ĐỨC PHẬT NHÀ VĂN HÓA LỚN CỦA NHÂN LOẠI
HT. Thích Chơn Thiện
Đức Phật được Liên Hiệp Quốc tôn vinh là nhà văn hóa lớn của nhân loại của 25 thế kỷ qua, hẳn là cuộc đời hoằng hóa và hệ thống giáo lý của Ngài đã cống hiến cho nhân loại nhiều đóng góp quan trọng và ý nghĩa.
Nhà Phật học H.W. Schumann đã phát biểu về Đức Phật trong tác phẩm thời danh của Ông, nhan đề Đức Phật lịch sử (The Historical Buddha) rằng: “Rất hiếm nhân vật trong lịch sử tư tưởng nhân loại có ảnh hưởng rất lớn và lâu dài như Đức Phật Gotama (Sakya Muni), và cũng không có ai từng để lại ảnh hưởng sâu đậm trên toàn cõi châu Á như Ngài. Tôn giáo do Ngài sáng lập không chỉ đem lại nguồn an ủi vô lượng mà còn cung cấp nền tảng cho học thuyết nhân bản cao quý và một di sản văn hóa vô cùng tinh tế. Bài pháp đầu tiên do Ngài thuyết giảng ở Sarnàth gần Baranàsi (Ba-la-nại: Benares)vào năm 528 trước Tây lịch là một sự kiện lớn mang lại kết quả đầy lợi lạc liên tục cho đến ngày nay.”
(H.W. Schuman, The Historical Buddha, tr IX)
Có rất nhiều, nhiều lắm, các đóng góp văn hóa cho thời đại từ Tam tạng giáo điển kết tập dưới thời đại đế Asoka (thế kỷ thứ III trước Tây lịch) và các tục tạng, tục tục tạng phát triển về sau. Ở đây, chúng tôi chỉ rất giới hạn đề cập một số nét cương yếu về giáo lý xây dựng hòa bình lâu dài, giáo lý về bảo vệ môi sinh, giáo lý giáo dục cá nhân, xây dựng các mối tương hệ gia đình, xã hội, và đặc biệt là giáo lý vô ngã và trí tuệ vô ngã có đóng góp tối quan trọng vào giải quyết các khủng hoảng xã hội, tâm lý, giải thoát con người khỏi các ách trói buộc, khổ đau.
Những lời đức Phật dạy và Hòa bình
Có thể nói rằng các lời dạy của đức Phật vì hòa bình được bao hàm trong lời dạy sau đây từ kinh tạng Pàli:
“Này các Tỷ kheo, có một người xuất hiện ở đời vì an lạc của số đông: xuất hiện vì lòng thương tưởng đời, vì lợi ích an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Người ấy là ai? Đó là đức Như Lai, bậc A-la-hán , Chánh Đẳng Giác”.
(Tăng chi Bộ kinh I, PTS, London, 1989, tr. 14-15)
Lời dạy trên nói lên sứ mệnh lịch sử của đức Phật, và xác định sứ mệnh lịch sử của các Giáo hội Phật giáo trên thế giới nhằm dập tắt khổ đau, xây dựng an lạc, hòa bình, hạnh phúc cho đời.
Hướng đi lịch sử ngược lại với hòa bình là chiến tranh, bạo động, tạo nên sự hủy diệt văn hóa và giá trị con người gây ra do các động cơ tâm lý tham lam, sân hận, si mê (tà kiến) như đức Phật đã tuyên bố:
“Này các Tỷ kheo, có ba căn bản của sai lầm. Thế nào là ba? – tham, sân, si.
