NHẤT THỪA
Nguyễn Thế Đăng
Trong ánh sáng lớn từ Đức Phật phóng ra, soi sáng hiện ra tất cả cõi và các chúng sanh “từ địa ngục A-tỳ, trên đến trời Hữu Đảnh”. Trong đó có người của ba thừa:
Nếu người bị khổ
Chán già bệnh chết
Phật nói Niết-bàn
Dứt hết các khổ.
Nếu người có phước
Từng cúng dường Phật
Chí cầu thắng pháp
Nói cho Duyên giác…
Tôi thấy cõi kia
Hằng sa Bồ-tát
Các thứ phương tiện
Mà cầu Phật đạo.
Có vị bố thí
Đủ thứ châu báu
Hồi hướng Phật đạo
Nguyện đắc thừa ấy.
(Phẩm Tựa, thứ 1).
Thừa ấy là Nhất thừa, và Nhất thừa là Phật thừa: “Xá-lợi-phất! Vì nhân duyên ấy nên phải biết các Phật nơi lực phương tiện, trong một Phật thừa phân biệt nói thành ba”. (Phẩm Thí dụ, thứ 3).
Trong cõi Phật mười phương
Chỉ có pháp nhất thừa
Không hai cũng không ba
Trừ Phật phương tiện nói
(Phẩm Phương tiện, thứ 2).
Ba thừa Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát đều nằm trong Một thừa, Một thừa ấy là Phật thừa. Một thừa Phật thừa ấy được biểu lộ bằng ánh sáng Phật soi chiếu trùm khắp tất cả các chúng sanh và các thừa:
Ta dùng tướng trang nghiêm
Ánh sáng chiếu thế gian
Bậc vô lượng chúng trọng
Nói ra thật tướng ấn.
(Phẩm Phương tiện, thứ 2).
Một thừa ấy chính là Phật tánh mà tất cả chúng sanh đều có và đều ở trong ấy, được biểu lộ bằng một ánh sáng của Phật trùm khắp các cõi và các chúng sanh. Một thừa hay ánh sáng của Phật tánh ấy chũng chính là “thật tướng ấn” mà Đức Phật đang nói ra cho tất cả chúng hội.
Một thừa này chính là một vị, một vị ấy chính là “thật tánh của các pháp”. (Phẩm Dược thảo dụ, thứ 5).
Phật bình đẳng nói
Như mưa một vị
Thảy thảy ngôn từ
Diễn nói một pháp.
Một pháp ấy là “thật tướng của tất cả các pháp: tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, gốc ngọn trước sau rốt ráo như vậy. (Phẩm Phương tiện, thứ 2).
Tất cả các pháp đều chỉ một vị, một vị ấy là “gốc ngọn trước sau rốt ráo như vậy”. Tất cả các pháp đều chỉ một vị, vị ấy là Phật tánh.
Người chưa thấu đạt cái một vị, một thừa, một Phật tánh này thường hay lầm lẫn cho rằng các pháp môn thì khác nhau và đạt đến các quả khác nhau. Các pháp môn là các phương tiện mà hình thức thì khác nhau nhưng nội dung chỉ có một vị, một thừa, một Phật tánh. Các pháp môn, tức là các cửa pháp, thì có nhiều cửa mà hình thức khác nhau, nhưng đều đưa vào một thừa, một vị, tức là Phật tánh.
Nền tảng của mọi pháp môn là một thừa, Phật thừa, gốc ngọn trước sau rốt ráo một vị Phật tánh. Các pháp môn, các con đường khởi từ nền tảng một vị Phật tánh ấy, và tiến hành chính trên nền tảng Phật tánh ấy. Các pháp môn không thể đi ra ngoài nền tảng Phật tánh, và kết quả của pháp môn, đích đến của con đường cũng nằm ngay trên nền tảng Phật tánh ấy. Như vậy, nền tảng Phật tánh có ngay từ lúc khởi đầu của con đường thực hành, có khi đang đi trên đường, và có ở lúc chấm dứt con đường. Nền tảng, con đường, và quả chỉ có một vị Phật tánh. Tất cả các pháp môn chỉ có một vị Phật tánh.
Ở phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16 và phẩm Như Lai thần lực thứ 2, kinh cho chúng ta biết nền tảng, một thừa, một vị, Phật thừa này chính là Như Lai. Như vậy, nền tảng là Như Lai, con đường là Như Lai, quả là Như Lai. Đây là một thừa duy nhất, một Phật thừa.
Tu Pháp Hoa, tu Phật thừa là tu trong Như Lai thọ lượng, tu trong quả Phật “đã thành từ lâu xa”, tu trong Như Lai thần lực không có cái gì ở ngoài thần lực biến hiện này. Như vậy, tu Phật thừa là tu Quả thừa vốn thành Phật từ lâu xa, thay vì tu Nhân thừa, tạo nhân để cuối cùng thành quả. Vì lý do này kinh Pháp Hoa được xưng tụng là một trong số vài kinh cao nhất của Đại thừa.
