CHÍNH TRỊ VÀ KINH TẾ
Nguyên tác: Đức Đạt
Lai Lạt Ma – Chuyển ngữ: HT Thích Trí Chơn
Trích từ cuốn sách:
Ethics for the New Millennium
Tất cả chúng ta đều mong
ước sống trong một thế giới an lạc và hạnh phúc hơn. Nhưng nếu chúng ta muốn
biến nó trở thành hiện thực, chúng ta phải bảo đảm rằng lòng từ bi là nền tảng
của mọi hành động. Điều này lại đặc biệt đúng đối với các đường lối chủ trương về
chính trị và kinh tế.
Chúng ta biết hơn nửa
thế giới hiện nay đang thiếu thốn về các nhu cầu căn bản như thức ăn, nhà ở,
thuốc men và giáo dục. Tôi tưởng nghĩ chúng ta nên đặt câu hỏi, phải chăng
chúng ta đang theo đuổi một chiều hướng sáng suốt nhất đối với các vấn đề này?
Tôi tin rằng không. Nếu
như năm mươi năm qua, chúng ta có thể hoàn toàn diệt trừ hết nạn nghèo đói thì
sự phân chia không quân bình các tài sản hiện nay của chúng ta may ra còn có
thể bào chữa. Nhưng trái lại, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, điều chắc chắn
là người nghèo lại càng nghèo hơn. Chỉ riêng ý thức căn bản của chúng ta về sự
công bằng và hợp lý đã đề nghị rằng chúng ta không nên bằng lòng để cho sự việc
trên tiếp tục xảy ra.
Dĩ nhiên, tôi không biết
nhiều về kinh tế. Nhưng tôi thấy khó tránh để kết luận rằng tài sản của người
giàu được bảo vệ qua sự bỏ mặc không quan tâm đến những kẻ nghèo khổ, đặc biệt
do phương tiện của các món nợ quốc tế.
Nói lên điều này tôi
không có ý bảo rằng các quốc gia nghèo kém mở mang khỏi cần phải chia xẻ trách
nhiệm đối với các vấn đề khó khăn của họ. Cũng chẳng phải chúng ta nên qui
trách tất cả mọi điều xấu xa về chính trị cũng như kinh tế cho các chính trị
gia và nhân viên công quyền.
Tôi không phủ nhận ngay
cả trong thế giới có nền dân chủ vững mạnh nhất cũng vẫn thường thấy xuất hiện
các nhà chính trị đưa ra những lời hứa hẹn không thực tế và ồn ào phô trương về
nhiều việc họ sẽ làm sau khi đắc cử. Nhưng các người ấy không phải từ trên trời
rớt xuống.
Do vậy, nếu các nhà
chính trị ở một quốc gia nào đó tham nhủng, chúng ta thường lên án rằng xã hội
ấy thiếu đạo đức và những cá nhân tạo thành dân tộc đó sống không có luân lý.
Trong các trường hợp này, thực sự không mấy công bằng khi chỉ có những cử tri
chỉ trích các chính trị gia.
Mặt khác, khi người ta
có những giá trị cao quý và khi họ thực hành giới luật đạo đức trong đời sống
biết quan tâm giúp đỡ mọi người thì các công chức sinh ra từ xã hội đó đương
nhiên cũng biết tôn trọng cùng thứ giá trị ấy. Cho nên, mỗi người chúng ta đều
giữ vai trò trong việc xây dựng một xã hội đặt trên nền tảng của tình thương,
dành ưu tiên cho sự quý trọng và lo nghĩ đến người khác.
Trên phương diện áp dụng
cho chính sách kinh tế, cùng ý tưởng đó cần được thực hiện trong sinh hoạt của
mỗi người. Một ý thức về trách nhiệm toàn cầu rất quan trọng. Tuy nhiên, tôi
phải nói rằng rất khó đề nghị những ý kiến thực tiễn cho sự áp dụng các giá trị
tinh thần trong lãnh vực thương mại. Bởi lẽ sự cạnh tranh đóng vai trò chủ yếu.
