Hoạt động thiền định trở nên sống động thông qua một khả năng ngày càng tăng để làm nhẹ đi những vướng mắc quen thuộc của chúng ta vào những câu chuyện và những kế hoạch, những mâu thuẫn và những âu lo vốn tạo ra cái cảm giác nhỏ bé về cái ngã, và để nghỉ ngơi trong sự tỉnh giác. Trong hoạt động thiền định chúng ta thực hiện được điều đó chỉ bằng việc nhận biết những điều kiện đang thay đổi từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác – niềm hoan lạc và sự đau đớn, lời khen và tiếng chê, một chuỗi những ý niệm và sự kỳ vọng đang xuất hiện. Không để đồng hóa với chúng, ta có thể nghỉ ngơi trong tự thân sự tỉnh giác, vượt ngoài mọi điều kiện, và trải nghiệm được điều mà vị thầy Ajahn Chah của tôi gọi là sự thanh thản tự nhiên của con tim. Việc phát triển khả năng để nghỉ ngơi trong sự tỉnh giác ấy nuôi dưỡng định, khiến tâm trong sáng và ổn định, và nuôi dưỡng cả tuệ, khiến ta thấy được sự vật như thị.
Ta có thể tận dụng sự tỉnh giác này, hay sự chú tâm thiện xảo này, ngay từ lúc bắt đầu. Ngay khi ta ngồi xuống để thiền định, chiến lược tốt nhất là hãy chỉ ghi nhận bất kỳ trạng thái nào đang diễn ra ở tâm và thân của mình. Đề thiết lập nền tảng cho chánh niệm, Đức Phật giảng cho các đệ tử của Ngài “phải quan sát xem thân và tâm đang bị xao lãng hay có sự vững vàng, đang giận dữ hay bình thản, đang bị phấn khích hay lo âu, đang lao xao hay thả lỏng, đang bị trói buộc hay được tự do”. Trong lúc quán sát điều gì đang xảy ra như vậy, ta có thể hít vào một hơi thở sâu và thư giãn, tạo không gian cho cái tình thế mà ta vừa phát hiện.
Từ nền tảng của thái độ chấp nhận đó, ta có thể sử dụng năng lượng chuyển hóa của sự chú tâm theo một cách dễ dàng và uyển chuyển. Sự chú tâm thiện xảo – chính là chánh niệm – có thể hoạt động giống như một ống thấu kính điều chỉnh được tiêu cự. Thông thường, điều này rất có ích cho việc làm ổn định sự thực hành của ta với sự chú tâm ở vùng cận cảnh. Ở đây, ta đặt một sự chú tâm thật kỹ lưỡng và một sự tập trung thật gần vào hơi thở hay cảm giác của ta, hoặc đến một sự chuyển dịch chính xác trong cảm xúc hay tư tưởng của ta. Sau một lúc, lần lần ta có thể trở nên chăm chú đến mức chủ thể và đối tượng đều biến mất. Ta trở thành một với hơi thở, với một điểm thật nhỏ nơi bàn chân của mình, với nỗi buồn hay niềm vui. Trong trạng thái đó, ta cảm nhận được rằng mình tự sinh ra và tự mất đi cùng với từng hơi thở, từng trải nghiệm. Sự vướng mắc vào những cảm giác thông thường về tự ngã của ta biến mất; những bối rối và sợ hãi của ta rơi rụng. Tuệ giác đang bừng nở.
