ĐÊM NẰM NGHE ĐÀO RỤNG
Tiểu Lục Thần Phong
Cứ thỉnh thoảng laị lộp độp, lộp độp… cái điệp khúc suốt cả tháng giữa mùa hạ. Đêm đêm đào rụng trên mái nhà, âm thanh như vọng từ một thời cổ tích xa xưa nào vậy. Cái xứ sở lạ lùng, cây gì cũng chi chít trái trên cành, nhiều cây sai quả oằn trĩu đến độ gãy luôn: Đào, lê, táo, mận, cam, quýt…
Ở Hoàng Hoa trang này, nếu mùa xuân thì đẹp như cõi thiên thai. Hoa đào nở hồng cả một góc trời nhưng đến mùa hạ thì…” địa ngục” mở cữa: Trái đào chín rụng đầy đất, nát ra nhầy nhụa, bọn côn trùng kéo đến trông mà phát ớn. Với bốn mươi gốc đào, số trái rụng phải tính bằng tấn, thật kinh khủng mỗi khi mùa trái rụng! Hoa đào đẹp, trái đào chín nhầy nhụa dơ, vốn chẳng phải hai mà laị không phải một. Mùa xuân xanh, mùa hạ biếc vốn không là một mà cũng chẳng phải hai. Bởi vậy mới biết rằng: thích với chán, yêu với ghét vốn không một mà cũng không hai. Tất cả từ một niệm tâm mà ra!
Trái đào non thì chát, không ăn được, trái đào già thì giòn và chua chua ngọt ngọt, ăn ngon lắm. Tự thân nó chuyển hoá chẳng cần ai phải “độ” cho nó từ chát thành ngon. Con người cũng vậy thôi, tự mình “độ” mình, tự mình chuyển hoá thân tâm của mình, tâm mình chuyển thì tướng mình chuyển, vì “ Tướng tòng tâm chuyển” “ Nhất thiết pháp tòng tâm tưởng sanh” cơ mà! Phật, Bồ Tát là người chỉ đường, chỉ phương cách cho mình. Mình phải cất bước đi thì mới đến, có bệnh thì phải uống thuốc mới hết bệnh. Phật và Bồ Tát không thể đi thay hay uống thuốc giúp mình được! Phải tự mình đi thôi, con đường đã có, phương cách đã bày…Người xưa đã đi, người nay đang đi, người sau đang đến, con đường này nhất định phải đi, không đi thì không bao giờ đến được!
Đêm nằm nghe tiếng đào rụng lộp độp trên mái nhà, cứ ngỡ tiếng vọng từ một miền xa lơ xa lắc nào đó của tuổi thơ vọng về. Tiếng đào rụng làm nhớ đến tiếng mận rụng trên mái tôn của ngày xưa. Hồi ấy ba trồng cây mận bên chái hiên nhà, cây mận cũng cho quả sai lắm, trái mận to như nắm tay người lớn, chín ửng hồng thấp thoáng trong tàn lá xanh. Mận nhiều quá, đêm đêm rụng trên mái tôn lộp bộp. Cứ hai ngày ba lựa những chùm mận to đẹp nhất để dâng cúng Phật. Thường thì sau hai ngày để trên bàn thờ thì trái mận mất giòn đi. Ba hạ xuống thay trái mới, trái cũ dù không còn ngon nhưng vẫn phải ăn, vì bỏ thì sợ mang tội. Từ chuyện trái mận cúng xong thì hết giòn, hết ngon tôi laị nhớ chuyện người ở quê nhà. Hồi ây hàng xóm có người từ Bắc mới vô, y là tay vô thần và cực đoan. Có lần y cũng làm giỗ cho mẹ ( tất nhiên là y chẳng biết lễ tiết gì cả) chỉ nấu thức ăn dâng lên bàn thờ mẹ y, đốt nắm nhang và chờ nhang tàn thì hạ xuống. Lúc mọi người ăn uống thì y oang oang nói:” Rõ ràng các vị có về hưởng, hãy xem này! thức ăn mất hết hương vị như lúc mới dâng lên!” thật mắc cười, rõ ràng tận trong thâm tâm y vẫn tin có hương hồn ông bà, cha mẹ, trời đất quỷ thần…mặc dù y tôn thờ chủ nghĩa vô thần, làm việc bá đạo! Mấy tay vô thần gộc hoặc đầu lãnh, khi về già thường viết sách chạy tội, lấp liếm chuyện ác đã làm, thanh minh thanh nga niềm tin xằng bậy…Có nhiều tay vô thần còn quy y, sám hối trước khi chết! chỉ tội bọn tép riu đi theo phí cả đời, suốt đời phò ác, haị người, haị vật, haị nước non, phỉ báng thánh thần.
