DO BAN BIÊN TẬP THƯ VIỆN HOA SEN PHỤ TRÁCH
NỘI
DUNG BÀI PHÁT THANH SỐ 48
TỪ BI CHÂN CHÍNH
(Nghe
audio bấm vào hàng chữ này)
Thưa
quý thính giả,
Kể
từ buổi đầu Xuân Bính Tuất, chúng tôi đã gửi tới quý
thính giả những lời khai thị của các vị cao tăng đại
đức, những lời khai thị đấy ắp tình đời ý đạo, đồng
thời cũng là những lời chúc phúc của quý ngài gửi tới
chúng ta, với những tấm lòng thiết tha nguyện ước cho chúng
ta được gặp mọi điều tốt lành.
Tuy
nhiên, dù quý ngài có quý mến chúng ta đến đâu, cũng như
chư Phật và Bồ Tát có thương xót chúng ta vô bờ bến, thì
quý ngài cũng chỉ có thể dùng giáo pháp giảng dạy, nhắc
nhở chúng ta tinh tấn tu hành, để chuyển hóa dòng nghiệp
lực, từ xấu trở thành tốt, để được hưởng kết quả
tốt lành, chứ quý ngài cũng không thể tu hành thay cho chúng
ta được. Toàn bộ đường tu của nhà Phật đều gom vào
một chữ Tâm, từ Vọng Tâm điên đảo chuyển thành Chân
Tâm thanh tịnh, tức là từ Mê đến Giác. Trên con đường
từ Mê đến Giác, chúng ta phải trải qua những giai đoạn
tập luyện để có được Tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Trong
niềm hân hoan về một tương lai tu tập để đạt tới được
Tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính
giả lời đức Đạt Lai Lạt Ma khai thị về Tâm Từ, trích
dịch trong cuốn An Open Heart, Practicing Compassion in Everyday
Life của ngài.
Ngài
dạy rằng:
Tâm
Từ là lòng trắc ẩn, xót thương, mong cho muôn loài đều
thoát khỏi đau khổ. Cũng do lòng trắc ẩn mà chúng ta khao
khát giác ngộ để hóa độ chúng sinh. Chính lòng trắc ẩn
đã gây được niềm phấn khởi, khiến chúng ta dấn bước
trên con đường tu tập để đạt được Phật quả.
Cho nên chúng ta phải tận hiến bản thân để phát triển
Từ Tâm.
Trên
con đường luyện tập Từ Tâm, chúng ta phải mở rộng lòng
mình bằng sự cảm thông, gần gũi với mọi người. Chúng
ta cũng cần thấu hiểu tầm mức thống khổ của họ. Và
càng gần gũi, cảm thông được với họ, chúng ta lại càng
thấy được những nỗi niềm đau khổ quá sức chịu đựng
của họ. Tôi nói “gần gũi” không có nghĩa là gần gũi
về thể xác hoặc cảm xúc. Gần gũi ở đây có nghĩa là
cái cảm giác về trách nhiệm, về sự quan tâm đến người
khác. Để phát triển được sự gần gũi đó, chúng ta phải
nhìn vào những ưu điểm, những điều tốt lành của mọi
người. Chúng ta sẽ thấy điều đó đem lại niềm hạnh phúc
và sự an lạc nội tâm biết là bao. Chúng ta sẽ nhận ra được
lòng kính trọng và yêu mến của mọi người dành cho chúng
ta, do kết quả của thái độ sống mà chúng ta đối
với họ. Chúng ta phải suy ngẫm về khuyết điểm của thói
tự cao tự đại, nhận chân được rằng nó đã khiến chúng
ta hành động theo cung cách thiếu đạo đức.
