CHƯƠNG TRÌNH PHẬT HỌC
TẠI VIỆT NAM VÀ TRÊN THẾ GIỚI
Chủ biên: THÍCH NHẬT TỪ
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC
MỤC LỤC
Lời giới thiệu – HT. Thích Trí Quảng
Giáo dục Phật giáo: Mục tiêu và những giải pháp thực hiện – TS.TT. Thích Đức Thiện
Đề dẫn Hội thảo – TS.TT. Thích Nhật Từ
VIỆT NAM
1. Giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển – HT. Thích Thiện Nhơn
2. Giáo dục Phật học tại Việt Nam: Nhu cầu cải cách toàn diện – TS.TT. Thích Nhật Từ
3. Vai trò giáo dục Phật giáo ở Việt Nam và trên thế giới – ThS.ĐĐ. Thích Thiện Huy
ẤN ĐỘ
4. Trường Đại học Gautam Buddha: Một điểm nhấn trong nền Phật học Ấn Độ hiện nay – TS. ĐĐ. Phương Anh Đạt
5. Chương trình thạc sĩ Phật học của Đại học Nava Nalanda Mahavira, Nalanda và Đại học Nalanda, Rajgir – TN. Lạc Diệu Nga/Nguyễn Huỳnh Xuân Trinh
6. Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Đại thừa của trường Đại học Acharya Nagarjuna: Điểm đến thuận lợi cho Tăng ni sinh Việt Nam – NCS.ĐĐ. Thích Nguyên Thế
7. Khái quát khoa Phật học của Đại học Sanchi, Ấn Độ – NCS.ĐĐ. Thích Giác Lâm
TÍCH LAN
8. Giới thiệu hệ thống chương trình đào tạo Pāli và Phật học bậc đại học và sau đại học tại Sri Lanka – NCS.ĐĐ. Thích Đồng Tâm
9. Từ giáo dục Phật giáo của Sri Lanka đến hướng phát triển cho giáo dục Phật giáo tại Việt Nam – NCS.ĐĐ. Thích Thanh An
MIẾN ĐIỆN
10. Giáo dục Phật giáo Myanmar: Lịch sử và hiện trạng – TS. SC. Thích nữ Diệu Hiếu
11. Đánh giá về giáo dục Phật giáo và chương trình giảng dạy của đại học Phật giáo Nguyên thủy Quốc tế tại Myanmar – Cho Cho Aung,Thích Nữ Huyền Tâm dịch
TRUNG QUỐC
12. Hệ thống đào tạo Phật học tại Phật Học Viện và các trường đại học Trung Quốc – Khoa Trung văn Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh
13. Hệ thống Phật Học Viện tại Trung Quốc ngày nay – TS.NS. Thích Nữ Tuệ Liên
14. Chương trình Phật học sau đại học tại trường Đại học Nam Kinh – TS.SC. Thích Nữ Tịnh Hoa
15. Tổng quan giáo dục Phật giáo Trung Quốc trong thời cận hiện đại – NCS.SC. Thích Nữ Huệ Trang
16. Phổ Đà Sơn – Học viện đào tạo tăng già hàng đầu Phật giáo Trung Hoa – NCS.ĐĐ. Thích Nguyên Tú
17. Sự hình thành và phát triển giáo dục của Học viện Phật giáo Trung Quốc (Bắc Kinh) – TS.ĐĐ. Thích Quảng Lạc
ĐÀI LOAN
18. Khái quát 7 trường đại học Phật giáo tại Đài Loan – TS.ĐĐ. Thích Vạn Lợi.
19. Nhìn chung về giáo dục Phật giáo của Đài Loan – TS.SC. Thích Nữ Tuệ Bổn
20. Chương trình Phật học của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh và trường đại học Phật Quang, Đài Loan – TS.NS. Thích Như Nguyệt
21. Ba đại giáo dục và mục tiêu giảng dạy của Đại học Pháp Cổ, Đài Loan, qua tác phẩm “Chia sẻ kinh nghiệm học Phật” – TS.ĐĐ. Thích Vạn Lợi
22. Phật học tại Học viện Tịnh Giác, Đài Loan – TS.SC. Phước Tường
TÂY TẠNG
23. Tổng quan về giáo dục Phật giáo Tây Tạng – SC. Nhật Hạnh – Tenzin Yangchen
HÀN QUỐC
24. Thực trạng giáo dục Tăng Ni của tông phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc và phương án cải thiện – NCS.SC. Giác Lệ Hiếu
HOA KỲ
25. Phật học tại Hoa Kỳ – ThS.ĐĐ. Thích Chân Pháp Cẩn
26. Phật giáo ảnh hưởng tới đời sống và học đường tại Hoa Kỳ – ThS.ĐĐ. Thích Thiện Trí
CANADA
27. Phật học ở Canada – ThS.ĐĐ. Thích Chân Pháp Cẩn
VƯƠNG QUỐC ANH
28. Giáo dục Phật giáo tại Anh quốc – TS. ĐĐ. Thích Đồng Thành
29. Giáo dục Phật giáo Vương Quốc Anh thời hiện đại – NCS. ĐĐ. Thích Đồng Tâm
30. Khái quát tình hình nghiên cứu Phật học tại Đức – NCS. ĐĐ. Thích Thanh An
PHÁP
31. Tổng quan tình hình Phật giáo và Nghiên cứu Phật học tại Pháp – ĐĐ. Thích Thông Giác
LỜI GIỚI THIỆU
Quyển sách quý vị đang cầm trên tay, “Giáo dục Phật giáo: Bản chất, phương pháp và giá trị” là 1 trong 4 quyển tuyển tập các bài nghiên cứu trong Hội thảo học thuật cùng tựa đề do Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (viết tắt là HVPGVN) tổ chức vào ngày 07-12-2019 tại Cơ sở 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ba quyển còn lại là: (i) Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển, (ii) Chương trình Phật học tại Việt Nam và trên thế giới, và (iii) Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội.
Các quyển sách này là một trong những hoạt động đánh dấu 35 năm Học viện Phật giáo Việt Nam đóng góp cho Phật giáo Việt Nam và giáo dục Phật học tại Việt Nam, đồng thời thảo luận đặc điểm, bản chất, phương pháp và giá trị của giáo dục Phật giáo cũng như nhu cầu đưa đạo đức Phật giáo vào trường học và các vấn đề Phật học đương đại từ góc độ nghiên cứu đa ngành.
35 năm là chặng đường không dài đối với lịch sử giáo dục Phật giáo tại Việt Nam thời cận đại nhưng đối với Học viện Phật giáo Việt Nam là cả quá trình hội nhập và phát triển nền Phật học Việt Nam xứng tầm với khu vực và trên thế giới. Một trong các thành quả quan trọng là Học viện Phật giáo Việt Nam đã đào tạo nên nhiều thế hệ tăng, ni tài – đức, hiện đang gánh vác các vai trò quan trọng trong Hội đồng Trị sự, các ban, ngành, viện trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như trong Ban thường trực của các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Hơn ba thập niên qua, tôi rất hoan hỷ khi được phục vụ Học viện Phật giáo Việt Nam với 3 tư cách. Thứ nhất là giảng viên các môn kinh điển Đại thừa từ thời điểm thành lập Học viện Phật giáo Việt Nam (lúc đó gọi là Trường cao cấp Phật học Việt Nam) vào năm 1984 đến 2005. Thứ 2 hai là vai trò Phó Viện trưởng của Học viện Phật giáo Việt Nam từ năm 2006-2009, tiếp tục giảng dạy kinh điển Đại thừa. Thứ ba là Viện trưởng kế thừa Trưởng lão HT. Thích Minh Châu từ năm 2009 đến nay. Với vai trò lãnh đạo cao nhất của Học viện Phật giáo Việt Nam, từ mô hình tín chỉ với 6 khoa, tôi đã chỉ đạo Hội đồng Điều hành phát triển thành 13 khoa, nhằm nỗ lực biến Học viện Phật giáo Việt Nam trở thành đại học tổng hợp như tiền thân của nó là đại học Vạn Hạnh (1960-1975). Nghĩa là trong tương lai, Học viện Phật giáo Việt Nam không chỉ đào tạo chuyên sâu về Phật học từ cấp cử nhân đến tiến sĩ, mà còn đào tạo đa ngành, đặc biệt là các ngành khoa học xã hội và nhân văn và khoa học tự nhiên.
Học viện Phật giáo Việt Nam là Học viện Phật giáo đi tiên phong trong việc tuyển sinh từ 4 năm đến 2 năm một lần và từ 2018 trở đi, mỗi năm tuyển sinh một lần. Từ năm 2009, cứ 2 năm một lần, Học viện Phật giáo Việt Nam tuyển sinh cử nhân Phật học, hệ đào tạo từ xa, mỗi khóa có hơn 500 sinh viên theo học. Từ năm 2012, Học viện Phật giáo Việt Nam là trường đầu tiên đào tạo chương trình thạc sĩ Phật học. Năm 2019, Học viện Phật giáo Việt Nam bắt đầu đào tạo chương trình tiến sĩ Phật học. Từ năm 2017, Học viện Phật giáo Việt Nam đã hợp tác với các trường Cao đẳng Phật học Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ và Tiền Giang, đào tạo chương trình cao đẳng Phật học liên thông. Sau khi tốt nghiệp, các tăng, ni sinh tiếp tục học 2 năm cuối tại Học viện Phật giáo Việt Nam là có thể tốt nghiệp cử nhân Phật học. Từ năm 2019, Học viện Phật giáo Việt Nam đào tạo thêm cao đẳng Phật học liên thông nội trú cho tăng, ni tại TP.HCM.
