SỐNG TRONG ĐẠI DƯƠNG PHẬT TÁNH
Nguyễn Thế Đăng
Kinh Đại Bát Niết Bàn thí dụ Phật tánh như biển lớn, như đại dương:
“Tám là chẳng tăng chẳng giảm, vì không có biên giới, vì không thủy không chung, vì chẳng phải sắc, vì chẳng do tạo tác, vì là thường trụ, vì chẳng sanh diệt, vì đều bình đẳng với tất cả chúng sanh, vì tất cả đồng một Phật tánh. Đây gọi là chẳng tăng chẳng giảm” (phẩm Bồ tát Sư Tử Hống).
Đại dương Phật tánh “chẳng tăng chẳng giảm, không có biên giới, không thủy không chung” nên trùm khắp, vượt ngoài thời gian và không gian, và dung chứa tất cả chúng sanh cho đến chư Phật. Tất cả mọi chúng sanh, tất cả mọi sự vật, cây cối, đất đai đều ở trong cái chẳng tăng chẳng giảm, không biên bờ này. Hơn nữa Phật tánh ấy đều bình đẳng với tất cả chúng sanh, tất cả đồng một Phật tánh.
Tất cả mọi hiện hữu đều ở trong Phật tánh và chính là Phật tánh. Đây là đức tin căn bản để từ đó khai triển thiền định và trí huệ tánh Không, mở rộng tâm từ bi và các hạnh Bồ tát.
Nhờ thiền định, thiền quán và các hạnh mà chúng ta có thể thấy ra sự thật này. Đó gọi là thấy Phật tánh.
“Ba là đồng một vị: Tất cả chúng sanh đồng có Phật tánh, đều đồng Nhất thừa, đồng một giải thoát, một nhân một quả, đồng một cam lồ, tất cả đều sẽ đắc thường lạc ngã tịnh. Đây gọi là đồng một vị”.
Thấy được một vị đồng nhất này của trời đất, núi sông, con người, chư thiên và các bậc giải thoát giác ngộ tức là thấy tất cả đồng một vị Phật tánh. Như những hình bóng trong tấm gương thấy như có khác nhau nhưng đều là tấm gương, đồng một vị là tấm gương. Như tất cả các món đồ làm bằng vàng, hình tướng có khác nhau nhưng đồng một vị là chất vàng.
Thấy tất cả đều đồng một vị, một nhân một quả, thì không còn có không gian và thời gian, tất cả đều là Phật tánh. Tất cả tướng đều là tánh, tất cả sanh tử đều là Niết bàn, đây là sự đồng một vị Thường Lạc Ngã Tịnh của Phật tánh Đại Niết bàn vậy.
Đại dương Phật tánh này đầy đủ tất cả các công đức, các đức tánh mà con người luôn luôn mơ ước:
“Thiện nam tử! Như Lai thường trụ thì gọi là ngã. Pháp thân Như Lai là vô biên, vô ngại, là không sanh không diệt, đủ tám đức tự tại, đó gọi là ngã. Chúng sanh quả thật không có cái ngã như vậy và những đức của ngã như vậy, chỉ vì quyết định sẽ được rốt ráo đệ nhất nghĩa Không, nên gọi là Phật tánh.
Đại từ đại bi gọi là Phật tánh, Phật tánh gọi là Như Lai. Đại hỷ đại xả chính là Phật tánh, Phật tánh chính là Như Lai. Đại tín tâm chính là Phật tánh, Phật tánh chính là Như Lai.
Phật tánh gọi là Nhất tử địa. Vì do nhất tử địa nên Bồ tát được tâm bình đẳng với tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh quyết định sẽ được Nhất tử địa, cho nên nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Nhất tử địa chính là Phật tánh, Phật tánh chính là Như Lai”.
Tin và thấy mình đang sống trong đại dương Phật tánh vốn có sẳn này tức là đang tu hành Phật tánh. Sống trong đại dương Phật tánh là chúng ta đang tương ưng, kết thông với những đức của Phật tánh. Sống trong đại dương Phật tánh là chúng ta đang sống những đức của Phật tánh.
