LÀM THẾ NÀO BÁO HỒNG ÂN CHƯ PHẬT?
(Cảm ứng bởi 10 Đại Nguyện của Ngài Phổ Hiền Bồ Tát)
Đào Văn Bình
Hiện nay chúng ta đang sống trong thời kỳ mà cực đoan, quá khích đối đầu với chủ nghĩa cá nhân phóng túng. Những tham vọng bành trướng và thống trị nhân loại chưa bị loại trừ. Những xung đột vì khác tôn giáo và
ngay trong cùng một tôn giáo đang là một nguy cơ gây bất ổn cho toàn thế giới. Những hận thù vì khác biệt chủng tộc đang tạo ra những vụ giết
chóc, khủng bố dã man chưa từng thấy. Những đối xử khắc nghiệt với phụ nữ làm chúng ta bùi ngùi thương cảm. Nguyên nhân gây ra những thảm kịch nói trên vô cùng phức tạp và có khi được quy kết cho ý của Thần Linh hoặc sự phẫn nộ của Thần Linh. Nhưng dưới con mắt của Chư Phật, chư Đại Bồ Tát thì căn bệnh này vốn có từ Vô Thủy. Tất cả đều là biến hiện của màn Vô Minh. Từ Vô Minh mà hiện ra Tham Sân Si. Từ Tham Sân Si mà hiện ra tất cả những gì mà con người phải chịu đựng ngày hôm nay. May đâu với
giáo lý Từ Bi và Trí Tuệ của Phật mà đất nước chúng ta đứng ra ngoài được những cuộc thanh lọc chủng tộc, chiến tranh tôn giáo. Là người con Phật, việc báo ân chư Phật là chuyện đương nhiên. Theo kinh điển, một nén nhang, một đóa hoa, một niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”
thậm chí một sự lắng đọng tâm tư hướng về Tam Bảo cũng đã là báo ân chư
Phật. Thế nhưng đối với hàng đại sĩ như ngài Phổ Hiền Bồ Tát thì có khác. Bài này được viết ra để báo hồng ân của chư Phật muời phương và tán thán công đức vô lượng của 10 Đại Nguyện mà ngài Phổ Hiền Bồ Tát đã nói trong Pháp Hội Hoa Nghiêm…của một người học Phật sơ cơ mà trong lòng
còn chất chứa đầy phiền não. Để báo hồng ân chư Phật chúng ta có thể phát nguyện làm một trong hoặc tất cả những điều dưới đây:
Thứ Nhất: Lễ kính chư Phật, nhưng làm thế nào để lễ kính chư Phật?
– Hãy trút sạch lòng Tham, hãy gột bỏ lòng Ghen Tị, hãy ra khỏi Si Mê cuồng vọng để lễ kính chư Phật.
– Hãy gội rửa tâm hồn mình cho thanh thản, tâm-ý nhẹ nhàng, hơi thở khoan dung, cử chỉ dịu dàng, ý nghĩ hòa vui để lễ kính chư Phật.
– Hãy vứt ngay đi ý nghĩ Cầu Xin để lễ kính chư Phật.
– Hãy tắm gội ở Suối Giải Oan, hãy xức dầu thơm Bồ Đề, hãy thắp nhang Phá Chấp để lễ kính chư Phật.
– Hãy khơi dậy lòng Từ Bi Hỉ Xả vốn có trong tạng thức mình, trong vô
lượng chúng sanh ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai để lễ kính chư Phật.
– Hãy khoác áo Trang Nghiêm để lễ kính chư Phật.
– Hãy dùng con mắt Thanh Tịnh để lễ kính chư Phật.
– Hãy dùng bàn tay Độ Sanh để lễ kính chư Phật
– Hãy qùy bằng gối Tinh Tấn để lễ kính chư Phật.
– Hãy dùng chuông Tỉnh Thức, dùng mõ Vô Ngại để lễ kính chư Phật.
Thứ Hai: Ca ngợi Phật nhưng làm thế nào để ca ngợi Phật?
– Hãy nói về những khổ hạnh, hoằng thệ độ sanh trong vô-lượng kiếp trước của Phật để khen ngợi Phật.
– Hãy nói thế nào là Đấng Toàn Giác, Toàn Tri, Toàn Trí để ca ngợi Phật.
– Hãy nói thế nào là Đấng Đại Bi, Đấng Toàn Thiện để ca ngợi Phật
– Hãy nói thế nào là Đấng Thế Gian Giải để ca ngợi Phật.
– Hãy nói thế nào là thày dạy của Cõi Trời và Cõi Người để ca ngợi Phật.
– Hãy nói thế nào là Đấng Như Lai Bất Thối Chuyển để ca ngợi Phật.
– Hãy nói thế nào là Đấng Điều Ngự Trượng Phu để ca ngợi Phật.
