SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA TƯ TƯỞNG TAM THÂN
Đức Quang
Học thuyết Tam Thân (trikāya) là tư tưởng căn bản của Phật giáo Đại thừa về thân Phật và như là thực tại tối hậu. Hay nói khác đi, đây là câu trả lời vấn đề siêu hình học, thân Phật của Phật giáo Đại thừa, điều mà đã được Đức Phật từ chối trả lời khi được du sĩ ngoại đạo Vacchagotta hỏi.[1] Từ đó đặt ra vấn đề có một lịch sử hình thành và phát triển tư tưởng trikāya, hay có nguyên nhân và diễn trình để tư tưởng trikāya ra đời. Vậy nên, ở bài viết này tập trung tìm hiểu tư tưởng trikāya, sự hình thành và phát triển của nó. Trong bài này chỉ dừng ở xem xét sự vận động nội tại của Phật giáo ở diễn trình hình thành và phát triển tư tưởng trikāya, do đó sẽ không đi tìm hiểu các nguyên nhân ngoại tại ảnh hưởng đến tiến trình hình thành học thuyết trikāya.
Từ khóa: Tư tưởng Tam Thân, Trikāya, Pháp thân, Báo thân, Hóa thân, Sắc thân.
Định nghĩa tư tưởng trikāya
Trường phái Du-già đã sáng tạo ra phần cuối cùng của giáo lý về Tam thân Phật. Từ đó, Đức Phật được cho là hiện hữu trên ba mức độ khác nhau.[2] Theo định nghĩa trikāya theo Mahāyānasamgraha (攝大乘論本/Nhiếp đại thừa luận) của Asaṅga (Vô Trước) theo bản Hán dịch của Huyền Trang[3] và lời Việt dịch của Trí Quang.[4]
“Do 3 loại thân Phật mà biết sự thù thắng của trí đức: một là do tự tánh thân, hai là do thọ dụng thân, ba là do biến hóa thân. Tựu trung, tự tánh thân là pháp thân của chư vị Như lai, do các pháp tự tại chuyển chỗ y cứ; thọ dụng thân là dựa vào pháp thân, ở tại chúng hội của chư Phật nơi tịnh độ, thọ dụng pháp lạc đại thừa; biến hóa thân là cũng dựa vào pháp thân, từ Đâu suất thiên cung thị hiện ẩn mất, thọ sinh, thọ dục, vượt thành xuất gia, đến chỗ ngoại đạo, tu các khổ hạnh, chứng đại bồ đề, chuyển đại pháp luân, nhập đại niết bàn.”
Pháp thân là dharmakāya (法身), là tự tánh thân (svābhāvikakāya).[5] Pháp thân là tuyệt đối, là chân lý, là bản nguyên, là thực tại tối hậu hoặc chính bản thân Thực tại.
Báo thân là sāṃbhogikakāya, là thân phúc đức (受用身/thọ dụng thân), sự hóa hiện của Phật cho các vị Bồ Tát và hàng thánh giả được nhìn thấy, và thuyết pháp ở các cõi trời, tạo ra sự vui thú và ưa thích đối với Pháp.
Hóa thân là nairmāṇikakāya (應身/ứng thân), là thân mà chúng sanh có thể nhìn thấy thị hiện vào những thời điểm nhất định trong thế gian (không gian và thời gian cụ thể); là sắc thân (Rūpa-kāya) hay thân thể con người hay thân do cha mẹ sinh, là thân hư ảo do Phật hóa hiện ra để thực hiện công việc hóa độ trên thế gian.
Tóm lại, tư tưởng trikāya là quan điểm của Mahāyāna quan niệm về Đức Phật, thực tại tối hậu và đã được Asaṅga định nghĩa đầy đủ trong tác Mahāyānasamgraha.
