TẠC DẠ
NHẤT CHI MAI
Giác
“Đêm
Trước Một Cành Mai” là một bài thơ thường được
nhắc nhở tới mỗi khi người ta nói đến dòng văn học Thiền.
Đó là một bài thơ có vẻ như dễ hiểu và có tính chỉ
thẳng (trực chỉ) nên đã được nhiều người dịch và giải
thích ở nhiều sách khác nhau. Tính bí hiểm mơ mơ hồ hồ
thường có của thơ Thiền như dường bị loại trừ ở đây.
Bài này được viết ra cũng để góp thêm vào những lời
chú giải đó nhân mùa Xuân sắp đến, nếu may mắn không
ngoài ý Tổ thì xin là thêm một cành mai cúng Phật.
Ở
trên, ta có nói đến cái gọi là dòng văn học Thiền. Cách
chỉ danh này không chính xác lắm. Bởi vì các Thiền sư thường
không ưa làm thơ và khi làm thơ trong dịp nào đấy thì lại
không cố tâm. Mọi chuyện cứ như là hoa bay gió thổi. Thậm
chí, có vị còn cấm đoán đệ tử tất cả những gì có
tính xảo điệu, như Thiền sư Lâm Tế trong lời thị chúng
“… các ngươi ỷ giỏi nói thì ta bóp họng, các ngươi ỷ
giỏi làm thì ta bẻ tay…” như dường muốn đệ tử phải
là cái gì vụng về nhất. Thơ ngây nhất. Đó là nếu hiểu
thơ như là một nỗ lực có tính xảo điệu mô tả tư tưởng
và tình cảm thông qua ngôn ngữ, hay là nghệ thuật của một
hệ thống tư tưởng biểu tượng. Trong khi đó, các “tư tưởng”
của Thiền phải đi thẳng, không qua một hệ thống tư tưởng
biểu tượng nào hết.
Thơ
của các Thiền sư đều làm từ vô tâm. Thoắt nhiên nó đến,
thoắt nhiên nó đi, như trăng đáy nước, như hoa lồng gương.
Nói thoắt nhiên cũng không trúng, vì đọc thơ của các Tổ,
ta thấy tất cả đều chỉ vào một điều, một cái thấy
duy nhất. Nhưng nói không thoắt nhiên cũng không trúng vì những
lời thơ đó đều chỉ rằng, các vị đã đưa mắt nhìn đâu
trong thế giới cũng chỉ thấy Nó, thấy khuôn mặt thật đó,
cái Vô Vị Chân Nhân đó, cái bản lai diện mục đó. Những
dòng thơ Thiền được lưu truyền đó đều đứng ngoài cái
thoắt-nhiên và cái không-thoắt-nhiên, ngoài cái vô-tâm và
cái cố-tâm.
Vấn
đề sẽ là cái gì ở ngoài cái cố-tâm và cái vô-tâm, cái
đã đưa đến những dòng thơ Thiền hiếm hoi đó?
Sự
hiếm hoi của thơ Thiền cũng không phải vì truyền thống
“bất lập văn tự.” Mặc dù coi thường ngôn ngữ biểu tượng,
nhiều vị đã để lại biết bao nhiêu là luận giải, kinh
sám. Và bên đó cũng là biết bao nhiêu thơ, hay những dòng
văn đẹp như thơ và có khi là đẹp hơn thơ. Thí dụ như
Tổ Huyền Giác để lại tập “Chứng Đạo Ca,” Tổ Tăng Xán
để lại “Tín Tâm Minh.”
Như
vậy, sự hiếm hoi của Thơ Thiền phải là, Cái Kia, chính
là cái khó dùng lời để nói. Cái Kia, chính là cái đã khai
sinh những dòng Thơ Thiền, và ngược lại, để gọi được
là Thơ Thiền thì tất cả những lời lời chữ chữ đó đều
phải chỉ thẳng vào Cái Kia. Cái Kia, chính là cái ở ngoài
(chữ ở ngoài không trúng, mà nói ở trong cũng sai) cái cố-tâm
và vô-tâm.
