ĐẠO ĐỨC Y SINH
TỪ MỘT QUAN ĐIỂM PHẬT GIAO
Shoyo Taniguchi
Đăng Nguyên, dịch
Quan điểm Phật giáo đối với một vài vấn
đề y sinh chính yếu, chẳng hạn như vấn đề phá thai, tự tử, sự tránh thai, sự
thụ thai trong ống thủy tinh, bí mật của bệnh nhân/bác sĩ, và phẩm chất của đời
sống.
Giới thiệu
Sự phát triển của khoa học y sinh
hiện đại và công nghệ sinh học đã tạo ra những tình huống phức tạp mà chúng
đang gia tăng mạnh mẽ mỗi ngày. Những tình huống này đưa ra những nan đề đạo
đức lớn hơn bao giờ hết. Xã hội và loài người đang đương đầu với những nan đề
đạo đức sâu sắc, cần đến một lĩnh vực đạo đức hoàn toàn mới, được gọi là “đạo
đức y sinh” (biomedical ethics). Trong những năm gần đây phân ngành mới
này đã phát triển nhanh hơn những phân ngành khác. Ngày nay đạo đức y sinh là
một đề tài tranh luận thường thấy giữa những nhà đạo đức học, cũng như ở trên
các phương tiện thông tin đại chúng.
Chúng ta có thể tìm thấy một lượng
tài liệu đồ sộ ở đó các tác giả đã dẫn quan điểm của Thiên Chúa giáo cho việc
quyết định những vấn đề đạo đức y sinh. Vô số sách vở và các bài viết đã tạo
nên những đóng góp trực tiếp và gián tiếp đáng kể đối với xã hội hiện thời.
Những bình luận, ý kiến và đề nghị thường xuyên được các phương tiện truyền
thông đại chúng đề xuất với những nhà thần học chuyên về đạo đức của Thiên Chúa
giáo; và các phương tiện truyền thông đã nhận được những sáng kiến để đưa ra
quan điểm của họ khi có cơ hội, và nỗ lực tích cực giải quyết những vấn đề đạo
đức y sinh hiện thời.
Ngược lại, thật khó khăn để tìm
thấy những đóng góp của Phật giáo cho việc giải quyết những vấn đề y sinh này.
Có thể có những lý do chính đáng khiến các Phật tử không tham gia vào những
thảo luận này.
Tuy nhiên, sự im lặng của các Phật
tử về những vấn đề y sinh không có nghĩa rằng Phật giáo không đủ khả năng cung
cấp những câu trả lời cho các vấn đề này. Tôi mạo muội khẳng định rằng Phật
giáo có đủ khả năng trình bày một giải pháp vững chắc và phổ quát đối với đạo
đức y sinh hiện nay. Như quan điểm của Thiên Chúa giáo đối với đạo đức y sinh
có gốc rễ ở nơi thần học Thiên Chúa giáo, Phật giáo có quan điểm của riêng mình
đối với đạo đức y sinh. Có những nguyên tắc đạo đức trong Phật giáo có thể dễ
dàng được áp dụng.
Bằng việc áp dụng những giáo lý
Phật giáo, những học thuyết, nguyên tắc đạo đức, nhân chủng học và triết học
một cách đầy đủ, tôi sẽ nỗ lực tìm ra quan điểm Phật giáo đối với một vài vấn
đề y sinh chính yếu, chẳng hạn như vấn đề phá thai, tự tử, sự tránh thai, sự
thụ thai trong ống thủy tinh, bí mật của bệnh nhân/bác sĩ, và phẩm chất của đời
sống.
Mục đích của bài viết này nhằm thu
hút sự chú ý của những học giả Phật giáo vào những thảo luận nghiêm túc về
những vấn đề y sinh hiện nay. Bài viết này nỗ lực giải quyết những vấn đề này
bằng việc sử dụng một vài nguyên tắc Phật giáo.
Phá thai
Phá thai (abortion)
là gì?
