Kính lạy Đức Thích Tôn Từ Phụ, nhân ngày lễ Tưởng Niệm Đức Phật Thành Đạo, Phật tử hậu bối chúng con xin nguyện luôn vâng giữ và hành trì những giáo pháp cao thượng mà Ngài đã truyền trao. Chúng con cũng xin nguyện luôn cố gắng đi theo con đường mà Ngài đã đi và đã đến năm xưa. (Thiện Phúc)
Phật tử chúng ta thường đón nhận ngày đại lễ kỷ niệm Phật Đản Sanh với tất cả lòng hân hoan và biết ơn của những người hậu bối. Tuy nhiên, mấy ai trong chúng ta hân hoan tổ chức ngày thành đạo của đức Thế Tôn, ngay cả các tự viện cũng chỉ tổ chức ngày lễ trọng đại này cho có lệ mà thôi. Thật tình mà nói, nếu không có ngày Thế Tôn thành đạo, thiết tưởng giờ này những chúng sanh phàm phu như chúng ta chắc hẵn vẫn còn tiếp tục lăn trôi trong mê đồ tăm tối, chứ làm gì có được Ánh Đạo Vàng rực rỡ để có thể sống đời hạnh phúc, chứ đừng nói chi đến chuyện tu hành giác ngộ và giải thoát. Ngày đức Phật thành đạo chẳng những nói lên sự độc đáo của tôn giáo mà giáo chủ không phải phải là một nhân vật huyền thoại, thần thoại hay hoang đường, mà nó còn đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong lịch sử giải phóng tâm linh vô tiền khoáng hậu của nhân loại.
Ngày mồng tám tháng chạp đúng như thời điểm của những ngày đánh dấu báo hiệu Đông sắp tàn và Xuân sắp đến (tại các xứ vùng Châu Á). Những người con Phật chúng ta đón nhận ngày ấy chẳng những như sự tạm biệt mùa Đông băng giá và đón nhận Xuân sang ấm áp; mà hơn thế nữa, Phật tử chúng ta đón nhận ngày thành đạo của đức Phật như đêm tối đón chờ ánh bình minh tươi sáng. Cách nay khoảng 2565 năm về trước, trong khi nhân loại và chúng sanh mọi loài đang lăn trôi trong biển đời đau khổ và tối tăm mù mịt, không có đường nẻo nào thoát ra, thì một ánh sáng kỳ diệu xuất phát từ một nơi xa xôi của vùng Bắc Ấn. Giữa lúc nhân loại đang sống trong mê muội với những tội lỗi chất chồng, thì Thế Tôn đã thị hiện. Ngài đã tu tập và đạt thành đạo quả giác ngộ tối thượng. Bắt đầu từ ngày mồng tám tháng chạp năm xưa, ánh đạo vàng của Ngài đã chiếu khắp muôn phương. Cách nay đã gần hai ngàn sáu trăm năm, mà ánh sáng ấy, chơn lý ấy vẫn chiếu tỏa rạng ngời. Hình ảnh đức Thế Tôn rạng rỡ dưới cội cây Bồ Đề trong ngày thành đạo, tưởng đã như xa mà kỳ thật vẫn gần, gần lắm với những người con Phật. Ngày thành đạo của Thế Tôn không những chỉ đánh dấu một sự nghiệp thành tựu vĩ đại của một con người đã hoàn toàn giác ngộ và giải thoát, mà nó còn đánh dấu một bước ngoặc vô cùng quan trọng cho nhân loại. Đức Thế Tôn đã sanh ra giữa một khu rừng vô minh của nhân loại, thế nhưng không như bao nhiêu người khác, Ngài đã không lạc bước lăn trôi trong khu rừng không có lối ra nầy. Ngược lại, Ngài đã quyết tâm chiến đấu chống ma quân, chống lại vô minh và phiền não, từ nội tâm cho đến ngoại cảnh. Lời thệ nguyện năm xưa của Ngài cho tới bây giờ vẫn còn vang vọng: “Nếu ta ngồi đây mà không chứng được đạo quả, thì dù cho thịt nát xương tan, ta quyết không bao giờ đứng dậy!” Chính nhờ sự lập nguyện mạnh mẽ ấy mà Ngài đã thành đạo và khai đường mở lối cho hậu thế biết đường biết nẻo mà lần về con đường sống an lạc hạnh phúc và tu hành giác ngộ giải thoát.
Đức Phật sanh ra trong một gia đình hoàng tộc, cao sang tuyệt đỉnh, với đầy đủ mọi tiện nghi vật chất và sung sướng không ai bằng, muốn gì được nấy, nhưng Ngài đã không để cho những thứ ấy đưa Ngài ra bãi tha ma một cách oan uổng. Đức Thế Tôn đã sanh ra trong một một xã hội đầy bất công và áp bức của cả thần quyền lẫn vương quyền và trong lúc cả thế giới Ta Bà đang quay cuồng trong điên đảo, thế nhưng Ngài đã không bị quay cuồng trong điên đảo ấy. Ngược lại, Ngài đã gióng một tiếng chuông dài cảnh tỉnh mọi người, mọi giới từ quý tộc đến cùng đinh. Tiếng chuông ấy đã vang vọng trong suốt gần 26 thế kỷ nay, vẫn còn vang vọng cho đến bây giờ và sẽ còn vang vọng mãi mãi. Ngài đã đến với thế gian này một cách bình thường và tự nhiên như bao nhiêu chúng sanh khác, chỉ có điều khác là Ngài đã sớm nhận thức ra rằng cảnh đời là giả tạm và lắm nỗi bi ai, thời gian cứ trôi mãi và vạn vật cứ nối tiếp nay dời mai đổi không ngừng nghỉ. Ngài đã sớm giác ngộ rằng trên đời này có cái gì là thực đâu? Tất cả chỉ là giả tạm và mộng tưởng. Ngay cả những suy tư hằng ngày của chúng ta cũng chỉ là vọng tưởng, chứ chả là cái gì hết, chúng chỉ là những trạng thái tâm thức ảo tưởng mà thôi. Những vọng tưởng này chẳng những đưa nhân loại và chúng sanh đến tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng, điên đảo và phiền não; mà còn xô đẩy chúng ta vào cơn túy sanh mộng tử, hoặc giả trong cơn đại mộng của trần thế nữa. Ngài đã sớm nhận thức ra rằng nụ cười và hạnh phúc của trần thế thật là mong manh và ngắn ngủi, mà nỗi thống khổ pha lẫn tiếng khóc của não phiền đã bắt đầu ngay từ lúc chúng ta mới chào đời cho đến lúc tàn đời.
