NƯỢNG TỰA TAM BẢO
Tùy thuận trí
Thích Nhất Hạnh
Quay về nương tựa nơi Tam Bảo
Trong đạo Bụt, đối tượng của sự quy y là Bụt, Pháp và Tăng. Chúng ta thường nghĩ là mình đã hiểu nhưng thật ra có lẽ ta chưa hiểu rõ thế nào là quy y Tam Bảo. Nếu thực sự quy y Tam Bảo thì ta sẽ có hạnh phúc ngay lập tức, ta không còn do dự hay nghi ngờ nữa và ta có rất nhiều năng lượng. Chúng ta phải hiểu rõ thế nào là Bụt, Pháp, Tăng thì ta mới có chỗ nương tựa đàng hoàng.
Sáng nay đại chúng đã tụng bài “Chắp tay búp sen“. Đây là một bài nương tựa Tam Bảo dành cho trẻ em. Tôi đã phải để cả năm mới viết xong bài này, tại vì viết một bài tụng cho trẻ em rất là khó, ngôn ngữ dùng phải đơn giản để các em có thể hiểu được. Khi làm xong tôi rất mừng. Trong bài có định nghĩa thế nào là Bụt, Pháp và Tăng.
Nếu so sánh với Tam Bảo của Phật giáo thì ta thấy Chúa Ba Ngôi của Thiên Chúa giáo khó hiểu hơn, trừu tượng hơn. Bụt, Pháp và Tăng là những cái gì rất cụ thể. Trong bài tụng viết cho thiếu nhi, Bụt được định nghĩa là một vị thầy chuyên dạy hai thứ là hiểu và thương. Chúng ta tự hỏi mình đã biết thương, biết hiểu chưa? Nếu biết hiểu và biết thương thì ta là một người có hạnh phúc. Nếu ta không có hạnh phúc, ta không thấy thoải mái trong đời sống hằng ngày là tại vì ta chưa biết hiểu, ta chưa biết thương. Bụt trước hết là một vị thầy dạy hiểu và thương và vị thầy này có rất nhiều phụ tá. Hiểu được cũng khó mà thương được cũng khó.
Hiểu và thương được mình trước khi hiểu và thương được người khác
Trước hết, ta phải hiểu được mình là ai. Ta phải hiểu được những yếu kém, những khổ đau, những bế tắc của mình. Ta cũng phải hiểu được luôn những yếu tố tích cực mà ta chưa bao giờ thấy trong ta. Muốn hiểu được, ta cần phải có rất nhiều công phu. Ta tưởng ta hiểu được mình rồi nhưng thực ra ta chưa hiểu được mình nhiều, hơn nữa đôi khi ta còn hiểu lầm. Ta chưa biết mình là ai. Ta chưa hiểu được nỗi khổ niềm đau, ta chưa thấy được giá trị của mình. Những điều Bụt dạy giúp cho ta hiểu được chính mình. Hiểu được thì ta sẽ chấp nhận được mình. Trong chúng ta có những người không chấp nhận được cha mẹ, dòng họ và không chấp nhận được chính bản thân mình tại vì họ không có khả năng hiểu.
Bụt dạy những phương pháp quán chiếu để chúng ta có thể hiểu được chính mình, để chúng ta có thể chấp nhận và thương được chính bản thân mình. Hiểu được mình, chấp nhận và thương được mình thì mới có thể nghĩ tới chuyện hiểu người khác, chấp nhận và thương người khác. Nếu không thì càng thương ta càng làm cho người kia khổ. Đáng lý ra thì tình thương phải mang lại hạnh phúc, nhưng trong phần lớn các trường hợp thì càng thương ta lại càng làm cho người kia khổ và ta cũng khổ theo. Đó không phải là tình thương. Vì vậy ta cần một vị thầy dạy ta thương. Bụt là một vị thầy rất thực tế. Ngài dạy trước tiên ta phải hiểu, chấp nhận và thương được mình. Sau đó ta mới có thể hiểu, chấp nhận và thương được người khác.
Là một người xuất gia, ta có chí hướng muốn giúp đời. Nhưng nếu trong tâm ta còn nhiều khổ đau, bức xúc, bất mãn, cô đơn thì ta sẽ không có hạnh phúc. Ta không hiểu được mình, ta không chuyển hóa, không thương được ta thì làm sao sau này ta có thể giúp được cho người khác? Vì vậy trong những ngày tháng tu tập, ta phải làm thế nào để hiểu, chấp nhận và thương được chính mình.
Chúng ta thường than rằng: “Không ai hiểu tôi, không ai thương tôi!“ Trong khi đó thì ta không hiểu ta và ta cũng không thương được ta. Ta không hiểu, ta không thương được ta thì làm sao ta làm cho người khác hạnh phúc? Người xuất gia cũng như người tại gia, nếu ta không có hạnh phúc thì ta cũng không có khả năng giúp được cho ai.
Phật thân
Bụt nói Ngài không phải là một vị thần linh. Bụt trước tiên là một con người như tất cả chúng ta. Siddharta đã từng là một con người như chúng ta và cũng đã từng khổ đau. Có những điều kiện vật chất đầy đủ và những quyền hành, danh vọng trong hoàng gia nhưng Siddharta không cảm thấy hạnh phúc. Siddharta đã bỏ hoàng cung để đi tìm hạnh phúc và đã khám phá ra rằng hạnh phúc thật sự đó từ hiểu và thương mà có, hiểu và thương được mình để có thể hiểu và thương người khác. Điều này cha của Ngài và các vị quan triều đình, các nhà chính trị đã không làm được, vì vậy Ngài không muốn đi theo con đường của họ. Ngài muốn tìm một con đường khác, đó là tâm chí của Siddharta.