Phá thai được
chia làm hai loại: phá thai tự phát và phá thai do kích thích. Phá thai tự phát
thường được đề cập như là sẩy thai (miscarriage), điều nằm ngoài phạm vi
đạo đức. Phá thai bằng kích thích được phân làm hai loại: phá thai trị liệu và
phá thai không có trị liệu. Phá thai trị liệu bằng kích thích là một tiến trình
y học được một bác sĩ có giấy phép hành nghề thực hiện khi có một nguy cơ đe
dọa tính mạng của người mẹ, và thường được xem là một việc làm hợp pháp. Phá
thai bằng kích thích không có trị liệu thì bị luật pháp cấm, nhưng về sau được
hợp pháp hóa ở một vài nơi. Mặc dù phá thai bằng kích thích không trị liệu hiện
được luật pháp bảo vệ (tại một số nơi), các nhà đạo đức học vẫn còn đang tranh
luận vấn đề đạo đức của nó. Từ một quan điểm Phật giáo, cả phá thai trị liệu và
phá thai không trị liệu đều có thể tranh luận. Tuy nhiên, chúng ta hãy thảo
luận về giá trị của việc phá thai không vì mục đích trị liệu từ một quan điểm
Phật giáo.
Về tiến trình
phát triển của một bào thai, kinh Mahātaṇhāsankhaya giải thích như sau: sự
thụ thai chỉ xảy ra bằng một sự kết hợp thành công của ba nguyên nhân và điều
kiện: (1) sự kết hợp của tinh trùng và trứng, (2) thời kỳ rụng trứng của người
mẹ, và (3) sự có mặt của thức. Theo quan điểm này, một đời sống mới bắt đầu tại
lúc thụ thai. Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng, mặc dù bào thai này còn nhỏ và
non nớt so với một người lớn, Phật giáo cho rằng ở nơi bào thai này tất cả
những thuộc tính vật lý và tâm lý là đã tiềm tàng, mặc dù chưa phát triển đầy
đủ. Về mặt này, sinh linh được gọi là bào thai này là một con người khác, có đủ
tất cả hiện tượng tâm-vật lý. Như vậy, theo Phật giáo, phá thai được xem như là
một hành động tước đoạt mạng sống của một chúng sinh.
Tại sao Phật
giáo không khuyến khích việc đoạt lấy mạng sống của một chúng sinh. Đó là bởi
vì, theo Đức Phật, đối với mọi chúng sinh, thứ yêu quý nhất là mạng sống của
chính mình. Tất cả chúng sanh sợ đau đớn, sợ tổn hại và khổ đau; và tìm kiếm sự
an ổn và không sợ hãi. Đây là một trong những giáo lý căn bản nhất có thể áp
dụng cho tất cả những vấn đề y sinh. Trong tất cả mọi chúng sinh, cho dù ở bên
ngoài hay còn ở trong bụng, cho dù là con người hay không thuộc loài người, thứ
yêu quý và quý giá nhất là mạng sống của chính mình. Đoạt mạng sống của một kẻ
nào đó là bạn chấp nhận quan điểm rằng một vài người khác có thể đoạt mạng sống
của bạn trái ngược ý muốn của bạn. Trong Phật giáo, bởi vì điều này không phải
như vậy, nên việc tước mạng sống không được xem là một hành động đúng đắn. Phật
giáo sử dụng thuật ngữ thiện (kusala) và bất thiện (akusala) thay
vì đúng và sai.
Trong Phật
giáo, hành vi “sai” được gọi là hành vi bất thiện, bởi vì nó luôn mang lại khổ
đau như là kết quả của nó. Đạo đức học Phật giáo không thảo luận những đức hạnh
vì mục đích đạo đức. Chúng ta không thể tìm thấy những khái niệm tội lỗi hay
xấu xa thuộc bản thể học trong đạo đức học Phật giáo. Như vậy, những hành vi
bất thiện không được khuyến khích vì chúng đưa đến khổ đau.
Hành vi gây hại
Trong khi
khuyên Sa-di Rahula (La-hầu-la), Đức Phật dạy rõ ràng tiêu chuẩn của hành vi
thiện (kusala kamma-nghiệp thiện) và hành vi bất thiện (akusala
kamma-nghiệp ác) như được ghi lại trong Trung bộ kinh. Bảng tiêu chí
được trao cho Rahula được phân thành hành vi bất thiện (akusala kamma)
và hành vi thiện (kusala kamma) là như sau:
1. Hành vi bất
thiện (akusala kamma)
a) những hành
vi làm hại chính mình
b) những hành
vi làm hại kẻ khác
c) những hành
vi làm hại chính mình và kẻ khác
2. Hành vi thiện (kusala kamma)
a) những hành vi làm lợi ích (hay
không làm hại) chính mình
b) những hành vi làm lợi ích (hay
không làm hại) kẻ khác
c) những hành vi làm lợi ích (hay
không làm hại) mình và kẻ khác.
