TUỔI CỦA VŨ TRỤ:
KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO GẶP NHAU MỘT CÁCH TÌNH CỜ?
Tác giả: Lê Văn Lượng
Tôi tìm hiểu trên mạng Internet được thông tin sau đây: “Nhằm tìm hiểu tuổi thực của vũ trụ, các nhà khoa học xem xét các quan sát và đưa ra ước tính mới là 13,77 tỷ năm với khoảng chênh lệch là 40 triệu năm. Năm 2019, các nhà khoa học nghiên cứu chuyển động của thiên hà kết luận vũ trụ trẻ hơn hàng trăm triệu năm tuổi so với ước tính của Planck Collaboration, nhóm chuyên gia làm việc trong nhiệm vụ Planck của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Sử dụng dữ liệu từ đài quan sát không gian Planck, họ tính toán vũ trụ khoảng 13,8 tỷ năm tuổi. Tuy nhiên, nhóm nhà thiên văn học quốc tế đứng đầu là Đại học Cornell ở Mỹ sử dụng dữ liệu từ Kính viễn vọng vũ trụ học Atacama (ACT) ở Chile của Quỹ Khoa học Quốc gia và hình học vũ trụ để rút ra ước tính mới là 13,77 tỷ năm, trùng khớp với ước tính của Planck Collaboration, theo Simone Aiola, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Vật lý Thiên văn Vi tính của Viện Flatiron ở New York. Họ công bố kết quả nghiên cứu hôm 30/12/2020 trên tạp chí Cosmology and Astroparticle Physics.” Độc giả cũng có thể tìm hiểu thêm về Tuổi của vũ trụ trên Wikipedia. Bây giờ, tôi xin phép trình bày khám phá của mình về tuổi của vũ trụ theo kinh điển Phật giáo.
1. Về hệ thống thời gian trong Phật giáo.
Trong các bản luận giải của cả 2 truyền thống Bắc Tông và Nam Tông đều cùng đồng ý các điểm sau đây: – Các thế giới (vũ trụ) đều phải chuyển biến, sự vật hiện tượng, con người cũng đều phải chuyển biến. Trong kinh Phật gọi một chu kỳ của sự chuyển biến đó kéo dài trong một đại kiếp. Vậy kiếp là gì? Kiếp là thời kỳ rất dài, thật khó lấy số năm tháng ngày mà kể. Kiếp có ba thứ: Tiểu Kiếp, Trung Kiếp, Đại Kiếp. – Tiểu Kiếp: Lấy đời sống người ta 10 tuổi mà khởi sự, cứ qua 100 trăm thì đời sống thêm một tuổi, đến lúc đời sống người ta được “tối đa” năm đó là tăng kiếp chí cực. Rồi lấy đời sống của người ta “tối đa” tuổi mà tính, cứ qua 100 trăm thì đời sống bớt 1 tuổi, cho đến lúc đời sống người ta chỉ còn 10 tuổi, đó là giảm kiếp chí cực. Một kỳ tăng kiếp và một kỳ giảm kiếp như vậy cộng thành một tiểu kiếp. – Trung Kiếp: Lần lượt đủ 20 tiểu kiếp là tròn một trung kiếp. – Đại Kiếp: trải qua một trung kiếp thứ nhất, kêu là thành kiếp; trải qua một trung kiếp thứ hai, kêu là trụ kiếp; trải qua một trung kiếp thứ ba, kêu là hoại kiếp; trải qua một trung kiếp thứ tư, kêu là không kiếp. Cả bốn kỳ trung kiếp ấy cộng lại là trọn một đại kiếp. – Kiếp thành: Khi thế giới đã tiêu hoại, chỉ còn một khoảng hư không trống rỗng, trải qua một thời gian rất lâu xa. Do nghiệp lực của của chúng sinh, bấy giờ từ nơi không gian hiện ra đám mây to rộng che khắp một vùng lớn bằng khoảng Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Đám mây này chuyển biến qua các giai đoạn, đông tụ lại tạo thành thế giới. Tóm lại, kiếp thành là giai đoạn thế giới đang thành lập, thời gian này kéo dài 20 tiểu kiếp. – Kiếp trụ: Là chỉ khoảng thời gian thế giới đã thành có thể khiến cho chúng sinh được an trụ và thọ dụng. Tóm lại thời gian của kiếp trụ cũng gồm 20 tiểu kiếp. Mỗi tiểu kiếp