CHÙA CỦA MẸ
Thiện Ý
Chùa của Mẹ không son, không phấn, chỉ là những mái lá đơn sơ, tỏa mùi thơm rơm rạ vừa khô. Chùa của Mẹ không sa hoa, phù phiếm, chỉ những màu xanh hòa hợp với thiên nhiên, cây cảnh thật đơn sơ, tre trúc thanh tao. Chùa của Mẹ là nơi trọn tình, trọn nghĩa, không biết dối gian, luôn cứu giúp muôn loài.
Chùa của Mẹ là nơi không kỳ thị giàu nghèo, che chở kẻ thế cô, giúp người cùng khổ, chống lại những cường quyền áp bức, hà hiếp dân nghèo. Chùa của Mẹ dạy tinh thần yêu giống nòi, giữ gìn đất tổ, bảo vệ thiên nhiên.
Chùa của Mẹ luôn nêu cao tinh thần phụng sự của Bồ tát, cứu giúp chúng sinh ra khỏi chốn mê lầm; không phải là nơi vinh thân, phì da, lạm dụng tín thí, mưu cầu danh, lợi.
Đạo Phật đã được người Việt Nam tiếp nhận và đồng hóa tôn giáo này thành một nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Sự đồng hóa đó có thể nhận thấy trong các mô hình trung tâm của các làng, xã ở vùng Bắc Bộ hay trong tiến trình thành lập làng, xã trong cuộc Nam tiến. Người Việt lập làng định cư nơi đâu là dường như có dựng chùa ở đó. Những ngôi chùa được xây dựng trở thành nơi trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và có khi trở thành nét đẹp, biểu tượng của đất nước, địa phương, và của những người con dân nơi làng, xã đó.
Cùng với đình, cha ông ta thường đặt chùa ở vị trí đắc địa, trung tâm của làng. Người xưa tin rằng ngôi chùa là ngôi nhà tâm linh của dân tộc. Cũng như đình, chùa làng có giá trị như là một nơi bảo đảm sự bình an và thịnh vượng cho dân làng, và có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nếu trong làng có người biết sống đạo đức, ăn hiền ở lành, tu nhân, tích đức cho con cháu đời sau.
Nếu đình làng là nơi cúng kỵ của các vị anh hùng có công giữ nước, và là nơi tụ họp, gặp gỡ bàn bạc những công việc trọng đại trong làng, thì chùa là nơi luôn mở rộng cửa đón nhận tất cả mọi người dân, bất kể sang hèn, xấu xa, tội lỗi. Ngôi chùa làng đã in dấu trong tâm trí của bao thế hệ với hình ảnh một sư cụ hiền từ, nhai trầu bỏm bẻm, lâm râm niệm Phật, tụng kinh. Cùng với tiếng chuông chùa sớm chiều vang lên trong không gian làng quê yên bình, dường như nhắc nhở mọi người hãy sống hòa thuận, biết chăm lo cày cấy để có một cuộc sống ấm no.
Theo trong Sử sách ghi lại, cái “ Sắc chỉ ” của vua Minh Thành Tổ cho viên tướng viễn chinh Chu Năng ngày 21.8.1406 : “ Một khi binh lính vào nước Nam, trừ sách vở và bản in của Đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu huỷ, ngoài ra, hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian hay sách dạy trẻ nhỏ, loại sách có câu “ thượng đại nhân, khưu ất kỷ ”… một mảnh, một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều gìn giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá huỷ tất cả, một chữ chớ để còn…” Nghĩa là triệt tiêu tất cả nền văn hoá di sản vô giá của dân bản địa hiện hình trên những bia ký, sách vở. Chính sách triệt tiêu này cũng chính là để hủy diệt đời sống tinh thần của một dân tộc, cái làm nên sức mạnh của dân tộc đó. Quân xâm lược quyết “một chữ chớ để còn”, cho nên nhà sử học Ngô Sĩ Liên đau xót mà viết “Lửa đốt sạch, than ôi vận nước, sách vở đi đời. Muốn tìm sự tích sau cơn khói lạnh tro tàn, thật rất khổ tâm về nỗi nét sai, chữ sót…” Hoàng Đức Lương, văn thần triều Lê Thánh Tông, tác giả của Trích Diễm Thi tập ngậm ngùi mà rằng: “bôn ba sưu tập, hỏi han khắp nơi…những gì thu thập được cũng chỉ là một, hai trong trăm, ngàn phần…”
Thế mới thấy rằng, chùa làng của Mẹ vốn chính là những báu vật quốc gia, những di sản vật thể và phi vật thể chỉ còn được “ một, hai trong trăm ngàn“ ấy. Những xáo trộn về chiến tranh triền miên và rắp tâm muốn chia để trị đất nước Việt nam đã khiến cha ông ta nghĩ đến cách phân phối nền văn hóa của dân tộc đến tận các cơ sở hạ tầng như làng, xã để duy trì phong tục, tập quán của đất nước. Chùa làng của Mẹ góp phần không nhỏ trong tiến trình duy trì bản chất dân tộc. Vì gần gủi với lối sống của người dân bản địa, đạo Phật đã dần trở thành một đạo Phật Việt đặc thù, không nơi nào có một nền tín ngưỡng tâm linh gắn bó với văn hóa của một dân tộc như vậy.
