Những người đã có lần qua Ấn thường kể với tôi là con đường dẫn đến bờ sông Hằng lúc nào cũng đầy phân bò và những kẻ cùng đinh chân đất. Người ta đến đó để ăn xin và tắm gội hoặc trầm mình trong dòng nước để được giải thoát. Tôi vẫn chưa hình dung được một vùng đất thiêng liêng cho những kẻ hành hương, một nơi tham quan cho du khách muốn khám phá nước Ấn Độ lại có thể như thế.
Và tôi đã đến sông Hằng vào một buổi sáng tinh sương. Mặt trời chưa mọc, nhưng đường sá đã chật cả người chen chúc nhau vừa tránh xe cộ vừa cố gắng không đạp vào những đống phân bò rải rác khắp mặt đường. Ngoài những kẻ ăn xin và những đàn bò đủng đa đủng đỉnh một cách vô trật tự giữa đường, còn có rất nhiều du khách, những kẻ hành hương đến chờ đợi bình minh, xem mặt trời mọc trên con sông thần thánh đó. Nước sông đục ngầu đầy rác rến. Tôi đứng ở phía bờ Tây. Dọc theo bờ là những thành quách lâu đài xưa cũ, nhưng hình như hoang phế, chẳng thấy người ở. Phía Đông, nơi mặt trời sẽ nhô lên, bờ sông Hằng chỉ là những cồn cát mênh mông hoang dã. Du khách và những kẻ hành hương thì thuê ghe, thả hoa trên sông để cầu nguyện và nhìn những người Ấn, hầu hết là tín đồ Ấn Độ giáo trầm mình một cách thiếu vệ sinh trong dòng nước đục ngầu bẩn thỉu. Thỉnh thoảng còn có những xác chết của người và thú vật lềnh bềnh trên sông chứ không chỉ là rác rưới, bởi vì người ta quan niệm rằng vứt tro sau khi hỏa thiêu hay thả trôi xác xuống sông Hằng thì người chết sẽ thoát được kiếp luân hồi.
Từ thuở xa xưa, Ấn Độ đã là một xứ sở nhiều tín ngưỡng và sông Hằng đã là một con sông thiêng liêng của người Ấn. Tôi nghĩ, chắc hẳn trên con đường theo những nhà tu khổ hạnh tìm đạo, Đức Phật cũng đã thử tắm gội một lần trên con sông này. Nhưng dĩ nhiên là Ngài không thể tìm thấy sự giải thoát như những con người vô minh kia vẫn còn mơ hồ trong suốt nhiều thế kỷ qua và mãi cho đến bây giờ. Và Ngài đã từ bỏ những lối tu khổ hạnh u mê sai lầm, tự mình tìm ra con đường đạo để giải thoát cho chúng sanh. Ngày nay, trong hang đá mà Đức Phật đã từng ngồi khổ hạnh, vua Asoka cũng đã cho làm một pho tượng của Ngài, chỉ còn da bọc xương, để kỷ niệm.
Sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn đã đi hơn cả trăm cây số, tìm Kiều Trần Như và những người trước đây đã từng tu khổ hạnh cùng với Ngài để thuyết pháp và giải thoát cho họ tại vườn Lộc Uyển. May mà khu vườn này đến nay vẫn được chăm sóc kỹ lưỡng. Cây cỏ còn xanh tươi và những lối đi rất đẹp. Người ta dựng lại tượng Đức Phật đang thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như làm cho không gian khu vườn này được chút ấm áp, nhất là ngôi tháp Dhamekh được xây từ thời vua Asoka làm cho Lộc Uyển trở nên thiêng liêng hơn. Ở đây, bộ kinh Chuyển pháp luân được khắc vào bia đá bằng nhiều thứ tiếng. Nếu mấy trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt mà không có vua Asoka ghi dựng lại công đức của Ngài, thì sau sự tàn phá của Hồi giáo, ngày nay chúng ta chẳng còn thấy được gì nhiều những nơi chốn Đức Phật đã đi qua. Ngay như khu Kỳ Viên mà Ngài Cấp Cô Độc đã trả cả trăm ngàn đồng tiền vàng mới mua lại được từ người con trai của vua Ba-tư- nặc để cúng dường cho Đức Phật ở Xá-vệ, vốn là một đạo tràng hưng thịnh lúc ĐứcThếTôn còn tại thế, hay khu vườn Lâm-tỳ-ni ở Nepal, nơi Hoàng hậu Maya sinh hạ thái tử Tất- đạt-đa, cũng chỉ còn những dấu vết tu viện, là những nền gạch, và một ngôi tháp của vua Asoka để lại mà thôi. Sách vở không thấy nói đến nhiều, nhưng nhà vua này đúng là một nhân vật đáng được xưng tụng.
