Đi máy bay không phải là việc khó với người đã được tập đi máy bay từ bé như tôi, nhưng ở một độ cao nhất định nào đó thì thân thấy có sự thay đổi. Đó là cảm giác đau bụng. Tôi không nhận ra việc này nếu nó không được lặp đi lặp lại nhiều lần khi máy bay ở trên cao và chấm dứt khi xuống mặt đất. Một lần nữa cho thấy môi trường chung quanh là một duyên không thể thiếu trong việc tồn tại và thay đổi của thân này.
Khi thay đổi thời tiết mà thân sổ mũi, đau nhức, dị ứng v.v… là đã có thể thấy thân này lệ thuộc vào duyên chung quanh. Nhưng mình ít nhận ra việc này, vì ngoài việc thấy thân tứ đại là một khối tách biệt, có thể di chuyển trong những phần không gian khác nhau, thì ý niệm “duyên hợp” cũng chỉ được nhắc đến trong giới có học giáo lý. Tuy học đến thuộc lòng mấy từ duyên hợp, nhưng nhận ra được cái gọi là duyên hợp trong đời sống thường nhật của mình, có chăng chỉ là hình dung “Thân do tứ đại hợp thành”, “Thân này là duyên hợp của năm thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức” v.v… ít ai liên hệ được tính duyên khởi của thân này với môi trường quanh mình. Đó là do học hỏi thì có mà tâm thức vẫn chưa thoát được cái nhìn cũng như những suy nghĩ bị chi phối bởi nghiệp thức phàm phu, vẫn nhìn thế giới bằng cái nhìn hữu thể, không phải là cái nhìn duyên khởi. Vì thế đa phần đều tưởng thân này độc lập với môi trường bên ngoài.
Do thấy người này tách biệt với người kia, mỗi con người là một cá thể riêng biệt, thân này không dính với thân kia (dù cũng có vài người sinh ra trong tư thế dính nhau), song đa phần là những cá thể tách biệt, mà ta cảm tưởng các pháp riêng lẻ độc lập, ít nhất là ở mặt hình hài. Nhưng thật ra không có gì độc lập như mình tưởng. Có thể bạn sẽ nói “Do duyên hợp của năm thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại, nên nó là pháp Duyên khởi. Đã Duyên khởi thì không thể độc lập”. Ừ. Đúng như vậy. Đã duyên hợp thì không thể độc lập. Vì độc lập, là phải một mà đứng, không phải do năm hợp lại mà thành. Hình hài này tồn tại sinh hoạt được phải hội đủ năm thứ, không phải một, nên nó không thể độc lập dù ta thấy nó một mình. Song đây không bàn ở khía cạnh này, một khía cạnh mà người không am hiểu Phật pháp không biết chúng ta đang nói gì. Chúng ta bàn nó ở một khía cạnh phổ thông mang tính “khoa học” hơn. Người không biết về “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” vẫn có thể kiểm chứng được. Đó là khía cạnh con người với môi trường quanh mình.
Ta có thật độc lập với môi trường quanh mình? Không hề bị lệ thuộc vào môi trường đó, môi trường đó có thế nào, ta vẫn là ta, không có gì liên quan?
Thực tế là tất cả chúng sinh đều bị chi phối bởi môi trường quanh mình, không phải độc lập như mình tưởng. Việc dễ thấy nhất là con người tồn tại trong môi trường có điều kiện bình thường hiện tại và sẽ hoại trong biển lửa hay biển nước v.v… Khi không được hỗ trợ bởi những điều kiện giúp chống lửa và nước, con người mất sự sống. Việc đó chứng tỏ con người không phải là một cá thể mang tính độc lập như đa phần đã nghĩ. Chúng ta lệ thuộc vào môi trường quanh mình nhưng không ý thức hết điều đó. Chính vì không độc lập với môi trường quanh mình mà thời tiết thay đổi thì bệnh, môi trường chung quanh ô nhiễm, sinh bệnh v.v… Cuối cùng, tan thân mất mạng trong những môi trường có điều kiện không thích ứng với thân thể của mình.