Đây là những nguyên tắc đạo đức căn
bản nhất của Phật giáo mà các Phật tử có thể áp dụng cho bất kỳ sự quyết định
nào.
Phá thai có thể mang lại sự nguy
hiểm vật lý cho người phụ nữ qua sự xuất huyết, vô sinh hay nhiễm trùng. Bên
cạnh thiệt hại vật lý, phá thai nghiêm trọng hơn làm hại sức khỏe tâm lý của
người phụ nữ, tạo nên khổ đau tinh thần qua việc hối hận, tự trách, dằn vặt,
tức giận, thất vọng, sợ hãi, căm ghét, suy nhược và hối tiếc.
Phá thai không chỉ làm hại chính
người phụ nữ đó, mà cũng có thể làm hại người khác. Ví dụ, những thiệt hại về
tâm-sinh lý có thể ảnh hưởng đến gia đình của người phụ nữ đó. Xa hơn và quan
trọng hơn, bào thai bị làm hại là tầm mức sau cùng.
Trong Phật giáo, điều được gọi là
“con người” được trình bày bằng thuật ngữ danh-sắc (nāmarūpa), hay là
một sự kết hợp tâm-vật lý, được kết hợp bởi yếu tố vật chất (rūpa) và
yếu tố phi vật chất (nāma). Tất cả mọi chúng sanh được kết hợp bởi tâm
và thân. Trong Phật giáo, khi tâm và thân đang hoạt động thì có mặt một chúng
sanh. Mỗi khi thức hoạt động thì ái (taṇhā) có mặt,
ngoại trừ một người giác ngộ. Mỗi khi tham ái có mặt thì có sợ hãi. Ở đâu có sợ
hãi thì khổ đau xuất hiện. Vì vậy, bất kể là một chúng sanh nhỏ bé thế nào,
chẳng hạn như một con kiến, mỗi khi chúng sanh này có thức, thì sợ hãi và khổ
đau mà nó nếm trải khi bị hại là không nhỏ hơn khổ đau của những chúng sanh
khác. Tương tự như vậy, trong thức của một bào thai, tham ái, sợ hãi và khổ đau
cùng sanh khởi khi nó bị hại.
Từ quan điểm Phật giáo, dường như
rằng, qua việc thực hiện phá thai, một người mẹ đang tạo nên một sự khổ đau và
sợ chết ở trong bào thai. Sự thật, bào thai chính là kẻ nhận lãnh sự đau đớn và
sợ hãi về tâm lý và vật lý lớn nhất.
Xem xét sự việc bằng việc sử dụng
tiêu chí Phật giáo này, phá thai là một hành động làm hại chính người phụ nữ và
những kẻ khác. Nó có thể được xếp vào loại hành vi bất thiện (akusala
kamma-nghiệp ác) nhất trong ba loại nghiệp bất thiện. Điều này có thể chỉ
là sự áp dụng một chiều tiêu chí hành vi thiện và bất thiện. Mỗi tình huống là
khác nhau, vì vậy chúng ta cần thảo luận thêm về chủ đề này.
Luật Nghiệp quả
Một trong những lý do quan trọng
và cụ thể nhất của Phật giáo đối với việc không khuyến khích phá thai xuất phát
từ học thuyết Nghiệp.
Trong Phật giáo, ý nghiệp được xem
xét cẩn thận hơn thân nghiệp và khẩu nghiệp. Đức Phật dạy rõ rằng, “ý chí (cetanā-tác
ý) là nghiệp (kamma)”. Theo luật Nghiệp, để thực hiện hành vi sát hại
hay bất kỳ hành vi bất thiện nào khác, người ta bị thúc đẩy bởi tham, sân và
si.