Quá trình hình thành và phát triển của trikāya
Theo học giả Quảng Hưng[6] mở đầu tác phẩm với sự khẳng định rằng: “tư tưởng trikāya là một sự phát triển lý thuyết quan trọng và cơ bản nhất của Mahayana.”[7] Ông làm rõ hai điều cơ bản của sự hình thành và phát triển thuyết trikāya được trình bày trong phần kết luận như sau:[8]
Một là học thuyết trikāya như kết quả của quá trình phát triển khái niệm thân Phật, từ một vị đạo sư trong Phật giáo nguyên thủy đến một triết lý và khái niệm đầy trừu tượng trong Mahayana (Đại thừa). Thậm chí ngay trong thời kỳ Bộ phái, các trường phái cũng cố gắng giải thích đức Phật đã như thế nào. Tất cả các bộ phái đều giải thích dựa trên lịch sử đời sống của đức Phật Śākyamuni. Các nhà Đại thừa đầu tiên đã định nghĩa đức Phật bằng cách thức bản thể hóa; nghĩa là dharmakāya như một thực tại tối hậu làm căn bản cho sự hiện hữu của tất cả hiện tượng.
Hai là ông đã trình bày tiến trình phát triển của khái niệm Phật thân thành năm giai đoạn như sau:
(1) Đức Phật là một người thầy và một người hướng đạo, mặc dù có các chi tiết siêu tự nhiên, tính chất phi thường như sáu thần thông, ba hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp đã được diễn tả trong văn học Pāḷi Nikāya và Āgama.
(2) Thời kỳ Bộ phái, vấn đề quan hệ giữ phương diện con người (Rùpakàya) và sự siêu phàm (dharmakāya) của đức Phật đã dẫn đến hai quan niệm chính:
– Sarvāstivādin (Thượng tạo bộ) cho rằng, cả sắc thân và pháp thân có quan hệ với phương diện con người của đức Phật.
– Mahāsaṇghika (Đại chúng bộ), đức Phật là một sự hoàn toàn tiên nghiệm và toàn năng, sự xuất hiện của đức Phật lịch sử đã là một sự thị hiện để cứu độ cho tất cả hữu tình.
(3) thời kỳ tiền Đại thừa, khái niệm Tathatā (Như Lai) là một bản thể tối hậu của tất cả thế giới hiện tượng, và có sự thống nhất giữ Tathatā với dharmakāya của đức Phật.
(4) Sự thống nhất của dharmakāya với khái niệm mới tathāgatagarbha (Như Lai tạng) và mahāparinirvāṇa (Đại niết bàn); Quảng Hưng đã dẫn chứng Tathāgatagarbha-sūtra (Kinh Như Lai Tạng), the Mahāparinirvāṇa-sūtra (Kinh Đại Bát Niết Bàn), and 佛性論 (Phật Tánh Luận).
(5) Sự phát triển của học thuyết trikāya, bằng việc tìm hiểu Mahāyānasūtrâlaṃkāra (Đại thừa trang nghiêm kinh luận/大乘莊嚴經論) và những đóng góp của “Asaṇga và Vasubandhu”.