Quan
tâm đến lòng tốt của người khác cũng là một điều quan
trọng. Đây cũng là thành quả của sự rèn luyện tâm hồn
về phương diện cảm thông. Chúng ta có được cuộc sống
tốt đẹp cũng là nhờ sự đóng góp cực nhọc của nhiều
người khác trong xã hội. Nhìn ra chung quanh, chúng ta thấy
từ căn nhà chúng ta sinh sống và làm việc, đường chúng
ta đi, quần áo chúng ta mặc, thực phẩm chúng ta ăn, đều
là do mọi người cung cấp. Thường quán chiếu những điều
này, lòng cảm kích của chúng ta sẽ tăng trưởng, đồng thời
cũng thấy dễ dàng cảm thông và gần gũi đối với
mọi người hơn….”…
Đi
sâu vào quan điểm về Tâm Từ của đức Đạt Lai Lạt Ma,
chúng tôi xin lược trích phần thảo luận của Ngài với giáo
sư tâm lý Howard Cutler, được ghi lại trong cuốn The Art
of Happiness: A Handbook for Living, do thượng tọa Thích
Tâm Quang dịch. Sau đây là lời giáo sư Howard Cutler:
“Khi
các cuộc thảo luận của chúng tôi tiếp diễn, tôi khám phá
thấy sự phát triển từ bi đóng một vai trò trong cuộc đời
của đức Đạt Lai Lạt Ma lớn hơn chỉ là phương tiện để
trau giồi ý tưởng nồng nhiệt và tình cảm, hoặc một phương
tiện cải thiện mối quan hệ với người khác. Thực rõ ràng,
là với tư cách một người Phật Tử đang tu hành, phát triển
lòng từ bi là phần tối thiết trên con đường huấn luyện
tinh thần của Ngài. Tôi hỏi:
– Phật
Giáo coi từ bi là phần quan trọng thiết yếu trong việc phát
triển tinh thần, vậy Ngài có thể định nghĩa rõ ràng hơn
cái mà Ngài gọi là từ bi?
Đức
Đạt Lai Lạt Ma trả lời:
– Một
cách khái quát, từ bi có thể định nghĩa là trạng thái tâm
không dùng bạo lực, không làm hại ai, và không hiếu chiến.
Đó là tinh thần căn cứ vào sự mong muốn người khác thoát
khỏi khổ đau, và kết hợp với ý thức tận tâm, trách nhiệm
và sự tôn trọng đối với người khác. Trong việc phát triển
từ bi, ta có thể bắt đầu bằng sự mong ước cho chính mình
thoát khỏi khổ đau, và rồi thì đem cảm nghĩ tự nhiên hướng
về chính mình này, trau giồi và nâng cao nó, mở rộng nó
ra cho cả những người khác.
Bây
giờ, khi người ta nói đến từ bi, tôi ngại rằng thường
có nguy cơ lầm lẫn tình thương với lòng quyến luyến. Cho
nên khi thảo luận về từ bi, trước tiên chúng ta phải phân
biệt rõ hai loại tình thương.
Một
là loại tình thương nhuốm màu luyến ái – cảm tưởng kiểm
soát ai đó, hay thương yêu một người nào đó, để được
người đó yêu lại mình. Loại thương yêu thông thường này
khá bất công và thiên vị. Và nếu sự quan hệ chỉ dựa
vào điều đó thì không vững bền. Loại quan hệ thiên vị
dựa vào sự quan sát và nhận biết người đó là bạn, có
thể dẫn đến một sự gắn bó cảm xúc nào đó và cảm
nghĩ muốn gần gũi. Nhưng trong tình trạng ấy, chỉ cần có
một sự thay đổi nhỏ như bất hòa, hay người bạn làm điều
gì đó khiến cho bạn tức giận, thì đột nhiên tất cả
dự định tinh thần đều thay đổi, khái niệm “bạn tôi”
không còn nữa. Rồi bạn sẽ thấy sự gắn bó cảm xúc đó
tan biến, và thay vì cảm giác thương yêu, lo lắng, bạn có
cảm nghĩ căm ghét. Cho nên loại tình yêu dựa vào sự quyến
luyến, có thể dính chặt chẽ với hận thù.
Nhưng
có một loại tình thương thứ hai, không có sự gắn bó quyến
luyến như thế. Đó là từ bi chân chính. Loại từ bi này
không dựa nhiều vào việc người này hay người kia thân mật
với tôi. Đúng hơn là, từ bi chân chính dựa vào nhân tố
căn bản là tất cả mọi người đều có một ham thích bẩm
sinh là muốn hạnh phúc và khắc phục khổ đau, như chính
tôi. Và cũng giống như chính tôi, tự nhiên họ có quyền
thực hiện niềm khao khát căn bản này.