Với môi trường sống, con người đã không phải là những thực thể độc lập. Vậy trong các lãnh vực khác thì thế nào? Có độc lập với xã hội, công việc, tiền bạc v.v… như mình vẫn thường nghĩ?
Xã hội, tiếng Anh là society, xuất hiện vào thế kỷ XIV, bắt nguồn từ tiếng Pháp là société, có nguồn gốc Latin là societas, chỉ cho sự giao thiệp thân thiện với người khác. Socius có nghĩa là “bầu bạn, kết giao, đồng chí hoặc đối tác”. Nói chung, xã hội có nghĩa gần gũi với những gì được coi là thuộc quan hệ giữa người và người1. Nó là một thuật ngữ thông dụng dùng để chỉ một tập hợp người có các mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội chặt chẽ với nhau2. Wikipedia định nghĩa xã hội là “một tập thể hay một nhóm những người được phân biệt với các nhóm người khác bằng các lợi ích, mối quan hệ đặc trưng, chia sẻ cùng một thể chế và có cùng văn hóa. Trong hoạt động xã hội, các chủ thể hành động tương tác với nhau để trao đổi vật chất, năng lượng thông tin, tạo ra những mối liên hệ và quan hệ xã hội, thông qua các mô hình khác nhau v.v…”. Với nghĩa bình thường, xã hội chỉ cho một nhóm người sống trong một cộng đồng có cùng lề lối, như xã hội Anh, xã hội Mỹ v.v… Với nghĩa trừu tượng, xã hội được coi là một mạng lưới của những mối quan hệ của các thực thể. Một xã hội thỉnh thoảng cũng được coi là một cộng đồng với các cá nhân trong cộng đồng đó phụ thuộc lẫn nhau. Với những định nghĩa như thế, đủ thấy con người không phải là một thực thể độc lập có thể tách lìa khỏi xã hội.
Thực tế thì con người khó mà sống độc lập với xã hội khi thân tâm chưa thể tự tồn tại độc lập mà nhu cầu của bản thân thì vẫn còn nhiều. Khi bạn phải ăn cơm hay uống nước mới sống được thì điều đó có nghĩa là bạn chưa thể tách mình khỏi xã hội này. Nếu có cũng chỉ trên hình thức, thực tế thì vẫn không thoát được mối quan hệ với xã hội. Đơn giản vì bạn không thể tự làm ra gạo để ăn và dù có thể làm ra gạo, ít nhiều bạn cũng phải lệ thuộc vào những điều kiện giúp bạn có khả năng làm ra gạo. Một mạng lưới nhân duyên được lập ra, kết nối người này với người kia thông qua nhiều hình thức khác nhau, hình thành nên một xã hội phù hợp với đặc tính của từng mô hình.
Cái gọi là độc lập về tiền bạc hay công việc cũng chỉ là hình thức tương đối để hiểu: Ở một phương diện nào đó, bạn có thể tiêu dùng đồng tiền mình làm ra, tự quyết định lấy công việc mình đang làm, không phải nó thực sự độc lập trên mọi phương diện với các mối quan hệ. Bởi tiền bạc hay công việc của mỗi người đều bị ảnh hưởng ít nhiều của nền tài chính, kinh tế, chính trị, văn hóa v.v… trong hiện tại, không phải chỉ trong nước mà cả ngoài nước.
Bất ổn về chính trị có thể là điều kiện khiến tiền bạc của bạn tăng hay giảm, công việc của bạn bị đình chỉ hay thuận lợi hơn. Như cuộc biểu tình xảy ra vào ngày 20-6-2018 vừa rồi khiến các cửa hàng ở khu vực Nguyễn Văn Trỗi không thể hoạt động, hành khách không vào được phi trường, thiệt hại mà các cửa hàng và các chuyến bay phải chịu không thể tránh khỏi. Bất ổn về tài chính cũng vậy. Năm 1988, Soros vận hành liên hoàn giữa mua và bán cổ phiếu Societe Generale, một ngân hàng lớn của Pháp, và kiếm được 2,2 triệu USD. Năm 1992, George Sorsos dự đoán đồng bảng Anh sẽ xuống giá và ông đã bán khống 10 tỷ bảng Anh, thu khoản lời lớn từ vụ đầu cơ này3. Rất nhiều thứ liên quan với nhau trong thế giới này, không trực tiếp thì gián tiếp.
