CHUYỆN ĐỜI CHUYỆN ĐẠO
Tiểu Lục Thần Phong
Mùa hè năm nay thành Ất Lăng nóng như đổ lửa, không chỉ ở thành Ất Lăng mà hình như cả xứ này.
Khí hậu thay đổi, nhiệt độ tăng… ấy là tự nhiên nhưng cũng do sự góp tay của con người, nào là: hiệu ứng nhà kiếng, phá rừng, xả thải công nghiệp, phát triển nóng như Tàu, Cam Bốt, Việt… Thiên nhiên nóng, xã hội cũng nóng không kém, nóng hừng hực đang chờ chực bốc cháy. Hồng Kông như chảo lửa suốt hai tháng nay. Hồng Kông thừa hưởng nền kinh tế phát triển cao, nền dân chủ pháp trị và tự do của người Anh xây dựng. Hôm nay Hồng Kông đang đối đầu với sự cai trị tàn bạo của chế độ độc tài. Người Hồng Kông đang đấu tranh cho chính họ và tương lai con em của họ. Cuộc đấu xem ra không cân sức, sức mạnh tàn bạo của bạo quyền lăm le nghiền nát họ như đã từng làm ở Thiên An Môn, thật sự không biết ngày mai ra sao? sức nóng Hồng Kông đang làm cho cả thế giới nín thở quan tâm. Người Đài Loan, người Ma Cao đang lo sốt vó. Người Hồi Tân Cương, người Tây Tạng… mấy mươi năm nay rên siết duới sự chiếm đóng cai trị tàn bạo của bọn độc tài, của chủ nghĩa bành trướng đaị Hán. Sức nóng ngaỳ càng tăng, không có một dấu hiệu nào, dù nhỏ nhoi để cho thấy sự hạ nhiệt. Biển Đông của xứ mình cũng thế, nóng bỏng hàng ngày. Giặc Tàu tham lam, từ ngàn xưa đến giờ chưa từng từ bỏ mộng xâm lăng. Trên đất liền thì lấn chiếm, xà xẻo đất đai, lập đặc khu, lũng đoạn kinh tế-xã hoại. Ngoài biển cả thì dùng tàu quân sự, tàu cá trá hình, tàu thăm dò địa chất…đóng kín mặt biển Đông. Hoàng Sa- Trường sa mất, Gạc Ma mất, nay đến bãi Tư Chính… Người ta chỉ đóng cửa la oai oái: phản đối, cực lực phản đối thế thôi; khá hơn chút nữa phát cờ cho ngư dân đi ra biển.
Danh từ nhân dân chưa bao giờ bị lạm dụng kinh khủng như hôm nay! Tiên lãng, Cồn Dầu, Thủ Thiêm… chỉ là những vụ trong vô số vụ, dân tình o ép vào bước đường cùng. Ai cũng muốn yên ổn sinh sống làm ăn nhưng nay cưỡng chế, mai qui hoạch, nhà cữa mất, ruộng vườn mất…khi không mà bao nhiêu người màn trời chiếu đất, thử ai ai chịu cho thấu? Bởi thế mà có câu: “ Hà chính mãnh ư hỗ”. Tích của nó vốn như thế này, khi Khổng Tử dẫn đám học trò đi du sơn ngoạn thuỷ, ngày kia đến một túp lều dưới chân núi thì trời đã về chiều. Chợt nghe có tiếng thiếu phụ khóc tỉ ti. Khổng Tử hỏi thăm định an ủi thì bà ấy nói: “ Năm kia cha chồng bị hổ vồ, năm rồi chồng bị hổ tha, năm nay thằng con bị hổ chụp…Tôi đau như đứt từng khúc ruột!”. Khổng Tử laị hỏi: “ Sao bà không dời nhà vào làng mà sống?” bà ấy bảo:” Không được đâu! ở đây tuy hổ dữ nhưng còn sống nổi, vào làng chịu không thấu quan laị cường hào.” Khổng Tử ngậm ngùi mới dạy học trò: “ Các con thấy đấy: Hà chính mãnh ư hổ”. Tạm dịch rằng: Nền chính trị hà khắc còn đáng sợ hơn cả hổ dữ!
Thế giới hôm nay vào thời hắc ám, các nhà độc tài, các tay cực hữu, những chính phủ dân tuý, dân tộc chủ nghĩa…Đang ngày ngày gây thêm những xung đột, kích động những cuộc xung đột cho thêm khốc liệt, mục đích cũng vì tự tư tự lợi, vì ích kỷ nhỏ nhen. Châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á và ngay cả Bắc Mỹ này!