Vì lý do đó, liên hệ giữa thiện ý và lợi tức rất mỏng manh.
Nhưng tôi chẳng hiểu tại
sao không thể tạo một sự cạnh tranh xây dựng. Yếu tố căn bản là động cơ của
những người tham dự. Khi chủ ý là lợi dụng hoặc tiêu diệt kẻ khác, hẳn nhiên
hậu quả sẽ không thể nào tích cực. Nhưng khi sự cạnh tranh được hướng dẫn với
một tinh thần nhân đạo và thiện chí thì kết quả, mặc dù gây nên sự khổ đau cho
người thua lỗ, nhưng ít ra cũng không đến nỗi quá tàn hại.
Hơn nữa điều có thể phản
đối là trong thực trạng thương mại, chúng ta không thể nào hy vọng các thương
vụ đặt con người vượt lên trên lợi tức. Nhưng ở đây, chúng ta nên nhớ rằng
những kẻ điều hành ngành kinh doanh và các thương vụ trên thế giới cũng vẫn là
con người. Ngay các phần tử cứng rắn nhất, chắc hẳn đều phải nhận thấy rằng đi tìm
lợi tức mà không nghĩ đến hậu quả tai hại là sai lầm. Nếu điều ấy đúng thì buôn
bán ma tuý cũng chẳng sai.
Cho nên một lần nữa,
điều cần thiết đòi hỏi ở đây là mỗi người chúng ta nên tự phát triển tâm từ bi
của mình. Chúng ta càng gia tăng được điều đó thì công việc doanh thương càng
phản ảnh được các giá trị đạo đức căn bản của con người.
Trái lại, nếu chúng ta
không quan tâm đến các giá trị ấy thì thương mại chắc chắn cũng sẽ không chú ý
tới chúng. Đây không phải là vấn đề lý tưởng. Lịch sử chứng minh cho thấy trong
xã hội con người có nhiều phát triển tích cực diễn ra do kết quả của lòng từ
bi. Chẳng hạn sự huỷ diệt thương vụ buôn bán người nô lệ.
Nếu nhìn vào sự tiến hoá
của xã hội loài người chúng ta thấy cần thiết phải có viễn ảnh nhằm mang lại
các thay đổi tích cực. Lý tưởng là động cơ thúc đẩy cho sự tiến bộ. Không biết
điều này và chỉ bảo rằng chúng ta cần phải “thực tiễn” trong chính trị là một
sai lầm nghiêm trọng.
Các vấn đề của chúng ta
trong việc phân phối kinh tế thiếu quân bình đã tạo nên một thử thách lớn lao
cho toàn thể gia đình nhân loại. Tuy nhiên, khi chúng ta bước vào thiên niên kỷ
mới, tôi tin rằng có nhiều lý do để lạc quan. Trong những năm đầu và giữa thế
kỷ 20, có một nhận thức tổng quát rằng quyền lực chính trị và kinh tế là hậu
quả chứ không phải sự thật. Nhưng tôi nghĩ ý tưởng đó nay đã thay đổi.
Ngay cả các quốc gia
giàu có và hùng mạnh nhất đã nhận biết rằng không thế bỏ quên những giá trị căn
bản về nhân sinh. Ý niệm về đạo đức dành cho bang giao quốc tế ngày càng được
xây dựng vững chắc. Đó là chưa kể đến những điều đã được diễn tả biến thành các
hành động ý nghĩa, ít ra là những danh từ như “sự hoà hợp”, “bất bạo động” và
“sự cảm thông” đã trở thành các từ ngữ của nhiều chính trị gia ngày nay. Đó là
một sự phát triển hữu ích.
Theo kinh nghiệm cá nhân
trong những chuyến công du ngoại quốc đã ghi nhận, tôi được yêu cầu thuyết
giảng về hoà bình và từ bi trước cử toạ đoàn, thường vượt quá số ngàn. Tôi
không tin khoảng bốn mươi hay năm mươi năm về trước, các đề tài đó được lôi
cuốn hấp dẫn số đông người như thế. Những tiến triển trên đây chứng tỏ
tập thể loài người chúng ta ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các giá trị căn
bản như sự công bằng và chân lý.
