Trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, đạo hiếu làm con là di
sản văn hóa tinh thần vô giá, di sản này truyền thừa từ thời mới lập quốc, đến
khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, thì đạo đức dân tộc hòa chung với đạo đức
Phật giáo như nước và sữa. Bản chất của người Việt Nam là yêu chuộng hiếu đạo,
mà giáo lý của Phật giáo là giải thoát, vì vậy hai luồng tư tưởng gặp nhau đã
làm thăng hoa giá trị văn hóa tinh thần của người dân Việt. Làm người ai cũng
có cha và mẹ, hai đấng sinh thành dưỡng dục ta nên người, cho ta thân thể hình
hài này, cho ta đạo đức làm người, cho ta biết yêu thương và chia sẻ.
Tại sao nói cha mẹ là nguồn mạch của yêu thương? Có thể
nói, bốn sự yêu thương tạo nên tình thương thực sự để chúng ta bước vào cuộc
đời, sự cảm nhận trước tiên của chúng ta là cha và mẹ. Nhất là khi mới chào
đời, chúng ta nằm trong vòng tay êm ấm của mẹ, nhận được sự chắt chiu nuôi nấng
của mẹ.
Cha thương con thì không như mẹ, hai thái cực khác nhau
nhưng có chung một tình thương vô bờ. Cha thương con thường chúng ta ít nhận ra.
Tình thương của người cha nghiêm nghị và
khô khan, đó là bản chất nam tính của người đàn ông, không mềm mại, không nhu
mì nên chúng ta ít cảm nhận như tình thương của người mẹ. Vì không cảm nhận
được mà đôi khi chúng ta cho là không có tình cảm, nhưng kỳ thật tình thương
của người cha cũng không thua kém gì tình thương của mẹ.
Tình yêu thương của người mẹ hun đúc chúng ta khi mới
chào đời. Rõ nét, đậm tình, nên chúng ta thấy tình cảm của người mẹ ngọt ngào,
nhẹ nhàng, êm ái, giống như ánh trăng rằm. Còn tình thương của cha gay gắt giống như ánh sáng mặt trời.
Cổ nhân nói “Cha như mặt trời, mẹ như
mặt trăng” là vậy.
Chúng ta hãy quán sát xem trên thế gian này chỉ có mặt
trăng mà không có mặt trời thì chúng ta sống có được không? Còn nếu như chỉ có
mặt trời thôi, mà không có mặt trăng thì sống được, nhưng hình như nó mất đi cái
thi vị hóa của cuộc sống. Bởi trăng về đêm, nhất là trăng hạ huyền làm cho cuộc
sống này như bồng lai tiên cảnh. Và, đêm có trăng thật dịu hiền, mát mẽ, ngồi ở
sân nhà trong đêm trăng có gió mát, chúng ta sẽ cảm nhận hết cái nhẹ nhàng,
thanh thoát, đầm ấm của đêm trăng như thế nào, thì tình mẹ cũng như thế đó.
Nhưng ở đây, phải nói là chúng ta nhận tình yêu thương
của cha mẹ đầu tiên, rồi chúng ta phải đáp lại tình yêu thương đó đối với cha
mẹ cũng phải rất chân thành. Có như vậy chúng ta mới nói được tiếng nói yêu
thương, để chúng ta trang trải lòng từ bi vào cuộc sống này đối với tất cả mọi
người có tương quan, tương sinh với mình.
Trước tiên chúng ta phải nghĩ, phải thương, phải đền đáp
ơn sinh thành của cha mẹ, sự chân thành đó chớm nở làm nền tảng căn bản để
chúng ta phát huy đạo đức vào trong lòng xã hội nhân sinh. Như vậy, tình yêu
thương của chúng ta mới có nền tảng căn bản thực sự. Làm con mà không thương cha
mẹ, lại thương người khác, thì tình thương đó chắc là không có thực tâm. Cha mẹ
không thương mà lại đi thương người ngoài, thương đủ thứ người thì tình thương
đó trở nên lãng đãng, mông lung rồi. Tình thương đó bị ô nhiễm, có tính toán và
mưu đồ, và nghe có vẻ lợi dụng quá!
