HỌC TỪ BI VỚI CHÍNH MÌNH
Thiện Ý
Chúng ta nghe khá nhiều
về việc phải tu tập hạnh từ bi nhưng mình cứ loay hoay mãi không biết bắt đầu từ
đâu! Có người bảo rằng mình phải học
cách sống hy sinh cho người khác thì tâm từ bi mới nở rộ. Nhưng có người lại
nói rằng từ bi mà không có trí tuệ là một kẻ dại khờ, ngu dốt. Câu chuyện làm đề tài từ bi thêm hấp dẫn là
câu hỏi: ‘có nên hay không nên cho tiền người vô gia cư, không nhà, không
chốn nương thân (homeless)?’ Có người
cho rằng không nên vì nếu cho tiền họ, họ có thể mua ít rượu để uống và khi rượu
vào thì có thể tâm trí họ sẽ không còn minh mẫn; do đó, họ có thể trở nên bạo động,
và có thể, giết người. Nghiệp họ gây ra
là do chính mình đã cho họ một số tiền, dù nhỏ, nên tạo duyên cho họ gây tội
ác. Thế nên, mình cũng có dính phần
trong đó!
Có người lại cho rằng
đã từ bi thì không nên tính toán. Mình cứ
cho người đi còn họ dùng tài vật vào chuyện gì đó là chuyện của họ. Vì lỡ có
người quá đói cần ăn để sống nếu chúng ta phân vân không cho, có thể họ sẽ bị
chết vì đói. Như vậy, có phải là mình
thiếu đức từ bi hay không? Người khác lại
bàn rằng: chắc ăn nhất là mua thức ăn cho họ, nếu họ đói, họ sẽ có cái gì đó bỏ
bụng. Nếu họ không đói, họ có thể để
dành khi nào đói thì ăn. Như vậy, sẽ
tránh được tình trạng tạo duyên xấu cho họ gây tội ác.
Tùy theo ý thích của mỗi
người chọn cho mình cách thể hiện lòng từ tốt nhất. Tuy nhiên, bạn có thấy rằng nếu mình rãi tâm
từ không hợp thời và không đúng cách sẽ khiến mình thêm phiền não và khó chịu!
Bạn thử chiêm nghiệm câu châm ngôn: ‘Một miếng khi đói bằng một gói khi no.’ Hiệu
ứng giá trị của một miếng và một gói khác nhau thật là nhiều khi mình biết cho đúng
thời và hợp lúc.
Nhưng nếu suy xét kỷ bạn
có thấy rằng sỡ dĩ mình phân vân không biết chọn cách thể hiện lòng từ nào cho
đúng là vì mình có bao giờ ứng dụng lòng từ đó với chính mình chưa? Mình đã có
bao giờ ‘thử’ từ bi với chính mình? Đương
nhiên, khi nói đến lòng từ bi là chúng ta thường liên tưởng đến từ bi đối với
người khác. Nhưng Phật thường dạy: ‘Hãy tự thắp đuốc lên mà đi!’ Có nghĩa là,
hãy tự độ mình rồi mới độ tha là vậy. Chính
nhờ biết từ bi với chính mình mà ta mới hiểu cách nào để rộng mở lòng từ bi đến
cho mọi người. Chúng ta sẽ dễ cảm thông khi có người đang tự làm khổ lấy chính
bản thân họ.
Nếu bạn còn lấn cấn vì
cho rằng từ bi với chính mình thì sẽ sanh ngã ái thì bạn hãy đọc lời Phật đã dạy:
“Ai còn tham luyến (tức còn ngã ái chấp
đây là của tôi, ngã mạn chấp đây là tôi, ngã kiến chấp đây là tự ngã của tôi),
thời có dao động. Ai không tham luyến thời không dao động. Ai không dao động thời
được khinh an. Ai được khinh an thời không thiên chấp (nati). Ai không thiên chấp
thời không có đến và đi. Ai không có đến và đi thời không có diệt và sanh. Ai
không có diệt và sanh thời không có đời này đời sau, không có giữa hai đời. Đây
là sự đoạn tận khổ đau.” (phẩm Niết bàn-Tương Ưng Bộ Kinh). Ngã ái là luôn luôn chấp ngã và sinh tâm mê
thích ta và cái của ta. Chỉ biết nghĩ đến mình và những gì thuộc về mình. Còn từ
bi là ban vui, cứu khổ, một tình thương yêu không bờ bến, không phân biệt ta
hay người.