Chúng ta nghĩ mình độc lập về tất cả mọi thứ, nhưng thực tế thì mọi thứ đều có mối liên quan, không có gì là độc lập. Nói độc lập, chỉ là một loại độc lập tương đối đặt nền tảng trên những mắc xích không độc lập. Cho nên, vấn đề đặt ra là nên vận dụng nhân duyên thế nào để không bị các duyên bên ngoài chi phối quá nhiều, khiến tính độc lập tương đối của mình bị mất. Không phải độc lập là mình có thể tự tại quyết định mọi thứ mà không bị ảnh hưởng của các duyên bên ngoài, cũng mặc kệ các duyên bên ngoài. Mọi thứ đều có nhân duyên. Hiểu như thế, chúng ta sẽ biết đặt mình vào vị trí người khác nhiều hơn, vì mọi thứ còn lệ thuộc vào duyên chung quanh. Cũng bớt đi cái nhìn thị phi phê phán và áp đặt, khi duyên của mình không phải là duyên của họ. Được vậy thì tam nghiệp bình yên, không náo loạn, gây nghiệp, rồi tạo tội.
Bởi tính độc lập của mỗi người đặt nền tảng trên những mắc xích vốn có liên quan mật thiết với nhau, có ảnh hưởng đến nhau, nên dù bạn là chủ một gia đình, được toàn quyền quyết định mọi chi tiêu trong gia đình, thì cái chi tiêu ấy cũng phải được tính toán sao cho phù hợp với gia đình. Được tự do ngôn luận, không có nghĩa là thích gì nói nấy, nói những thứ ảnh hưởng đến người khác. Tự do ngôn luận thì tự do ấy cũng có điều kiện của nó, được ràng buộc bởi những văn bản pháp luật. Con cá tự do dưới nước nhưng cho nó tự do trên đất, nó sẽ chết. Đó là lý do mọi thứ ở thế gian này nên có điều kiện đi kèm. Điều kiện đó chính là pháp giúp chúng ta giữ được vai trò độc lập tương đối của mình. Hiểu vậy, chúng ta sẽ không la ó khi xuất hiện những điều kiện giúp mình giữ gìn ba nghiệp tốt hơn. Ba nghiệp tốt là nhân duyên mang đến hạnh phúc cho mình. Điều kiện đó, trong xã hội là pháp luật, trong Phật giáo là giới luật, là Thập thiện.
Đây là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài. Mọi người bên đó đã cười về điều này khi biết điều kiện vật chất và tuổi tác của tôi. Du lịch được xem là nhu cầu của đa phần người đời, nhưng tôi lại chẳng thích đi đâu. Tôi chưa bao giờ có ý tưởng muốn đi du lịch, ngay cả Ấn Độ, nơi Phật xuất hiện. Cái gọi là du lịch mà tôi từng tham gia chỉ là hình thức mà nội dung là công việc hay đi dưỡng bệnh. Thực chất thì tôi chẳng muốn đi đâu mà cũng chưa bao giờ nghĩ mình có thể đặt chân đến một đất nước xa lạ thế này. Cái gọi là du lịch cũng chỉ là hình thức mà nội dung đích thực là qua thăm con cháu. Không có chúng chắc cũng không đi.
Nhưng không ngờ cái lạnh và sự yên tĩnh nơi xứ người lại là thứ quen thuộc với mình. Bước chân xuống phi trường, băng qua những vùng cỏ bát ngát… tôi như kẻ xa quê lâu ngày trở về nhà. Thấy thân thương và gần gũi! Những con đường vắng, những tán cây to, những ngôi nhà mang phong cách cổ điển, lặng lẽ trên những thảm cỏ xanh không một bóng người… Những thứ tôi không hề nghĩ nó sẽ có ở một đất nước văn minh. Cứ tưởng Calgary sẽ ồn náo nhộn nhịp như Sài Gòn, tấp nập kẻ ra, người vào. Nhưng không. Con gái ở một nơi rất yên bình. Một vài chiếc xe chạy qua. Rồi vắng. Một vài bóng người đi nốt đoạn đường thể dục của mình. Rồi không. Hàng rào là vật trang trí của ngôi nhà, không phải là thứ dùng bảo vệ sinh mạng hay của cải của con người. Sự yên bình không phải chỉ xuất phát từ khung cảnh chung quanh, còn là do chính ở cách sống của dân vùng này. Theo cái nhìn Phật giáo, chính do tâm địa của người ở đây mà có cảnh giới an bình này.