Ở Nepal, một buổi chiều tôi đứng ở cửa Đông thành Ca-tỳ-la-vệ, tưởng như đang nhìn theo bóng dáng của Thái tử Tất-đạt-đa cúi mình trên con ngựa Kiền-trắc, vượt qua hào sâu, bỏ lại cung vàng điện ngọc vào đêm khuya khi mọi người còn an giấc. Con sông A-nô-ma giờ đây cũng không còn vết tích, nói chi đến cung điện thành Ca-tỳ-la-vệ của vương quốc vua Tịnh-phạn ngày xưa. Tất cả còn sót lại chỉ là những nền gạch đổ nát giữa những gốc cổ thụ già nua. Hai mươi lăm thế kỷ qua rồi mà hình ảnh Thái tử Tất-đạt-đa như vẫn còn chập chờn mơ hồ đâu đó. Nhưng hai mươi lăm thế kỷ qua cũng không thay đổi được chút nào đời sống cơ cực của giai cấp cùng đinh ở Ấn Độ, mới thấy tiếc thương cho sự hy sinh cao cả của Ngài.
Khắp nơi trên con đường từ Nepal (trước đây cũng thuộc Ấn Độ) về Bồ-đề Đạo tràng (Bodhgaya) chừng một ngày đường, phần đông dân chúng sống trong những căn nhà vách đất. Ruộng mênh mông nhưng ít thấy lúa mà chỉ toàn mía lau. Bò là một loài vật thiêng liêng, không để ăn thịt, chỉ lấy sữa. Bò sống chung với người, cùng đẳng cấp với người. Riêng phân bò được làm thành từng bánh đắp lên phía ngoài tường nhà cho khô, đem làm chất đốt thay củi. Nếu không đến đây thì không thể nào hình dung giữa thế kỷ 21, một đất nước như Ấn Độ lại có thể có cái cảnh ngay giữa nhà, những người phụ nữ ngồi chung quanh một đống phân bò, dùng tay đắp phân thành những bánh tròn trước khi đem ra phơi nắng. Ấn Độ có rất nhiều cây vì người ta không đốn cây. Không những thế, người ta vẫn tiếp tục trồng cây khắp nơi và được bảo vệ bằng những viên gạch sắp thành hình trụ rất công phu. Người Ấn Độ giáo cho là trong cây cũng có thần linh nên họ không đốn cây làm nhà, làm củi. Điều này làm cho khắp Ấn Độ đầy những cổ thụ đẹp lạ thường. Có một điều lạ là bên cạnh những căn nhà lụp xụp, thỉnh thoảng cũng có những căn nhà gạch, nhưng chỉ xây dở dang bốn bức vách, chẳng có người ở. Hay là người Ấn ở giai cấp nghèo khổ này luôn luôn cam chịu số phận của những kẻ cùng đinh, không có quyền hưởng những tiện nghi sung sướng. Có lẽ như thế thật, vì trên những gương mặt đen đủi kia, chỉ thấy sự nghèo khó, mà chẳng thấy được một nét khổ đau nào. Ngay cả áo quần của họ cũng nhiều màu sắc sặc sỡ vui tươi. Buổi sáng, mỗi người cầm một chai nước ra ngoài đồng làm vệ sinh, vì không thể nào có giấy, và cũng chẳng có nhà nào có nhà vệ sinh. Người ta sống một cách rất… vô sản. Chết thì hỏa táng hoặc quẳng xác và tro vào rừng. Họ tin rằng không có luân hồi và sau khi chết sẽ được lên thiên đường. Thảo nào đi qua ở đâu cũng thấy rất nhiều quạ, một loài có họ hàng xa của giống kên kên, chuyên rỉa xác người chết.