Ở hệ thống kinh điển Nguyên thủy đều ghi nhận hai quan niệm về thân Phật: sắc thân diệt độ và pháp thân thường trụ.[9] Sắc thân là của Phật có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, điều mà một chuyển luân thánh vương cũng có.[10] Pháp thân có năm phần gồm: “Thân mình giới thành tựu, tam-muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát kiến tuệ thành tựu, lại có thể dạy người thành tựu năm phần Pháp thân này.”[11] Điều này được Độc-Tử diễn giải như là sự chấm dứt các phiền não trói buộc, diệt hết bốn điên đảo nên chỉ còn pháp thân kiên cố chân thật.[12] Ngoài ra còn tìm thấy nhiều bài kinh khác cũng ghi nhận: “Nhục thân tụy diệt độ nhưng pháp thân tồn tại.”[13] Đó là lý do, sắc thân không được chấp nhận như là Như Lai,[14] vì sắc thân là pháp vô thường, pháp hủy hoại, là pháp tan rã.[15] Đặc biệt là vấn đề về sự đồng nhất Như Lai với Pháp thân cũng đã được ghi nhận. Điều mà Guang Xing cho rằng mãi đến giai đoạn thứ bốn mới xuất hiện việc thống nhất quan điểm của dharmakāya với khái niệm mới tathāgatagarbha. “Vì là những chữ đồng nghĩa với Như Lai là Pháp thân, là Phạm thân, là Pháp thể, là Phạm thể.”[16]
Giai đoạn hai, khái niệm về đức Phật đã có những phát triển quan trọng trong giai đoạn đầu của Bộ phái Phật giáo, đặc biệt là Sarvāstivādin và Mahāsaṇghika. Một, các nhà Sarvāstivādin đã tóm tắt và tổng hợp những tính chất và đặc tính của Phật điều được mô tả trong kinh điển Nguyên thủy, lý thuyết về hai thân: rūpakāya và dharmakāya. Đồng ý kiền này, Michael Radich[17] cũng cho rằng học phái Sarvāstivāda giảng dạy thuyết nhị thân (Rùpakàya -dharmakāya).[18] Rūpakāya là thân cha mẹ sinh, không thanh tịnh, có ba hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Dharmakāya chứa đựng mười tám pháp bất cộng, mười lực, bốn vô úy, và tam minh.[19] Mười lực và ba mươi hai tướng tốt có ghi nhận trong Nikāyas và āgamas. Các đặc tính khác của Phật như tám mươi vẻ đẹp và hào quan bao quanh, đã được thêm vào sau khi cẩn thận tổng hợp.[20] Hai, các nhà Mahāsaṇghika cơ bản dựa trên niềm tin hơn là lý tính, chấp nhận tất cả điều gì được dạy bởi đức Phật, nói đúng hơn là bất cứ điều gì được dạy trong nikāyas và āgamas. Hệ quả tất nhiên là Mahāsaṇghika (Đại chúng bộ) đã phát triển quan niệm siêu nhiên về đức Phật như sau: là người toàn năng và toàn tri, và đã tự do hóa thân xuyên qua hình thức loài hữu tình như một phương tiện quyền xảo. Śākyamuni (Đức Phật Thích Ca) đã là một trong những dạng hóa thân. Chân Phật (The true Buddha) có thể hiện thân giáo hóa trong mười phương. Đây là sự đánh dấu việc phân chia quan niệm về đức Phật thành hai phương diện chân Phật và hóa Phật (nairmāṇikakāya). Từ đó, Đại chúng bộ là người đầu tiên xem xét quan niệm nairmāṇikakāya.[21] Theo quan điểm của các nhà Đại thừa, chân Phật đã phát triển và phân chia ra khái niệm dharmakāya và khái niệm sāṃbhogikakāya; sau cùng là quan điểm hóa thân đã phát triển nên khái niệm nairmāṇikakāya. Do đó, Đại chúng bộ là những người tiên phong tạo ra khái niệm nairmāṇikakāya, và những hóa thân có thể có nhiều dạng thức. Xa hơn nữa, trường phái này đã giới thiệu quan niệm có nhiều đức Phật tồn tài trong những thế giới khác.[22]
Giai đoạn ba, các bản Đại thừa kinh đề cấp đến tinh thần tam thân Phật như là một khuynh hướng mới của Phật giáo phát triển, chuyển tiếp từ tư tưởng ‘Không’ của Bát Nhã, đến tư tưởng ‘Tâm’ của Hoa Nghiêm, sang tư tưởng ‘thân Phật’ của tư tưởng Tịnh độ.[23]
