và phát triển.
Vì vậy, trong Phật giáo Nguyên thủy đã có pháp môn niệm Phật, tức Phật dạy đệ tử Phật luôn an trú trong sáu niệm, đứng đầu là niệm Phật, nên ta có niệm Hồng danh Phật và đi xa hơn, Phật có nghĩa là giác, là tuệ, là sự hiểu biết. Chính vì vậy, đệ tử Phật luôn đặt sự hiểu biết lên hàng đầu trong cuộc sống. Riêng tôi, xuất gia đến nay trải qua hơn 62 năm, tôi luôn tâm niệm rằng quyền lợi, danh vọng, địa vị, tất cả mọi việc sẵn sàng nhường cho thiên hạ, trừ một việc không nhường là trí tuệ, là sự hiểu biết. Điều gì chưa hiểu, tôi luôn tìm hiểu, suy nghĩ, tham cứu để phá vỡ vô minh cho đến cuối cùng, có hiểu biết càng rộng càng tốt càng đỡ mắc phải sai lầm trên cuộc đời này. Đó là lập trường của tôi muốn chia sẻ với anh em.
Đức Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng trong thời gian
cấm túc 10 ngày mùa An cư PL.2563 tại Học viện – Ảnh: Ngộ Trí Thuận
Từ gốc niệm Phật là niệm trí tuệ, tôi cầu học không ngừng nghỉ. Nhờ vậy, sự hiểu biết của tôi thăng hoa theo từng giai đoạn lịch sử khác nhau để đáp ứng được yêu cầu xã hội cho đến giai đoạn hiện tại, tôi vừa tròn 80 tuổi, đánh dấu mốc từ mang thân tứ đại ngũ uẩn trở thành một người tu hành an trụ trong nhà Phật.
Đức Phật khẳng định rằng con người ưu việt hơn các loài chúng sanh khác nên chúng ta phải trân quý thân người. Tuy nhiên, thân người nếu do vô minh, chấp trước, sai lầm dẫn đến đau khổ thì gọi đó là thùng phân biết đi. Nhưng chúng ta biết nương theo pháp Phật để tẩy sạch hiểu biết sai lầm, trí tuệ phát sinh được, nên không phạm lỗi lầm mà tạo được con người đức hạnh khiến cho người khác kính ngưỡng. Làm được như vậy, ta đã chuyển hóa ngôi nhà ngũ uẩn này trở thành một ngôi đền thờ tâm linh để Phật an trú trong đó.
Ngôi đền thờ này do đức hạnh, tâm yên tĩnh, trí tuệ và giải thoát của chúng ta tạo thành trải qua quá trình thực hiện thành tựu Bát Chánh đạo mà Phật Thích Ca đã chỉ dạy.
Thật vậy, theo Phật giáo Nguyên thủy, trước khi thực hành pháp Phật, thân người là hữu lậu ngũ uẩn, là cái đãy da đựng đồ ô uế, nhưng nay nghiêm thân bằng Bát Chánh đạo thì chuyển hóa ngũ uẩn thân thành năm phần Pháp thân: giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Từ đó, đi vào đời tiếp độ chúng sanh theo di huấn của Phật ở Lộc Uyển. Phật bảo các Tỳ-kheo đắc La-hán có giới định tuệ, giải thoát rồi nên đem những thánh quả này vào đời làm cho người khác cũng được như mình.
Vâng lời Phật dạy, Mã Thắng Tỳ-kheo đến Ma Kiệt Đà gặp Xá Lợi Phất. Lúc đó, Xá Lợi Phất đang tu ngoại đạo và đang bị bế tắc trong tư tưởng triết học, vì tất cả luận cứ mà ông học được chỉ ràng buộc tâm trí ông thêm. Nhưng vừa nhìn thấy thần thái giải thoát của Mã Thắng, của Đức Phật là ông được giải thoát theo.
Hiểu lý này, chúng ta học Phật, nhưng cần nhớ Phật dạy qua sông phải bỏ thuyền, đừng đội thuyền trên đầu mà đi, trở thành chấp pháp, chấp ngã, rơi vào phải trái hơn thua, tranh chấp không cùng như ngoại đạo có đến 62 dị kiến, dù là giải thích cao tột thì cũng là tà kiến.
Vì vậy, chúng ta trao đổi, chia sẻ học vấn để tâm trí sáng ra, nhưng phải biết gạn lọc, loại bỏ những gì ràng buộc chúng ta vào tri kiến. Buông bỏ tri kiến, chúng ta mới có trực giác không phải là kinh nghiệm. Kinh nghiệm chỉ giúp chúng ta biết phân nửa, nhưng tuệ giác cho chúng ta hiểu biết vượt bậc. Hòa thượng Trí Tịnh, bậc thầy lớn của chúng ta đã nhắc tôi lý này mà tôi luôn suy nghĩ và áp dụng thấy đúng. Hòa thượng dạy tôi rằng cái gì do kinh nghiệm, suy nghĩ chính xác chỉ được 50%, vì kinh nghiệm hay lịch sử không bao giờ tái diễn, nó luôn thay đổi. Chính xác về lịch sử dành cho những nhà nghiên cứu.
