NIỆM TĂNG
Quảng Tánh
Luôn quán niệm, nhớ nghĩ về ân đức Tam bảo, ba ngôi quý báu ở thế gian với tất cả lòng kính tin là một trong những điều kiện quan trọng để tiến tu trong Phật pháp. Với hầu hết mọi người con Phật, tin Phật là hiển nhiên, tin Pháp là đương nhiên nhưng tin Tăng thì khó hơn rất nhiều vì trong đó thánh phàm lẫn lộn. Tăng-già hiểu theo nghĩa Sangha, hội chúng đệ tử Phật xuất gia gồm bốn người trở lên, hòa hợp và thanh tịnh ngày càng trở nên khó tìm.
Tăng-già hiểu theo nghĩa tổ chức Giáo hội, Tăng đoàn lại càng khó để trọn niềm tin. Tăng-già là Thánh chúng (bốn đôi, tám bậc) thì cực kỳ hiếm hoi.
Thế nên, pháp Niệm Tăng hiện nay xem ra là pháp tu có nhiều điểm đáng bàn. Không niệm Tăng thì không thành tựu đức tin Tam bảo, mà niệm Tăng như lời Phật dạy dưới đây cũng chẳng dễ chút nào. Khi mà hội chúng xuất gia hiện nay hầu hết là phàm Tăng, chưa kể đến đội ngũ tạp Tăng, tìm mọi cách len lỏi vào Tăng đoàn với vô vàn lý do và mục đích khác nhau.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Tăng.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Thế nào là tu hành niệm Tăng sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo nghe lời Như Lai nói rồi sẽ thọ trì.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.
Các Tỳ-kheo đáp:
– Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
– Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già cột niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên cần niệm Tăng (chúng): Thánh chúng của Như Lai nghiệp lành thành tựu, chất trực thuận nghĩa, không có nghiệp tà, trên dưới hòa mục, pháp pháp thành tựu, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, độ tri kiến thành tựu. Thánh chúng là bốn đôi, tám bậc. Đó là thánh chúng của Như Lai, phải nên cung kính, thừa sự, lễ thuận. Vì sao thế? Vì họ là ruộng phước của đời. Ở trong chúng này đều đồng là pháp khí. Cũng vì tự độ mà độ người khác đến đạo Tam thừa. Nghiệp như thế gọi là Thánh chúng. Thế nên, các Tỳ-kheo, nếu có người niệm Tăng, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên tư duy, chẳng lìa niệm Tăng, liền sẽ được các công đức lành này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 3.Quảng diễn,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.47)
Nhìn vào hiện thực Tăng-già ở xứ ta hiện nay, hẳn thật khó để quán niệm về Thánh chúng với các phẩm chất “Nghiệp lành thành tựu, chất trực thuận nghĩa, không có nghiệp tà, trên dưới hòa mục, pháp pháp thành tựu, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, độ tri kiến thành tựu. Thánh chúng là bốn đôi, tám bậc”. Có thể thấy rõ điều này qua một số hình ảnh thể hiện sự phân hóa, bất hòa, cát cứ, phiền não, chạy vạy, rối rắm đậm chất thế tục mà ai cũng biết với sự kìm nén đau lòng, thương cho Phật pháp.
Tuy vậy, về cá nhân của từng vị Tăng (Ni) hay các hội chúng đang ẩn dật nơi các thiền viện, tu viện, tịnh viện thì các phẩm chất của Thánh chúng nơi họ vẫn còn. Nhìn ra thế giới vẫn còn nhiều các bậc thầy đúng nghĩa, những hội chúng thanh tịnh đang tu tập giới định tuệ và tận lực hoằng hóa. Có thể xem đây là chiếc phao hy vọng cho những người con Phật bám víu để quán niệm về chúng Tăng với các phẩm chất hòa hợp, thanh tịnh mà khởi lòng kính tin.
Discussion about this post