Mặc
dù, có Tổ đã từ bi nói, bước thành tựu của Thiền giả
phải là Vô Tâm Thị Đạo, vô tâm chính là Đạo vậy. Lời
đó cũng chỉ mới là phương tiện thiện xảo, vì các Tổ
khác đã nói mãnh liệt hơn, đẩy xa hơn và chỉ rõ hơn. Thí
dụ, vua Trần Nhân Tông, một Tổ của dòng Trúc Lâm, có thơ
là:
Vô
tâm do cách nhất trùng quan
(Vô
tâm vẫn còn cách cả một ải quan với giác ngộ)
Như
vậy, để được công nhận là Thơ Thiền, nếu không đi từ
Cái Thấy Kia , chúng ta sẽ vơ thêm một mớ hỗn tạp của
thi ca nhập-nhằng-Thiền từ các năm 1960 tới giờ. Điều
này đâu có khác gì chỉ thấy mình là bọt sóng mà cứ gọi
mình là đại dương.
Từ
phân giải trên, ta sẽ nhìn vào thế giới sai biệt và vô
sai biệt trong bài thơ hoa mai của Thiền Sư Mãn Giác:
Xuân
khứ bách hoa lạc
Xuân
đáo bách hoa khai
Sự
trục nhãn tiền quá
Lão
tùng đầu thượng lai
Mạc
vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình
tiền tạc dạ nhất chi mai.
Bản
dịch của Thượng Tọa Thanh Từ trong tập Xuân Trong Cửa Thiền:
Xuân
đi trăm hoa rụng
Xuân
đến trăm hoa cười
Trước
mắt việc đi mãi
Trên
đầu già đến rồi
Chớ
bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm
qua, sân trước một cành mai.
Xuân
nằm trong dòng vận hành bốn nhịp của thời gian, Xuân Hạ
Thu Đông. Là bước chân dịu dàng nhưng nghiệt ngã, mang theo
hơi ấm và làn gió mát, đồng thời cũng giẫm khẽ và nghiền
nát từ từ tất cả những thành hoại của trần gian.
Tất
cả các pháp thế gian (ở đây là trăm hoa) đều bị chi phối
bởi bước chân của mùa Xuân, nói lên lẽ vô thường của
vạn pháp. Khi mùa Xuân đến, trăm hoa đều nở, không gì cưỡng
lại được. Khi mùa Xuân đi, trăm hoa đều tàn, không gì cưỡng
lại được. Tất cả các pháp thế gian đều mang tính sinh
diệt trong nó. Ngay chính sự hiện diện của mùa Xuân cũng
là một pháp thế gian, nên cũng là một pháp sinh diệt.
Nhưng
không phải vì có mùa Xuân thì trăm hoa đua nở, hoặc ngược
lại, vì trăm hoa đua nở nên có mùa Xuân. Trong nghĩa đầu,
tất cả pháp thế gian đều là pháp sinh diệt nên phải thuận
theo pháp duyên sinh. Trong nghĩa sau, trong hoa đã có Xuân, trong
Xuân đã có hoa, tất cả đều trùng trùng duyên khởi trong
một pháp giới đan chặt vào nhau. Nhìn hoa thấy Xuân và nhìn
Xuân thấy hoa. Đẩy thêm một bước, nhìn vạn pháp (hoa và
Xuân hay là Sắc) thấy được định luật (trùng trùng duyên
khởi trong Tánh Không) và thấu thoát định luật thì thấy
rõ dòng sinh diệt ảo mộng của vạn pháp trong một pháp giới,
Sự-Lý dung thông, Sắc với Không vẫn như là một mà không
là một, vẫn như không là một mà là một.
Trước
mắt việc đi mãi
Trên
đầu già đến rồi
Sau
khi nhìn cảnh, tới đây nhìn lại người.Cảnh (hoa và Xuân)
và người (cái già đến trên đầu) cũng đều là những pháp
vô thường, pháp sinh diệt, pháp thế gian. Nói đến cảnh
rồi nói người là để nhấn mạnh hơn tính sinh diệt của
vạn pháp, để chỉ thẳng tính có sinh có diệt của các pháp
thế gian.
Phải
mở một ngoặc đơn để nói rằng chữ cảnh và người ở
đây không cùng một nghĩa với chữ cảnh và nhân trong Tứ
Liệu Giản của Sư Lâm Tế, nếu hiểu chữ cảnh và nhân
của Sư trong nghĩa đơn giản nhất (và có phần không chính
xác) là đối tượng của tâm và tâm.
