TỰ TỬ – CĂN BỆNH THỜI ĐẠI
Nam Phương
Vừa mới nghe tin nhà thiết kế người Mỹ nổi tiếng là Kate Spade 55 tuổi tự tử bằng cách treo cổ ở New York vào sáng ngày 5-6 vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng, thì tiếp theo ngày 6-6 có tin em gái Hoàng hậu Maxima của Hà lan là cô Ines Zarraeguicta 33 tuổi người xứ Argentina cũng vừa tự tử bằng cách thức tương tự, đến ngày 8-6 lại có một nhân vật khác vô cùng nổi tiếng, đầy cá tính mạnh mẽ là đầu bếp Anthony Bourdain 61 tuổi cũng vừa tìm đến cái chết bi thương như vậy. Sự bất quá tam với những tin tức trong mấy ngày qua đã mang lại nhiều nỗi bàng hoàng, tiếc thương và đầy cảm xúc cho thân phận một con người. Không chỉ vậy mà đây còn là những con người thông minh, tài giỏi được cuộc đời ưu đãi với nhiều danh vọng, vật chất dư thừa nhưng vẫn mang trong lòng những nỗi buồn chán, không niềm vui, hạnh phúc phải tìm đến cái chết để tự kết liễu đời mình.
Chắc hẳn mọi người cũng chưa quên cái chết của danh hài Robin William hồi năm 2014 và còn biết bao nhiêu ngôi sao Hàn quốc mới đây nữa, vừa trẻ trung, xinh đẹp lại đang ở trên đỉnh cao danh vọng, bỗng nhiên một ngày cũng tìm đến cái chết, để lại bao nhiêu tiếc thương cho các fan hâm mộ. Đây cũng chỉ là một trong những vụ tư tử mà chúng ta biết đến vì họ là những nhân vật nổi tiếng, trong khi thực tế mỗi ngày ở Nhật bản hay Hàn quốc là nơi đất nước có nền kinh tế, khoa học phát triển, người dân có mội trường sống tốt, được tự do thoải mái lại cũng không thiết tha với cuộc sống, mà theo thống kê số lượng người tự tử ở hai quốc gia này cao nhất thế giới. Tuy nhiên hiện nay thì không chỉ Nhật bản hay Hàn quốc, mà có thể nói ở khắp nơi trên thế giới việc tự tử dường như không còn là chuyện lạ khi con người gặp phải những rắc rối trong cuộc sống đều muốn tìm cách tự hủy hoại mình để trốn thoát thực tại. Riêng ở Mỹ chuyện tự tử cũng đang được báo động và cũng là một vấn nạn từ lâu làm chính phủ đau đầu phải đưa ra nhiều biện pháp, chương trình cũng như có Đường dây ngăn chận tự sát quốc gia của Mỹ 1(800) 273 TALK (8255) để luôn sẵn sàng giúp đỡ cho những con người yếu đuối, tuyệt vọng toan tìm đến cái chết để giải tỏa mọi uẩn khúc trong cuộc sống, nhất là sau cái chết của nhà thiết kế Kate Spade và nay là Anthony Bourdain. Điều đáng nói nữa là hiện nay tự tử không còn giới hạn trong phạm vi tuổi tác mà đang có khuynh hướng xuống dần ở những độ tuổi vị thành niên, rất nhiều gia đình ở Mỹ đang phải đối mặt với chuyện con cái không còn muốn sống cho dù chung quanh có gia đình, bạn bè thương yêu như trường hợp điển hình xảy ra ở trường học Texas hôm 18-5 vừa qua. Nhiều gia đình gặp phải hoàn cảnh này phải dấu hết tất cả dao kéo hay vật nhọn có thể gây hại, nhưng thật sự cũng không phải dễ dàng để ngăn chận một khi ý định tự tử đã có sẵn trong tâm của con người. Khoa học thì giải thích rằng đây là một trong những chứng bịnh ung thư thuộc về não bộ, nhưng dù thế nào thì việc tự tử vẫn luôn là những di chứng vô cùng đau buồn để lại cho những người thân yêu.