Tham là sai lầm. Bất cứ việc gì kẻ tham lam thực hiện với thân, lời và ý là sai lầm…
Sân, này các Tỷ kheo, là sai lầm. Bất cứ gì người sân hận thực hiện với thân, lời và ý là sai lầm…
Si, này các Tỷ kheo, là sai lầm. Bất cứ việc gì người si thực hiện với thân, lời và ý là sai lầm…”
(Tăng chi Bộ kinh I, PTS, London,1989, tr. 182)
Ba căn bản bất thiện ấy dấy khởi từ vô minh, từ nhận thức cho rằng mọi hiện hữu đều có tự ngã riêng và thường hằng, bất biến, khởi lên từ duy ngã tính (nhị nguyên: dualism) bị ám ảnh bởi ý niệm “tôi hiện hữu”, “tôi đã hiện hữu”, “tôi phải hiện hữu”, “mong rằng tôi sẽ hiện hữu” nuôi dưỡng tham ái và chấp thủ như những gì đức Phật đã dạy:
“Có 18 tư duy bị ám ảnh bởi Ái, liên hệ với nội tâm, và 18 tư duy bị ám ảnh bởi Ái liên hệ với ngoại cảnh. Những gì là 18 tư duy liên hệ với nội tâm? Này các Tỷ kheo, khi có tư tưởng: Tôi có mặt, thì cũng có tư tưởng: Tôi có mặt trong đời này: Tôi có mặt như vậy: Tôi có mặt khác như vậy: Tôi là không thường hằng: Tôi là thường hằng: Tôi phải có mặt không?..: Mong rằng tôi có mặt…: Tôi sẽ có mặt…”.
(Tăng chi Bộ kinh II, PTS, London, 1992, tr.225)
Tại đây, tư duy ngã tính từng được thay thế bằng tư duy duyên sinh vô ngã để loại bỏ tham ái và chấp thủ vì an lạc và hạnh phúc cho người đời. Tư duy duyên sinh vô ngã ấy là chánh tư duy, như thế nên tuệ uẩn (hay chánh kiến và chánh tư duy) là nhân tố quyết định hòa bình, an lạc. Đi theo tuệ uẩn, giới luật và thiền định đều có tác dụng rửa sạch các tâm lý tiêu cực, cấu uế và xây dựng an lạc cho tâm hồn và hòa bình cho xã hội. Năm giới rất cơ bản cho một Phật tử sống đời sống gia đình là: 1) Không sát sinh; 2) Không trộm, cắp; 3) Không tà hạnh; 4) Không nói dối; 5) Không uống các thứ rượu, các chất men say. Các giới đều bảo vệ đời sống, bất hại, giữ gìn và phát triển tâm lý hiền thiện, nhân tố của ổn định đời sống xã hội.
Thiền định thì có chức năng chế ngự 5 thứ ngăn che trí tuệ, 5 thứ là suối nguồn của các tâm hại, tâm ác, tâm bất thiện: Trạo cử, hôn trầm, dục, sân và nghi. Thiền định rất thiết thực đem lại thanh bình cho từng tâm thức và xã hội. Kinh Từ-bi (Mettàsuttam), thuộc kinh Tập (Suttanipàta), Tiểu Bộ kinh giảng dạy rằng:
“… Tất cả chúng sinh: Loài yếu, loài mạnh, cao, to hay trung bình, thấp nhỏ hay lớn, không trừ loài nào, hữu hình hay vô hình, sống ở gần hay xa, loài đã sinh hay sẽ sinh, mong rằng tất cả chúng sinh ấy được hạnh phúc! Mong rằng không có ai lừa dối ai! Không có ai khinh khi ai bởi bất cứ nơi đâu.
Mong rằng không vì giận hờn hay sân hận mà mong muốn gây tổn hại nhau. Như một người mẹ che chở cho người con duy nhất của mình thoát hiểm khó, cũng vậy, con người tu tập, thể hiện từ tâm vô hạn đối với mọi người, mọi chúng sanh”.
Nếu lời dạy ấy được văn hóa đời tiếp nhận, số đông ở đời thực hiện, thì đấy là tài sản văn hóa của tình thương yêu cuộc đời thiết tha, của mối tương hệ hòa hợp tốt đẹp, của phẩm giá cao thượng của con người, và của sự cộng sinh cộng tồn trong hòa bình, an lạc. Nếp sống ấy sẽ khép chặt lại mọi cánh cửa chiến tranh, bạo động, ác hại.
Những lời đức Phật dạy và Môi sinh, Đạo đức môi sinh
Vấn đề môi sinh và ô nhiễm môi sinh ngày nay đã rất phổ biến đối với quần chúng của các quốc gia, phổ biến đến mức mọi người có thể gặp gỡ vấn đề môi sinh hàng ngày qua các phương tiện truyền thông. Các chất thải, khí thải từ các nhà máy, các chất thải của các cá nhân, gia đình thường nhật, đặc biệt ô nhiễm nhất và nguy hiểm nhất là các phân hạch hạt nhân với quy mô lớn, các bức xạ hạt nhân (dù là trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử phục vụ hòa bình) đã và đang trở nên một nhân tố nghiêm trọng nhất cho vấn đề ô nhiễm môi sinh và là sự đe dọa lớn nhất cho sự tồn tại của loài người trên Trái đất.