Ở đây, không ai đụng vào những gì không phải của mình. Chiếc ví bị bỏ quên sẽ vẫn nằm đó cho đến khi chủ nhân quay trở lại nhặt lên. Tôi nhìn thấy những món đồ chơi quăng lăn lóc trên những thảm cỏ xanh không có rào chắn. Một chiếc xe đạp thật xinh, dựng đó. Có lẽ chủ nhân không muốn phí sức đến trường với một đoạn đường quá dài. Nó nằm đó, chờ chuyến xe buýt chiều, về cùng chủ nhân. Để rồi tiếp tục chờ… cho đến hết năm học, không một ai đụng tới khi nó không phải là của mình.
Những cánh đồng cỏ, được gọi là công viên, mênh mông bát ngát. Công viên khá nhiều. Nhà tuy đã được vây quanh bằng những thảm cỏ xanh, nhưng công viên vẫn chi chít. Khu này có đến ba cái công viên, thênh thang cỏ xanh, chỉ có vài cây cổ thụ, một tảng đá trơ trọi, vài cây thông chơ vơ giữa nền trời xanh. Mặt trời lặng, thỏ sẽ tung tăng đuổi nhau trên đó. Chúng không phải sợ hãi. Vì con người không được đụng đến chúng. Họ chỉ quen dùng đồ đông lạnh. Pháp luật sẽ can thiệp tức thì nếu bạn đánh hoặc bắt chúng làm thịt. Tôi nhìn thấy những chú sóc con. Rồi chim và quạ trên đường mình đi qua.
Bạn có thể nằm dài trên nền cỏ xanh nhìn trời hay đi kinh hành. Không có người. Nếu có người, họ cũng không quan tâm bạn là ai. Tôi quan sát và thấy thiên hạ chỉ lo lui hui với những gì quanh họ. Không có thời gian cho người khác. Nói đúng hơn, đó là thói quen của người ở vùng đất này. Họ không nhìn người khác như mình đã nhìn họ. Đó là phép lịch sự tối thiểu của họ. Không quan sát người khác như mình.
Khi bạn qua đường, nếu không phải là đường lớn cần đi đúng ranh dành cho người đi bộ, thì mọi xe sẽ tự dừng để nhường đường cho bạn. Dù bạn qua ở khúc nào, đi chậm bao lâu, họ cũng sẽ đứng đó chờ, cho đến khi bạn bước hẳn vào lề. Đó là quyền của người đi bộ ở vùng đất này. Tôi đã thật bất ngờ khi thấy các xe đồng dừng lại ở ngã tư. Chỉ vì họ nghĩ tôi chuẩn bị qua đường. Nó đã trở thành luật ở vùng đất này. Họ vui vẻ nhường đường. Họ thấy hạnh phúc khi được nhường đường. Họ nhiệt tình khuyên mình cứ chậm rãi qua đường, không cần phải bước vội. Không ai thấy vội vã để phải chen chúc tranh giành. Với mình đó là đạo đức. Với họ đó là văn hóa, là thói quen từ bao đời, một thói quen cha truyền con nối, góp phần hình thành nên khung cảnh thanh bình của xã hội hiện nay. Không biết ai là người đầu tiên đã hình thành nên những loại văn hóa như thế cho xã hội này. Nó được người lớn chấp hành và truyền dạy cho con nít.