Sơ kỳ Đại thừa, ở phẩm Đàm Vô Kiệt trong kinh Prajnàpàramità[24] và Nàgàrjuna chú giải trong tập Mahàprajnàpàramitàsàstra (Luận Đại Trí Độ) chỉ trình bày hai thân, là sắc thân và pháp thân.[25] Nàgàrjuna không nói đến thân thứ ba, nên thực sự không thể tìm vết tích quan điểm Sambhogakàya. Điều mà được học giả Nalinaksha Dutt giải thích, “Tập Prajnàpàramità nguyên thủy xem thân có hào quang này là một hóa thân và như vậy được gồm trong Rùpakàya và nghĩ không cần giới thiệu một thân thứ ba là Sàmbhogikakàya. Tiến sĩ Akanuma cũng không tin thuyết Tây Tạng cho rằng chính Ngài Nàgàrjuna đã viết bài “Tôn kính tam thân (Trikàya)”. Nếu chúng ta tìm hiểu các bài kệ của Nàgàrjuna nói về Tathàgatakàya (Như lai thân), chúng ta thấy rõ rằng Nàgàrjuna chỉ muốn giải thích chân thân (tức là Pháp thân hay Tự tánh thân), nằm ở phương diện chân đế. Đối với Ngài, sự phân biệt giữa Sambhogakàya và Rùpakàya không quan trọng vì cả hai đều không thật, nằm ở phương diện tục đế.” [26]
Đồng quan điểm trên, Kimura Taiken cũng xác nhận rằng, giáo lý trikāya phải đến sau thời Long Thọ mới được thành lập một cách đầy đủ.[27] Bởi vì cho đến thời Nàgàrjuna, quan điểm Sambhgakàya (Thọ dụng thân) không được phân biệt khác với Rùpa (sắc) hay Nirmànakàya (Hóa thân).[28] Bởi vì, Nàgàrjuna xác lập tư tưởng của mình trên hai phương diện chân đế (dharmakāya) và tục đế (Sambhogakàya và Rùpakàya).
Ở giai đoạn bốn, như Quảng Hưng đã trình bày cũng được các học giả của Nhật cũng thừa nhận, có một sự thống nhất tư tưởng tathāgatagarbha là dharmakāya trong ‘kinh Thắng Man’ và ‘kinh Bất Tăng Bất Giảm’; ngay cả xem tư tưởng tathāgatagarbha là nguồn gốc của tư tưởng Nhất thừa trong kinh Pháp Hoa; Mahāparinirvāṇa-sūtra (kinh Đại bát Niết bàn) cho rằng, tathāgatagarbha và bản chất của khái niệm Phật là một, gọi là Phật tánh- kinh này tập trung thuyết minh tư tưởng Nhất thừa và truyền bá tư tưởng Như Lai Pháp Thân là thường trụ bất biến, mọi chúng sanh đều thành Phật, thậm chí hạng nhất xiển đề (icchantika) cũng có khả năng thành Phật. Mãi đến thế kỷ thứ năm, Ratnagotravibhāga (Bảo tánh luận của Sāramati/Kiên Tuệ) trình bày đầy đủ, rõ ràng và có hệ thống tư tưởng tathāgatagarbha.[29] Tuy nhiên cần xem xét lại vấn đề về niên đại của tiến trình, bởi Kiên Tuệ vốn dĩ là hậu bối của Asaṅga (Vô Trước) và Vasubandhu (Thế Thân), nên quan niệm thống nhất tathāgatagarbha là dharmakāya có ngọn nguồn ở kinh văn, nhưng đợi khi Kiên Tuệ phát triển, đúc kết và hệ thống nhằm tái khẳng định tư tưởng tathāgatagarbha của các kinh văn Mahayana nhưng chắc sẽ là giai đoạn sau không luận của Trung quán tông và vô thường luận của Du già tông, như chân vạc thứ ba của Mahayana là chân thường luận theo quan niệm của Ấn Thuận. [30]
Cuối cùng, Guang Xing cho rằng Asaṅga và Vasubhandu đã thành lập tư tưởng trikāya có gốc rễ từ kinh điển Đại thừa.[31] Cũng đồng quan niệm trên các học giả của Nhật Bản, trong tác phẩm ‘Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn Độ’ cho rằng: Asaṅga là vị đầu tiên trình bày tư tưởng trikāya một cách đầy đủ trong tác phẩm ‘Nhiếp đại thừa luận’.[32] Điều này được thể hiện trong bản dịch của Huyền Trang, ở chương thứ 11 của Mahāyānasamgraha sẽ nhận thấy Asaṅga định nghĩa trikāya một cách đầy đủ.[33] Asaṅga và Vasubhandu đã tóm tắt, tổng hợp và giải thích đầy đủ quan niệm sāṃbhogikakāya điều được tìm thấy trong kinh Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, v.v.. từ đó, học thuyết trikāya ra đời.