Từ sau ngày thành đạo, Ngài đã hoằng hóa không ngừng nghỉ trong suốt 45 năm liền và đã để lại cho hậu thế một di sản tinh thần vô cùng quý báu. Ngài đã cho chúng ta thấy rõ ràng sự giác ngộ và giải thoát hoàn toàn nằm trong tầm tay của chính chúng ta, chứ không ở một quyền lực ngoại lai nào cả. Ngài đã vạch rõ cho chúng ta thấy sở dĩ có trạng huống lăn trôi trong tam đồ lục đạo là do bởi chúng sanh không chịu tiết giảm lòng tham dục, không chịu điều phục thân tâm, cứ để cho ngũ dục thế gian lôi cuốn, không chịu chọn cho mình hướng đi hướng thượng. Ngược lại, nhân loại chúng ta cứ buông lung cho ngũ dục thế gian lôi cuốn; cho tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến khống chế, hoặc giả chúng ta cứ quay cuồng trong biển đời sanh tử tử sanh. Chính vì vậy mà thay vì thương người mến vật, và giữ cho thân tâm trong sạch và thanh tịnh thì chúng ta lại oán người hại vật và đắm chìm trong ngũ dục của trần gian. Thay vì sống đời từ bi hỷ xả thì chúng ta lại tham lam, sân hận, si mê; thay vì rộng lòng bố thí và giúp đở tha nhân thì chúng ta lại keo kiết bỏn xẻn. Cũng chính vì thế mà thay vì sống đời buông xả như đức Phật, thay vì từ chối cung vàng điện ngọc, danh vọng, quyền uy để sống đời an lạc và tỉnh thức, thì chúng ta lại tranh danh đoạt lợi, hoặc giả suốt đời chỉ biết chạy theo những ảo tưởng của đuổi hình bắt bóng. Và cũng chính vì thế mà mặc dầu ngoài miệng chúng ta hô hào tận diệt tham sân si, nhưng trong thâm tâm chúng ta vẫn ngày đêm ôm ấp chúng. Hết ngày dài rồi lại đêm thâu, chúng ta dong ruỗi khắp nơi nơi tìm cầu và kết thân với cả nội ma lẫn ngoại chướng.
Sau khi thành đạo, trong suốt 45 năm hoằng hóa, đức phật đã từng nói trong các kinh điển của Ngài rằng chúng sanh mọi loài đều có Phật tánh như nhau. Phật tánh ấy ở chư Phật như thế nào thì ở chúng sanh cũng như thế ấy, chứ không lớn, không nhỏ, không trược, không thanh hơn. Tuy nhiên, trong tam đồ lục đạo thì con người có nhiều lợi điểm tỏ ngộ Phật tánh hơn cả vì dù so với vũ trụ bao la thì con người không bằng một hạt cát nhỏ, nhưng hạt cát ấy có tư tưởng phán đoán và suy luận. Nhờ biết phán đoán và suy luận mà con người có thể khắc phục những khuyết điểm và lầm lỗi để tiến lên chỗ thanh cao đẹp đẽ hơn. Đặc biệt là từ khi Phật Tổ thị hiện, Ngài và các bậc Tổ Thầy đã không ngừng nghỉ khai thị cho chúng sanh được ngộ nhập tri kiến Phật. Ngài đã thiết lập một đạo giáo với minh triết cho con người theo đó mà sống hạnh phúc và tu giải thoát. Tôn giáo nầy tuyệt đối không để thờ phượng, nên Phật Tổ không muốn ai thờ Ngài theo kiểu một thần linh. Phật đã từng khẳng định rằng Ngài chỉ là một người giác ngộ đi trước, muốn đem những kiến giải của mình ra chia xẻ cho mọi người để ai nấy đều được giác ngộ và giải thoát như Ngài. Ngài muốn xây dựng lại một giá trị tinh thần thanh cao trong đời sống hằng ngày của nhân loại.
Giáo lý Phật Đà dù thậm thâm, cao siêu và vô lượng, cũng chỉ với mục đích duy nhất là “chuyển mê khai ngộ và ly khổ đắc lạc.” Để minh chứng khả năng thành Phật của con người, Phật Tổ đã chứng nghiệm nơi tự thân của Ngài. Ngài đã tu hành và thành Phật. Ngài đã đưa giá trị con người vào một vị thế vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại. Ngài đã chứng minh một cách hùng hồn qua tự thân rằng con người với nỗ lực tu hành, có khả năng biến mình thành Phật. Tấm gương rạng ngời của Phật Tổ năm xưa đã khai mở cho chúng sanh một con đường, một chân trời mới trong khả năng thành Phật của chính mình. Tuy nhiên, con người chỉ có thể thấy được căn cội của mình khi đã thấy được vì đâu mà chúng ta đã lăn trôi từ vô lượng kiếp? Rồi từ đó lần về bờ mé của giác ngộ và giải thoát. Phải thấy cho được vì vô minh mà chúng ta cam tâm làm nô lệ cho tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Phật đã giác ngộ và giải thoát khỏi mọi ràng buộc nên Ngài thành Phật. Với Ngài, phiền não hay Bồ Đề không sai khác. Ngài đã chia xẻ sự giác ngộ cao tuyệt ấy với các đệ tử của Ngài rằng nếu chúng ta không cam tâm làm nô lệ cho tham, sân, si thì phiền não và Bồ Đề không còn bờ mé nữa. Phật đã nhờ nguyện lực và ý chí mà Ngài đã vượt thoát khỏi bờ mé của biển khổ sông mê. Con người chúng ta lại cũng như vậy, nếu chúng ta không còn u mê và không cam tâm làm nô lệ cho tham, sân, si… thì sẽ không còn vướng mắc của ngũ trược ác thế nữa. Khả năng thành Phật nơi Đức Thích Tôn Từ Phụ như thế nào thì khả năng thành Phật nơi chúng ta lại cũng như thế ấy không sai khác.
Từ vô thỉ vẩn đến ngày nay chúng sanh đã lăn trôi trong tam đồ lục đạo chỉ vì vô minh. Riêng trong thế giới Ta Bà nầy từ ngày có Phật Tổ thị hiện, chúng sanh nói chung, con người nói riêng, quả là đại hạnh. Từ ngày có đuốc sáng Từ Bi của Phật Tổ, chúng ta có hai con đường để lựa chọn: một là tiếp tục bị vô minh khống chế và lăn trôi trong tam đồ lục đạo, hai là thắp sáng đuốc Từ Bi của Đức Thích Tôn Từ Phụ mà lần về quang lộ của giác ngộ và giải thoát. Thái dương hệ và địa cầu từ ngày có sự hiện diện của chúng sanh muôn loài, thì ngày ngày mặt trời vẫn ló dạng, vẫn chiếu sáng, nhưng con người và chúng sanh vẫn đi qua trong mịt mùng tăm tối. Ánh sáng mặt trời chỉ có công năng giúp cho đôi mắt phàm phu của chúng ta nhìn thấy sự vật theo nghĩa của thường tình thế tục, chứ không có một chút hiệu năng nào có thể khai mở được trí huệ của chúng sanh. Chúng ta phải đợi đến mãi 26 thế kỷ về trước, Phật Tổ thị hiện và Ngài đã thị hiện ngay trong vùng đồi núi cao nhứt của địa cầu. Ngài đã thắp sáng ngọn đuốc Từ Bi trên vòm trời Hy Mã Lạp Sơn. Ngọn đuốc ấy không chói chang như ánh mặt trời, không mờ ảo như ánh trăng khuya, nhưng công năng của ánh đuốc Từ Bi quả là không thể nghĩ bàn. Ngọn đuốc ấy đã giúp đưa những chúng sanh quyết giải thoát khỏi kiếp lăn trôi ra khỏi mê đồ tăm tối. Chính ngọn đuốc ấy đã chẳng những đưa Phật và các thầy tổ về miền hạnh phúc miên viễn, mà nó đã và đang tiếp tục biến thế giới Ta Bà nầy thành một nơi trang nghiêm hơn, tịnh độ hơn. Ánh đuốc ấy đã trải qua hơn hai mươi lăm thế kỷ, với bao nhiêu vật đổi sao dời, với bao nhiêu thăng trầm hưng phế, thế mà ánh đuốc ấy vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Ngay trong thời phát triển cực mạnh của tà thần vạy thánh, với mưu đồ kéo con người trở về con đường mê tín mù quáng, hoặc giả trở về mê đồ tăm tối. Những kẻ bịa đặt thần thánh cố tình muốn thổi tắt đi ánh đuốc Từ Bi của Phật Tổ, để họ dễ bề thống trị tâm linh con người, nhưng ánh đuốc ấy vẫn sáng và sẽ mãi sáng.