Về mối liên hệ giữa môi sinh và con người, P.D.Karma, trong tập “sinh thái học và môi trường sống” (Ecology and Environment)- Rastogy Publications, 6th Ed., 1992, p.2 – đã viết: “…Môi sinh thật sự giữ một vai trò quan trọng trong vấn đề an sinh của con người”. Vấn đề đặt ra ở đây, như có các nhà môi sinh học từng đề cập, là Phật giáo có thể có những đóng góp gì cho việc bảo vệ môi sinh, giải quyết khủng hoảng môi sinh hiện tại?
Về sự thật của con người 5 uẩn này, đức Phật dạy:
“Này các Tỷ kheo, ta sẽ dạy cho các thầy 5 uẩn và 5 thủ uẩn. Hãy lắng nghe. Này các Tỷ kheo, thế nào là 5 uẩn? Tất cả sắc, này các Tỷ kheo, thuộc quá khứ hiện tại, hay vị lai, thuộc trong hay ngoài, thô hay tế, thấp hèn hay cao sang, xa hay gần, đều gọi là sắc uẩn. Tất cả Thọ, Tưởng, Hành; tất cả Thức quá khứ, hiện tại hay vị lai… đều gọi là Thức uẩn”.
(Tương Ưng Bộ Kinh, tập III, PTS, Oxford, London, 1985, tr.16)
Như vậy Sắc uẩn của mỗi cá nhân bao gồm cả các tha nhân và thế giới vật lý, môi trường sống: Môi trường sống là phần liên hệ, gắn chặt mật thiết với các thân sắc, bất khả phân ly, như sự thật Duyên Khởi của thế giới mà Đức Phật đã giác ngộ và tuyên thuyết: Vạn hữu trùng trùng liên hệ mật thiết với nhau: Cái một nhiếp vào thế giới, và thế giới nhiếp vào cái một. Điều này thức tỉnh con người rằng: Cần bảo vệ môi sinh thoát khỏi ô nhiễm như bảo vệ thân sắc mình. Đây là sự thật như thật của thế giới hiện hữu và là nhận thức nền tảng của giải đáp khủng hoảng môi sinh hiện tại. Nhận thức ấy được biểu hiện rất rõ ràng qua nếp sống Từ bi đối với muôn loài mà Đức Phật chỉ dạy hàng đệ tử qua Kinh Từ Bi (Mettàsutta) như vừa được giới thiệu ở phần trước, xây dựng hòa bình bền vững cho thế giới. Nhận thức ấy được phát sinh từ một trí tuệ toàn giác, đỉnh cao của nguồn văn hóa tâm linh, tinh thần, đỉnh cao của văn hóa, tư tưởng phương Đông, của đại lục châu Á mà mãi đến cuối năm 1999 Tây lịch – 2.500 năm ngày Đức Phật nhập Niết Bàn – tổ chức Liên Hiệp Quốc mới công khai ghi nhận Phật giáo là văn hóa tinh thần, tâm linh của toàn thế giới.
Những lời đức Phật dạy và vấn đề giai cấp xã hội
– Dưới thời Đức Phật, xã hội Ấn Độ chủ trương phân biệt bốn giai cấp: Bàlamôn, Sát-Đế-Lợi, Phệ-Xá và Thủ-Đà-La, và vẫn còn giữ gìn nghiêm mật cho đến ngày nay. Đức Phật thì chủ trương bình đẳng bốn giai cấp ấy, bình đẳng giữa con người và con người, như là một tư tưởng cách mạng văn hóa đương thời. Ngài dạy:
“Không phải do sinh ra mà thành Bà-la-môn,
Không phải do sinh ra mà thành tiện nhân.
Trở thành một tiện nhân là do hành vi của mình
Trở thành một Bàlamôn là do hành vi của mình”.