Đêm phương ngoại nằm nghe đào rụng lộp độp trên mái nhà, lòng thấy xốn xang chi lạ. Cái xứ sở lạ lùng này. thông thường người ta biết đây là xứ sở phồn vinh về kinh tế, hùng mạnh về quân sự, thanh minh về chính trị, tân tiến về khoa họac kỹ thuật, nhân bản về giáo dục, khai phóng về văn hoá nghệ thuật…Nhưng người ta không ngờ rằng, cái xứ sở này còn là nơi mà nền nông nghiệp vô cùng trù phú và phát triển, sản vật phong nhiêu sung túc, hoa quả nhiều vô kể. Cái đất chi mà lạ, cắm cây gì xuống cũng sống, gieo hạt gì xuống cũng mọc lên. Lòng tự hỏi lòng, sao người ở đây nhiều phước báo thế? phải chăng quá khứ gieo trồng nhân lành nên nay hưởng quả? phải chăng những người cùng tâm lượng rộng, chí nguyện lớn nên cùng cộng sinh ở quốc độ này? hỏi tức là thưa rồi vậy. Tất cả mọi người, hàng ngày đang hưởng quả và cũng là đang tạo nghiệp. Mỗi năm xứ Cờ Hoa viện trợ cho thế giới hàng trăm tỷ mỹ kim (gồm cả tiền của chính phủ, tư nhân, các tổ chức từ thiện…), cưu mang hàng triệu nạn nhân khắp thế gian này. Không ở đâu mà chính phủ và người dân có lòng bao dung, cởi mở để chấp nhận hàng triệu, triệu người di dân như thế! Không ở đâu trên thế gian này mà người ta có thể tự do truyền đạo, hành đạo như ở đây. Ai cũng dễ dàng và tự do theo đuổi đức tin của mình, việc xây cất nhà thờ, thánh đường, chùa chiền… rất dễ dàng, chỉ cần đủ những yếu tố cơ bản mà luật pháp đòi hỏi như: diện tích đất, chỗ đậu xe, sự an toàn cho tín đồ…Ở đây đủ các sắc dân trên thế giới và cũng từ đó đủ các sắc thái văn hoá, các tôn giáo mà người di dân mang theo. Tất nhiên hkông thể không nói đến mặt trái của nó, ở đây cũng có nhiều bất công, bất cập về địa vị, thu nhập, quyền lợi, màu da…Dân chúng tiêu thụ một cách hoang phí, hàng năm có cả trăm nhìn tấn thức ăn thừa đổ đi. Chính phủ can thiệp quân sự nhiều nơi trên thế giới, sản xuất mua bán vũ khí nhiều nhất thế giới, súng đạn trong dân chúng nhiều như kẹo…Nghiệp thiện và bất thiện cùng tồn tại, ngày ngày đang thọ hưởng quả và tạo nghiệp không ngừng.
Mùa xuân hoa đào nở, mùa hạ trái đào rơi, hoa quả của mùa màng dễ dàng nhận thấy và nắm bắt. Quả của quy luật nhân quả, luật tự nhiên thì đâu dễ gì thấy và biết được, đôi khi nó như sương khói mờ hồ, khó hiểu khó tin. Quả có thể trổ liền tức thì như “ Hậu quả nhãn tiền” nhưng phần nhiều thì quả trổ đời sau, gọi là hậu thế báo, lai thế báo…thậm chí quả có thể không trổ, vì nó còn bị chi phối bởi cái duyên, không đơn giản cứ hễ có nhân là có quả. Cái duyên quan trọng lắm, có thể làm tăng trưởng thúc đẩy cái quả sớm xảy ra hay chậm laị hoặc thui chột đi, ví như gieo hạt luá trên ruộng nước, có phân bón, chăm sóc, thời tiết thuận lợi… thì sẽ có mùa màng bội thu; còn như gieo hạt lúa trên cát sa mạc, không nước , phân, chăm sóc…thì chắc chắn không có gì để gặt! Bởi thế trong nhà Phật không chấp nhận chuyện số mệnh, tương lai nằm trong tay của mình, những nghiệp cũ có thể sửa đổi chuyển hoá. Kệ có bài viết rằng:
Dục tri tiền thế nhân
Kim sanh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị
Ở đời gặp thầy lành, bạn tốt không phải dễ, gặp duyên lành cũng không phải dễ. Phần nhiều gặp duyên không tốt vì cái tâm , cái tôi, cái ngã nó thích hưởng thụ, ngại khó… từ đó nó hướng ta về những cái: tài- sắc- danh-thực-thuỳ. Nó ràng buộc ta vào: Sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp, để rồi tháng năm qua đi, đời nối tiếp đời cứ như trái đào rụng trong sự uổng phí vô tình.
Đêm nằm nghe đào rụng lộp độp trên mái nhà, nhớ về tiếng mận rụng ngày thơ ấu xa xưa. Laị nghĩ đến trái táo rụng xuống đầu nhà bác học
Trái đào rụng, chín bấy nát bét ra, những tưởng thế là xong. Nào ngờ hạt vùi trong đất, năm sau laị mọc cây đào mới. Mùa thu lá đào vàng, muà đông trơ trụi cả cành nhưng nhựa sống vẫn âm thầm nuôi những nụ, mùa xuân nở ra rực rỡ đất trời, mùa hạ thì trái đào chín rụng rơi. Sinh-già-bệnh-chết cái vòng quay bất tận, sinh-trụ-dị-diệt vẫn tiếp diễn không ngừng, tử -sanh vẫn hiện diện trong từng tế bào và trong mỗi sát- na này!
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Ất Lăng thành, 7/2019
Discussion about this post