Vì vậy, muốn thực tập yêu thương thì chúng ta phải tập
yêu thương cha mẹ trước, mà phải thương một cách thật tâm, thương một cách chân
tình, không thể thương trên lý thuyết, hay chỉ nói thương trên miệng lưỡi, mà chúng
ta phải thương bằng sự báo đáp ân tình, ân nghĩa thực sự ngay trong cuộc sống này. Hiếu không
được chỉ hiểu trên mặt tri thức mà phải thể hiện ra bằng cái hạnh, cho nên mới
gọi là hiếu hạnh. Hạnh hiếu có rồi thì chúng ta mới thể hiện sự hiếu dưỡng, tức
là nuôi cha mẹ, lo cho cha mẹ từ vật chất đến tinh thần. Có như vậy, vào ngày
này chúng ta mới có thể trở về nguồn mạch yêu thương đầu đời.
Khi chúng ta còn non trẻ, còn ấu thơ, tâm hồn của chúng
ta trong trắng lắm, cha mẹ đã tập cho chúng ta từng tiếng nói đầu đời, cha mẹ hun
đúc cho chúng ta bước vào đời một cách tự tin, vững chãi. Không những lo cho
chúng ta việc ăn ở mà còn lo cho chúng ta về đạo đức. Không những lo cho chúng
về đạo đức mà còn lo cho chúng ta có kiến thức để bước vào đời và trở thành một
người sống có ích cho xã hội.
Vì vậy, ngày Rằm tháng Bảy Vu lan nghiễm nhiên trở thành
lễ hội truyền thống của dân tộc ta và đã đi sâu vào mạch sống của người dân
Việt từ xưa đến nay. Có thể nói, Lễ hội Vu lan mang đậm tính nhân văn sâu sắc,
và ngày này được người ta gọi là ngày trở về nguồn. “Cây có cội, nước có nguồn”, cây có gốc bám sâu vào lòng đất thì
cây đó mới phát triển to lớn được và ngọn ngành được vững vàng là do từ nơi gốc
rễ. Còn nước, khi thấy nó chảy xuống suối, xuống sông, ra biển, thì mình phải
biết rằng nó có nguồn mạch của nó, nó xuất phát từ nơi đầu nguồn. Vậy cội và
nguồn chính là gốc rễ yêu thương của cha mẹ, chúng ta phải biết yêu thương cha
mẹ trước khi chúng ta nói yêu thương người khác, đó là căn bản làm người. Trong
nhà Phật , vào Rằm tháng Bảy có bốn câu như thế này:
“Trung Nguyên ngày hội vọng Vu lan
Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn
Hởi ai là kẻ mang ân nặng
Hãy vận lòng thành đón Vu lan”
Trung Nguyên
Rằm tháng Bảy là ngày hội Vu lan của đạo Phật. Bến giác chiều thu, chúng ta có phải là người đang ở bến giác, hay
là xa rời bến giác? Nếu ai xa rời bến giác thì người đó không phải là Phật tử. Phật tử tức là con của bậc giác ngộ. Chúng ta nhất định phải ở bến giác hay qua bờ
giác, mà giác này là trung tâm của đạo Phật, cho nên gọi đạo Phật là đạo giác
ngộ.
Vu lan là dịp những người con mang nặng ân tình, ân
nghĩa sâu đậm của cha mẹ trở về chùa, vận hết tất cả lòng thành để đón mừng lễ
hội này bằng một cái tâm chí thành, chí hiếu, chí kính đối với cha mẹ của mình.
Cho nên cha mẹ mình còn sống thì đây là dịp may và phước lớn cho chúng ta trở
về phụng thờ để lo đáp đền báo hiếu. Đức Phật đã dạy: “Gặp thời không có Phật, nếu ai biết phụng thờ cha mẹ tức là phụng thờ
Phật”.
Như vậy rõ ràng cha mẹ ngang tầm với Phật rồi. Tại sao
mình cứ phải chạy đầu này đầu kia, vái lạy, cầu khẩn Phật ban phước cho mình,
quan tâm đến mình, tạo điều kiện tốt cho mình, mà trong nhà mình có hai vị Phật,
đó là cha và mẹ mà mình lại không biết, chính mỗi chúng ta đều có Phật để tôn
thờ, đó là cha và mẹ. Vu lan rằm tháng Bảy là ngày chúng ta trở về nguồn cội tổ
tông, thi ân, báo ân cho trọn vẹn hiếu đạo làm người. Nếu như chúng ta không
hiếu dưỡng cha mẹ thì không thể nào trở thành người Phật tử chân chánh được.
