MỘT HỌC GIẢ ĐẠI HÀN Ở BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG
Đức Đạt Lai Lạt Ma & Victor Chan| Tuệ Uyển chuyển ngữ
Một học giả nổi tiếng của Đại Hàn, mặc áo dài đen của Khổng Giáo với cổ cao, và tay dài rộng, ngồi xếp bằng trước Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Đó là đầu tháng Giêng 2002. Chúng tôi được ngồi trên những tấm tọa cụ bọc vải Tây Tạng trong khu vực riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma trên tầng thượng của một tu viện Tây Tạng, nơi tạm trú trong thời gian ngài ở Đạo Tràng Giác Ngộ. Tôi đang cảm thấy hơi cáu kỉnh. Đáng lẻ tôi phải có ít nhất hai buổi phỏng vấn với Đức Đạt Lai Lạt Ma ở đây, trước khi tôi cùng với ngài đến Linh Thứu. Nhưng học giả, Kim Yong-Oak, tốt nghiệp Harvard và điều khiển một tiết mục phổ biến trên TV Đại Hàn về Khổng Tử, đã xoay sở để có thêm một buổi yết kiến ngày hôm trước. Ông cho thấy rất cảm kích Đức Đạt Lai Lạt Ma vì ông đã được có thêm một buổi phỏng vấn vào ngày đó. Tôi đã có một buổi phỏng vấn hai ngày trước đây, và xem ra đó là tất cả những gì tôi có mà thôi.
“Đây có thể là một câu hỏi rất ngờ nghệch .. ” vị học giả nói một cách do dự khi ông bắt đầu buổi phỏng vấn với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông lấy chiếc mũ không vành ra, giống như một nón kết của thủy thủ Mỹ, cho thấy một cái đầu cạo nhẵn bóng. Tôi đoán ông khoảng vào độ mới năm mươi tuổi. “Trong suốt cuộc đời ngài,” vị học giả tiếp tục, những lời của ông như dính liền nhau, “ngài đã học hỏi rất nhiều và đã rèn luyện thân thể ngài rất nhiều. Và ngài có đủ loại kinh nghiệm. Ngài là một nhà tư tưởng lớn. Ngài có thể nói cho tôi nghe điều gì đó riêng tư về ngài, một kinh nghiệm Giác Ngộ nào đó?”
Tôi thật ngạc nhiên với câu hỏi. Điều đó là cá nhân và không thích đáng, đặc biệt chỉ mới lần gặp gở thứ hai. Tuy nhiên, tôi vẫn thích thú trong câu trả lời. Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ bày tỏ điều riêng tư sâu lắng gì đó với một người xa lạ thật sự này, để thảo luận về điều gì đó mà những đại sư tôn giáo hiếm khi nói đến? Ngài sẽ thuật lại kinh nghiệm của ngài về sự tỉnh giác tâm linh chứ?
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngả về phía sau, phát biểu trang nghiêm từ tốn.
“Thân thể này, bây giờ sáu mươi năm rồi. Nhưng trình độ tâm linh của tôi, tôi rất trẻ,” vị tu sĩ Tây Tạng nói. Ngài dừng lại để cười vang động vào lời nói đùa của chính ngài, toàn thân ngài rung lên. “Nhưng dĩ nhiên, khái niệm về vô thường, và tánh không, rất năng động. Rất hữu ích,” ngài nói, thâm trầm sâu lắng. “Đặc biệt khái niệm về tánh không.” Kim lấy vở ra và bắt đầu ghi chép cẩn thận.
“Theo Long Thọ, tánh không nghĩa là nhân duyên hay liên hệ hổ tương, liên kết hổ tương,” Đức Đạt Lai Lạt Ma nói khi ngài nghiêng mình về phía nhà học giả Đại Hàn. Long Thọ là một đạo sư vào thế kỷ thứ hai của Ấn Độ mà những giảng dạy của ngài cung cấp nền tảng cho Phật Giáo Tây Tạng.
