GỞI LÒNG THEO ĐÁM MÂY HƯƠNG
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
Đã từ lâu sáng nào tôi cũng thức dậy sớm để thực hiện một thời khóa công phu trước bàn thờ Phật. Trong cái không khí yên lặng tĩnh mịch của buổi sớm tinh mơ không gian như lắng đọng, đối diện trước hình tượng Đức Phật ngự trên đài sen đang nở nụ cười từ hòa hết sức an nhiên, tôi thấy lòng mình tĩnh tại và an lạc một cách diệu kỳ. Với tất cả lòng thành kính tôi đối trước Phật tiền niêm hương, đảnh lễ chư Phật, mùi hương trầm phảng phất quyện tỏa trong không gian tỉnh lặng và trang nghiêm đó tôi thấy lòng mình rất xúc động khi tụng bài dâng hương tán Phật
Nguyện đem lòng thành kính
Gởi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
………………………………….
Trong không gian tĩnh lặng, trang nghiêm như thế tôi cảm nhận được lòng qúy kính của mình đã quyện theo khói trầm hương dâng lên cúng Phật với tất cả tâm thành.
Từ trong tâm thức tôi đã khắc sâu sự rung động sâu xa khi còn là một em oanh vũ Gia Đình Phật Tử khi dự các khóa lễ của Gia Đình Phật Tử lúc hát bài Trầm Hương Đốt của nhạc sĩ Bửu Bác, với giai điệu uy nghi, trầm hùng, với lời ca rất thành kính như chuyển tải tâm thành của hàng Phật tử dâng lên chư Phật mười phương: “Trầm hương đốt xông ngát mười phương, nguyện nguyện kính đức Nghiêm Từ vô lượng, cầu cầu xin chứng tâm thành chúng con, vận vận khòi kết mây lành cúng dường…”. Khi quỳ trước Đại Hùng Bửu Điện quyện tỏa khói hương, cất cao lời ca bài trầm hương cúng Phật, tâm tư người phật tử nhỏ tuổi chúng tôi tự nhiên thấy lắng lòng, thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý để chí thành nhất tâm hướng về chư Phật mười phương.
Đã hàng ngàn năm nay văn hóa thắp hương dâng cúng hay dâng lời cầu nguyện lên chư Phật, hay tổ tiên ông bà đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh khắc sâu từ ngàn đời trong tâm thức người Việt.. Khi đối trước bàn thờ dù là thờ Phật hay thờ gia tiên đi nữa người dâng lễ cũng đốt nén hương để biểu hiện tấm lòng thành, nên mặc dù chỉ là một nén hương nhưng nó mang ý nghĩa của tâm hương, khói trầm hương như là một phương tiện để kết nối tâm linh giữa hiện tại và quá khứ, giữa người còn và người mất, giữa đệ tử và Đức Phật, giữa con cháu đang còn và tổ tiên ông bà đã khuất. Khói trầm hương là phương tiện giao tiếp, chuyển tải tấm lòng thành của người lễ bái thể hiện tấm lòng sự tri ân và báo ân, hoặc gởi tấm lòng mong ước, nguyện cầu một cách chân thành mong được sự chứng giám, phù hộ, độ trì của chư Phật hoặc tổ tiên ông bà.
Giá trị văn hóa tâm linh của việc đốt hương trên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên cao đẹp như thế, cho nên dù văn hóa thắp hương có xuất xứ từ đâu đi nữa thì đó vẫn là văn hóa tâm linh của dân tộc Việt, là thể hiện đạo lý của người Việt.
Đối với tín đồ đạo Phật thì việc thắp hương cúng Phật cũng không ngoài ý nghĩa nêu trên, ba nén hương cúng Phật mang ý nghĩa là cúng dường ba ngôi tam bảo: Phật, Pháp, Tăng hoặc tam vô lậu học: Giới, Định, Tuệ.
