánh mắt. Bạn không được nói: “Con chào chú” mà mắt không nhìn chú. Cho nên, trước khi cúi chào phải nhìn. Khi thẳng người lên vẫn tiếp tục nhìn một chút nữa. Đây chính là lễ nghi của chào hỏi.
Người lớn chúng ta gặp nhau chào hỏi như thế nào? Quả thật người lớn hiện nay ngay cả chào hỏi cũng không biết lễ, vì vậy làm sao dạy các em được. Chúng ta trách trẻ nhỏ rất vô lễ, trước tiên hãy xoay trở lại thử hỏi bản thân mình. Lễ của Trung Quốc nổi tiếng trên toàn thế giới, cho nên được gọi là nước lễ nghi. Các bạn hiện nay nghe thấy câu nói này có cảm nhận như thế nào? Đây không phải quang vinh, chúng ta hiện nay bởi vì có tổ tiên xưa che chở. Xin hỏi người nước ngoài hiện nay tôn trọng chúng ta hay tôn trọng tổ tiên xa xưa của chúng ta? Người Trung Quốc chúng ta hiện nay có được người khác tôn trọng hay không? Không được. Chúng ta hiện nay vẫn không bị người khác coi thường bởi vì hào quang của tổ tiên vẫn còn che chở cho chúng ta. Trung Quốc thật sự là một nước lễ nghi và lễ của Trung Quốc hiện nay chạy đến nơi nào rồi vậy? Chạy về Nhật Bản, chạy về Hàn Quốc rồi! Có hay không? Bạn xem kịch Hàn Quốc, “Thương Đạo”, vừa gặp nhau thì cúi đầu 90 độ nói : “Chào bạn”, bạn thấy cái cảm giác đó thoải mái biết bao. Vừa gần bước vào cửa cất tiếng hỏi, trước tiên nhất định phải nói: “Chủ nhà ơi, tôi là tên họ gì…”, khiến người bên trong biết, sau đó sẽ trả lời. Người bên trong nói: “Anh hãy đợi một chút”, thì chúng ta đứng ở đó đợi. Lúc nào chung sống với người cũng có chừng mực. Cho nên, người học lễ sẽ biết chừng mực trong kết giao với người khác. Xin hỏi hiện nay kết giao chừng mực giữa người với người chúng ta có biết hay không? Cái này phải dạy. Một người vô lễ thì cả đời không biết sẽ tạo nên bao nhiêu chướng ngại cho mình. Cho nên tại sao rất nhiều người làm việc rất thuận lợi, tại sao chúng ta làm việc thì vấn đề chồng chất? Những điều này không phải ngẫu nhiên. Bình thường bạn luôn luôn có lễ độ, bạn đã tích lũy rất nhiều thiện duyên, rất nhiều trợ lực. Khi chúng ta lúc nào trong ngôn ngữ hành vi cũng thất lễ, sẽ hình thành rất nhiều trở lực. Cái trở lực này lúc bạn đang làm việc sẽ như thế nào ? Bắt đầu tỏa ra. Cho nên chúng tôi thường hay hỏi người Trung Quốc: “Nếu như năm mươi năm sau người Hàn Quốc và người Trung Quốc kiện nhau ra Toà án Quốc tế nói Khổng Lão Phu Tử là tổ tiên của người Hàn Quốc hay là tổ tiên của người Trung Quốc, thưa các bạn ai sẽ thắng kiện?”. Khi người Trung Quốc đều thất lễ, người Hàn Quốc lúc nào cũng có lễ, Tòa án quốc tế sẽ nói: “Vậy đã rõ ràng văn hóa Trung Quốc ở đâu rồi”. Đến lúc đó chúng ta muốn khóc cũng không được, bởi vì chúng ta là đứa con bất hiếu, con cháu bất hiếu. Cho nên, “Tri sỉ cận hồ dũng”, chúng ta phải biết hổ thẹn mới có thể dũng mãnh tinh tấn, nhanh chóng tiếp nhận văn hóa và trí tuệ của tổ tiên.
Chào hỏi nhất định phải dạy.
Người lớn chúng ta cách bắt tay như thế nào vậy? Mời thầy Lý chúng ta làm mẫu. Bắt tay cần chú ý những gì? Từng li từng tí chi tiết đều là mấu chốt, phải hằng thuận chúng sanh. Ví dụ bắt tay, “chào anh, chào anh!”. Rất nhiều người đang bắt tay với người này, nhìn thấy một người khác bên cạnh, bạn không nhìn người đang bắt tay mà “chào bạn, chào bạn!”, họ sẽ cảm nhận như thế nào? Lập tức qua bắt tay khác, “chào bạn, chào bạn!”. Cho nên lúc bắt tay, ánh mắt nhất định phải nhìn vào đối phương, là như thế này: “Chào anh, chào anh!”, như vậy khiến người đối diện cảm thấy rất được tôn trọng. Cho nên ánh mắt chào hỏi rất quan trọng. Tiếp đó, trong lúc bắt tay, “chào anh, chào anh” như vậy (chỉ nắm ngón tay)có được không? Người ta cảm thấy như thế nào? Không có thành ý. Hiện nay tôi thấy rất nhiều người bắt tay, “chào anh, chào anh”, nhưng không bắt tay, chỉ đưa tay cho bạn. Chúng tôi cũng cảm thấy bạn dứt khoát đừng làm.