“Tánh không không phải là không có gì,” Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục. ”Tánh không là trọn vẹn, không phải trống rỗng. Việc nhận ra tánh không, hiểu biết tánh không … Tôi nghĩ tôi có một sự thấu hiểu thông tuệ nào đó. Tánh không – bạn cũng có thể nghĩ về nó như sự liên hệ hổ tương – giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn của chúng ta. Tầm nhìn của chúng ta về thế giới, tầm nhìn của chúng ta về chính cuộc đời của chúng ta. Nó thật sự mở rộng. Thật rất hữu ích để phát triển khái niệm thiêng liêng này.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn qua bên Lhakdor, thông dịch viên của ngài và nói bằng tiếng Tây Tạng.
“Cà phê hay trà?” Lhakdor, ngồi trên sàn bên cạnh ngài, và hỏi vị học giả.
“Thứ nào cũng được. À … trà.”
“Có lẻ là cà phê,” Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc nhở một cách hữu ích.
“Vâng, cà phê …”
“Một người Đại Hàn, được Mỹ hóa bằng Harvard,” Đức Đạt Lai Lạt Ma đùa.
“Okay, trà,” vị học giả đáp lại. “Vâng, có lẻ tôi Mỹ quá. Nhưng mặc dù tôi tiếp nhận sự học vấn ở một nước ngoài, nhưng tôi được xem như một người truyền thống nhất ở Đại Hàn.”
“Như vậy là rất tốt. Rất tốt.” Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu.
“Đây chính là áo quần do tôi tự thiết kế,” Kim nói, vỗ vào chiếc áo dài đen đẹp của ông. “Nhưng thường thì tôi mặc áo quần truyền thống. Không bao giờ là đồ Tây.”
Kim mang theo cùng hai người chụp hình và một thư ký cho cuộc phỏng vấn. Một, người đàn ông trẻ đang chụp hình nhanh một cách lặng lẽ bên cạnh. Kim bây giờ quay sang và nói ngắn gọn với người chụp hình, người ấy bây giờ tiến ra phía sau Đức Đạt Lai Lạt Ma để có thể tập trung tốt hơn vào vị học giả.
Đức Đạt Lai Lạt Ma hào hứng tiếp tục với cuộc phỏng vấn. “Bây giờ, tánh không và từ bi,” ngài nói với người Đại Hàn, không chú ý gì đến ánh đèn chớp của máy chụp hình. “Dĩ nhiên, trước tiên nhất, chúng ta thông hiểu những ý tưởng này ở một trình độ hiểu biết. Cũng như những khía cạnh tích cực của từ bi và những tàn phá của vị kỷ. Sau đó, cuối cùng, có tác động trên cảm xúc của chúng ta. Cảm xúc của chúng ta thay đổi một cách chầm chậm. Đó là cung cách của Phật Giáo. Hãy sử dụng lý trí, hãy làm cho sự hiểu biết hữu dụng. Cho nên, liên hệ đến từ bi và thông hiểu tánh không, tôi có một ít kinh nghiệm. Kinh nghiệm đó chắc chắn mang đến lợi ích. Lợi ích lớn. Tôi hoàn toàn tin tưởng, bây giờ tôi có kinh nghiệm nho nhỏ này, nếu thực tập xa hơn, thì thậm chí những lợi ích lớn hơn sẽ đến với tôi. Điều đó là bảo đảm. Ông phát triển những phẩm chất này, thì ông sẽ có được hòa bình và hạnh phúc.”
“Thưa Đức Thánh Thiện, ngài có thể nói điều gì đó về tánh không chứ?” vị học giả hỏi. Tôi mừng rằng ông ta, cũng như Oprah và tôi gặp khó khăn với khái niệm tánh không.
”Có hai trình độ về thực tại,” Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích với người khách Đại Hàn. “Một trình độ của thực tại: ông thấy đây là một cái bàn.” Ngài đưa tay trái nhẹ nhàng qua phần dưới của cái bàn giữa hai người. Sau đó ngài chỉ cái ca sành nước nóng của ngài, ngài thích uống cả ngày như vậy. “Đây là nước.”