Mới qua một năm, nhưng con bé năm tuổi đã được học thuộc lòng những việc tương tợ. Nó phải biết thứ gì nên làm, thứ gì không nên làm… và cần tuân thủ ngay từ nhỏ để giữ gìn cuộc sống của chính nó. Nếu phạm luật vài lần, bạn sẽ rất khó có cơ hội tìm được những công việc tốt đẹp ở xã hội này. Sự nghiêm khắc có thể khiến bạn khó chịu khi chưa quen, nhưng nó lại chính là điều kiện giúp mang lại phước báu và hạnh phúc cho cuộc đời bạn sau này. Và, khi những gì bạn cho là khó khăn được huân tập thành thói quen, nó sẽ trở thành bình thường với bạn, như việc ăn cơm uống nước thường ngày, thiếu không được.
Một người bạn đã nói với tôi về công việc và ông giám đốc của bạn ấy. Nhân viên đã cảm thấy rất khó chịu về những khó khăn mà ông ta đã tạo ra cho họ: Đeo thẻ, đi đúng giờ, không được lướt Facebook trong giờ làm việc, ra đường không được đi ngược chiều, không được nhậu nhẹt tại công sở v.v.. Nếu được nhắc nhở mà vẫn tái phạm, sẽ bị giám đốc phê duyệt và lập tức bị trừ lương. Đồng tiền là Tiên là Phật, là sức bậc của lò xo… nên cơ quan trở nên kỷ luật. Đó không phải chỉ là việc tốt cho xã hội trong hiện tại mà còn tạo nên những con người có đạo đức trong tương lai. Bởi tất cả đều do thói quen. Khi bạn huân tập hoài một hành vi nào đó, nó sẽ trở thành hoạt động chủ đạo, hình thành nên nhân cách của bạn. Một nhân cách tốt sẽ tạo ra phước báu cho bạn trong tương lai. Có phước báu thì có sung túc, có như ý.
Không hề thấy chó thả rong. Nếu lỡ đánh một con chó, bạn phải nộp phạt 500 CAD và tên bạn được ghi vào sổ đen. Giết chó ăn thịt, với họ là một việc man rợ như giết người. Chó dẫn đi trên đường, lỡ phóng uế, sẽ được dọn sạch bằng những thứ họ đã chuẩn bị. Đương nhiên không có việc dọn chỗ này ném qua chỗ khác như dân nước mình.
Người ta nói với tôi cuộc sống ở đây chủ yếu là đời sống gia đình. Thú vui của họ là cùng gia đình tham gia các buổi sinh hoạt ngoài trời và đi shopping vào cuối tuần. Họ cũng uống rượu nhưng không phải để say. Một chút, để vui với bạn bè và gia đình. Tự mỗi người phải lo toan những sinh hoạt của mình để không làm phiền đến công việc, đến hàng xóm, từ tiếng động cho đến mọi sinh hoạt. Không có cảnh uống say rồi la hét, giết đánh.
Em trai tôi, một lần uống rượu, cậu chờ đến mấy tiếng sau mới lái xe về nhà. Nhưng cậu vẫn bị phát hiện và được nhắc nhở. Không có hối lộ và đe dọa, cũng chưa bị phạt tiền, nhưng cậu không nghĩ đến chuyện tái phạm. Nếu bạn tái phạm, ngoài việc bị phạt, vô-lăng xe của bạn sẽ được gắn một thiết bị, khi hơi thở của bạn có nồng độ rượu không cho phép lái xe, xe sẽ không hoạt động. Xử lý những thói quen không tốt có liên quan đến rượu chỉ đơn giản như thế.
Nhường đường và sắp hàng trở thành luật ở vùng đất này. Tôi luôn được nhường đường và chào hỏi khi gặp phải những người lạ trên những đoạn đường mình đi qua. Một lần, thấy bà cụ người Canada dẫn con berger thật to trên con đường đi bộ chỉ vừa hai người. Tôi nhường đường. Nhưng không, Bà không nhận điều đó. Nhất quyết kéo chó tắp lên cỏ chờ tôi đi qua. Không ai còn tâm tranh giành khi chung quanh chỉ toàn kẻ nhường nhịn. Lần nữa lại thấy cái dây duyên khởi âm thầm lan tỏa. Một hành vi tốt của người này kéo theo một hành vi tốt của kẻ khác, góp phần hình thành nên sự tốt đẹp của một xã hội.
