TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ VÀ
QUAN ĐIỂM NHẬP THẾ CỦA ĐẠO PHẬT
Thích Nữ Liên Thảo
Tuy đức Phật không đề cập nhiều về chính trị, Ngài chỉ thuần chỉ dạy cho hàng đệ tử tu tập con đường giải thoát nhưng tất cả lời dạy của ngài đều vì lợi ích cho chư thiên và loài người.
Chương I. Dẫn Nhập.
Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã tìm thấy chân lý ngay trong cõi đời này, ngay cuộc sống hiện tại này. Và chính Ngài đã dùng chân lý ấy phục vụ cho con người trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sanh. Do vậy vào thời Lý Trần, Phật giáo đã thể hiện một tinh thần nhập thế thật đậm nét và đặt sắc không chỉ ở khía cạnh tậm linh giải thoát mà còn chăm lo đời sống xã hội. Quốc Sư Viện Chứng đã nói rõ về những nguyên tắt hướng dẫn đời sống của một nhà chính trị Phật tử “đã là người phụng sự dân thì phải lấy cái muốn của dân làm cái muốn của mình, phải lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình, trong khi đó không sao lãng việc tu học của bản thân”. Trần Thái Tông nói rằng “nhà chính trị phải thực hiện đạo Phật trong xã hội”. Tuệ Trung Thượng Sĩ nói “trong lòng thế tục hòa ánh sáng của mình trong cuộc đời bụi bặm”.
Với một tinh thần vô ngã, còn tạo cho người giàu lòng vị tha, một yếu tố rất cần thiết với những người lãnh đạo nếu muốn đem hạnh phúc thật dự đến cho dân và hợp lòng dân. Đức Phật dạy nếu Ta tu hành được thanh tịnh, giải thoát rồi thì phải thường nghĩ đến những người xung quanh còn mê lầm, và còn chìm đắm trong cảnh khổ đau, trói buột và lao mình vào những cảnh đó để cứu độ tất cả chúng sanh, như vậy là người hết lòng vì Phật pháp. Nếu cứ nghĩ rằng là thanh tịnh giải thoát, còn thiên hạ là dơ bẩn, khổ đau rồi xa lánh họ, thì chính mình đã cô lập vậy. Vì thế mục đích cứu độ của các thiền sư đời Trần không chỉ chuyên tu tập để đạt được giải thoát, mà còn đem tinh thần giải thoát “hòa quang đồng trần” làm lợi ích cho nhân dân, xã tắc, nhất là trong giai đoạn đất nước bị ngoại xâm đe dọa.
Chính vì vậy người viết đã chọn đề tài “Triết Học Chính trị Và Quan Điểm Nhập Thế của Đạo Phật”, ở bài này người viết sẽ dựa vào các sử liệu Phật giáo thời Lý Trần về tư tưởng chính trị xã hội thời bấy giờ để sáng tỏ tính nhập thế Phật giáo, hay nói cách khác Phật pháp không lìa thế gian mà giác ngộ.
Chương II. Nội Dung
1. Khái niệm triết học chính trị.
Triết học chính trị nghiên cứu các vấn đề cơ bản về nhà nước chính quyền, chính trị tự do, công bằng, tài sản, quyền, luật và việc thực thi luật pháp bởi các cơ quan thẩm quyền.
Mục tiêu nghiên cứu của triết học chính trị là trả lời các câu hỏi:
Những yếu tố kể trên là gì?
Tại sao lại phải có chúng?
Cái gì khiến cho chính quyền là hợp pháp?
Những quyền và tự do nào cần được bảo vệ và tại sao?
Luật pháp là gì và khi nào có thể hủy bỏ luật một cách hợp lẽ?
Trong ngôn ngữ thông thường, “Triết học chính trị” chỉ có nghĩa chỉ quan điểm chung, hoặc niềm tin hay thái độ đạo đức cụ thể về chính trị mà không nhất thiết thuộc về chuyên nghành nào của triết học.
Chính trị có hai nghĩa: 1. Những vấn đề điều hành bộ máy nhà nước hoặc những hoạt động của giai cấp, chính đảng nhằm giành hoặc duy trì quyền điều hành nhà nước: chế độ chính trị, tình hình chính trị, hoạt động chính trị. 2. Những hiểu biết về mục đích, đường lối và nhiệm vụ đấu tranh của các chính đảng cũng như đông đảo quần chúng: công tác chính trị, giáo dục ý thức chính trị [1].