Dân số Ấn Độ hơn cả tỷ và có thể hơn một nửa có kiếp sống như thế. Giai cấp và tín ngưỡng là những lý do khiến nhà nước không cần phải bận tâm nhiều về việc cải thiện đời sống của người dân. Hai người lái xe cho chúng tôi đều thuộc giai cấp thấp kém. Họ không được quyền dùng máy lạnh trong xe. Giữa lái xe và khách được ngăn bằng một lớp kính, có cửa thông thương. Họ không được bước chân vào khách sạn. Không được quyền hưởng nhiều thứ khác, có lẽ kể cả quyền… tư duy và lý luận. Không có tư duy thì không thể nào ngộ ra chân lý được. Đó cũng là lý do để giải thích tại sao Phật giáo không thể phát triển ở chính cái đất Đức Phật đã sinh ra và thành đạo. Lúc còn tại thế, Ngài đã cố gắng xóa bỏ sự bất công đó. Chung quanh Ngài, những đại đệ tử, phần đông cũng là những người thuộc giai cấp Bà-la-môn cao quý. Nếu thời đó, những người cùng khổ không được phép đến gần một người Bà-la-môn, thì Đức Phật đã đi khất thực để cho phép những người cùng đinh được gần gũi. Ngài đã độ cho một kẻ gánh phân trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Thực ra, Ấn Độ cũng có những tỷ phú và nhiều kẻ giàu có. Ấn Độ cũng là một quốc gia cường thịnh, có nhiều ngành công nghiệp hàng đầu thế giới.Trong các thành phố lớn, xe cộ nườm nượp, nhà cửa chọc trời. Tuy nhiên, so với cả tỷ dân thì đó chỉ là một thiểu số quá ít ỏi.
Tôn giáo nào cũng có một đấng thần linh để ban phước hay trừng phạt tín đồ, trừ Phật giáo. Đức Phật không có phép lạ cho chúng sanh mà chỉ có thể dẫn lối cho chúng sanh tìm con đường giải thoát cho bản thân mình. Đức Phật chỉ là một con người, nhưng là một con người đã giác ngộ. Thần linh thì không phải là một con người, mà là một thứ Thượng đế đầy quyền lực ở một cõi nào đó có thể ban phát ân huệ cho tín đồ, làm chỗ dựa cho tín đồ. Vì vậy mà đối với những kẻ vô minh thì thần linh vẫn đứng trên tất cả. Không thờ thần linh của họ nghĩa là chống đối họ, và đó cũng là lý do người Hồi giáo đã chủ tâm tàn sát Phật giáo từ xưa.