Nhưng người theo đạo Phật lấy trí tuệ làm thầy. Vì vậy, tôi nghiên cứu lịch sử, nhưng buông lịch sử xuống thì tôi có hiểu biết lịch sử theo tuệ giác khác với sự hiểu biết từng sự kiện theo năm tháng ngày giờ. Tôi không nhớ chi tiết ngày tháng, nhưng tâm thức tôi vẫn hình dung ra được những yếu lý Phật dạy, những gì quan trọng của giáo pháp vẫn lưu đậm trong lòng tôi, không quên, không mất.
Thiết nghĩ tu theo Phật, chúng ta không giữ bất cứ cái gì trong lòng để nó trở thành cổ lỗ, xác khô làm chúng ta nặng lòng. Nhưng chúng ta buông bỏ, chỉ giữ sự hiểu biết về vấn đề giúp trí chúng ta sáng là thái độ học Phật mà tôi đã áp dụng.
Thực tế tôi đã trải qua những chặng đường khó khăn nhờ biết buông bỏ cái cũ để chấp nhận cái mới. Buông bỏ quá khứ để chấp nhận hiện tại. Phật dạy quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, hiện tại là quan trọng nhất. Người chấp quá khứ dễ rơi vào bệnh thành tích. Mang bệnh này thì không làm được thêm, nhưng giữ hiểu biết giúp chúng ta giải quyết được cái khó đang xảy ra trước mặt.
Thật vậy, trong từng giai đoạn lịch sử, từng quốc độ khác nhau, chúng ta thấy các Thánh Tăng, các Bồ-tát xuất hiện đã làm Phật giáo đứng vững và phát triển nhờ trí tuệ soi sáng hiện thực trong cuộc sống.
Hoạt động của Học viện chúng ta cũng thế, từng giai đoạn lịch sử có sự thay đổi. Năm 1983, Học viện chỉ có 60 Tăng Ni sinh, nhưng ngày nay, Học viện phát triển như thế này nhờ những người lãnh đạo đất nước kết hợp với chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo thấy được hiện tại nên làm gì và làm như thế nào. Trước kia, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nói với ông rằng hoàn cảnh đất nước đang đổi mới, Phật giáo cũng có điều kiện phát triển. Ở Hà Nội đã cho xây dựng Học viện Phật giáo thì thành phố Hồ Chí Minh cũng đủ điều kiện xây dựng Học viện Phật giáo, vì chư Tăng Ni có nhiều và Phật tử cũng đông.
Ông bảo tôi tìm đất để xây dựng Học viện, lúc đó Hòa thượng Minh Châu làm Viện trưởng, tôi làm Phó Viện trưởng. Tìm khắp nơi không được, nhưng duyên lành đã tới, chọn được khu đất này thì từ đó mới có chủ trương xúc tiến ngay việc xây dựng Học viện trên xã Lê Minh Xuân. Nghĩa là trong vô hình, với cái thấy bằng tuệ giác đã có sự hiện hữu của Học viện Phật giáo TP.HCM.
Chúng ta tu, tập nhìn cái có trong vô hình theo phước đức nhân duyên; nhưng làm sao biến Học viện lý tưởng vô hình trở thành hiện thực mới là điều quan trọng.
Cũng vậy, dòng thác trí tuệ của Phật dù không có Phật vẫn trôi chảy miên viễn từ quá khứ đến hiện tại và mãi trong tương lai, nhưng nó có xuất hiện hay không.
Chưa xuất hiện, tôi vẫn là tôi, huynh đệ vẫn là huynh đệ. Có nhưng không xuất hiện, thấy như vậy là hiểu đạo.
Tôi luôn suy nghĩ tìm ra con người thật của mình chưa sanh ở đâu, mang thân ngũ uẩn rồi thì con người thật của mình ở đâu. Trong Thiền quán thấy thân tứ đại luôn sanh diệt, hợp rồi tan, chúng ta biết rõ thân hôm nay không phải thân ngày mai. 80 năm tôi hiện hữu trong cuộc đời, cố tìm ra con người thật của mình, vì thân người này luôn thay đổi, một hơi thở vô sanh ra tế bào mới, một hơi thở ra, tế bào cũ đã chết là quán về sắc thân này, ta đã sanh và đã chết theo từng hơi thở. Và quán về cảm thọ của chúng ta giờ trước cũng khác giờ sau, cũng luôn biến chuyển, sanh diệt.
