3
HÃY LÀM MỘT CUỘC CÁCH MẠNG !
Lời kêu gọi tuổi trẻ của Đức Đạt-lai Lạt-ma
Đức Đạt-lai Lạt-ma, Sofia Stril-Rever
Hoang Phong chuyển ngữ
Quyển sách “Hãy làm một cuộc cách mạng” trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma khởi sự được thành hình từ một cuộc phỏng vấn mà Ngài đã dành riêng cho một đệ tử thân tín là bà Sofia Stril-Rever vào ngày 3 tháng giêng năm 2017. Quyển sách được hoàn tất sau đó tại Dharamsala trên miền bắc Ấn ngày 2 tháng 10, và sau cùng đã được xuất bản tại Pháp ngày 26 tháng 11. Quyển sách gồm năm chương:
– Chương 1: Tôi đặt hết lòng tin nơi các bạn
– Chương 2: Hãy biến mình thành những con người bất khuất vì hòa bình
– Chương 3: Cuộc cách mạng từ bi
– Chương 4: Các bạn có thể làm được gì cho thế giới?
– Chương 5: Thế giới từ bi là có thật
Dưới đây là phần chuyển ngữ chương 3.
Chương 3
CUỘC CÁCH MẠNG TỪ BI
Tháng 6 năm 2017, tôi được Đại học California tại San Diego mời đọc diễn văn vào dịp lễ phát bằng tốt nghiệp. Trong số này có nhiều sinh viên là người Trung Quốc và cả cha mẹ họ cùng thân hành đến đây tham dự. Tôi nói với họ rằng: “Hãy cứ làm một cuộc Cách mạng Văn hóa vì lòng từ bi đi!” (một lời nhắn gửi khéo léo và ý nhị), sau đó tôi cũng nói thêm là ngày nay trong tâm trí mọi người thì điều đó đã chín muồi. Kể từ năm 2017 này, cuộc Cách mạng từ bi không còn là một ảo tưởng nữa. Vì thế nên tôi đưa ra lời kêu gọi sau đây: “Hỡi các bạn trẻ của thế kỷ XXI, hãy làm một cuộc Cách mạng từ bi!”
Những lời kêu gọi đó không phải là những lời an ủi, cũng không phải là một khẩu hiệu rỗng tuếch. Cũng không phải là một giấc mơ ngây thơ của một nhà sư Phật giáo già nua, đã rơi ra ngoài hiện thực. Sở dĩ tôi cổ vũ các bạn hãy làm một cuộc Cách mạng từ bi chẳng qua cũng vì đấy là một cuộc Cách mạng của tất cả các cuộc cách mạng khác! Có rất nhiều nhân vật nổi tiếng kêu gọi thực hiện các cuộc cách mạng thuộc nhiều lãnh vực khác nhau: kinh tế, kỹ thuật, năng lượng, giáo dục, tâm linh, đạo đức, nội tâm, lương tri, kể cả đối với con tim của chính mình… Tôi hoàn toàn tán đồng các đề nghị đó, bởi vì đấy là những gì thật cấp bách hầu mang lại một thế giới tốt đẹp hơn. Thế nhưng đối với tôi thì cuộc Cách mạng từ bi mới chính là linh hồn, nền tảng và động cơ thúc đầy tất cả các cuộc cách mạng khác.
Thời điểm của lòng từ bi đã đến
Tại sao? Bởi vì lòng từ bi là cốt lõi của tất cả. Người ta thường xem nó là một lý tưởng cao quý hay một cảm tính tuyệt đẹp, điều này là một sự sai lầm. Các bạn lớn lên trong một xã hội tôn thờ vật chất và chủ nghĩa cá nhân, do đó lòng từ bi có thể đối với các bạn cũng chỉ là dấu hiệu của sự yếu đuối. Đấy là vì không ý thức được lòng từ bi giữ một vai trò trội hơn tất cả các thứ khác, đó chính là năng lượng chuyển tải sự sống. Thật vậy trong khi tôi đưa ra các lời kêu gọi này thì sự sống cũng đang ngã gục trên Địa cầu. Hai phần ba các loài sinh vật có xương sống đã bị tuyệt chủng. Khắp nơi, từ đồng ruộng, đại dương, không trung cho đến rừng rậm, sinh vật ngày càng thưa hiếm dần. Sau sự diệt chủng của các giống khủng long cách nay 66 triệu năm thì sự tận diệt hàng loạt lần này đang cho thấy những hậu quả vô cùng trầm trọng đối với hệ thống môi sinh và cả các xã hội con người của chúng ta. Nguyên nhân trực tiếp của sự tuyệt chủng đó là sự sinh hoạt của con người, mà chính sự sinh hoạt này lại còn được gia tăng thêm bởi kỹ nghệ. Quả đã đến lúc mà lòng từ bi phải giúp chúng ta xét lại cung cách hiện hữu của mình trên Địa cầu này hầu tái lập lại sự sống.