Hành vi bất thiện có gốc rễ ở nơi
một hay tất cả những trạng thái cảm xúc bất thiện ở trên. Mỗi khi người ta thực
hiện hành vi này lại, người ta làm tăng cường độ của những cảm xúc tiêu cực căn
bản đó. Do vậy khuynh hướng để thực hiện hành vi bất thiện trở nên mãnh liệt
hơn. Đây là tiến trình tiếp thu một thói quen tiêu cực. Theo thuật ngữ Phật
giáo, điều này được gọi là “huân tập ác nghiệp”, mà nó sẽ tạo nên kết quả khổ đau
và bất hạnh cho người ta. Về mặt này, học thuyết Nghiệp là “học thuyết về nhân
và quả, về hành động và phản ứng; nó là một luật tự nhiên, mà không có điều gì
để làm với quan điểm công bằng hay thưởng công và trừng phạt”.
Phật giáo dạy rằng người ta sẽ trở
thành kẻ thừa kế những gì mà họ tạo ra. Chúng ta là kẻ sáng tạo ra chính mình.
Người hành động thiện hay bất thiện là người nhận lấy những kết quả của hành
động. Trong trường hợp phá thai, chính người phụ nữ sẽ nhận lãnh kết quả nghiệp
của mình.
Bào thai thuộc về ai?
Vấn đề phá thai đôi khi được thay
bằng vấn đề quyền của người phụ nữ đối với đời tư.
Phật giáo dạy rằng quan niệm về
“thân thể của tôi” là kết quả của vô minh (avijjā). Theo Phật giáo (nhân
chủng học Phật giáo), một con người được kết hợp bởi sáu yếu tố: chất cứng,
chất lỏng, hơi nóng, sự chuyển động, khoảng không và thức. Tất cả những điều
này là tương thuộc, tương đối, có điều kiện và luôn thay đổi. Chỉ một tiến
trình suy nghĩ khiến chúng ta thấy rằng “Tôi” tồn tại, hay rằng “đây là thân thể
của tôi.” Quan niệm về “thân này thuộc về tôi” chỉ là một khái niệm diễn đạt mà
nó sanh khởi bằng điều kiện tác động tương thuộc của một giác quan vật lý và
một đối tượng giác quan. Trong thực tế, không có thứ gì hiện hữu để ta có thể
tuyên bố là “của tôi”.
Bởi vì ngay cả “thân thể của tôi
không thuộc về tôi”, thế thì làm sao người ta có thể nói rằng “một bào thai
thuộc về tôi”? Cha mẹ chỉ cung cấp cho một bào thai nền tảng vật chất. Kinh Pháp
cú nói rằng sự ảo tưởng khiến người ta cho rằng thân này thuộc về chính
mình, hay đứa con của ta thuộc về ta.
Nếu một phụ nữ có thể tuyên bố
rằng quyền của người phụ nữ đối với việc sử dụng thân thể mình trong trường hợp
phá thai, nói “bào thai thuộc về tôi, bởi vì nó nằm trong bụng tôi, do đó tôi
có thể làm bất cứ những gì tôi muốn làm đối với nó,” thì cô ta cũng có thể
tuyên bố quyền tước đoạt mạng sống của đứa trẻ một ngày tuổi, một năm hay hai
năm tuổi, nói, “đứa trẻ này thuộc về tôi, đây là của tôi. Vì vậy tôi có quyền
giết nó.” Trong thực tế, điều này không phải như vậy. Tước đoạt mạng sống bên
trong bào thai, như là trái ngược với ở bên ngoài bào thai, tương tự với tình
huống của một kẻ sát nhân thực hiện hoặc bên trong hay bên ngoài một ngôi nhà –
không có sự khác biệt trong bản chất. Quan điểm Phật giáo cho rằng không có sự
khác nhau về phẩm chất cốt yếu giữa một bào thai một ngày, một hài nhi một ngày
tuổi và một cậu bé 15 tuổi.
Điều này muốn nói rằng phụ nữ không
có quyền làm bất cứ những gì cô muốn đối với bào thai của chính mình.
Một phương cách Phật giáo
Phá thai ở một vài trường hợp được
biện minh bởi một vài nhà đạo đức hiện đại. Họ biện luận rằng khi một người
mang thai ngoài ý muốn và bào thai không được dự tính, phá thai vì “lý do hệ
trọng” không nên bị kết tội. Những lý do mà họ khẳng định là: bị hãm hiếp hay
loạn luân, sự tránh thai không hiệu quả, sự khiếm khuyết gien ở trong người
con, hay sự khó khăn kinh tế. Họ nói rằng phá thai vì những lý do này “không
nên bị kết tội”.