Chúng ta đi xuất gia hay đi tu tập là để tìm một con đường khác, một con đường có thể đem lại hạnh phúc. Đó là con đường của hiểu và thương, mà Bụt là một vị thầy dạy cho ta hiểu và thương. Chúng ta tới với Bụt không phải là vì Bụt có quyền phép có thể ban những phép lạ làm cho ta hết đau khổ. Đó là mê tín, không phải là đạo Bụt. Bụt là một vị thầy chỉ cho chúng ta phương pháp tu tập để giúp cho ta có thể hiểu và thương. Bụt không phải là một vị thần linh. Chúng ta phải tự cứu lấy mình, Bụt chỉ giúp chúng ta mà thôi. Trong kinh có nói: “Bờ bên kia là bờ của hạnh phúc, tự do. Đứng bên này ta không thể cầu nguyện để bờ bên kia chạy sang bên này cho ta bước lên. Ta không thể gọi Bờ bên kia ơi, hãy sang bên này cho ta bước lên, mà ta phải làm bè, làm thuyền, rồi dùng bè hay thuyền đó để chèo sang bờ bên kia“. Đó là phương pháp của Bụt. Vì vậy cầu nguyện không phải là phương pháp hay nhất trong đạo Bụt.
Pháp thân
Trong đạo Bụt, phương pháp hay nhất là hành trì để có thể hiểu và thương. Có những phương pháp rất hay mà nếu hành trì theo đúng thì chúng ta có thể bỏ bờ bên này và sang bờ bên kia rất nhanh. Muốn bay từ đây sang Mỹ chúng ta phải mất ít nhất là bảy giờ đồng hồ. Nhưng ta đang giận mà ta biết điều phục cơn giận thì chỉ trong vài phút là ta có thể vượt thoát sang bờ bên bên kia tức là bờ của sự không giận dữ. Khi đang bị trấn ngự bởi sự giận dữ là ta ở bờ bên này, dập tắt được ngọn lửa giận dữ thì ta qua bờ bên kia ngay. Paramita có nghĩa là bờ bên kia. Đó không phải do sự cầu nguyện mà là do sự thực tập mà có.
Hơn nữa Bụt không phải là một vị thầy bên ngoài mà còn là vị thầy bên trong, tại vì mỗi chúng ta đều có tính Bụt trong lòng. Chúng ta có khả năng hiểu và thương, đó là Bụt bên trong. Nếu ta không có hạt giống của hiểu và thương thì làm sao mà có hy vọng. Nhưng vì chúng ta đều có hạt giống của hiểu và thương nằm trong chiều sâu tâm thức cho nên chúng ta mới có hy vọng. Đó gọi là Phật tánh. Chúng sanh, ai cũng có Phật tánh cho nên vị thầy mà ta quy y đó nằm ngay trong tâm thức của ta. Chúng ta phải có niềm tin là mình làm được, nếu Siddharta đã làm được thì chúng ta cũng làm được. Như vậy mới thật sự là quy y. Quy y không phải là nương tựa vào một thế lực bên ngoài mà trước hết là nương tựa vào thế lực bên trong. Ta phải tin rằng mình có thể làm được chuyện đó, nếu không tin thì ta sẽ không có tương lai. Đó là chuyện chuyển hóa khổ đau, có hạnh phúc, có khả năng hiểu, thương và làm hạnh phúc cho người. Có niềm tin thì ta có hạnh phúc ngay. Khi tin vào Phật tánh, tin vào vị thầy đang dạy cho ta hiểu và thương thì ta cũng tin vào Pháp. Pháp là phương pháp hành trì, nhờ phương pháp đó mà ta có thể vượt sang bờ bên kia. Bụt là gì? Bụt là người có Pháp, ta có thể học được Pháp của Bụt. Mỗi người trong chúng ta phải có công phu thực tập và phải biết cách thực tập. Ví dụ như học làm đậu hủ vài ngày thì ta biết cách làm đậu hủ, mỗi khi có đủ điều kiện thì ta có thể làm được đậu hủ. Nếu biết phương pháp thì ta có thể chuyển hóa được nỗi buồn, cơn giận và chế tác được niềm vui, hạnh phúc. Không có Pháp ta sẽ không làm được, vì vậy ta phải quy y Pháp.
Pháp không phải là một cái gì ở bên ngoài cũng như biết làm đậu hủ không phải là cái gì ở bên ngoài. Pháp là phương pháp đưa ta từ bến mê mờ sang bờ giải thoát, từ bến khổ đau sang bờ an lạc. Nếu không có Pháp thì người kia không phải là Bụt và ta cũng không có tánh Bụt trong lòng.
Mỗi người có hình hài bằng xương thịt của mình gọi là nhục thân. Nhưng nếu có thực tập thì chúng ta cũng có Phật thân(Buddha body), tại vì chúng ta tin rằng mình có hạt giống của hiểu và thương. Mỗi người đều có Phật thân. Nếu học được phương pháp tu tập, biết thở, biết cười, biết đi, biết lắng nghe, biết hiểu, biết chuyển hóa thì ta có Pháp thân. Có Pháp thân rồi thì ta không còn lo sợ nữa, đi đâu ta mang Pháp thân đi theo, có khó khăn thì ta mang Pháp thân ra để giải quyết. Pháp thân là vật tùy thân của ta.
Tăng thân
Thân thứ ba là Tăng thân. Tăng thân rất quan trọng. Sau khi Siddharta thành đạo, mục đích đầu tiên của Ngài là xây dựng một Tăng thân. Siddharta biết rằng nếu không có một Tăng thân thì cho dù là một vị Bụt cũng không làm nên được sự nghiệp gì. Chính Bụt cũng nương tựa Tăng thân. Nếu không có thầy Sariputra, thầy Mahamogalla, thầy Katyayana, v.v… thì Bụt cũng không làm nên được sự nghiệp giúp đời như ta đã thấy. Vì vậy Tăng thân rất quan trọng.
