MẠN ĐÀM VỀ TÔN GIÁO
Nguyễn Xuân Chiến
Người viết rất phân vân giữa 2 từ ngữ “phiếm đàm” và “mạn đàm”, và người viết cũng tra hỏi từ điển đủ loại. Cuối cùng được trả lời như sau:
Mạn đàm: Trao đổi ý kiến một cách nhẹ nhàng và thoải mái về một vấn đề.
Phiếm đàm: trò chuyện không đâu vào đâu, không thiết thực. Phiếm đàm cũng có ý nghĩa như Phiếm Luận. (chữ PHIẾM nghĩa là trò chuyện, chơi đùa hoặc là chung chung, không thiết thực, không đâu vào đâu, ngồi chuyện phiếm với nhau, nói phiếm)
Vậy, trong bài viết này, chúng ta nên sử dụng từ ngữ “Mạn đàm”, với ý nghĩa: trao đổi nhẹ nhàng và thoải mái về vấn đề tôn giáo! Một vấn đề xưa như trái đất nhưng vẫn hắc búa và gây khó khăn cho những người hiểu biết hoặc ngay cả người lẩm cẩm, điếc lác!
Tôn giáo là gì?
Theo chúng tôi, trên quả đất này có bao nhiều người thì sẽ có bấy nhiêu định nghĩa về tôn giáo. Tạm thời, chúng tôi đề nghị một định nghĩa chung chung như sau (các bạn có thể phủ nhận!):
Tôn giáo hay đạo – xét trên một cách thức nào đó, đó là một phương cách để giúp con người sống và tồn tại với sức mạnh siêu nhiên từ đó làm lợi ích cho vạn vật và con người, đôi khi đồng nghĩa với tín ngưỡng, thường được định nghĩa là niềm tin vào… (tự điển Wikipedia)
1.- NHỮNG PHÁT BIỂU SAI LẦM CỦA ZIGMUND FREUD, ÔNG TỔ PHÂN TÂM HỌC!
Zigmund Freud, ông tổ của phân tâm học hiện đại đã nhận định trật chìa về tôn giáo như sau:
Tôn giáo trên thế giới đã hoàn thành 3 chức năng:
Một: tôn giáo đáp ứng tính tò mò của con người, giải thích nguồn gốc và sự phát triển của thế giới, đem lại những thứ mà khoa học cố gáng thực hiện bằng những phương tiện của mình, cạnh tảnh với khoa học trên bình diện này.
Hai: tôn giáo làm giảm bớt nỗi sợ hãi của con người trước những mối nguy hiểm và trớ trêu của số phận, gieo rắc niềm tin vào một viễn cảnh tốt đẹp, xoa dịu nỗi bất hạnh của con người, và tôn giáo thực hiện chức năng này phần lớn nhờ ảnh hưởng của chính nó và khoa học ở đây không thể cạnh tranh với tôn giáo nổi.
Ba: tôn giáo đem lại những quy định, đặt ra những cấm đoán và những hạn chế. Chức năng này làm cho tôn giáo xa rời nhiều nhất với khoa học.
Và, cuối cùng khi nói về tương lai của tôn giáo, Zigmund Freud dự báo rằng:
Trong tương lai, nhân loại sẽ từ bỏ tôn giáo và điều này tất yếu sẽ diễn ra không thể ngăn chận được! Do ảnh hưởng của nguyên tắc duy lý, con người sẽ chia tay với tôn giáo, với những ảo tưởng tôn giáo để tiến tới “cảm giác thực tại”.
(Trích Tôn giáo Lý luận Xưa và Nay, Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh 2005, trang 240-241)
Bạn thấy đó: Dự báo này hoàn toàn trật chìa! Vì sao?
Càng văn minh, tiến bộ vật chất, con người lại càng cần đến Tôn giáo như là chỗ trú ẩn. Điều này là đúng hay sai, tốt hay xấu, sẽ được… hậu xét, nhưng nhân loại chưa bao giờ có thể từ bỏ Tôn giáo được!
Các bạn cứ chờ xem?
2.- TÔN GIÁO LÀ KINH NGHIỆM VỀ LINH THỂ
Nhưng, tiếc thay những dự báo của ông tổ Phân tâm học đã không đúng với thực tế nhân loại. Bởi vì càng ngày con người càng thấy cần thiết đến tôn giáo hơn – mặc dù những tiến bộ lớn lao của khoa học con người vẫn thấy trong chính nội tâm mình, những ray rứt siêu hình mà họ không thể khỏa lấp được qua những tiện nghi vật chất mà nền công nghiệp hiện đại mang lại.
Theo quan điểm của tác giả Thích Minh Châu, trong cuốn “Trước sự nô lệ của Con người”, thì:
“ … tất cả mọi tôn giáo từ tôn giáo sơ khai ấu trĩ cho đến tôn giáo mới mẻ tiến bộ nhất, tất cả mọi tôn giáo đều là những “hiển linh, “những những sự hiển bày ra của những thực tại thiêng liêng” (les manifestations des réalites sacrées).