“Thực tại quy ước (thế đế),” người Đại Hàn nói.
“Bây giờ, làm thế nào để chứng minh sự hiện hữu của thực tại quy ước này?” Đức Đạt Lai Lạt Ma nói khi ngài di chuyển chiếc ca ngay trước mặt ngài. “Nước này hiện hữu. Tôi thấy, tôi cảm nhận … đây là nước.” Ngài chồm mình tới gần cái bàn hơn, đổ nước vào ca, nhúng mạnh một ngón tay vào đó vài lần để nhấn mạnh. Ngài lấy kính ra và khom mình tới cho đến khi khuôn mặt ngài chỉ cách chiếc ca vài phân. “Trong cái nhìn lần thứ hai, vẫn là nước.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi thẳng dậy, mang kính vào lại, và chỉ vào Lhakdor, ngồi trên thảm phía bên phải ngài. ”Hãy hỏi người nào khác, vâng, vẫn là nước. Sau đó chúng ta chấp nhận nó: điều này là thật.”
“Ngài nói về sự thật quy ước,” Kim Yong-Oak nói.
“Vâng, sự thật quy ước. Nhưng hãy nói là, đột nhiên, tôi thấy nước trái cây. Thay vì nước, tôi thấy chiếc ca này đầy nước trái cây – màu vàng.” Đức Đạt Lai Lạt Ma lại lấy kính ra lần nữa. Ngài dụi mắt với lưng bàn tay và khom mình tới chiếc ca một lần nữa. “Rồi thì tôi nhìn một cách cẩn thận: tất cả tôi thấy là nước. Cho nên, điều này chứng tỏ rằng nhận thức thứ nhất là sai – việc thấy màu vàng là một lỗi lầm. Khi tôi nhìn gần hơn, nước trái cây không có ở đó.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma mang mắt kính vào và chăm chú nhìn vị học giả trong một lúc để thấy có bất cứ điều gì đã thẩm thấu vào không. Ngài đang nói rằng nhận thức hàng ngày của chúng ta có thể là đáng nghi ngờ. Những sai sót vật lý, như điều kiện ánh sáng phức tạp, có thể làm chúng ta thấy mọi thứ không một cách không đúng đắn.
“Một thí dụ khác. Vì sự mù màu của tôi, cho nên tôi luôn luôn thấy mọi thứ màu đen.” Ngài chỉ chiếc ca và nói với nhà học giả, “Hôm nay, tôi thấy chiếc ca đen, và trưa nay cũng thấy chiếc ca đen. Nhưng rồi thì tôi không thể chắc. Tôi hỏi người nào đó: ‘Hãy nhìn kìa, cái này màu gì?’ Nếu người đó xác nhận cái này màu đen, thế thì nó được chứng thực một cách quy ước: cái này màu đen.”
Ngài chỉ Lhakdor và hai người chụp hình đi cùng với nhà học giả tới buổi yết kiến. “Nhưng nếu người thứ hai, người thứ ba, thứ tư nói, ‘Cái này màu vàng,’ thế thì mặc dù tôi luôn luôn thấy cái này như màu đen, thì có điều gì đó sai sót với đôi mắt tôi. Thật sự nó không màu đen. Chính là trong cách này mà tôi luôn luôn cố gắng để tìm kiếm sự thật, sự thật quy ước – qua sự thẩm tra dựa trên lý trí.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma đang giải thích điều gì đó thân yêu với trái tim ngài: một quan điểm khoa học, đơn giản, hợp lý về thế giới. Ngài không sử dụng những ý tưởng vô vị, nửa vời. Xét cho cùng, đây là một nhân vật đã học hỏi luận lý học trong hơn một thập niên vào lúc tuổi trẻ. Những gì ngài đang cố để giải thích là điều này: hầu hết chúng ta dính mắc ý tưởng và nghĩa lý với mọi thứ như một cách để thấu hiểu và diễn giải thế giới chúng ta. Nhưng kinh nghiệm của chúng ta ảnh hưởng vấn đề chúng ta thấy thế giới như thế nào. Để thấu hiểu mọi thứ mà không bị biến thể [bởi vọng tưởng], thì chúng ta cần thẩm tra chúng với sự nghiêm khắc của khoa học.
