Để đạt được sự an định trong lòng chúng ta nên tiếp nhận quan niệm bảo vệ môi trường tâm linh, tức là ít dục vọng và biết hài lòng với những gì mình có.
Làm thế nào để an tâm? Điều quan trọng nhất vẫn là không để tâm mình dao động theo môi trường bên ngoài. Nếu tâm không bị ngoại cảnh tác động, đó chính là người sáng suốt; trong lòng nhất định phải tự tại, an định. Nếu tâm thay đổi theo môi trường, hoàn cảnh thì sẽ sinh ra buồn phiền. Ví như dục vọng quá mạnh mà không được thỏa mãn sẽ sinh ra phẫn nộ, do đó kéo theo những trắc trở, và có thể mang đến sự lo sợ, hoài nghi. Ví dụ như người ta đặt điều cho bạn, bạn phản ứng mãnh liệt tiêu cực; người ta khen bạn một câu, bạn liền dương dương tự đắc; bị người ta xử oan sẽ đau khổ xót xa; được người ta tâng bốc thì kiêu căng. Tuy những điều này đều phản ánh cảm xúc thường tình của con người nhưng tất cả bạn đều không khẳng định được bản thân nên mới cần người khác khẳng định cho mình.
Giáo lí Phật giáo dạy chúng ta nên “giữ tâm an tịnh không để ngoại cảnh làm dao động”, đấy chính là “bát phong xuy bất động” (không dao động trước tám ngọn gió cuộc đời). “Bát phong” gồm: lợi dưỡng, suy vong, hủy báng, khen ngợi, tán dương, chê bai, đau khổ, vui sướng.
Tất nhiên trong cuộc sống khó tránh khỏi nghịch cảnh, tôi thường khuyên mọi người, khi xử lý những vấn đề rắc rối nên đối diện với nó một cách thản nhiên, tiếp nhận nó, xử lý nó, gạt bỏ nó. Nói vậy cũng có nghĩa là khi gặp bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, gian khổ thì không được trốn tránh vì trốn tránh không giải quyết được vấn đề, chỉ có dùng trí tuệ để gánh vác trách nhiệm mới có thể vượt qua vấn đề nan giải một cách đúng nghĩa.
Để đạt được sự an định trong lòng chúng ta nên tiếp nhận quan niệm bảo vệ môi trường tâm linh, tức là ít dục vọng và biết hài lòng với những gì mình có. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không dễ dàng để làm được ngay, càng không dễ lúc nào cũng làm được điều này, nhưng nếu không ngại tập luyện hàng ngày thì dần dần sẽ có được sự an tâm.
HT. Thích Thánh Nghiêm
Discussion about this post