Tăng thân là đoàn thể của những người thực tập theo Bụt, gồm những người có khả năng chế tác được niệm, định và tuệ, những người biết chuyển hóa khổ đau và chế tác được an lạc. Cố nhiên là có những người giỏi hơn những người khác. Dù Tăng thân chưa được toàn hảo nhưng ta thấy trong Tăng thân có năng lượng của niệm, định và tuệ, có khả năng chế tác niềm vui và chuyển hóa khổ đau. Vì vậy ta phải nương tựa vào Tăng thân. Là người xuất gia hay người tại gia, ta sẽ không làm nên việc gì nếu ta không có niềm tin nơi Tăng thân và không nương tựa vào Tăng thân. Chính Đức Thế Tôn cũng phải nương tựa vào Tăng thân. Nếu không có những người như thầy Xá Lợi Phất thì Bụt đã không thực hiện được sự nghiệp độ sinh kéo dài đã mấy ngàn năm.
Tăng thân là gì? Tăng thân là chỗ cho ta nương tựa, vì vậy ta phải đi với Tăng thân như một dòng sông. Có người hỏi Đức Thế Tôn:
Làm sao để giọt nước này đừng bốc hơi?
Đức Thế Tôn nói:
Cho nó xuống dòng sông.
Nếu ở một mình thì thế nào giọt nước cũng bốc hơi. Nhưng khi nó đồng nhất mình với dòng sông thì nó có thể đi ra biển. Chúng ta cũng vậy, người xuất gia hay tại gia mà có chí nguyện giúp đời thì ta phải biết nương tựa Tăng thân. Ta phải để cho Tăng thân giúp ta, hướng dẫn ta, giáo dưỡng ta, chỉ đường cho ta đi. Nếu ta không có niềm tin nơi Tăng thân, không nương tựa Tăng thân thì chắc chắn là ta không có tương lai.
Thân là một cơ thể được làm bằng những tế bào. Trong thân ta có hàng tỷ tế bào, nhưng không có tế bào nào đơn độc cả. Những tế bào đều làm việc chung, mỗi tế bào đều đi theo hòa điệu với các tế bào khác. Nếu một tế bào sống riêng lẻ không nương tựa vào những tế bào khác thì tế bào đó sẽ chết. Là người xuất gia hay người tại gia, ta phải nương tựa vào Tăng thân để được hướng dẫn và bảo hộ. Đó gọi là nương tựa Tăng thân.
Nhìn vào trong cơ thể của mình, ta thấy hàng tỷ tế bào nhưng không có tế bào nào muốn làm chủ cả. Các tế bào sống bên cạnh nhau và mỗi tế bào có những phương tiện để truyền thông với những tế bào khác. Điển hình nhất là các tế bào thần kinh não bộ, mỗi tế bào đều dính với hàng trăm, hàng ngàn tế bào khác, và các tế bào óc liên lạc với nhau thường xuyên. Nhờ liên lạc với nhau thường xuyên như vậy nên các tế bào óc mới chế tác được những ý niệm, những tư tưởng, những quyết định mà không cần có một chỉ huy trưởng để điều động.
Tăng thân cũng vậy. Tăng thân là một cơ thể, trong đó mỗi người chúng ta là một tế bào. Chúng ta phải có sự truyền thông thường xuyên với các tế bào khác trong Tăng thân. Như vậy chúng ta mới có sự hòa điệu, chúng ta giúp nhau, nâng đỡ nhau. Nếu có những tế bào hơi yếu thì nhờ sống chung với những tế bào khác mà chúng được nuôi dưỡng và mạnh lên. Mỗi tế bào đều phải thải ra những chất dư thừa và tiếp thu những chất dinh dưỡng. Các tế bào liên hệ với nhau để làm công việc đó, để tế bào nào cũng có thể tiếp nhận chất dinh dưỡng và thải ra cặn bã.
Nhìn vào cơ thể con người, chúng ta biết cách vận hành của các tế bào thì nhìn vào Tăng thân chúng ta cũng thấy rõ ràng như vậy. Nếu Tăng thân không hành xử như một cơ thể con người thì Tăng thân sẽ không khỏe mạnh, không hạnh phúc và không làm được sứ mạng của mình. Tăng thân Làng Mai đã từng tổ chức các khóa tu khắp nơi trên thế giới. Trong mỗi khóa tu có rất nhiều người được chuyển hóa, tìm lại được hạnh phúc. Nhưng sau rời khóa tu trở về trú xứ của mình, nếu không có Tăng thân hay một đoàn thể tu học địa phương để nương tựa thì ta có thể đánh mất sự thực tập của mình và rơi trở lại trạng thái cũ. Vì vậy vào ngày cuối của khóa tu, chúng ta thường tổ chức những buổi hội thảo để trở về thiết lập một Tăng thân nho nhỏ tại địa phương của mình để chúng ta có thể giúp nhau duy trì sự thực tập, nuôi lớn Tam Bảo trong đời sống hằng ngày của mình. Vì vậy không những người xuất gia nương vào Tăng thân mà người tại gia cũng cần phải nương vào Tăng thân.
Xây dựng Tăng thân là một việc rất quan trọng. Siddharta là một người rất giỏi trong việc xây dựng Tăng thân. Ngay trong năm đầu hành đạo mà Tăng thân xuất gia của Ngài đã lên tới 1000 người. Ngày mà ta quỳ xuống tiếp nhận giới luật là ta phát lời nguyện nương tựa vào Tăng để ta có thể tiếp nối được sự nghiệp của Bụt sau này. Lời nguyện đó chúng ta phải nhớ. Ta phải để Tăng thân dìu dắt, nâng đỡ, giáo dưỡng mình. Ta phải mở lòng ra nói cho các anh, các chị biết những khó khăn, bế tắc của mình để cầu sự giúp đỡ. Nếu hành xử được như vậy thì tự nhiên sẽ có sự chuyển hóa và ta bắt đầu có hạnh phúc. Có hạnh phúc thì sự thực tập sẽ rất nhanh, nếu không thì ta giữ sự bế tắc năm này sang năm khác và ta sẽ không thực hiện được chí nguyện đã có từ khi ta phát nguyện.
