Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã hoành hành trên thế giới gần hai năm. Còn nước ta cũng đã trải qua bốn đợt bùng phát dịch. Đại dịch không chỉ đã làm hao tổn không biết bao nhiêu mất mát về tiền của mà còn lấy đi nhiều sinh mạng con người, để lại muôn vàn nuối tiếc cho những người ở lại với tất cả tình thương vô bờ bến. Nỗ lực của Chính phủ không những làm hết sức mình cùng toàn dân phòng chống dịch trong thời gian qua mà còn tâm thành tổ chức Đại lễ cầu siêu cho những người không may đã quá vãng, hướng nguyện họ được giải thoát. Tất cả là minh chứng sống động cho thông điệp: “Mọi điều nan giải, mọi điều mất mát của đau thương sẽ qua đi, chỉ có tình thương ở lại” hiện hữu ở đời này.
Trong ý nghĩa nhân văn cao đẹp, người Việt Nam bao giờ cũng đồng lòng, đồng chí nguyện chung tay vượt thoát khổ đau do đại dịch gây ra. Tại đây, mỗi người có cơ duyên tự mình chuyển hóa chính mình, tự mình vươn tới giá trị thù thắng của con người trong chiều hướng vươn lên từ trong niềm tin và khát vọng sống hạnh phúc. Xem ra, thân mạng này do cha mẹ sinh ra, lớn lên trưởng thành và chuyển hóa thân tâm là do mỗi người tự quyết định trong dòng đời tương tục. Con người có quyền quyết định hạnh phúc thật sự của chính mình. Và như vậy, cứ mỗi lần hướng nghĩ đến Đức Phật, tôi lại chiêm nghiệm đến thận phận và tình yêu của con người. Và mỗi lần suy ngẫm đến thân phận và tình yêu của con người, tôi lại khát khao mong đợi ai trong mỗi chúng ta cũng đều được giải thoát, chuyển hoá như Đức Phật.
Xem ra thân phận và tình yêu dường như đi suốt cả cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc của con người. Thân phận thì hữu hạn, mong manh ẩn chứa triết lý vô thường. Tình yêu thì vô lượng, bền vững, chất chứa mầm sống vĩnh hằng. Rõ ràng, giữa thân phận và tình yêu tưởng chừng như hai phạm trù đối lập, có khoảng cách nhất định, nhưng thực ra đó là hai mặt của một vấn đề. Hẳn nhiên, trong lịch sử tiến hoá con người, nhân loại bao giờ cũng muốn chuyển hoá cái “hữu hạn” thành “vô hạn”, hay nói khác đi con người không bao giờ chịu an bài, chấp nhận, khuất phục bởi thân phận định sẵn, mà luôn tìm cách thăng chứng, chứng ngộ, giải thoát, vô sanh bất tử…
Trong ý nghĩa đó, vấn đề “tự biết mình” có lẽ là bước chân đầu tiên để đi vào cuộc hành trình chuyển hoá. Khi không biết một cách rõ ràng, thấu đáo về nguồn gốc thân phận của mình thì sẽ đi vào ngõ hẹp của sự bế tắc trong suy tư và hành động, dẫn đến tha hoá. Con người không thể sống đúng với nhân cách nếu không nhận biết chính mình và không thường xuyên tự thích ứng với thế giới. Những bước tiến chập chững đầu tiên của đời sống văn hoá và trí tuệ của con người có thể xem như những hoạt động thuộc về một loại điều chỉnh trí óc hướng về môi trường trực tiếp chung quanh. Con người tiếp cận văn hoá là tiếp cận quá trình hình thành nhân cách trong chiều hướng hướng nội. Từ đó việc tự tri tự giác không còn là vấn đề suy nghiệm trên lý thuyết mà trở thành việc thực hành trong bổn phận nền tảng thăng hoá tâm thức con người.