Ở đây không ai rao giảng đạo lý, không hề thấy nói đến hai chữ Phật pháp, nhưng loại đạo đức tối thiểu đã được ứng dụng khá tốt trong đời sống thường nhật, thông qua luật và lệ. Dù không ý thức về đạo đức, thói quen chấp hành kỷ luật lâu dài đã khiến hình thành nên ý thức đạo đức trong mỗi con người. Nếu bạn làm khác đi, bạn sẽ trở nên lẻ loi ở vùng đất này. Sẽ thấy bất an. Vì đã đi ngược với những gì mình được huân tập từ khi còn rất bé.
Có một thứ tôi thấy khá thích thú ở đây, là những phiên chợ bán đồ cũ, hoặc những đồ cũ được mang ra đặt trước nhà kèm với dòng chữ Free. Là bạn được cho không các thứ ấy. Không phải người nghèo mới nhặt về. Là những người chung quanh khu phố, thấy cần họ sẽ lấy, không cần thì không lấy. Không như tình trạng bên mình. Dân buôn ve chai sẽ vét hết. Ở đây, không có tình trạng lượm của người rồi về bán lại. Ai cần thì lấy. Không cần thì không lấy. Người ta không lấy về kiếm lời từ những vật dụng đã được chủ nhân cho không. Nếu bán là do chủ nhân tự bán. Đó chính là các phiên chợ không thường xuyên. Có thể vài tháng mới có một lần. Có thể xảy ra hai tuần liên tiếp vào ngày thứ bảy, trong năm tiếng đồng hồ.
Ai có những đồ không muốn dùng nữa mà vẫn còn dùng được, sẽ tham gia phiên chợ. Một khu đất rộng của nhà nước, như Ủy ban nhân dân phường ở Việt Nam, được cho mượn để thực hiện. Tôi cũng dạo một vòng cho biết trong khí trời mát lạnh. Nếu không ai mua, chủ nhân cũng không muốn mang về nhà, họ để lại. Những ai cần dùng mà không muốn mất tiền sẽ mang xe tới lấy. Thứ gì cũng có. Từ vật dụng bếp núc, đến tủ lạnh, máy cắt cỏ cho đến tranh treo tường, thú nhồi bông v.v… Qua mấy ngày không ai lấy nữa, xe hốt đồ sẽ tới làm việc. Mọi thứ diễn ra trong êm đềm, chậm rãi. Không có bu bám, giành giựt hay xô xát.
Tôi nói thích vì khi dạo quanh chợ đồ cũ, tôi thấy hiện lên tâm mắc cỡ, e dè. Cái tôi giai cấp xuất hiện. Cũng có thể do trái với thói quen của mình. Trong khi, đó là việc rất bình thường ở vùng đất này. Cũng là một lệ hay. Giúp con người bình thường hóa những tư tưởng có liên quan đến giai cấp, danh dự giàu, nghèo v.v… những loại tư tưởng tạo nên những hố ngăn cách không đáng có. Cũng phá bớt cái nhân chứa ngầm sự ngạo mạn, coi ta hơn người.
Mọi thứ yên bình như thế giúp con người gầy tạo những nhân khá tốt cho con đường trời người tương lai, cũng rất tốt cho những kẻ tu hành cần sự yên tĩnh, nhưng cũng chướng ngại cho việc tu giải thoát và phát Bồ-đề tâm, nếu trước đó bạn chưa có ý nguyện tu giải thoát. Thân tâm đã an, dù chỉ là cái an tương đối, cũng khiến người ta thấy không cần thiết phải tu giải thoát hay hành Bồ-tát đạo nữa. Đó không phải là việc thích thú của những kẻ đang có đầy đủ ngũ dục. Trong kinh Đại thừa bản sinh tâm địa quán, phẩm Báo ân, các trưởng giả đã nói với Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, chúng con không thích hạnh Bồ-tát của Đại thừa. Cũng không hoan hỷ khi nghe hai từ khổ hạnh…”. Thời Phật còn vậy, huống là thời nay, nơi không có Phật pháp.