Cho phép kết thúc đời sống của một
bào thai có mặt bởi hãm hiếp hay loạn luân, nơi bạo lực khởi đầu đời sống, là
cho phép một loại bạo lực khác đối với con người khác. Như sẽ được thảo luận về
sau, trong Phật giáo, phương pháp tránh thai hiệu quả được khuyến khích khi một
cặp vợ chồng không muốn có con cái. Như vậy, sự không thành công trong tránh
thai, hay do vì cha mẹ hay chính phương pháp tránh thai, không thể được sử dụng
chống lại bào thai. Bằng ngôn ngữ đơn giản, bào thai không nên chịu đau khổ vì
sự thất bại của người khác.
Từ một quan điểm Phật giáo, những
vấn đề về phá thai về cơ bản là một vấn đề của một đời sống yên ổn hay một đời
sống khó khăn dành cho phụ nữ. Nó là một vấn đề sống hay chết dành cho một bào
thai.
Từ những thảo luận ở trước, rõ ràng
phương cách Phật giáo là xem xét những giải pháp khả dĩ khác thay vì phá thai.
Phương cách Phật giáo là tìm ra một lựa chọn ít thiệt hại nhất cho cả hai phía
– trong trường hợp này là người mẹ và đứa trẻ. Bởi vì phá thai là vấn đề tuyệt
đối không được khuyến khích, những vấn đề nên được xem xét, thảo luận và hành
động theo đó là những lựa chọn khác, chẳng hạn như cho làm con nuôi, sự trợ
giúp từ những thành viên trong gia đình và những tổ chức xã hội v.v…
Giải pháp từ bi của Phật giáo đối
với người phụ nữ, người đang nghĩ về phá thai, là trao cho người này sự hiểu
biết đúng và thông tin đầy đủ về những sự thật của phá thai, một bào thai, luật
nghiệp báo, giá trị và phẩm chất của đời sống con người, và hiểu biết đầy đủ về
những lựa chọn khả dĩ khác. Nó không thể nhất thiết là tiện lợi hay dễ chịu, và
có thể là khó khăn cho người phụ nữ hiểu và chấp nhận. Nhưng điều này sẽ trao
cho cô ta thêm những phương tiện để phân tích tình huống đúng đắn. Trong Phật
giáo, món quà của sự hiểu biết đúng đắn được xem như món quà lớn nhất trong tất
cả những món quà, vượt qua bất kỳ món quà vật chất nào.
Tránh thai
Trong thế giới hiện đại, tránh thai
giữ một vai trò quan trọng trong tiến trình hoạt động tình dục của con người. Ở
đây chúng ta có thể sử dụng học thuyết Nhân quả hay học thuyết Duyên khởi của
Phật giáo. Nguyên lý của học thuyết này được trình bày bằng thể thức bốn dòng
ngắn: “Khi cái này có mặt, cái kia có mặt. Khi cái này sanh, cái kia sanh. Khi
cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Khi cái này diệt, cái kia diệt.”
Diễn đạt một cách đơn giản, có nghĩa rằng khi nhân và duyên cùng tồn tại, sẽ có
một kết quả. Nếu các nhân và duyên không tồn tại, không có kết quả.
Từ lời dạy này, có thể để đưa ra
kết luận sau: Nếu một người không muốn có một quả nào đó được quy định bởi các
nguyên nhân nào đó, người ấy nên ngăn chặn các điều kiện cần thiết đừng để
chúng kết hợp với nhau. Ngăn chặn những kết quả không mong muốn là một hành
động thiện xảo trong Phật giáo.
Không giống như Thiên Chúa giáo,
Phật giáo không dạy việc sinh sản như là mục đích cốt tủy của việc kết hôn.
Trong Phật giáo, hoạt động tình dục của con người chỉ là một sự cố gắng làm
thỏa mãn ham muốn nhục dục (kāma). Ham
muốn nhục dục được tạo ra bởi sáu giác quan là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Sự kết hợp của người nam và người nữ hay hai thân thể vật lý trong hoạt động
tình dục là kết quả của sự ham muốn (tanha) này nhằm làm thỏa mãn các
giác quan, bao gồm cả tâm. Ngay cả nhu cầu để có một đứa con là một sự mở rộng
của một sự tham muốn (tanha) này. Như vậy, không có ý nghĩa cụ thể được
quy cho việc sản sinh trong Phật giáo.