khi tăng khi thịnh đều có bốn bậc Luân Vương ra đời. Lúc giảm cực đều có tiểu Tam Tai. – Kiếp hoại: Khi kiếp trụ đã mãn, thế giới bắt đầu hư hoại, đây gọi là kiếp hoại. Sự hư hoại xảy ra trên hai phương diện: Thú hoại và Giới hoại. Thú hoại là chỉ cho sự hư hoại của chúng sinh trong các thú tức là hữu tình giới. Lúc đó những chúng sinh nào có phước nghiệp liền được sanh về các tầng trời không hư hoại hoặc sinh về các thế giới khác tương xứng với nghiệp của mình. Những chúng sinh nghiệp nặng, sau khi thân xác tiêu hoại liền được chuyển sinh về các cõi ác đạo ở phương khác. Giới hoại là sự hư hoại của non sông vạn vật tức là thế giới. Trong kiếp hoại có Đại Tam Tai khởi lên thiêu huỷ vạn vật. Sự hoại diệt thế giới kéo dài trong 20 tiểu kiếp. – Kiếp không: Sau khi đã trải qua kiếp hoại, vạn vật bị tiêu tan, chỉ còn một khoảng không gian vô hình. Trạng thái này kéo dài trong 20 tiểu kiếp mới qua giai đoạn thành lập của thế giới tương lai. Thời kỳ này gọi là Không Kiếp. Không kiếp không có ngày đêm thời tiết làm sao để biết được là trải qua 20 tiểu kiếp. Đây là do trí huệ vô ngại của Đức Phật thấy suốt mười phương, so sánh với các cõi trời không hư hoại và kiếp trụ ở thế giới phương khác nên rõ biết thời gian ấy trải qua 20 tiểu kiếp. – Trong một đại kiếp, ba kiếp: Thành, Hoại, Không đều không có chúng sinh ở. Cảnh giới và hữu tình giới chỉ thể hiện đầy đủ trong kiếp trụ. Tuy nhiên có sự khác biệt về con số tuổi thọ “tối đa” của loài người trong 2 truyền thống Bắc Tông và Nam Tông: – Theo hệ thống kinh điển Hán Tạng, “tối đa” là tám vạn bốn ngàn. Có 2 cách hiểu “tám vạn bốn ngàn” trong ngôn ngữ Ấn Độ thời xưa. Có thể hiểu “tám vạn bốn ngàn” là con số 84.000 hoặc là vô cùng lớn, tức “tám vạn bốn ngàn” ám chỉ con số vô cùng lớn. – Theo hệ thống kinh điển Pali, “tối đa” là a-tăng-kỳ. Cũng có 2 cách hiểu “a-tăng-kỳ” trong ngôn ngữ Ấn Độ thời xưa. Có thể hiểu “a-tăng-kỳ” là con số 10^140 (số gồm 1 chữ số 1 và 140 chữ số 0) hoặc là vô cùng lớn, tức “a-tăng-kỳ” ám chỉ con số vô cùng lớn. Sự khác biệt giữa 2 hệ thống kinh điển nêu trên là do vấn đề ngôn ngữ hay yếu tố nào khác nữa, tạm thời xin để chúng qua một bên. Chúng ta cùng tìm hiểu về tuổi thọ chư Thiên trong cõi Dục theo kinh điển.
2. Về tuổi thọ chư Thiên ở Dục giới.
Theo kinh điển và các luận giải của cả 2 hệ thống Pali và Hán Tạng thì tuổi thọ chư Thiên Dục giới là giống nhau và như sau: – Trời Tứ Vương thọ 500 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 50 năm cõi người. – Trời Đao Lợi thọ 1000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 100 năm cõi người. – Trời Dạ Ma thọ 2000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 200 năm ở cõi người. – Trời Đâu Suất thọ 4000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 400 năm cõi người. – Trời Hoá Lạc thọ 8000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 800 năm ở cõi người. – Trời Tha Hoá thọ 16000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 1.600 năm cõi người. Chúng ta chỉ cần chú ý tới chư Thiên ở cõi Trời Đâu Suất vì ở đây hiện đang có Bồ tát Dilặc. Tuổi thọ chư Thiên cõi Đâu suất tính theo năm cõi người là: 4000*400*360= 576.000.000 (Năm trăm bảy mươi sáu triệu) năm.