2. Triết Học Xã Hội
Triết học xã hội là bộ môn triết học nghiên cứu về những vấn đề quan tâm trong hành vi xã hội mà thường là hành vi của con người. Triết học xã hội đề cập đến nhiều vấn đề từ cá nhân con người có ý nghĩa gì cho đến tính hợp pháp của luật lệ, từ khế ước xã hội cho đến các tiêu chí của một cuộc cách mạng, từ chức năng của những hành động thường ngày cho đến tính hiệu quả của môn khoa học về văn hóa, từ những thay đổi trong phân bố nhân khẩu của con người cho đến trật tự xã hội như trong cách tổ chức tập thể của một tổ ong.
Triết học xã hội còn hiểu theo nghĩa khác là một phân môn hẹp chuyên nghiên cứu việc áp dụng các nguyên lý chung về đạo đức vào việc giải quyết các vấn đề như tự do, bình đẳng, công bằng và nhà nước.
Thông thường các nhà chính trị đấu tranh giành quyền lợi cho chính giai cấp hay tổ chức đảng của mình. Họ có thể tuyệt tiêu đối phương vì quyền lợi của họ. Còn đối với Phật giáo thì làm bất cứ việc gì cũng phải vì lợi ích của quần chúng vì lợi ích và an lạc cho số đông. Quan điểm chính trị cũng dựa trên tinh thần này. Chính trị phật giáo cũng phải vì lợi ích chung cho dân tộc, cho đất nước, cho cả nhân loại trên thế giới. Điều này thấy rõ qua quan điểm chính trị của các thiền sư Việt Nam, đặc biệt là quốc sư Viên Chứng: “Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và tâm thiên hạ làm tâm của mình. nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên việc nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng phút nào quên” [2].
Nói chung, triết học chính trị xã hội Phật giáo là những vấn đề những hoạt động trong xã hội liên quan tới sự thịnh suy và ổn định của đất nước. Tất cả các hoạt động này phải vì lợi ích cho dân tộc, vì lợi ích cho số đông.
3. Quan điểm chính trị xã hội phật giáo thời Phật còn tại thế.
Như ta đã biết, sau khi đức Thế Tôn thành đạo dưới cội Bồ Đề, Đức Phật vì an laic, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người nên Ngài đi du hóa khắp nơi. Trong tâm Ngài không hề có sự phận biệt giữa các giai cấp của xã hội Ấn Độ đương thời. Ai đủ duyên thì Ngài hóa độ cho dù người đó thuộc giai cấp bần cùng hay giai cấp cao quý. Theo quan điểm của Ngài con người vốn không có giai cấp “Con người không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn và dòng máu cùng đỏ”. Trong Tăng đoàn thì mọi người có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Chúng ta thấy Tăng đoàn là một tiểu xã hội, mang tính dân chủ tuyệt đối. Mọi người trong Tăng đều có quyền biểu quyết đồng ý hay không đồng ý khi Tăng đưa ra một vấn đề nào đó cần giải quyết. Vấn đề này được quyết định khi tất cả thành viên trong Tăng đều tán thành. Điều này chúng ta thấy rõ qua pháp yết ma. Về mặt xã hội đức Phật dạy xã hội muốn ổn định không có trộm cướp, nói dối, bạo động, thù hằn .v.v. thì cần phải giúp dân thoát cảnh nghèo đói. Bởi vì nghèo đói là nguyên nhân căn bản xảy ra trình trạng đó. Vì thế, muốn cải thiện xã hội thì cần phải cải thiện kinh tế. Để cải thiện kinh tế Phật dạy người cầm quyền cần phải làm “Cung cấp hạt giống và phương tiện canh tác cho các nhà nông. Cung cấp vốn cho những người kinh doanh đầu tư; trả lương thích đáng cho công nhân. Đại bố thí cho nhân dân thay thế các lễ tế đàn” [3].
Còn đối với hàng người dân bình thường thì phải biết quân bình cân đối trong việc thu chi. Phật dạy: số tiền thu nhập được cần chia ra làm bốn phần
Phần thứ nhất: phát triển thêm nghề nghiệp
Phần thứ hai: tiêu dùng hàng ngày
Phần thứ ba: phòng khi bệnh tật
Phấn thứ tư: bố thí, cúng dường
Chúng ta thấy lời dạy của đức Phật cách nay hơn 2500 năm nhưng đem áp dụng vào đời sống hiện tại vẫn còn có giá trị rất cao. Hiện tại hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng biện pháp này để cải tạo xã hội, giúp người dân thoát cảnh nghèo đói.