Tiếp đó, độ mạnh yếu cần vừa phải, không nên rất dùng sức bắt tay khiến người khác cảm thấy đau. Người ta nói đạo trung dung, cho nên độ mạnh yếu này cũng phải chú ý. Sau đó cần đem thành ý của bạn truyền qua đối phương. Tiếp đó, thời gian bắt tay cũng không được phép quá dài, nếu không họ ở đó không biết đến khi nào bạn buông tay. Nếu như cô ấy là một người nữ xinh đẹp, “chào cô”, kết quả bắt tay xong không buông tay, vậy sẽ như thế nào? Rất thất lễ.
Chúng ta hãy vỗ tay cảm ơn thầy Lý.
Cho nên lễ nghi chào hỏi cũng phải học hỏi từng li từng tí và bắt tay cũng phải xem tình hình. Có thể vừa nhìn thấy người khác liền đưa tay ra bắt không? Bạn thấy một anh bạn nhỏ nhìn thấy người lớn, muốn bắt tay với người ta, “chào anh, chào anh”, thế chẳng phải rất kỳ quái sao? Trong lễ nghi bắt tay nhất định người lớn đưa tay đối với người nhỏ thì người nhỏ mới đưa tay ra. Chúng ta vào trong công ty của người khác, vừa nhìn thấy Chủ tịch Hội đồng Quản trị thì lập tức “chào anh, chào anh”, như vậy rất thất lễ, bởi vì chúng ta là người nhỏ, chúng ta là cấp dưới. Cho nên đứng trước người lớn chúng ta cúi người: “Chào anh”. Người lớn chìa tay ra chúng ta mới được đưa tay ra bắt. Cấp trên đưa tay ra trước, sếp đưa tay ra trước chúng ta mới đưa tay. Nếu như vị cấp trên này đến, bạn chìa tay ra cấp trên không bắt tay với bạn, bạn chẳng phải rất khó xử hay sao. Cho nên bạn không biết lễ thì sẽ thường hay xảy ra một số sự việc rất khó xử.
Giữa nam nữ với nhau ai chìa tay ra trước vậy? Người nam đưa tay ra, người nữ rất bảo thủ, chẳng phải rất ngượng ngùng rồi sao? Cho nên nhất định phía nữ đưa tay ra trước thì phía nam mới đưa tay. Cho nên đây chính là đạo lý ứng phó, mới không bị thất lễ. Chào hỏi với người khác phải học, tiếp đến tiếp đãi khách cũng phải học.
Tiếp đãi khách cũng phải học.
Ví dụ trong “Đệ Tử Quy” nói: “Trưởng hô nhân, tức đại khiếu” (Lớn gọi người, liền gọi thay). Trước đây người lớn đến muốn tìm cha bạn, bạn phải làm như thế nào? Trẻ hiện nay nói: “Cha ơi, có người tìm cha kìa!”, có như vậy hay không? Hoặc giả khách đến tìm thầy: “Thầy ơi! Thầy lớp bên cạnh tìm thầy kìa!”. Động tác này có được hay không? Thầy cũng bị bạn gọi tới gọi lui, rất thất lễ. Có người dạy hay không? Không có người dạy. Cho nên tiếp đãi khách phải: “Trưởng hô nhân, tức đại khiếu” (lớn gọi người, liền gọi thay). Khách đến tìm chủ quản của chúng ta, tìm cấp trên của chúng ta, trước tiên mời khách ngồi: “Để tôi đi tìm ông chủ của tôi rồi quay lại báo cáo với anh”. Trước tiên phải hỏi thử xem ông chủ có muốn tiếp hay không? Rất nhiều người nói: “Ông chủ tôi đang họp ở trong kia”, khách tự mình vào. Cuối cùng đúng lúc đang họp, khi bước vào hội nghị họp được nửa chừng, khách cũng bước vào rồi, muốn tiếp đón cũng không được, không tiếp đón cũng không xong, tình thế khó khăn chồng chất liền xuất hiện ngay. Hiện nay, nếu như bạn muốn đề bạt một người thì đề bạt người nào vậy? Người có thể lúc nào cũng xử lý công việc khiến bạn yên tâm thì bạn mới đề bạt họ. Một người thường hay thất lễ bạn có dám dùng hay không? Không thể, cũng không dám dùng. Cho nên, lễ tiếp đãi này rất quan trọng.
Ví dụ khách đến tìm cha mẹ chúng ta, chúng ta trước tiên nhất định phải mời khách uống nước, rồi nhanh chóng đi mời cha mẹ ta ra.
Đúng lúc cấp trên vắng mặt, cha mẹ không có ở nhà thì làm thế nào? Nhất định phải hỏi thăm việc họ đến: “Nhân bất tại, kỷ tức đáo” (Người không có, mình làm thay). Nhanh chóng đem việc hỏi rõ ràng, sau đó nhắn nhủ: “Tôi nhất định sẽ nói lại với cha mẹ tôi, để cha mẹ tôi liên hệ với anh”, thì mới đem sự việc này làm viên mãn. Cho nên, những năng lực làm việc này, những lễ nghi này đặc biệt quan trọng, chúng ta nhất định phải hướng dẫn con trẻ từng li từng tí trong đời sống.
Toàn bộ lễ nghi này ngày mai chúng ta sẽ học tiếp. Cảm ơn mọi người!
A Di Đà Phật!
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (tập 20)
Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm
Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ.
Discussion about this post