ÔNG BÀ THÍ CHỦ:
CÂU CHUYỆN TÔI XIN BA MÁ ĐI TU
Viết Nhân ngày Mẹ sinh con ra đời để con có cơ hội đi Tu theo nhà Phật.
Khất sĩ Thích Giác Chinh
Nhà Phật thường hay gọi những người Phật tử là Tín chủ hoặc Thí chủ bởi vì họ thường phát lòng trong sạch với tâm lượng lớn đã cúng dường tài lực, vật lực, tâm lực… của riêng mình vào cho Ngôi nhà Tam Bảo. Vậy tại sao chúng tôi là những Nhà sư xuất gia tu học theo Phật môn lại gọi Ba Mẹ (Cha Mẹ) Thân Phụ Mẫu của mình là Ông Bà Thí Chủ?
Bởi vì do sự kính tín Tam Bảo – Phật Pháp Tăng, và với lòng mong ước có được Phúc Đức trong phước sự cúng dường để tăng trưởng phúc duyên trong cuộc đời. Vì Thân Phụ Mẫu của những người xuất gia đã phát tâm dũng mãnh cúng dường người con của mình cho Tam Bảo. Vì duyên lành ấy chúng tôi là những người xuất gia đã trân trọng gọi Ba Mẹ mình là Ông Bà Thí Chủ trong ngôi nhà Phật pháp.
Vậy ý nghĩa cúng dường và mục đích của nó là gì?
Chúng ta có thể tìm hiểu những khía cạnh đó như sau đây.
1. PHƯỚC
Phước hay Phước Thiện (P: Kusala, Puñña, Good deeds), Phước đức hoặc Phúc đức, cũng gọi là Phúc, đồng nghĩa với Công đức. Phước tiếng Hán là 福; tiếng Sanskrit là Puṇya (पुण्य); tiếng Pāli là: Puñña. Theo các từ điển và khảo cứu ngôn ngữ thì có bốn nghĩa chính:
(i). Sự may mắn, giàu có, thịnh vượng, phúc lành, còn gọi là công đức, lòng tốt hay việc lành.
(ii). Quả báo tốt đẹp do kết quả tu tập. Quả báo do thiện nghiệp phát sanh từ kết quả tu tập phước huệ (S: Puṇya (पुण्य), P: Puñña).
(iii). Thiện nghiệp có được trong Dục giới.
(iv). Lòng nhân đức, lòng bao dung, lòng từ thiện; còn được hiểu là sự ban tặng, sự bố thí; đó là Phúc đức (Phước đức) nhờ bố thí hay thực hiện nghi lễ (S: Pūjā; पूजा), như tụng kinh, niệm Phật, trì chú.v.v…
Trong Từ Điển Phật Học (Đạo Uyển) chia thành 7 loại phúc báu (phước) như sau: (i) Phúc điền, (ii) Phúc đức, (iii) Phúc huệ, (iv) Phúc nghiệp, (v) Phúc sinh thiên, (vi) Phúc trí, (vii) Phúc tụ.
Trong tiếng Việt, phước hoặc phúc có nhiều nghĩa và có nhiều loại phúc, hết sức đa dạng, tùy theo ngữ cảnh nên Từ Điển Tiếng Việt của Trung Tâm Từ Điển Học Vietlex phân loại chữ Phúc thành 18 loại, bao gồm luôn từ Phúc âm trong đạo Kitô.
Ngoài ra, Phước cũng thường được giải thích như sau: “Phước (Phúc) là việc yên thuận, cảnh vừa ý, điềm tốt lành, đồng nghĩa của nó là Công đức, trái với: tội, họa, khổ.”
Những ai hiểu đạo lý, làm những việc lành, việc phải, việc chánh bằng thân thể, lời nói và ý tưởng thì đặng Phước. Phước này đến cho mình trong đời này hoặc đời sau bằng những sự sang trọng, vinh diệu, giàu có, sống lâu, tướng tốt, yên ổn và mọi điều vui sướng; hay còn được hiểu là sống lâu, sắc tốt, yên vui, sức mạnh và trí tuệ.
Danh từ Phước trong tiếng Pāli là Puñña, có nghĩa là trạng thái làm cho tâm của mình được trong sạch, khỏi bị não phiền; ngược với Phước là Tội (pāpa), là trạng thái làm cho tâm bị ô nhiễm bởi phiền não.
