Vì sao một người có thể đạt được tất cả mà vẫn không có được hạnh phúc? Thật ra, hạnh phúc là tự mình phải xả bỏ tự ngã và tiêu diệt phiền não, chứ không phải đạt được những thứ nào bên ngoài.
Hạnh phúc là điều ai cũng ước muốn. Chúng ta thường nói hạnh phúc là “tìm kiếm” hoặc “giành lấy”. Hạnh phúc giống như tấm bằng khen treo trên tường, cần phải trải qua một lần cạnh tranh và phấn đấu thì mới đạt được. Suy nghĩ này rất phổ biến, khiến nhiều người cho rằng hạnh phúc là những thứ ở ngoài thân tâm mình. Nhưng bạn phải trải qua kinh nghiệm này, khi tự mình hài lòng thấy chiến lợi phẩm trong tay thì thấy được nỗi vất vả kiếm được và dường như bạn cảm thấy mất đi một thứ; bởi vì, “hạnh phúc” là điều chúng ta mong đợi mãi chưa đến.
Vì sao một người có thể đạt được tất cả mà vẫn không có được hạnh phúc? Thật ra, hạnh phúc là tự mình phải xả bỏ tự ngã và tiêu diệt phiền não, chứ không phải đạt được những thứ nào bên ngoài. Trong quyển sách này, Hoà thượng Thánh Nghiêm nói cho chúng ta biết hạnh phúc chân thật thì không cần dựa vào bất kỳ người, sự vật nào bên ngoài, cũng không phải xuất phát từ tình cảm và cảm giác huyễn hóa vô thường mà là trạng thái tâm vui vẻ, bình an. Vì thế, chúng ta cần thấy rõ phiền não, mạnh dạn vận dụng phương pháp hóa giải, đối trị phiền não, cuối cùng là buông xả phiền não hoàn toàn, chính là tìm được hạnh phúc trong tầm tay.
Chỉ bằng vài lời ngắn gọn, súc tích, Hòa thượng Thích THánh Nghiêm đã cho thấy con người chúng ta vì quá tham lam, ích kỷ chỉ nghĩ tới bản thân mình nên mãi không chịu xả bỏ để có được an lạc, hiện tiền.
Thông tin tác giả: Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm (1930-2009) xuất gia từ năm 13 tuổi. Ngài đã từng nhập thất sáu năm tại núi Cao Hùng, Đài Loan, đi du học tại Nhật Bản, nhận bằng Tiến sĩ văn học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phiên dịch kinh Phật… Bằng những nỗ lực không mệt mỏi nhằm đem lại lợi ích cho mọi người, Ngài được coi là một trong bốn vị hòa thượng nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất tại Đài Loan thời hiện đại.
Trích đoạn sách hay:
Tại sao phải tức giận?
Phật pháp cho rằng, “Tham, Sân, Si”, còn được gọi Tam độc, là ba kiểu phiền não căn bản của con người. Trên thực tế, mỗi người chúng ta đều không thể tránh được tâm Sân, nhưng một số người có thể giấu cái Sân của mình đi mà không biểu hiện ra bên ngoài.
Nhưng cũng có một số người lại thường xuyên bộc lộ tâm Sân trong hành vi và lời nói của mình, vô tình thể hiện ở ngôn ngữ và hành vi, vừa làm tổn thương bản thân mình vừa làm tổn thương người khác. Do đó, chúng ta vẫn thường ví Sân là hỏa, cũng có thể gọi là Sân hỏa, bởi vì cũng giống như lửa, Sân có thể khiến chúng ta đánh mất sự bình tĩnh.
Nếu chúng ta có khả năng duy trì sự bình tâm thì không có tâm Sân. Nhưng luôn muốn duy trì tâm bình là điều không hề đơn giản. Khởi nguyên của tâm Sân là việc chúng ta không thỏa mãn với hoàn cảnh ngoại tại hoặc không thể khiến người khác thuận theo ý muốn của mình, khiến chúng ta nảy sinh xung đột mà tạo nên tâm Sân.
Thật ra đôi khi tuy người khác không gây trở ngại công việc của chúng ta, nhưng do ta thấy người đó chướng tai gai mắt, chưa hiểu gì liền nổi tức giận. Cho nên vì nguyên nhân hoàn cảnh bên ngoài, có lúc tự cho mình là đúng, nhưng chưa chắc là khách quan. Không nhất định do người, sự vật nào đó bên ngoài tác động cũng khiến ta tức giận, nhưng cho dù có rất bực tức thì người khác cũng chưa chắc biết được.
Ngoài ra, sân hận không hẳn là từ bên ngoài, có lúc phiền não ở bên trong, giống như có người tự hận mình bất tài, thiếu phước đức; hoặc hận mình không được thông minh, không nỗ lực… Mặc dù hận mình, không làm tổn thương đến người khác, nhưng trong lòng hận thì cũng không tốt. Nhất là tự hận mình đạt đến cực điểm thì bắt đầu hành hạ chính mình, và hành hạ mình nặng nhất là tự sát. Bởi vì họ chán ghét bản thân, tự thấy mình tồi tệ như thế, cho nên họ thực sự cảm thấy sống không bằng chết, chi bằng chết cho rồi.
Do đây chúng ta biết được sân hận đem đến cho mọi người tai họa rất lớn, nên phải hóa giải tâm sân hận kịp thời. Có hai cách hóa giải:
Trước tiên là hóa giải theo quan niệm: Chúng ta phải phân tích kỹ nguyên nhân phát sinh sân hận, tiến thêm một bước nữa là suy nghĩ: “chúng ta sân hận cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng gì?”. Sau khi lý trí phân tích kỹ càng theo quan niệm thì sẽ biết bất luận hận người hay hận mình đều vô ích, chi bằng tự mình thay đổi, bắt đầu thực hành cải thiện hoàn cảnh, điều này phải thấy tác hại của hận, hoặc đối diện vấn đề tinh thần bực tức càng nhiều càng tốt.