Ngày nay người ta đã bắt đầu nhận thấy các tác động sinh học gây ra bởi lòng từ bi, tất cả là nhờ vào sự phát triển của các ngành thần kinh học trong các lãnh vực xúc cảm và [các sinh hoạt] xã hội, bằng cách trắc nghiệm các thể loại xúc cảm, các cảm tính cũng như khả năng giao cảm giữa con người với nhau. Các ngành khoa học này đã chứng minh cho thấy tác động tích cực của lòng từ bi đối với sự sinh sản các tế bào thần kinh (neurogenesis) (lòng từ bi giúp các tế bào thần kinh/neurones sinh sản nhiều và tốt hơn – ghi chú trong sách), không những [các tế bào thần kinh nhân lên] trong lúc còn là bào thai mà cả sau này trong suốt thời gian hiện hữu của một cá thể (trước kia người ta cho rằng tế bào thần kinh chỉ nhân lên trong thời gian còn là thai nhi, thế nhưng khoa học ngày nay chứng minh cho thấy não bộ tiếp tục phát triển dù đã trưởng thành và nhất là liên hệ mật thiết đến tình trạng xúc cảm và cả việc hành thiền). Ngược lại, sự hung hăng sẽ giới hạn sự phát triển các hệ thống kết nối giữa các tế bào thần kinh, và hủy hoại các tế bào thuộc các cấu trúc của não bộ bằng cách ngăn chận tác động của một số gien.
Thật rõ ràng lòng từ bi giữ một vai trò chủ yếu đối với sự nẩy nở và sự uyển chuyển (malleability, plasticity) của não bộ. Lòng từ bi cũng dự phần vào sự phát triển hài hòa và tốt đẹp nhất cho trẻ em và cả vị thành niên. Đối với những người đã trưởng thành thì lòng từ bi là một yếu tố quan trọng mang lại sức khỏe và một cuộc sống sung mãn hơn. Thật vậy, khi nào tâm thần thấm đượm lòng từ bi thì các gien gây ra chứng căng thẳng thần kinh sẽ bị ngăn chận, các tác động sinh hóa (biochemistry) trong não bộ theo đó cũng sẽ biến cải, tiết ra các kích thích tố hạnh phúc (xin lưu ý từ bi không phải chỉ là cách nghĩ đến các chuyện “thương người” hay “tội nghiệp” người khác, hoặc là lo toan các chuyện “bố thí”. Từ bi là một “xúc cảm”, xúc cảm đó có thể rất mạnh làm rung chuyển tâm hồn mình, khiến con tim phải se thắt lại. Các chuyển động thật sâu xa đó bên trong tâm thức mình mới có thể gây ra các tác động ảnh hưởng đến sự chuyển hóa sinh học trong não bộ và thân xác mình).
Bậc cha mẹ, các nhà giáo, các bác sĩ thiếu nhi cũng như các nhà tâm lý học đều cảm nhận được điều đó một cách thật tự nhiên qua trực giác của mình. Thế nhưng cũng thật hết sức quan trọng là phải nhận thấy được thật khách quan là tình thương yêu, sự che chở, trìu mến và chăm sóc là bản chất đặc thù của giống người và đấy cũng là điều kiện tất yếu đối với sự sống còn. Các thái độ hung hăng, tàn phá, hung dữ, tức giận và độc ác không những phản lại sự hài hòa của xã hội (antisocial) mà còn đi ngược với thiên nhiên.