(Kệ 136, kinh Tập – Suttanipàta)
Kinh Assalàyana, Trung bộ kinh II, ghi rằng: Một lần giáo chủ Bàlamôn đã cử thanh niên Bàlamôn Assalàyana thông tuệ bậc nhất đến vấn nạn, tranh biện với đức Phật Gotama về chủ trương bình đẳng giai cấp của Ngài, Đức Phật hỏi Assalàyana:
– “…Nếu một người là kẻ sát nhân, trộm cướp, ngoại tình, hoặc phạm các tội trọng khác, thì sau khi chết người ấy sẽ đọa sinh nếu người ấy là Sát-đế-lợi, Phệ-xá, Thủ-đà-la, nhưng nếu người ấy là Bàlamôn thì sẽ không đọa sinh, phải thế không?
Assalàyana bạch: “Bạch đức Gotama, không ạ! Trong những trường hợp như thế dù người ta thuộc đẳng cấp gì đi nữa, số phận dành cho mỗi người đều như nhau”.
– “Còn nếu người ấy tránh được các trọng tội thì người ấy sẽ thác sinh về cõi trời nếu người ấy là Bàlamôn, còn người các đẳng cấp thấp hơn thì sẽ không được như thế?
– Bạch đức Gotama không ạ! Dù thuộc đẳng cấp nào, trong trường hợp đó mọi người đều hưởng thiện quả”.
– “Có phải một Bàlamôn tuyên bố rằng họ có thể phát triển lòng từ ái, không sân, không hận, không ác độc, còn những người thuộc đẳng cấp khác thì không được như thế?”
– Bạch đức Gotama không! Cả bốn đẳng cấp đều có thể được như thế”.
– “Có phải chỉ có Bàlamôn mới có thể nhờ nước mà rửa sạch các bụi bẩn, còn những người thuộc đẳng cấp khác thì không được như thế?”
– Bạch đức Gotama không! Cả bốn đẳng cấp đều được như thế”.
– “Lại nữa, ví dụ một ông vua tập hợp một số người thuộc bốn đẳng cấp trên và ra lệnh cho họ nhóm lửa bằng cùng loại gỗ sài, gỗ thông, sen hay trầm, ông nghĩ rằng điều gì sẽ xảy ra? Lửa do người thuộc đẳng cấp cao dúm sẽ cháy sáng, còn lửa do các người thuộc giai cấp thấp dúm sẽ không cháy sáng?
– Bạch Đức Gotama, không! Dù người dúm lửa thuộc giai cấp nào , lửa cũng cháy sáng như nhau”…
Cuộc đối thoại tiêu biểu vừa nêu nói lên chủ trương bình đẳng giai cấp, phái tính màu da, tuổi tác của Đức Phật, vừa nêu rõ bản sắc giáo lý của Ngài rất thực tại, rất thực tế, rất tự nhiên, khách quan và đầy tính nhân văn cao thượng.
Những lời đức Phật dạy về một nhà lãnh đạo tốt của đất nước
Dưới thời Phật, các vua Tần Bà Sa La (Bimbisàra), AXàThế (Ajatasattu), Ba Tư Nặc (Pasenadi), MaĐôLa (Madhura) và vua Tịnh Phạn (Suddhodana) thường đến yết kiến Đức Phật và xin lời cố vấn về pháp trị nước, đạo đức, triết học, xã hội… Trước khi Đản sinh, thành Phật, Đức Phật tiền thân đã có 6 kiếp liên tục làm Vua Chuyển Luân (Cakkavattiràja) -Theo Kinh Chuyển Luân Thánh Vương, Trường Bộ III; Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành, Trường A Hàm, số 6 – Vua Chuyển Luân là nhà Lãnh đạo lý tưởng của đất nước, đủ tài năng, đức độ, trị nước đúng theo Chánh Pháp (Phật Pháp), đem lại hạnh phúc cho toàn dân. Dưới quyền vua bao giờ cũng có mặt bảy thứ báu:
– Thiên luân báu (cổ máy bay liệng giữa hư không, tốc độ rất cao, đi từ xứ này đến xứ khác theo ý muốn của nhà vua).
– Voi báu (cỗ voi báu nhiều ngà, rất khỏe chuyên chở, phi rất nhanh, xông pha giữa các binh chủng theo sự điều động của nhà vua).
