CỦA ÔN GIÀ LAM
Tâm Không Vĩnh Hữu
Vào một ngày cuối năm 2008 không khí chộn rộn, tôi đi vào con hẻm nhỏ lặng lẽ giữa phố chợ Nha Trang để ghé thăm và hầu chuyện nữ sĩ Trinh Tiên, tức nhà thơ Tâm Tấn, người đã có mặt trong pho sách đồ sộ “Nữ sĩ Việt Nam, Tiểu sử & giai thoại Cổ-cận-hiện đại” của Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền (Nxb Văn Học – 2006). Đập vào mắt tôi là một khung ảnh khổ 40x80cm được chưng trang trọng trên đầu chiếc tủ đứng cũ xưa đặt ngay cửa ra vào căn phòng. Bức ảnh được lộng trong khung kính tuy không màu mè sặc sỡ, không cường điệu cách tân, chỉ là những nét bình dị đơn sơ, mộc mạc thâm trầm, nhưng dường như luôn sẵn có một lực từ trường cuốn hút tất cả đôi mắt những ai mang trong mình chút tâm hồn yêu mê nghệ thuật, say tìm Chân Thiện Mỹ. Một tác phẩm lạ thường ngay từ bố cục hình thức.
Bức ảnh được chia làm 3 phần nằm theo chiều ngang. Chính giữa là hình ảnh của những nhánh phong lan hoa đã mãn khai vàng rực. Bên trái là một bài thơ “Cảm đề Tám nhánh Phong Lan” được viết bằng thư pháp tiếng Việt uyển chuyển. Bên phải là bản dịch tiếng Anh của bài thơ, cũng được trình bày bằng những nét bay bướm độc đáo của thư pháp. Tò mò, tôi dò hỏi nữ sĩ về ý nghĩa và xuất xứ của tác phẩm lạ thường này, thì ngay sau đó, tôi cũng không ngờ rằng mình được phiêu du những bước thanh thản nhẹ nhàng vào một cõi đầy ắp thi ca lẫn đạo vị của thời dĩ vãng cách đây đã gần 35 năm…
Vào năm 1974, khi cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, còn được Tăng Ni-Phật tử gọi một cách tôn kính gần gũi là Ôn Già Lam, đang trong thời gian dài hoằng pháp tại Nha Trang và miền Trung, tạm an trú ở chùa Hải Đức, nơi có Phật học viện Trung Phần, trên ngọn đồi Trại Thủy. Phía bên ngoài, bên thềm hiên tịnh thất của Hòa thượng là những khóm hoa chậu kiểng chen chúc nhau để hàng ngày được sự chăm sóc nâng niu của một bậc chân tăng đạo hạnh. Trong số đó có một giò phong lan rừng, thuộc giống hoàng lan, với những nhánh lá xanh tươi bám sâu vào một gốc gây mục, được Hòa thượng quan tâm chăm sóc ưu ái hơn hết. Vào hạ, mùa an cư của Tăng Ni đến, phong lan khai hoa, nở đến tám nhánh rộ vàng rất trang nhã, hương ngát thanh tao, tràn đầy sức sống. Bấy giờ, nữ sĩ Tâm Tấn lên vãn cảnh chùa với chiếc máy ảnh mang theo, được các Hòa thượng Đỗng Minh, Trừng San, Phước Châu chỉ cho biết về “giò phong lan của Ôn trổ hoa”, rồi khuyến khích bà chụp ảnh để ghi lại nét đẹp hiếm thấy đó. Sau khi chụp xong, bức ảnh hoa phong lan này được nữ sĩ phóng to khổ 50x70cm tại tiệm ảnh Quang trên đường Quốc lộ I (nay là đường 2 tháng 4), đem lồng vào khung kính, rồi cung kính mang lên cúng dường để Hòa thượng treo trên tường làm kỷ niệm. Hòa thượng khen ảnh đẹp, bắt được cái thần và cái dáng xuất thế của hoa, nhưng chưa hài lòng vì thấy còn thiếu một thứ mà Hòa thượng, cũng như nữ sĩ luôn sẵn có: thi ca! Hòa thượng “ra lệnh” cho nữ sĩ phải làm một bài thơ “cảm tác đề vịnh” về “Tám nhánh hoa Phong Lan” hiếm hoi này. Y giáo phụng hành, nữ sĩ trở về, và sau đó vài ngày đã mang dâng lên Hòa thượng bài thơ “Cảm đề Tám nhánh Phong Lan” mà bà đã phải thao thức mấy đêm vắng lặng để chiêm nghiệm suy tưởng, hạ bút phóng chữ nên thơ. Bài thơ nguyên văn, các chữ được viết hoa vẫn giữ như sau:
Ôi, hoa vàng lá lục
Bát ngát lụa Hoàng Vương
Nghiêng say vườn Gió Trúc
Bồi hồi sương Kim Cương
Hợp Tướng trong Cội Mục
Biệt duyên Tám Nhánh Hương
Gốc trầm rung Đạo Đế
Bát Chánh Đạo Diệu Thường
Nhẹ nhàng buông dáng sắc
Uyển chuyển tỏa thiền hương
Rợp y Kinh hành tụ
Biến hiện giữa Vô Thường.