Trên
cơ sở nhận định sự bình đẳng và tính phổ biến của
con người, bạn phát triển ý thức quan hệ và gần gũi với
người khác. Trên cơ sở đó, bạn cảm thấy tình thương
nảy nở, dù bạn nhìn người khác là bạn hay thù cũng vậy.
Nó căn cứ trên quyền căn bản của con người, hơn là dự
tính tinh thần riêng của bạn. Đó là từ bi chân chính.
Như
vậy, ta có thể thấy cách phân biệt giữa hai loại tình thương
này và sự trau giồi lòng từ bi chân chính rất là quan trọng
trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn, trong hôn nhân thường
có thành phần gắn bó tình cảm luyến ái. Nhưng tôi nghĩ
rằng nếu có thành phần từ bi chân chính, dựa vào vào sự
tôn trọng lẫn nhau như hai con người, hôn nhân sẽ lâu dài.
Trong trường hợp gắn bó tình cảm mà không có từ bi, hôn
nhân sẽ không vững vàng và có thể chấm dứt mau chóng hơn
“.
Giáo
sư Howard Cutler tiếp:
Trong
niềm thắc mắc rằng ý định phát triển một loại từ bi
khác, sâu rộng hơn, một loại từ bi có đặc điểm chung
là tách khỏi cảm nghĩ cá nhân, dường như giống một nhiệm
vụ quá nặng, tôi hỏi đức Đạt Lai Lạt Ma:
– Nhưng
tình yêu và từ bi là cảm nghĩ chủ quan. Dường như sắc
thái tình cảm hay cảm nghĩ về tình yêu và từ bi thì cũng
như nhau, dù chúng có pha chút luyến ái hay “chân chính”. Vậy
nếu một người kinh qua cùng một cảm xúc hay cảm nghĩ giống
như thế trong cả hai loại, tại sao sự phân biệt giữa hai
loại lại quan trọng?
Bằng
một giọng dứt khoát, đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:
– Trước
nhất, tôi nghĩ rằng nét khác biệt giữa cảm nghĩ về lòng
thương yêu chân chính hay còn gọi là từ bi, đối với tình
thương yêu, căn cứ vào sự gắn bó. Nó không phải là cảm
nghĩ giống nhau. Cảm nghĩ về từ bi chân chính mạnh mẽ hơn
và rộng lớn hơn nhiều, nó có đặc tính rất sâu sắc. Ngoài
ra tình yêu trong từ bi chân chính vững vàng và đáng tin cậy
hơn nhiều. Thí dụ nếu bạn nhìn thấy một con vật đang
bị đau đớn hết sức, như con cá đang quằn quại vì lưỡi
câu, cùng lúc bạn có thể có cảm nghĩ không thể chịu đựng
được cái đau đớn như con cá đó. Cảm nghĩ đó không căn
cứ vào mối liên tưởng đặc biệt nào đến riêng con vật
đó, thí dụ như nghĩ rằng: “Ô, con vật đó là bạn tôi”.
Ở đây, lòng từ bi của bạn chỉ dựa vào một thực tế
là chúng sanh cũng có cảm giác đau đớn, và có quyền không
chịu cái đau đớn như vậy. Cho nên loại từ bi này không
hòa lẫn với ham thích và luyến ái, có cơ sở hơn, và lâu
bền hơn.
Đi
sâu vào chủ đề từ bi, tôi tiếp tục:
– Bây
giờ, theo thí dụ của Ngài, khi nhìn thấy một con cá hết
sức đau đớn vì lưỡi câu móc trong miệng nó, Ngài đã nêu
ra vấn đề chính yếu là hãy liên quan đến cảm nghĩ không
thể chịu đựng được cái đau đớn của con cá”
Đức
Đạt Lai Lạt Ma trả lời:
– Đúng!