…
Kinh nghiệm thiêng liêng là kinh nghiệm về linh thể (le sacré), đó là kinh nghiệm tôn giáo. Con người tôn giáo là con người có kinh nghiệm hiểu biết nào đó về linh thể, vì linh thể xuất hiện như một cái gì khác hẳn tục thể. Kinh nghiệm hiển bày của linh thể này được gọi là “sự hiển linh”, sự hiển linh có nghĩa là “sự linh thiêng hiển hiện giữa thế gian”.
Linh thể không thuộc vào một tôn giáo nào cả, mỗi một tôn giáo chỉ là một cách nhìn sự hiển bày của linh thể. Con người phi tôn giáo tuy phủ nhận linh thể cũng là con người bị lệ thuộc vào một giá trị linh thiêng nào đó, nếu giá trị linh thiêng ấy không ở trên trời thì cũng ở dưới đất, không ở dưới đất thì cũng ở trong lòng người, không có ở trong lòng người thì cũng ở trong ý thức hoặc trong vô thức con người. Chối bỏ hết mọi linh thiêng thì cũng đương nhiên nhận rằng, sự chối bỏ ấy cũng là hành động linh thiêng.
Theo chúng tôi biết, thì tác giả Thích Minh Châu đã dành trọn đời cho việc hành trì và tu chứng. Không những thế, Tác giả là con người dám sống chết cho niềm tin và chánh kiến của mình, bởi vì tôn giáo không phải là nghiên cứu, học hỏi, mà cần phải “trả giá bằng những máu xương” để đổi lấy sự giải thoát cuối cùng cho cá nhân, đồng thời làm hiển lộ linh thể!
(Thích Minh Châu, Trước sự nô lệ của Con người, ĐH Vạn Hạnh Saigon xb 1969)
3.- TINH THẦN TÔN GIÁO ĐÍCH THỰC
“Mỗi người đều có quyền tìm kiếm và thừa nhận một tôn giáo nào đó thích hợp với cuộc sống của mình. Nhưng, tôn giáo của bạn có thể không phải là tôn giáo của tôi, nhưng tôi kính trọng sự lựa chọn của bạn, và chấp nhận niềm tin của cá nhân bạn. “
Đây là tinh thần tôn giáo đích thực.
……
Nhà văn Hồ Anh Thái kể trong tạp chí Tia Sáng:
Một phái đoàn trí thức Việt Nam sang Mỹ tham dự hội nghị khoa học. Trong phần kê khai nhân thân, nghề nghiệp, tôn giáo… của mình, tất cả các nhà trí thức Việt Namđều khai rõ: “Không tôn giáo”. Một người Mỹ hỏi:
– Bạn không có tôn giáo vậy thì bạn tin tưởng điều gì?
Các nhà trí thức Việt Nam đều trả lời:
– Chúng tôi chỉ tin khoa học mà thôi!
Tức thì, nhà trí thức Mỹ nọ liền cười vui:
– Thì khoa học cũng là một tôn giáo vậy!
……
Khi bạn sùng bái một hệ thống tư tưởng nào đó, khi bạn tỏ ra tin tưởng một học thuyết nào đó, khi bạn tôn thờ một thứ tiện nghi nào đó, thì bạn đã là con người của tôn giáo rồi, cho dẫu bạn bày tỏ sự sùng bái của mình bằng hình thức này hoặc phương cách khác.
Tôn giáo không phải là vấn đề gì mới mẻ, nhưng nó cũng không phải là “chuyện nghe qua rồi bỏ”. Cho dẫu bạn là một người không cần đến tôn giáo đi nữa, thì bạn vẫn xác nhận rằng, ngay cả thời đại hạch tâm vi tính công nghiệp hiện đại bây giờ thì tôn giáo vẫn còn là nhu cầu thiết yếu của nhân loại.
4.- ĐỐI VỚI NHÀ SỬ HỌC WILL DURANT
Nhà sử học danh tiếng Wil Durant, sau 40 năm nghiên cứu về lịch sử nhân loại, đã viết trong cuốn Bài Học Lịch Sử (Nguyễn Hiến Lê dịch và xb tại Saigon, 1973) như sau:
Dù có óc hoài nghi đi nữa, thì sử gia cũng phải tập kính ngưỡng tôn giáo, vì dưới gầm trời nào, ở thời đại nào, sử gia cũng thấy tôn giáo đã làm tròn nhiệm vụ của nó và bề ngoài nó có vẻ như cần thiết cho nhân loại. Nó đem lại cho những người khốn khổ, số phận hẩm hiu và người già một niềm an ủi siêu nhiên mà hằng triệu người thích hơn bất kỳ sự cứu trợ tự nhiên nào.