Như nhất tử địa, địa vị xem tất cả chúng sanh như con một. Nếu chúng ta sống trong đại dương Phật tánh, chúng ta có thể tiếp thông với tâm từ bi xem tất cả chúng sanh như con một. Ngược lại, nếu chúng ta tiếp thông với tâm từ bi xem tất cả chúng sanh như con một tức là chúng ta đang sống trong đại dương Phật tánh.
Như thế, tu tập một đức tính của Phật tánh tức là đang sống trong Phật tánh, đang tu Phật tánh.
Cũng trong phẩm Bồ tát Sư Tử Hống này, kinh nói về tương quan giữa sắc, thọ, tưởng, hành, thức, ngã và Phật tánh qua thí dụ sáu người mù sờ voi. Mỗi người đều diễn tả kinh nghiệm về con voi của mình, sau đó đức Phật kết luận:
“Thiện nam tử! Như những người mù kia, mỗi người đều nói về con voi, tuy chẳng được đúng thật, nhưng chẳng phải không nói về con voi.
Những người nói về Phật tánh cũng như vậy, Phật tánh chẳng phải tức là sáu pháp (sắc, thọ, tưởng, hành, thức, ngã), nhưng cũng không lìa ngoài sáu pháp ấy. Thế nên ta nói Phật tánh của chúng sanh chẳng phải sắc, chẳng lìa sắc, cho đến chẳng phải ngã, chẳng lìa ngã”.
Sau đây chúng ta xem những người mù vô minh kinh nghiệm sáu pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức, ngã như thế nào, để biết “tuy chẳng được đúng thật, nhưng không phải không nói về con voi”, nghĩa là có phần đúng, nhưng chưa hoàn toàn đúng thật, như cái thấy của Phật, “chẳng phải sắc, chẳng phải lìa sắc”.
“Thiện nam tử! Như những người mù kia chẳng nói được (đầy đủ) hình thể con voi, nhưng cũng chẳng phải là không nói được. Các hình tướng ấy chẳng phải hoàn toàn là voi, nhưng lìa ngoài chúng thì không có riêng con voi nào nữa.
Thiện nam tử! Vua ví như Như Lai chánh biến tri. Đại thần ví như kinh Phương đẳng Đại Niết Bàn. Voi ví như Phật tánh. Các người mù ví như tất cả chúng sanh vô minh.
Những chúng sanh này sau khi nghe Phật nói, có người nói rằng: ‘Sắc là Phật tánh. Vì sao thế? Vì sắc này tuy diệt, nhưng vẫn tuần tự tương tục, thế nên mới đạt được ba mươi hai tướng tốt vô thượng của Như Lai. Sắc Như Lai là thường vì sắc Như Lai thường hằng chẳng dứt, cho nên nói sắc là Phật tánh. Thí như vàng thật, tuy hình tướng dù thay đổi nhưng màu sắc vàng vẫn thường như vậy chẳng đổi khác; hoặc làm vòng đeo tay, làm lược, làm mâm… nhưng màu sắc vàng của chúng vẫn không đổi khác. Phật tánh chúng sanh cũng như vậy, hình tướng tuy vô thường nhưng sắc là thường. Vì thế nên nói: Sắc là Phật tánh’.”
Câu nói của Đức Phật: “Các hình tướng ấy chẳng phải hoàn toàn là voi, nhưng lìa ngoài chúng thì không có con voi nào khác nữa”. Cho nên muốn tìm voi, thấy voi thì phải tìm nơi cảm nhận có phần mù mờ của những người mù, tức là của các chúng sanh vô minh.
Suy luận của chúng sanh vô minh là: sắc là thường, là tương tục, có như thế thì sắc của chúng sanh mới sẽ trở thành sắc thường của Phật được. Nhưng suy luận ấy là sai lầm vì căn cứ trên hình tướng của sắc; sắc phải diệt, phải thay đổi, cho nên sắc không thể thường được. Vậy thì cái gì nơi sắc là thường? Chính là bản tánh của sắc vậy. Bản tánh của sắc “chẳng phải sắc, nhưng chẳng phải lìa sắc”.