– Hãy nói thế nào là Đấng Vô Thượng Sĩ để khen ngợi Phật.
– Hãy nói thế nào là Đấng Ứng Cúng, Chánh Biến Tri để ca ngợi Phật.
– Hãy nói thế nào là đấng đầy đủ tất cả những phẩm hạnh tốt đẹp nhất để ca ngợi Phật.
– Hãy nói tới 32 tướng trang nghiêm, đẹp đẽ, ôn nhu, đôn hậu của Phật. Hãy nói tới cử chỉ dịu dàng, khoan dung, lời lẽ ôn tồn, ấm cúng, bảo ban, dạy dỗ, khuyên răn, nhắn nhủ, khích lệ, khen ngợi chúng sinh không dứt – như cha mẹ khuyên con của Phật – để ca ngợi Phật.
– Hãy nói thế nào là Đấng Đại Giác Ngộ để ca ngợi Phật.
– Hãy nói tới việc từ bỏ cung vàng điện ngọc để trở thành một người xin của bố thí, đi chân đất, tài sản ba bộ áo và chiếc bình bát trên tay, rong ruổi 45 năm, không quản thời tiết, không quản gian lao, thuyết
pháp độ sanh, chuyển pháp luân, gieo tư tưởng lành, nhân lành, quả lành, pháp lành…cho chúng sinh vô lượng kiếp sau mà không làm tổn hại tới một sinh linh. Một con người hi hữu, một vĩ nhân, một siêu nhân…thế gian chưa từng có…để ca ngợi Phật
Thứ Ba: Cúng dường chư Phật nhưng làm thế nào để cúng dường chư Phật?
– Đừng đem lâu đài, thành quách, đất đai, thuộc địa chiếm đoạt được để cúng dường chư Phật.
– Đừng đem chiến thắng lẫy lừng để cúng dường chư Phật.
– Đừng giết hại sinh linh để cúng dường chư Phật.
– Đừng giết hại chim muông, thú vật dù con giun, cái kiến để cúng dường chư Phật.
– Đừng hủy hoại môi trường, phá hoại mùa màng, cây cỏ, biển, hồ, sông, suối để cúng dường chư Phật.
– Hãy đem những âm thanh Thù Thắng, đừng đem âm thanh cuồng nộ, đừng đem âm nhạc nỉ non, bi ai, thống thiết, mời gọi, khóc than để cúng dường
chư Phật.
– Hãy đem tiếng hót của loài chim quý, tiếng nhạc của Trời, những âm thanh vi diệu để cúng dường chư Phật.
– Hãy đem Mây Lành, hãy đem Tứ Bảo: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh để cúng dường chư Phật.
– Hãy đem hoa Mạn Đà La “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” để cúng dường chư Phật.
– Hãy tự biến mình thành một công dân tốt, một người bạn tốt, một người chồng tốt, một người vợ tốt, một đứa con hiếu thảo, một thương gia
lương thiện, một nhà báo ngay thẳng, một chính trị gia đạo đức, một người có lòng từ bi, bao dung, độ lượng, một người sẵn sàng san sẻ tình thương và chút tài sản với người khác…để thế giới này an vui…để cúng dường chư Phật.
– Hãy thề nguyện kiếp này, kiếp sau và kiếp sau nữa sẽ làm từ thiện để cúng dường chư Phật.
– Hãy làm tất cả những gì lợi lạc, thanh tịnh, an vui cho Đời để cúng dường chư Phật.
– Hãy nguyện kiếp này, kiếp sau và kiếp sau nữa nói Pháp Vui, Pháp Khổ, Pháp Nhiệm Màu, Pháp Lành, Pháp Thanh Tịnh, Pháp Giải Thoát cho chúng sinh để cúng dường chư Phật.
– Hãy giữ cho Tâm Bồ Đề này kiên cố, nguyện đời đời kiếp kiếp không bao giờ tuân phục, quy y tà ma ngoại đạo hung ác…như thế là cúng dường chư Phật.
– Hãy luôn luôn tâm niệm rằng tất cả Chúng Sinh là gốc, Bồ Tát là hoa, Phật là quả để hằng thuận lợi ích cho chúng sinh . Làm tất cả những
gì đem lại lợi ích cho chúng sinh là cúng dường chư Phật.
– Hãy hồi hướng tất cả danh vọng, sự nghiệp, công đức này tới bằng hữu, người trước người sau, cửu huyền thất tổ, anh chị em, toàn thể chúng sanh trong vô biên cõi. Hãy coi những gì mà mình thành tựu chỉ là sự báo đáp chúng sinh ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, báo đáp công ơn của lịch đại Tổ Sư, không mảy may hãnh tiến, không chấp giữ, không nuối tiếc, không khoe khoang, không kể công như thế mới đúng là cúng dường chư Phật.
