Quả thật, nhìn vào đời sống của mình, ta toàn thấy những khát vọng, mong cầu, những tham muốn, đeo đuổi, những dự án, kế hoạch chưa thành hình, mà ít khi có mặt trong giây phút hiện tại, thấy được những thứ đang hiện hữu quanh ta, những cái mà ta đang có, đang sở hữu. Sống tiếp xúc sâu sắc với mọi thứ đang có mặt quanh ta là cảm nhận được những giá trị thiêng liêng và mầu nhiệm của chúng, sẽ khơi dậy niềm hạnh phúc lớn lao biết dường nào. Còn khi sống mà toàn thấy những ước vọng, tham muốn, những dự án, dự định, những đeo đuổi mong cầu thì nguồn an lạc hạnh phúc trong ta bị vùi lấp dưới đáy mồ của mộng ước, của nghĩ tưởng xa vời khiến ta không thể cảm nhận cuộc sống với niềm an vui nơi giây phút hiện tại.
Điều này như Eckhart Tolle nói: “Lúc mà bạn đi vào giây phút hiện tại với tràn đầy ý thức, bạn sẽ nhận thức rằng đời sống thực mầu nhiệm biết bao. Có một sự thiêng liêng trong mọi thứ mà bạn cảm nhận được, khi bạn có mặt sâu sắc. Khi bạn càng có mặt sâu sắc trong giây phút hiện tại chừng nào thì bạn càng cảm nhận được niềm vui rất đơn thuần nhưng rất sâu sắc của trạng thái an nhiên tự tại và sự thiêng liêng của mọi thứ trong đời sống”.
Ta hướng ngoại so sánh, cảm thấy thua thiệt với người, từ đó ta dồn hết tâm trí cho việc đeo đuổi thành công. Do quá bận tâm về việc được mất thành bại, hơn thua với người nên ta bị cuốn vào áp lực của sự thành công và ám ảnh về sự thất bại. Thành công tạo ra tâm lý phấn khởi, hân hoan; thất bại đem lại cảm giác u uất, buồn phiền, thất vọng. Chính sự phấn khởi, hân hoan trong tâm lý khi thành công tạo ra áp lực cho mọi đeo đuổi thành công và sự u buồn chán chường, thất vọng trong thất bại tạo nên nỗi ám ảnh về sự thất bại. Vậy làm sao ta thoát ra khỏi áp lực về sự thành công và nỗi ám ảnh với thất bại?
Mọi sự ở đời không phải đều tan biến nhanh như thế! Nhưng khi bạn nhìn đời bằng cách ấy, tâm trí bạn thoát khỏi mọi áp lực lo lắng, sợ hãi và các ám ảnh về mất mát, thất bại… mà trở nên bình lặng, tĩnh tại hơn. Bác sĩ Paul Dahlke, một trong những người đặt nền móng Phật giáo đầu tiên ở Đức, đã diễn giải điều này thật hay: “Khi nào tôi ngỡ hạt sương long lanh trên cỏ là viên kim cương thì tôi sẽ giành giật và liều mạng để cướp lấy nó cho bằng được. Nhưng đến khi tôi hiểu rằng, à đó chỉ là hạt sương lấp lánh dưới ánh nắng thôi mà, thì tôi sẽ không tự làm khổ mình về điều đó nữa. Tôi biết, như một cơn gió thoảng, mọi thứ đều sẽ qua đi hết. Nhà tư tưởng chân chính cũng suy nghĩ như vậy khi đối mặt với thế giới và những giá trị của nó, cho dù các giá trị đó được gọi tên là vợ con, của cải, lợi danh, gia đình…”.