Cũng như vàng, những đồ vật làm bằng vàng thì không thường, không tương tục, nghĩa là vô thường, nhưng bản tánh của vàng không thay đổi dù các hình tướng của các đồ vật làm bằng vàng khác nhau đến mấy đi nữa. Đoạn kinh ở trên nói, “tất cả đồng một Phật tánh” nghĩa là Phật tánh hay bản tánh của vàng thấm nhuần khắp, có mặt khắp tất cả những sự vật làm bằng vàng.
Người tu hành muốn nhìn thấy bản tánh của sắc thì không phải tìm ngoài sắc, mà chính là khéo léo bằng thiền định và thiền quán nhìn thấy bản tánh của sắc ở ngay nơi sắc. Nghĩa là Phật tánh thấm nhuần khắp, có mặt khắp tất cả mọi không gian và thời gian, thế nên muốn thấy Phật tánh thì phải tìm nơi không gian và thời gian, vì Phật tánh là bản tánh của không gian và thời gian vậy.
“Lại có người nói rằng: ‘Thọ là Phật tánh. Vì sao thế? Vì thọ làm nhân duyên mà được lạc chân thật của Như Lai. Thọ của Như Lai là thọ rốt ráo, là thọ đệ nhất nghĩa. Tánh thọ của chúng sanh dù vẫn là vô thường, nhưng tuần tự tương tục chẳng dứt, nên được thọ chân thường của Như Lai. Ví như có người, họ là Kiều Thi Ca, người tuy vô thường nhưng họ là thường, trải qua ngàn vạn đời không thay đổi. Phật tánh chúng sanh cũng lại như vậy, do đó nên nói: Thọ là Phật tánh’.”
Thọ thì vô thường, khi có khi không, nhưng tánh của thọ thì thường vì là tánh Không, “chẳng sanh chẳng diệt, chẳng tăng chẳng giảm”. Biết như thế thì khi thọ khởi, nghĩa là có cảm thọ, bèn biết ngay nền tảng, bản tánh của thọ. Thọ sanh, trụ, dị, diệt từ và trong bản tánh của thọ là tánh Không.
“Hoặc có người nói: ‘Tưởng là Phật tánh. Vì sao thế? Vì tưởng làm nhân duyên mà được tưởng chân thật của Như Lai. Tưởng của Như Lai gọi là cái tưởng không có tưởng (tưởng vô tưởng). Cái tưởng không có tưởng ấy chẳng phải tưởng chúng sanh, chẳng phải tưởng nam nữ, cũng chẳng phải tưởng về sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải cái tưởng đoạn dứt tưởng. Tưởng của chúng sanh tuy là vô thường, nhưng do tuần tự tương tục chẳng đoạn, cho nên được cái tưởng thường hằng của Như Lai. Ví như mười hai nhân duyên của chúng sanh, chúng sanh tuy diệt nhưng mười hai nhân duyên vẫn thường. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, do đó nên nói: Tưởng là Phật tánh’.”
Tưởng của Như Lai là cái tưởng không có tưởng. Tưởng là tri giác, nhận thức, là một hoạt dụng của tâm để sống ở thế gian này. “Không có tưởng” là tánh Không của tưởng. Cái tưởng không có tưởng của Phật là cái tưởng hoàn toàn là tánh Không, như Bát nhã Tâm kinh nói, “Tưởng tức là Không, Không tức là tưởng”. Như sóng khởi lên từ đại dương nhưng sóng vẫn cùng một tánh nước của đại dương, sóng vẫn là đại dương.
Suy luận của người mù, tượng trưng cho chúng sanh vô minh, sai lầm ở chỗ cái tưởng vô thường ấy “mà do tuần tự tương tục chẳng đoạn” thì thành cái tưởng thường hằng của Như Lai. Cái sanh diệt không thể trở thành cái không sanh diệt được. Cái tưởng thường hằng này chính là tánh Không thường hằng của các tưởng. Các tưởng thì vô thường, sanh diệt, chúng chỉ được giải thoát khi nhận biết bản tánh của chúng là tánh Không mà từ đó chúng xuất hiện và tiêu tan vào. Kinh nói, “lìa ngoài các hình tướng ấy thì không có riêng con voi nào nữa”, lìa ngoài các tưởng thì không thể tìm thấy “cái không có tưởng” nào cả. Ngay nơi tưởng là “cái không có tưởng”, và tưởng là hình tướng xuất hiện của “cái không có tưởng”.
