BÁT CƠM HƯƠNG TÍCH
Thích Nguyên Tạng
Ban Trai Soạn Trường Hạ Minh Quang
năm nay cúng dường cơm nước cho khóa An Cư một cách tươm tất và trang nghiêm,
ngay trong bữa cúng quá đường đầu tiên đã khiến cho tôi nhớ đến mùi thơm của
bát cơm Hương Tích thuở nào.
Cơm Hương Tích, cũng giống như
Trăng Lăng Già, Thuyền Bát Nhã, Trà Tào Khê,… là những thuật ngữ trong cửa chùa
mà ai ai cũng đã hơn một lần nghe qua. Vậy Cơm Hương Tích là loại cơm như thế
nào ?
Cơm Hương Tích, vốn là cơm lưu phạn
từ cõi nước Chúng Hương cách thế giới loài người chúng ta đến tận bốn mươi hai
ức hằng hà quốc độ. Chuyện kể rằng, một hôm nọ, đến thăm bệnh Cư Sĩ Duy Ma Cật
ở thành Tỳ Xá Ly, gần giờ ngọ trai, Tôn giả Xá Lợi Phất đã thắc mắc và khởi
niệm “sắp đến giờ ăn, chưa biết các Bồ Tát sẽ thọ thực ở đâu? “.
Ngài Duy Ma Cật (vốn là một vị cổ Phật thị hiện xuống thành Tỳ Xá Ly, cách Bồ
Đề Đạo Tràng khoảng 253 cây số về hướng Bắc, để hỗ trợ cho Đức Phật Thích Ca
trong công cuộc giáo hóa độ sinh) với thần thông diệu dụng biết tâm niệm đó nên
nói rằng ” hãy đợi giây lát, tôi sẽ đãi cho ông được bữa ăn chưa
từng có “. Nói xong, Ngài Duy Ma Cật liền vào chánh định, dùng
thần thông thị hiện cho đại chúng nhìn thấy cõi Phật Hương Tích. Mùi hương ở
cõi nước đó vượt hơn mùi hương của trời người và các cõi Phật trong mười phương
thế giới. Mọi sự, mọi vật trong cõi đó, đều dùng hương thơm tạo thành. Từ đất
đai, kinh thành, lầu các, cỏ cây hoa lá… đều ngào ngạt hương thơm. Mùi hương
của cơm cõi ấy tỏa ngát khắp mười phương thế giới. Lúc ấy, Phật Hương Tích cùng
các Bồ Tát đang ngồi thọ trai, có các Thiên tử cùng một danh hiệu gọi là Hương
Nghiêm, đều đã phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, cúng dường Phật và các Bồ Tát.
Hóa Thân của Ngài Duy Ma Cật
đã đến đảnh lễ Phật và thỉnh cơm lưu phạn về cúng dường cho chư vị ở thế giới
này. Hóa Thân Bồ tát bay đến Cõi nước Chúng Hương và bạch Phật rằng : “Duy
Ma Cật xin đảnh lễ Đức Thế Tôn và cung kính có lời hỏi thăm sức khỏe Thế Tôn,
có được ít bệnh, ít não, an ổn không? Chúng con mong được xin chút cơm lưu phạn
của Thế Tôn, đem về cõi giới Ta Bà để làm Phật sự. Để giúp cho những ai thích
pháp nhỏ được phát tâm đi vào con đường lớn, và cũng để cho danh hiệu của Ngài
được lan truyền cùng khắp”. Đức Phật Hương Tích liền dùng bát Chúng Hương
đựng đầy hương phạn rồi trao cho hóa thân Bồ Tát. Hóa thân Bồ Tát thọ lãnh bát
cơm xong, cùng với chín triệu Bồ Tát cõi Chúng Hương bay về cõi giới Ta Bà.