Nhưng đôi khi, trong lúc thiền định, sự tập trung quá gần vào sự chú tâm như vậy có thể tạo ra những căng thẳng và những cố gắng không cần thiết. Khi đó ta phải tìm một con đường phóng khoáng hơn nữa để có sự chú tâm. Chẳng hạn, khi ta đang đi bộ xuống phố một cách đầy chánh niệm, ta nhận ra rằng việc chỉ chú tâm vào hơi thở hay vào bàn chân mà thôi có thể không có ích thật sự. Ta sẽ quên mất tín hiệu giao thông, bỏ qua ánh sáng buổi ban mai hoặc gương mặt của những người qua đường. Vậy thì ta hãy điều chỉnh cái ống thấu kính của sự nhận biết đến một mức độ trung bình. Khi ta làm như vậy vào lúc ngồi xuống, thay vì chỉ chú tâm vào hơi thở không thôi, ta có thể cảm nhận được năng lượng của toàn bộ cơ thể. Khi đi bộ, ta có thể cảm nhận được nhịp điệu của toàn thể sự vận động của mình và hoàn cảnh của những nơi mà ta đang bước qua. Từ cái nhìn này, hầu như có thể nói rằng sự tỉnh giác “đang ngồi trên đôi vai ta” và nhận biết một cách kính cẩn từng hơi thở, từng cơn đau xuất phát từ đôi chân, một thoáng nghĩ về bữa cơm chiều, một cảm giác buồn buồn hay cánh cửa sổ mở toang của một cửa hàng ta vừa đi ngang. Ở đây, sự chú tâm thiện xảo có phẩm chất của một sự chứng kiến khoan dung, nhận biết mọi biến cố – cho dù buồn chán hay ghen tức, bình thản hay nhộn nhịp, được hay mất, hoan lạc hay đau đớn – với một cái gật đầu. Lần lần, ta được giải thoát khỏi cái ảo tưởng về việc “đến được một cảnh giới nào đó” và nghỉ ngơi trong hiện tại không có thời gian, làm chứng cho tất cả những gì đang diễn ra với một sự tỉnh giác thanh thản. Khi ta buông bỏ, tự do và tuệ giác nội tại của ta hiển hiện. Chẳng điều gì phải có, chẳng điều gì cần xảy ra. Ngài Ajahn Chah gọi trạng thái ấy là “nghỉ ngơi trong con người đang biết”.
Nhưng có lúc mức độ chú tâm trung bình ấy cũng không phục vụ tốt nhất cho sự thực hành của ta. Ta có thể phát hiện rằng mình đang bị giữ chặt trong cái gọng kìm của một lối suy nghĩ lặp đi lặp lại hay một tình thế đau đớn, hoặc bị chìm đắm trong một sự đau khổ cùng cực về tình cảm hay về thể chất. Có thể đang có những sự xáo động hay ồn ào quanh ta. Ta ngồi đó mà tim ta thắt lại, thân tâm ta chẳng được thư giãn cũng chẳng có bao dung, và ngay cả việc làm chứng cũng trở nên tẻ nhạt, bị cưỡng buộc, đầy cố gắng.
Trong hoàn cảnh đó, ta có thể mở rộng cái ống thấu kính của sự chú tâm của ta đến cái góc rộng nhất của nó và để mặc cho sự nhận biết của ta trở nên giống như khoảng không gian hay cả một bầu trời. Như Đức Phật vẫn dạy trong kinh Trung Bộ, “Hãy mở rộng tâm bao la như không gian, nơi những kinh nghiệm cả dễ chịu lẫn khó chịu đều có thể hiện ra rồi mất đi mà không hề cản ngại nhau, chống đối nhau hay làm hại nhau. Hãy nghỉ ngơi trong cái tâm rộng như không gian”.
Từ cái nhìn rộng lớn này, khi ta thiền tọa hay thiền hành, ta đều mở rộng sự chú tâm của ta như không gian, mặc cho những kinh nghiệm của ta trỗi lên không giới hạn, chẳng ở bên trong mà cũng không ở bên ngoài. Thay vì với sự định hướng thông thường thì ta có cảm giác là cái tâm nằm ở trong đầu ta, ta có thể buông bỏ và trải nghiệm sự tỉnh giác của tâm là phóng khoáng, rộng mở, không giới hạn. Ta cho phép sự nhận biết trải nghiệm ý thức không bị ràng buộc trong những điều kiện đặc biệt của cái nhìn, cái nghe, cái cảm giác; ý thức độc lập trước mọi điều kiện đang biến đổi – tình trạng không điều kiện. Ngài Jumnien, một vị trưởng lão của phái tu trong rừng, nói về hình thức thực hành này là Đại Minh sát tuệ, nghỉ ngơi trong tự thân sự nhận biết, không thời gian và không sinh khởi. Đối với người hành thiền, điều này chẳng phải là một việc lý tưởng và cũng không là một kinh nghiệm quá cao xa. Nó luôn trực tiếp có mặt, mãi mãi, tự do; nó trở thành chỗ nghỉ ngơi cho một con tim minh triết.