Cho nên tu hành là tu “cái tưởng không có tưởng”, đưa các tưởng trở lại bản tánh Không của chúng để chúng tuy có xuất hiện nhưng vẫn giải thoát. Trong ý nghĩa “tưởng không có tưởng”, “tưởng tức là Không, Không tức là tưởng”, thì nói “tưởng là Phật tánh” là đúng thật.
“Hoặc có người nói: ‘Hành là Phật tánh. Vì sao thế? Hành gọi là thọ mạng. Vì thọ mạng làm nhân duyên mà được thọ mạng thường trụ của Như Lai. Thọ mạng chúng sanh tuy là vô thường nhưng tuần tự tương tục không dứt, nên được thọ mạng chân thật thường trụ của Như Lai. Ví như mười hai bộ kinh, người nói người nghe tuy là vô thường, nhưng kinh điển này thường tồn bất biến. Phật tánh chúng sanh cũng lại như vậy, do đó nên nói: Hành là Phật tánh’.”
Hành là hình thành, tạo tác. Sự tạo thành lớn là một thọ mạng, cho đến sự tạo thành nhỏ là một ý tưởng là hành.
Dầu có tổng cọng tất cả hành của một con người cũng không thể tạo thành cái thọ mạng thường trụ của Như Lai, bởi vì thọ mạng thường trụ của Như Lai là “đại dương Phật tánh, chẳng tăng chẳng giảm, không thủy không chung, vì tất cả đồng một Phật tánh”. Cho nên phải đưa cái hành thọ mạng vô thường này về bản tánh của chúng, tức là cái thọ mạng thường trụ của Như Lai chẳng tăng chẳng giảm, không thủy không chung thì những cái hành này mới không trở thành nghiệp mà tan vào bản tánh trống không của chúng.
Người tu hành là thường an trụ trong bản tánh của mọi hành, tức là thực tại không sanh không diệt, vô thủy vô chung này để các hành đều sanh ra từ nó và tiêu tan giải thoát vào nó.
“Hoặc có người nói: ‘Thức là Phật tánh. Vì sao thế? Do thức làm nhân duyên mà được tâm bình đẳng của Như Lai. Ý thức của chúng sanh tuy là vô thường, nhưng thức tuần tự tương tục chẳng đoạn, nên được tâm chân thật thường trụ của Như Lai. Như lửa tánh nóng, ngọn lửa tuy vô thường nhưng tánh nóng chẳng phải vô thường. Phật tánh chúng sanh cũng lại như vậy, do đó nên nói: Thức là Phật tánh’.”
Ý thức của chúng sanh là vô thường nhưng suy nghĩ kỹ, sở dĩ những ý tưởng vô thường ấy vẫn khởi liên tục chẳng khi nào đoạn dứt hẳn, bởi vì những ý tưởng ấy khởi và diệt trên một nền tảng luôn luôn hiện diện suốt ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Nền tảng đó là bản tánh thường hằng của tâm, hay là tâm bình đẳng chân thật thường trụ của Phật.
Vậy thì làm sao để ý thức khỏi lạc lõng mà gây thêm nghiệp? Hãy đưa nó về nhà của nó, về bản tánh của nó, và nhà hay bản tánh của nó nằm ngay dưới nó, làm nền tảng cho nó. Tu tập cho đến lúc thuần thục thì sẽ nhận ra “thức tức là trí” “thức là Phật tâm, Phật tánh”. Khi ấy tuy thức có sanh nhưng không gây nghiệp, vì sanh mà thật là vô sanh. Thức vô nghiệp vì thức là Phật tâm, Phật tánh; vì thức là vô sanh.