Người xưa đã nói:
“Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ Cha kính Mẹ
mới là chân tu.”
Như vậy, không nhất thiết ai cũng phải cần xuất gia mới
gọi là chân tu, nếu ở nhà hiếu dưỡng cha mẹ thì đã là chân tu rồi. Còn nếu ai
xuất gia mà làm khổ cha mẹ nhiều, thì như vậy đâu phải là người con thật sự,
đâu phải là người chân tu. Mong rằng trong lễ hội Vu lan năm nay, chúng ta biết
quay trở về sống thật tâm, thật tốt đối với cha mẹ của mình thì ngày Vu lan mới
có ý nghĩa thật sự.
Hiếu dưỡng cha mẹ không phải là một sự bắt buộc vô lý, xã
hội loài người khác với xã hội loài vật. Con vật khi sanh con cái một thời gian
sau khi con nó lớn lên nó không còn nhận ra con của mình nữa, và ngược lại con
của nó cũng không còn nhận ra đâu là cha
mẹ mình. Chỉ có loài người mới có cái tôn ti trật tự này, mới nghĩ đến việc báo
hiếu cha mẹ.
Nếu như ai lớn lên, bất hiếu với cha mẹ thì bị mọi người
lên án, đánh đập cha mẹ thì có thể vào tù, hoặc loạn luân với cha mẹ thì gọi là
con vật chớ không phải là con người. Rõ ràng chỉ có xã hội loài người mới có
đầy đủ trí khôn để lập nên trật tự của xã hội như vậy. Do đó, hiếu dưỡng cha mẹ
không phải là do mình bịa đặt để làm khổ cho những người con, mà đây là cái lý
đương nhiên mà trí khôn của loài người phải làm như vậy. Nếu làm trái đi thì
người ta xem thường và phải chịu hậu quả không tốt về sau. Phật dạy :
Tột cùng điều thiện là hiếu
Tột cùng điều ác
là bất hiếu
Như vậy, chúng ta hiếu dưỡng cha mẹ, nếu nói là điều
thiện thì đây là điều thiện tối cao. Điều đó khẳng định rằng, khi hiếu dưỡng cha mẹ một
đời, thì người đó về sau khi lâm chung sẽ sanh về cõi Chư Thiên để hưởng phước,
còn ai không biết yêu thương phụng dưỡng cha mẹ thì khi chết sẽ bị đọa vào các
cõi ác để chịu hình phạt. Ai biết thương yêu cha mẹ chân tình, thì chắc chắn
người đó cũng biết đối xử tốt với tình làng, nghĩa xóm, bạn bè, bà con… Còn nếu
mình sống tệ với cha mẹ, thì làm sao mình sống tốt với người khác được
Mỗi độ Vu lan về, hình ảnh thân thương của cha mẹ lại
hiện lên trong trái tim của những người con hiếu hạnh. Mặc dù kinh tế thế giới
đang khủng hoảng, nhưng thật ra khủng hoảng này tuy vậy không đáng sợ bằng
khủng hoảng về đạo đức. Cái này mới đáng sợ nhất trong thế giới loài người. Chúng
ta có thể nói dù nền văn minh nhân loại có phát triển đến đâu, thì đạo đức và
tình người vẫn được suy tôn. Nếu như đạo đức và tình người không còn, thì xã
hội loài người đã tự đào hố chôn mình và bắt đầu đi vào bóng tối.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, đạo đức nền móng của cá
nhân, gia đình đang xuống cấp. Rất nhiều người tỏ ra thờ ơ, vô cảm, không còn
thương cha mẹ nữa. Trên nhiều phương tiện truyền thông chúng ta đã chứng kiến
rất nhiều người con đã ngược đãi cha mẹ, chồng đánh vợ, vợ chồng sống không
chung thủy…
Trên thế giới hiện giờ tình trạng bạo lực gia đình cũng
đang diễn tiến, nhất là những xã hội, những đất nước ít quan tâm suy tiến về
đạo đức, về tình người, thì có thể nói con người rất là tàn ác. Đối với cha mẹ,
ruột rà của mình mà mình còn đối xử như
vậy, thì thử hỏi người đó bước ra ngoài xã hội họ thật sự làm được gì cho xã hội, mà chính họ là cái họa ương của xã
hội.