Thực ra, trong một ý nghĩa nào đó, ta có thể định nghĩa
từ bi là cảm nghĩ không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy
những chúng sanh khác khổ đau. Và để có được cảm nghĩ
ấy, ta phải cảm nhận được tính chất nghiêm trọng hay
trạng thái đau khổ của người khác. Vì vậy, tôi nghĩ là
càng thấu triệt sự đau khổ, các loại đau khổ mà chúng
sinh phải chịu, thì mức độ từ bi càng sâu.
Tôi
lại hỏi:
– Vâng,
tôi cũng thấy rằng càng nhận thức được khổ đau của
người khác thì càng có thể nâng cao khả năng nảy sinh tâm
từ bi. Thực ra, theo định nghĩa, tâm từ bi đòi hỏi mở
rộng lòng mình trước sự khổ đau của người khác và chia
sẻ nỗi khổ đau với họ. Nhưng tôi lại có một câu hỏi
căn bản hơn: “Tại sao chúng ta lại phải chạnh lòng trước
nỗi đau khổ của người khác, muốn chia sẻ với họ, mà
lại không quan ngại đến sự đau khổ sẽ tới với chính
chúng ta?” Tôi muốn nói là đa số chúng ta sẵn sàng làm
mọi việc để tránh cái đau khổ cho chính mình, thậm chí
đến chỗ dùng ma túy vân … vân… Tại sao chúng ta lại muốn
chia sẻ với người khác nỗi đau khổ của họ?
Không
chút ngập ngừng, đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:
– Tôi
nghĩ rằng có sự khác biệt quan trọng giữa cái khổ đau
của chính mình và cái khổ đau mà bạn có thể nếm trải
trong trạng thái từ bi, khi bạn quyết định chia sẻ niềm
đau của người khác — khác biệt trong tính chất.
Ngưng
một chút, dường như muốn dành thời gian cho cảm nghĩ riêng
tư của tôi, Ngài tiếp tục:
– Khi bạn nghĩ về đau khổ của chính bạn, bạn có cảm giác
hoàn toàn bị lấn áp, có cảm giác nặng trĩu, bị cái gì
đó dồn ép — một cảm tưởng bất lực, có một sự buồn
nản, cứ như thể là tất cả năng lực của bạn đã trở
thành tê liệt.
Bây
giờ, để phát triển lòng từ bi, khi bạn chia sẻ cái khổ
đau của người khác, thì bước đầu bạn cũng có thể thấy
khó chịu ở một mức độ nào đó, một cảm giác bực bội
hay không chịu đựng nổi. Nhưng từ từ, khi lòng từ bi đã
nhuần nhuyễn thì cảm giác lại khác hẳn, bên dưới cảm
nghĩ khó chịu là tính hoạt bát quyết tâm ở mức độ rất
cao, do bạn tự nguyện và chủ ý chấp nhận cái khổ đau
của người khác vì mục đích cao cả hơn. Bạn sẽ thấy
liên đới và ràng buộc, chìa tay ra giúp người khác, một
cảm giác sảng khoái chứ không buồn nản. Giống như người
lực sĩ trong khi tập luyện nghiêm ngặt, họ phải trải qua
nhiều thứ — lập kế hoạch, đổ mồ hôi, gắng sức. Tôi
nghĩ rằng nếm trải điều đó đúng là khó nhọc và mất
nhiều công sức. Nhưng người lực sĩ không coi đó là sự
nếm trải khổ đau. Anh ta hiểu điều đó là một thành quả
to lớn, một sự nếm trải liên kết với cảm giác vui sướng.
Nhưng nếu cũng con người ấy, mà lại phải làm công việc
lao động thân thể, mà không phải là một phần tập luyện
thể thao, thì anh ta sẽ nghĩ rằng: “Ồ, tại sao tôi phải
chịu sự thử thách khủng khiếp này?” Vì vậy, thái độ
tinh thần gây ra sự khác biệt to lớn.
Với
cách phát biểu quả quyết như vậy, đức Đạt Lai Lạt Ma
đã khiến tôi hiểu thấu đáo hơn về sự chia sẻ nỗi đau
khổ với mọi người.
