Lời người dịch
Tập sách này không dành cho các độc giả có phước thừa về sức khỏe: chỉ cảm xoàng vài hôm rồi khỏi và chưa trải nghiệm cái đau của thân kéo theo cái khổ của tâm. Tập sách này cũng không dành cho những độc giả đang tìm kiếm tri thức cao sâu về Phật giáo hay kiến thức chuyên môn về Y học. Những gì chứa đựng trong tập sách này là những lời chia sẻ rất mộc mạc so với giáo lý cao thâm của nhà Phật và kỹ nghệ tiên tiến của Y học hiện nay. Thế nhưng, điều đáng quan tâm là tôi tin bạn sẽ tìm thấy giá trị ứng dụng thực tế rất lớn trong tập sách này, cụ thể là biết được một số kỹ năng sống với bệnh để làm vơi đi (hay ít ra cũng không làm tăng thêm) nỗi khổ niềm đau do bệnh gây nên.
Tôi đã một lần bệnh chí tử và Thầy tôi đã từng đem bài Kệ Thị Tịch của Thiền Sư Mãn Giác giảng cho tôi hiểu vô thường của cuộc sống để rồi lỡ “chia tay” sớm, tôi còn có chút tư lương để đi tiếp mà tâm lý không quá lưu luyến những gì mình không thể níu kéo. Thoát chết lần ấy, tôi lại mang chứng bệnh khác và “nó” đã theo tôi suốt, ngày cũng như đêm, trong nhiều năm qua. Tôi đã sống chung với bệnh mãn tính hơn 15 năm rồi. Và lần này, chứng kiến tường tận một người thân đương đầu với cơn bạo bệnh, tôi càng thấm thía nỗi đau do bệnh gây nên. Trong khi chăm sóc người bệnh đang được điều trị tại Bệnh Viện Đa Khoa Huế, tôi tình cờ đọc được tập sách Don’t Worry, Be Healthy của Bác sĩ Phang Cheng Kar, người Malaysia. Nhờ những kinh nghiệm cá nhân này, tôi lập tức nhận ra giá trị của những lời chia sẻ và hướng dẫn rất đơn giản mà hiệu nghiệm được Bác sĩ Phang Cheng Kar sưu tập và biên soạn trong tập sách này. Trong lúc bản thân mang bệnh mãn tính và đang nuôi người thân mắc bệnh nan y, tôi như đang đi giữa đường hầm và khi đọc cuốn sách này, ánh sáng nơi cuối đường hầm đã xuất hiện.
Tôi sẽ lần lượt chia nhỏ nội dung post lên trang blog này từng phần để chia sẻ cùng quý vị có duyên.
Liên Trí (Hằng Như)
https://hang-nhu.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phang.kar
Discussion about this post