Lòng từ bi không phải
chỉ để ứng dụng đối với người khác mà còn bao gồm luôn cả chính bản thân mình nữa.
Vì mình cũng là một chúng sinh! Nếu ai
cũng thực hành hạnh Từ Bi với chính mình là không để cho những thị phi, đàm tiếu
khiến làm cho mình bớt đau, bớt khổ, giúp cho mình giảm bớt bệnh tật, bớt tâm
tham, sân, si. Không ai thương mình, bằng
chính mình thương mình. Nếu tâm ta cứ tham muốn điều này đến điều khác thì rất
dễ dẫn đến sân hận, bực bội và lo lắng. Đó có nghĩa là mình không biết từ bi với mình.
“Đứng
về phương diện đối trị cái giận, Từ Quán và Bi Quán là những phương pháp rất thực
tế mà rất mầu nhiệm. Kinh có nói tới bảy cái bất lợi của sự giận hờn, của người
không chịu buông thả, không chịu chuyển hóa cơn giận của mình. Thứ nhất, người
đó trông xấu xí…; điểm bất lợi thứ hai là ta nằm kẹt đau đớn trong cơn giận của
ta. He lies in pain. Người giận nằm co quắp trong niềm đau của mình. Niềm đau
này là do cái giận làm ra. Thứ ba là không có sự phát triển phong phú. Thân thể
cũng như tâm hồn không phát triển và bừng nở được như một đóa hoa. Thứ tư là
nghèo đi về tiền tài cũng như về hạnh phúc. Thứ năm là không được tiếng tốt. Thứ
sáu là không có nhiều bạn. Và thứ bảy là người đó sẽ tái sanh trong cõi A Tu
La, không có hạnh phúc. Đó là bảy điều bất lợi của những người ôm cái giận của
mình mà không biết buông bỏ để chuyển hóa.” (Trái Tim Của Bụt
– Sư Ông Nhất Hạnh).
Có một câu chuyện có thật
xảy ra như sau: Một giáo sư và cũng là nhà
nghiên cứu về đề tài hạnh phúc trải qua suốt 20 năm để tìm ra công thức mang đến
hạnh phúc. Cuối cùng ông cũng tìm ra và
đem tất cả những sở học của mình viết thành nhiều quyển sách nói về hạnh
phúc. Chẳng bao lâu, ông trở nên nổi tiếng
vì trên thế gian này, ai cũng muốn có hạnh phúc. Thế là ông được mời đi thỉnh giảng khắp nơi
trên thế giới về hạnh phúc. Ông bận rộn suốt ngày đêm nào lo soạn bài, nào bay
đi khắp nơi để diễn thuyết. Công việc của ông ta tưởng chừng như không bao giờ
hết! Một hôm, sau khi diễn thuyết xong
có một khán giả muốn biết xem ông đã diễn giảng cho mọi người về hạnh phúc,
nhưng chính bản thân ông có cảm nhận được hạnh phúc hay không? Câu hỏi như tiếng
sét đánh ngang tai vì suốt bao năm qua ông miệt mài tìm kiếm giải đáp cho câu hỏi
hạnh phúc. Nhưng tự bản thân ông chưa
bao giờ nghĩ đến là chính mình phải cảm nhận nó!