(Tâm Tấn- Mùa an cư 2518)
Hòa thượng đọc bài thơ cảm đề xong thì rất thích thú, ra chiều tâm đắc. Chư vị cao tăng ở chùa Hải Đức cũng đều tấm tắc ngợi khen thi phẩm xuất thần này. Lúc đó chưa có thư pháp tiếng Việt như bây giờ, nên bài thơ được viết lại bằng kiểu chữ đẹp lên trên bức ảnh “Tám nhánh Phong Lan”. Cặp “ảnh-thơ” này được Hòa thượng cho treo trên vách tường, ngay trên khung cửa ra vào trong nhà Tổ, nếu ai vào lạy chư Tổ, khi trở ra sẽ được nhìn thấy rõ ràng…
Từ một gốc cây qua thời gian hứng chịu nắng mưa đã mục ruỗng theo lẽ thường sinh- trụ- hoại- diệt, tám nhánh hoa phong lan đã mãn khai hiển hiện giữa cuộc đời bi lụy này cũng như bao giàn hoa khóm hoa khác, nhưng đây là hoa của Đạo, và hoa đã hội đủ nghiệp duyên đặc biệt để hòa nhập vào dòng trầm bổng của thi ca mà vượt thoát tỏa hương, mà an nhiên trong thánh thiện siêu phàm:
Hợp Tướng trong Cội Mục
Biệt duyên Tám Nhánh Hương
Biệt duyên của hoa kiếp này có được cũng từ nhiều nghiệp duyên của kiếp trước, đều xuất phát từ mạch nguồn Phật pháp huyền nhiệm vô biên. Chính vì lẽ đó, khi hoa xuất hiện giữa trần đời mới chọn ngay chốn Già lam Thánh chúng mà sinh trụ, khoe sắc tỏa hương. Hoa đã là “kim cương bất hoại”, nên ngay cả những giọt sương sớm đọng trưa tan cũng hóa thành kim cương bồi hồi sinh động trên nhánh lá cánh hoa, và ngay cả gốc cây mục bình thường thân mộc cũng hóa thành trầm hương thơm ngát:
Gốc trầm rung Đạo Đế
Bài pháp đầu tiên của Đức Phật về “Tứ Diệu Đế” (Khổ -Tập –Diệt- Đạo) được xuất hiện một cách bất ngờ bằng sự rung cảm của gốc trầm mà ai cũng ngỡ là một cây mục vô giác vô tri. Trong sự hoan hỷ vui mừng, chỉ bằng sự rung chuyển tướng thân đầy xúc cảm, gốc trầm đã cất vọng lên tiếng-nói-vô-thanh, phát một thông-tin-vô-ngôn quý báu để giải tỏa thắc mắc của bao người trần mắt thịt: “Tại sao không là sáu, bảy, hay chín, mười, mà là đúng tám nhánh?”, nhưng phải bằng cái Tâm tĩnh lặng và cái nhìn Thiền học mới nhận thấy và hiểu ra:
Bát Chánh Đạo Diệu Thường
Tám nhánh hoa đã biến hiện thành tám lối đi chân chánh của pháp Phật: Bát Chánh đạo, hay còn gọi Bát Thánh đạo, là giáo lý căn bản của Đạo đế, tuy là đến tám chi nhưng tụ lại chỉ một, một con đường duy nhất đi vào giải thoát hết thảy các lậu hoặc. Còn sự so sánh ví von, hình dung mường tượng nào thích hợp và chính xác hơn?