Chính Héraclite từng tóm tắt triết lý của ông trong hai chữ: “Edizêsamên emauton (tôi tìm kiếm chính tôi)”. Người ta không thể ban chân lý cho một người như ban ánh sáng cho một kẻ không chịu mở mắt tiếp nhận. Trong chừng mực nào đó, nếu hiểu theo tư tưởng của Socrate thì con người là một hữu thể. Chính từ trong bản chất hữu thể này, nó quy định khả năng tiềm ẩn tự thân trả lời cho chính mình và tha nhân. Tại đây, con người nghiễm nhiên trở thành một hữu thể có trách nhiệm, một hữu thể đạo đức chuyển hoá thân phận cho tự thân hiện hữu.
Sự tìm kiếm về bản thân còn xuất hiện trong học thuyết “khắc kỷ” của Platon – Socrates như một đặc quyền của con người, một bổn phận căn bản thiết yếu. Nó không những mang tính chất biểu hiện của phạm trù đạo đức mà còn có một nền tảng siêu hình phổ quát. Con người luôn muốn chứng tỏ năng lực phê phán, phán đoán. Chính bản ngã con người, chứ không phải vũ trụ đã nắm vai trò chủ động giữa chân lý và ảo tưởng, giữa tội lỗi và thiện lành, giữa cái hữu và phi hữu. Ngay trong bản chất của đời sống, tự chính nó luôn biến dịch và trôi chảy không ngừng. Thế nhưng giá trị thật sự của đời sống chỉ có được trong một trật tự vĩnh cửu, mà không chịu thừa nhận sự biến dịch. Rõ ràng, phán đoán được xem là năng lực thiết yếu của con người để nguồn suối đạo đức nhân cách được tuôn chảy.
Tại đây, thân phận con người cần phải tiếp tục chuyển hoá. Nó có nhu cầu tiến hướng đến cái vô hạn để giải phóng cho chính mình như một sự tất yếu. Người ta nhận ra rằng có một sự phong phú vô cùng của thực tại và khả năng vô giới hạn của con người. Vũ trụ vô hạn không đặt ra giới hạn cho lý trí con người mà ngược lại là đòn bẩy của lý trí để có khả năng đo lường sự vô hạn của vũ trụ. Tất nhiên, con người có thể vượt qua không gian, thời gian và xoá đi những hàng rào biên giới các ảo tưởng về sự an bài của đấng Thượng đế siêu hình, để chuyển hoá thân phận bằng cả tấm lòng đại từ bi vô hạn được hoá hiện bởi những hạt giống chứa đựng chủng tử tình yêu chân thực. Hay nói cách khác, theo Phật giáo, đó là quá trình chuyển hóa nghiệp nhân – nghiệp quả từ kết quả bất thiện sang thiện lành và sau cùng là sự thăng chứng của thiện của sự thể nhập vào trong tư duy, thể hiện qua lời nói và hành động cụ thể lợi mình lợi người lợi cả hai siêu vượt thời gian – không gian. Như thế, Phật giáo nhìn nhận thân phận hữu hạn con người bằng hình ảnh con người kết hợp những năng lực tâm lý và vật lý qua cấu trúc Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) như là kết quả thu nhận từ nghiệp.
Cần hiểu rõ nghiệp là kết quả hành động, nhưng một hành động chỉ gọi là nghiệp khi chúng được tác ý, có ý thức. Thế nên mọi hành động, việc làm đều gieo các chủng tử vào trong tâm thức để rồi sau đó hiện hành phát triển. Một số nghiệp có kết quả vận hành trong cùng đời sống hiện tại mà tự thân con người đang vướng mắc; một số thì có kết quả ngay trong đời sống tiếp theo, hay còn vận hành trong các đời sau nữa. Sự hiện hữu khổ đau con người được diễn dịch qua các hiện tượng đời sống như: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, tiếp xúc với những người mình không thích là khổ, xa lìa người mình yêu thích là khổ, cầu mong những gì mà không được là khổ, chấp thủ thân giả hợp Ngũ uẩn này là khổ. Đó là kết quả của một chuỗi hành động nghiệp chứa đựng các hạt giống tham sân si, sự vô minh che lấp mà thân phận con người phải gánh chịu. Người tạo hành động ác cho tự thân và kẻ khác ắt hẳn đem lại kết quả ác tạo ra hướng dẫn đến ác hạnh.