Cảm thức về mọi thứ là thật có, cùng với tâm trạng hân hoan, sung sướng khi đạt được một thành công, khiến ta lầm tưởng đó là nguồn hạnh phúc chân thực. Cho nên bằng mọi giá ta cố đeo đuổi cho bằng được cái này, cái kia; từ đó áp lực đè nặng lên tâm trí ta. Còn khi cảm nhận mọi thứ là hư ảo, không thật, dẫu vẫn đang hành động hướng đến thành công, thì tâm trí được thảnh thơi, yên nghỉ và tĩnh lặng. Một sự tĩnh lặng không như những khoảnh khắc thư giãn, buông xả, lắng dịu tạm thời trong cuộc sống đầy bon chen hối hả, đầy căng thẳng áp lực, mà sự tĩnh lặng ấy đến từ một tâm trí được khai mở, nhận ra cuộc sống vốn mong manh vô thường, phù du ảo mộng, như chính lời dạy này của Đức Phật, “Hãy nhìn như bọt nước, hãy nhìn như cảnh huyễn, quán nhìn đời như vậy, thần chết không bắt gặp”. Thần chết ở đây ám chỉ cho khổ đau. Nhìn đời như vậy thì khổ đau không có mặt. Nhìn đời như vậy thì tĩnh lặng, là hạnh phúc. Không có cái gì nơi đâu trên cuộc đời này có thể nắm giữ niềm vui cho ta mãi mãi. Mọi thứ chỉ như bọt nước, hạt sương!
Từ việc thấu hiểu bản chất của cuộc đời như vậy, ta mới có tâm thái chấp nhận mọi trải nghiệm về đời sống. Cuộc sống có những giây phút sum vầy hạnh phúc thì cũng có những lúc chia ly trong buồn đau; có cảm giác khoái lạc thì cũng có cảm giác đau đớn. Chấp nhận, là khi bạn đối diện cái khổ mà không phản ứng loại trừ, tiếp nhận niềm vui mà không gắn bó quyến luyến, thì đạt đến trạng thái sâu lắng, tĩnh lặng của tâm thức. Trạng thái ấy, theo Eckhart Tolle, là khả năng chấp nhận một cách sâu sắc mỗi giây phút như bản chất của nó. Ông nói: “Bất kỳ khi nào bạn chấp nhận một cách sâu sắc mỗi giây phút như bản chất của nó, bất kể hình thức phút giây ấy đang biểu hiện là gì, bạn sẽ có được trạng thái lặng yên, bạn có được sự an tịnh”.
Tâm tĩnh lặng, yên bình hay an tịnh là trạng thái hạnh phúc sâu lắng. Một hạnh phúc vượt lên trên những vui sướng, khổ sầu thông thường của con người. Hay nói như Andrew Olendzki: “Hạnh phúc hay một cảm thức sâu xa về an lạc không bao gồm sự có mặt của lạc thú hay sự vắng mặt của đau đớn và nó cũng chẳng tùy thuộc vào những điều này”. Hạnh phúc ấy, an lạc ấy không phải tự nhiên mà có mà là cả một quá trình rèn luyện, huân tập tâm trí trải nghiệm mọi sự vật, sự việc ở đời như chúng vốn vậy. “Khi tâm trải nghiệm một cái gì đó dễ chịu hay khó chịu, tâm chỉ đơn giản thấu hiểu sự vật như nó vốn vậy, thì sẽ không có khổ đau” (Tiến sĩ Yaval Noah Harrasi). Hạnh phúc, vì thế là sự thấu hiểu bản chất của mọi sự vật hiện tượng ở đời mà an nhiên tự tại.
Khổ đau hay không hạnh phúc, theo Phật giáo, không phải là những cảm giác đau đớn, buồn bã, khó chịu… mà là cái tâm trí luôn vọng động không ngừng nắm bắt và loại trừ, ưa thích và ghét bỏ các đối tượng mà nó tiếp xúc. Chính cái tâm vọng động đó mới là cái gốc của khổ đau. Cho nên muốn có hạnh phúc thật sự trên cuộc đời này, cách duy nhất là giữ cho cái tâm đừng có vọng động phản ứng thuận nghịch theo các pháp khả ái và không khả ái. Tâm vọng động thì khổ đau, tâm tĩnh lặng thì hạnh phúc.
Mùa xuân là mùa của hạnh phúc, hân hoan nhưng hãy hạnh phúc, hân hoan trong tĩnh lặng, bạn nhé!
Discussion about this post