Các bộ phái Phật giáo chia nghiệp cảm ràng buộc chúng sanh trong ba cõi làm ba: Phước, Phi phước và Bất động. Nói cách khác (i) Phước nghiệp (S: Puṇya-karma; पुण्यकर्म) là nghiệp thiện cõi dục, cảm sinh quả khả ái, làm lợi ích hữu tình; (ii) Phi phước nghiệp (S: Apuṇya-karma; अपुञ्यकर्म) là các nghiệp bất thiện cõi dục, cảm sinh quả phi khả ái, làm tổn hại hữu tình, (iii) Bất động nghiệp (S: Aniñjya-karma; अनिञ्ज्यकर्म) là nghiệp thiện cõi sắc, cõi vô sắc, chiêu cảm quả bất động.
Trong Luận Du-già Sư Địa quyển 9 giải thích như sau: “Phước nghiệp, nghĩa là chiêu cảm quả dị thục ở cõi thiện và thuận theo năm đường mà thụ thiện nghiệp; Phi phước nghiệp, nghĩa là chiêu cảm quả Dị thục ở các thú và thuận theo năm đường mà thụ bất thiện nghiệp; Bất động nghiệp, nghĩa là chiêu cảm quả dị thục cõi Sắc, Vô sắc và thuận theo cõi Sắc, Vô sắc mà thụ thiện nghiệp”.
Ngoài ra, Phật giáo Đại thừa chia hạnh Lục độ ra làm hai phần: Nghiệp Phước và Trí. Trong tất cả những việc ngoài các hành vi lấy trí huệ làm thể là Phước nghiệp và xem những hành vi lấy trí huệ để làm thể là nhân để thành Phật là Phước xuất thế gian. Cho rằng công lao tích lũy được dùng cho sự đạt tới đại giác. Sự hồi hướng một phần công lao của mình cho việc cứu độ người khác là một phần trong những bổn nguyện của chư Bồ Tát.
2. CÚNG DƯỜNG
Cúng dường là ghép hai chữ: Cúng (供) và dưỡng (S: Pūjā; पूजा, 養),là hiến cúng hay dâng hiến những lễ vật lên các bậc tôn kính một cách tôn kính do lòng thành của mình; như việc dâng cúng thực phẩm, y phục, thuốc trị bệnh cho Đức Phật, chư Tăng, Giáo thọ sư, Ông bà, Cha mẹ, v.v… Nó được hiểu bởi các nghĩa sau:
(i). Dâng tặng, dâng cúng, hiến dâng.
(ii). Trình dâng, phục tùng, đáp ứng.
(iii). Đi theo, hộ tống.
(iv). Sự dâng cúng.
(v). Thị giả, người theo hầu, đoàn tùy tùng.
Cúng dường là sự phụng dưỡng cao quý, hướng thượng; vì là đối với người trên thì phụng sự, tôn kính, đối với người dưới thì hòa nhã thương yêu, chăm sóc.
Trong Bộ Saṃyuttanikāya – Sāgathavagga, Kinh Kim Dadasutta Đức Phật đã trả lời câu hỏi của chư thiên về ý nghĩa của bố thí, cúng dường như bài kệ sau:
“Annado balado hoti,
Vatthado hoti vaṇṇado.
Yānado sukhado hoti,
Dīpado hoti cakkhudo.
So ca sabbadado hoti.
Yo dadati upassayaṃ,
Amataṃdado ca so hoti,
Yo dhammamānusāsati”.
“Bố thí những vật thực,
Là bố thí sức mạnh.
Bố thí những y phục,
Là bố thí sắc đẹp.
Thí phương tiện đi lại,
Là thí sự an lạc.
Bố thí đèn thắp sáng,
Là bố thí đôi mắt.
Người bố thí chỗ ở,
Là bố thí tất cả.
Bậc giảng dạy chánh pháp,
Là thí pháp bất tử”.
Cho nên, hạnh cúng đường trong sạch đúng phép được gọi là Ngũ chủng cúng dường (五 種 供 養): Năm món đồ cúng dường: (i) hương, (ii) Hoa, (iii) Nhang, (iv) Đồ ăn uống, (v) Đèn sáng.