Tôi cũng rất an tâm
trước sự kiện là, nền kinh tế thế giới càng phát triển, sự tuỳ thuộc vào nhau
càng rõ ràng. Kết quả, mỗi quốc gia này, không nhiều thì ít đều phải liên hệ
đến một quốc gia khác. Nền kinh tế tân tiến, như là môi sinh không có biên
giới. Ngay cả những quốc gia thù nghịch với nhau cũng phải hợp tác trong việc
sử dụng các tài nguyên thiên nhiên của thế giới.
Lấy ví dụ thông thường
họ phải tuỳ thuộc chung vào một con sông. Và sự liên hệ kinh tế của chúng ta
càng nương nhờ vào nhau thì tương quan chính trị càng phải hợp tác với nhau. Do
vậy, chúng ta đã chứng kiến, chẳng hạn sự lớn mạnh của Liên Hiệp Châu Âu, khởi
đầu chỉ từ vài khách hàng trao đổi mậu dịch nho nhỏ dẫn đến sự kết hợp của các
quốc gia thành một liên bang với số thành viên hiện nay đã tăng gấp đôi.
Chúng ta cũng nhận thấy
hình thức tương tự, mặc dù kém phát triển, sự hợp tác trên thế giới của ba tổ
chức: Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEANS), Tổ Chức Phi Châu Hợp
Nhất (OAU) và Tổ Chức các Quốc Gia Xuất Cảng Dầu Hoả (OPEC). Mỗi tổ chức chứng
minh một động lực nhân sinh về sự hợp tác vì lợi ích chung và phản ảnh sự liên
tục tiến hoá không ngừng của xã hội con người.
Khởi đầu từ các bộ lạc
nho nhỏ đã phát triển hình thành các đô thị tiểu quốc rồi đến quốc gia và hiện
nay là các đồng minh bao gồm nhiều trăm triệu người, tiếp tục lớn mạnh vượt
trên mọi lằn ranh phân chia địa dư, văn hoá và chủng tộc. Đây là chiều hướng
tôi tin rằng sẽ và phải tiếp tục.
Tuy nhiên, chúng ta
không thể phủ nhận rằng, song song với sự tăng trưởng của các liên minh chính
trị và kinh tế, rõ ràng còn có sự tập hợp lớn lao hơn vượt các đường ranh phân
chia giữa chủng tộc, ngôn ngử, tôn giáo và văn hoá – lại thường có bạo động
tiếp diễn theo việc huỷ bỏ sự liên kết vào thể chế quốc gia.
Chúng ta nên làm gì
trước sự kiện có vẻ mâu thuẫn đó – một bên là khuynh hướng hợp tác vượt quốc
gia, còn phía kia là sự thúc đẩy của địa phương hoá? Thực ra, không cần thiết
có sự chống đối giữa hai mặt. Chúng ta có thể hình dung nhìn thấy các cộng đồng
địa phương hợp tác trong chính sách mậu dịch, xã hội và kế hoạch an ninh chung;
nhưng vẫn duy trì được sự đa dạng độc lập về nhân chủng, văn hoá, tôn giáo và
các thứ khác.
Có thể thiết lập một hệ
thống luật pháp, bảo vệ nhân quyền căn bản trong các cộng đồng lớn hơn mà vẫn
để cho các cộng đồng nhỏ có quyền tự do theo đuổi đường lối sinh hoạt riêng của
họ. Đồng thời, điều quan trọng trong việc xây dựng các loại hợp tác đó là sự tự
nguyện và đặt nền tảng trên nhận thức về quyền lợi của các phần tử đều được
phục vụ tốt đẹp hơn qua sự hợp tác. Họ không bị áp đặt.
Thực vậy, sự thử thách
của thiên niên kỷ mới chắc chắn là sự đi tìm phương cách nhằm đạt đến sự hợp
tác quốc tế – hay tốt hơn nữa, cộng đồng toàn thế giới – trong đó sự đa dạng
của loài người được công nhận và quyền lợi của tất cả được tôn trọng.
Discussion about this post