Người con Phật chơn thuần hãy suy gẫm lại mà xem, vướng mắc vào ngũ trược ác thế rồi chúng ta được gì? Phật đã đã chỉ dạy quá rõ ràng trong đời nầy, từ vua quan cao sang đến cùng đinh hạ tiện, từ thiên hà vũ trụ bao la cho đến con kiến, hạt bụi, tất cả đều chịu chung một qui luật: sinh, trụ, dị, diệt. Đức Phật đã gửi một thông điệp cho mọi loài mọi người: “Dù có tom góp toàn thể tài sản của Ta Bà nầy rồi cũng phải trở về với cát bụi.” Thật đúng vậy quý vị ạ! Văn minh vật chất có thể đưa con người đến những tinh cầu xa xôi, nhưng chưa bao giờ nền văn minh ấy thực sự đưa con người gần lại với con người. Trong cơn hồng thủy và những tai ách của Thế Giới Ta Bà, đức Từ Phụ đã hiên ngang tuyên bố rằng: “Hạnh phúc của con người phải bắt nguồn từ việc đem con người xích lại gần nhau hơn.” Chỉ khi nào chúng ta đem lại cho nhau bằng tình thương chơn thật và sự hiểu biết đúng đắn, chừng đó chúng ta mới có thể chuyển hóa tâm hồn an lạc cho mình và cho người. Phật tử chơn thuần không nên tự ti mặc cảm với những tội lỗi trong quá khứ rồi đâm ra bi quan yếm thế không chịu tu hành. Chính Đức Từ Phụ đã từng khẳng định trên đời nầy có hai hạng người cao quí như nhau, thứ nhất là những bậc Thánh chưa bao giờ phạm lỗi, thứ hai là những ai phạm lỗi mà biết nhận và sửa lỗi. Chính Đức Từ Phụ cũng đã khẳng định: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, giai kham Phật quả.” Nghĩa là ai cũng đều có Phật tánh và đều có thể là một vị Phật trong tương lai. Biết như vậy để vững tin rằng chỉ cần bỏ ác làm thiện và giữ cho tâm ý thanh sạch là khả năng thành Phật của chúng ta hiện tiền. Tuy nhiên, Phật tử nên luôn nhớ rằng “khả năng thành Phật” và “thành Phật” là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Chúng ta phải làm gì sau khi biết được mình cũng có khả năng thành Phật? Một khi đã thông hiểu được khả năng thành Phật rồi thì bước kế tiếp là phải tu sao cho thành Phật. Người con Phật chơn thuần dù ở nhà, ở chợ, ở sở hay ở chùa đều luôn biết tùy duyên mà khắc phục hoàn cảnh và phương tiện tu hành, dù phương tiện có khác nhưng việc tu hành vẫn đúng theo chánh pháp (tùy duyên mà bất biến). Trong Kinh Niết Bàn, Đức Phật dạy: “Chúng sanh mọi loài đều có khả năng thành Phật nếu chịu tu đúng theo Chánh Pháp, chịu giữ vững giới luật thì luôn thấy Như Lai. Ngược lại, không tu theo Chánh Pháp, không trì giữ giới luật, dù đứng trước Như Lai cũng không thấy được Như Lai.” Tu sao cũng được miễn là tu thiệt. Đừng tưởng đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, trì chú, vân vân đã là tu rồi. Tất cả những thứ vừa kể đều rất tốt với điều kiện đi chùa lễ Phật nhằm triệt tiêu cái bản ngã kiêu căng và tự cao tự đại tự thuở giờ; tụng kinh hiểu lý để sám hối tam nghiệp thân, khẩu, ý cho thanh sạch; gần gũi chư Tăng Ni để học hỏi Chánh Pháp; làm công quả với mục đích tự lợi lợi tha; làm Phật sự vì lợi ích chúng sanh và tự giác giác tha; đi chùa để bớt làm việc ác, tăng trưởng việc lành chứ không đi chùa để được tán thán ca tụng, vân vân. Người Phật tử chơn thuần nên luôn nhớ rằng khả năng thành Phật của con người không ai cho mà có, không mua mà được, cũng không do mặc khải mà thành. Nếu mặc khải mà thành hoặc cho mà có thì Vua Tịnh Phạn, bà Hoàng Hậu Ma Da, bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề, công chúa Da Du Đà La, và La Hầu La đã thành Phật mà không cần phải làm gì cả. Khả năng thành Phật cũng không do học mà được. Nếu học mà được thì từ gần hai mươi sáu thế kỷ nay bao nhiêu học giả đã đều thành Phật hết rồi. Muốn được khả năng thành Phật, con người chúng ta chỉ còn một con đường duy nhất là tu hành như Phật Tổ đã tu hành năm xưa. Muốn hiển lộ khả năng thành Phật trước hết phải có tâm xuất ly, xuất ly tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Chư pháp không vĩnh hằng, không có cái gì là triệt để hay tự tại, chính vì thế nếu chúng ta ôm lòng bám víu vào bất cứ thứ gì rốt rồi chúng ta đều phải chuốc lấy khổ đau phiền não. Muốn tìm về khả năng thành Phật của chính mình người con Phật phải phát tâm tu hành y theo Phật chứ không có con đường nào khác. Chữ “Tu” trong đạo Phật, nếu muốn nói đơn giản thì nó đơn giản, mà nếu muốn nói thâm cao thì nó cũng thâm cao. Tu là sửa đổi, là sửa cái hư xấu thành cái tốt đẹp. Tu là chuyển ác nghiệp thành thiện nghiệp, cải hóa hành vi xấu xa ra tốt lành. Tu còn là phản quang tự kỷ, quay lại nhìn chính mình. Tu là ăn hiền ở lành. Tu là chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý. Tu là giác mê lìa khổ. Tu là tự cởi trói, tự mình giải thoát khỏi mọi hệ lụy của khổ đau phiền não. Tu là chuyển hóa từ trược đến thanh. Tu là cắt tuyệt cái óc nhị phân và gỡ mình ra khỏi tài sắc danh thực thùy. Tu là thấy rõ những phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng chính là những kiết sử (hoặc lợi hoặc độn), kiến hoặc và tư hoặc trói cột và mê hoặc chúng ta, làm cho khả năng thành Phật của chúng ta bị che lấp mất. Tu là thấy rõ “Tứ Diệu Đế” chính là con đường chắc thật đưa chúng ta đến chỗ thoát khổ lìa não, vân vân và vân vân. Tuy nhiên, tất cả những thứ mà chúng ta vừa kể trên không chạy ra ngoài thế gian pháp. Nếu chúng ta cứ mơ mơ màng