Cũng chỉ có tâm tịnh và thiền nhãn mới thấy được một hình ảnh sống động tuyệt trần của một đoàn tăng lữ khoác rợp y vàng, đang từng hàng trang nghiêm kinh hành giữa cõi trần gian phù du hư ảo bộn bề lo toan tính toán:
Rợp y Kinh hành tụ
Thật tuyệt diệu! Là hàng hậu bối hậu học nào dám luận bàn hay dở cạn sâu, chỉ xin phép tán thán đôi dòng để làm rõ ý thơ tài tình với lòng tôn phục quý kính! Nay xin quay trở về lại với câu chuyện mà tác giả bài thơ kể cho nghe:
Bóng câu qua cửa sổ được mười, mười lăm năm… Từ nước Mỹ xa xôi về thăm quê hương Việt Nam, một tiến sĩ văn chương đã âm thầm thực hiện một công trình nghiên cứu – biên soạn đồ sộ và công phu về đề tài “Người phụ nữ Việt Nam”, trong đó có chương nhắc đến nữ sĩ Trinh Tiên – Tâm Tấn, đặc biệt là giới thiệu thi phẩm “Cảm đề Tám nhánh Phong Lan” mà chúng ta vừa được biết. Cuốn sách bằng Việt ngữ này đã hoàn thành mỹ mãn, phát hành rộng rãi tại nước ngoài. Đến khi sách được thực hiện chuyển ngữ sang tiếng Anh, tác giả đã vấp phải một trở ngại nho nhỏ ở bài thơ “Cảm đề Tám nhánh Phong Lan”: các thuật ngữ, danh từ Phật học, Thiền học cần phải sử dụng chính xác khi dịch thuật, dù chuyển ngữ nhưng vẫn giữ được cái hồn và vần điệu của Thơ, cũng như cái ý của Đạo. Vốn cẩn thận, nghiêm túc với công việc nghiên cứu và phê bình văn học, tác giả cuốn sách đã “cầu cứu” tác giả bài thơ, xin thỉnh giáo, và được nữ sĩ Tâm Tấn hoan hỷ “giúp cho một tay”, bằng cách giới thiệu đến Ni sư Thích nữ Trí Hải, một danh ni đa văn xuất chúng của Phật giáo nước nhà. Nhân duyên hy hữu đã đến sau một thời gian chờ đợi ngóng trông, Ni sư Trí Hải trong chuyến đi hoằng pháp tại miền Trung, đã ghé đến Ni viện Diệu Quang ở Nha Trang nghỉ ngơi vài ngày. Nữ sĩ Tâm Tấn vốn có mối quan hệ “dòng tộc hoàng phái” với Ni sư Trí Hải, lại còn “tri âm Thi Đạo” với nhau, nên đã đích thân mang bài thơ Việt ngữ “Cảm đề Tám nhánh Phong Lan” đến xin được yết kiến Ni sư, thỉnh cầu Ni sư chuyển giùm sang Anh ngữ toàn bài. Buổi sáng hai vị gặp gỡ trao đổi với nhau, rồi không biết Ni sư đã “hạ bút” xong từ khi nào, mà đến chiều vào lúc 15 giờ, đã có bản Anh ngữ của bài thơ cho nữ sĩ Tâm Tấn mang về để gửi nhanh đến tay tác giả của cuốn sách… Bài thơ được chuyển sang Anh ngữ nguyên bản, chắc chắn rằng rất ít người được biết đến, như sau:
Orchids Of Gold
Oh, from foliage green, flowers of golden multitude
Into a King’s yellow rustling robe explode,
Caseading estasy to breeze – shimmered bamboo,
Gentle hearts twinkle Diamond’s dew drops, delicate.