Trong 30 năm qua, Làng Mai đã gieo trồng hạt giống của chánh pháp khắp nơi. Hiện nay đã có rất nhiều Tăng thân được thành lập tại các nước. Ở Đức đã có gần 70 Tăng thân, bên Anh còn nhiều hơn nữa. Ở Mỹ đã có ít nhất là 500 Tăng thân. Chúng ta thấy rất rõ là nếu không có Tăng thân thì ta sẽ không duy trì được sự thực tập của mình để đi trên con đường chuyển hóa và trị liệu. Vì vậy công việc dựng Tăng rất là quan trọng. Sau khi tới Làng Mai hay tới một khóa tu để thực tập thì ta được chuyển hóa. Nhưng nếu khi về nhà, ta không tiếp tục thực tập thì ta sẽ đánh mất sự chuyển hóa đó. Muốn tiếp tục thực tập thì cách hay nhất là ta nhìn chung quanh, tìm những yếu tố để thiết lập một Tăng thân địa phương. Đó là sự thực tập xây dựng Tăng thân. Ngày xưa Đức Thế Tôn đã làm công việc đó và các thế hệ tiếp theo cũng đã làm công việc đó. Có được một Tăng thân thật sự tu học là ta có được một viên ngọc quí. Tăng thân không chỉ đơn thuần là một đoàn thể, vì có thể có một đoàn thể mà trong đó người ta không có khả năng chế tác hỷ và lạc, người ta không có khả năng hòa giải, chế tác tình huynh đệ và chuyển hóa khổ đau. Như vậy thì dù cho tổ chức đó được gọi là tổ chức Phật giáo thì đó cũng không phải là Tăng. Tăng là một đoàn thể mà trong đó phải có sự hòa hợp và tình huynh đệ. Tăng là một đoàn thể gồm những người có khả năng chế tác hỷ, lạc và tình huynh đệ, những người có khả năng chuyển hóa những khổ đau, giải quyết những khó khăn và những khúc mắc xảy ra trong đời sống hằng ngày. Một đoàn thể có khả năng chế tác được niệm, định, tuệ, hỷ và lạc được gọi là chân Tăng (true Sangha).
Là một chân Tăng thì đã có Bụt và Pháp ở trong đó. Ta tìm Bụt và Pháp ngay ở trong Tăng. Vì vậy cho nên xây dựng Tăng cũng là xây dựng Bụt và xây dựng Pháp. Trong chân Tăng có chân Pháp và chân Phật.
Trong Tăng thân của ta thế nào cũng có những anh, chị hay những em có niềm tin nơi Tam Bảo, có hạnh phúc, có từ bi, có khả năng chế tác hỷ lạc. Trong những người đó, chúng ta thấy có chất Bụt và chất Pháp. Ta cần những người như vậy, trong Tăng thân mà có những người đó thì rất là quí. Khi một người có đạo đức, từ bi, có tuệ giác và tình huynh đệ tới thăm Tăng thân thì ta có khuynh hướng muốn mời người đó ở lại với mình tại vì người đó ở trong Tăng thân thì làm giàu cho Tăng thân mình, làm cho Tăng thân mình càng ngày càng có phẩm chất. Tăng thân có phẩm chất thì khả năng độ đời, giúp người sẽ lớn hơn.
Tùy thuận trí
Trong kinh Như Thị Ngữ, Bụt có nói về Niết bàn. Câu này cũng có trong học phẩm Nê Hoàn của kinh Pháp Cú chữ Hán:
Này các vị Tỳ Kheo, ở đời có cái sinh, cái hữu, các tác và cái hành. Nhưng cũng có cái không sinh, không hữu, không tác, không hành. Tại vì nếu không có cái không sinh, không hữu, không tác, không hành thì cái có sinh, có hữu, có tác, có hành sẽ không có nẻo thoát.
Câu này rất nổi tiếng và trong suốt khóa tu mùa Đông này chúng ta sẽ học câu đó. Trên bình diện tích môn hay sự thật ước lệ thì có sinh, có hữu, có tác và có hành. Hễ có sinh thì có diệt, có hữu thì có vô, có tác thì có tác giả và thọ giả, có hành thì có hữu vi và vô vi. Nhưng nhìn kỹ vào những gì có sinh, có diệt, có có, có không, có tác giả, có thọ giả, có hữu vi, có vô vi thì ta khám phá ra một cái gọi là không sinh, không diệt, không tác, không hành. Quán sát trên bề mặt ta thấy dường như là có sinh, có diệt, có có, có không, có tác giả, có thọ giả, có hữu vi, có vô vi. Nhưng nhìn cho sâu thì ta thấy bản chất của sự vật là không sinh, không diệt, không có, không không, không tác giả, không thọ giả, không hữu vi, không vô vi.
Làng Mai hay dùng ví dụ của đám mây. Nhìn bề ngoài ta thấy đám mây có sinh, có diệt, có có, có không. Nhưng nhìn cho kỹ thì ta thấy đám mây không sinh, không diệt, không có, không không. Tại vì sinh là từ không mà trở thành có mà đám mây không từ không trở thành có, và diệt là từ có mà trở thành không mà đám mây cũng không thể nào từ có trở thành không. Đám mây chỉ trở thành sương, thành tuyết, thành mưa mà thôi. Bản chất của đám mây là không sinh, không diệt, không có, không không. Con đường quán chiếu giúp ta nhìn sâu vào tích môn để thấy được bản môn gọi là tùy thuận trí(anulomatajñāna).