Dâng hương cúng Phật, cúng tổ tiên ông bà là phương tiện chuyển tải một giá trị tâm linh cao quý và ý nghĩa lớn lao như vậy. Thế mà gần đây có vị tôn túc đã phát biểu vì vấn đề bảo vệ sức khỏe và tránh ô nhiễm môi trường do hương tẩm hóa chất, nên thay vì thắp hương khói mà chỉ nên thắp tâm hương ( tức là không thắp gì cả mà chỉ với tấm lòng thành chấp tay hướng về Phật, ông bà dâng tấm hương lòng!). Vị này cũng cho rằng đốt hương không có trong văn hóa Ấn Độ, nơi đức Phật sinh ra và hành đạo mà ảnh hưởng chủ yếu từ Trung Hoa. Thế nhưng trong kinh sách thì có đề cập đến việc đốt hương cúng Phật từ thời đức Phật còn tại thế rồi. Kinh Trường A Hàm quyển thứ hai Kinh Du Hành chép:“Đệ tử của Phật vì Đức Thế Tôn cất Tịnh Xá to lớn, chỉnh lý sửa sang quét dọn lại sân vườn, đốt hương cúng dường.” Trong Kinh Phật Thuyết Giới Đức Hương cũng có chép: “Ngài A Nan lấy hương làm đề tài để thỉnh Phật thuyết pháp, Đức Phật tuỳ duyên khai thị, người tu trì thập thiện, đức hạnh được vang xa, cũng như hương báu có mùi vi diệu được mọi người tán thán.” và trong nhiều kinh khác cũng có đề cập đến việc cúng hương, mặc dầu ở Ấn Độ người ta không đốt hương nén như ta thường thấy mà họ xông hương bằng những loại gổ thơm như gổ chiên đàn…
Cũng theo vị tôn túc này trên bàn thờ cũng có trang trí hương điện tử tức là thay từ hương khói sang hương điện tử thì ý nghĩa hương vẫn không mất đi(!). Quả thật là một tín đồ đạo Phật tôi hết sức dị ứng với việc chưng hoa giả, trái cây giả lên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên. Tôi cho rằng những thứ đó chỉ có công dụng trang trí cho có màu sắc trên bàn thờ mà không có một chút ý nghĩa tâm linh nào cả, tệ hơn nữa nó biểu hiện như là một sự gian dối vì đó không phải là lễ phẩm dâng cúng với tấm lòng thành của hàng đệ tử hay con cháu. Bây giờ có thầy lại nói thắp hương điện tử có thể thể thay thể hương khói mà ý nghĩa của hương cũng không mất đi thì quả thật tôi cũng không biết nói sao nữa!. Tôi lại tưởng tượng rằng nếu mai kia có người khuyên thời hiện đại phật tử chỉ cần ngồi trước bàn thờ rồi mở băng đĩa tụng thay thế việc trực tiếp đọc tụng kinh Phật mà ý nghĩa cũng không mất đi thì hết biết !!!
Đồng ý rằng hiện nay có một số không ít phật tử đến chùa thắp hương nguyên cả bó và thắp hương bái lạy khắp nơi, cũng như có một số loại hương được tẩm bằng hóa chất để tạo mùi thơm. Đây là một sự lạm dụng việc thắp hương dâng cúng không nên có vì vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường, nếu thấy việc thắp hương dâng cúng đã bị hiểu sai, bị lạm dụng gây hại cho con người, cho môi trường thì cần phải chấn chỉnh lại. Thiết nghĩ hiện nay phương tiện giáo dục của chư Tăng, Ni đến phật tử có rất nhiều thuận lợi, quý thầy cô có thể thuyết giảng trực tiếp, hoặc qua băng đĩa giảng, hoặc trong các buổi pháp đàm, pháp thoại, hoặc trước giờ tổ chức khóa lễ, khóa tu, hoặc viết thành sách hướng dẫn, cũng có thể các chùa cần có tấm bảng ghi lời khuyên người phật tử thắp hương như thế nào cho đúng pháp v.v… để giáo dục hàng phật tử tại gia về ý nghĩa của việc thắp hương cúng Phật như thế nào cho đúng pháp, cho có lợi lạc. Khi được nghe giảng giải nhận thức của hàng phật tử tại gia sẽ hiểu đúng và thực hành đúng việc cúng hương thì họ sẽ tự điều chỉnh lại. Chứ không nên vì sự thiếu hiểu biết và thực hành lệch lạc về pháp cúng hương của một số người mà khuyên phật tử làm những điều mất đi ý nghĩa, giá trị tâm linh cao đẹp của việc cúng hương lên chư Phật, cúng hương lên tổ tiên ông bà.
Với tôi thì thì việc cúng hương trong các buổi lễ đã ăn sâu trong tiềm thức từ thưở ấu thời. Khi còn là một đứa trẻ trong mỗi lần nhà có giổ chạp tôi đã chứng kiến ông bà, chú bác mặc lễ phục nghiêm chỉnh với nét mặt thành kính trang nghiêm đối trước bàn thờ tổ tiên lễ lạy. Trong không khí thanh tịnh phảng phất mùi hương trầm quyện tỏa, quý ông bà, chú bác đến dự lễ đã quỳ lạy trước bàn thờ gia tiên dâng lời cúng dường, khấn hứa với tất cả tâm chí thành. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng tôi đã cảm nhận được sự thành kính tri ân của con cháu đối với tổ tiên ông bà thông qua nén hương thơm được đốt lên để dâng cúng.trong các dịp giổ chạp như thế này. Hay những lúc đến chùa trong màu áo lam Oanh Vũ GĐPT thành kính quỳ trước Đại Hùng Bửu Điện trong không khí trang nghiêm mùi hương trầm quyện tỏa hát bài Trầm Hương Đốt với ca từ rất xúc động “…Đồng qúy kính qùy dưới đài sen, dâng hoa thơm tinh khiết màu thắm tươi cành. Đài quang minh sáng huy hoàng trang nghiêm, ơn mười phương điều ngự hào quang an lành…” đã là dấu ấn sâu đậm trong tâm thức.
Bài viết này xin được dâng tấm lòng thành kính gởi theo đám mây hương cúng dường, tri ân chư Phật mười phương.
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
Discussion about this post