“Bây giờ hãy nhìn vào thực tại cứu kính (chân đế),” Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, chỉ vào ngón tay út vào chiếc ca của ngài. “Nó chính xác là gì?” Đức Đạt Lai Lạt Ma dựa rất gần với vị học giả Đại Hàn và nhìn chăm chú vào ông ta. “Chúng ta đang thấy màu sắc, hình thể. Nhưng nếu chúng ta lấy màu sắc, hình thể, vật chất đi thì chiếc ca là gì? Chiếc ca đâu? Chiếc ca này là sự kết hợp của những phần tử: nguyên tử, điện tử, vi lượng tử (quark). Nhưng mỗi phần tử không là ‘chiếc ca’. Cũng có thể nói giống như thế với bốn đại (đất, nước, gió, lửa), thế giới, mọi thứ. Đức Phật. Chúng ta không thể tìm ra Đức Phật. Cho nên đó là thực tại cứu kính [ chân lý tối hậu]. Nếu chúng ta không thỏa mãn với thực tại quy ước, nếu chúng ta thâm nhập sâu vào và cố gắng để tìm thứ thật sự, rốt cùng chúng ta sẽ không tìm ra nó.”
Vì vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma đang nói là, chiếc ca trống rỗng. Thuật ngữ ‘chiếc ca’ chỉ đơn thuần là một nhãn hiệu, điều gì đó chúng ta sử dụng để diễn tả thực tại hàng ngày. Nhưng mỗi chiếc ca hình thành sự hiện hữu do bởi một mạng lưới phức tạp của những nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên). Nó không tồn tại một cách độc lập. Nó không thể hình thành bởi tự nó, của chính ý muốn của nó.
Thí dụ, giả sử tôi quyết định làm một chiếc ca đen. Để làm việc này, tôi trộn đất sét đen và nước, nắn nó như tôi thích và để hổn hợp kết quả trong một máy nung. Đất sét cộng với nước biến thành một chiếc ca do bởi những hành động của tôi. Nhưng nó hiện hữu vô số cách khác nhau mà những nguyên tử và phân tử tương tác. Và về tôi thì sao, đấng tạo hóa của chiếc ca đen, tôi là gì? Nếu cha mẹ tôi chưa bao giờ gặp nhau, chiếc ca đen có thể không bao giờ hiện hữu.
Do thế, chiếc ca không hiện hữu một cách độc lập. Nó hình thành chỉ qua một mạng lưới phức tạp của những mối quan hệ. Trong ngôn ngữ của chính Đức Đạt Lai Lạt Ma, và đây là khái niệm then chốt trong thế giới quan của ngài, chiếc ca được “hình thành một cách lệ thuộc.” Sự hình thành chiếc ca do bởi nhiều nhân tố khác nhau, không phải dưới sự hoạt động của chính nó. Nó là trống rỗng. “Trống rỗng” là tóm tắt cho “sự trống rỗng bản chất, hay không có sự tồn tại cố hữu, hay vô tự tánh”. Hay nói cách khác, trống rỗng là một từ ngữ khác của sự liên hệ nhân duyên hổ tương.
Đôi mắt của Đức Đạt Lai Lạt Ma không rời khuôn mặt của vị học giả Đại Hàn. Tôi phải chú ý với cái nhìn chằm chằm mãnh liệt của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sự di chuyển lóng ngóng của người chụp hình chung quanh ngài và tiếng lách cách ồn ào của máy chụp hình không ảnh hưởng gì đến ngài.