Một đời sống an lạc, giải thoát khổ đau hệ luỵ cuộc đời thường hay trói buộc thân phận con người bằng chính sự thăng hoa tâm thức thông qua thực thi con đường Bát chánh đạo. Tại đây, các hành động về thân khẩu ý thường xuyên được kiểm soát bằng sự chuẩn mực của Giới, nội tâm an trú trong Định, được soi rọi bởi Trí tuệ khai mở. Như thế, hạnh nghiệp thiện đem lại kết quả thiện và tạo ra hướng vươn tới các hành động tương tự. Điều này, cung cấp cho chúng ta một viễn cảnh đời sống tốt đẹp khi thân phận được chuyển hóa ngay bây giờ và tại đây.
Hơn nữa, nghiệp là phần của nhân, quả của một hành động, nhưng nó không phải quyết định luận, cũng không phải định mệnh luận. Tại đây, con người cần biết rõ quá khứ ảnh hưởng hiện tại, nhưng không chế ngự hiện tại. Một người luôn có quyền tự do hành động và chịu trách nhiệm về hành động và có tầm ảnh hưởng đến tương lai với người ấy. Như thế, hẳn nhiên, nghiệp hôm sau có thể bổ sung hậu quả nghiệp của ngày trước đó. Rõ ràng, con người càng có khả năng khám phá và hướng đến sự hoàn thiện nhân cách, khai phóng nội tâm với những tầm nhìn mới xuất phát từ những gì thuộc nghiệp của cá nhân qua sự trải nghiệm hành vi từ trong thực tiễn đời sống. Các chủng tử nghiệp mới đó sẽ có sức công phá làm huỷ diệt sức mạnh các chủng tử nghiệp xấu cũ ngõ hầu cải tạo và giải phóng thân phận bằng những hương thơm quả ngọt mang âm hưởng tình người, đồng thời chất chứa tình yêu cuộc sống.
Xem ra, nếu thân phận con người được xây dựng trên dựng trên những hoang ốc tư duy hữu ngã, nơi đó được giới hạn bởi hai đầu sanh và diệt, đoạn và thường của không gian và thời gian; đồng thời cũng được giới hạn trong những phạm trù đi và đến, một và nhiều của tự thể và tha thể thì tình yêu con người lại mở ra chân trời vô ngã, nơi đó có sự bình an tuyệt đối, không có biên giới phân chia nào cả từ trong tâm thức, siêu vượt lên cả thời gian, không gian hữu hạn thường chiếm lĩnh. Đức Phật là hiện thân sự chuyển hoá biến thân phận hữu hạn giả hợp ngũ uẩn bằng tình yêu vô hạn được trải nghiệm bằng một quá trình tự thân thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ. Suốt 45 thuyết pháp độ sanh, Ngài đã không ngừng tiếp độ chuyển hoá biết bao con người hiện hữu trên cõi đời bất kể người đó có thân phận như thế nào. Từ bậc vương giả công hầu, bá tước cho đến kẻ đốn mạt chốn cùng đinh đều được Thế Tôn khai mở tâm thức, gieo hạt giống thiện lành để tự thân họ vận hành “giai điệu tình yêu” trong cuộc sống thường nhật.
Kết quả sau cùng, họ chính là người giải thoát khổ đau không hệ luỵ ở đời nữa, để hoá hiện bậc Thánh chứng ngộ giữa trần thế. Trường hợp Ưu-ba-ly là một minh chứng cụ thể. Xuất thân từ một gia đình thuộc giai cấp Thủ-đà-la bần cùng suốt đời làm nô lệ, bằng sự nỗ lực tự thân sau khi được Thế Tôn tiếp nhận, năng lượng tình yêu vô hạn của Ngài đã tuôn chảy, tẩy rửa sự nhiễm ô còn chất chứa từ trong tâm thức của Tôn giả. Sự nghiêm trì giới luật cùng thể nghiệm lòng từ bi vô hạn trang trải khắp cho mọi người, khiến Tôn giả trở thành nguồn sống của yêu thương và hiểu biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui đời sống này nữa”.