Điều quan trọng trong Phật giáo là
rằng tinh trùng và trứng thì không được xem như các sinh linh. Chúng có khả
năng để tạo ra một đời sống bằng việc kết hợp với nhau, nhưng chính chúng thì
giống như một que diêm và một hộp diêm. Ngọn lửa phát sinh chỉ với hành động
xát vào nhau của hai vật này.
Do đó, dựa trên học thuyết Nhân
quả, ngừa thai không thể được xem như là hành động tước đoạt mạng sống. Như
chúng ta đã thảo luận ở trước, theo giáo pháp căn bản của Phật giáo, phá thai
rõ ràng không được khuyến khích, trong khi mặt khác, ngừa thai có thể được chấp
nhận. Ngăn chặn các nguyên nhân và điều kiện của việc thụ thai bằng việc sử
dụng ngừa thai vô hại có thể đáng ca ngợi hơn là để mang thai và sau đó phá
thai. Trong những trường hợp này, ngừa thai có chủ ý có thể được xem như một
hành động đúng và khôn ngoan.
Cấy ghép phôi, thụ tinh trong ống thủy tinh
và thụ tinh nhân tạo
Theo lý thuyết khoa học về thụ
thai, sự kết hợp của một tinh trùng và một tế bào trứng là nguyên nhân duy nhất
cho một đời sống mới. Sự sinh sản tuỳ thuộc “nhiều vào cơ may là một cái trứng
tốt có gặp một tinh trùng tốt hay không”. Khoa học đưa việc sinh sản xuống
thành một cơ may. Nói cách khác, khoa học không trả lời câu hỏi là tại sao ngay
cả những cái trứng được thụ tinh không phải luôn tạo ra một đời sống mới.
Nhưng theo Phật giáo, như được đề
cập ở trước, sự kết hợp của những yếu tố vật chất của một tinh trùng và một tế
bào trứng thì chỉ là một nguyên nhân cho một đời sống mới; không có sự tham gia
của thức – cũng được gọi là thân trung ấm (gandhabba) – một đời sống mới
không thể được hình thành. Phật giáo không quy may rủi cho bất cứ hiện tượng
nào. Phật giáo không xung đột trong việc áp dụng những phát triển khoa học đối
với việc sinh sản, nhưng Phật giáo cho rằng mọi hiện tượng tùy thuộc vào nhân
quả. Mỗi khi tất cả những nguyên nhân và điều kiện cho sự bắt đầu một đời sống
mới cùng tồn tại, luôn có một kết quả tất yếu của nó.
Có thể thụ tinh một tế bào trứng trong một ống thủy, làm cho nó trở thành một
không gian có điều kiện tương đương giống như một bào thai nhân tạo, một thai
nhi có thể phát triển ở đó.
Nếu một cặp vợ chống muốn có một
đứa trẻ, miễn là công nghệ không làm hại những thành phần liên quan, những gì
họ có thể làm là cung cấp những nguyên nhân và điều kiện đúng bằng việc sử dụng
những kiến thức khoa học và công nghệ hiện đại.
Miễn là công nghệ đem lại lợi ích cho những cặp vợ
chồng mong muốn có con, và miễn là nó không mang khổ đau đến cho những bên liên
quan, Phật giáo không nhận thấy có sự xung đột trong việc áp dụng và sử dụng
công nghệ y sinh hiện đại. Đây là một quan điểm căn bản của Phật giáo.
Tự sát
Tự sát đang trở thành một vấn đề
nghiêm trọng, đặc biệt trong giới trẻ.
Tuy nhiên, tự sát không phải là
một vấn đề mới mà nó đã được ghi nhận suốt lịch sử loài người. Nó đã được các
triết gia và những nhà thần học như Aristotle, Thomas Aquinas, và Immanuel Kant
thảo luận. Chẳng hạn, với Aristotle, tự sát là “bất công” đối với người khác,
mà không phải đối với bản thân người tự sát. Khẳng định của ông được đặt cơ sở
trên quan điểm rằng người ta không bao giờ đối xử bất công đối với bản thân và
rằng một sự bất công là một hành động được thực hiện với chính mình ngược lại ý
muốn của người khác. Aristotle nghĩ rằng tự sát không thể bất công đối với
người tự sát, bởi vì nó là một hành động tự nguyện. Ông tin rằng người ta không
thể làm hại bản thân một cách cố ý.