Vital essenees accumulating, the rotten wood
Spring forth eight – branched, traipsing fragrant orchids,
Rarified in The Way baptismally immersed,
Noble Eightfold Path the boughs are.
Charm and beauty displayed, demure,
Blossoms trumpet sevenity’s silent salient,
Saffron monks are they, gathered to a rite of walking – meditation,
Being not – being in a World of Impermanence.
…Trải qua hơn 30 năm, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã cao thăng về cõi Phật. Chư Tăng biết rõ ngọn ngành chuyện “Tám nhánh Phong Lan” như Hòa thượng Thích Hải Tuệ (Trừng San), Hòa thượng Đỗng Minh, Hòa thượng Phước Châu… đều cũng đã viên tịch. Ni sư Trí Hải cũng đã ra đi trong niềm tiếc thương khôn nguôi của bao người. Ngôi chùa Hải Đức được mở cuộc đại trùng tu, xây cất lại gần như là toàn bộ. Trong lần lên thăm lại chùa xưa, nữ sĩ Tâm Tấn phát hiện ra khung ảnh và bài thơ “Tám nhánh Phong Lan” đã không còn trên vách tường trong nhà Tổ nữa. Lần hỏi, được quý Tăng cho hay là đã tháo gỡ đem cất vào nhà kho, nữ sĩ xin được phép mang kỷ vật ngày xưa về nhà, và được chư Tăng đồng ý.
Mang khung ảnh năm xưa đã theo thời gian ngả màu vàng ố, loang lổ mất nét về nhà, nữ sĩ đã ngậm ngùi trong những giờ phút hồi tưởng, rồi quyết định mang đi tìm người phục chế, đồng thời đưa thêm bài thơ bản Anh ngữ vào cho đủ bộ. Khoảng giữa năm 2006, lại một lần nữa, thiện duyên đã đưa đẩy cho bà gặp được nhà thư pháp Trần Ngọc Ẩn – người nổi tiếng với cuốn sách khổng lồ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch được viết bằng thư pháp đạt kỷ lục Việt Nam. Chính nhà thư pháp đã thấy được sự tuyệt diệu và quý giá của bộ ảnh – thơ “Tám nhánh Phong Lan”, cũng như hình dung ra được sự xuất hiện và mối liên quan của các bậc tiền bối đạo hạnh qua tuyệt phẩm lạ thường này, nên đã tự nguyện “hạ thủ công phu” bằng sự tôn kính và đầy cảm hứng, để trình bày thành một khung ảnh trang trọng, như là một tác phẩm “3 trong 1” (thơ, ảnh và thư pháp song ngữ) độc đáo hiếm hoi. Vậy là tác phẩm “3 trong 1” được mang đến trao tận tay nữ sĩ Tâm Tấn, bà rất hài lòng, mừng vui, liền đem chưng trên đầu chiếc tủ đứng ngay bên cửa ra vào của căn phòng nhỏ thấp, để mọi người cùng được thưởng thức chiêm ngưỡng…
Hoa nở rồi tàn, hoa rụng rồi lại nở, sau gần 35 năm dâu bể vật đổi sao dời, kỷ niệm xưa tràn trề xúc cảm với những hình bóng thấp thoáng mơ hồ mà lồng lộng ánh quang, vẫn còn được lưu giữ lại nơi tác phẩm quý giá này. Tám nhánh Phong Lan vẫn nở đó, vàng hoe, không rụi tàn giữa cuộc đời vô thường và mộng mị. Tôi mỉm cười khi chợt nhớ đến bài kệ “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác, và tự cho phép mình làm điều mạo muội sửa lại ít chữ nơi câu cuối để thích hợp với hoàn cảnh trước mắt:
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước Tám cành lan”.
Trước khi cáo từ nữ sĩ, tôi xin được phép chụp lại tác phẩm “3 trong 1” lạ thường này vào trong máy ảnh, và mang theo hình ảnh Tám nhánh Phong Lan trong tâm trí suốt chặng đường trở về nhà…
Tâm Không – Vĩnh Hữu
Discussion about this post