THIỀN HỘI NHẬP CÙNG GIỚI TRẺ
Lê Thị Thùy Trâm
1.000 trẻ học Thiền, Bình Quang tự, Bình Thuận.12.6.2013
Giới trẻ hiện nay đang
sống trong thời đại mới, thời đại của nền văn minh, khoa học, nhất là sự phát
triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin – nhân tố cho cuộc sống con người
ngày được nâng cao.
Bên cạnh sự phát
triển về mặt kinh tế (vật chất) thì giá trị đạo đức (nội tâm) bên trong đang bị
xói mòn bởi những tư tưởng “quá thực dụng”, chỉ biết thỏa mãn cái “ta”, vô tâm
với người khác. Nói chung, giới trẻ thích vui, thích mới, thích khoa học, thích
khám phá, thích nỗi danh, thích đạo đức và thực tế. Nhưng bên cạnh đó, không ít
giới trẻ ngày nay chạy theo lối sống khơi dậy sự ham muốn hưởng thụ, mà họ cho
là hợp thời, sành điệu một cách cuồng nhiệt, họ bỏ qua những “Thuần phong mỹ tục” hay giá trị đạo đức
là nền tảng cốt yếu để hình thành cả hai yếu tố phần “con” và phần “ người”.
Vấn đề này đang là mối nguy hiểm, là những trở ngại cho các nhà giáo dục và cho
cả cộng đồng xã hội. Vậy chúng ta phải làm gì để giúp cho nhiều người trẻ thoát
khỏi sự trụy lạc và bước đi con đường của sự an lạc hạnh phúc thực tại.
Tôi muốn giới thiệu
với các bạn, thiền là dược liệu sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề nan giải
này. Thiền là gì?
Khi nghe nói đến
thiền, nhiều bạn trẻ đều cảm thấy xa lạ như nghe nói về một thế giới ngoài vũ
trụ, họ không tưởng tượng được thiền là gì? Nó phải thực hành như thế nào và nó
có lợi ích gì cho bản thân hay không? Đó là những suy nghĩ chung của nhiều
người trong giới trẻ khi nghe nói về thiền. Và cũng có những thành phần khi
nghe qua họ lại có thái độ muốn xa lánh vì họ nghĩ thiền chỉ dành cho những bậc
tu hành nhằm muốn thoát ly thế giới chứ không phải dành cho những con người thường như chúng ta.
Với suy nghĩ thô thiển của giới trẻ đã làm cho họ đi xa rời
thế giới nội tâm, bác bỏ chính bản thân mình. Vì họ không biết rằng thiền có rất
nhiều lợi ích trong đời sống, như GS. Hồng Quang viết bằng những chứng minh và
hình ảnh cụ thể: “THIỀN có thể giúp cho con người đẹp hơn, thông
minh hơn, khỏe mạnh hơn, chống bệnh tật và lão hóa”[1].
Chính vì vậy, người viết muốn giới thiệu với giới
trẻ biết về lợi ích của phương pháp thực tập thiền trên khía cạnh một khi: “Thiền
hội nhập cùng giới trẻ” Có nghĩa là nếu thiền được đưa vào trong nhà
trường, vào trong bệnh viện hay các trại giam hoặc các trại cai nghiện sẽ có
những thay đổi thế nào đến tâm lý những con người ấy.
Thiền đi vào học đường
Có thể khẳng định giới trẻ đang trong độ tuổi trên ghế nhà
trường là độ tuổi có nhiều sự thay đổi bất đồng về tâm lý, là lứa tuổi của sự
nghịch ngợm quậy phá nhất nên ông bà ta có câu: “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Có rất nhiều tình trạng xảy ra
trong các trường học như chỉ vì một xích mích nhỏ (chạm đến lòng tự trọng) vậy
mà chúng lôi bè, kéo cánh cầm dao để đánh nhau (cả trai lẫn
gái), thậm chí hành hung cả thầy cô giáo, rồi con giết cha, anh giết em, trẻ vị
thành niên cũng gây ra nhiều vụ án mạng khiến xã hội ngậm ngùi vì tuổi còn quá
nhỏ. Nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng trên là do tâm lý các em không được
trau dồi về giá trị đạo đức, một phần vì nhà trường chưa có chương trình dạy
cho các em biết bình tĩnh lắng đọng tâm tư, biết cách xoa dịu những cơn giận dữ
bộc phát ở lứa tuổi dậy thì…
Muốn giảm bớt những
tình trạng trên trong học đường, người viết nghĩ phải dành một chút ít thời
gian đầu giờ học cho các em thực tập thiền nhằm mục đích giúp các em để tâm hay
nói dể hiểu hơn là tập trung sự suy nghĩ vào hơi thở, tạo nên sự cân bằng giữa
thân và tâm, nhằm giúp các em điều hòa được tâm lý của mình. Ví dụ như các em
đang trong cơn giận từ sự xích mích nhỏ thì hãy uống một ít nước trước và sau
đó hãy thực tập hít vào thật sâu và thở ra thật mạnh như tống hết những cơn
giận dữ ra ngoài cứ đếm hơi thở từ 1 đến 10, thực hành như thế khoảng 10 phút
sẽ giúp các em bình tĩnh hơn trong cách hành xử.