Ta sử dụng tùy thuận trí, nhìn vào những sự vật có sinh, có diệt, có có, có không để tìm ra được thực tại không có, không không, không sinh, không diệt. Giáo lý trung đạo giúp chúng ta vượt thoát khỏi những cặp đối lập như có và không, sinh và diệt, dơ và sạch, chủ thể và đối tượng, một và nhiều. Giáo lý duyên khởi và trung đạo giúp ta đi từ thế giới của tích môn vào thế giới của bản môn, từ sự thật ước lệ tới sự thật tuyệt đối.
Đối với cặp đối lập sinh-diệt thì tùy thuận trí sử dụng ý niệm tương sinh 相 生 (inter-arising) hay câu sinh 俱 生 (co-arising), tiếng Phạn là sahajāta, saha là cùng, jāta là sinh. Các pháp không tự mình sinh ra hay tự mình diệt đi được. Ta không thể tự mình sinh ra mà phải dựa vào những cái khác để được biểu hiện. Ý niệm tương sinh hay câu sinh giúp chúng ta thoát ra khỏi ý niệm sinh. Một pháp không thể tự mình sinh ra hay sinh ra cái khác, vì vậy ý niệm sinh không phù hợp với thực tế. Thoát ra được ý niệm sinh thì đồng thời ta cũng thoát ra được ý niệm diệt. Đó là tùy thuận trí: nhờ ý niệm tương sinh mà ta vượt thoát được ý niệm sinh và diệt.
Đối với cặp hữu-vô thì tùy thuận trí sử dụng ý niệm tương tức 相 即 (inter-being), tương hữu 相 有 hay câu hữu 俱 有. Tương tức, tiếng Phạn là sahabhūta. Ta không thể nào tự mình có mặt hay làm cho một cái khác có mặt, ta phải cùng nhau có mặt. Chúng ta dùng ý niệm tương tức để thoát ra khỏi ý niệm có, dùng ý niệm câu hữu thay thế cho ý niệm hữu. Thoát được ý niệm có thì đồng thời cũng thoát được ý niệm không. Nhờ ý niệm tương tức mà ta thoát ra khỏi ý niệm có và không.
Đó là nhờ tài năng của tùy thuận trí. Ta vẫn sử dụng danh từ và ý niệm, nhưng sử dụng rất khéo theo trí tùy thuận để từ từ thoát ra khỏi danh từ và ý niệm. Ta dùng những ý niệm mới là tương sinh và tương tức để thoát ra khỏi những ý niệm cũ là sinh-diệt và có-không. Và khi thoát ra được rồi thì chúng ta phải bỏ những ý niệm đó đi. Cũng như ta dùng thuổng để đào giếng, đào giếng xong rồi thì ta phải cất thuổng đi, không cần phải mang nó theo suốt đời. Tương sinh và tương tức giúp ta vượt thoát sinh-diệt và hữu-vô.
Vô tác là vô ngã. Vào thời của Đức Thế Tôn thì những người theo Bà la môn giáo có niềm tin vào một thần ngã, vào một linh hồn bất diệt. Linh hồn bất diệt đó đi luân hồi, tạo nghiệp và thọ báo. Đó là tín ngưỡng về luân hồi, nghiệp và báo của Bà la môn giáo. Nhưng đạo Bụt không công nhận có một linh hồn bất diệt. Có một tâm thức nhưng đó không phải là linh hồn bất diệt. Tâm thức đó rất vô thường, nó là một dòng chảy luôn luôn biến chuyển. Chúng ta có ảo tưởng là nó thường tại, nhưng thật ra nó biến chuyển trong từng giây phút. Cũng giống như trong ban đêm có một người cầm cây đuốc quơ thành vòng tròn. Đứng xa nhìn chúng ta thấy có một vòng lửa nhưng thật ra đó chỉ là những đóm lửa nối tiếp nhau rất nhanh cho ta ảo giác có một vòng lửa. Tâm thức của ta cũng vậy, tâm thức được làm bằng những giây phút của cảm thọ, của tâm hành, của tri giác và nó sinh diệt không ngừng làm cho ta có cảm tưởng là có một dòng liên tục. Nhìn sông Marne ta tưởng sông Marne luôn luôn là sông Marne. Nhưng thật ra trong mỗi giây phút sông Marne đều đã đổi khác, ta nhìn lên rồi nhìn xuống thì nước sông đã biến đổi khác rồi. Đó là ảo tưởng của ta về sự tồn tại liên tục. Trong khi đó thì Bà la môn giáo cho rằng có một linh hồn trường cửu, bất diệt. Đạo Bụt nói có một cái, nhưng cái đó không phải là linh hồn trường cửu bất biệt. Đó là tâm thức biến chuyển dưới hình thức này rồi dưới hình thức khác.
Ví dụ như vào năm 2010 có một người tạo nghiệp, ta gọi đó là tác giả (kẻ làm). Và tới năm 2013 thì quả chín. Vậy người tạo nghiệp đó có trước năm 2010 rồi đi qua năm 2011 và năm 2012, khi tới năm 2013 thì người đó gánh chịu kết quả và ta gọi là thọ giả (người chịu). Vậy người đó là một cái gì bất biến. Người ta đặt câu hỏi: “Vậy thì tác giả và thọ giả là một người hay là hai người?“ Theo lý vô thường thì dòng sông của giây phút này không còn là dòng sông của giây phút trước nữa. Cho rằng nó là cùng một dòng sông là sai, là một ảo tưởng. Mười năm sau trở về lại, ta thấy rằng “dòng sông Marne vẫn còn đây“ là không đúng. Nước sông hoàn toàn mới, tất cả những sinh vật sống trong đó đều thay đổi. Như vậy người tạo nghiệp năm 2012 và người thọ báo năm 2013 không phải là một người. Ta với em bé 5 tuồi trong album gia đình không phải là một người mà cũng không phải là hai người. Vì vậy người ta không thể trả lời được câu hỏi “tác giả và thọ giả là một hay là hai?“, tại vì cho là một thì sai mà cho là hai cũng không đúng. Câu trả lởi của Bụt là trung đạo, không phải một cũng không phải hai.