Giấc mơ của tôi là người phụ nữ sẽ giữ chức nguyên thủ quốc gia
Người mẹ giữ một vai trò chủ yếu trong sự sinh thành và dạy dỗ lúc còn ấu thơ mà tất cả chúng ta, gồm 7 tỉ người trên hành tinh này, đều được thừa hưởng. Các bạn thấy đó, nếu không có sự chăm sóc của mẹ thì các bạn có còn sống đến ngày hôm nay không? Quy luật thiên nhiên là như vậy. Người cha cũng thế, cũng giữ một vai trò quan trọng không kém, thế nhưng vào tuổi ấu thời thì vai trò của người mẹ không thể thiếu sót được. Người mẹ luôn buộc chặt mình với thân xác, trái tim và cả tâm hồn của con mình. Chính người mẹ mang nặng các bạn trong lòng và sinh ra các bạn. Các cảm nhận về mối dây liên hệ tiên khởi đó thật chủ yếu. Sở dĩ chúng ta lớn lên được đấy là nhờ không biết bao nhiêu sữa mẹ và tình thương yêu của mẹ. Thật vậy những người kém thích ứng với xã hội thường là những người có tuổi ấu thơ thiếu tình thương của mẹ.
Đối với trường hợp của tôi thì tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, sống trong một ngôi làng bé xíu tại một vùng rất lạc hậu nơi miền đông xứ Tây Tạng. Thế nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy mình giàu có, ngập tràn tình thương bao la của một người mẹ. Tôi chưa bao giờ trông thấy một nét giận dữ trên gương mặt mẹ, hơn thế nữa mẹ tôi còn chăm lo cho tất cả những người chung quanh. Tôi xem mẹ tôi như là người thầy đầu tiên dạy tôi bài học vô giá về lòng từ bi.
Hỡi những người phụ nữ trẻ, tôi mong các bạn hãy trở thành những người mẹ của cuộc Cách mạng từ bi mà thế kỷ này rất cần đến. Các bạn giữ một vai trò thật đặc biệt tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Trên phương diện sinh học, người phụ nữ được công nhận là những người nhiều thương cảm, bén nhạy, và tiếp nhận xúc cảm của kẻ khác một cách dễ dàng hơn. Đấy là các phẩm tính hiện thân cho người phụ nữ nhất là khi được trở thành một người mẹ. Qua góc nhìn đó người phụ nữ quả là tấm gương cho nhân loại. Nhìn vào lịch sử tất các bạn sẽ phải nhận thấy rằng trên khắp năm miền lục địa, và trong bất cứ thời đại nào, các cuộc tàn sát và phá hoại là do người đàn ông gây ra. Thay vì phải kết tội họ là những kẻ sát nhân thì người ta lại tôn thờ họ như những vị anh hùng!
Trong thời tiền sử, luật lệ được căn cứ vào sức mạnh của bắp thịt người đàn ông so với [sự yếu đuối của] người đàn bà, và đã xác định sự trên trước của họ. Đấy chính là nguyên nhân đưa đến sự thống trị của nam giới. Thế nhưng với thời gian sự tương quan giữa hai sức mạnh đó đã thay đổi. Giáo dục, sự hiểu biết, khả năng là các điều kiện tiên quyết hơn. Tôi nhất định đứng về phe nữ giới, và tôi rất vui mừng khi trông thấy những người phụ nữ ngày càng trẻ và càng đông đứng ra cáng đáng các trọng trách quan trọng. Tôi từng được vinh dự tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia là phụ nữ, vì thế tôi khuyên các bạn phụ nữ trẻ tuổi của tôi không nên ngần ngại nắm giữ các vai trò tích cực hơn trong đời sống chính trị và kinh tế của xứ sở mình. Đây là cách giúp các bạn đảm trách các chức vụ then chốt hơn hầu góp phần vào sự thăng tiến của cuộc Cách mạng từ bi.