Mặt khác, muốn cho đất nước hùng mạnh đức Phật còn dạy cho các bậc đế vương lúc bấy giờ về thập vương pháp. Đây là mười điều mà nhà vua và quần thần cần phải thực hiện để đem lại hạnh phúc cho nhân dân
1. Vua độ lượng, bác ái, bố thí, không khát ái, không tham lam tiền của, tài sản
2. Giữ giới: không sát sinh, không bóc lột, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa.
3. Hy sinh tất cả cho lợi ích dân chúng. Vị ấy (vua) sẵn sàng từ bỏ mọi tiện nghi cá nhân, danh tiếng và ngay cả sự sống.
4. Thành thật và liêm khiết
5. Hiền từ và hòa ái
6. Khắc khổ trong nếp sống
7. Không được sân hận, không được tư thù
8. Nhẫn nhục trước mọi khó khăn, chỉ trích mà không để mất bình tĩnh.
9. Bất hại: không hại người, đề cao hòa bình, ngăn chặn chiến tranh và những bạo động phá hoại sự sống.
10. Không chống lại ý muốn của nhân dân, thuận ý dân.
Chúng ta thấy ở điều thứ 3 thể hiện tinh thần hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cho dân chúng. Có như vậy mới thật sự là một vị vua, quan tốt, mới có thể xây dựng dất nước vững mạnh. Thực tế xã hội ngày nay cho chúng ta thấy, những người cầm quyền mà chỉ lo phục vụ quyền lợi cá nhân mà không nghĩ tới lợi ích chung của đất nước, của nhân dân thì chính họ đã làm cản trở đình trệ sự phát triển của đất nước. Các công trình xây dựng của quốc gia bị rút ruột làm cho công trình kém chất lượng không thể sử dụng được như bệnh viện Vĩnh Long xây dựng vừa xong chưa khánh thành mà lại xuống cấp phải sửa chữa. Đã làm tốn biết bao tiền của và thời gian của nhân dân.
Bên cạnh đó, để đất nước vững mạnh đức Phật còn dạy thêm bảy pháp bất thối. Bảy điều làm cho xã hội cường thịnh.
1. Tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.
2. Tụ họp trong niệm đoàn kết và giải tán làm việc trong niệm đoàn kết.
3. Sống đúng pháp luật, sống đúng với truyền thống của dân Vajji như đã ban hành thuở xưa.
4. Tôn sùng kính trọng đảnh lễ cúng dường các bậc trưởng lão và nghe theo lời dạy của những vị này.
5. Không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ phải sống với mình.
6. Tôn sùng kính trọng đảnh lể cúng dường các tự miếu của Vajji ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ và làm đúng với quy pháp.
7. Bảo hộ che chở, ủng hộ đúng pháp các vị AlaHán ở tại Vajji và những vị ALaHán đã dược sống an lạc
Bảy điều này được nhà Trần áp dụng một cách triệt để. Khi quân nguyên sang xâm lược nước ta thì nhà Trần đã mở một cuộc tập họp các bô lão thăm dò ý kiến của họ. Cuộc họp mà khi xưa gọi là “Hội Nghị Duyên Hồng” đã làm nện kỳ tích cho dân tộc. Do thấm nhuần tư tưởng trị nước của Phật giáo đã tạo nên sức mạnh giúp nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên, đội quân mà bách chiến bách thắng từ Âu sang Á phải cuối đầu thất bại bởi một nước nhỏ bé.
Đức Phật dạy về phép trị nước cho các vua chúa không ngoài vì lợi ích và an lạc của quần chúng nhân dân. Ngài không vì lợi ích riêng cho một cá nhân hay giai cấp nào. Tuy có dạy về chính trị nhưng đức Phật chỉ là người đứng bên ngoài hướng dẫn chứ không trực tiếp tham gia vào chính trị như Khổng Tử, Tuân Tử .v.v. quan điểm Phật rất rõ ràng không tham gia chính trị mà chỉ thuần hướng dẫn đệ tử tu tập giải thoát “Giáo pháp ta chỉ thuần có một vị, vị đó chính là vị giải thoát”.