Hôm nay, tôi đến quỳ trước cây bồ-đề, bây giờ đã được rào lại bốn phía, mà lòng thấy được vô cùng an ủi. Nơi đây vẫn là chỗ thiêng liêng cho Phật tử. Ngày nào đêm nào cũng có hàng ngàn hàng vạn người đủ mầu da, quốc tịch từ khắp nơi đến tụng kinh quỳ lạy quanh cội bồ-đề, nơi Đức Phật đã ngồi bốn mươi chín ngày tham thiền và giác ngộ. Cây bồ-đề cổ thụ này tuy chỉ là con cháu của cội bồ- đề hơn hai ngàn sáu trăm năm trước, nhưng những tàng lá xòe ra đến cả mấy chục thước, oai nghi mà hiền dịu lạ thường. Ngồi đây, lại nhớ đến người thiếu nữ ở làng Sujata, người đã dâng bát sữa cho Đức Thế Tôn lúc Ngài sắp kiệt lực. Chỉ một sự cúng dường nhỏ nhoi, nhưng công đức vô lượng, đến vua Asoka cũng phải cảm động dựng một ngôi tháp trong ngôi làng Sujata để tưởng nhớ công đức của nàng. Con sông Ni-liên-thuyền lúc chúng tôi đi ngang qua vào mùa khô này cũng chỉ là một dải cát vàng chạy dài ngang qua ngôi làng của người thiếu nữ kia. Sau khi dùng bát sữa và được lại sức, Đức Phật đã từ bờ sông đi đến ngồi dưới gốc bồ-đề để tham thiền nhập định. Từ đó đến cội bồ-đề cũng không phải gần lắm. Tôi nghĩ đến những chặng đường Đức Phật đã đặt chân đến khắp nơi ở miền Bắc Ấn này mà cảm khái. Ngay cả đỉnh Linh Thứu, bây giờ thì con đường cho du khách tham quan, những kẻ hành hương lên núi, là một con đường lài lài lát đá, thỉnh thoảng có những bậc cấp, rất dễ đi, nhưng lên đến nơi cũng đã thấy ngút ngàn. Ngày xưa, thời Đức Phật còn tại thế, chỉ có những con đường mòn theo dốc núi, đầy những thú rừng rắn rết hiểm nguy. Đứng trên đỉnh Linh Thứu, bốn bề xanh ngát rừng núi và trời mây, thấy mình có được cái duyên đứng ở một nơi linh thiêng mà ngày trước Đức Thế Tôn đã từng ngồi đây để thuyết pháp cho các đại đệ tử những bộ kinh cao siêu như Bát-nhã, và Diệu Pháp Liên Hoa. Cũng nơi đây, vuaTần-bà-sa-la thường đến để gặp Đức Phật, và cũng đi bộ leo lên đỉnh núi.Tôi đứng đây mà trong lòng nảy sinh không biết bao nhiêu là khái cảm lâng lâng.
Nhưng rồi Đức Phật cũng phải rời cõi trần, bỏ lại đệ tử chúng sanh. Ngài cũng đã tiên đoán rằng đạo pháp cũng sẽ theo Ngài mà mai một dần dần, dù Ngài đã để lại rất nhiều báu pháp cùng những đệ tử xuất chúng có thể lưu truyền cho đời sau con đường giải thoát chúng sinh. Đức Phật đã nói: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi!”. Đứng trước biểu tượng nhập diệt của Đức Thế Tôn mà cõi lòng mênh mông một nỗi buồn man mác. Tưởng tượng ra ngày xa xưa đó, Ngài A-nan đã quỳ gối nơi đây cùng với một số đệ tử, khi hoàng hôn dần xuống. Đức Phật đã nói: “Đừng khóc” và tiếp tục giảng kinh cho đến lúc Ngài rời cõi Ta-bà, lên chốn Niết-bàn. Bây giờ, chúng Phật tử, sau khi hành lễ, chỉ có thể đắp một chiếc y lên pho tượng Ngài nằm, và đem chiếc y về cùng chia nhau để đặt lên bàn thờ như một dấu tích của xá-lợi mà thôi.
Bỏ xa hoa đi vào gian khổ, tìm con đường giải thoát chúng sanh, Đức Thế Tôn như một đấng cha lành. Chỉ đến đây, đứng trên cõi đất này, mới cảm nhận được điều đó.
Phật tử khắp nơi trên thế giới, ai cũng một lần mong được có ngày đến thăm những nơi thắng tích này như một lần trở về quê hương vào cuối cuộc đời xa xứ. Ai ai cũng đã biết những nơi này qua sách vở. Nhưng một lần đã được đặt chân đến đây, cái cảm giác gần gũi với Đức Thế Tôn không thể nào diễn tả được. Không có khoảng cách không gian, không có khoảng cách thời gian. Không phải ngước lên như để tìm một đấng thần linh ở một cõi xa xôi mơ hồ trên chín tầng mây. Đứng đây mà tưởng như Đức Phật đang đâu đó cạnh mình.■ (TC. Văn Hóa Phật Giáo 161)
Discussion about this post