Từ cái nhìn Phật giáo, tự sát bắt
nguồn từ tham, sân và si: 1/ Người ta có thể bị thúc đẩy bởi lòng tham mong
muốn một sự hiện hữu tốt hơn; 2/ Vị ấy có thể bị chi phối bởi sân hận đối với
những điều kiện hiện tại của đời sống; hay 3/ Không có sự hiểu biết rõ ràng và
đầy đủ về những điều kiện hiện hữu. Tất cả những điều này có gốc rễ sâu xa nơi
vô minh, thiếu sự hiểu biết rõ ràng về tình huống.
Do đó, mặc dù Aristotle nghĩ rằng tự
sát là công bằng bởi vì sự tự nguyện của nó, đối với Phật giáo, nó là không.
Những người vô minh có thể làm hại chính họ với một sự ý thức rõ về những gì họ
đang làm. Sự tự nguyện chính nó không “biện minh” cho một hành động.
Với Kant, người cố gắng chứng minh
rằng những nguyên tắc đạo đức căn bản sẽ luôn nhất quán, thì tự sát là một vấn
đề đạo đức, bởi vì Kant nghĩ rằng một người thực hiện tự sát cho rằng “quan tâm
chính mình” cần phải “hủy diệt chính mình”.
Từ một cái nhìn Phật giáo, những gì
mà một người thực hiện tự sát mong muốn chấm dứt không phải là mạng sống của
người ấy, mà những khổ đau, thất vọng, tai ách, hay những khổ đau thân tâm khác
mà người ấy nếm trải. Người thực hiện tự sát nhầm lẫn hai điều này (chấm dứt
đời sống và chấm dứt khổ đau).
Theo giáo pháp Phật giáo, “quan tâm
chính mình” đúng đắn chỉ xuất phát từ không tham, không sân và sự vắng mặt của
vô minh. Yêu bản thân đúng đắn không bao giờ đi hủy diệt bản thân. Một bằng
chứng rõ ràng về trường hợp này là: nghiên cứu hiện đại về tự sát chứng minh
rằng trong nhiều trường hợp tự sát, người ta không muốn chết cũng không muốn
giết chính họ.
Từ những thảo luận ở trên, rõ ràng
rằng Phật giáo xem ước muốn tự sát là một nghiệp bất thiện (akusala kamma).
Bí mật bệnh nhân/bác sĩ
và nói thật
Đạo đức về nói thật được dạy rõ
ràng trong những bản kinh Phật giáo. Trong kinh Abhayarājakumāra, một
lời nói có giá trị từ ba phương diện: 1/ lời nói ấy là đúng hay sai; 2/ lợi ích
(hoặc vô hại) hay là không lợi ích (hoặc có hại); và 3/ tạo nên sự dễ chịu hay
khó chịu. Theo đó, bất kỳ một lời nói nào cũng có thể phân thành tám loại như
sau:
1. đúng – lợi ích (vô hại) – tạo dễ
chịu
2. đúng – lợi ích (vô hại) – gây
khó chịu
3. đúng – không lợi ích (gây hại) –
tạo dễ chịu
4. đúng – lợi ích (vô hại) – gây
khó chịu
5. sai – lợi ích (vô hại) – tạo dễ
chịu
6. sai – lợi ích (vô hại) – gây khó
chịu
7. sai – không lợi ích (có hại) –
tạo dễ chịu
8. sai – không lợi ích – gây khó
chịu.
Điều đáng chú ý nhất về tám loại
này là rằng Đức Phật không chỉ xem xét việc đưa ra một lời nói đúng là một hành
động đúng thuộc về miệng, hay một lời nói sai là một hành vi không đúng. Đức
Phật cẩn trọng xem xét nó để xem lời nói ấy là có ích hay không, và lời nói ấy
có dễ chịu hay không. Điều quan trọng hơn, Đức Phật không gán cho một lời nói
“gây khó chịu” như là một lời nói không đúng. Thêm nữa, điều này hàm ý rằng
ngay cho dù lời nói là đúng, nếu nó không lợi ích, thì không được khuyến khích.