màng từ bỏ thế gian này để đi tìm giác ngộ chẳng khác chi chúng ta cố gắng đi tìm lông rùa sừng thỏ vậy. Điểm tối quan trọng trong tiến trình tu tập là không nói mà chỉ hành, vì trong vạn kiếp lăn trôi chúng ta đã mang cái tâm buông lung theo sự xúi giục của trần cảnh bên ngoài để đi qua hết cửa nầy đến cửa khác của luân hồi sanh tử. Nay quyết tâm tu hành là phải tu hành chứ không tiếp tục buông lung nữa. Trong Kinh Đại Bảo Tích, Đức Phật dạy: “Thế gian pháp là mọi hiện tượng trên đời nầy, tùy nơi tùy lúc mà biết dùng cái trí khôn tỉnh sáng để hành sử, ấy là Phật pháp.” Người con Phật chơn thuần phải luôn cẩn trọng để thấy Phật pháp bàng bạc khắp nơi trong thế gian, chúng ta chỉ cần dùng cái trí tỉnh sáng mà ứng phó chứ không cần đào bới trong văn tự ngôn ngữ. Thật tình mà nói, càng đào bới trong văn tự ngôn ngữ hạn hẹp của thế gian, chúng ta càng bị mắc kẹt và vướng víu vào những văn tự ngôn ngữ đó. Chính vì vậy mà Mã Tổ có dạy: “Cỏ hoang nhà mình chưa từng xới mà lại đi đào bới kiếm tìm những hư từ trong văn tự.” Như vậy tu là hãy quay ngay về với chính mình mà thanh lọc thân khẩu ý như trở về giẫy cỏ đang mọc lan tràn trong vườn nhà vậy. Người con Phật chơn thuần phải luôn nhớ rằng khả năng thành Phật chỉ hiển lộ qua tiến trình hành trì chứ không qua sự học hay nói. Nếu không chịu hành trì mà chỉ “tầm chương trích cú” trong kinh điển để nhàn đàm hý luận, dù có tầm chương trích cú trong kinh điển tối thượng thừa, tất cả chỉ là giỡn chơi cho qua ngày tháng chứ không ăn nhằm gì đến việc phát huy khả năng thành Phật của chính mình. Thật vậy, tầm chương trích cú không bao giờ giúp ta dứt trừ được tham, sân, si, mạn nghi, tà kiến, biên kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Chỉ có “hành thiện, không hành ác và tự tịnh kỳ ý” mới giúp cho chúng ta đoạn trừ những thứ nầy và thấy được đạo mà đoạn trừ mê lầm (kiến đạo sở đoạn hoặc) và tu trì cả lý lẫn sự mà đoạn trừ mê lầm (tu đạo sở đoạn hoặc). Một khi đã tu trì như vậy thì cho dù chưa đạt được khả năng thành Phật, thì cuộc sống hằng ngày của chúng ta cũng an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc lắm rồi vậy. Người tu Phật chỉ với hai tâm nguyện duy nhứt là thượng cầu Phật đạo và hạ hóa chúng sanh, không có gì khác để nói trong tiến trình nầy. Không có gì phải nói trong tiến trình đấu tranh đoạn tận tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Người con Phật phải luôn tỉnh thức mọi mống động của tâm ý mình, vì chỉ có sự tỉnh thức nầy mới giúp chúng ta có cơ hội chuyển hóa những sai trái, chỉ có sự tỉnh thức và hành trì nầy mới giúp ta có khả năng thành Phật, chứ “nói suông” sẽ không bao giờ giúp ta lách mình ra khỏi hố thẳm của sân hận và si mê. Trong thời mạt pháp xa Phật nầy, có lắm ma nhiều quỷ. Phật tử chơn thuần đi chùa thì ít, nhưng ma Ba Tuần rảo bước đến chùa phá đạo nhiễu Tăng thì nhiều vô số kể. Thậm chí có người vừa tụng được một vài biến kinh, niệm được dăm ba câu chú, hoặc ngồi được một hai cử thiền đã vội vỗ ngực xưng tên “Thiền Sư” “Thiền Thầy.” Thiền sư thiền thầy mà thịt chúng sanh vẫn nuốt, tham lam sân hận vẫn còn đầy, gian ngoa láo khoét không ai bằng, ngày ngày vẫn độ người uống rượu bằng cách cam tâm làm đệ tử Lưu Linh, đêm đêm vẫn độ kẻ bài bạc bằng cách tự nguyện làm bác thằng Bần. Qua lớp tướng hảo đoan trang là cả một bầu tà hạnh. Người con Phật nên luôn nhớ rằng trong tiến trình làm hiển lộ khả năng thành Phật của chính mình, phải luôn quán xét sự bất tịnh nơi thân, sự vô thường nơi tâm, sự vô ngã nơi pháp (chư pháp không có chủ thể) và mọi thọ nhận đều là nhân của khổ đau phiền não. Con người ấy phải luôn siêng năng tu trì chánh đạo, luôn ngăn ngừa và dứt trừ điều ác, luôn thực hiện và phát triển điều lành, luôn tu tập thiền định một cách dũng mãnh, không mỏi mệt, không thối chuyển. Con người ấy luôn thấy rằng ngũ căn là cội rễ của ác căn mà cũng là nguồn cội của thiện căn nên luôn biết thu thúc không cho chúng buông lung tạo nghiệp. Con người ấy luôn tin Phật Pháp Tăng và tin tưởng nơi khả năng thành Phật của chính mình, luôn tin nhơn quả nghiệp báo, tin rằng con người luôn có năng lực tập trung tư tưởng đúng như lời Phật dạy để luôn có được kiến thức chơn chánh, tư duy chơn chánh, lời nói chơn chánh, hành động chơn chánh, mạng sống chơn chánh, siêng năng tu trì, không loạn niệm tạp niệm trong cuộc sống cuộc tu hằng ngày. Người con Phật chơn thuần nên luôn nhớ rằng từ lộ trình giải khổ về đến bảo sở (tòa Như Lai) hãy còn dài và còn nhiều chướng ngại phải vượt qua. Cũng như vậy, thấy được khả năng thành Phật không có nghĩa là thành Phật, từ thấy đến thành phải trải qua ba a tăng kỳ như lời Phật dạy. Tám vạn bốn ngàn pháp môn Phật thật rộng sâu không thể nghĩ bàn, ai muốn tu theo pháp nào cũng được, miễn là tu chứ đừng chỉ nói suông. Tâm ta nào khác chi cuộn chỉ rối, tu hành là hành trì phương cách gỡ rối, gỡ những khổ đau phiền não. Người con Phật phải nghe cho kỹ những lời Phật dạy để hiểu và biết cả lý lẫn sự, cả tướng lẫn tánh, cả lý thuyết lẫn thực nghiệm. Làm được như vậy dù chưa thành Phật thì cuộc sống hiện tại hẳn là an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc lắm rồi vậy!