Có lẽ Edward Conze có sự nhầm lẫn khi cho rằng, tổ sư thuộc phái Du-già còn thêm vào một thân thứ tư. Đó là Tự tánh thân, là căn bản của cả ba thân kia.[34] Ở mục từ vựng Phật học của tạp chí Tư Tưởng cho rằng, tự tánh thân chỉ cho pháp thân.[35] Thực ra, tư tưởng tự tánh thân là của Asaṅga, nó được đồng nhất với pháp thân Như lai, điều này đã được trình bày ở định nghĩa trikāya trong‘Mahāyānasamgraha’.[36]
Tóm lại, sự hình thành và phát triển tư tưởng trikāya có những điểm gợi ý trong kinh điển nikāyas và āgamas, sau đó được Sarvāstivāda và Mahāsaṇghika hệ thống hóa, Tathatā là thực thể tối hậu, sự thống nhất của dharmakāya và tathāgatagarbha, và cuối cùng là sự ra đời của học thuyết trikāya.
Lời kết
Trikāya là tư tưởng mới của trường phái Mahayana về đức Phật, thể hiện được sự kế thừa-phát triển tư tưởng Nhị thân (Rùpakàya-dharmakāya) của thời kỳ Nguyên thủy và Trường phái Phật giáo trong quan niệm về Đức Phật. Mahāsaṇghika có một công lớn trong việc mở ra sự phân chia chân Phật và hóa Phật (Nirmànakàya). Nàgàrjuna chấp nhận hai thân, không bàn đến thân thứ ba, bởi với ông không có sự khác biệt giữa nirmànakàya và Sāṃbhogikakāya. Đến việc có một sự thống nhất tư tưởng tathāgatagarbha là dharmakāya có mần mống trong kinh Thắng Man, Bất Tăng Bất Giảm, Pháp Hoa, Đại bát Niết bàn; nhưng tư tưởng này thành hình hoàn chỉnh phải đợi đến khi Kiên Tuệ đúc kết gọi là chân thường luận, nghĩa là quan niệm này hoàn chỉnh phải sau thời của hai anh em Asaṅga và Vasubhandu. Asaṅga và Vasubhandu đã có công trong việc đúc kết kinh văn để hình thành khái niệm Sāṃbhogikakāya, báo thân là quan điểm mới, sự biểu hiện tinh thần Bồ tát đạo như dòng chảy chính yếu của các nhà Phật học Đại thừa.
Quan niệm về thân Phật là một dòng chảy, nó liên tục phát triển từ Nguyên thủy đến Bộ phái rồi đỉnh điểm là tư tưởng trikāya (tam thân). Đặc biệt là việc tìm hiểu và phát triển quan niệm trikāya không dừng lại, mà tiếp tục mở rộng như thời hiện đại, thầy Minh Châu đã có một cách diễn giải khác mang tính so sánh của tư tưởng trikāya với ý niệm hòa bình, ‘tư tưởng tam thân tương đồng với ba phương diện của hòa bình’.[37] Ở đây nhằm chỉ ra rằng, tư tưởng trikāya nói riêng và giáo nghĩa Phật học nói chung luôn được bổ sung và mở rộng, nhằm mục đích giải thích rõ ràng và hợp lý, trên tinh thần khế thời-khế xứ-khế cơ, chỉ vì một mục đích là hạnh phúc cho chư thiên và loài người như Phật Đà đã dạy cho chúng Tỳ-kheo.[38]
Kỷ niệm chuyến hành hương về Tứ động tâm từ ngày 20-31.12.2017.
Đức Quang
Tài liệu tham khảo
Discussion about this post