Hãy trở thành một người leadership (trong nguyên bản là tiếng Anh, có nghĩa là người lãnh đạo) bởi vì tất cả chúng tôi (là những người đàn ông) đều cần đến các bạn để nêu cao tình thương yêu và lòng từ bi! Hãy thực hiện giấc mơ của tôi là tất cả 200 quốc gia trên thế giới đều được lãnh đạo bởi những người phụ nữ! Chiến tranh, hung bạo cũng như các bất công kinh tế và xã hội sẽ giảm bớt. Thế nhưng cũng phải hiểu rằng nâng các bạn lên tột đỉnh của quyền hành không phải là để các bạn bám víu vào đó để rổi tái lập lại thái độ hành xử không xứng đáng của người đàn ông đấy nhé! Sức mạnh đích thật chỉ có thể phát sinh từ cội nguồn là tình thương yêu và lòng từ bi. Nếu các bạn đứng ra nắm giữ quyền hành ngày càng đông thì tất sự hung bạo cũng sẽ ngày càng giảm xuống. Hỡi những người phụ nữa của thiên niên kỷ này, hãy trở thành những người tiên phong trong cuộc Cách mạng từ bi!
Tôi hoàn toàn ý thức về sự phá sản của tôn giáo
Nếu tôi kêu gọi các bạn hãy thực hiện một cuộc Cách mạng từ bi thì các bạn cũng nên hiểu rằng những lời kêu gọi ấy không hề nhân danh một ý thức hệ nào cả. Chẳng qua vì tôi không tin vào bất cứ một ý thức hệ nào, đấy chỉ là các hệ thống tư tưởng rập khuôn mà người ta áp đặt cho hiện thực và các đảng phái chính trị đang nắm giữ quyền bính thì mượn uy quyền của mình để áp đặt cho kẻ khác mà thôi. Ý thức hệ càng trở nên nguy hiểm hơn nữa khi nó được mang ra áp dụng vào tất cả mọi lãnh vực sinh hoạt xã hội, khiến các bạn chẳng những không còn phân biệt được nó nữa mà nó còn chi phối cả sự hiểu biết của các bạn về thế giới ngay cả từ bên trong tiềm thức các bạn.
Tôi cũng không nêu lên với các bạn về cuộc Cách mạng từ bi này với tư cách một người Phật giáo, một Đạt-lai Lạt-ma hay một người Tây Tạng nào cả. Tôi nói với các bạn với tư cách một con người, và tôi cũng mong các bạn không bao giờ quên mình cũng chỉ là một con người [như tất cả các người khác] trước khi trở thành một người Mỹ, một người Tây Phương, một người Phi châu, thuộc thành phần của một nhóm tôn giáo này hay của một sắc tộc kia. Các đặc tính đó chỉ mang tính cách phụ thuộc. Không nên để cho chúng chiếm giữ một vị thế trên trước nào cả. Nếu tôi nói lên: “Tôi là một nhà sư”, “Tôi là một người Phật giáo”, “Tôi là một người Tây Tạng”, thì đấy cũng chỉ là các hiện thực thứ yếu trước bản chất con người của tôi.
Hãy luôn trở về với thực tế. Hãy ý thức là tất cả chúng ta đều là thành phần chung trong một gia đình nhân loại. Những chuyện cãi vã đều phát sinh từ các nguyên nhân thứ yếu. Hãy tạo ra những mối thân thiện chung quanh mình, mang lại sự tin tưởng và hiểu biết qua sự giúp đỡ lẫn nhau, không nên nề hà trước các sự khác biệt về văn hóa, triết học, tôn giáo hay tín ngưỡng. Được làm người là điều quan trọng hơn cả. Sự kiện sinh ra làm người không bao giờ thay đổi cho đến khi nhắm mắt. Các đặc tính khác đều là thứ yếu, tùy vào ngọn gió bất định của sự đổi thay.
Sau các cuộc khủng bố tại Paris vào tháng 11 năm 2015, tôi ý thức được sự phá sản của tôn giáo. Mỗi người đều cố tình bám chặt vào những gì chia rẻ giữa chúng ta thay vì kết hợp với những gì mang chúng ta đến gần với nhau. Không bất cứ ai có thể tạo ra một con người tốt hơn kẻ khác hay một thế giới khác hoàn hảo hơn (chỉ có mình mới có thể biến cải mình khác hơn và chỉ có con người mới có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn). Chính vì thế mà tôi không một chút ngần ngại khẳng định rằng từ năm 2017 này thật hết sức quan trọng là phải vượt xa hơn tôn giáo. Không cần đến tôn giáo để sống là một điều có thể thực hiện được. Thế nhưng các bạn hãy tự suy nghĩ xem là mình có thể bất cần đến tình thương yêu và lòng từ bi hay không? Câu trả lời nhất định là không. Bởi vì khoa học ngày nay đã chứng minh rõ ràng lòng từ bi là một hiện thực sinh học và là nền tảng của con người.