Hoàn toàn chú tâm, làm chứng một cách thoải mái, hoặc mở rộng một cách phóng khoáng – mức độ lăng kính nào trong số những điều đó là cách tốt nhất cho việc thực hành sự tỉnh giác? Có một cách thức tối ưu nào cho việc chú tâm hay không? Câu trả lời là “tất cả những điều ấy”. Sự tỉnh giác có một sự uyển chuyển không giới hạn; và điều quan trọng là đừng gắn bó với bất kỳ một giải pháp nào coi là tốt nhất. Do nhầm lẫn, có những trường phái cho rằng đánh mất tự ngã và tan vào trong hơi thở hay chăm chú vào một kinh nghiệm nào đó là hình thái tối ưu của sự chú tâm. Những trường phái khác lại tin tưởng một cách sai lạc rằng việc nghỉ ngơi trong cái góc nhìn rộng lớn nhất, cái ý thức phóng khoáng về không gian, là giáo pháp cao nhất. Vẫn có những người cho rằng nền tảng trung đạo – một sự nhận biết đầy thư giãn và tự do về bất kỳ điều gì hiện ra ở đây và bây giờ, “chẳng có gì đặc biệt” – là sự thành tựu cao nhất. Nhưng, trong bản chất thật của nó, sự tỉnh giác không thể bị giới hạn. Tự thân ý thức cùng lúc vừa lớn vừa nhỏ, vừa chung vừa riêng. Vào những thời điểm khác nhau, sự thực hành của ta sẽ đòi hỏi ta phải bao quát tất cả những viễn cảnh ấy.
Bất kỳ một hình thái tỉnh giác thực sự nào cũng hoàn toàn tự do. Mỗi khoảnh khắc mà ta giải thoát được khỏi sự trói buộc và sự gắn bó thì đều có tính vô ngã và tự do. Nhưng cũng cần nhớ rằng mọi sự thực hành về tỉnh giác đều có thể tạo ra một bóng mờ khi ta nhầm lẫn bám víu vào đó. Việc sử dụng sai lạc một khoảng không có thể dẫn ta đến chỗ ra ngoài không gian và đánh mất sự chú tâm. Việc sử dụng sai lạc sự chăm chú có thể dẫn ta đến chỗ phủ nhận và không cần biết đến những kinh nghiệm khác; và việc sử dụng sai lạc sự nhận biết thông thường có thể tạo ra một cảm giác sai lầm về “ngã” với tư cách làm chứng. Những bóng mờ ấy là những tấm màn tinh tế của việc bám víu vào sự thiền định. Phải xem chúng là gì và hãy buông bỏ chúng. Và hãy học cách làm việc với tất cả mọi lăng kính của sự tỉnh giác để phục vụ cho sự chú tâm thiện xảo của ta.
Càng có nhiều kinh nghiệm về năng lực của sự chú tâm thiện xảo, ta càng tin rằng nền tảng của tự thân sự tỉnh giác sẽ tăng trưởng. Ta sẽ học được cách thư giãn và cách buông bỏ. Trong bất kỳ khoảnh khắc nào của tình trạng bị trói buộc, sự tỉnh giác sẽ can thiệp, một sự có mặt không phán đoán hay chống cự. Hẹp hay rộng, gần hay xa, sự tỉnh giác soi sáng bản chất không thể nắm bắt được của vũ trụ này. Nó trả lại cho con tim và tâm thức cái đặc quyền của nó, tự do và tỏa sáng một cách tự nhiên.
Để mở rộng và đào sâu những hiểu biết về cách thực hành sự tỉnh giác như khoảng không, những hướng dẫn sau đây có thể có ích. Một trong những cách dễ tiếp cận nhất với sự tỉnh giác rộng mở là thông qua con đường của tai, việc lắng nghe mọi âm thanh của vũ trụ quanh ta. Vì dòng sông âm thanh đến và đi một cách tự nhiên, và vì hiển nhiên là chúng nằm ngoài sự kiểm soát của ta, việc lắng nghe mang lại cho tâm ta một trạng thái cân bằng tự nhiên của sự phóng khoáng và sự chú tâm. Tôi đã học được cách thực hành rất đặc biệt này, về việc dùng âm thanh như là cánh cổng đưa vào không gian, từ một vị đồng nghiệp là Joseph Goldstein từ hơn 25 năm qua; và từ ấy lúc nào tôi cũng dùng đến nó. Việc tỉnh giác đối với mỗi âm thanh trong không gian có thể là một phương pháp tuyệt hảo để bước vào thực hành vì nó bắt đầu một thời ngồi thiền với một phong vị của sự thư giãn tỉnh táo và sự buông bỏ phóng khoáng. Hoặc nó có thể được dùng đến sau một giai đoạn chú ý tập trung.
Bất kỳ khi nào bắt đầu, ta chỉ cần ngồi xuống một cách thoải mái tự nhiên. Hãy thả lỏng cơ thể rồi mặc cho hơi thở ra vào. Nhắm mắt lại. Hít sâu vào rồi thở ra nhẹ nhàng. Tự cho phép mình tịch lặng.