Thiền
trong các trại giam và trại cai nghiện
Trong xã hội ngày
nay một số đông bạn trẻ đang chạy theo vòng xoáy của “văn hóa tốc độ” hay còn
gọi cuộc sống tuổi teen. Từ những sách báo không lành mạnh, từ những quán
Karaoke buổi tối đến những vũ trường, quán bar thâu đêm, và nơi hội tụ đông đủ
nhất của giới trẻ đó là thế giới game, những nơi chích hút ma túy…Những tình
trạng trên là con đường dễ dàng đưa giới trẻ vào những sai phạm, lún sâu vào
vũng lầy tội lỗi. Bởi, với cái tuổi tâm lý chưa ổn định, một số bạn trẻ muốn
“chứng tỏ mình” và tụ tập với những kẻ “cùng tâm trạng” để quậy phá, “xưng hùng xưng bá”, “sống bất cần đời” không nghĩ đến hậu quả của
những cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm đó. Vậy nên chúng sẽ làm bất cứ gì, chơi bất
cứ gì để chứng tỏ “đẳng cấp”, “thua trời
một vạn không bằng kém bạn một li”, đó
là một số suy nghĩ của giới trẻ. Chúng sống trong ảo tưởng của những trò chơi
như sống trong thế giới game, “hút chích” trong làn khói ma túy, đắm mình trong
những cuộc chơi vô bổ mà giới trẻ hiện nay cho đó là hạnh phúc, là khoái lạc mà
cuộc đời đã ban tặng cho họ. Từ những cảm thọ của cá nhân đã không biết có bao
giới trẻ phải sống trong các trại giam, những trại cai nghiện khi tuổi đời còn
quá trẻ. Họ không biết rằng chỉ một phút sai lầm đó đã làm hại cả cuộc đời
mình, vậy mà khi đã vấp ngã rồi họ lại mặc nhiên buông xuôi không có sự hối
hận, hay có hối hận đi chăng nữa, họ vẫn không thể tự mình thoát ra khỏi những
ham muốn đã ràng buộc bấy lâu nay. Chính vì thế, dù ở trong trai giam trại cai
nghiện mà tự thân họ không thoát ra được con đường tội lỗi, và khi ra khỏi trại
giam hay trại cai nghiện họ vẫn ngựa quen đường củ, thật là chua xót thay. Bởi
họ chưa tiêu diệt triệt để những ham muốn xấu nên khi ra ngoài họ bị vướng lại.
Vì thế muốn tiêu diệt căn nguyên của nó người viết rất mong muốn có những buỗi dạy
thiền do chư Tăng, Ni chỉ dạy nhằm giúp họ quay về con đường chánh, tiêu diệt
cội rễ của tham, sân, si.
Xin đơn cử như khi
thiền được dạy cho các trẻ vị thành niên bị nghiện game. Bởi bấy lâu nay các em
sống trong ảo tưởng thế giới không thực tế, mù mờ trong không trung, các em
chạy theo những ý niệm đâm chém, thắng thua, nhảy múa, chăn nuôi, trồng trọt…
trong thế giới ảo tưởng của game mà không nhìn lại thực tế mà các em đang sống.
Vậy thiền là phương thức giúp các em quay về với hơi thở, chánh niệm trong đi,
đứng, nằm, ngồi. Bên ngoài giúp rà soát những ý nghĩ không lành mạnh, dụng tâm
định trong lúc đếm hơi thở để loại bỏ những hành động bất chánh, hay giúp các
em biết quán xét những suy nghĩ đó đến từ đâu, thì liền buông bỏ những suy nghĩ
đó để quay về hơi thở, và khi suy nghĩ khác lại dẫn dắt đi sai đường, thì lại
tập quay về với hơi thở. Cứ như vậy sẽ giúp cho các em sớm quay về với đời sống
với thực tại.
