CỬA THIỀN: MỪNG XUÂN DI-LẶC HAY
CHÚC MỪNG NĂM MỚI?
Thích Phước Nguyên
****
(I)
Cách đây độ chừng trên hai thập niên, vào ngày đầu xuân, ít thấy có cổng chùa nào tại Saigon lại treo banner với dòng chữ: “Chúc mừng năm mới”, nếu có thì bị coi là chuyện dị thường. Và việc trong giới Tăng lữ và Phật tử: “Chúc năm mới Thầy/ Sư/… vạn sự như ý v.v..” cũng rất là hiếm thấy và hiếm gặp.
Việc viết biểu ngữ gì, treo khẩu hiệu gì và chúc tụng những gì, đó là quyền tự do của mỗi tự viện, mỗi cá nhân. Nhưng đầu xuân, nghĩ đến nét đẹp truyền thống “Xuân cửa Thiền”, nên không thể không nói và không viết.
Rồi độc giả sẽ thấy, nếp sống Thiền môn Phật giáo Đại Việt thì thật là đáng nói và đáng viết nhất, nói như cách nói của một bậc Thượng nhân: “Phật giáo Đại Việt, bi tráng mà hùng tráng”.
(II)
Thoạt tiên, các tự viện theo hệ Bắc truyền, phần lớn ghi trong banner đầu xuân, thường sử dụng nội dung: “Mừng xuân Di-lặc”, ở đâu cũng thấy như vậy; và trong nhà Thiền thường chúc tặng nhau: “Chúc mừng Xuân Di-lặc an vui”, hay “Chúc mừng Xuân hỷ xả” v.v.. Nhưng chuyện kỳ lạ, là trong vài năm trở lại đây, hình như những nội dung này đã bị thay thế một cách vội vã và phi lý bởi những biểu ngữ sáo rỗng.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, đồng bào Phật tử miền Nam, thông qua các Pháp thoại của Trưởng lão Thanh Từ, đã được thấm nhuần trong cái nhìn Thiền quán của đạo Phật về mùa Xuân, mà sau này các Pháp thoại đó được tập thành và lưu lại rất nhiều trong tác phẩm “Xuân trong cửa Thiền”, phổ biến rộng rãi trong giới Tăng lữ và Cư sỹ. Có lẽ cũng từ đó, mà đại bộ phận chùa viện miền Nam đều thông dụng biểu ngữ: “Xuân tinh tấn”, “Mùa xuân miên viễn” v.v…
Nói theo cái nhìn trong logic ngôn ngữ trong nhà Thiền, thì chủ thể “năm mới” là cái gì để mà “chúc mừng”? Hoàn toàn vô nghĩa, sáo ngữ và phi mục đích.
Vậy thì trong cửa Thiền, nếu cần phải treo biểu ngữ đầu xuân, thì nội dung nên là gì?
Dưới đây là một vài đề xuất dùng trong các biểu ngữ kèmvới lời chúc tặng đầu xuân:
1. “Mừng xuân Di-lặc”: “Chúc nhau tâm Từ không giới hạn”.
“Di-lặc”, tiếng Sanskrit gọi là Maitreya, phổ thông dịch là Từ thị… Sở dĩ nhà Thiền lấy ngày đầu tiên của mùa Xuân để gọi là ngày khánh đản đức Di-lặc, là vì ý muốn đề cao sự hiện thể của phẩm tính maitrī (Pāli mettā): Đại từ – lòng Từ không giới hạn; cũng nhằm chuyển tải khát vọng hội kiến bậc Chánh giác nơi Hải hội Long Hoa trong kiếp sống tương lai, hay ngay trong đời sống hiện tại, mà ở đó phân thân biến thể của Bậc Đại Từ phổ cập mọi nơi: “thời thời hiện vì đời, người đời lại chẳng biết”. Đó chính là lý tưởng về kiếp sống an lành giữa cuộc phù sinh khốc liệt, mà nhân loại đã bị nghiệp lực ném vào từ vô thủy dĩ lai.
Mùa xuân thì đâu có giới hạn không gian và thời gian, vô số và vô hạn, có mặt trong từng ngọn cỏ, cành cây, đóa hoa, giọt sương đọng ven chiếc lá…. cho nên đầu Xuân chúc nhau Từ Tâm cũng vô phân biệt như tính thể mùa Xuân, thì thật là vô cùng trong sáng và ý nghĩa.
Ý nghĩa Xuân Di-lặc như vậy, đã được đề cập và sử dụng rất nhiều, ở đây chỉ gợi nhắc mà thôi.