Tại sao chúng ta quan tâm đến tánh không? Nó làm gì với đời sống thật sự của chúng ta? Đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, quan điểm là tất cả. Rất nhiều nổi bất hạnh, khổ đau của chúng ta được tạo ra bởi sự khác biệt đối kháng giữa những quan điểm của chúng ta và những gì thật sự. Thí dụ, tôi thấy chính tôi là một thực thể riêng biệt. Tôi khác biệt với em gái tôi, vợ tôi, kẻ thù tôi. Cho dù tôi thương những người này hay ghét họ, tôi tin rằng tôi tồn tại một cách độc lập với họ. Cả đời sống của tôi, không nghi ngờ gì trong tâm tư tôi có một sự phân biệt rõ ràng giữa chính tôi và những người khác. Ý tưởng vị kỷ, của mỗi người vì chính họ, có ý nghĩa với quan điểm này.
Tuy nhiên, nếu tôi chấp nhận quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma, thì tôi thấy rằng sự tồn tại của tôi lệ thuộc vào những chuỗi liên kết phức tạp vô hạn của những sự kiện, những con người, những nguyên nhân, và những điều kiện (vô số nhân duyên). Nếu bất cứ thứ nào trong đây khác biệt, thì tôi sẽ hiện hữu trong những cách khác nhau. Nếu cha mẹ tôi đã sinh ra ở Lhasa, tôi chắc chắn sẽ là một người Tạng hơn là một người Tàu. Nếu tôi không bị bắt cóc ở A Phú Hản năm 1972, thì tôi có thể đã không gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Từ nhận thức này, “tự thân” và “người khác” chỉ có nghĩa trong hình thức của những mối quan hệ. Đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, tinh túy, then chốt của thực tại, là mối quan hệ hổ tương nền tảng giữa người với người, và giữa con người với sự vật. Đây là việc ngài đã nhìn thế giới chung quanh ngài như thế nào. Trong hơn nửa thế kỷ, ngài đã tin tưởng, trong cối lõi sự hiện hữu của ngài, sự quan tâm “của ngài” và sự quan tâm “của ta” là liên kết không thể tách rời. Trong một cách rất hiển nhiên, chúng giao nhau. Và đó là tại sao ngài đã tận hiến trọn đời ngài cho sự cát tường của người khác. Ngài kêu gọi nó soi sáng cho sự vị kỷ. Ngài tin tưởng rằng nếu ngài có thể hổ trợ người khác, thì chính ngài sẽ lợi lạc trước nhất – ngài sẽ là một người hạnh phúc hơn như một kết quả. Ngài không có sự kêu gọi nào cao hơn điều này.
Cuộc phỏng vấn kết thúc. Trong khoảng một tiếng đồng hồ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kiên nhẫn giải thích cho Kim Yong-Oak vấn đề chính ngài được chuyển hóa trong những bước vở lòng, trải qua năm tháng, bằng việc sử dụng sự tiếp cận hợp lý đúng đắn với sự thực tập tâm linh của ngài. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của lý trí. Ngài dứt khoát rằng bất cứ người nào cũng có thể đạt được hạnh phúc chân thật bằng việc tập trung vào hai nền tảng căn bản của Phật Giáo: từ bi và tánh không. Nhưng vào lúc chấm dứt, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã không nói về những kinh nghiệm Giác Ngộ của chính ngài với vị học giả Đại Hàn.
Ẩn Tâm Lộ, Monday, December 07, 2015
Trích từ quyển The Wisdom of Forgiveness
Bài liên hệ:
Không Thù Ghét Người Trung Hoa
Tha thứ, tâm hồn sẽ tĩnh lặng
Ngọn lửa từ trung tâm
Người vị tha nhất
Kỷ thuật tích cực và hòa bình nội tại
Những Viên Kim Cương Trên Lưới Đế Thích
Nhân duyên hổ tương
Từ bi + tánh không = hạnh phúc
Một Học Giả Đại Hàn Ở Bồ Đề Đạo Tràng
Discussion about this post