NGHĨ VỀ CÂU CHUYỆN
“CON LỪA CHỞ TƯỢNG PHẬT”
Thích Trung Hữu
Tiến sĩ Ambedkar, nguyên bộ trưởng tư pháp và cũng là nhà Phật học Ấn Độ, cho rằng một tôn giáo chân chính không bao giờ khuyến khích sự nghèo. Quả thật, nghèo không bao giờ là điều tốt. Tuy nhiên, làm giàu phải đúng chánh pháp. Chỉ có những người làm giàu bằng tài năng và trí tuệ của mình thì mới nhận được sự kính trọng của mọi người.
Có lần tôi đi thăm khu du lịch Bà nà hill ở Đà Nẳng. Nghe nói khu du lịch này do tập đoàn Sun Group đầu tư. Nói thiệt, tôi từ trước tới giờ không thích những doanh nhân vì tôi có thành kiến doanh nhân là những người không thật thà. Họ làm giàu chủ yếu bằng… mánh khóe. Nhưng khi đến Bà nà rồi thì tôi phải thay đổi suy nghĩ của mình. Cách bày trí và kiến trúc ở đó quá đẹp mà không phải có tiền nhiều là làm được. Đằng sau đó phải là một trí tuệ lớn.
Người xưa thường nói, “thanh bần, trọc phú”. “Thanh” có nghĩa là nước trong, còn chữ “trọc” có nghĩa là nước đục. Thanh bần là để chỉ cho những người nghèo nhưng có cuộc sống lương thiện, thanh cao như các ông đồ, thầy giáo làng, thầy thuốc hồi xưa. Từ trọc phú là để chỉ cho những người giàu nhưng bất lương như các địa chủ hay tham quan hồi xưa. Họ cũng thường là những người dốt nát, thất học, tiến thân bằng con đường thượng đội hạ đạp. Sở dĩ có thành ngữ thanh bần, trọc phú là vì đó là hiện tượng phổ biến trong cuộc sống, rằng chỉ có làm những việc bất lương mới giàu được hoặc người giàu thì thường hay bất lương. Và chỉ có người nghèo mới có được cuộc sống lương thiện, thanh cao. Tuy nhiên, đó là hiện tượng phổ biến chứ không phải là tất cả. Trong cuộc sống ta vẫn thấy có những người giàu mà vẫn lương thiện, tử tế và những người nghèo làm những việc xấu xa như trộm cắp, gian tham. Cho nên không phải chỉ có thanh bần và trọc phú mà cũng có thanh phú và trọc bần.
Khi nói “thanh” là nói đến đời sống trong sạch mà cũng hàm ý kính trọng, còn nói đến “trọc” là nói đến đời sống dơ bẩn mà cũng hàm ý coi thường, khinh bỉ. Như vậy, thì cái mà người ta kính trọng là đời sống thanh liêm và trí tuệ, còn cái người ta khinh khi là sự gian tham, bất nhân, bất nghĩa, chứ không phải là do giàu hay nghèo. Một người giàu lên không phải bằng tài năng của mình mà bằng các phương tiện đê hèn thì chỉ nhận được sự khinh khi của cộng đồng mà thôi. Chỉ có những người làm giàu bằng trí tuệ thật sự của mình thì người ta mới kính trọng. Người ta trọng là trọng cái nhân cách, cái tài năng của người đó, chứ không phải trọng cái tài sản của họ. Cho nên nếu có ai đó được nhiều người kính trọng, khiếp sợ hoặc thương mến thì cũng phải coi là họ mến mình thật hay chỉ vì mình có quyền và tiền.
Tôi nhớ có một câu chuyện ngụ ngôn như vầy. Có một ngôi chùa trên núi nọ nuôi một con lừa để kéo cối xay gạo. Một hôm vị sư dắt con lừa xuống núi để chở một tượng Phật. Trên đường từ chợ về chùa, con lừa thấy rất nhiều người quỳ xuống lạy nó. Nó rất cao hứng nghĩ rằng không ngờ nó quan trọng và được mọi người kính trọng đến như vậy. Do đó mà sau khi về đến chùa, nó không chịu kéo cối xay nữa. Thấy thế vị sư phải thả nó đi. Nó tung tăng xuống núi. Đi tới đâu huênh hoang tới đó, nhưng lần này thì chẳng những không ai lạy nó mà còn lấy cây rượt nó đập tới tấp. Chúng ta coi chừng cũng như con lừa kia. Người ta lạy tượng Phật mà con lừa tưởng người ta lạy nó. Còn chúng ta thấy mọi người theo mình thì tưởng họ theo mình thật. Coi chừng là họ chỉ theo cái địa vị và tiền bạc của mình mà thôi. Coi chừng, “Còn bạc còn tiền còn đệ tử/ Hết cơm hết rượu hết ông tôi”.
Trong xã hội ngày nay, sự hiểu lầm này xãy ra rất nhiều. Nhiều quan chức khi còn tại vị thì hét ra lửa, nhưng khi mất chức rồi thì ngay cả anh gát cổng cũng không sợ. Còn trong đạo thì cũng vậy. Nhiều thầy, cô được ăn trên ngồi trước, được Phật tử lạy lụt dạ vâng thì tưởng họ kính trọng bản thân mình, nhưng thật ra là họ kính trọng chiếc áo ca sa mà mình đang mặc, nghĩa là họ kính trọng Tam Bảo thôi. Nếu không cần đến chiếc áo tu, hoặc không còn ở địa vị nữa mà họ vẫn kính trọng mình thì đó mới thật sự là họ kính trọng con người mình. Cho nên trong cuộc sống, chúng ta cần phải ý thức xây dựng cho mình một nhân cách thật sự, một trí tuệ thật sự, để cho dù có đi đâu, ở đâu mình cũng nhận được sự quý kính thật sự của mọi người.
Thích Trung Hữu
Discussion about this post