Và Ngũ chủng bố thí (五 種 布 弛): Năm việc Bố thí: (i) Thí cho người ở phương xa, (ii) Thí cho người sắp đi phương xa, (iii) Thí cho người bệnh tật ốm yếu, (iv) Thí cho người đói khó, và (v) Thí cho bậc trí huệ đạo đức. Để cúng dường, bố thí được y như pháp và có phước báu chánh hạnh thì cần có niềm tin chân chánh hiểu biết về phước báu do hạnh thiện (phước nghiệp) phát sanh thì người cúng dường bố thí cần biết năm chỗ cúng dường đúng pháp và cao thượng hay còn gọi là Ngũ xứ cúng dường: (五 處 供 養), đó là: (i) Cúng dường cho Cha, (ii) Cúng dường cho Mẹ, (iii) Cúng dường cho Thầy dạy mình, (iv) Cúng dường cho ông Thầy làm khuôn phép cho mình, (v) Người có bệnh. Qua đó, được đầy đủ phước báu an vui, hạnh phúc và tăng trưởng tín tâm vào Tam Bảo.
Do nhân duyên ấy mà khi xưa Nhà sư vỏn vẹn mười mươi, chưa bước qua tuổi xuân, sau một buổi đi học ở trường về, đến nhà, Tôi vốn dĩ là một đứa con nít trẻ người non dạ nhìn vào Khuôn mặt Má mình và nói:
– Má, con đi tu nha Má? (Giọng run run chờ đợi).
Má tôi:
– Cái gì…!? Sao lại đi tu?
Có lẽ vì vừa ngạc nhiên vừa thương lại vừa lo, bao nhiêu cảm xúc tràng về trong lòng người Mẹ, bà nói to; không, không phải là nói to nói lớn mà là Bà đã la to tiếng:
– Cu, mầy biết gì mà tu với hành…!? (Tiếng nhà quê chân chất và khẳng khái).
Tôi lại cố gắng:
– Má, Má à… con thích đi tu trong chùa….
Má tôi:
– Đi rửa mặt rồi ăn cơm nước đi… tu với hành. (Giọng Mẹ tôi rất dứt khoát).
Đánh lạc hướng tôi Bà nói thêm:
– Ông ơi (Ba tôi) hồi trưa có làm gỏi và cá kho tộ (món ăn quê của người Dân Việt Nam), cho thằng Cu ăn với.
Mẹ tôi đứng dậy, tôi dõi mắt theo và lập lừng bước theo Mẹ. Xuống nhà bếp đã thấy Bà mang cơm, canh, gỏi… đủ thứ để trên bàn, Má nói:
– Tao cũng ăn một chén, nghe thằng Cu nói (ý Bà nói ránh không nhắc đến chữ “đi tu”) đói run cả người.
Mọi hôm như vậy là Mẹ tôi và tôi đã cười rồi, sao nay lại không cười mà Bà lại nói rồi im ngay.
Ba tôi đưa thẳng cơm về phía tôi:
– Ăn đi con (ôi, lúc này tôi thấy Ba tôi đóng vai của Mẹ tôi, hiền ơi là hiền, đáng lẽ Mẹ tôi phải hiền như mỗi ngày).
Tôi ngồi ăn cơm cùng Ba và Má. Cũng không nhắc gì đến chuyện đi tu.
Ngày lại qua ngày, Tôi lại đánh lều lấy hết dũng khí, mà thật ra lúc đó nhỏ xíu dũng khí có đâu mà lấy ra, cứ nói hoài xem sao:
– Má!?
Má tôi:
– Cái gì, học hành sao rồi? Nhờ mấy anh chị coi chỉ bài làm bài đi.
Tôi lại nhìn Má và nói mạnh dạng:
– Má, con đi tu nha Má?
– Trời, lại gì nửa đây… Má tôi nói.
Bà nhìn thẳng vào mắt tôi nói tiếp:
– Không tu, không hành gì hết. Con nít biết gì mà tu.
Ba tôi và mấy anh chị em nhìn Má và im lặng vì biết Má tôi đang giận, có lẽ không phải giận mà là đang bực mình vì tôi.
Tôi thì lại nói, vừa nói vừa khóc, thật ra chỉ biết khóc chứ biết làm gì:
– Má, Má ơi con thích đi tu, con thích ở trong chùa tu. (Giọng run run xụt xùi nước mắt).