Theo như sự miêu tả nhà văn Tô Hoài trong Chuyện cũ Hà Nội, thì “chùa làng thường được cất nơi thanh vắng, tịch mịch, không câu nệ là ở góc làng, là ở ven làng hay ở trung tâm. Đúng hơn, ngôi chùa làng dù toạ lạc ở vị trí nào nơi thôn cùng xóm vắng thì nó vẫn hiện diện vừa thân thiết gần gụi, vừa huyền ảo lay động cõi tâm linh, một góc khuất trong đời sống tinh thần của người làng quê“. Từ xa xưa, vai trò của ngôi chùa làng là tượng trưng của văn hóa dân tộc, nơi đã đào tạo và nuôi dưỡng các bậc lương đống, danh tướng cho đất nước, và ngay như cả một vị vua và một triều đại huy hoàng của dân tộc Việt. Sở dĩ có một vị thế quan trọng như vậy vì, hầu như, chùa làng của Mẹ đóng vai trò của một trung tâm trao đổi về văn hóa và giáo dục.
Các đại gia, hay phú nông, thương gia giàu có đều có khả năng mướn gia sư về nhà dạy riêng cho con mình. Các gia đình tương đối khá giả thì cho con đi học với các cụ tú, cụ đồ trong trường làng. Riêng đa số các gia đình nghèo bần nông chỉ có thể gửi con mình đến cửa chùa làng để học văn hóa, hay xuất gia làm điệu trong chùa để phần nào trả công cho việc học của các cháu.
Tuổi thơ của Mẹ đã từng gắn bó với sân chùa, cây đa, gốc đại với những kỷ niệm đẹp. Những ngày rằm được ăn xôi, chè, oản, chuối… Rồi năm tháng trôi qua, dù lưu lạc phương trời nào, khi trở lại thăm chùa, Mẹ vẫn thấy những nét trầm lặng, u tịch, rêu phong của chùa làng mình. Những nét đẹp làng quê, chiều sâu văn hóa, con người chân chất với những nét đặc trưng về kiến trúc, điêu khắc, lịch sử của chùa làng nói riêng và của đất nước nói chung.
Qua bao năm tháng, chùa của Mẹ giờ đã đổi thay nhiều, đa số sa hoa, lộng lẫy như một cung điện vua chúa. Chùa của Mẹ được xây cất quy mô, bề thế, sang trọng khiến những kẻ bần dân không dám bước chân vào, sợ làm dơ bẩn chốn già lam! Người đi chùa thì nhiều, nhưng phần nhiều là cúng bái, cầu xin. Hiếm có kẻ thấy được cái hồn dân tộc, cái vẻ tịch mịch, thanh thoát của chùa xưa. Hiếm có người nghe được giáo lý thâm sâu, dạy đem nguồn đạo vào trong cuôc sống. Giờ đây chùa của Mẹ nhang khói bốc cao, người ta say sưa van xin, bái lạy. Không còn cảnh sư cụ nhai trầu bỏm bẻm. Lũ trẻ chạy quanh xin oản, chuối, xôi, chè…
Chùa của Mẹ giờ là nơi tiếp đón quan quyền, đại gia nhiều của. Không còn là nơi tiếp độ kẻ khốn cùng, cơ khổ. Chùa của Mẹ giờ là nơi sa hoa, phù phiếm, chỉ toàn những tôn tượng đắt tiền, điêu khắc công phu, sắc màu lòe loẹt.
Chùa của Mẹ không còn là nơi che chở kẻ thế cô, giúp người yếu thế, chống lại những cường quyền áp bức, hà hiếp dân nghèo. Chùa của Mẹ giờ là nơi vinh thân, phì da, lạm dụng tín thí, mưu cầu danh, lợi.
Nếu Mẹ còn sống, không biết Mẹ có còn cảm nhận được ngôi chùa thanh tịnh, đơn sơ, yêu nước, thương nòi, cứu khổ quần sinh khi trước của Mẹ hay không!?
Thiện Ý
Cuối Mùa Vu Lan – tháng 9, 2017
Discussion about this post