Có những việc khác cũng khá hay, nhưng cũng hiện lên mặt trái của nó. Âu cũng là việc thường tình ở thế giới này, thế giới duyên khởi. Thức ăn khá rẻ so với mức lương của một người bình thường và hàng hóa có những đợt giảm giá rất mạnh. Áo quần đẹp từ 45 đồng xuống còn 10 đồng. Kẹo 15 đồng xuống còn 5 đồng. Sữa chỉ có mấy đồng một bình, nhưng uống một tuần chưa hết. Đuổi theo việc giảm giá để mua được đồ rẻ thì chẳng còn ai bận tâm cho việc tĩnh tọa tu hành. Thức ăn rẻ nhưng thời gian không có, nên nấu một lần ăn mấy ngày, chẳng may ăn không hết thì mang đổ. Bởi chó không nuôi. Nếu nuôi thì có thức ăn của nó. Ăn chung với người, phân không khô, khó dọn. Chẳng may đau bụng nữa thì tiền bác sĩ lại tốn khẳm. Chung quanh lại chẳng có láng giềng nghèo để ăn giùm như ở Việt Nam. Thành ăn không kịp và mang đổ là phương án tốt nhất, không cách gì khác.
Tôi thích sự yên tĩnh vắng vẻ của vùng đất này, nhưng không phải ai cũng thích điều đó. Người ta nói buồn quá chịu không được. Có những phụ nữ lấy chồng rồi, bỏ về Việt Nam, vì đây không có ai để tán gẫu, cũng không có cải lương v.v… mà chồng thì đi làm suốt ngày. Những ai quen náo động cũng không chịu được sự yên vắng của vùng này. Họ kiếm chỗ đông người, gần phố chợ v.v… Tôi nói với cháu trai về việc Calgary cho người nước ngoài nhập cư. Vì họ thiếu dân. Nó trả lời “Giờ cho không con, con cũng không đi. Con nghe mợ kể là con không sống được rồi. Buồn quá làm sao sống. Đây về Cam Ranh thăm bố mẹ thôi, tụi con còn chịu không được, nói là qua cái xứ vừa lạnh vừa vắng người”. Kẻ quen động thì tĩnh và vắng không phải là chỗ họ ưa thích.
Cho nên, vãng sinh cảnh giới Di Đà, điều tiên quyết là tâm mình phải ở tình trạng nhất tâm bất loạn. Phải niệm Phật được nhất tâm bất loạn thì mình mới có khả năng tương ưng với cảnh giới ấy. Nhất tâm bất loạn vào phút ta từ bỏ thân này. Không nhất tâm bất loạn, có về được cảnh giới ấy, mình cũng không ở được. Như kẻ động chẳng thể chịu nỗi cảnh tĩnh vắng, cũng sẽ từ bỏ mà đi.
Muốn niệm Phật được nhất tâm bất loạn thì phải chán cái thế giới Sa-bà này. Vướng nhiều vào thế giới Sa-bà mà nói chết vãng sinh Cực-lạc thì khó. Chết muốn vãng sinh Cực-lạc và tin mình sẽ vãng sinh Cực-lạc mà chỗ nào nghe ăn ngon liền tìm đến, được đi tham quan hay du lịch là sướng rêm, niệm Phật lại làm biếng thì nguyện dù tha thiết, sẽ như cô vợ kia, được bảo lãnh sang đến nơi, cũng chẳng ở nổi cảnh yên bình. Mới thấy, vì sao muốn vãng sinh Cực-lạc phải hội đủ tín-nguyện-hạnh, thiếu một chẳng thể được.
Đó là những gì tôi nhận được qua chuyến đi trong cái duyên của mình, một người không tham gia vào mảng công việc xã hội, nơi có thể có những cuộc cạnh tranh đấu đá nhiều hơn. Nhưng những gì tôi gặp cũng đủ làm nền tảng đạo đức gầy dựng nên một xã hội tốt đẹp ở vùng đất này. Vấn đề là những loại xã hội như thế, ngày càng được phát triển mở rộng hay sẽ bị thu hẹp dần do tham dục con người ngày một tăng cao và đạo đức con người ngày mỗi suy đồi.
(2) https://www.tailieuontap.com/2013/01/xa-hoi-la-gi-mo-hinh-cac-loai-mo-hinh.html.
(3) https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/nhung-nha-dau-co-vi-dai-trong-lich-su-2713704.html.
Discussion about this post