Trí thông minh tập thể và lòng từ bi
Các bạn là những người trưởng thành còn trẻ, đang đương đầu với các sự xung đột về ý thức hệ và tín ngưỡng. Các bạn phải chịu đựng những bất công của một hệ thống kinh tế khai thác quá độ tài nguyên thiên nhiên, không để cho chiếc tử cung mong manh của sự sống kịp lành. Nếu muốn bắt kịp cuộc sống của những kẻ phung phí trên Địa cầu này (theo thống kê của Global Footprint Network, 2017/Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu thì trong năm 2017 họ là những người Úc châu,- ghi chú trong sách. Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu là một phong trào tư tưởng thành lập năm 2003 với mục đích ước tính và quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường – ghi chú thêm của người chuyển ngữ) thì phải cần thêm năm hành tinh như thế này nữa thì mới đủ. 67 tỷ phú trên hành tinh này chiếm giữ một nửa tài nguyên của cả nhân loại. Quả ngoài sức tưởng tượng! Hoàn toàn không thể nào chấp nhận được! Các bạn nghĩ sao trước tình trạng phi lý đó, một tình trạng tạo ra bởi chủ nghĩa cá nhân bệnh hoạn?
Lối thoát duy nhất là phải tạo ra một cuộc Cách mạng từ bi mang lại một nguồn sinh lực mới hầu giúp cho nền dân chủ hồi sinh. Hãy đặt lòng từ bi vào đời sống xã hội bằng cách thiết lập các mô hình hợp tác mới mẻ hơn, nối kết giữa các cộng đồng địa phương và các cộng đồng thế giới tạo ra một hệ thống chung! Hãy vận dụng trí thông minh tập thể để ý thức được sự chia sẻ! Nhất là phải chứng tỏ thế hệ của mình là một thế hệ hành động! Nếu các bạn là thế hệ đầu tiên trong lịch sử phải đương đầu với sự diệt vong của sự sống trên hành tinh này, thì các bạn cũng sẽ là thế hệ cuối cùng có thể biến cải được tình trạng đó. Sau các bạn, mọi sự sẽ quá muộn.
Nếu muốn thực hiện cuộc Cách mạng từ bi thì phải đạt được một sự ý thức thật minh bạch. Trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba này, các bạn là những đứa con sinh ra từ hệ thống môi sinh của Địa cầu. Thế giới là quê hương của các bạn. Nhân loại là gia đình của các bạn. Do đó phải chọn cho mình một mô hình lương tri mang kính thước của cả hành tinh này vả hãy đẩy tính cách hợp lý ấy đến chỗ tột cùng của nó. Phải tập nhìn một cách thật cảnh giác và bao quát hơn hầu ước tính xem từng hành động tiêu dùng của mình tác động như thế nào đối với sự tiêu thụ năng lượng, hầu biết chọn cho mình các vật dụng nào trong cuộc sống thường nhật có thể tái xử dụng (recycling) hoặc được sản xuất ít tốn kém năng lượng hơn, bởi vì các thứ nảy sẽ tạo ra các tác động ảnh hưởng đến toàn thể hành tinh.
Chẳng hạn như vứt bỏ các muỗng nĩa bằng plastic sau khi dùng, thay đổi liên tục điện thoại cầm tay, ăn một miếng bít-tết hay các miếng thịt gà chiên (chicken nuggets) có thể đối với các bạn là vô hại. Một cái chai bằng plastic nặng chưa đầy vài gam. Đúng vậy, thế nhưng nếu cộng lại vài gam ấy của số chai mà 7 tỉ người tiêu dùng, thì kết quả sẽ như thế nào? Cứ mỗi giây thì lại có 209 kílogam plastic đổ vào các đại đương. Một phần lớn các vật bằng plastic này chui vào bụng các loài chim và các loài có vú sống ở biển, chúng trôi dạt và hấp hối hàng ngàn trên bãi biển. Chúng chết vì đói, bụng đầy chai lọ, ly cốc, bàn chải đánh răng, bật lửa… mà chúng ta vứt bỏ.