4. Quan điểm chính trị xã hội thời Lý Trần.
Vào thời điểm này, chúng ta thấy hầu như những vị Thiền sư có tiếng tăm đều tham gia vào chính trị. Mục đích của các Ngài là bảo vệ hòa bình cho đất nước hầu đem lại hanh phúc an lạc cho chúng sanh. Các Ngài cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho đất nước nhưng các Ngài không có ý làm quan, khi xong việc thì về chùa tiếp tục tu hành, vinh hoa phú quý bỏ ngoài tai. Các Ngài làm việc trong tinh thần vô trụ, vô chấp.
“Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm”
Tiếp nối và phát huy lời Phật dạy “Vì lợi ích cho quần sanh, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người” các vị Thiền sư thời Lý Trần định hướng cho mình một triết lý sống. Sống cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, cho đạo pháp, không vì một cá nhân hay một dòng tộc nào. Triết lý sống này “Nó đặt nghĩa lớn của dân tộc và đạo pháp lên trên những quyền lợi nhỏ nhen của cá nhân và dòng họ, từ đó trở thành một triết lý hành động mẫu mực có những ảnh hưởng to lớn đến cách ứng xử của nhiều người Phật tử Việt Nam về sau. Nó giúp cho họ có một thái độ đúng đắn, lúc đất nước đang trải qua những giai đoạn khó khăn, rối ren cần có những quyết sách thích hợp”[4]
Các Ngài sống theo tinh thần kinh Kim Cang “Tất cả các pháp đều là Phật pháp” cho nên các Ngài lăn xả vào cuộc đời phục vụ cho đất nước đóng góp cho dân tộc. Đặc biệt là triết lý hành động của Ngài Khuông Việt: “Triết lý hành động của Khuông Việt như thế dựa trên một nhận thức luận coi cuộc đời là nơi mình có thể giải thoát được bằng chính nhận thức của mình. Thế giới giác ngộ cũng như hành động của Phật giáo không nằm bên ngoài cuộc đời, và con người không cần đi tìm bất cứ một thế giới nào khác. Điều này giải thích cho ta tại sao Khuông Việt đã ung dung tích cực tham gia vào việc nước, việc dân và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ độc lập của tổ quốc, để lại một tấm gương sáng ngời cho nhiều thế hệ về sau noi theo” [5].
Khuông Việt và Pháp Thuận đã mạnh dạng tham gia vào mặt trận ngoại giao và giúp Lê Hoàn đón phái đoàn ngoại giao của Trung Quốc do Lý Giác đứng đầu đi xứ qua nước ta. “Năm Đinh Hợi thiên phúc thứ 8 (987) mùa xuân (…) nhà Tống lại sai Lý Giác đến chùa Sông Sách, vua sai pháp sư tên Thuận giả làm giang lệnh đi đón. Giác rất giỏi làm văn chương (…) khi về đến sứ quán, bèn đem bài thơ tặng (…) Thuận đem bài thơ dâng. Vua cho gọi Ngô Khuông Việt đến xem. Khuông Việt nói: bài thơ này tôn trọng bệ hạ cùng với chúa nó không khác, vua khen ý đó, sai tặng thưởng càng nhiều. Khi Giác giả từ ra về, vua xuống chiếu cho Khuông Việt viết một khúc nhạc để tiễn đưa” [6].
Như vậy, không chỉ có Khuông Việt tham gia vào chính sự mà còn có những vị khác như Đỗ Pháp Thuận. Giai thoại về cuộc tiếp rước sứ của Pháp Thuận đã để lại cho đời một bài thơ tuyệt tác. Pháp Thuận giả làm người lái đò đi rước sư sứ Tàu người trên đò dọc khi tới Ninh Thuận thấy đôi ngỗng trắng bơi trên dòng nước trong xanh, Lý Giác thấy cảnh sinh tình liền đọc:
“Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha”
Tạm dịch:
“ Song song ngỗng một đôi
Ngưỡng mặt ngó ven trời”.
Khi ấy, Lý Giác đương tìm cách để tiếp hai câu thơ trên thì chú lái đò ở sau, tay vẫn cầm chèo bơi mà miệng đọc:
“Bạch mau phơi lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba”
Tạm dịch:
“Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi”
Nhờ thế mà sứ giả nước Tàu xem vua ta ngang bằng với vua của họ nên họ không dám dòm ngó xâm lược nước ta. Chúng ta biết chuyến đi sứ này là họ qua thăm dò tình hình nước ta. Nước ta có ổn định và có nhân tài hay không để thực hiện ý đồ xâm lược và đô hộ ta. Vua ta lúc bấy giờ rất sáng suốt chọn đúng người, còn về phần Pháp Thuận đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà vua và nhân dân giao phó làm cho sứ Tàu phải kính phục sát đất. Lê Hoàn rất kính trọng Pháp Thuận, ông thường đem những việc nước tham vấn Ngài. Thời gian sau đất nước gặp nhiều khó khăn thù trong giặc ngoài, Lê Đại Hành đến tham vấn thiền sư Pháp Thuận về vận nước, lúc đó Pháp Thuận đáp:
“Vận nước như mây cuốn
Trời nam mở thái bình
Vô vi trên điện cát
Xứ xứ hết đao binh” [7].