– Ngựa báu (tương tự voi báu)
– Thần châu báu (các viên ngọc lớn tỏa sáng khắp một vùng đất rộng lớn về đêm)
– Chủ binh báu (có tướng tài cầm quân, thông rõ các chiến lược, chiến thuật).
– Cư sỹ báu (có phúc báo, mỗi lần cần thiết đặt tay vào sông nước là nhặt được liền các vàng ròng, châu báu; thường phụ trách ngân khố quốc gia).
– Ngọc nữ báu (vị hoàng hậu tuyệt sắc, trí, hạnh kiêm toàn).
Đấy là các biểu tượng, điều kiện xây dựng, phát triển mạnh về quốc phòng, an ninh, tài chính, kinh tế, quản trị, văn hóa và xã hội.
Các bản kinh Bổn Sinh (Jàtaka I, II, III và IV) Nikàya ghi lại lời Đức Phật dạy về 10 đức tính của một minh quân như:
1/ Quảng đại, từ ái.
2/ Giữ gìn giới đức: Không giết hại, không bóc lột, không lấy của không cho, không tà hạnh, không dối trá, không say sưa.
3/ Vì hạnh phúc nhân dân, sẵn sàng hy sinh lợi lạc, danh vọng vì dân.
4/ Liêm chính, thành thực, thể hiện nhiệm vụ nghiêm túc.
5/ Hòa ái.
6/ Nghiêm chỉnh, giản dị, đứng đắn.
7/ Không thù ghét.
8/ Không sử dụng bạo lực.
9/ Vị tha, nhẫn nại, thông cảm.
10/ Không khắt khe; hòa hợp với nhân dân.
Kinh Tăng Nhất A-Hàm quyển 42 thì ghi:
1/ Thanh liêm, quảng đại.
2/ Nghe lời can gián.
3/ Thi ân cho nhân dân.
4/ Thu thuế theo pháp định.
5/ Phòng the nghiêm túc.
6/ Không say sưa với các chất say.
7/ Cần mẫn, nghiêm chỉnh.
8/ Xét xử công bằng.
9/ Hòa hợp với quần thần.
10/ Giữ gìn sức khỏe bản thân.
Một lần, Đức Phật dạy đại thần Vassaka, xứ Magadha về bảy điều giúp một xứ sở không bị suy giảm, sẽ lớn mạnh như sau:
1/ Nhân dân thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.
2/ Nhân dân tụ họp trong niệm đoàn kết, làm việc và giải tán trong niệm đoàn kết.
3/ Không ban hành các luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ các luật lệ đã được thích đáng ban hành, sống giữ truyền thống.
4/ Tôn trọng và biết lắng nghe các bậc trưởng lão.
5/ Không bắt cóc và cưỡng ép phụ nữ, thiếu nữ.
6/ Kính trọng, đảnh lễ các tự miếu đúng quy pháp.
7/ Ủng hộ, che chở các bậc hiền đức, chân tu đạo giải thoát tham ái, chấp trước.
(Kinh Tăng Chi Bộ III)
Kinh Thiện Sinh (Singàla), Trường Bộ II, ghi lời dạy của Đức Phật về sáu mối tương hệ xã hội và hạnh phúc gia đình rằng: (Trường Bộ Kinh II, số 31)
1. Mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái:
a/ Cha mẹ: Giáo dục tốt con cái, chỉ dẫn con cái sống lương thiện, giúp con cái có hôn nhân tốt.
b/ Con cái: Săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ lớn tuổi, giữ gìn danh dự, truyền thống gia đình, giúp việc khi cha mẹ cần, giữ gìn tài sản của cha mẹ.
2. Thầy – Trò:
a/ Thầy giáo: Dạy tốt, hướng dẫn tốt học trò, dạy nghề cho học trò, giúp học trò có bạn tốt.
b/ Trò: Vâng lời và kính trọng thầy, học hành chăm chỉ, giúp đỡ thầy khi cần.
3. Chồng – Vợ:
a/ Thương và kính trọng vợ, người chồng phải là người chồng, vừa là người bạn, người yêu của vợ, thường tặng quà thuộc nữ giới cho vợ.
b/ Thương và kính trọng chồng, người vợ phải là người vợ, người bạn, và người yêu của chồng, quán xuyến việc quản lý gia đình, tôn trọng bố mẹ chồng và bạn bè, thân thuộc của chồng.