2. “Mừng xuân Vô năng thắng”: “Chúc nhau vượt qua mọi nghịch cảnh”.
Biểu ngữ này phát xuất từ danh hiệu “A-dật-đa”, cũng gọi A-di-đá, hay A-thị-đa, Sanskrit=Pali: Ajita, Hán dịch: Vô Năng Thắng, hàm nghĩa: “Bất khả chiến bại”, không bao giờ khuất phục dưới bạo cường của ma quân và ngoại đạo. Dẫu thiên ma có dậy sóng ngang trời, hiện thể của Đại từ vẫn chấn nhiếp chúng ma, uy nghi giữa thời tính.
Khởi nguồn và thế lực của ác ma là từ sự vọng động, phiền não và khát ái, chúng như lũ chuột bọ gặm nhấm chồi non của cỏ cây hoa lá, làm xiu vẹo đổ vỡ mầm xanh của thiên địa. Nhưng mặc nhiên, chúng có hung tàn hơn thế nữa, xuân thời trong cửa Thiền vẫn còn đó uyên nguyên sắc thái, dù thiên can địa chi gì hương xuân “vẫn bay dặm phần”.
3. “Mừng xuân Đại Hạnh”: “Chúc nhau tâm lượng rộng mở”
Xuân là mùa khởi đầu trong chu kỳ vận hành của các tiết thời, vạn hữu cũng xinh tươi tỏa sắc.
Là Phật tử, đặc biệt là Phật tử xuất gia, thì ai cũng đã được nghe đức Thế tôn huấn dụ rất nhiều: “Phải phát khởi Đại Hạnh”: hạnh nguyện không có giới hạn, làm tăng ích cho chư Thiên và nhân loại. Đại Hạnh từ nơi Đại Nguyện mà biểu hiện, không có Đại Nguyện thì sẽ không có Đại Hạnh, không có Đại Hạnh cũng sẽ không có Đại Từ. Nên các phẩm chất này lưu xuất từ nơi Bồ-đề nguyện và Bồ-đề hành, vốn là đôi cánh sắc xuân, giúp hành giả vượt lên không trung cõi thế: động mà bất động.
4. “Mừng xuân Đại giác”: “Chúc nhau tâm bồ đề thêm lớn”.
Mục đích tối hậu của đời sống Thiền môn, như đã được đức Thế tôn minh thị: “thể nghiệm Phật tri kiến”, tức thiết lập một đời sống mà yếu tố “tỉnh giác” là nguyên lý dẫn đạo.
Nhân sự, thì “sống xây chết mộng”. Xuân thời đánh thức một chu kỳ vận hành của vũ trụ, ước lệ cho sự thức tỉnh vượt khỏi mộng ma của nhân loại, nhưng giữa lưới tơ “ân ái in như gông cùm”, thì mấy ai thấy được Chúa Xuân trong từng giọt sương trên đầu chiếc lá?
Nên Mừng xuân Đại giác, để khuyến phát nhau tỉnh giác, hướng đến Phật-đà, thực hiện Tuệ giác vô thượng mà đức Như lai xưa kia đã ân cần phó chúc cho đức Di-lặc Thế tôn.
(III)
Đại thể là như vậy, nếu cần nhiều hơn nữa, để làm cho “Xuân trong cửa Thiền” vẫn đượm nhuần sắc hương xưa, thì tùy vào thị hiếu của các tự viện mà có thể sử dụng sao cho thích ứng, cốt để nhắc nhở nhau tiến bộ, sống đúng với Phật pháp. Tuyệt kị nhất của cổng Thiền là những biểu ngữ ma mị, những khẩu hiệu phô trương phi nghĩa và vô mục đích.
Gió xuân vẫn thổi mát giữa đại mạc sanh tử, việc duy trì và bảo tồn sắc thái Xuân trong nhà Thiền cần được lưu tâm và gìn giữ, đừng vội vàng đánh mất hình thái độc đáo của thiên nhiên, vốn đã được Tổ tiên Sư trưởng khéo tinh tế và tài tình dung nhiếp trong nếp sống Thiền môn Phật giáo Đại Việt trong trăm ngàn mùa Xuân qua.
Saigon, Thiền thất Thiện Thệ,
Ngày mùng 10, năm Canh Tý
2653 năm Phật lịch (2020 năm Dương lịch)
Phước nguyên.
___________________________________
Tài liệu tham khảo:
Khảo luận, Truyền thuyết đức Di lặc (cùng tác giả), xin xem: https://thuvienhoasen.org/a29…/truyen-thuyet-duc-phat-di-lac
Discussion about this post