Rõ ràng, một cái tâm cho dù chất chứa nhiều chủng tử từ trong quá khứ, ngay cả hiện tại những gì mới tạo ra trong đời này, nếu được hướng tâm khai mở, cải thiện thì chủng tử xấu sẽ không có đất để nảy mầm, tự nó mất đi, thay vào đó là sự ra hoa kết trái của quá trình vận hành những hạt giống chất chứa tình yêu vô lượng. Chính thái độ sống như thế, con người trở nên độ lượng, vô ngã vị tha và vươn tới cái đẹp toàn bích của con người chứng ngộ. Xá-lợi-phất là một mẫu người trong nhiều người đệ tử của Thế Tôn luôn mở cõi lòng, hướng tâm nhu nhuyến đến người khác cho dù được đón nhận những điều không tốt lành khi bị vu oan giá họa, bị đối phương nhục mạ. Chính tôn giả Xá-lợi-phất từng nghĩ rằng: “Đất luôn nhận lãnh hết tất cả những dơ uế của thế gian. Con tự nguyện làm đất luôn luôn nhẫn nhịn tất cả những điều trái ý, không hạ nhục bất cứ ai. Dòng nước cuốn trôi, rửa sạch tất cả những vết dơ bẩn trần gian. Con tự nguyện rửa sạch trần cấu cho mọi người. Cái chổi quét sạch hết tất cả rác rưởi không hề phân biệt. Con tự nguyện làm cái chổi quét sạch bụi trần của chúng sanh. Bấy lâu, con chưa hề khinh khi ai, chưa hề có ý niệm phân biệt, cố gắng không để tâm vọng động, thường an trú trong chánh niệm. Bởi thế, nếu con còn có lỗi lầm nào, xin các thầy Tỳ kheo từ mẫn chỉ bảo, con xin thành khẩn sám hối”.
Không có gì cao quý hơn khi tâm từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng, xả vô lượng thực thi để chuyển hóa tâm thức con người. Theo lý thuyết A-lại-da (Tâm chất chứa chủng tử), lý thuyết về nghiệp khuyến cáo nghiệp chỉ là nội dung của cái tâm ô nhiễm. Vấn đề đặt ra làm sao tẩy rửa tâm thức trở nên trong sáng thanh tịnh, nhu nhuyến để tuôn chảy vào nguồn sống bất tận. Suy cho cùng, nơi nào hạt giống yêu thương được gieo trồng lan toả, nơi đó hệ luỵ khổ đau dập tắt, hạnh phúc chân thật có mặt hiển bày.
Trong thời đại ngày nay, khi con người phải đối diện nhiều vấn đề nan giải của cuộc sống, nếu không biết tự nhìn lại chính mình, không nhiệt tâm tự mình chuyển hóa thì tự thân sẽ rơi vào con đường dẫn đến cái “hữu hạn”, xa rời cái “vô hạn” mà con người thường xuyên muốn khát vọng mong chờ. Một tâm thức chất chứa vô lượng tình yêu nghiễm nhiên sẽ giải phóng bao sinh mệnh thân phận con người vốn mong manh trước vô thường biến dịch. Tại đây, tôi tin chắc rằng, đại dịch COVID-19 phải được đẩy lùi từ khả tính tình yêu vô hạn của con người. Đây cũng chính là thông điệp: “Mọi điều nan giải, mọi điều mất mát của đau thương sẽ qua đi, chỉ có tình thương ở lại” được hiển bày với niềm tin và hy vọng.
* TT.TS. Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trích từ: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo 380
Discussion about this post