Chúng ta thấy tư tưởng chính trị của Pháp Thuận thật rõ ràng. Nhà nước phải nương vào dân, vận nước ngắn dài tùy thuộc vào dân. Người lãnh đạo biết thu phục lòng dân, biết đoàn kết với dân thì nhà nước đó sẽ giữ vững lâu dài.
Ở thời điểm này còn có Thiền sư Vạn Hạnh cũng mạnh dạng tham gia vào chính sự của đất nước “Năm thiên Phúc thứ nhất (981) Hầu Nhân Bảo của nước Tống đến cướp, đóng quân ở Cương Giáp Lạng Sơn. Vua mời sư đến đem chuyện thắng bại ra hỏi. Sư đáp: trong bảy ngày thì giặc sẽ lui. Sau quả như thế” [8].
Vạn Hạnh đã trực tiếp tham gia chính trị và sự thành tựu tuyệt hảo nhất là xây dựng triều Lý – một triều đại huy hoàng nhất, sáng chói nhất, nhân đạo nhất trong lịch sử Việt Nam. Vạn Hạnh đã dấn thân vào những hoạt động chính trị để đem lại những ảnh hưởng tốt đẹp cho nhà Lý. Nhà Lý bắt đầu một giai đoạn tự chủ dân tộc thực sự của lịch sử Việt Nam, Vạn Hạnh chính là người gây ý thức hệ dân tộc, đặt nền mống tâm linh của người Việt Nam, thể hiện sự ưu việt của cá tính và đặc chất của Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Dù có dấn thân hay không thì các thiền sư Việt Nam bao giờ cũng đem đạo phụng sự cuộc đời, phụng sự dân tộc và quốc gia.
Có thể nói tư tưởng yêu nước của Vạn Hạnh rất mạnh, đã tích cực làm cố vấn cho Lê Đại Hành trong việc xây dựng đất nước, sẵn sàng ủng hộ nhà Tiền Lê, nhưng cho đến khi những vị cuối cùng của nhà Tiền Lê đánh mất vai trò lãnh đạo của mình Ngài đã quay sang ủng hộ triều Lý. Quan điểm chính trị của Vạn Hạnh là phải đấu tranh thế nào để cho đất nước có người làm chủ. Khi nào đất nước có người làm chủ thì Phật giáo mới có cơ hội phát triển và hưng thạnh.
Lợi ích của Phật giáo đã phụ thuộc vào lợi ích của dân tộc. Phật giáo không thể phát triển bên ngoài dân tộc và càng không thể hưng thịnh khi dân tộc mất chủ quyền.Việc Vạn Hạnh phấn đấu để yểm trợ và tạo điều kiện cho Lý Công Uẩn làm chủ đất nước thể hiện quan điểm nêu trên.
Khi nói tới Vạn Hạnh thì chúng ta ai cũng biết ông có vai trò rất lớn trong việc lập nên nhà Lý. Lúc bấy giờ Lê Long Đĩnh hoành hành bá đạo, xem mạng sống con người như cỏ rác, không xứng đáng là bậc minh quân cho nên Vạn Hạnh muốn thay ngôi đổi chủ nhằm xây dựng lại một nước đại Việt hùng mạnh. Theo nhãn quan Vạn Hạnh quan sát thì không ai có khả năng bằng Lý Công Uẩn. Hơn nữa, Lý Công Uẩn xuất thân từ trong già lam, là người tài đức được Vạn Hạnh dạy dỗ từ nhỏ. Do vậy, Vạn Hạnh sắp xếp cho Lý Công Uẩn lên ngôi. Ông chuẩn bị rất chu đáo, trước tiên ông bày ra sấm ký để thu phục lòng dân vì việc làm của ông thuận theo ý trời.
“Thụ căn cha cha
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành” [9].