Gia đình nào cha mẹ sống đạo đức làm gương mẫu cho con
cái, con cái sống hiếu nghĩa với cha mẹ, thì gia đình đó thực sự là hạnh phúc. Những
cái gì cha mẹ làm, cha mẹ nói, cha mẹ nghĩ đều có ảnh hưởng đến con cái. Có thể
nói xã hội văn minh là xã hội có những con người sống có hiếu, có nghĩa, có
tình.
Mùa Vu lan là cơ hội để cho tất cả Tăng Ni, Phật tử tu
tập tốt, làm tất cả mọi thiện sự, cúng dường Tam Bảo, giúp đỡ người già neo
đơn, xây nhà tình nghĩa, làm mọi việc từ thiện, cứu đời, giúp người… Tất cả đều
theo tinh thần “Thượng báo tứ trọng ân, hạ
tế tam đồ khổ”, tu làm sao mà ở trên mình phải đền đáp được bốn ơn nặng –
Ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn chúng sinh, ơn tổ quốc. Đây gọi là “tứ đại trọng ân”. Chúng ta gắng tu để
trở thành một người tốt báo đáp được bốn ơn đó, xứng đáng là một công dân tốt
với xã hội, là một người Phật tử chân chánh.
Lễ Vu lan đã ăn
sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của con người. Không những vậy, lễ hội Vu lan
đã ăn sâu vào đời sống tâm linh của cả nhân loại. Lễ hội Vu lan này còn có tác
dụng mạnh đến cả những thế giới vô hình. Đến ngày này chúng ta làm tất cả mọi
điều tốt, mọi điều lành rồi hồi hướng cho những người đã khuất, hoặc cha mẹ
mình, hoặc cha mẹ nhiều đời của mình, hoặc Cửu Huyền Thất Tổ, hoặc những chiến
sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, tất cả những anh linh bảo vệ hồn thiêng của sông
núi…
Tính nhân văn của ngày lễ hội Vu lan rất sâu xa, rất đậm tình, không những loài người mà cả loài vật,
không những loài vật mà luôn cho những người đã khuất. Tinh thần của Vu lan là
xâu kết tình người, xâu kết tình làng nghĩa xóm, tình đồng bào, tình nhân loại,
tình quê hương đất nước. Ngày này cũng suy tiến công trạng của những bậc tiền
hiền, có công giữ nước, giữ làng. Có thể nói đây là ngày lễ hội văn hóa tình người.
Đến cuối cùng của lẽ sống chính là sự yêu thương. Và, sự
yêu thương đó khởi đầu là cha mẹ đối với con cái, rồi con cái yêu thương cha
mẹ. Sự hiếu thảo là điềm lành cho những thành công rực rỡ về sau của con cháu.
Chúng ta thường thấy những đứa con sống hiếu thảo lớn lên nếu không giàu có thì
cũng là người tốt được mọi người khen ngợi, để lại tiếng tốt cho đời. Những
người con hiếu thảo sau này lớn lên, do cái phước của mình thường thành nhân chi mỹ và làm ăn dễ phát đạt,
dễ thành công trên đường đời. Còn, những người nào sống bất hiếu, bất nghĩa thì
thường hay gặp họa ương, bị mọi người khinh khi, rẻ rúng, xem thường. Nếu có
làm điều gì thành công thì cái họa cũng thường kề bên để trả lại cái nhân mà
mình đã bất hiếu với cha mẹ.
Có thể nói một cách khẳng quyết rằng, sự hiếu thảo là
điềm lành cho hoa trái trĩu nặng. Ngày nay tất cả những người con Phật nhớ lại nguồn
cội của mình để quay về nương tựa và làm những điều thiện lành, nuôi lớn tình
thương vô ngã vị tha, đề cao chữ hiếu trong lý duyên sinh của nhà Phật, đó là lý tưởng sống cao đẹp trong văn
hóa dân tộc Việt Nam và các dân tộc tiến bộ trên toàn cầu.
Mùa Vu lan, chính
là mùa của yêu thương, trở về và đáp đền ân nghĩa.
“Dù ai buôn bán đâu đâu
Cứ rằm tháng Bảy
mưa ngâu thì về”
Mùa Vu lan năm Tân Mão (2011)
Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ
Phan Rang – Ninh Thuận
Người gửi bài: Tuệ Thiền
Discussion about this post