Hãy nêu lên một thí dụ khác. Nếu muốn sản xuất một ký lô thịt bò thì phải cần đến 15 ký lô ngũ cốc và 50 lít nước. Một phần ba đất đai canh tác trên địa cầu được sử dụng để sản xuất thức ăn nuôi gia súc để cung cấp thực phẩm cho các nước giàu có. Việc sản xuất này gây ra nạn đói kém, chẳng khác gì như tội sát nhân, nếu tất cả chúng ta ăn rau trái thì nạn đói sẽ phải chấm dứt ngay. Một ngày không ăn thịt ở Mỹ có thể nuôi được 25 triệu người trong một năm. Vậy các bạn hãy mở rộng tầm nhìn của mình và suy nghĩ, có nghĩa là phải luôn nhìn vào các yếu tố qua tổng thể phức tạp của chúng!
Các thông tin trên đây cũng như rất nhiều các thông tin khác đều có thể tìm thấy trong nháy mắt trên các trang mạng mà các bạn ưa thích, các trang mạng đó có thể mang lại cho các bạn một trình độ hiểu biết thật kỳ diệu của trí thông minh tập thể. Một biến cố xảy ra trong một nước sẽ tác động đến tất cả các nước khác, đó là một hiện thực mới trong thời đại chúng ta. Thật hết sức quan trọng là phải ý thức được rằng chúng ta sở dĩ sống còn là nhờ vào sự tương kết giữa mình với 7 tỉ người khác và toàn thể hệ thống môi sinh. Các thái độ tôn thờ chủ nghĩa cá nhân và sự ích kỷ thật vô cùng nguy hiểm vì chúng không thực tế. Tôi khuyên các bạn nên tạo cho mình một quá trình biến cải bên trong nội tâm mình, giúp mình nhận thức được hiện thực tương liên và tương kết của sự sống. Các bạn là thành phần của thế giới và thế giới cũng là thành phần của các bạn. Biến cải mình cũng có nghĩa là biến cải thế giới. Biết ý thức về sự tương liên và tương kết đó sẽ sớm làm giảm bớt sự hung bạo, chẳng qua là vì quyền lợi của kẻ khác cũng là quyền lợi của chính mình.
Tính ích kỷ đi ngược lại với thiên nhiên
Biết ý thức cũng có nghĩa là không trở thành nô lệ cho xúc cảm và các ảo tưởng (fantasies) của mình. Các cảnh hung bạo được dàn cảnh thật ngoạn mục trong các phim ảnh làm cho các bạn phải say mê. Mỗi năm trung bình có khoảng 2600 cảnh sát nhân như thế được trình chiếu trên các màn ảnh truyền hình, thế nhưng trong cuộc sống thật của mình, thì các bạn có thể là chưa có dịp chứng kiến một vụ nào cả, ít nhất thì tôi cũng hy vọng như thế. Nếu các bạn được chứng kiến tận mắt các cuộc khủng bố gây ra chết người thì các bạn sẽ thấy rằng sự hung bạo kinh tởm đến mức độ nào. Các bạn nên hiểu rằng sự hung bạo trong các phim video giải trí chỉ là các sự tưởng tượng (fantasies), và đấy chỉ là cách mà kỹ nghệ phim ảnh lợi dụng để làm giàu trên sự sợ hãi của các bạn (tôn giáo đơn thuần dưới một góc nhìn nào đó cũng là một thứ kỹ nghệ khai thác và lợi dụng bản năng sợ chết của con người. Tôn giáo lại bị các thế lực khác ở phía sau nó lợi dụng nó. Nếu các sự lợi dụng trong xã hội chưa chấm dứt thì sự hung bạo cũng sẽ còn tiếp diễn). Do đó thật hết sức quan trọng là phải nhận định mọi sự vật qua tất cả các khía cạnh của nó.