Như
đã hứa trong khi đàm đạo, đúng theo lời Ngài, đức Đạt
Lai Lạt Ma kết thúc bài giảng trước công chúng bằng một
cuộc hành thiền về từ bi. Đó là một bài tập đơn giản.
Tuy vậy, bằng lối nói mạnh mẽ và tao nhã, dường như Ngài
đã tóm tắt và kết tinh lại cuộc thảo luận về từ bi
trước đây, biến nó thành một buổi thực tập chính thức
trong năm phút, trực tiếp vào ngay đề tài.
Ngài
nói:
– “Muốn
phát triển tâm từ bi, bạn hãy bắt đầu bằng cách công
nhận bạn không muốn khổ đau và bạn có quyền được hưởng
hạnh phúc. Điều này có thể được kiểm chứng bằng kinh
nghiệm của bạn. Rồi bạn công nhận những người khác,
cũng giống như bạn, cũng không muốn khổ đau và cũng có
quyền được hưởng hạnh phúc. Đó chính là nền tảng cơ
bản để bạn phát triển lòng từ bi.
Vậy
thì, ngay bây giờ, chúng ta hãy thiền định về từ bi. Các
bạn hãy tưởng tượng đến một người đang rất đau khổ,
hoặc đang ở trong một tình trạng rất bất hạnh. Trong ba
phút đầu thiền tập, bạn hãy suy ngẫm về nỗi đau khổ
của cá nhân đó một cách sâu sắc, hãy nghĩ rằng họ
đang đau khổ tột cùng, đồng thời nghĩ tới hoàn cảnh bất
hạnh mà người ấy đang phải chịu đựng. Sau khi lắng tâm
đến sự đau khổ của người ấy trong vài phút, kế đến,
cố gắng liên hệ chuyện đó với bản thân, nghĩ rằng người
này cũng đáng được hưởng niềm vui, hạnh phúc, và cũng
đau khổ như mình đau khổ. Rồi bạn hãy để cho tình thương
hồn nhiên trong lòng bạn phát huy, hãy nghĩ xem bạn mong muốn
người ấy thoát khỏi khổ đau mạnh đến đâu. Hãy quyết
định rằng mình phải tìm cách giúp cho người đó thoát khỏi
khổ đau. Cuối cùng, hãy trụ tâm vào quyết định. Và trong
mấy phút cuối cùng của buổi thiền tập, các bạn hãy cố
gắng phát triển tâm mình trong trạng thái từ bi hay thương
yêu.”
Với
lời giảng trên, đức Đạt Lai Lạt Ma khoanh chân ngồi trong
tư thế thiền định, hoàn toàn bất động. Ngài hành thiền
cùng với cử tọa. Một sự im lặng hoàn toàn. Nhưng có điều
gì đó đang khơi dậy trong khi ngồi ở cuộc họp sáng hôm
đó. Tôi nghĩ rằng cả đến người cứng cỏi nhất cũng
không thể không có ấn tượng gì, khi bị vây quanh bởi một
nghìn rưởi người, mỗi người đều ôm ấp tư tưởng từ
bi trong tâm.
Sau
một vài phút, đức Đạt Lai Lạt Ma thốt lên một câu kinh
bằng tiếng Tây Tạng, giọng của Ngài êm êm, nhịp nhàng,
lên bổng xuống trầm, gây lắng dịu và khoan khoái.
Thưa
quý thính giả,
Trên
đây là lời khai thị về thực tập lòng từ bi của đức
Đạt Lai Lạt Ma. Trong niềm vui dù đã cách thời Phật lâu
xa, mà vẫn còn được hưởng những lời giảng dạy để
phát triển Tâm Từ Bi Hỷ Xả, chúng tôi xin kính gửi tới
quý thính giả bài pháp với lời cầu chúc chân thành, chúc
chúng ta sẽ luôn luôn thực tập để chuyển hóa Tâm, đúng
theo Phật pháp.
Ban
Biên Tập
Bài
này đã được phát thanh trên làn sóng AM
1480 (KVNR) tại Nam California
ngày 18-2-2006 và ngày 19-02-2006 trên làn sóng AM1520
(KYND) &
AM 880 (KJOJ) tại
Texas
Discussion about this post