Qua cả năm cái sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chúng ta thấy để cho chúng được giải thoát, được chân thật thường trụ như Phật thì phải đưa về bản tánh của chúng. Bản tánh ấy là “đồng nhất một Phật tánh”. Khi ấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức chỉ là sự biểu lộ của trí, của bản tánh của tâm, của Phật tánh. Như tất cả các món đồ làm bằng vàng, tất cả là sự biểu lộ của tánh vàng.
Khi tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp… là sự biểu lộ của Phật tánh thì tất cả thế giới chúng sanh, thân tâm chúng ta là sự biểu độ của Phật tánh. Tất cả là Phật, như kinh nói, “Phật tánh là cảnh giới của chư Phật”.
Chúng ta đọc lại đoạn kinh trên nói Phật tánh như đại dương:
“Chẳng tăng chẳng giảm, vì không có biên giới, vì không thủy không chung, vì chẳng phải sắc, vì chẳng do tạo tác, vì là thường trụ, vì chẳng sanh diệt, vì đều bình đẳng với tất cả chúng sanh, vì tất cả đồng một Phật tánh.
Tất cả chúng sanh đồng có Phật tánh, đều đồng Nhất thừa, đồng một giải thoát, một nhân một quả, đồng một cam lồ, tất cả đều sẽ đắc thường lạc ngã tịnh. Đây là đồng một vị”.
Phật tánh thì bình đẳng với tất cả chúng sanh, tất cả đồng một Phật tánh, đồng Nhất thừa, đồng một giải thoát, đồng một nhân một quả. Đồng một nhân một quả, nhưng tất cả đồng một Phật tánh, nên một nhân là Phật tánh và một quả cũng là Phật tánh. Như thế suốt nhân là quả, nhân tức là quả, tất cả nhân đều là quả.
“Ta lại nói chúng sanh chính là Phật tánh, vì nếu rời chúng sanh thì chẳng được Vô thượng Bồ đề”.
“Chúng sanh tức là Phật tánh, Phật tánh tức là chúng sanh” (phẩm Bồ tát Ca Diếp).
Bởi vì Phật tánh là tánh Không, ánh sáng và năng lực hóa hiện như huyễn, cho nên đồng một Phật tánh là đồng một tánh Không, đồng một ánh sáng, đồng một năng lực hóa hiện như huyễn. Thấy tất cả thế giới, chúng sanh đồng một tánh Không, đồng một ánh sáng, đồng một năng lực hóa hiện như huyễn, đó là thấy “pháp giới của chư Phật”.
Tu Phật tánh là tu cái “tất cả đồng một Phật tánh, một nhân một quả, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng tăng chẳng giảm, bình đẳng một vị” này. Phật tánh ấy không chỉ tất cả chúng sanh đều có mà còn tất cả chúng sanh đều là, đang là.
Tu Phật tánh là đưa sắc, thọ, tưởng, hành, thức, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp hòa vào đại dương Phật tánh, đưa thân tâm, thế giới, chúng sanh hòa tan vào Phật tánh để tất cả trở thành một vị Phật tánh.
Tu Phật tánh như vậy là tu trên Quả Phật tánh vốn đã viên thành. Tu trên Quả gọi là Quả thừa (Phalayana) khác với Nhân thừa (Hetuyana), tu trên Nhân để đi đến Quả. Tu trên Quả nghĩa là tất cả các pháp tu không phải là nhân để đạt đến quả, mà tất cả các pháp môn chính là sự khai triển, sự biểu hiện của Quả Phật tánh nơi thế giới hình tướng. Nói cách khác các pháp môn chính là các Hóa thân của Pháp thân Phật tánh bất sanh bất diệt, bất tăng bất giảm, bất cấu bất tịnh nơi thế giới hình tướng.
Khi “chúng sanh tức là Phật tánh, Phật tánh tức là chúng sanh” thì tất cả thế giới hiện tượng mà chúng sanh kinh nghiệm qua sáu giác quan cũng là sự biểu lộ của Phật tánh.
Những hiện tượng chúng sanh thấy, nghe, hiểu, nghĩ… là sự biểu lộ của Pháp thân Phật tánh: tất cả thế giới, con người, sự vật là Hóa thân của Pháp thân Phật tánh.
Discussion about this post