Đời đã thế, đạo cũng có vô số chuyện đáng buồn. Đạo từ đời mà ra, đời nhờ đạo mà thăng hoa. Ngạn ngữ có câu:” Thanh xuất ư lam nhi thắng ư lam”. Tạm dịch là: Màu xanh xuất ra từ màu lam nhưng tuyệt diệu hơn màu lam. Đạo từ đời mà ra nhưng đạo cao cả hơn, lo cho phần tâm trí, đạo đức của con người; hướng dẫn con người vào con đường lương thiện, cao cả…Nhà bác học Einstein từng nói: Khoa học mà không có tôn giáo thì dễ đi vào baị hoại và tàn độc (đaị ý là như thế chứ không phải nguyên văn câu nói). Quả thật không sai, hôm nay con người đang đẩy đời vào con đường nguy hiểm và tàn độc. Khoa học quá tân tiến, chế ra bomb A, bomb H, vũ khí tia X, vũ khí hoá học…có thể giết cả triệu người trong chớp mắt, hủy hoại một thành phố trong giây lát. Khoa học đang nhân danh con người nhưng laị làm haị con người một cách kinh khủng nhất: sửa gene, nhân bản vô tính ( cloning)… Khoa học đang dùng những phương pháp tàn bạo thử nghiệm trên động vật như: nhỏ acid lên mắt con vật, tạo vết thương trên con vật… để tìm ra thuốc cho con người; dùng những con vật vô tội để thử nghiệm hoá chất mới, mỹ phẩm cho con người. Khoa học tàn độc này quả thật không thể chấp nhận được! khoa học rời xa tôn giáo, đạo đức thì như thế đó. Đời vào sâu thời hắc ám, đạo cũng đang lúc mạt pháp những hiện tượng quái gở ngày càng nhiều và lan tràn khắp mọi nơi. Tăng sĩ ngày càng phá bỏ giới luật, sống hưởng thụ nhưng dùng chiêu bài “phương tiện” để biện hộ. Những chế độ độc tài cài cắm người vào tôn giáo để sai xử theo ý của mình, cũng có không ít những tăng sĩ bán mình, bán cả linh hồn để phục vụ cho thế tục. Những ông tăng ngày đêm trẩy hội bốn phương, tiệc tùng đình đám, vào ra oai vệ với bao nhiêu mật vụ đón đưa…Chùa chiền thành những nơi cúng đám, cầu siêu, xin xăm, giải hạn, cúng sao, trục vong…Những ngôi chùa ngàn tỉ, đồ sộ như cố cung Bắc Kinh. Trong ngoài chưng toàn tượng Tàu, pháp khí Tàu, sư tử Tàu… Khách du lịch kéo về nườm nượp để làm gì? để chụp hình khoe trên mạng xã hội, để cầu duyên, cầu tài, cầu thăng quan, cầu danh vọng hanh thông…Những nhà tu hành chân chính, có sở học, sở hành, có đạo tâm, có đức hạnh… bị đẩy lùi vào vùng khuất!
Đạo Phật dạy cái thân này là huyễn, dạy con người phải xả bỏ cái “tôi” nhưng những tăng sĩ dễ duôi, danh văn lợi dưỡng đang ngày đêm nuôi cái “Tôi” cho lớn thêm. Hình tướng, hành xử thật khác xa với những bậc chân tu. Có những vị lơ là chuyện quán xét, lơi lỏng giới luật… làm cho hàng Phật tử hoang mang và nhiều người mất cả niềm tin.
Thành Ất Lăng, mùa hạ năm nay nóng lắm. Khí hậu nóng, chuyện đời nóng, chuyện đạo cũng nóng luôn! Lòng người cũng nóng theo, nằm nghe nhạc Vàng thuở trước: “…Muà hạ năm nay, anh sẽ đưa em về phố chợ…” hoặc như:”… Mùa hạ ơi! Anh xa em mấy mùa hạ rồi, mà lòng vẫn thương vẫn nhớ…” những khúc ca mấy mươi năm trước sao nghe hoài vẫn hay, vẫn không chán. Ca từ đơn giản, rõ nghĩa, trong sáng, nội dung rất nhân văn, đầy tình tự với quê hương, đất nước, con người… Có một thời nhạc Vàng bị cấm, ai cất giữ, ca hát… sẽ bị tù như chơi, những tưởng bạo lực bóp nó chết nhưng nào ngờ vẫn âm ỉ sống. Hôm nay thì nó sống laị còn mạnh, còn khoẻ hơn nữa. Những người cấm nó cũng mê nó luôn! Thế mới biết sức mạnh của văn hoá, chữ nghĩa. Cũng nhờ văn hoá riêng biệt mà mình không bị đồng hoá thành Hán, mặc dù Tàu cai trị cả ngàn năm. Bách Việt thời sơ sử giờ chỉ còn có mỗi Lạc Việt, tức giòng Việt ta hôm nay!