Tôi mong rằng các bạn sẽ là thế hệ đầu tiên biết mang ra thực hành những gì mà tôi gọi là “phép vệ sinh đối với các xúc cảm”. Người ta thường dạy bảo các bạn phải ý thức về những gì mình ăn, có nghĩa là tránh các thức ăn và thái độ hành xử có hại đến sức khỏe. Điều đó thật tốt. Thế nhưng theo tôi thì cũng nên dạy thêm cho trẻ em cách ý thức về các xúc cảm của mình và không nên chỉ biết [dạy dỗ bằng cách] đàn áp chúng. Các thí điểm đầu tiên chủ trương đường hướng giáo dục này đã được thực hiện tại Mỹ, Gia Nã Đại và Ấn Độ với trẻ em từ các lớp mẫu giáo trở lên. Nếu suy nghĩ cặn kẽ thì các bạn tất sẽ nhận thấy hầu hết các vấn đề khó khăn mà mình gặp phải trong cuộc sống của mình là do chính mình tạo ra cho mình. Tại sao? Tại vì các bạn cứ để cho các cấu trúc xúc cảm tha hồ tàn phá và lôi cuốn mình. Ý thức được điều đó theo tôi thật hết sức quan trọng, chính vì thế nên tháng 5, 2016 tôi đã đưa ra một biểu đồ về các thể loại xúc cảm (www.atlasofemotions.org – ghi chú trong sách). Biểu đồ phác họa toàn diện và chi tiết các thể dạng xúc cảm này đã được một người bạn của tôi là Paul Ekman, Giáo sư Tâm lý học và cũng là đầu đàn của một nhóm chuyên gia gồm 149 người, cùng hợp tác thực hiện một cách thật khoa học. Vậy các bạn có thể xem biểu đồ trên đây về sự tương tác giữa các xúc cảm trên mạng Internet, nó có thể giúp các bạn vượt thoát các ngõ ngách lắt léo giăng ra bởi các xúc cảm của các bạn, và sau đó thì các bạn cũng nên cho tôi biết ý kiến của các bạn ra sao. Theo tôi thì biểu đồ này có thể giúp các bạn xác định được ảnh hưởng của các sự lôi kéo và các biến cố bên ngoài đối với các thể dạng nội tâm của các bạn, chẳng hạn như cãi vã sẽ đưa đến sự hung hăng. Khi cảm thấy sự bực dọc càng lúc càng gia tăng thì các bạn hãy tập quan sát các dấu hiệu sau đây: các bạn bắt đầu lớn tiếng, trở nên giận dữ và đôi khi có thể đưa đến sự hung bạo trước khi chấm dứt. Nhờ biểu đồ trên đây trước hết các bạn có thể vô hiệu hóa các xúc cảm tiêu cực và tàn phá, và sau đó là loại bỏ chúng hầu phát huy các xúc cảm tích cực hơn (độc giả có thể xem biểu đồ này bằng tiếng Anh trên trang mạng đã được nêu lên trên đây: www.atlasofemotions.org, ngoài ra biểu đồ này cũng đã được trình bày với nhiều ngôn ngữ khác – ghi chú của người chuyển ngữ).
Tôi được thừa hưởng một nền giáo dục cổ điển dựa vào tinh thần Phật giáo, nền giáo dục đó giúp tôi biết ý thức về quy luật tương liên (interdependence) và tiềm năng con người hầu phát động một lòng từ bi vô biên. Những lời nguyện cầu trong Phật giáo gồm chung bốn thể dạng vô biên là: tình thương yêu, lòng từ bi, niềm hân hoan và sự bình thản (equanimity). Thế nhưng ngành Vật lý học hiện đại còn vượt xa hơn cả truyền thống tín ngưỡng ấy của tôi, bằng cách hé mở cho tôi một góc nhìn mới [về bốn thể dạng trên đây], đó là phẩm tính vô biên của tri thức (có nghĩa là tri thức gồm chung bên trong nó cả bốn thể dạng trên đây. Thực hiện được bản chất vô biên của tri thức sẽ bao hàm cả bốn thể dạng vô biên khác. Đức Phật dạy chúng ta hãy trở về với chính mình không phải là một sự khép kín hay đóng cửa lại với chính mình mà là để tìm thấy cái vô biên đó của tri thức bên trong chính mình). Tôi hiểu được điều đó qua các cuộc đàm thoại với Abdul Kalam (cựu Tổng Thống Ấn Độ, từ năm 2002 đến năm 2007, và cũng là chuyên gia về ngành Vật lý hạt nhân – ghi chú trong