Một trong các dấu ấn quan trọng là vào năm 2006, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam đón nhận chủ trương của Cựu bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết về việc cấp 23,8 hecta đất tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Vào năm 2012, sau khi hoàn tất thủ tục đền bù và hỗ trợ di dời cho các hộ dân, dưới sự chỉ đạo của cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, UBND TP.HCM đã chính thức cấp sổ đỏ cho Học viện Phật giáo Việt Nam. Sau hơn hai năm xây dựng, Học viện Phật giáo Việt Nam đã khánh thành giai đoạn 1 của Cơ sở 2 gồm tòa Hành chánh, tòa Học đường, 1 tòa Tăng xá, 1 tòa Ni xá. Năm 2019, Học viện Phật giáo Việt Nam hoàn tất thêm 1 tòa Ni xá và hiện nay bắt đầu khởi công xây dựng Chánh điện và hội trường.
Từ nhiều thập niên qua, mơ ước của nhiều bậc cao tăng trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam về mô hình tu học nội trú cho tăng, ni sinh, nay đã trở thành hiện thực tại Học viện Phật giáo Việt Nam từ mùa an cư đầu tiên vào năm 2016 đến nay. Mỗi năm có khoảng 750-850 tăng, ni sinh tu học nội trú được hoàn toàn miễn học phí, ký túc xá phí và sinh hoạt phí để chuyên tâm học Phật đến nơi, đến chốn và dành trọn thời gian cho việc thực hành Phật pháp, hoàn thiện giới đức, thiền định và trí tuệ. Từ năm 2019 trở đi, có hơn 1.000 tăng, ni sinh nội trú trong Học viện Phật giáo Việt Nam. Tính toàn bộ sinh viên cử nhân, học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh Phật học thì Học viện Phật giáo Việt Nam đang đào tạo khoảng 3.000 tăng, ni.
Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam có nhiều tăng, ni tu học nội trú nhất trên toàn quốc với các điều kiện thuận lợi cho việc học Phật và tu Phật. Đây là môi trường thuận lợi, giúp tăng, ni sinh trở thành các tăng, ni tài, đức, vững vàng trong học Phật, tu Phật và làm Phật sự về sau.
Mỗi ngày, các tăng, ni nội trú đều thực tập ngồi thiền và tụng kinh 2 lần vào buổi khuya, buổi tối, trưa ăn cơm trong chánh niệm, đi thiền hành 3-4 lần mỗi ngày từ tăng xá, ni xá đến Chánh điện tạm. Ngoài việc học và tu, các tăng, ni sinh còn làm vườn, trồng nấm, làm giá làm đậu hũ và làm thủy canh để đảm bảo an toàn thực phẩm. Quỹ Đạo Phật Ngày Nay cúng dường bảo hiểm y tế cho hơn 2.000 tăng, ni sinh mỗi năm nhằm chăm sóc sức khỏe cho tăng, ni. Vào các mùa an cư, Hội đồng Điều hành cùng cộng tu với tăng, ni sinh để truyền trao kinh nghiệm học, tu và làm Phật sự cho các tăng, ni sinh.
Các điều kiện thuận lợi nêu trên cho thấy sự quyết tâm lớn của tôi và Hội đồng Điều hành trong việc nâng cao chất lượng đào tạo Phật học, nghiên cứu Phật học và thực tập Phật pháp không chỉ đối với Học viện Phật giáo Việt Nam mà còn góp phần phát triển nền Phật học tại Việt Nam ngày càng chất lượng hơn.
Tôi tin tưởng rằng với thế mạnh đang có gồm hơn 200 giảng viên tốt nghiệp thạc sĩ, phó tiến sĩ và tiến sĩ từ nước ngoài về khoa Phật học và các khoa thuộc khoa học xã hội và nhân văn, Học viện Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho nền Phật học tại Việt Nam nói riêng và giáo dục Phật giáo nói chung. Tôi tin rằng Học viện Phật giáo Việt Nam sẽ trở thành trường đại học đẳng cấp trong khu vực và trên thế giới như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi còn là Bí thư thành ủy TP.HCM đã tin tưởng và trông đợi.
Lê Minh Xuân, ngày 01-11-2019
HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
Phó Pháp chủ GHPGVN
Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM
Chương trình Phật học tại Việt Nam và trên thế giới
.
Discussion about this post