Thứ Tư: Sám hối nghiệp chương nhưng làm thế nào để sám hối các nghiệp chướng ?
– Kẻ tham lam không bao giờ thấy đủ.
– Kẻ cay nghiệt không bao giờ biết tha thứ
– Kẻ hung bạo không bao giờ biết hối hận
– Người tàn ác không bao giờ biết nhỏ lệ xót thương
– Kẻ ngu si không bao giờ thấy mình sai trái.
– Chỉ có kẻ thiện lương mới biết cảm thông với người khác.
– Chỉ có người trí tuệ mới thấy mình lỗi lầm.
– Cho nên sám hối là gốc của thiện lương.
– Sám hối là gội rửa tâm hồn mình trong trắng.
– Sám hối là tu sửa tính tình.
– Sám hối là gieo nhân lành cho kiếp sau.
– Sám hối là sống thực với lòng mình.
– Không sám hối làm lòng ta ray rứt.
– Sám hối làm lòng ta thanh thản.
– Sám hối khiến ta cao thượng lên.
– Không sám hối khiến quá khứ đeo đẳng giống như tâm hồn bị xiềng xích.
– Nếu mọi người cùng lúc cùng sám hối thì – cùng lúc họ trở thành anh
em, mọi thù hận trong quá khứ tiêu tan, nghiệp chướng tiêu trừ.
– Che dấu quá khứ, che dấu tội lỗi, không sám hối thì nghiệp dữ và thù hận cứ kéo lê từ kiếp này qua kiếp khác không sao dứt được.
– Sám hối ở đây là sám hối với lương tâm, thiện tánh của chính mình.
– Không phải chỉ ăn năn về những gì đã làm cho người còn sống, mà cả cho những người đã chết. Không phải chỉ với loài người mà cả với loài cây cỏ, thú vật, núi rừng.
– Chúng ta phải thẳng thắn sám hối về những gì đã làm cho kẻ thù của chúng ta, những gì ta đã làm ngày hôm qua và cho cả thế hệ mai sau.
– Hãy sám hối về những hành vi nhỏ nhặt vi tế nhất và cả những ý nghĩ bất thiện cất dấu trong tạng thức.
– Hãy sám hối để con người cũ trong ta chết đi để hình thành một con người mới tốt lành hơn.
– Hãy sám hối cho đến khi nào không còn gì để sám hối nữa.
– Vì tội lỗi của tôi tích chứa từ vô thủy, tạo bao khổ đau cho nhân thế cho nên tôi phải sám hối ngày đêm, niệm- niệm nối liền không dứt, vô
lượng kiếp sau tôi vẫn còn tiếp tục phải sám hối.
– Các bậc hiền thánh trong ba đời hiện tại, quá khứ, vị lai đều lấy sám hối làm đầu, lấy sám hối làm phương tiện tu hành, là phương thuật mở
mang trí tuệ. Có như thế mới gọi là sám hối trước các Đức Phật.
Thứ Năm: Thỉnh Phật trụ thế nhưng làm thế nào để thỉnh Phật trụ thế?
– Hãy nguyện đời đời, kiếp kiếp theo Phật để thỉnh Phật trụ thế.
– Hãy nguyện đời đời, kiếp kiếp làm điều lợi lạc cho chúng sinh để thỉnh Phật trụ thế.
– Hãy tu theo Con Đường Bát Chánh, hãy nương theo pháp Thập Thiện, hãy sống theo pháp Lục Hòa để thỉnh Phật trụ thế.
– Hãy giữ nghiêm giới luật để thỉnh Phật trụ thế.
– Hãy tinh tấn tu tập để thỉnh Phật trụ thế.
– Hãy dùng trí tuệ Bát Nhã khi quán xét sự vật để thỉnh Phật trụ thế.
– Hãy đoạn trừ ba nghiệp Thân Khẩu Ý để thỉnh Phật trụ thế.
– Hãy thực hành thiền định Ba La Mật để thỉnh Phật trụ thế.
– Đi, đứng, nằm, ngồi, trú dạ lục thời đều giữ Chánh Định, Chánh Niệm để thỉnh Phật trụ thế.
– Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ Trung để thỉnh Phật trụ thế.
– Hãy an trú trong cảnh giới Bất Nhị, Thân Tâm vắng lặng để thỉnh Phật trụ thế.
– Khi đã thực hành tất cả các pháp vi diệu này rồi thì chư Phật sẽ hiện toàn thân, khắp mười phương cõi, bất sanh, bất diệt, không đến, không đi, nói là tịch diệt nhưng chẳng bao giờ diệt, vẫn hằng trụ và cùng ở với chúng sinh. Có như thế mới gọi là thỉnh Phật trụ thế.
Năm 2554 (Phật Lịch) tức năm 2010 (Tây Lịch)
(http://daovanbinh.cattien.us/?p=165)
Discussion about this post