Phương pháp tu hành: Nếu như chúng ta phân tích, giải thích bằng mọi cách mà không hóa giải được tâm sân hận thì biện pháp tốt nhất là lạy Phật, niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền thật nhiều. Những phương pháp này có thể hóa giải tinh thần sân hận, giúp đỡ mọi người hiểu rõ tu hành tiêu nghiệp. Nhưng nếu chúng ta đối diện vấn đề mà không có tâm hổ thẹn và tâm sám hối thì rất khó tiêu trừ nghiệp lực.
Thật ra, bất luận chúng ta tu theo phương pháp nào, cũng phải học tập từ bi, chẳng những từ bi với tất cả chúng sinh mà bản thân mình cũng như vậy. Từ bi với mình là phải dùng trí tuệ để xử lý công việc của mình. Bất kỳ việc gì cũng không nên làm việc theo tình cảm cá nhân, vì làm như vậy rất dễ nổi giận, dễ xúc động. Hãy từ bi với mọi người, cho dù người khác có lý hay vô lý thì cũng nên thông cảm cho họ, giống như chúng ta mong muốn người khác thông cảm cho mình vậy. Nếu như chúng ta lấy mình làm gương hoặc đặt mình trong hoàn cảnh của người khác để thông cảm với họ thì tâm sân hận dần dần giảm bớt.
Sân là lửa trong tâm
Phật giáo nói lửa sân là lửa vô minh, giống như câu nói: “Sân là lửa trong tâm, thiêu cháy rừng công đức”. Hay là “Một niệm tâm sân khởi, mở trăm vạn cửa chướng”. Chúng ta có thể thấy một niệm lửa sân trong con người có thể hủy sạch bao nhiêu công đức mình đã tu tập, giống như đứa bé chơi xếp nhà gỗ, chỉ cần nó tức giận đá một cái thì căn nhà khổ công ngồi xếp liền ngã nhào.
Vì thế, nhẫn là việc rất quan trọng. Không nhẫn được thì tâm nổi tức giận, tâm giận nổi lên thì biểu hiện ra lời nói và hành vi. Sự tức giận này trực tiếp từ lời nói và hành động bộc phát ra, làm tổn thương mọi người rất nhiều. Mặc dù có người bực mình nhưng chẳng dám nói ra, người khác không biết nên không bị tổn thương, nhưng trong tâm họ luôn bực tức, tự gây khổ đau cho mình. Cho nên tức giận, dù người khác thấy hay không thấy, đều là việc xấu.
Theo nghiên cứu sách báo, khi một người tức giận thì tế bào trong thân sẽ chết rất nhanh; đồng thời, người dễ nổi giận thì các hệ thống tiêu hóa, tuần hoàn, hệ bài tiết trong trong thân thể đều sẽ sinh ra chướng ngại. Người hay tức giận biểu lộ ra lời nói hay hành động thì không tốt cho sức khỏe; huống gì người không nói ra chỉ bực tức trong lòng, khi chúng ta buồn rầu, tự làm tổn hại thân tâm mình rất nặng. Đây cũng là nguyên nhân vì sao những người già thường buồn rầu sinh bệnh tật dễ tổn hại tinh thần.
Như thế, chúng ta phải hóa giải cơn tức giận như thế nào?
Về phương diện quan niệm thì phải biết rõ vì sao mình tức giận, vì sao mình đau khổ như thế? Thật ra, nguyên nhân tức giận, dù muốn nói ra hay giận mà không dám nói, đều là vì cảm thấy mình bị oan uổng, nên trong lòng luôn ấm ức. Như chúng ta bị trách mắng làm việc sai, hoặc nói sai nhưng sự thật là mình bị người khác hãm hại; do đó, mình oán hận mà không kêu oan được, cũng oán hận người kia ác ý hãm hại.
Trước tình cảnh này, chúng ta có thể lý giải từ nhân quả. Hiện tại xảy ra sự việc như thế, có thể là nhân, cũng có thể là quả. Nếu là nhân thì chúng ta không cần trả thù, bởi vì chúng ta quyết trả thù họ, chẳng những họ đau khổ mà chúng ta càng đau khổ hơn. Còn nếu là quả thì chúng ta nên đón nhận không nên báo thù; nếu như chúng ta báo thù sẽ biến thành nhân, nhân quả tuần hoàn chồng chất vô tận sẽ không dừng. Chúng ta thấy rõ được điều này thì sẽ không tức giận, bất bình.
Nếu lúc đó, chúng ta chuyển quan niệm không được, nghĩ cũng không thông thì trước tiên không nên nghĩ đến nó, cũng không cần giải thích lý do, lúc này chỉ niệm danh hiệu “A Di Đà Phật” và “Quán Thế Âm Bồ-tát”; hoặc theo dõi hơi thở biết tâm mình hoạt động và hiện tượng đau khổ trong tâm mình. Lúc đó, chúng ta sẽ hiểu rằng “mọi người đều đã đau khổ như thế rồi, ta còn gây đau khổ nữa sao?”. Nghĩ đến điều này, trong tâm chúng ta sẽ không còn nghĩ đến chuyện chống đối, bất bình, tinh thần cũng dần dần lắng dịu, cơn tức giận sẽ giảm, làm theo phương pháp này chúng ta sẽ hóa giải được cơn tức giận.
Chỉ cần chúng ta linh hoạt vận dụng quan niệm và phương pháp của Phật pháp thì trong tâm chúng ta không bị lửa vô minh thiêu đốt tổn hại, và tránh được tâm sân hận không khởi lên.
Discussion about this post