Bên cạnh đó Vạn Hạnh còn thuyết phục triều thần nhà Lê ủng hộ Lý Công Uẩn Như Đào Mộc Cam. đây là một cuộc đảo chánh vẹn toàn, không đỗ máu đã được Vạn Hạnh chuẩn bị từ trước. Sau khi cuộc đảo chính thành công, Vạn Hạnh và Lý Công Uẩn liền lên kế hoạch dời đô. Kế hoạch này trước nhất là để triều thần nhà Lê còn trung thành với chủ có thể gây bất lợi đối với nhà nước mới chưa nắm vững được vương quyền và tạo được thế nước lâu dài cho con cháu đời sau. Ta thấy, Vạn Hạnh là bậc kỳ tài về chính trị. Ông biết tiến thối đúng thời để giữ vững cơ nghiệp thịnh trị của đất nước suốt mấy trăm năm. Vì thế vua Lý Nhân Tông ca ngợi ông.
“Vạn Hạnh dung tam thế
Chân phù cổ sấm ký
Hương quan danh cổ pháp
Trụ tích trấn vuong kỳ” [10].
Điều chúng ta đáng kính phục hơn nữa là sau khi hoàn thành kế hoạch của mình, Vạn Hạnh không hề giữ quyền cao chức trọng mà trở về chùa tiếp tục cuộc sống đạm bạc. Trong khi đó Thái Tổ là đệ tử của ông, hơn nữa cơ nghiệp nhà Lý có được là do một tay ông sắp đặt. Điều này đã thể hiện tính vô trụ, vô chấp của ông. Vạn Hạnh thật xứng đáng là bậc thánh tăng đương thời đáng để cho người hậu thế noi theo.
Tư tưởng chính trị, trị nước được các thiền sư chỉ bày rất rõ ràng, trong sáng có thể làm nền tảng trị nước cho dù ở bất kỳ thời đại nào. Như thiền sư Viên Thông giải bày với vua Lý Thần Tông về lẽ trị loạn hưng vong của đất nước.
Thiên hạ cũng như một đồ vật để nó vào nơi yên thì yên, vào nơi nguy thì nguy, cốt trông ở chỗ sở hành của nhà vua, nếu có cái đức hiếu sinh thấm vào lòng dân thì dân yêu như cha mẹ, ngóng như trời trăng “ấy là dắt thiên hạ vào nơi yên đó, lại trị và loạn ở nơi trăm quan, được ngôi thì trị không được ngôi thì loạn. Tôi trải xem các bậc đế vương đời trước chưa có khi nào không dùng bậc quân tử mà hưng, không dùng bậc tiểu nhân mà vong, mà đến như thế chẳng phải một mai một chiều đâu, tự nó dần dần lại vậy. Trời đất không thể thay nóng đổi rét liền mà dần dần ở mùa xuân, mùa thu. Bậc vua chúa không thể làm hưng hay vong liền mà ở sự thiện hay ác. Bậc thánh vương xưa biết như thế cho nên mới bắt chước đức trời không nghỉ để sửa mình, bắt chước đức, đất không nghỉ để yêu người. Sửa mình là thận trọng ở bề trong, run sợ như giẫm trên băng mỏng. Yêu dân là kính kẻ dưới, hãi hùng như cởi ngựa nắm day cương mục, theo lối đó thì hưng, trái đi thì vong. Sự hưng vong là dần dần sinh ra thôi”.[11]
Qua đây chúng ta thấy, tư tưởng chính trị thời Lý, Trần cũng không khác gì về tư tưởng độ sanh ở thời Phật. Tất cả vì lợi ích và hạnh phúc cho quần sanh. Tùy thời mà các vị thiền sư có cách thể hiện khác nhau, nhưng không ngoài mục đích là đem lại an lạc và hạnh phúc đến với người. Như quốc sư Viên Chứng dạy Trần Thái Tông khi ông trốn khởi hoàng cung tìm quốc sư và triều thần đến mời ông về ông không chịu về thì Ngài Viên Chứng nói: “Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và tâm thiên hạ làm tâm của mình. nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên, việc nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng phút nào quên”[12]. Các Ngài theo tư tưởng “tùy duyên bất biến” mà độ đời làm lợi ích cho đời.
5. Tư tưởng chính trị xã hội Phật giáo hiện đại.
Trong bối cảnh hiện đại, đất nước chúng ta sống trong cảnh hòa bình yên ổn, nền kinh tế đang phát triển, trên đà hội nhập với kinh tế thế giới. Giới Tăng sĩ chúng ta đã làm gì, đang làm gì và sẽ làm gì để cho nhân dân được ấm no hạnh phúc cho đất nước được giàu mạnh sánh vai với các cường quốc năm châu.
