CHẲNG THỂ ĐƯỢC
Quảng Tánh
Các pháp hữu vi là vô thường, có được rồi cũng sẽ mất, có thành thì phải biến hoại, có sinh thì ắt sẽ bị già bệnh chết. Đây là sự thật, là quy luật vận động tự nhiên của vũ trụ và nhân sinh. Không ai và không có sự vật gì vượt thoát quy luật này.
Thế Tôn đã khẳng định, dẫu Như Lai có ra đời hay không thì các pháp vẫn như vậy. “Chư hành vô thường” mà cầu thường hằng thì chẳng thể được. Thân tâm này vốn sinh diệt mà cầu trường sinh là chẳng thể được.
Thế Tôn là bậc Giác ngộ nhưng tấm thân tứ đại của Ngài cũng già bệnh theo năm tháng, rồi phải bỏ thân dưới hai cây sa-la nơi rừng Câu-thi-na. Như cỗ xe sử dụng lâu ngày cũng hư mục, đến một lúc nào đó phải bỏ đi, vì níu giữ là điều chẳng thể được. Biết rõ vô thường, không giữ được bất cứ thứ gì lâu dài thì không nên nặng nề bám víu, chấp thủ. Ai nhận ra sự thật “chẳng thể được” của thế gian thì người ấy có trí tuệ. Từ tuệ giác này, nếu nỗ lực tu tập ngũ căn – ngũ lực đến viên mãn sẽ thành tựu giải thoát, Niết-bàn.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thế gian có năm việc tuyệt chẳng thể được. Thế nào là năm? Vật đáng mất muốn cho không mất, điều này chẳng thể được; pháp diệt tận muốn cho không tận, điều này chẳng thể được; phàm pháp già muốn cho không già, điều này chẳng thể được; phàm pháp bệnh muốn cho không bệnh, điều này chẳng thể được; phàm pháp tử muốn cho không tử, điều này chẳng thể được. Đó là, này Tỳ-kheo! Có năm việc này tuyệt chẳng thể được. Nếu Như Lai ra đời hay không ra đời, thế giới này hằng trụ như cũ, mà không hư bại có tiếng mất diệt, sanh, lão, bệnh tử; hoặc sanh, hoặc chết đều trở về gốc. Đó là, này Tỳ-kheo! Có năm việc khó được này. Hãy cầu phương tiện tu hành năm căn. Thế nào là năm? Nghĩa là tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, và tuệ căn. Đó là Tỳ-kheo hành năm căn này rồi liền thành Tu-đà-hoàn, hướng Tư-đà-hàm, chuyển tiến thành Tư-đà-hàm, chuyển tiến diệt năm kiết sử thành A-na-hàm, ở đó nhập Niết-bàn, không trở lại đời này nữa, chuyển tiến hữu lậu tận thành vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, tự thân chứng được và tự du hóa, không còn thọ thai nữa, như thật mà biết. Nên tìm phương tiện trừ năm việc trước, tu hành năm căn. Như thế, Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 34.Đẳng kiến,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.347)
Pháp thoại này cho thấy, tuy các pháp hữu vi vô thường sinh diệt nhưng cố gắng tu tập “tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, và tuệ căn” thì có thể “chuyển tiến hữu lậu tận thành vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát”.
Ngũ căn (tín, tấn, niệm, định, tuệ) là năm pháp căn bản có khả năng kiểm soát và làm chủ tâm thức. Khi ngũ căn được tu tập, được làm cho sung mãn thì tạo ra sức mạnh (ngũ lực), có năng lực hỗ trợ cho hành giả thực hành viên mãn chỉ và quán để chứng đắc Niết-bàn, thành tựu giải thoát.
Thế Tôn thường dạy về “chẳng thể được” để khai tâm mở trí cho chúng ta vốn chấp thủ sâu dày. Khi đã bình tâm, tỉnh trí thấy rõ sự thật vô thường rồi Ngài liền dạy “hành năm căn này rồi liền thành Tu-đà-hoàn, hướng Tư-đà-hàm, chuyển tiến thành Tư-đà-hàm, chuyển tiến diệt năm kiết sử thành A-na-hàm, ở đó nhập Niết-bàn, không trở lại đời này nữa”.
Quảng Tánh
Discussion about this post