Nhà Phật bảo thời gian không thật, không gian không thật, tất cả từ vọng niệm mà ra. Bởi thế mới có câu:
Thập phương hư không bất ly đương xứ
Cổ kim tam thế bất ly đương niệm
Ngay tại phút giây này, ngay tại chỗ này! các pháp sanh diệt, các tướng biến chuyển…Nó như mộng huyễn, bào ảnh, như lộ, như điện…Nên thế gian này cũng biến chuyển sanh diệt không ngừng, thịnh – suy quay vòng bất tận. Nền văn minh của nhân loại cũng từng nhiều lần phát triển rực rỡ và lụi tàn. Nền dân chủ của Hy Lạp, La Mã cổ đaị cũng từng bị suy tàn để cho đêm trường nghìn năm trung cổ phủ khắp châu Âu. Nhiều thể chế độc tài, gia đình trị…khắp Á, Phi, Trung Cận Đông, Ả Rập…cũng từng sụp đổ, cách mạnh Hoa Lài, cách mạng màu, mùa xuân Ả Rập…truyền cảm hứng cho thế gian này. Thề sự chuyển biến trong từng phút giây, không có cái gì để gọi là đời đời, muôn năm cả! Ấy là sự hoang tưởng của những chế độ độc tài toàn trị.
Thế giới hôm nay, mọi người, mọi quốc gia liên kết với nhau như một mạng lưới, tất cả phụ thuộc lẫn nhau. Chưa bao giờ mà hoàn cảnh thực tế nó chứng minh cho cái nguyên lý “Duyên Sinh” một cách đầy sức thuyết phục như thế! Hễ cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia cũng không. Tất cả các nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, các mạng xã hội nối kết con người toàn cầu laị với nhau. Chỉ một sự kiện nhỏ bên này thế giới cũng có thể làm chấn động bên kia địa cầu. Điều này ngày xưa kinh điển cũng như văn chương từng ví: “ Cánh bướm bên này đập nhẹ cũng làm dậy sóng, nổi bão tố bên kia”. Ngày xưa nền văn minh nông nghiệp, các quốc gia, thậm chí nhỏ như một trấn, một ấp…cũng có thể độc lập, đóng cữa sống một mình, tự cung tự cấp… chẳng lệ thuộc gì bên ngoài. Ngày nay kinh tế mở, kỹ thuật điện toán cao, không một quốc gia nào có thể đóng cữa tự sống một mình được! Khoa học kỹ thuật càng phát triển, con người càng cần tôn giáo hơn hết, khoa học không thể chữa nỗi đau của tâm hồn. Các tôn giáo, phần nhiều đều chỉ dạy con người yêu thương nhau, sống hoà bình với nhau, tương trợ nhau…( tuy nhiên cũng có những ông đạo diễn giải sai lệch nhằm mục đích biến tôn giáo thành công cụ để lợi dụng, chẳng hạn ISIS giải thích việc giết người, khủng bố để được lên thiên đàng…) Khoa học kỹ thuật chỉ lo cho phần xác thân, tạo điều kiện tiện lợi tối đa cho thân. Còn tôn giáo hướng dẫn cho tâm linh của con người. Nhà Phật không có gọi là linh hồn, chỉ gọi là danh, là tâm ( thọ, tưởng, hành, thức). Nhà Phật quan niệm rằng: tất cả không ngoài một niệm tâm., “ nhất thiết duy tâm tạo” kia mà! Tâm an thì thân mới lạc, tâm bình thì thế giới mới hòa. Có những người giàu có vô cùng, địa vị cao ngất ngưỡng nhưng tâm không an nên vẫn khổ như thường. Có những ông thầy tu, caí gì cũng chẳng có, chỉ có ba y và một bát ấy vậy mà tâm an thân lạc quá chừng! Nhà Phật luôn dạy mình biết đủ, biết tiết chế sự ham muốn vì nó là nguồn gốc của khổ, dính mắc, bất an, càng ham muốn thì càng khổ và bất an. Con người biết đủ là người hạnh phúc. Người biết đủ thì xã hội này sẽ an ổn, thiên nhiên này đỡ bớt sự hư hoại.
Đời và đạo song hành với nhau, bổ sung cho nhau, cũng giống như thân và tâm, không thể nào có cái này mà không có cái kia. Đạo từ đời mà ra, đời nhờ đạo mà thăng hoa. Có những gã du tử sống giữa đời mà mơ về đạo, con đường đạo tuy là đi ngược giòng đời nhưng chẳng vì thế mà xa rời đời. Đời không thể thiếu đạo và đạo cũng không thể thiếu đời là vậy.
Ất lăng thành, mùa hạ 2019
Discussion about this post