sách) được mệnh danh là “Sakharov Ấn Độ”. Ông thú nhận với tôi rằng chính là nhờ vào tư tưởng của một vị thánh nhân Phật giáo là Nagarjuna (Long Thụ, thế kỷ thứ II) mà đã khám phá ra cốt lõi của nguyên tắc bất định trong vật lý lượng tử (incertitude quantique/quantum uncertainty), qua các sự giải thích của ông dưới góc nhìn triết học về sự tạo tác do điều kiện mà có (tức là nguyên lý tương liên/interdependence hay conditioned co-production). Thật vậy quan điểm của Vật lý lượng tử ngày nay đã xác nhận là đúng các sự hiểu biết trực cảm từ ngàn xưa về nguyên lý tương liên, dù là dưới các hình thức tinh tế tột cùng của nó. Qua các cấu trúc vi tế nhất trong con người mình, các bạn luôn ở trong thể dạng hòa nhịp và cộng hưởng với sự chuyển động của Thái Dương Hệ, Ngân Hà và vũ trụ, và cả những gì xa hơn cả sức tưởng tượng của các bạn. Trước khi các bạn sinh ra đời, trong suốt cuộc sống của mình và cả sau cái chết của thân xác vật chất của mình, từng tế bào của các bạn cùng rung động với toàn thể vũ trụ mà biên giới của nó không ai biết được là ở đâu (thế nhưng biết đâu các biên giới ấy cũng có thể là rất gần, ở một nơi thật sâu kín bên trong tâm thức và con tim của chính mình). Tư duy, xúc cảm của các bạn trải rộng từ những gì có thể hình dung được (con tim của mình chẳng hạn) cho đến vô tận.
Không nên hiểu rằng thực thi lòng vị tha là một cách đánh mất hay quên đi chính mình. Trái lại, mỗi khi mang lại sự tốt đẹp cho người khác thì các bạn sẽ nhận thấy qua nguyên lý tương liên, mình cũng sẽ tạo ra sự tốt đẹp cho cả chính mình. Nhờ đó các bạn sẽ phát huy được các xúc cảm trong sáng và vô tư hơn. Và rồi các bạn cũng sẽ hiểu được sự ích kỷ chỉ biết đến mình sẽ trái ngược với thiên nhiên đến mức độ nào, bởi vì nó đi ngược lại với hiện thực thật căn bản của nguyên lý tương liên. Tôi cam đoan với các bạn là nếu nhìn vào cuộc sống của mình thì các bạn tất sẽ nhận thấy sự ích kỷ sẽ khép kín các cảnh cửa của đời mình, và ngược lại thì lòng vị tha sẽ mở toang các cánh cửa ấy ra.
Triết học, các hệ tư tưởng, chính trị và các chủ thuyết kinh tế Tây Phương luôn quảng bá niềm tin cho rằng sự ganh đua, thúc đẩy bởi sự tranh dành, thèm muốn, ganh ghét và hận thù sẽ mang lại sự sáng tạo và tính năng động cho xã hội. Thế kỷ XX đã đẩy sự cạnh tranh tàn phá đó đến chỗ tột đỉnh dưới hình thức một sự sống gọi là chung đụng với nhau, nhưng thật ra là bàng bạc một sự dửng dưng và sự thu mình tập thể. Nếu tôi từng ngưỡng mộ sự bùng dậy thật ngoạn mục của các xã hội Tây Phương, thì tôi cũng hết sức đau buồn trước ý thức hệ của các xã hội ấy, đã từng khiến thế hệ cha mẹ các bạn hoàn toàn mù tịt về quy luật tương liên, nguyên nhân tất yếu mang lại lòng từ bi. Tôi nhận thấy điều đó trong các nước giàu có, dù hầu hết mọi người đều có một mức sống rất cao, thế nhưng họ sống trong một khung cảnh cô lập thật khủng khiếp. Các bạn chẳng cảm thấy phi lý hay sao khi trông thấy vô số những người xưa (một cách nói tránh chữ người già) tuy sống giữa hàng ngàn những người láng giềng, nhưng chỉ biết biểu lộ tình thương của mình với các con mèo và con chó của mình mà thôi? Tôi khuyên các bạn nên chuyển hướng sự vận hành của xã hội và các mối tương giao giữa con người theo chiều hướng biết quý trọng nhau và thân thiện với nhau hơn.
Bures-Sur-Yvette, 27.12.17
Hoang Phong chuyển ngữ
Discussion about this post