“Maitri
Bhavana Pháp Quán Từ Bi là một trong những pháp thiền thâm nhập sâu sắc nhất… Nó là một nỗ lực đem cái tâm tự-nhiên của bạn
trở lại với bạn; nó là một nỗ lực mang cái bản lai diện mục trở lại với bạn; nó
là một cái nỗ lực mang bạn tới cái điểm mà bạn mới sinh ra và xã hội chưa khởi
sự vo tròn bóp méo bạn, chưa biến đổi bạn thành kỳ quái (the society had not
yet corrupted you). Khi một đứa trẻ được sinh ra nó ở trong trạng thái thiền
quán Từ bi. Pháp thiền Từ bi chính là cảm-thức
mênh mông của thân hữu, từ bi yêu thương, đại bi. Khi đứa trẻ được sinh ra nó
không biết thù ghét, nó biết chỉ có từ bi yêu thương. Từ bi yêu thương là tự nó
có; sân hận là cái nó sẽ học về sau. Tính tức-giận-cay-đắng-khi-có-đua-tranh
(jealousy), tính chiếm-hữu (possessiveness), tính thèm-khát-được-như-người
(envy), nó sẽ học về sau. Những cái này chính là những cái xã hội sẽ dạy những
đứa trẻ: làm thế nào để tức-giận-cay-đắng-khi-có-đua-tranh, làm thế nào để
lòng-chứa-đầy-thù-ghét, làm thế nào để lòng đầy sân hận hoặc bạo lực… Trẻ con
đang tín nhiệm nơi con người, nhưng dần dần chúng sẽ có những kinh nghiệm bị lừa
dối đưa chúng tới những khó khăn, những vấn đề – những kinh nghiệm trong đó
chúng bị chống đối, bị đàn áp, những kinh nghiệm trong đó chúng trở nên kinh sợ.
Dần dần chúng sẽ học tất cả các trò lừa đảo của thế giới. Đó là những gì xảy
ra, nhiều hoặc ít, cho tất cả mọi người.” *
Lời Phật dạy cách đây
2.600 năm chứa đựng một sự thật căn bản về bản chất của chúng sinh. Đó là, con người là một loại sinh vật xã hội
(social animal). Chúng ta không thể sống
thiếu sự đoàn kết, thương yêu cho mình và cho người. Cho nên, ai thực hành hạnh từ bi sẽ được những
lợi ích như sau: “Này các Tỷ-kheo, với từ tâm giải thoát được thực hành, được
tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được tác thành căn cứ địa,
được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự, thời chờ đợi là mười
một lợi ích. Thế nào là mười một? 1. Ngủ
được an lạc; 2- Thức dậy được an lạc; 3- Không thấy các ác mộng; 4- Được mọi
người thương yêu, quý mến; 5- Được các hàng phi nhân thương yêu, quý mến; 6- Được
chư thiên hộ trì; 7- Lửa hoặc chất độc hoặc các loại vũ khí… không thể làm hại
được; 8- Tâm dễ dàng an tịnh; 9- Gương mặt sáng sủa; 10- Lúc lâm chung, tâm
không mê muội (tâm sáng suốt); 11- Đề mục niệm rải tâm từ có khả năng chứng đắc
các bậc thiền sắc giới (trừ đệ ngũ thiền); nếu chưa trở thành bậc Thánh
A-la-hán, thì sau khi chết, bậc thiền sắc giới sở đắc của mình cho quả tái sanh
lên cõi trời sắc giới phạm thiên…” (Kinh Tăng Chi, Phẩm Từ – H.T. Minh Châu
dịch).
Có một câu chuyện về một vị Lạt ma, vốn
là bạn và cũng là thầy dạy của đức Đạt lai Lạt ma đời thứ 14. Một hôm vị lạt-ma này xin yết kiến đức Đạt-lai
Lạt-ma sau khi trốn khỏi nhà tù do chính quyền Trung quốc quản lý bên Tây tạng. Khi tiếp kiến, ngài rươm rướm nước mắt, ngỏ lời
xin đức Đạt lai Lạt ma chủ trì cho lễ sám hối của ngài. Kinh ngạc, đức Đạt lai Lạt-ma hỏi ngài đã phạm
tội gì! Ngài trả lời đã phạm tội mất từ
bi khi bị những người lính Trung quốc hành hạ, đau đớn. Ngài đã có ý tưởng trả
thù và muốn làm tổn thương những người hành hạ ngài. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 từng nói: “Nếu bạn muốn người khác được hạnh phúc, phải
thực hành lòng từ bi. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, phải thực hành lòng từ bi.” Khi mình đánh mất lòng từ bi với chính mình
thì cũng như chúng ta đánh mất hạnh phúc của chính mình vậy!