Phật đã thành tựu viên mãn từ lâu xa, nghĩa là thế giới này dầu có thay đổi biến hóa thế nào cũng luôn luôn có bản chất là Phật, là Như Lai tạng, là Phật tánh. Cho nên cái thấy không bị che chướng bởi phiền não và sở tri chướng do chính mình tự tạo thì thấy mọi sự “đều đã thành Phật đạo”:
Hoặc có dựng miếu đá
Chiên-đàn và trầm thủy
Gỗ mật cùng gỗ khác
Gạch ngói bùn đất thảy
Hoặc ở nơi đồng trống
Đắp đất thành miếu Phật
Nhẫn đến trẻ nhỏ chơi
Nhóm cát thành tháp Phật
Tất cả người như thế
Đều đã thành Phật đạo.
Vẽ hình làm tượng Phật
Trăm tướng phước trang nghiêm
Tự làm hoặc bảo người
Đều đã thành Phật đạo.
Nhẫn đến trẻ nhỏ chơi
Dùng cỏ cây và bút
Hoặc lấy móng tay mình
Mà vẽ thành tượng Phật
Tất cả người như thế
Dần dần chứa công đức
Đầy đủ tâm đại bi
Đều đã thành Phật đạo.
(Phẩm Phương tiện, thứ 2).
Tại sao chỉ một chút xúc chạm đến hình tướng của Phật đạo như thế mà đều đã thành Phật đạo? Vì tất cả chúng ta đều đang ở trong Phật đạo vốn đã viên thành. Đây là Nhất thừa và cũng là Phật thừa.
Trước những câu kệ được trích ra ở trên, có những câu kệ nói về Nhất thừa hay Phật thừa này:
Vô số kiếp quá khứ
Vô lượng Phật diệt độ
Trăm ngàn vạn ức Phật
Số nhiều không thể lường
Các Thế Tôn như thế
Thảy thảy duyên thí dụ
Vô số phương tiện lực
Nói thật tướng các pháp.
Các Đức Thế Tôn ấy
Đều nói pháp nhất thừa
Dạy vô lượng chúng sanh
Khiến vào trong Phật đạo.
(Phẩm Phương tiện, thứ 2).
Phật thừa hay Nhất thừa là tất cả mọi sanh khởi, mọi hiện tướng đều xuất hiện từ nền tảng Phật tánh hiện hữu trong nền tảng Phật tánh và do đó có bản chất là Phật tánh. Như một thế giới làm bằng vàng, tất cả sự vật trong đó đều bằng vàng, có sanh trụ dị diệt cũng đều là vàng.
Trong Quả thừa này, ngoài sự loại bỏ phiền não chướng và sở tri chướng che đậy để thế giới bằng vàng ấy càng lúc càng hiển lộ, thì sự tin vào thế giới ấy và sự tương ưng hợp nhất của tâm với thế giới ấy khiến hai chướng trên tự động rơi rụng.
Lục tổ Huệ Năng nói cụ thể về thế giới Quả thừa này:
“Nay ta dạy các ông biết tự tâm chúng sanh, thấy tự tâm Phật tánh. Muốn cầu thấy Phật thì chỉ cần biết chúng sanh. Chỉ vì chúng sanh mê Phật, chẳng phải Phật mê chúng sanh.
Tự tánh nếu ngộ, chúng sanh là Phật
Tự tánh mà mê, Phật là chúng sanh.
Tự tánh bình đẳng, chúng sanh là Phật
Tự tánh tà hiểm, Phật là chúng sanh.
Nếu tâm các ông cong quẹo hiểm hóc thì Phật ở trong chúng sanh, một niệm bằng thẳng tức là chúng sanh thành Phật. Tâm ta tự có Phật. Phật chính mình là chân Phật. Nếu tự thấy mình không có tâm Phật thì chỗ nào cầu chân Phật? Tự tâm các ông là Phật, chớ có hoài nghi…
Phiền não tức Bồ-đề, không hai không khác. Nếu lấy trí huệ chiếu phá phiền não, đó là kiến giải Nhị thừa, căn cơ xe nai xe dê. Người thượng trí đại căn chẳng phải như vậy.
Sáng và không sáng, người phàm thấy là hai, người trí thì rõ thông tánh chúng vốn không hai, tánh không hai tức là thật tánh. Thật tánh này nơi phàm phu chẳng giảm, nơi hiền thánh chẳng tăng, trụ phiền não mà chẳng loạn, ở thiền định mà chẳng lặng, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi, chẳng ở giữa hay chẳng ở ngoài, chẳng sanh chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ chẳng đổi, gọi đó là đạo”. (Phẩm Hộ pháp và Phó chúc, kinh Pháp Bảo đàn).
Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 253
Discussion about this post