Trong bản kinh này, Đức Phật nói
rằng Như Lai chỉ thực hiện hai loại phát biểu: 1) đúng, lợi ích và tạo dễ chịu,
hoặc 2) đúng, lợi ích và không tạo dễ chịu. Đức Phật nói rằng Ngài thực hiện
những phát biểu đúng, lợi ích và tạo dễ chịu mọi lúc, tuy nhiên, Ngài thực hiện
những phát biểu đúng, lợi ích và không tạo dễ chịu chỉ tại lúc hợp thời.
Chúng ta có thể áp dụng những
nguyên tắc mà Đức Phật đã dạy này vào trong lĩnh vực y sinh. Một vài trường hợp
nói thật hay sự bí mật của bệnh nhân/bác sĩ đưa ra những vấn đề nghiêm trọng,
đặc biệt khi tình huống liên hệ trực tiếp đến sự sống chết của một người…
Phẩm chất của đời sống
Sự phát triển công nghệ y sinh và
những khoa học khác có thể được xem là một sự tiến bộ của loài người. Nhưng câu
hỏi mà người Phật tử có thể đặt ra là: “Có bao nhiêu an toàn và hạnh phúc mà nó
thật sự mang lại cho con người?” Sự mãn nguyện, cảm giác an toàn, hay hạnh phúc
chỉ là một vấn đề của tâm. Do đó, Phật giáo nhấn mạnh sự phát triển của tâm hơn
là sự phát triển của những khoa học khác mà chúng chỉ mang đến một sự thỏa mãn
tạm thời và giới hạn. Nói cách khác, nhấn mạnh chính của Phật giáo là dành cho
sự tiến bộ của tâm hay sức khỏe tâm thức.
Do đó, theo cái nhìn Phật giáo,
phẩm chất của đời sống hay giá trị của một con người có thể được định giá chỉ ở
trong sự nối kết với mức độ phát triển tâm thức hay sức khỏe tinh thần của
người đó.
Phật giáo dạy rằng mọi người đều có
thể có tâm thức khỏe mạnh. Không có sự khác nhau về phẩm chất giữa một đứa trẻ
một tuổi và một cậu bé 15 tuổi, về việc có một tâm thức khỏe mạnh. Sự khác phau
về phẩm chất xảy ra chỉ khi phẩm chất của tâm được xem xét… Theo Phật giáo, để
sinh làm người là cơ hội hy hữu và quý giá nhất. Trong tất cả chúng sanh, duy
chỉ con người có khả năng giác ngộ và giải thoát khỏi tất cả mọi khổ đau.
Kết luận
Trong bài viết này, bởi vì giới hạn
của số trang, tôi đã không thảo luận về những vấn đề như trợ tử, chăm sóc trẻ
em hay chết và chết lâm sàng. Tuy nhiên tôi tin rằng những thảo luận ở trên mà
chúng được dựa trên những bản kinh Phật đưa ra chứng cứ rằng Phật giáo có thể
đóng góp cho sự thảo luận về đạo đức y sinh. Phương
cách của Phật giáo là giải quyết vấn đề theo một cách thức mà nó ít gây thiệt
hại cho các bên liên quan. Là một thành viên có trách nhiệm của xã hội, tôi
chân thành hy vọng rằng nỗ lực giới thiệu đạo đức y sinh Phật giáo này có thể
là hữu ích khi thế giới hiện đại có những quyết định liên quan đến những vấn đề
y sinh ở trong tương lai. Tôi cũng hy vọng rằng cộng đồng học giả Phật giáo sẽ
nói đến những vấn đề này tích cực hơn nữa và đưa ra những giải pháp tốt hơn cho
những vấn đề phức tạp của đạo đức y sinh hiện đại. n
Nguồn: Shoyo Taniguchi, A Study of Biomedical
ethics from a Buddhist perspective, Berkely: Graduate Theological Union and the Indstitute of Buddhist Studies, 1987.
Shoyo Taniguchi – Đăng Nguyên, dịch
(Nguyệt San Giác Ngộ)
Discussion about this post