Nhìn
Xuân đi, Xuân đến, trăm hoa rơi, trăm hoa nở, thấy việc
bay qua đi trước mắt, ngó lại mình thì tóc cũng bạc trắng
xóa tự thuở nào. Trăm hoa với mình, mình với trăm hoa nào
có khác gì nhau trong dòng sinh diệt, vẫn cùng chia xẻ một
nhịp vô thường của các pháp diệt.
Nhưng
giữa dòng sinh diệt vô thường ấy vẫn có:
Chớ
bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm
qua, sân trước một cành mai.
Đừng
nói rằng Xuân đi, hoa đã rơi hết cả. Bởi vì đêm qua ở
sân trước vẫn còn một cành mai hiện diện, mặc cho xuân
đi và trăm hoa tàn, mặc cho việc trôi qua và tóc bạc đến.
Vẫn còn một cái gì đó vững vàng mặc cho bao giông bão đầy
trời, mà mong manh và lung linh dịu dàng để gọi là một cành
mai.
Chữ
đêm qua (tạc dạ) ý để nói, sự có mặt của cành mai này
vượt qua sự tàn phá của thời gian. Nó là cái gì mang tính
kiên cố, bất khả hoại của Kim Cương. Và khi nói đêm qua
cũng có nghĩa muốn nói là cả đêm nay và đêm mai, không bị
ảnh hưởng chút nào bởi cái gọi là phạm trù tiên nghiệm
thời gian cả. Nó hoàn toàn không mang tính vô thường, tính
sinh diệt của các pháp thế gian. Cành mai này là một pháp
vô sinh diệt, một pháp xuất thế gian. Thiền Sư đã đưa
mắt nhìn tất cả các pháp sinh diệt, các pháp thế gian (xuân
đi, hoa tàn, việc qua, tóc trắng) mà vẫn nhìn thấy một pháp
vô sinh diệt, một pháp xuất thế gian (cành mai với tính bất
hoại).
Cũng
nên mở thêm một ngoặc đơn chỗ này. Hình ảnh đêm qua (tạc
dạ) ở trong nhà Phật thường được sử dụng trong hai nghĩa
khác nhau. Nghĩa đầu tiên như vừa nói, và ứng dụng trong
bài thơ này, hàm cả nghĩa đêm nay và đêm mai, theo mạch văn
được diễn dịch. Nghĩa thứ hai sẽ mang ý khác hơn như trong
câu:
Sinh
tử Niết Bàn do như tạc mộng.
(Sinh
tử và Niết Bàn đã như giấc mộng đêm qua.)
Kinh
Viên Giác – Chương Phổ Nhãn.
Ngay
khi vừa giác ngộ thì thấy được, chuyện Sinh tử và Niết
bàn chỉ như giấc mộng đêm qua. Chữ đêm (dạ) không có
trong câu vừa dẫn, nhưng được hiểu ngầm, ám chỉ những
vô lượng kiếp trôi lăn trong vô minh, chập chờn giữa cõi
tử sinh, mong cầu đến bến bờ giác ngộ (Niết bàn), thực
sự cũng chỉ là giấc mộng đêm qua (tạc mộng). Đó là chuyện
đã qua và không còn nữa, không bao giờ còn nữa, khi Trí Huệ
Bát Nhã đã bừng lên. Trong cái thấy của Trí Huệ Phật trong
giây phút giác ngộ đó, sẽ thấy không có cõi sinh tử nào
phải vượt qua, không có một Niết Bàn nào phải tìm đến.
Xin đóng ngoặc đơn.
Chữ
sân trước (đình tiền) mô tả một khoảng không gian nơi
cành mai chiếm ngụ. Bất kỳ một hiện tượng nào, hoặc
một tư tưởng nào, khi xuất hiện cũng ở trong một thời
gian và không gian nào đó. Sau khi nói đến đêm qua nay nói
thêm là ở sân trước.
Hình
ảnh sân trước ẩn tàng hình ảnh đất tâm trong chữ Tâm
Địa. Có thể gợi nhớ, Thiền Tông còn một tên gọi khác
là Tâm Địa Pháp Môn. Thật sự đã có nhiều tên gọi khác
nhau cho Thiền, thí dụ như Thiền có tên tắt là Tông để
phân biệt với tất cả các pháp khác dựa vào giáo điển
để tu là Giáo; hoặc gọi rõ ràng hơn là Tâm Tông để nói
đây là pháp môn chỉ nhìn vào Tâm để thấy được Tính.