3. Về Bồ tát Di-lặc
Theo kinh điển và các luận giải thuộc cả 2 truyền thống Bắc Tông và Nam Tông thì thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế (thời ấy tuổi thọ loài người là 100 năm), Ngài thọ ký cho tỳ kheo Ajita (A-dật-đa) tương lai thành Phật Di-lặc. Đức Phật Di-lặc sẽ kế tiếp Đức Phật Thích Ca giáo hóa chúng sanh sau khi Giáo Pháp của Đức Phật Thích Ca đã biến mất hoàn toàn trên thế gian (cõi người). Sau khi Bồ tát Ajita viên tịch thì Ngài hóa sanh ở cõi trời Đâu suất và Ngài ở đó cho đến khi hết tuổi thọ cõi trời mới tái sanh vào cõi người. Ngài tái sanh vào thời tuổi thọ loài người là 80.000 năm. Theo Chú giải kinh Lịch sử chư Phật (còn gọi là Phật Sử) thì chư Phật luôn xuất hiện vào thời Kiếp giảm và thời điểm loài người có tuổi thọ từ 100 đến 100.000 tuổi. Cũng theo bản chú giải này thì từ khi hình thành thế giới đến nay (hay trong Đại kiếp này) đã có 4 vị Phật xuất hiện tuần tự trong các thời kiếp giảm kế tiếp và Đức Phật Di-lặc là vị thứ 5 và là vị cuối cùng xuất hiện. Như vậy cách hiểu tuổi thọ “tối đa” là con số 84.000 và 10^140 đều không hợp lý, do đó chỉ có cách hiểu “tám vạn bốn ngàn” và “a-tăng-kỳ” là cùng ám chỉ một con số vô cùng lớn mới hợp lý.
4. Tuổi thọ “tối đa” là bao nhiêu?
Giả sử tuổi thọ “tối đa” của loài người là x. Ta có bài toán tìm x như sau: ((100-10)+(x-10)+(x-80.000))*100=576.000.000. Giải bài toán ta được x=2.919.960 (Hai triệu chín trăm mười chín nghìn chín trăm sáu mươi). Từ đó, ta tính được: – Thời gian 1 Tiểu Kiếp là 583.990.000 (Năm trăm tám mươi ba triệu chín trăm chín mươi nghìn) năm. – Thời gian 1 Trung Kiếp = 20 Tiểu Kiếp = 11.679.800.000 (Mười một tỷ sáu trăm bảy mươi chín triệu tám trăm nghìn) năm. – Thời gian 1 Đại Kiếp = 4 Trung Kiếp = 46.719.200.000 (Bốn mươi sáu tỷ bảy trăm mười chín triệu hai trăm ngàn) năm. Thời Đức Phật Thích Ca thuộc về kiếp giảm của Tiểu Kiếp thứ 4 do đó ta có thể lấy tuổi của vũ trụ từ lúc hình thành cho tới nay là 1 Trung Kiếp và 4 Tiểu Kiếp với sai số không đáng kể. Tuổi thọ vũ trụ hay thế giới mà ta đang ở là: 1 Trung Kiếp + 4 Tiểu Kiếp = 14.015.760.000 năm. Một năm trong thời Đức Phật theo kinh điển có 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày, tổng cộng 360 ngày. Một năm theo thời đại hiện nay khoảng 365,25 ngày. Như vậy tuổi của vũ trụ theo kinh điển tính bằng năm hiện nay là: 14.015.760.000*360/365,25 = 13.814.301.437 năm (xấp xỉ 13,8 tỷ năm). Chúng ta thấy con số này rất gần với con số tính theo khoa học hiện đại. Đây là sự tình cờ hay sự khẳng định rằng Phật Pháp bao gồm khoa học và vượt trên khoa học.
Discussion about this post