Thật tình mà nói, nếu không có ngày thành đạo của đức Phật, thiết tưởng giờ này con đường duy nhất cho chúng ta vẫn là mê đồ tăm tối. Đức Thích Tôn Từ Phụ đã không tự xưng mình là một đấng toàn năng vô hình vô tướng, Ngài khẳng định Ngài chỉ là người giác ngộ và giải thoát, đã nhìn thấy rõ trên bước đường sanh tử luân hồi của chúng ta nó trùng trùng điệp điệp những mộng mị, mộng đẹp đâu không thấy, chỉ thấy toàn ác mộng và khổ đau phiền não. Vì thương xót chúng sanh mà Ngài đã khai mở ra một quang lộ thênh thang của Từ Bi Hỷ Xả, của hạnh phúc yêu thương, của khiêm cung từ tốn và an lạc tỉnh thức. Ngài chẳng những đã làm một cuộc đại cách mạng, đạp đổ mọi bất công của giai cấp trong xã hội và xua tan bóng tối của dục vọng bất công của thần quyền tàn bạo và vô lý, mà Ngài còn xé tan bức màn vô minh của ích kỷ, bỏn xẻn, kiêu căng, của cầu danh đoạt lợi, của khoái lạc mong manh mộng huyễn; và thay vào đó bằng sự tỉnh thức của lòng tu tâm dưỡng tánh, hành thiện không hành ác. Cuộc sống, hành trạng và gương hạnh của Ngài đã đi vào kinh điển cho những thế hệ hậu bối chúng ta noi theo. Hình ảnh của Ngài như là một bông sen đã vươn lên từ trong bùn lầy, chẳng những không hôi tanh mùi bùn, mà còn tỏa ra hương thơm ngào ngạt khắp cùng năm châu bốn bể. Ngài đã đưa nhân loại trong mọi thời đại vượt qua những hố thẳm của phân ly, hận thù và ngăn cách để đi đến chỗ đầy ắp tình thương của an bình và hạnh phúc. Ngài đã làm một cuộc cách mạng giải thoát tâm linh vô tiền khoáng hậu. Ngài đã khai mở một kỷ nguyên của tự do và bình đẳng. Với Ngài, không có quý tộc hay cùng đinh khi máu của chúng sanh cùng đỏ như nhau. Với Ngài, giàu nghèo hay sang hèn không làm nên một con người được tôn quí hay không được tôn quí, mà chỉ có nhân cách và đạo đức cũng như tinh thần Từ Bi Hỷ Xả và ánh sáng trí tuệ mới khiến cho con người được tôn quí. Với Ngài, không có ai khống chế hay gây khổ cho ai, chỉ có sự khống chế của tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng mà thôi.
Nhân kỷ niệm ngày đức Phật thành đạo, mọi người chúng ta hãy tự xét lòng mình xem coi mình đã lập nguyện lần bước trên quang lộ của Thế Tôn hay vẫn loanh quanh lẩn quẩn trong công hầu khanh tướng, vật chất lợi danh; hoặc giả đang quay cuồng trong những vui buồn thương ghét của thường tình thế tục. Hãy tự xét lòng mình xem coi mình có chịu lắng nghe những lời dạy dỗ của Thế Tôn hay không? Có thiểu dục tri túc hay chưa? Có tâm lượng bao dung với chan hòa Từ Bi Hỷ Xả, hay vẫn tham sân si? Hãy xem coi chính mình đã có đủ lòng tin nơi giáo lý tuyệt vời của Phật Tổ và đã quyết chí tu trì theo những lời mà Ngài đã dạy hay chưa?
Xin thưa, con đường mà năm xưa đức Thế Tôn đã đi và đã đến là con đường độc đạo. Chúng ta dầu muốn hay không muốn, cũng phải một lần lên đường. Nếu không bây giờ thì cũng vạn triệu kiếp về sau này. Rồi đây, ai trong chúng ta cũng sẽ phải một lần nhàm chán sanh tử tử sanh để phát tâm Bồ Đề, phải bỏ vọng mà về với chơn, phải bỏ mê mà về với tỉnh thức và giác ngộ… Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chừng nào chúng ta mới chịu lên đường? Chừng nào chúng ta mới chịu từ bỏ tham sân si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng, để quay về với Từ Bi Hỷ Xả, khiêm cung từ tốn, cũng như tin tưởng và hành trì theo chánh pháp của đức Thế Tôn đây? Nhân ngày thành đạo của đức Thích Tôn Từ Phụ, những người con Phật chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không phát đại nguyện quyết tâm lên đường ngay từ bây giờ? Đức Thế Tôn đã vì thương xót chúng sanh mọi loài nên Ngài đã khai sáng nên một quang lộ thênh thang cho cuộc sống hạnh phúc và cuộc tu giải thoát. Tuy nhiên, chính mỗi người trong chúng ta phải bước lên quang lộ của hạnh phúc yêu thương này mà đi, chứ không ai đi dùm ta được, ngay cả đức Phật cũng không làm được chuyện này cho chúng ta. Con đường này không ai có thể mua được bằng tiền bằng bạc, bằng danh vọng quyền uy; cũng không mua được bằng tham sân si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng, vân vân. Nếu những thứ ấy mà mua được hạnh phúc và giải thoát, thì đức Phật đã không từ bỏ chúng khi Ngài đang là một vị Thái Tử với đầy đủ mọi thứ. Hãy tự xét lòng mình để thấy cho rõ rằng sang giàu mong manh hơn sương khói, công danh sự nghiệp như sương mai trên đầu cỏ, vui buồn thương ghét nào khác chi những lọn sóng triều. Đời vô thường và thế gian giả hợp, do bởi duyên hợp duyên tan. Trăm năm nào có hơn gì giấc mơ… Hãy lắng lòng nghe lời Phật dạy; hãy quay về với ông Phật nơi chính mình mà cúng dường cho vị Phật ấy từ giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, đến giải thoát tri kiến hương để mang lại an lạc và hạnh phúc cho chính chúng ta và những người quanh ta.