Tùy thuận trí đề nghị một ý niệm mới gọi là tương tác 相 作 (inter-acting), tiếng Phạn là sahakrta, để giúp ta vượt khỏi ý niệm tác giả và thọ giả. Tác giả và thọ giả nương vào nhau mà có. Cũng như cha và con, ta nghĩ rằng có cha trước rồi mới có con sau. Nhưng trước khi con xuất hiện thì ta không thể gọi người đó là cha, cha và con được biểu hiện cùng một lần. Không có tác giả thì không có thọ giả, và không có thọ giả thì không có tác giả. Tác giả và thọ giả là những giả danh (conventional designation), không có thực thể, luôn luôn biến chuyển. Tác giả và thọ giả đều không có một bản chất trường cửu. Ý niệm tương tác giúp ta thoát khỏi ý niệm tác giả và thọ giả là hai thực thể riêng biệt.
Hành là samskrta (formation), là các pháp, là sự vật. Chúng ta thường nói “cái này sinh ra cái kia“. Nhưng thật ra cái này sinh ra cái kia và cái kia cũng sinh ra cái này. Cũng như trong trường hợp cha và con. Cha sinh ra con và con cũng sinh ra cha tại vì nếu không có con thì người kia cũng không được gọi là cha. Nếu trái sinh ra phải thì phải cũng sinh ra trái, phải và trái đồng thời có mặt. Các hành đều như vậy, đều do sự tập hợp của những điều kiện bên ngoài mà có. Ví dụ như bông hoa là một hành. Sở dĩ bông hoa biểu hiện ra được là nhờ có những yếu tố khắp nơi trên thế giới quy tụ về. Những yếu tố không phải hoa đó (conditioning, tiếng Phạn là samskāra), tới giúp làm ra bông hoa (conditioned, tiếng Phạn là samskrta). Bông hoa được điều kiện hóa, nếu có đủ điều kiện thì hoa biểu hiện. Một bên là nhân, một bên là quả và hai bên làm nhân quả cho nhau. Cũng như bên trái và bên phải, bên phải dựa vào bên trái mà biểu hiện và bên trái dựa vào bên phải để biểu hiện, hai bên nương vào nhau gọi là tương hành 相 行 (inter-conditioning).
Tất cả các hành nương vào nhau để biểu hiện. Cái này sinh ra cái kia và cái kia sinh trở lại ra cái này. Một hình ảnh rất đẹp trong kinh mà Bụt dùng làm ví dụ là hình ảnh của một bó lau: Ba hay bốn cây lau dựa vào nhau thì mới đứng vững. Các hành cũng vậy, không có cái này thì không có cái kia, không có cái kia thì không có cái này. Ba cây lau đứng vững được là vì chúng có nhau.
Thấy như vậy tôi rất vui nên tôi viết câu thư pháp: Tu es donc je suis. (Tại vì em có đó cho nên tôi có đây). You are therefore I am. Đó là tương hành. Câu này trả lời câu của Descartes: Je pense dons je suis (Tôi tư duy tức là tôi đang có). Nói như Descartes là không thực tế, tại vì tôi có là vì những điều kiện không phải tôi đang có đó. Nhìn mặt trăng, ngôi sao, mặt trời hay sương ta thấy tất cả đều là “tu“. Vì có sương, có sao, có mặt trăng hay mặt trời đó cho nên mới có tôi đây. Nếu không có chúng nó thì làm sao tôi có được?
Bốn ý niệm mới tương sinh, tương tức, tương tác, tương hành giúp chúng ta vượt thoát bốn cặp đối nghịch cũ là sinh và diệt, hữu và vô, tác giả và thọ giả, hữu vi và vô vi. Đó là tài năng của tùy thuận trí căn cứ trên duyên khởi và trung đạo để giúp cho ta từ tích môn đi sâu vào bản môn, từ sự thật ước lệ đi tới sự thật tuyệt đối. Nhà triết học Hòa Lan Spinoza nói rằng Thượng đế chính là thiên nhiên. Chúng ta thử tìm sự liên hệ giữa tạo hóa (créateur) và tạo vật (créature). Trong ánh sáng của tương hành, nếu tạo hóa tạo ra tạo vật thì tạo vật cũng tạo ra tạo hóa. Tạo hóa và tạo vật không phải là hai thực thể riêng biệt. Không thể lấy tạo hóa ra khỏi tạo vật và cũng không thể lấy tạo vật ra khỏi tạo hóa.
Spinoza chủ trương Thượng đế (deus) là thiên nhiên (natura). Natura có hai phần: natura naturans và natura naturata
Phần natura naturans chúng ta không thấy được, còn phần natura naturata chúng ta có thể thấy được. Trăng sao, trời đất, cây cỏ, mọi loài thuộc về phần natura naturata. Spinoza nói rõ ràng rằng: Natura naturata không thể nào tồn tại ngoài natura naturans, có nghĩa là nhìn vào natura naturata ta thấy natura naturans, không thể nào lấy natura naturans ra khỏi natura naturata hay lấy natura naturata ra khỏi natura naturans. Natura naturans đại diện cho tạo hóa (造 化) hay Thượng đế và natura naturata tượng trưng cho tạo vật (造 物). Ta thấy rõ tính tương sinh, tương tức, tương tác và tương hành giữa hai cái, ta không thể tách rời cái này ra khỏi cái kia. Tại vì cái này có cho nên cái kia có, tại vì cái kia có cho nên cái này có. Đó là tính bất nhị giữa natura naturans (tạo hoá) và natura naturata (tạo vật). Spinoza đã tới rất gần với đạo Phật.