4. Cá nhân và láng giềng:
– Thành thật và chung thủy với nhau; thường giúp nhau khi khó khăn, không bỏ nhau khi lâm vào cảnh khó khăn; giúp nhau có bạn tốt: người có tín, thí, giới, tuệ.
5. Chủ nhân và Cộng sự:
a/ Chủ nhân: Trả lương tương xứng với khả năng làm việc; thường có khen thưởng; chăm sóc thuốc men khi các cộng sự lâm bệnh.
b/ Cộng sự: Trung thành; làm việc siêng năng, cần mẫn; làm tròn trách nhiệm được giao phó.
6. Người tu và người đời:
a/ Tu sỹ: thương mến người đời; thường giới thiệu đạo chân chính (và dạy nghề , nếu có thể); dẫn dắt người đời hành thiện; thường an ủi, khích lệ.
b/ Người đời: Giúp đỡ các thứ nhu yếu vật chất cho các tu sĩ; biết học hỏi chánh pháp.
Về cư sỹ tại gia, Kinh Tăng Chi Bộ IV, Kinh Tương Ưng I, và Trường II ghi thêm: tiền kiếm được qua lao động chỉ chi 1/4 cho khoản thường chi, 1/4 cho khoản bất thường chi, 2/4 còn lại sử dụng vào đầu tư; cần giữ gìn sức khoẻ, sống quân bình giữa tâm lý – sinh lý – vật lý; sống có tín, thí, giới, tuệ.
Các mối liên hệ có tính cách tương giao xã hội trên biểu hiện đầy tình người, công bằng, nhân ái và rất thiết thực, đủ để tạo dựng một xã hội ổn định, thanh bình và phát triển tốt đẹp.
Lời dạy của Đức Phật giúp ngăn trừ tội ác xã hội, phát triển kinh tế
Khắp các bản kinh Phật được kiết tập, bao gồm các bản luận, các tâm , lý tham, sân, si và “ngũ triền cái” (trạo cử, hôn trầm, dục, sân, nghi) được đề cập đến như là gốc của các tội ác trong xã hội. Việc thực hành giáo lý để kiểm soát các tâm lý xấu ấy đồng nghĩa với việc ngăn ngừa từ gốc các tội ác xã hội.
Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (Trường Bộ II, Sôæ 26) còn đề cập đến một nguyên nhân làm suy thoái đạo đức do suy thoái kinh tế. Đức Phật dạy:
“Này các Tỷ Kheo, như vậy vì không cho những người nghèo tiền của nên nghèo đói tăng thịnh, vì nghèo đói tăng thịnh nên trộm cắp tăng thịnh, vì trộm cắp tăng thịnh nên đao kiếm tăng thịnh… sát sanh tăng thịnh… nói dối tăng thịnh… nói xấu tăng thịnh… tà hạnh tăng thịnh… ác khẩu và lời nói phù phiếm tăng thịnh… tham, sân, si, tăng thịnh… phi pháp dục, phi lý tham, và tà kiến tăng thịnh, vì ba pháp này tăng thịnh nên các điều sau đây tăng thịnh: thiếu hiếu kính đối với mẹ cha, thiếu sự kính trọng đối với vị cầm đầu trong gia đình…”
(TR. 373 – 374)
Để cải thiện tình trạng xấu trên của xã hội, kinh Kùtadatta (Trường Bộ III) bảo rằng hình phạt không hữu hiệu, không lợi ích, và không thành công bằng sự cải thiện kinh tế, cấp thời thực hiện các việc:
1. Cung cấp các thứ hạt giống và phương tiện canh tác cho các nhà nông:
2. Cung cấp vốn cho những người kinh doanh, đầu tư, trả lương thích đáng cho công nhân.
3. Đại bố thí cho nhân dân thay thế các lễ cúng tế, tế đàn.
Khi mà nhân dân thu hoạch đầy đủ lợi tức sẽ vừa lòng, sẽ không lo sợ, không sợ hãi, kết quả là xã hội sẽ ổn định, yên bình đi ra khỏi các tội ác.
Đức Phật, một nhà đại giáo dục
Giáo dục làm nên văn hoá và văn minh, là đầu nguồn của văn hoá. Đức Phật, qua phần vừa trưng dẫn, và qua sự tôn vinh của Liên Hiệp Quốc – Đức Phật là nhà văn hoá lớn của nhân loại; Phật giáo trở thành tinh thần, tâm linh của nhân loại – Đức Phật hẳn là một nhà giáo dục, tư tưởng lớn của nhân loại, và hệ thống giáo lý của Phật giáo như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến.