Cách gọi đất tâm trong chữ Tâm Địa Pháp Môn còn chỉ rõ
ràng hơn nữa (chữ Tâm ở đây có nghĩa khá phức tạp là,
khi chưa ngộ thì Tâm là Tướng, thường dụ như người thợ
vẽ, khi ngộ rồi thì Tâm là Tính, Tâm Tính đồng nhất –
Sử dụng chữ đồng nhất ở đây dễ bị ngộ nhận, nhưng
khó dùng chữ khác chính xác hơn), cho ta hình dung Tâm của
kẻ giác ngộ sẽ bằng phẳng và bền vững như mặt đất,
dù tất cả rác rưởi trần gian (nói rõ hơn, biết là vọng
thì vọng tự trừ, biết niệm khởi thì niệm tự ngưng) ném
vào cũng không làm lay động hoặc dơ đi được (nghĩa gần
nhất).
Có
nhiều hình ảnh trong Thiền thường được dùng để dụ cho
Tâm, như mặt trăng (vọng niệm dụ là mây), như mặt hồ
(vọng niệm dụ là sóng), như gương sáng (vọng niệm dụ
là bụi). Nhưng với hình ảnh đất tâm thì phép tu đã rõ
ràng hơn. Nếu thấy được Tâm như hình ảnh này thì sẽ
thấy, Tâm vốn không hề lay động thì tội gì phải tìm cái
định, cứ để tự nhiên vào tính bản định của đất tâm
thì còn có định nào bằng. Đây cũng chính là nghĩa của
bình thường tâm thị đạo vậy, tội gì phải lăng xăng nhập
định với xuất định.
Vấn
đề chỉ còn là làm sao để Tâm là bình thường, để vào
thẳng một niệm vạn năm. Cách dùng chữ làm sao trong câu
vừa viết lại dễ gây hiểu lầm, là phải đi tìm cách tu
nào cao xa, phức tạp thì lại càng xa đạo. Dùng lời để
nói chỗ này thật sự là khó, nên trong Thiền, các Tổ phải
dùng nhiều hình ảnh lòng vòng để chỉ thẳng như vậy. Một
hình ảnh tương tự được Tổ Bồ Đề Đạt Ma dùng để
chỉ tính bản định đó là Tâm như tường vách. Thế mới
biết, không muốn dùng lời để nói vì lời không chỉ được
chỗ này, mà vì lòng từ bi, các Tổ đã dùng nhiều lời quá
rõ ràng.
Chính
ở hình ảnh sân trước hoặc đất tâm, cho ta thấy tất cả
mọi sinh, trụ, hoại, diệt đều xảy ra, dựa vào và trở
lại trên mặt đất, nhưng mặt đất (tâm) ấy vẫn bất động,
không tăng, không giảm.
Gom
chung ý của đêm qua sân trước (đình tiền tạc dạ), điều
này chỉ vào giác tính bình đẳng bất động của Tâm thể.
Nương vào (có nên gọi là nương không, hay là quay lại?) tính
bản định của nó mà tu thì là con đường đốn ngộ vậy
(mà đúng là chẳng phải tu).
Không
phải vào định này là trở về với gỗ đá, vì Tâm thể
vốn bất động mà diệu dụng vẫn hằng chiếu. Đây là vấn
đề thứ nhì, hay nhìn vào mặt khác (có thực là khác không?)
của Tâm thể, trổ ra một cành mai (nhất chi mai) vậy. Tâm
vẫn hằng bất động, mà diệu dụng vẫn hằng sa, mà Tâm
vẫn thường chiếu.
Mặt
thứ nhì của Thiền Đốn Ngộ tới đây đã rõ ràng hơn.
Ở mặt nhất, vào thẳng tính bản định của Tâm mà tu thì
có cần chi phải chỉ với định. Ở mặt nhì, vào thẳng
tính thường chiếu của Tâm mà tu thì cần chi phải quán với
tưởng. Gọi là hai mặt lại dễ gây ngộ nhận. Bởi vì Tâm
thể, mặc dù tịch (rỗng lặng) nhưng vẫn chiếu, và ngược
lại, dù vẫn chiếu nhưng vẫn tịch. Vào thẳng được chỗ
này chính là Kiến Tính Thành Phật, còn pháp tu nào thẳng
tắt hơn không. Lúc bấy giờ thì dù là mặc áo, ăn cơm, dù
là vác gươm, vào trận, dù là viết lách, lăng nhăng, vẫn
chưa hề rời khỏi đạo tràng. Còn pháp tu nào sảng khoái
hơn không?