Ba tôi đứng dậy nắm tay tôi và kéo ôm tôi vào trong hai cái đùi của Ba. (Hôm nay, Ba lại làm thay vai trò của Mẹ, mỗi ngày Ba tôi nghiêm ra dáng sao nay lại hiền đến thế).
Thế rồi một ngày đẹp trời Ba tôi bảo:
– Bà thấy con nó khổ không…!?
Má tôi:
– Ông nhà nói gì Tui (Tôi) để con của Ông nó khổ hồi nào, ở nhà ăn học trăm sự lo hết khổ cái chi mà khổ.
Ba Tôi:
– Không phải, khổ là khổ cái việc này… mấy tuần nay Bà thấy nó khổ không.
Ba tôi nói tiếp:
– Nó không ăn không uống, khóc lóc buồn thảm…. Để làm gì, Bà cứ để nó vô Chùa ở, thì con Bà cũng còn đó, khi nào nó hết tu nó không tu nửa thì Bà chở con Bà về… nó cũng còn yên đó, Tui nói vậy Bà thấy phải không.
Má tôi tần ngân im lặng, uống ly nước Bà nhìn tôi rồi nhìn Ba tôi, cứ yên lặng.
Ba tôi biết là Má tôi đã tạm thời đồng ý.
Những thật là hay Ông Bà tâm đầu ý hợp, Mẹ tôi chỉ im lặng thôi Ba tôi cũng hiểu.
Ba Tôi nói:
– Thằng Cu Tý (Bí danh của tôi lúc nhỏ) theo Ba rửa mặt rồi Ba chở đi chơi một dòng (vòng quanh giọng Nam), nhưng thật là tế nhị Ba tôi nói lúc Mẹ tôi đã ra vườn thăm vườn.
Thế là vài hôm sau tôi có mặt ở Chùa, thực hiện ước mơ làm Chú Tiểu của tôi. Tôi như con chim non còn mướm thức ăn lông cánh chưa đủ thế mà đã cuốn gói bay một cú… tiến thẳng về tịnh xá về về chùa.
Tôi nghĩ lại thật có lỗi nhưng may mắn vì đã có Mẹ biết im lặng, ngó lơ để Ba tôi đưa tôi đi nhưng bây giờ trong lúc viết những dòng này đây tôi biết Mẹ tôi không ngó lơ chút nào, Mẹ tôi đã khóc. Khi đó tôi nào hay biết nổi lòng của Mẹ tôi, ôi con xin lỗi Mẹ, con xin sám hối với Mẹ, con thật dại khờ, vừa dại khờ vừa có lỗi với nổi lòng của Mẹ nhưng có thể nói bù lại Mẹ tôi đã có một người con dại khờ ước mong và quyết tâm bước theo bước chân của con đường lạ nhất, trong nhà tôi và xã hội ít người bước theo con đường ấy, đó là con đường có dấu chân của Phật đã bước, đến nay thời gian cũng đã ngót qua dần Mẹ tôi Ba tôi trông ngóng người con khi xưa trở về, nhưng không trở về thế sự như khi còn mới đi tu mà trông tôi dõi theo bước chân tôi đi bây giờ là Nhà sư Khất sĩ Thích Giác Chinh.
Con biết rằng sự hy sinh cao cả của Ba mà nhất là Mẹ, Mẹ đã cố nén tình yêu thương cá nhân của một người làm Mẹ để vui theo bước chân mà con mình đã chọn lựa, Mẹ nói: – Khi mới đi tu Mẹ nghĩ năm ba ngày hay năm ba tháng hoặc lâu hơn là năm ba năm con sẽ trở về với Mẹ, thế ấy mà đến giờ Ông Thầy đã ngoài 30.
Mẹ hay nói với xóm làng và con cháu:
– Ông Thầy hồi còn ở Việt Nam ít ra lâu lâu còn gặp hoặc gọi điện thoại nghe tiếng nói nghe giọng Ổng, giờ nghe người ta nói Ông Thầy đi Mỹ mở đạo làm Chùa… Saigon đã xa giờ Mỹ là ở đâu, tâm hơi mịt mù.