Trong chốc lát đã đến nhà Duy Ma Cật. Hóa thân Bồ Tát đưa bát cơm hương phạn
cho Duy Ma Cật. Mùi thơm của cơm tỏa khắp thành Tỳ Xá Ly và Đại thiên thế giới.
Dân chúng trong thành ngửi được mùi hương, thân tâm an lạc, khoan khoái và tán
thán việc chưa từng có. (lược theo Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, bản dịch
của HT Duy Lực).
Trong Kinh này còn so sánh sự khác
biệt về phương pháp giáo hóa ở Cõi Phật Chúng Hương khác với cõi giới Ta Bà.
Đức Phật Hương Tích không dùng ngôn ngữ văn tự mà chỉ dùng phương pháp
“Hương trần” để giáo hóa chúng sanh, tức là chúng sanh nơi đó khi
ngửi được mùi thơm huyền diệu lập tức quay về chơn tâm, nhẹ nhàng, an lạc và giác
ngộ. Ngược lại thế giới Ta Bà, chúng sanh cang cường khó độ, Đức Phật Thích Ca
phải dùng phương pháp đối trị tất đàn để dạy bảo, để cảnh báo họ, Ngài tùy theo
căn cơ, trình độ để lựa chọn phương pháp giáo hóa. Đối với hàng Bồ Tát Ngài
giảng pháp tu Lục Độ Vạn Hạnh, hàng Duyên Giác tu Mười Hai Nhân Duyên, hàng
Thanh Văn giảng về pháp Tứ Đế, muốn tái sinh về các cõi trời phải tu 10 Thiện
Nghiệp, muốn trở lại cõi người phải giữ Ngũ giới.. đối với hạng hạ căn độn trí,
Ngài phải nói về nhân quả nghiệp báo, mang niềm vui cho người, mình sẽ được an
lạc; gây đau khổ cho người, mình sẽ chịu bất hạnh, đặc biệt Ngài cảnh báo trước
viễn cảnh đắng cay của những nghiệp ác do chính mình gây ra như người ưa sát
hại loài vật, sẽ bị quả báo chết yểu; nếu người hay ăn trộm, sẽ bị quả báo
nghèo khổ túng thiếu; nếu người mắc nợ mà cố ý không trả, sẽ bị đọa xuống làm
loài cầm thú phải mang lông, đội sừng để trả nợ; nếu người hay nóng giận, sẽ bị
quả báo với khuôn mặt xấu xí ….tất cả đều là phương tiện giáo hóa, nhưng cách
giáo hóa ở thế giới Ta Bà này phải sử dụng loại ngôn ngữ nặng nề hơn so với cõi
nước Chúng Hương kia.
Trong câu chuyện còn mô tả loại cơm
thơm này đã được xông ướp bằng “hương Đại bi” của Đức Như Lai, nên có
thể cung cấp cho vô số người, ăn hoài, ăn mãi mà không bao giờ sợ hết, rõ ràng
cơm thơm Hương Tích là nguồn thực phẩm vô tận của Phật ban tặng, có thể giúp
cứu đói cho chúng sanh trong cõi giới luân hồi sinh tử này. Đặc biệt ai ăn được
loại cơm thơm này vào rồi, thân tâm sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, an lạc và
tỏa hương thơm ngát.