Rồi, hãy chuyển sự tỉnh giác ra khỏi hơi thở. Hãy bắt đầu lắng nghe sự xôn xao của những âm thanh quanh ta đang trỗi lên. Hãy nhận biết âm thanh nào ồn ào, âm thanh nào dịu nhẹ, âm thanh nào xa, âm thanh nào gần. Chỉ lắng nghe mà thôi. Hãy ghi nhận các âm thanh nổi lên rồi biến mất như thế nào mà chẳng để lại một dấu vết gì. Hãy lắng nghe một lúc trong trạng thái cởi mở và thư giãn.
Khi lắng nghe, hãy cho phép ta cảm nhận hay tưởng tượng rằng tâm của ta không chỉ bị giới hạn trong đầu mình. Cứ thư giãn trong sự phóng khoáng ấy và chỉ lắng nghe. Cứ mặc cho âm thanh đến rồi đi, dù xa hay gần, như những đám mây trong cái bầu trời mênh mông của sự nhận biết của chính mình. Sự xôn xao của những âm thanh ấy di chuyển khắp bầu trời, hiện ra rồi biến mất, không hề đối kháng.
Khi ta nghỉ ngơi trong sự tỉnh giác ấy, hãy ghi nhận những tư tưởng và những hình ảnh cũng xuất hiện rồi biến mất như những âm thanh. Hãy mặc cho những hình ảnh và tư tưởng đến rồi đi không chống cự, không đối kháng. Những hình ảnh, tư tưởng, ngôn từ, cảm xúc dù dễ chịu hay khó chịu đều được chuyển động không bị giới hạn trong khoảng không mênh mông của tâm ta. Những trở ngại, những khả năng, niềm vui, nỗi buồn đều đến và đi như những đám mây giữa bầu trời trong trẻo của tâm.
Sau một lúc, hãy để cho sự tỉnh giác khoáng đạt ấy ghi nhận về thân. Hãy bắt đầu quan tâm xem những cảm giác của hơi thở và của thân thể đang nổi trôi bềnh bồng và thay đổi trong cái bầu trời tỉnh giác ấy như thế nào. Hơi thở tự thân nó đang hô hấp, nó chuyển động như một cơn gió nhẹ. Thân thể chẳng còn chắc đặc nữa. Nó được cảm thấy như thể là một vùng cảm giác có chỗ rắn có chỗ mềm, có chỗ bị đè nén có chỗ thấy ngứa ngáy, có chỗ ấm có chỗ lạnh, tất cả đều bềnh bồng giữa khoảng không của sự tỉnh giác trong tâm.
Hãy để cho hơi thở chuyển động như một cơn gió nhẹ. Hãy nghỉ ngơi trong trạng thái phóng khoáng đó. Hãy mặc cho mọi cảm giác bềnh bồng thay đổi. Cho phép mọi hình ảnh và tư tưởng, cảm giác và âm thanh đến rồi đi như những đám mây giữa bầu trời trong trẻo của sự tỉnh giác.
Cuối cùng, hãy chú tâm vào chính sự tỉnh giác. Hãy ghi nhận xem không gian rộng mở của sự tỉnh giác ấy tự nhiên trở nên quang đãng trong suốt không có thời gian và không mâu thuẫn đến mức nào – cho phép tất cả mọi sự, nhưng đừng để bị hạn định bởi chúng.
Đức Phật nói, “Này! Cái Thiên tính cao quý kia, hãy nhớ hãy nhớ đến cái bầu trời rộng mở trong trẻo của bản chất thật của ngươi. Hãy trở về đó. Hãy tin vào đó. Đó chính là nhà”.
Nguyện cho niềm an lạc của những sự thực hành này đánh thức sự minh triết tự nội và làm khởi lên lòng từ của quý vị. Và nhờ sự an lạc trong tâm quý vị, nguyện cho thế giới này được thanh bình.
Nguồn: A Mind Like Sky: Wise Attention Open Awareness, Jack Kornfield, Shambhala Sun. | Văn Hóa Phật Giáo Số 199 & Thư Viện Hoa Sen. Jack Kornfield là Tiến sĩ về Tâm lý học Lâm sàng, đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về Phật giáo ở Miến Điện, Thái Lan và Ấn Độ. Ông là đồng sáng lập viên Insight Meditation Society tại Bare, Massachusetts và Spirit Rock Center tại Woodacre, California, Hoa Kỳ, cộng tác viên thường xuyên của Shambhala Sun.
Discussion about this post