Như chúng ta đã biết tôn giáo là nơi tập hợp quần chúng. Hơn thế nữa, Phật giáo chúng ta đã gắn liền với lịch sử dân tộc hơn hai ngàn năm. Dân tộc, đất nước thịnh thì Phật giáo phát triển, còn đất nước suy thì Phật giáo cũng bị ảnh hưởng. Nói đúng hơn, con người Việt Nam gắn liền với Phật giáo Việt Nam, hầu hết nhân dân Việt Nam đều là Phật tử hoặc ông cha của họ cũng là Phật tử. Với điều kiện thuận lợi này Phật giáo chúng ta phải biết kêu gọi đồng bào Phật tử phải đoàn kết thương yêu và chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau. Có đoàn kết, có tình thương thì mới có đủ sức mạnh về thể chất và tinh thần chống lại âm mưu của ngoại bang dòm ngó để chống phá nền hòa bình và độc lập của chúng ta. “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Lịch sử đã chứng minh cho ta thấy, có tinh thần đoàn kết thì đời Trần mới có đủ sức mạnh ba lần đánh bại quân Nguyên viết lên trang sử hào hùng cho dân tộc nói chung cho Phật giáo nói riêng.
Mặt khác, năm nay (2008) nước ta lần đầu tiên được đăng cai tổ chức đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc, được sự hỗ trợ của chính phủ. Đại lễ này mang một ý nghĩa chính trị rất lớn, Phật giáo chúng ta tổ chức đại lễ này thành công thì cũng đã giúp cho nền chính trị nước nhà ổn định.
Khi Phật còn tại thế thì Ngài không cho hàng đệ tử xuất gia làm kinh tế và chính trị nhưng ở thời điểm hiện nay, xã hội đang phụ thuộc vào kinh tế thị trường. Có nền kinh tế phát triển và vững mạnh thì nhân dân mới có thể sống trong ấm no hạnh phúc, vì thế giáo hội Phật giáo Việt Nam nên có định hướng phát triển kinh tế. Vả lại, có kinh tế thì mới có thể thực hiện được Phật sự và phát triển Phật giáo sâu rộng vào mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, làm kinh tế hay bất cứ việc gì cũng phải phát xuất từ tâm niệm là vì lợi ích cho quần sanh. Nếu thiếu đi tâm niệm này thì sẽ bị mất gốc. Cho dù mang hình thức Phật giáo mà chỉ làm vì lợi ích của cá nhân mình mà không nghĩ tới lợi ích của người khác thì chẳng còn ý nghĩa của người con Phật đang làm Phật sự nữa. Vì an lạc, vì lợi ích cho quần sanh là quan điểm sống của Phật giáo xuyên suốt từ xưa đến nay. Muốn thực hiện được lý tưởng này thì bản thân của mỗi người con Phật phải rèn luyện cho mình đầy đủ giới đức, tự hoàn thiện bản thân, phục vụ chúng sanh với tinh thần vô trụ, vô chấp.
Mặt khác giáo hội Phật giáo việt nam cần phải bồi dưỡng đào tạo nhân tài, đào tạo cho lớp Tăng Ni trẻ có đầy đủ kiến thức thế học lẫn Phật học. Tuy nhiên cần phải chú trọng về mặt đạo đức. Thiếu đạo đức, đặc biệt là người tu sĩ thì sẽ mất đi giá trị của người tu. Từ xưa cổ đức đã thấy rỏ điều này nên dạy: “giới luật là mạng mạch của Phật pháp, giới luật còn là Phật pháp còn”. Cho nên giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải định hướng cho thế hệ Tăng Ni trẻ. Đào tạo nhân tài cho Phật giáo cũng chính là đào tạo nhân tài cho đất nước vì nhân tài là linh hôn của đất nước. Ngày xưa tổ tiên ta đã đào tạo nhiều bậc anh tài xuất thân từ Phật giáo như: Thiền sư Mãn Giác, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn . . . những vị này đã thay đổi lịch sử, nắm lấy vận mênh của đất nước. Vì vậy chúng ta có thể khẳng định nhân tài là tinh hoa được kết tinh của đất nước của dân tộc.