Có rất nhiều nguyên nhân, lý do để dẫn đến cái chết, ngoại trừ trường hợp của những người mang chứng bệnh về tâm thần, nghiện ma túy hay nghiện rượu, còn phần lớn hầu như những vụ tự tử thường xảy ra cho những người hoàn toàn tỉnh táo, bình thường, thế nhưng đến một lúc nào đó khi tâm thức bị rối loạn, mất ổn định, không kiểm soát thì chỉ cần gặp những điều nghịch ý, không vừa lòng cũng có thể dẫn đến việc tự tử. Bên cạnh vô vàn những lý do trên theo một số nhà nghiên cứu còn có một vài lý do rất kỳ lạ như khi con người cảm thấy tự mãn, kiêu căng, thấy chung quanh không có ai vừa lòng, hợp ý, không gần gũi chia sẻ được, có cảm giác cô đơn, lạc lõng cũng là điều có thể đưa đến việc tự tử. Trong lịch sử Trung quốc có một nhân vật tên Khuất Nguyên mà sử liệu ghi rằng ông là một nhà thơ, là quan đại thần đời Sở Hoài Vương, có tài thi ca, học rộng nhớ nhiều, có chí khí nhưng cao ngạo. Khi ra làm quan gặp lúc vua không anh minh nghe lời dèm pha, xu nịnh không còn trọng dụng ông nữa, bất đắc chí ông thường ta thán rằng đời sao toàn những hạng người vẩn đục chỉ riêng mình ta trong, đời sao lắm kẻ say chỉ riêng mình ta tỉnh, rồi u uất trầm mình xuống dòng sông Mịch la vào ngày 5 tháng 5 Âm lịch năm 278 TCN, dân gian sau này thường gọi ngày đó Tết Đoan ngọ. Có thể nói đây là vụ tự tử điển hình sớm nhất hành tinh.
Tuy nhiên đối với đạo Phật tự tử được xem là điều vô cùng cấm kỵ cho dù bất cứ lý do gì, bởi tự tử là đồng nghĩa với sát sinh cho nên tự sát chính sinh mạng của mình cũng là phạm vào một trong năm giới mà người Phật tử đã quy y Phật phải luôn thọ trì Tam quy và Ngũ giới. Khi Phật còn tại thế trong lúc giảng nói về sự uế trược, bất tịnh của thân tứ đại, có nhiều vị tỳ kheo không thấu hiểu lời dạy của Phật đã vin vào đó sinh tâm oán ghét xác thân, từ chối và muốn hủy hoại chúng, nên sau buổi giảng pháp nhiều vị tỳ kheo thiển cận liền đi tự tử, Phật biết được Ngài rầy và đưa vào giới luật, tự tử là phạm giới.
Thật sự “ Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn.” Thân người khó được Phật pháp khó nghe, là những gì Đức Phật thường nhắc nhở bởi không dễ gì có được thân người và cũng không dễ gì gặp được Phật pháp. Theo Phật, học Phật, hành theo những gì Phật dạy không phải là điều dễ dàng. Thống kê cho thấy số phần trăm người theo đạo Phật trên thế giới không nhiều như các tôn giáo khác bởi sự cần thiết phải có : lòng từ bi, sự hy sinh, nhẫn nại và đặc biệt phải có trí tuệ phân tích chứ không dựa vào đức tin mù quáng. Vì vậy ngay cả ở Ấn độ nơi Đức Phật chào đời và cũng là nơi sản sinh đạo Phật với nhiều di tích còn đậm nét Phật giáo ở đây nhưng người dân Ấn lại không có duyên lành đi cùng đạo Phật, cho đến hôm nay xã hội Ấn vẫn còn đầy dẫy bất công, giai cấp. Đức Phật cũng dạy trong Tam đồ Lục đạo tức là ba cõi, sáu đường mà chúng sanh sẽ xoay vần trong luân hồi bất tận, thì chỉ có cõi ta bà dục giới, cõi người này mới là nơi mà chư Phật có thể giáng sinh và cũng chỉ ở cõi ta bà này con người mới có cơ duyên tạo lập những phước lành. Dĩ nhiên như Đức Phật đã nói trong bài pháp đầu tiên Tứ diệu đế về cõi ta bà này cũng là nơi đầy dẫy những khổ đau mà mỗi con người muốn vượt thoát phải tự vươn lên bằng con đường Bát chánh đạo, Ngài không chỉ cuộc đời là bể khổ suông để rồi đau buồn trong bế tắc, mà giúp con người bằng nhiều cách để thoát khổ. Thực tế đó là chánh niệm, hành thiền, quán chiếu, rải tâm từ… đến muôn loài, muôn vật. Vạn pháp duy tâm tạo, Đức Phật cho thấy tâm con người tạo ra đủ thứ cảnh giới, thiên đường, địa ngục, khổ đau, hạnh phúc rồi tự đau khổ và lừa dối chính mình khi rơi vào trạng thái tâm bất ổn, hoang mang, không có niềm tin tâm linh, không có mục đích sống cao thượng con người cũng dễ chán nản mà tìm đến cái chết. Đã sinh ra là con người thì điểm cuối cùng của đời người cũng chỉ là cái chết, không ai thoát được định luật tự nhiên này, cho nên điều quan trọng khi còn sống phải luôn biết trân quý cuộc sống, lạc quan yêu đời, kiểm soát tâm, thực hành quán chiếu, chánh niệm tỉnh thức như lời Đức Phật dạy là cách tốt nhất để có sự bình yên, an lạc.
Discussion about this post