Nhưng điều quan trọng tôi phát hiện cái chết thân này đã truyền cho cái sau tiếp nối. Nghĩa là thân tứ đại của tôi phải chết, nhưng nó đã truyền cho các huynh đệ, tức là nó còn chứ. Thật vậy, tư duy và đạo đức của tôi vẫn tồn tại trong anh em. Tư tưởng này chết sanh ra tư tưởng mới phát triển hơn, đó là quá trình tu hành của chúng ta nhận thấy được cái không sanh diệt (sinh mạng tương tục).
Tôi rất thích thú với lý giải của Đức Phật cho vua Ba Tư Nặc. Vua thắc mắc về con người thật của ông ở đâu. Phật hỏi bệ hạ thấy nước sông Hằng lúc còn trẻ và bây giờ có khác nhau không. Từ sanh diệt phát hiện ra không sanh diệt là tánh thấy, tánh sáng suốt của chúng ta, chân linh của chúng ta không sanh diệt.
Và Phật bảo A Nan đánh chuông, tiếng chuông dứt, Phật hỏi A Nan nghe không. A Nan đáp con không nghe. Phật nói ông sai rồi, phải nói có nghe là nghe cái không có tiếng chuông, đó là Thiền. Riêng tôi tâm đắc tiếng vỗ của một bàn tay để phát hiện tánh nghe, tánh biết của chúng ta.
Để hình thành Pháp thân của Bồ-tát, tu từ Thanh văn chứng Bát Chánh đạo và phát hiện được thường trú Pháp thân của Bồ-tát là điều quan trọng. Và được Pháp thân, Phật dạy xa hơn, phải đem sự giải thoát truyền dạy cho người. Và cuối đời, 8 năm, Phật nói kinh Pháp hoa, nhưng nghiên cứu theo lịch sử thì cuối đời Phật không nói Pháp hoa.
Thiết nghĩ điều quan trọng, các anh em học được những gì vượt trên lịch sử. Tôi suy nghĩ nhận ra lịch sử của lịch sử khác lịch sử của tu chứng.
Lịch sử của lịch sử là Đức Phật Đản sanh, Thành đạo, thuyết pháp và Niết-bàn đến nay hơn 2.000 năm và lịch sử hiểu về tu chứng của Như Lai chỉ hạn hẹp như vậy thôi.
Nhưng lịch sử tâm linh thấy tận cội nguồn của Phật Thích Ca, tức thấy Ngài là vị cổ Phật hiện thân lại cõi đời này tên là Thích Ca Mâu Ni để dìu dắt chúng sanh ra khỏi trầm luân sinh tử và trở về con người thật của mình.
Nếu anh em có niềm tin, thấy Phật đang thuyết pháp, không có nhập diệt mấy ngàn năm. Tôi thắc mắc Phật ngồi ở Kỳ Xà Quật thuyết kinh Pháp hoa có 12.000 Thanh văn, 6.000 Tỳ-kheo-ni, 80.000 Bồ-tát thì chỗ đâu mà ngồi. Từ đó chúng ta phát hiện thêm thế giới tâm linh, thế giới tâm thức của con người là tu chứng mới quan trọng.
Từ lý này, nói thêm kiến tánh thành Phật là tánh thấy, tánh nghe, tánh biết. Sử dụng con người đó đi vào đời khai tâm mở trí cho mọi người. Đến khi từ giã thân tứ đại thì thâm nhập thế giới vĩnh hằng bất tử.
Về lịch sử không có Phật A Di Đà. Vậy các anh em nói có Phật A Di Đà hay không.
Người tu phát hiện thế giới tâm linh, hay bằng niềm tin, tôi thấy có, nhưng thực tế thì không. Sống với niềm tin, không ai ràng buộc, bắt bớ chúng ta được. Tôi tin gì là quyền của tôi. Thí dụ tôi nghĩ về Bồ Đề Đạo Tràng là tới đó liền, không cần thủ tục giấy tờ.
Tu đắc đạo, qua Cực lạc cách đây 10 muôn ức Phật độ, nhưng đi đến đó nhanh hơn tráng sĩ co tay duỗi ra. Đi bằng gì. Đi bằng tâm thức, bằng niềm tin, bằng tưởng tượng, bằng hình dung. Vì vậy, tùy từng cấp bậc tu chứng mà có cái thấy khác nhau.
Tóm lại, các anh em học đủ, nhưng tôi khuyên buông bỏ hết, chỉ giữ chất giải thoát mới thấy được cái mới để thích nghi với sinh hoạt của từng giai đoạn lịch sử. Làm được như vậy, Phật giáo tồn tại và phát triển. Còn cố chấp sẽ đẩy Phật giáo lùi vào quá khứ, mất dạng.
Tôi tin tưởng thế hệ kế tiếp duy trì sinh hoạt Phật giáo thích nghi với mọi hoàn cảnh xã hội, để đóng góp cho đạo pháp và xã hội ngày càng phát triển, lợi lạc cho muôn loài mọi giới.
Discussion about this post