Nói
là thẳng tắt, nhưng giá của nó thực sự là không dễ, như
Tổ Hoàng Bá có nói:
Bất
thụ nhất phiên hàn triệt cốt
Chẩm
đắc mai hoa phác tị hương.
(Nếu
không một bận thấu xương lạnh
Sao
được trước mũi ngát hương mai).
Đọc
lại toàn bài thơ của Thiền Sư Mãn Giác, ta sẽ thấy theo
mạch văn cách diễn ý, từ xuân đi, hoa tàn, xuân đến, hoa
nở, việc qua, tóc trắng, đến câu chuyển mạch (Chớ bảo
xuân tàn hoa rụng hết) để lật ngược lại mặt sau và chỉ
thẳng cách tu ở câu cuối, đêm qua sân trước để chỉ vào
tính bản định của Tâm, và một cành mai để nói tới diệu
dụng, tính thường chiếu của Tâm. Phần trên nói về các
pháp sinh diệt, câu cuối nói về pháp vô sinh diệt. Nhưng
cả hai không rời nhau mà có được. Nhưng không phải vì có
cái này mà có cái kia. Tâm vẫn tự trụ Tâm, cảnh vẫn tự
trụ cảnh. Sinh tử (xuân, hoa, việc, tóc trắng) và Niết Bàn
(cành mai trên đất tâm bất hoại trước thời gian) không
là một, vì một đằng là thế giới sinh diệt, một đằng
là thế giới vô sinh diệt; nhưng cũng không là hai, vì một
đằng là Sự, một đằng là Lý, vẫn viên dung vô ngại trong
pháp giới đất tâm; cũng không vì nương vào nhau mà có, vì
sóng vẫn khởi đàng sóng và nước vẫn an nhiên đàng nước;
cũng không lìa nhau mà có, vì lìa sóng không thấy được nước
và lìa nước không thể có sóng. Nếu lấy hình ảnh quen thuộc
thường dùng trong Thiền là sóng với nước để dụ cho Tướng
và Tánh, ta có thể thấy toàn bài thơ khi lật ngược từ
Sự qua Lý, từ thế giới sai biệt qua thế giới vô sai biệt
vẫn viên dung vô ngại trong một pháp giới đất tâm như Kinh
Lăng Nghiêm diễn tả:
Toàn
Tướng tức Tánh, toàn Tánh tức Tướng.
Nếu
bước chân vào được thế giới trùng trùng Sự-Lý viên dung
vô ngại của bài thơ này thì còn đâu sợ mà lầm lạc, mà
chất vấn đâu là nẻo Niết Bàn, đâu là đường Sinh Tử;
đâu là Tổ đường, đâu là nhà ma, cửa quỷ.
Như
vậy, toàn bài thơ nói lên cảnh giới của Đốn Giáo Đại
Thừa. Nếu phân chia các thời thuyết giáo của đức Phật
làm năm thời như các Tổ Hoa Nghiêm Tông đã làm, bài thơ
này phô bày cái nhìn ở vào thời kỳ thứ tư, thời kỳ của
Đốn Giáo, đưa tới cái nhìn của cảnh giới Lý-Sự vô ngại.
Thật
sự ít có bài thơ nào chỉ bày phép tắc nghi quỹ rõ ràng
như vậy.
Vẫn
đứng ở cõi sinh diệt mà nói về cảnh giới vô sinh diệt
bất khả tư nghị thì đúng là đang nằm mơ, ngủ mớ. Nhưng
chỉ cần nheo đôi mày lại, mở đôi mắt to ra thì thấy ngay
ta vẫn hằng đứng nơi mép bờ vô sinh diệt, vẫn chưa từng
bước lạc xuống trần gian. Muốn lìa sinh diệt mà lấy pháp
sinh diệt để tu là chuyện trăm kiếp nghìn đời khó thành
được. Sao bằng thẳng một niệm vào ngay chỗ của sân trước
hoa mai, lấy ngay thanh Kim Cương Tuệ Kiếm nhập pháp vô sinh
diệt thì ngại gì chuyện sinh với diệt. Vào ngay được chỗ
này, cái gọi là pháp vô sinh diệt cũng còn phải buông bỏ
kia mà, không phải nó cũng chỉ là giấc mộng đêm qua sao.
Discussion about this post