Nhân ngày thành đạo của đức Thích Tôn Từ Phụ, Phật tử chúng con luôn nguyện sẽ cùng nhau thắp sáng lên đuốc Từ Bi của Ngài mà đi về quang lộ, để thay vì tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, chúng con sẽ từ, bi, hỉ, xả. Thay vì vọng ngoại cầu hình, chúng ta sẽ quay về với chính mình mà sống, mà tu. Hãy thắp sáng đuốc Từ Bi của Phật Tổ lên để thấy cho rõ đời là vô thường và thế gian vô thường, vạn vật trên đời nầy chỉ do duyên hợp duyên tan mà thành, mà hoại. Chúng con luôn nguyện sẽ thắp sáng lên đuốc Từ Bi của Phật Tổ để thay vì cất giữ và bòn mót những vật chất vô nghĩa, chúng con sẽ mang chúng ra mà bố thí cúng dường cho những người cùng khổ. Chúng con luôn nguyện sẽ thắp sáng lên đuốc Từ Bi của Phật Tổ để thay vì sống trong căm hờn ganh ghét, chúng con sẽ sống trong bao dung hài hòa. Chúng con luôn nguyện sẽ thắp sáng lên đuốc Từ Bi để thay vì lăn trôi tạo ác nghiệp, chúng con sẽ biết thế nào là nhân quả luân hồi để mà cùng nhau tạo thiện nghiệp và chấm dứt kiếp lăn trôi. Chúng con luôn nguyện sẽ thắp sáng lên đuốc Từ Bi của Phật Tổ để không còn nữa những ngày nhận giả làm chơn, không còn nữa những ngày keo kiết bỏn sẻn, không còn nữa những tham đắm truy cầu, không còn nữa những ngày đố kỵ ganh ghét, không còn nữa những tức tưởi nghẹn ngào, không còn nữa những ngày giao lưu với đám thầy tà bạn ác, không còn nữa những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Chúng con luôn nguyện sẽ thắp sáng lên đuốc Từ Bi của Phật Tổ để thấy cho rõ vì đâu mà có khổ đau phiền não, để thấy được đây là đau khổ, kia là phiền nào, và làm cách nào để tận diệt những khổ đau phiền não ấy, làm cách nào để lần về quang lộ của Phật Tổ Gotama … Chúng con luôn nguyện sẽ thắp sáng ánh đuốc ấy lên để thấy cho rõ kia là vô minh, còn đây là trí huệ sáng ngời. Phật tử chân thuần hãy thắp sáng lên ánh đuốc ấy để chấm dứt ngay mọi vẫy vùng trong tranh danh đoạt lợi, mọi hơn thua của thường tình thế tục, mọi thị phi tội lỗi của trần gian. Hãy thắp sáng lên ánh đuốc ấy để thấy rằng những ham muốn thọ hưởng dục lạc của thế gian chỉ xô đẩy con người và chúng sanh xoay vần trong luân hồi sanh tử, chìm đắm trong những thú vui ngắn ngủi, chỉ là tự mình lún sâu vào hố thẳm vực sâu của vô minh mù quáng. Chúng con luôn nguyện sẽ thắp sáng ánh đuốc ấy lên để thay vì ngã mạn cống cao, chúng con sẽ khiêm cung từ tốn, thay vì nghi thầy hoặc bạn, chúng con sẽ sống trong tín tâm hơn, thay vì nghĩ rằng chỉ có ta là trung tâm vũ trụ, chúng con sẽ thấy rõ vạn triệu vì sao khác cũng đang chói sáng trên vòm trời. Chúng con luôn nguyện sẽ thắp sáng lên ánh đuốc ấy để thay vì sân hận nóng nảy, chúng ta sẽ nhu hòa nhẫn nhục; thay vì hung dữ bạo tàn, chúng ta sẽ hiền hòa nhân đạo hơn; thay vì ương yếu thấp hèn, chúng ta sẽ sống cao thượng hơn. Thật vậy, khi chúng ta luôn nguyện sẽ thắp sáng lên đuốc Từ Bi của Phật Tổ để thấy rõ rằng Phật là Phật đã thành, chúng ta là Phật sẽ thành nếu chúng ta biết vâng giữ và hành trì những lời Phật dạy, nếu chúng ta biết trau dồi, nuôi dưỡng và vun bồi cái Phật tánh nơi chính mỗi người chúng ta. Một khi chúng ta luôn nguyện sẽ thắp sáng lên ngọn đuốc ấy để ít nhứt nếu chưa xuất gia tu làm Phật được, chúng ta cũng biết giảm thiểu sát sanh vì sát sanh thì hậu quả của nó là hận thù và phiền não, chúng ta cũng biết giảm thiểu hoặc chấm dứt trộm cắp vì trộm cắp là nhân của một cuộc sống thấp hèn đê tiện, chúng ta cũng biết giảm thiểu lòng dâm dật vì dâm dật chính là hỏa diệm sơn thiêu đốt tất cả những hạnh lành trong ta, chúng ta cũng biết tránh xa vọng ngôn tà ngữ mà quay về với trực ngôn chánh ngữ, vì vọng ngôn tà ngữ chính là sự lường gạt gian dối dẫn đến sự nghi ngờ và bất tín, chúng ta cũng biết thế nào là tai hại của sự uống và hút những chất cai độc. Hãy thắp sáng đuốc lên, hãy tự sửa mình để quay về cuộc sống hướng thượng và cuộc tu giải thoát.
Nhân ngày thành đạo của đức Thích Tôn Từ Phụ, chúng ta hãy nguyện với lòng mình là quyết vâng giữ và hành trì những gì Ngài đã chỉ dạy. Nên nhớ rằng châu báu ngọc ngà của nước tạm bợ này cho dù có đem chất đầy tam thiên đại thiên thế giới cũng không bằng vâng giữ và hành trì một câu Phật dạy. Thế mới biết Phật Pháp quý đến dường nào! Thế mới biết Phật ân cao tột đến dường nào! Thế mới biết Phật nguyện, Phật hạnh và Phật đức cao cả đến dường nào! Nhân ngày thành đạo của đức Thích Tôn Từ Phụ, chúng ta hãy nguyện với lòng mình là sẽ luôn thanh lọc thân, khẩu, ý sao cho giảm thiểu tham sân si. Để xứng đáng là Phật tử thuần thành, chúng ta hãy đến trước đài vô thượng giác mà bẫm bạch với đức Thế Tôn rằng: “Bẫm đức Thế Tôn, từ vô thỉ con đã lăn trôi tạo nghiệp trong biển đời sanh tử, đã si mê làm nô lệ cho tham sân si si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng; đã tin theo thầy tà bạn ác; đã sát hại không biết bao nhiêu sanh linh mà kể; đã dùng phàm tình sa đọa mà dẫn dụ chúng sanh đi vào con đường tà vạy. Nay con đã thấy rồi quang lộ mà Ngài đã một lần lên đường, đã đi và đã đến chỗ giác ngộ và giải thoát. Nay con đã biết rồi trong con cũng có Phật tánh như Ngài. Hễ con biết đoạn trừ tham sân si si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng; biết buông bỏ thế sự; biết chế ngự phàm tâm, thì tự nhiên Phật tánh trong con sẽ hiển bày. Hễ con biết gỡ bỏ những xiềng xích của khổ đau phiền não thì cuộc sống của con sẽ tràn đầy hạnh phúc, và cuộc tu của con sẽ miên trường an lạc và giải thoát.”