Khi
quay nhìn lại tất cả những gì mình đã làm trong đời, từ việc tốt đến việc xấu.
Chúng ta không chỉ hãnh diện với những việc mình đã làm đúng, mà cũng phải mở rộng
lòng chấp nhận những điều sai sót, mình hối tiếc, đã lỡ gây ra. Chính vì còn chất
người nên mình đã có lúc làm đúng, sai như vậy! Đương nhiên, mình sẽ cố gắng sửa
đổi những sai phạm đã gây ra; nhưng không vì đó mà tự hành hạ mình. Mình phải học cách biết tha thứ và từ bi với
chính mình vì, nếu không, mình đang không
chấp nhận con người thật của mình, một con người có lúc đúng và có lúc sai,
như tất cả mọi con người khác! Khi mình
chối bỏ tâm từ bi với chính bản thân mình, thì thử hỏi, làm sao bạn có thể mở lòng
từ bi với người khác?
Giáo sư Kristin Neff của
Đại học Texas là người tiên phong xét nghiệm lòng từ bi với bản thân như một
công cụ để thúc đẩy sự chữa lành về mặt tâm lý, hạnh phúc và những mối quan hệ
tốt đẹp hơn. Bà so sánh lòng từ bi với bản thân (self-compassion) và lòng tự trọng
(self-esteem). Trong khi lòng tự trọng cao dựa trên những giá trị về sự thành
công cao, thì lòng từ bi với bản thân là một phẩm chất cá nhân, ở đó chúng ta
đánh giá cao bản thân và đối xử tử tế với bản thân chỉ vì chúng ta là con người.
Với thái độ quan tâm cho bản thân giúp chúng ta nhận ra điểm tương đồng và sự
liên đới giữa chúng ta với những người khác, những người chia sẻ với chúng ta
những khát vọng chung và những mầm mống của đau khổ.
Theo giáo sư Kristin
Neff lòng từ bi với bản thân không làm chúng ta yếu đuối, mà đúng hơn là một phương
thuốc có thể làm giảm lo lắng và làm tăng khả năng phục hồi sau thất bại. Nó
không đòi hỏi chúng ta phủ nhận hoặc đè nén những kinh nghiệm tiêu cực của
chúng ta. Bản chất của từ bi với bản thân là thừa nhận nỗi đau, cảm xúc của
riêng chúng ta; và sau đó, an ủi mình bằng cách tạo ra những cảm xúc ấm áp, dịu
dàng, và chăm sóc đến nỗi khổ, niềm đau của tự thân. **
Tóm lại, lòng từ bi với
bản thân thường đem lại nhiều lợi ích. Khi mình biết đối xử tử tế với bản thân,
chúng ta học cách mở rộng lòng mình với mọi kinh nghiệm, cảm xúc của chúng ta.
Chúng ta cũng trở nên dể dàng từ bi với người khác hơn khi lòng yêu thương
không có sự chiếm hữu hay vụ lợi, vì tình yêu thương chân thật đó sẽ giúp cho
ta có một tâm hồn trong sáng để lắng nghe. Và một khi trái tim được rộng mở,
thì toàn bộ cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp và hài hòa. Nhờ thế mà lòng từ bi,
mong muốn cho tha nhân được hạnh phúc, sẽ được nhân đôi lên với niềm hạnh phúc
của tự thân. Chính những điều đó là một
năng lực từ trường có khả năng trị bệnh cho mình; đồng thời, cũng có thể giúp
cho mọi người xích lại gần nhau hơn.
Tháng 4 – 2014
Thiện Ý
Nguồn:
* Đặc san Hiện Thực (Úc), số 16/2009,
năm thứ 5, trang 154-165. Bản Anh ngữ: Robert A.F. Thurman. “Asanga’s Teaching
of Great Compassion.” Trích từ: Essential Tibetan Buddhism. [1996] – Đặng
Hữu Phúc dịch.
**The Surprising Secret to Success – Be Kind
to Yourself (Is Self-Compassion the Key to a Wiser, Happier Me?) Published on
Feb. 8, 2012, Melanie Greenberg, Ph.D, in The Mindful Self-Express.
Discussion about this post