Tùy Thuận Duyên Khởi Tương Ưng Không
Từ trong kinh Tùy thuận Duyên Khởi Tương Ưng Không chúng ta có cụm từ tùy thuận duyên khởi tương ưng Không.
Trên bình diện tương đối thì có sinh, hữu, tác và hành. Ở bình diện tuyệt đối thì có vô sinh, vô hữu, vô tác, vô hành. Vô sinh là không sinh, không diệt. Vô hữu là không có, không không.
Vô tác là không có tác giả và thọ giả như những thực thể riêng biệt và thường tại. Tác giả và thọ giả không phải là một linh hồn bất tử mà là một dòng liên tục luôn luôn biến chuyển, vô thường và vô ngã. Ngã là một cái gì thường tại, bất diệt. Giáo lý vô tác dạy về vô ngã, không có ngã mà chỉ có một dòng liên tục.
Giáo lý vô hành nói về vô pháp. Tất cả những hiện tượng mà ta thấy, bề ngoài giống như có nhưng bên thì chúng trống rỗng, chúng là Không. Chúng không có cốt lõi, không có tính cách trường cửu, vĩnh viễn, bất diệt. Ví dụ như bông hoa, nhìn bề ngoài rất đẹp nhưng bên trong chỉ toàn là những cái không phải hoa tới làm thành hoa. Hoa không có cái ngã riêng biệt. Vô hành dạy về Không 空 (Emptiness, śūnyatā). Không là một giáo lý thậm thâm vi diệu.
Nhưng mấy trăm năm sau khi Bụt nhập diệt người ta chỉ phát huy giáo lý vô ngã mà không phát huy giáo lý Không. Tông phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda) là một bộ phái có nguồn gốc từ Thượng Tọa Bộ (Sthaviravāda). Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ (Mahāsānghika) xuất hiện từ sự phân chia bộ phái 140 năm sau khi Bụt nhập Niết bàn. Đại Chúng Bộ đông hơn và trẻ hơn, Thượng Tọa Bộ ít hơn và già hơn. Thượng Tọa Bộ có vẻ thủ cựu (conservative) và hơi cứng nên Đại Chúng Bộ tách riêng ra và có những tư tưởng phóng khoáng, tiến bộ, muốn thích ứng với thời đại.
Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ phát triển giáo lý vô ngã, làm ra những bộ luận Abhidharma rất dày để phát triển giáo lý vô ngã như một chủ thuyết. Sau này Thượng Tọa Bộ phân ra làm hai là Phân Biệt Thuyết Bộ và Hữu Bộ. Khi vua A Dục lên ngôi và thống nhất nước Ấn Độ thì Hữu Bộ đã ra đời và chủ trương: Ngã không pháp hữu 我 空 法 有. Trong khi đó thì Bụt nói các pháp đều trống rỗng.
Phân Biệt Thuyết Bộ được cảm tình của vua A Dục nhiều hơn nên Hữu Bộ di cư lên miền Bắc ở vùng Kashmir hiện nay. Hữu Bộ lập một cơ sở rất lớn, tồn tại hơn 1000 năm, sáng tạo ra rất nhiều tác phẩm về A Tỳ Đạt Ma, trong đó có Tỳ Bà Sa Luận (Maha-vibhāsā-śāstra). Từ căn cứ này Phật giáo đã truyền sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều tiên, v.v…
Những chủ trương của Thượng Tọa Bộ hơi cứng và có tính cách giáo điều, ví dụ như khi nói về vô ngã thì nói: “Làm gì có người? Không có ta nên không có người (pudgala)”. Một thầy đang ngồi thì có một người đàn ông tới hỏi:
Dạ bạch thầy, thầy có thấy một người đàn bà đi ngang qua đây không?
Thầy nọ trả lời:
Tôi không thấy người đàn bà nào cả. Tôi chỉ thấy một mớ tập hợp của da, xương, thịt, móng tay, v.v…đi ngang qua đây thôi.
Trả lời như vậy thì có vẻ quá lý thuyết và giáo điều. Trong khi đó thì Bụt không giáo điều như vậy. Ngài dùng danh từ “tôi” và “thầy” rất rõ ràng: “Thầy A Nan, thầy có muốn đi lên đồi chơi với tôi không?” Trên bình diện chân lý tương đối, chúng ta thấy thánh và phàm khác nhau, Phật và chúng sinh khác nhau, thầy và trò khác nhau. Vì vậy sau đó có một bộ phái phản ứng lại, đó là bộ phái Pudgalavāda. Pudgalavāda chủ trương “có người” và trích ra những câu Bụt nói trong kinh. Trong kinh Anguttara Nikaya Bụt nói: “Này các vị Tỳ kheo, có một người mà sự xuất hiện trên đời này đem lại lợi lạc cho không biết bao nhiêu người khác. Người đó là ai? Người đó là một vị Bụt.” Những phái chủ trương “có người” có rất đông người theo như: Độc Tử Bộ (Vātsiputrῑya), Chánh Lượng Bộ xuất hiện từ Độc Tử Bộ (Sammitῑya).