Phải nói rằng, bát cơm Hương Tích
này quá đẹp, một nét đẹp lung linh và kỳ tuyệt, nếu ai có đủ phước duyên sẽ có
thể hưởng dụng được dễ dàng. Vì nói theo ngôn ngữ của Đại Thừa, thì Hương là
mùi thơm, Tích là tích tụ. Hương Tích có nghĩa là tích tụ công đức
tu hành từ hạnh đại Từ bi. Hương Đại Bi là loại hương thơm
phát xuất từ tình yêu không có điều kiện đi kèm. Theo thói thường, bất cứ loại
tình yêu nào trên thế gian này đều có những điều kiện vô hình kèm theo, nếu
những điều kiện ấy không đáp ứng, lập tức loại tình yêu này sẽ biến mất mà thay
thế bằng những dằn vặt, thù hận và khổ đau. Do đó, tình yêu có điều kiện là
chấp ngã, mà chấp ngã là đau khổ, là vô minh, là luân hồi sinh tử, ngược lại
tình yêu không có điều kiện là vô ngã, là đại bi tâm, mà vô ngã và đại bi tâm
là thể tánh của Niết Bàn. Đây là điểm đến cuối cùng trong giáo lý của Phật
Thích Ca truyền dạy trong suốt cuộc đời của Ngài, trong khi ở cõi nước Chúng
Hương, lời dạy này đã trở thành chuyện bình thường như ăn cơm, uống nước. Thứ
tình yêu không có điều kiện đó đã trở thành hương thơm bay vào trong không khí
mà ai đó hít vào cũng cảm thấy an lạc và giải thoát. Đó là một loại hương thơm
nội tâm định tĩnh, hương thơm của trí tuệ giải thoát.
Với ý nghĩa đó, cơm thơm Hương Tích
ở đây không còn là thực phẩm vật chất thô thiển mà chính là pháp hỷ thực và
thiền duyệt thực, là món ăn, là dưỡng chất cho tâm linh để hành giả duy trì
mạng mạch, nuôi lớn Bồ Đề tâm và Đại Bi tâm. Một khi hương thơm của cơm ấy đã
thấm đậm vào thân và tâm rồi thì duy trì mãi mãi, không bao giờ mất, từ đó tỏa
ngát hương thơm trên lời nói, trên hành động và trên ý nghĩ, người đó xuất hiện
ở đâu thì hương thơm an lạc đều tỏa ngát ở nơi đó. Trong Kinh Pháp Cú đã đề cập
đến ý này: Hương các loài hoa thơm, không ngược bay chiều gió. Nhưng
hương người đức hạnh, ngược gió khắp tung bay. Và Người Xưa cũng từng phán
quyết rằng: “Quế hương bất viễn thư hương viễn, thế vị vô như Đạo vị
trường”. Có nghĩa là hương thơm của cây quế không bay xa bằng mùi
thơm của kinh sách, vị ngọt của thế gian không bền vững lâu dài bằng vị ngọt
của Đạo. Rõ ràng, hương thơm của bất cứ thứ gì hữu hình bên ngoài đều vô
thường, chỉ có hương thơm vô hình bên trong mới miên viễn, và niềm vui của trần
gian chỉ là niềm vui xoay quanh tiền tài, danh vọng, địa vị, là thứ niềm vui
huyền ảo, niềm vui theo kiểu “vui trong tham dục vui rồi khổ”. Còn
niềm vui và vị ngọt của Đạo thì mới dài lâu và trường cửu, đó là pháp hỷ, là
niềm vui bắt nguồn từ sự tu tập, từ sự an tĩnh của nội tâm.
Xin đê đầu đảnh lễ và bày tỏ lòng
biết ơn vô hạn Bồ Tát Duy Ma Cật đã mang về cho chúng con loại hương phạn này,
loại cơm Cam lộ đã nuôi dưỡng và duy trì giới thân huệ mạng của con trong vòng
sinh tử luân hồi này. Xin chân thành tán thán công đức của HT Hóa Chủ Thích
Minh Hiếu và Ban Trai Soạn Trường Hạ Minh Quang đã phát tâm cúng dường trai
phạn trong suốt mười ngày, nhất là công đức của các vị nấu cơm cúng quá đường
hằng ngày rất lớn lao, không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả được. Xin hồi hướng
công đức và cầu Chư Phật gia hộ cho quý vị thân tâm thường lạc và Bồ đề nguyện
mãn.
Nam Mô Hương Tích Phật
Viết tại Trường Hạ Minh Quang, 2-7- 2013
TT.Thích Nguyên Tạng
Discussion about this post