Thiền
trong bệnh viện
Sự đau khổ của các
căn bệnh luôn tạo cho các bệnh nhân một áp lực tâm lý, nó bao gồm cái đau của
thể xác lẫn sự lo sợ về tâm hồn. Phần đông tâm lý của các bệnh nhân thường là
sợ về vấn đề tài chính, về những căn bệnh mà y khoa hiện nay chưa có thuốc điều
trị như: bệnh ung thư, bệnh trầm cảm và ngay cả bệnh AIDS (Sida) – bệnh của thế kỷ,
nhưng với việc thực tập thiền sẽ giúp cho cơ thể của bệnh nhân điều hòa tốt,
những bạch huyết cầu và hồng huyết cầu trong máu có sự thay đổi giúp ngăn ngừa
một số loại vi khuẩn như lentivirus thuộc nhóm retrovirus
giúp tăng cường sức đề kháng.
Như cuộc thí nghiệm
của Giáo sư Tiến sĩ Jon Kabat-Zinn về chữa trị bệnh AIDS, chương trình 8 tuần “Thiền Chánh niệm Giảm căng thẳng MBSR”
(Mindfulness-Based Stress Reduction). Cho chúng ta thấy khi người có thực tập ngồi
thiền thì số lượng bạch huyết cầu tăng lên 20 điểm. Còn những người chỉ uống
thuốc mà không tập thiền, chỉ số bạch huyết cầu giảm 185, trung bình, cho mỗi
người. Với kết quả này cho thấy Thiền Chánh niệm (Mindfulness Meditation) làm
gia tăng bạch huyết cầu CD4+T; là loại bạch huyết cầu có khả năng làm chậm hay
chận đứng sự phát triển của bệnh AIDS.[2]
Từ trên thực tế khi
thực tập thiền nhằm trị bệnh nám phổi người viết cũng cảm thấy nhờ ngồi thiền
mỗi buổi sáng khi mặt trời vừa lên, dưới những ánh nắng đầu tiên, nó giúp cho
con người điều hòa được hơi thở một cách đều đặn làm phổi ấm hơn, giảm bớt ho
và hiện tượng đau nhức, khó thở. Trải qua một tháng thực tập, khi đi chụp phim
trở lại thì thấy những vết nám trên phổi bị mờ dần khoảng 50% làm cho bác sĩ
phải kinh ngạc.
Từ đó suy ra ngồi
thiền giúp chúng ta có thể đạt đến một trạng thái tĩnh lặng và thư giãn hoàn
toàn; khiến chúng ta cảm thấy yên bình và thanh thản, chấm dứt mọi sự ràng buộc
của thân và tâm, điều hòa tốt mọi hoạt động trên cơ thể.
Vì vậy người viết
thiết nghĩ cần phải có một phòng tập ngồi thiền dành cho bệnh nhân trong các
bệnh viện giúp họ tìm về sự bình an trong tâm hồn.
Tuy nhiên khi mới ngồi
thiền nhiều người có thể cho rằng thiền rất khó khi họ chưa bắt đầu. Nhưng
không phải thế, một khi biết cách thực tập và bỏ thời giờ ra tập luyện, chúng ta đều có thể
hưởng được sự lợi ích rất lớn của thiền.
Tóm lại, trong cuộc sống xã hội phát
triển ngày nay, chúng ta phải giúp giới trẻ tìm hiểu những học lý và, Thiền có
thể được sử dụng để mang lại an lạc hạnh phúc cho tinh thần và thể xác của con
người. Đặc biệt, THIỀN đã mang đến những kết quả hữu ích cho những người biết
và thực hành thiền, bởi khi ngồi thiền giúp giới trẻ dẹp bớt những góp nhặt
thông tin tích lũy mỗi ngày trong óc của chúng.
Một khi đầu óc đã trống bớt những ý tưởng tạp
nhạp, nổi loạn ở lứa tuổi đang phát triển và thiền sẽ giúp giới trẻ có cái nhìn
bớt chật hẹp và tìm ra được cách giải quyết vấn đề cũng như bớt căng thẳng ( #
9522 ).
[1] Hồng Quang, “Thiền và những lợi ích thiết
thực”, Xuân 2013. Tr. 5
[2]
Hồng Quang, sđd, Tr.
17
Discussion about this post