Pudgalavāda chủ trương phải có người để tu học và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Pudgalavāda nói rất mạnh: Cho rằng không có ngã, không có người là một tà kiến, không phù hợp với thực tế. Nhìn bên ngoài, ta thấy giống như họ đi ngược lại với giáo lý vô ngã, nhưng thực ra đó là một phản ứng đối lại với thái độ cứng ngắt của Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ. Những người theo phái Pudgalavāda khá đông. Lúc thầy Huyền Trang từ Trung Quốc sang Ấn Độ du học vào thế kỷ thứ 7 đã có 60 ngàn thầy theo phái Pudgalavāda.
Một bộ phái khác cũng chống lại thái độ giáo điều cứng ngắt của Thượng Tọa Bộ là Kinh Lượng Bộ (Sautrāntika). Kinh Lượng Bộ không tin vào những bộ Abbidharma dày cộm mà chỉ chuyên trích dẫn kinh Bụt. Kinh Lượng Bộ, Chánh Lượng Bộ và Độc Tử Bộ cùng chĩa mũi dùi vào Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ để chống lại thái độ cứng ngắt và bảo thủ của hai bộ phái này.
Vào khoảng 100 năm trước Thiên chúa giáng sinh phong trào Đại Thừa xuất hiện và sản xuất ra những kinh dạy về giáo lý Không tức giáo lý vô hành, tại vì Thượng Tọa Bộ và Hữu Bộ chỉ chú trọng vào giáo lý vô ngã mà không chú trọng tới giáo lý thậm thâm vi diệu của Không. Phong trào Đại Thừa chủ trương: Ngã không mà pháp cũng không. Đó là phát súng thần công của Đại Thừa. Tất cả các kinh Bát Nhã xuất hiện vào thời đó chỉ dạy về một cái, đó là Không (Emptiness). Đại Thừa có vẻ nhu nhuyễn, mềm dẻo hơn nên sau mấy trăm năm đã chiếm được đa số.
Thấy như vậy, chúng ta biết rằng đạo Bụt chưa chấm dứt mà vẫn còn đang tiếp tục phát triển. Cái thấy của chúng ta về lịch sử của đạo Bụt rất cần thiết để chúng ta biết mình cần phải làm gì và không nên làm gì trong thời đại hiện nay. Giáo lý vềKhông 空 có thể là giáo lý tối hậu của Bụt. Ý niệm về Không diễn tả được chiều sâu của bản môn tức Niết bàn, tại vì bình diện của không sinh, không diệt, không có, không không, không tác, không hành được tóm tắt bằng chữ Không (true Emptiness, śūnyatā). Nhưng trong kinh cũng nói rất rõ Không không có nghĩa là không có gì hết, Không chỉ có nghĩa trống rỗng.
Tuệ giác của Bụt trong kinh Ca Chiên Diên là: Chánh kiến 正 見 là cái thấy vượt thoát hữu và vô. Nói vô ngã là cũng còn kẹt vào ý niệm vô, nói ngã không pháp hữu thì còn kẹt vào ý niệm có và không. Chữ Không giúp chúng ta thoát ra khỏi ý niệm có và không, tại vì ý niệm có và không không thể diễn tả được sự thật tuyệt đối. Các pháp không phải có cũng không phải không, các pháp là trung đạo. Chữ Không có nghĩa là không phải có cũng không phải không. Nhưng nếu ta hiểu chữ Khônglà abhāva thì rất kẹt. Có lẽ thầy Sariputra sợ người ta hiểu lầm chữ Không và cho rằng đạo Bụt chủ trương thuyết hư vô đoạn diệt nên thầy đã nhận mạnh về giáo lý vô ngã mà không chú trọng về giáo lý Không. Vì vậy phải đợi đến mấy trăm năm sau thì giáo lý Không mới được phát triển. Trong kinh có nói: Thà rằng bị kẹt vào ý niệm có còn hơn là bị kẹt vào ý niệm không. Giáo lý Không được đưa ra để giúp ta vượt thoát ý niệm có-không, nhưng nếu ta bị kẹt vào ý niệm không thì lúc đó ngay cả Bụt cũng không thể chữa được cho ta. Chữ Không là một phương tiện mà không phải là cứu cánh và không phải là một lý thuyết. Chúng ta học được một điều rất quan trọng: Dù là vô thường, vô ngã hay Không thì đó không phải là những chủ thuyết mà là những dụng cụ, là ngón tay để chỉ mặt trăng. Nếu kẹt vào ngón tay thì ta sẽ không thấy mặt trăng.
Bụt đã dùng hình ảnh của ngón tay: Giáo lý của ta là ngón tay. Dù là giáo lý vô thường, vô ngã, Tứ diệu đế hay Bát chánh đạo thì nó cũng chỉ là ngón tay mà thôi. Anh phải khôn khéo nhìn theo hướng của ngón tay để thấy mặt trăng, còn nếu đi tìm mặt trăng trong ngón tay thì anh sẽ thất bại.
Bụt cũng dùng một hình ảnh rất hay là hình ảnh của chiếc bè: Giáo lý của ta là chiếc bè giúp anh qua sông. Bờ bên kia không phải là chiếc bè. Qua được bờ bên kia rồi thì anh phải để chiếc bè xuống, đừng vác lên vai mà đi hoài.
Trong kinh Kim Cương có một câu rất rõ ràng: Pháp mà còn phải bỏ xuống huống hồ là không phải Pháp (Even the Dharma you have to put it down). Chúng ta phải hiểu tất cả giáo lý của đạo Bụt là những phương tiện, những dụng cụ ta sử dụng để đạt tới giải thoát. Giải thoát rồi thì ta phải bỏ nó đi. Vì vậy đạo Bụt có tinh thần phá chấp, hoàn toàn không giáo điều (dogmaticism) và không cuồng tín (fanaticism).
Đây là bài pháp thoại ngày 10.01.2013 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, chùa Cam Lộ, xóm Hạ, Làng Mai
trong khóa An Cư Kết Đông 2012-2013
Discussion about this post