Hơn thế nữa, đức Phật không chỉ đem hạnh phúc và an lạc cho con người bằng sự cải cách xã hội mà còn phải cải tạo tâm thức. Hạnh phúc an lạc thật sự của con người không chỉ tìm cầu bên ngoài mà được, mà cần phải chuyển hóa tâm thức “Con đường đưa đến thủ đắc vật chất là một con đường đưa đến Niết Bàn là một con đường khác”. Đức Phật dạy muốn chấm dứt khổ đau thì phải đoạn trừ tham ái. Chính tham ái mà con người phải trôi lăn trong vòng sanh tử từ vô thủy cho đến nay và còn mãi mãi về sau nữa “Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia; như dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Này chư hiền như vậy là khổ tập thánh đế” [13]. Mà còn đường đoạn trừ tham ái, chấm dứt khổ đau chứng nhập Niết Bàn là con đường Bát Chánh Đạo “Thế nào là khổ diệt thánh đế? Đó là Thánh đạo tám ngành, tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định” [14]. Sự đoạn trừ khổ đau chứng nhập Niết Bàn mới là mục đích tối hậu mà Phật giáo hướng đến “Chư Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên, khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”
Chương III. Kết Luận.
Thời Phật còn tại thế, trong suốt cuộc đời, Ngài vì lợi ích cho quần sanh mà không ngại gì gian khổ, thời tiết khắc nghiệt, đầu trần chân đất đi khắp xứ An mà giáo hóa chúng sanh. Ngài đã ngăn chặn cuộc chiến giữa hai quốc gia chỉ vì tranh giành một dòng sông. Đức Phật đã cống hiến cả cuộc đời mình cho hạnh phúc của nhân loại.
Cho dù ở vị thế nào, là thứ dân hay cấp lãnh đạo Phật giáo cũng vì lợi ích cho số đông, lợi ích cho đất nước và dân tộc. Không vì lợi ích cá nhân mà làm tổn hại cho đất nước. Lịch sử đã chứng minh điều này, qua các thời đại Lý Trần. Thời đại này vua chúa cai trị đất nước theo tư tưởng vì lợi ích cho quần sanh của Phật giáo mà xây dựng đất nước hùng mạnh viết nên trang sử vàng son của đất nước.
Tuy đức Phật không đề cập nhiều về chính trị, Ngài chỉ thuần chỉ dạy cho hàng đệ tử tu tập con đường giải thoát nhưng tất cả lời dạy của ngài đều vì lợi ích cho chư thiên và loài người. Cũng trên tinh thần này, mà chư Tổ hay các vị Thiền sư đã mạnh dạng vấn thân vào con đường chính trị để phục vụ nhân sanh. Cứu giúp nhân sanh ra khỏi cảnh dầu sôi lửa bổng của chiến tranh, giữ vững nền độc lập tự do cho đất nước. Các ngài hành động không vì lợi ích cho riêng mình mà vì lợi ích chung của trăm họ. Do đó mà đã tạo ra con đường chính trị của phật giáo, con đường này là con đường phục vụ chúng sanh, “phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”.
TN. Liên Thảo
Thư Mục Tham Khảo
1. Nguyễn Như Ý, Đại Tự Điển Tiếng Việt, Nxb Văn Hóa Thông Tin, 1998. 2. Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, Nxb Tp.HCM, 1999. 3. Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1997. 4. Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 2, NXB TPHCM, 2001. 5. Lê văn siêu, Văn Học Sử Việt Nam, NXB Văn Hóa. 6. Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, Nxb TPHCM, 1999. 7. Thích Minh Châu (dịch),Trung Bộ III, “Kinh Phân Biệt Sự Thật”, 2001. 8. Bài giảng tại lớp – Sư Cô TN Hương Nhũ.[1] Nguyễn Như Ý, Đại Tự Điển Tiếng Việt, Nxb Văn Hóa Thông Tin, 1998, tr. 369
[2]Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, Nxb Tp.HCM, 1999, tr. 240
[3] Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1997, tr. 135
[4] Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 2, NXB TPHCM, 2001, tr. 458-459
[5] Sđd, tr 462
[6] Sđd, tr 445-446
[7] Sđd, tr 495
[8] Sđd, tr 523
[9] Lê văn siêu, Văn Học Sử Việt Nam, NXB Văn Hóa, tr. 211
[10] Sđd, tr 216
[11] Sđd, tr 238
[12] Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, Nxb TPHCM, 1999, tr. 240
[13] Thích Minh Châu (dịch),Trung Bộ III, “Kinh Phân Biệt Sự Thật”, 2001, tr. 564
[14] Sđd, tr 564
(Source: http://old.thuvienhoasen.org)
Discussion about this post