Kính lạy đức Thế Tôn, nhân ngày thành đạo của Ngài, chúng con nguyện ngày ngày hành trì giáo pháp mà Ngài đã ân cần giảng dạy; chúng con nguyện đem giáo pháp của Ngài vào đời sống hằng ngày. Chúng con nguyện sống cho thật xứng đáng làm một con người biết tàm quí khiêm cung, biết nhu hòa nhẫn nhục, biết điều phục tham sân si, và biết trung thực sống tu với những lời Phật dạy. Chúng con nguyện chí tâm đem tinh thần Từ Bi Hỷ Xả và ánh sáng trí tuệ cũng như vạn triệu pháp môn tuyệt kỷ của Ngài đi vào đời. Chúng con nguyện sẽ luôn sống trong lạc đạo, dầu thanh bần. Chúng con nguyện chỉ luôn thấy lỗi mình, chứ không thấy lỗi người. Chúng con nguyện không còn nữa những ngày sống ích kỷ, bỏn xẻn và kiêu căng; không còn nữa những chuỗi ngày lăn trôi trong ngũ dục; không còn nữa những tham đắm truy cầu; không còn nữa những đố kỵ, ghen tương, giận hờn, ghét bỏ; không còn nữa những tháng ngày rong chơi đào bới văn tự, hí luận đa văn; không còn nữa những năm tháng tu tập với hình tướng bên ngoài; không còn nữa những hơn thiệt thị phi của phàm tình thế tục. Chúng con nguyện chẳng những tự mình đi trên quang lộ của Ngài, mà còn giúp cho nhiều người khác cùng biết đường biết nẻo mà quay về đi trên quang lộ ấy của Ngài. Và chúng con cũng nguyện sẽ làm những điều này ngay bây giờ, chứ không đợi đến lúc tóc bạc, da nhăn, răng long, gối mỏi rồi mới chịu quay về thì e rằng sẽ chẳng bao giờ thấy được đâu là mê mờ tăm tối, đâu là quang lộ thênh thang.
Hỡi tất cả những người Phật tử chân thuần! Tất cả những gì cần trao truyền, Phật Tổ đã trao truyền. Tất cả những gì cần để lại cho hậu thế, Phật Tổ đã để lại. Ngài không cất giữ bất cứ một thứ gì cho riêng mình. Đuốc Từ Bi Ngài đã thắp sáng rồi đó, có trân trọng giữ gìn cho ngọn đuốc ấy tiếp tục được thắp sáng khắp nơi hay không là hoàn toàn tùy thuộc ở mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, dù muốn hay không muốn, mọi người trong chúng ta rồi cũng sẽ phải một lần lên đường, cũng sẽ phải một lần tự mình thắp sáng lên ánh đuốc ấy mà lần về quang lộ của giác ngộ và giải thoát, nếu không bây giờ thì cũng phải là muôn triệu kiếp về sau nầy. Như vậy chúng ta còn chờ đợi cái gì nữa đây? Không lẽ chúng ta đến với cõi đời nầy bằng tiếng khóc, rồi lại cũng ra đi bằng tiếng khóc của khổ đau và phiền não hay sao? Không lẽ chúng ta đến với đời bằng mê muội vô minh, rồi cũng lại ra đi bằng con đường mê đồ tăm tối hay sao? Nếu chúng ta không có đuốc Từ Bi của Phật Tổ thì cũng cam, đàng nầy chúng ta có ánh đuốc của Ngài, mà vẫn cam tâm làm kiếp lăn trôi thì quả tình tội nghiệp cho chúng ta quá. Hãy cùng nhau thắp sáng lên ngọn đuốc Từ Bi của Phật Tổ hỡi những người con Phật! Hãy đem ngọn đuốc ấy rọi vào năm châu bốn bể, để trước nhất chúng ta sẽ sống một cuộc sống xứng đáng và hạnh phúc và hy vọng một ngày không xa nào đó pháp giới chúng sanh sẽ được miên trường an lạc.
Một lần nữa, nhân kỷ niệm ngày thành đạo của đức Thích Tôn Từ Phụ, chúng ta hãy cùng nhau thắp sáng lên ngọn đuốc Từ Bi để cùng nhau giữ vững chánh niệm trong từng nhịp thở của cuộc sống, để có đủ bi trí dũng mà tận diệt tham sân si, ngay bây giờ và ở đây, ngay trong đời nầy kiếp nầy. Hãy thắp sáng ngọn đuốc ấy lên để cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội và quốc gia, ai ai cũng thấy được suối nguồn của an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc. Hãy cùng nhau thắp sáng lên đuốc Từ Bi của Phật Tổ để thay vì căng thẳng, khó chịu, bất hòa; chúng ta sẽ buông xả, dễ chịu và yêu thương chăm sóc nhau hơn. Hãy thắp sáng lên đuốc sáng Từ Bi để thay vì chống đối, ganh tỵ và chỉ trích, chúng ta sẽ biết nhường nhịn, thương yêu và cùng nhau dẫn dắt về quê hương chân như mà chúng ta đã một lần dại dột rời xa. Hãy thắp sáng lên ánh đuốc Từ Bi để thấy được vạn triệu pháp môn mà Phật Tổ đã ân cần truyền trao cho hậu bối. Với ánh đuốc ấy, nếp sống của chúng ta là nếp sống thảnh thơi và thong dong tự tại, từ đi, đứng, nằm, ngồi, chúng ta đều làm chủ thân tâm. Với ánh đuốc ấy thì cuộc thiền của chúng ta là chánh niệm trong từng hơi thở, cuộc niệm Phật của chúng ta là nhứt tâm bất loạn, và cuộc tu giải thoát của chúng ta là miên trường giải thoát. Hãy thắp sáng lên ánh đuốc ấy, để thấy cho rõ ai đi nấy đến, ai tu nấy được, chớ không thể dựa vào kẻ khác, ngay cả chư Phật chư Tổ cũng không tu giùm ai được. Hãy thắp sáng lên đuốc Từ Bi của Phật Tổ để được hiền hòa và đi đến bất tử như vua A Dục (Asoka), dù cùng hung cực ác, thế mà sau khi thấy được đuốc Từ Bi của Thế Tôn, đã chuyển hóa và thay đổi, từ một hôn quân bạo chúa, nhẫn tâm khởi động không biết bao nhiêu cuộc chiến và giết chết không biết bao nhiêu sinh linh, cũng đã trở thành một minh quân thánh chúa, cũng như là một người hết lòng vì đạo pháp. Với đuốc Từ Bi của Thế Tôn, chúng ta sẽ không truy cầu tham đắm hạnh phúc trên sự khổ đau của người. Ngược lại, khi được hạnh phúc, chúng ta cũng mong cho ai nấy đều được an vui hạnh phúc và xa lìa khổ đau phiền não như mình. Dưới ánh Từ Quang của Phật Tổ, ta luôn nhận lỗi về mình, ta luôn xem người là tốt là phải, ta luôn thấy mình hãy còn kém cỏi, và thấy người hay người giỏi. Từ đó ta sẽ học được lắm điều hay lẽ phải nơi người. Hãy thắp sáng lên đuốc Từ Bi để thấy rõ đời vô thường, vạn vật vô thường, thân người giả hợp. Tuy nhiên, được thân người là quý, thắp lên được đuốc sáng Từ Bi của Phật Tổ nơi trên thân người nầy lại càng quý hơn. Được thân người, biết Phật pháp, và nhiếp tâm đi theo ánh đuốc Từ Bi của Phật Tổ, thì có một ngày không xa nào đó ta sẽ chấm dứt nghiệp báo vay trả, chấm dứt đời sống vô thường khổ não của cõi Ta Bà, chấm dứt khổ đau và hạnh phúc giả tạm của trần thế, để chỉ sống chỉ tu với miên trường tỉnh thức, an lạc, hạnh phúc và giải thoát.