Giáo dục, theo nghĩa rộng, là con đường hai chiều của dạy và học kéo dài từ khi sinh ra cho đến khi chết, và có mặt ở ba môi trường sinh hoạt: gia đình, xã hội, học đường.
Lời dạy của Đức Phật về “nghiệp cũ” và “nghiệp mới” hình thành qua các hành động có chủ ý của thân, miệng, ý, và về thai giáo, là con đường giáo dục con người đủ hai mặt nhận thức và hành động ở khắp môi trường hiện hữu từ thai nhi cho đến chết. Đấy là điểm gặp gỡ tổng quát mà cho đến thế kỷ XX Tây lịch, khi giáo dục phát triển cao điểm, giáo dục mới bắt gặp Phật giáo.
Hẳn là cần có một công trình biên khảo công phu mới nêu dẫn đầy đủ các mặt nội dung giáo dục, tinh thần giáo dục, phương pháp kỹ thuật giáo dục, và tâm lý giáo dục, triết lý giáo dục của Phật giáo và nền giáo dục cấp tiến hiện đại. Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến tên gọi của các tinh thần giáo dục nhân văn và cấp tiến mà nền giáo dục của xã hội thế Kỷ XXI có thể tham khảo. Đấy là các tinh thần và nội dung của một đường hướng giáo dục toàn diện và tiên tiến như:
1. Niềm tin giáo dục: Niềm tin vào một khả năng vô hạn bên trong mỗi cá nhân có thể phát huy…
2. Mục tiêu của giáo dục: Đầy đủ hai mặt cá nhân, xã hội và thế giới tự nhiên: hạnh phúc là tiêu điểm hướng đến.
3. Tinh thần trách nhiệm cá nhân…
4. Tinh thần khách quan thực tiễn và thực tại…
5. Tinh thần tự tri, tự chủ, tự tín…
6. Tinh thần phê phán, phân tích…
7. Tinh thần hướng dẫn, chỉ đường…
8. Tinh thần khích lệ, kỷ luật…
9. Tinh thần độc lập, giải trừ nô lệ…
10. Tinh thần trùng trùng tương quan của vạn hữu…
11. Con người toàn diện, dẫn đầu là trí tuệ thấy rõ sự thật như thật…
12. Giáo dục đánh thức…
13. Giáo dục thiền định: Tự chủ, ổn định và an lạc…
14. Tinh thần trung đạo, vô ngã, vị tha…
15. Tinh thần không dính mắc: tuỳ duyên nhi bất biến…
16. Tinh thần xã hội: lục hoà và tứ nhiếp…
17. Tinh thần hiện thực: giáo dục, giảng dạy, sử dụng các ví dụ cụ thể, kiểm chứng, kiểm nghiệm…
18. Trí tuệ là linh hồn của văn hoá, giáo dục…
Chính con đường giảng dạy đó của Đức Phật làm nên một nền văn hoá của Phật giáo bao hàm đủ các cấp độ phát triển văn hoá từ xưa đến nay của nhân loại: công bằng (đạo đức xã hội) như các hệ thống pháp luật, quản trị; nhân ái, vị tha, khoan dung (đạo đức cao hơn mức văn hoá công bằng); khách quan, theo các quy luật khách quan của cuộc sống (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học vật lý, thuần tuý); và vượt lên cao và xa hơn nữa là cấp độ văn hoá rất nhân văn, rất tinh thần, gọi là văn hoá tinh thần, tâm linh mà Liên Hiệp Quốc tôn vinh năm 1999. Phật giáo, qua lời dạy của Đức Phật, giới thiệu đến đỉnh cao của nền văn hoá giải thoát toàn triệt các khổ đau vật lý, tâm lý gọi là văn hóa giải thoát (tâm giải thoát và tuệ giải thoát: nếp sống bàng bạc hạnh phúc nội tâm, phát triển sung mãn các năng lượng tâm lý, và với trí tuệ thấy rõ tường tận sự thật của mọi hiện hữu).
(http://old.thuvienhoasen.org)
Discussion about this post