Tôi nghe thôi cũng phải nuốt nước mắt ngược vào trong để Mẹ an vui và để Tôi có chút thời gian lo cho Thiền viện lo cho chuyện của thiên hạ, thật xấu hỗ nhưng vui trong cái vui đại thể mà chí ít Mẹ tôi cũng đã hiểu và vui với cái vui mà tôi đã chọn lựa, lựa với cái mục đích là tu học hoàn thiện và phục vụ xã hội,chúng sanh muôn loại hữu duyên.
Rừng Thiền xào xạc lá, mưa Thu rồi lại mưa Đông…. dù giông bão nơi tha hương rồi những lúc có vui có buồn nghĩ ngợi miêng mang thì tôi lại nghĩ về câu chuyện mà Mẹ Tôi Ba tôi đã hành sự thế rồi tôi tự nhắc mình hãy tham thiền hãy học pháp và hãy chia sẽ điều đó khi có cơ hội để không phụ lòng Mẹ, Không phụ lòng Ba, đáp đền Thầy Tổ.
Tôi là con của Mẹ, mà vì Mẹ tôi hiểu đạo không gọi con mình bằng con mà gọi là Ông Thầy vì Bà biết con mình ở trong Đạo, con của sát thân tứ đại nhưng là con của Nhà Phật nên Bà gọi vậy, thử hỏi có người Mẹ nào can đảm và mạnh mẽ như vậy không, Mẹ tôi đã cười nhưng nước mắt đã chảy ngược vào tim để hy sinh phụng hiến người con của mình làm người tu để có thể hoàn thiện nhân cách và phần nào giúp đời giúp xã hội. Ôi…! Mẹ ơi con biết Mẹ cao cả biết dường nào,mỗi lần Tôi gọi tiếng Mẹ thì Mẹ tôi đã lặng người rơi nước mắt vì quá đổi hạnh phúc!
Nay con làm một Nhà sư theo nhà Phật tu hành nay xin cuối đầu lạy Mẹ, lạy Ba đã thầm lặng hy sinh, lạy Thầy tôi đã cưu mang dạy bảo, lạy tất cả những vị Thầy trong đời con, lạy thân hữu trong đời đã đến bên đời Tôi. Dù có viết ngàn lời nhân ngày sinh mà Mẹ đã sinh con ra… để rồi con lại bay đi tứ hải bay đi khắp phương trời lo cho cái lo của bên ngoài trong đại thể mà Mẹ và Ba giờ tóc đã bạc mà vẫn luôn thầm lặng hy sinh cũng không bao giờ đủ và không thể nào diễn tả hết nổi lòng của Ông Bà Thí Chủ.
Người học hỏi trong đường Đạo giống như sắt được mang đi nấu đặng lọc cho sạch, nấu nhiều lần mới lấy ra hết sét gĩ và cặn cáu, chừng ấy mới có thể làm nên nhiều đồ tốt… Bởi thế những người nhập Đạo lần hồi rửa sạch cái tâm, đừng để cho dính bợn nhơ nào, và cứ một lòng lo Đạo Đức (Sila), thì thế nào cũng đắc Đạo, Bằng như họ cứ mãi lo rầu, làm cho hư hại tinh thần họ, thật tai hại cái ảnh hưởng ấy nó làm cho họ xa lần đường Đạo, hễ đã xa đường Đạo thì họ phải bị vướng lấy lầm lỗi, bởi vậy cho nên nếu ai phá tan sự vô minh tà kiến thì thấy và nếm được vị của Đạo rất dể dàng.
Thật thấm thía câu của những Nhà hiền đức đã bảo: – Lìa Cha Mẹ, bỏ cửa nhà đặng nhập đạo, một lòng quyết chí học hỏi cho rõ chơn tâm, bổn tánh, và hiểu thấu phép vô vi của Phật, tu là tiến theo nẻo Bát chánh, ráng hết sức cho thâm nhập Tứ diệu đề và rửa lòng trong sạch là thành một vị chánh chơn, là tiến theo nẻo chánh là bước vào Niết bàn tịch tĩnh, báo đền ơn Sinh dưỡng, báo đền ơn Thầy Tổ và phụng sự chúng sanh tiến theo nẻo chánh.
Viết Nhân ngày Mẹ sinh con ra đời để con có cơ hội đi Tu theo nhà Phật.
Rừng Thiền Pháp Thuận Thiền Viện
Dharma Mountain and Forest Meditation,
December 14, 2017,
Khất sĩ Thích Giác Chinh.
Discussion about this post