Là Phật tử, đã hiểu và đã tin giáo lý thậm thâm mà đức Thích Tôn Từ Phụ đã ân cần trao truyền, chúng con xin nguyện noi theo dấu chân Ngài, chẳng những để học hỏi giáo lý cao thượng của Ngài, mà còn học hỏi và tu trì y theo như những gương hạnh lành ngay từ chính cuộc đời của Ngài. Để xứng đáng là một Phật tử chân thuần và để đáp đền muôn một ân đức sâu dầy của Ngài, nhân ngày Thế Tôn thành đạo, chúng con nguyện sẽ kế tục Ngài, tùy theo khả năng dầu nhỏ nhoi của mình lúc nào cũng cố gắng tiếp tục thắp sáng ngọn hải đăng Chánh Pháp, để cho ai nấy đều thấy được đường nẻo mà về nương nơi Tam Bảo. Nhân ngày tưởng niệm đức Phật thành đạo, chúng ta cũng nguyện thấm nhuần những đạo lý từ bi hầu đáp đền muôn một ân Phật và ân cha mẹ bằng cách sống không hận thù, dù người có hận thù; không khởi lòng oán hận trước cơn hung nộ xấu xa của kẻ khác, dầu kẻ khác có hung nộ xấu xa. Ngược lại, lấy những gì tốt đẹp nhất mà đáp trả lại cho những xấu xa đê tiện, lấy từ bi và dung thứ mà đáp trả lại sự sân hận của tha nhân, lấy tình lân mẫn mà đáp lại sự tàn bạo, lấy tâm hoan hỉ mà trao cho kẻ có tâm ganh tị đê hèn. Từ đó nhất nhất từ ý nghĩ, đến lời nói và hành động của ta đều tràn đầy yêu thương hòa thuận và vị tha bác ái. Từ đó ta chỉ biết làm những điều có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội qua sự cố gắng tu tâm dưỡng tánh. Từ đó chúng ta sẽ luôn chí nguyện giữ gìn từng lời ăn tiếng nói, luôn nói thiện làm thiện, và xoay đổi ác nghiệp trở thành thiện lành, xoay đổi tâm niệm hắc ám thành ra tươi sáng, để tự mình thoát khỏi cảnh giới của khổ đau phiền não, mà bước sang cảnh giới an lạc và hạnh phúc.
Nhân ngày tưởng niệm đức Phật thành đạo, chúng con sẽ cùng đến quỳ dưới chân Đức Thế Tôn, xin cúi đầu chí tâm đảnh lễ Tam Bảo mà nguyện rằng kể từ nay xin trọn đời sống và tu theo Phật. Dù không nguyện làm bùn được như Ngài Xá Lợi Phất, để chịu nhận tất cả những thị phi của phàm tình thế tục, chúng con cũng nguyện sống cho thật xứng đáng làm một con người, biết tàm quí khiêm cung, biết nhu hòa nhẫn nhục, biết điều phục tham, sân, si, biết đem tinh thần từ, bi, hỉ, xả của Đức Từ Phụ đi vào lòng đời và lòng người. Phật pháp nói dễ khó làm; tuy nhiên, những lời dạy dỗ của Đức Từ Phụ là một chân lý không thể nghĩ bàn. Muốn làm lành lánh dữ phải phát tâm đại từ đại bi để làm bằng được. Nhân ngày tưởng niệm đức Phật thành đạo, chúng con nguyện sống một cuộc sống thật xứng đáng, và tu một cuộc tu thật chân chánh. Chúng con nguyện lúc nào cũng về nương theo chánh pháp của Đức Thích Tôn Từ Phụ mà lần về nẻo giác ngộ Bồ Đề. Chúng con nguyện luôn kính Phật trọng Tăng, luôn sống với tâm Phật, và luôn tu hành với hạnh Phật, để từ đó được gội nhuần Phật ân, Phật đức, Phật hạnh và Phật nguyện.
Phật tử chơn thuần phải luôn nhớ rằng thời gian qua mau hơn ánh điển chớp, thời gian không chờ không đợi một ai, đừng đợi đến lúc tay rung, mắt mờ, chân yếu rồi mới tìm về với khả năng thành Phật của mình thì e rằng không còn kịp nữa. Được thân người là cơ hội hãn hữu để tu hành giải thoát, gặp Phật pháp chẳng khác chi gặp được “cây sắt” nở hoa, thế mà chúng ta nỡ để cho kiếp nầy luống qua vô ích thì quả là uổng cho một kiếp người. Người con Phật chơn thuần hãy tự hỏi lòng mình xem coi mình đi chùa để làm gì? Nếu đi chùa để nương Tăng dựa pháp mà chuyển hóa nghiệp chướng và đoạn ái ly sân, cũng như lìa tham xa mạn, tránh sát, đạo, dâm, vọng thì nên đi chùa lắm. Ví bằng đi chùa để nhàn đàm hý luận và diễu đạo khinh Tăng thì nên đi uống nước đồng sôi cho tan nát một thân nầy càng sớm càng tốt, chứ đừng tự mình lót đường cho mình vào địa ngục vô gián vĩnh viễn. Văn tự ngôn ngữ chỉ có lợi lạc khi con người biết nương vào đấy để mà tu tập, còn những danh lý hư từ như “trực chỉ nhơn tâm kiến tánh thành Phật,” “phiền não tức Bồ Đề,” hay “Phật pháp không lìa thế gian pháp,” hay “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm,” vân vân và vân vân sẽ chẳng giúp ích gì cho những kẻ chỉ mang tâm đi nhàn đàm hý luận. Tu là tiến trình chuyển hóa nhờ quán chiếu sâu vào vạn pháp chứ không thể nào cưỡng ép tâm ý mà có kết quả được. Người con Phật chơn thuần muốn tìm lại cái khả năng thành Phật mà mình đã một lần dại dột bỏ quên, hãy luôn tỉnh giác trong chánh niệm để làm chủ trọn vẹn tâm mình, để từng bước chân ta đi là từng bước đi về nẻo Bồ Đề. Mong cho ai nấy đều tìm lại được cái khả năng thành Phật của mình để một ngày không xa nào đó pháp giới chúng sanh đều thành Phật đạo. Cuối cùng, chúng con nguyện sẽ làm tất cả những gì có thể làm được từ việc hổ trợ chư Tăng Ni xây chùa, dựng tháp, đến việc ăn chay, giữ giới, trì chú, niệm Phật, tụng kinh, tham thiền, nhập định, tu tâm, dưỡng tánh, bố thí, nhẫn nhục, gieo trồng cội phước bất cứ ở đâu, kết tụ Bồ Đề quyến thuộc bất cứ lúc nào, hành thiện không hành ác, luôn giữ cho thân tâm thanh sạch. Làm được như vậy, chẳng những chúng con đã không phụ lòng chư Phật mười phương, mà chắc chắn trong đời này kiếp này, hoặc giả một ngày không xa nào đó, tất cả chúng con sẽ cùng được nắm tay Ngài, thong dong đi vào cõi vô ưu, vô sanh và vô diệt.
Tham Khảo:
1. Trích một phần trong quyển Đạo Phật Trong Đời Sống, Tập VI.
2. Trích một phần trong quyển Phật Pháp Căn Bản, Tập I.
Discussion about this post