Mời các bạn đọc thêm phần TÔN GIÁO, trích trong Bài học lịch sử, của W. Durant, ở dưới đây:
Nếu bạn chỉ học khoa học thôi thì bạn sẽ khó hiểu được tôn giáo, trừ phi bạn nghĩ như Voltaire rằng sự điều hòa trong vũ trụ tỏ rằng có một thứ trí năng nguyên thủy tối cao nào đó. Chúng ta chỉ là những phần tử nhỏ li ti trong vũ trụ bao la tới nỗi không ai có thể hiểu nổi nó, mà giải quyết dứt khoát vấn đề ấy lại càng khó hơn nữa. Pascal phải rùng mình khi nghĩ tới sự nhỏ bé của con người bơ vơ giữa sự mênh mông của vũ trụ và sự phức tạp của các thành phần trong vũ trụ. Ông viết: “Sự im lặng bất tuyệt của những khoảng vô biên ấy làm cho tôi hoảng”. Chúng ta hãy nghĩ kĩ đi, trước khi đưa những thuyết tầm thường quá đỗi ra để tổng hợp vũ trụ vô cùng đa dạng, tế nhị và mênh mông kia.
Tôn giáo giúp đỡ cha mẹ và các nhà giáo dục dạy dỗ thanh niên vào khuôn vào phép. Nó làm cho những cuộc đời hèn mọn nhất có ý nghĩa, một phẩm cách, nó làm cho những giao ước của loài người có tính cách thiêng liêng như giao ước với Thượng đế, nhờ vậy mà xã hội ổn định. Napoléon bảo chính tôn giáo đã ngăn kẻ nghèo giết kẻ giàu, vì do sự bất bình đẳng giữa loài người mà đa số chúng ta phải nghèo túng, thất bại, và chỉ có mỗi một cách để khỏi tuyệt vọng là nuôi một niềm hy vọng siêu nhiên, mất niềm hy vọng này thì sự tranh đấu giữa các giai cấp sẽ trở thành chiến tranh.
5.- TÔN GIÁO NÀO LÀ TUYỆT VỜI NHẤT
SATHYA Sai Baba, một đạo sư Ấn-độ hiện đại kể:
Thuở xưa, có một ông vua hiền đức, cai trị công bằng, dân chúng trong nước sống thanh bình. Một hôm, dưới sự đề nghị của cận thần tả hữu, vua triệu tập tất cả trưởng lão tôn túc của các tôn giáo trong nước. Khi tất cả đầy đủ, vua nói:
-Thưa các vị giáo chủ, hôm nay ta mời chư vị tới đây bàn luận vì ta muốn chọn một Tôn giáo để suy tôn lên làm quốc giáo. Ta đặt niềm tin và sự minh triết nơi các vị, xin các vị hội thảo cùng nhau để tìm kiếm cho trẫm một Tôn giáo nào hay nhất, đáng được hưởng ân phúc của hoàng gia. Tôn giáo nào cũng được miễn sao cho mọi người đều đồng ý, kính phục và không có ai bắt bẻ hoặc chối cãi.
Trải qua nhiều năm mà vua vẫn chưa biết được đáp án cụ thể, bởi vì ai cũng cho Tôn giáo của mình là hay nhất, siêu việt nhất, có hiệu quả nhất, nhưng những người khác thì không chấp nhận. Cứ thế mà tranh luận giằng co từ năm này sang năm khác. Vấn đề “Tôn giáo nào hay nhất?” vẫn còn là một đáp án bỏ ngỏ.
Rồi một hôm, có một hiền giả du phương ghé thăm, khi nghe chuyện nhà vua đang tìm kiếm một Tôn giáo hay nhất mà chưa ra, bèn xin yết kiến nhà vua:
– Tâu bệ hạ, tôi có thể chỉ cho bệ hạ một Tôn giáo hay nhất mà không có ai có thể bắt bẻ, hay chối cãi được!
Vua nghe qua, rất đỗi vui mừng, vì hy vọng của mình sắp được toại nguyện sau bao năm trông đợi.
Thật vậy sao? Xin hiền giả hãy nói cho ta nghe ngay lập tức, ta đã chờ giờ phút này quá lâu rồi!
Xin bệ hạ kiên nhẫn một chút! Tôi sẽ tiết lộ cho bệ hạ tên của tôn giáo này ở một nơi thật yên tĩnh vắng vẻ, đúng trưa mai xin hẹn bệ hạ ở bờ sông Hằng, chúng ta sẽ vượt sông qua bờ kia và ở đó, tôi sẽ nói cho bệ hạ biết Tôn giáo nào là hay nhất!
Hôm sau, đúng y hẹn, vua và nhà hiền giả gặp nhau tại bờ sông Hằng. Vua ra lệnh một chiếc thuyền chở hai người qua bờ bên kia. Khi chiếc thuyền đến gần, vua sửa soạn bước lên, thì vị hiền giả chận lại, nói rằng ông ta muốn khám xét lại chiếc thuyền xem có an toàn, chắc chắn và bảo đảm không?
-Chiếc thuyền này không xài được, vì có một miếng ván bị nứt ở dưới đáy, có thể gây ra nguy hiểm cho chúng ta!
Vua lại gọi thuyền khác đến. Sau khi khám xét, vị hiền giả phat hiện ra bên hông thuyền hơi lỏng vì thiếu đinh. Nhà vau lại gọi một chiếc khác đến. Sau khi kiểm tả cẩn thận, hiền giả lại từ chối bởi vì nước sơn của thuyền đã bị tróc.
Cứ như thế, vua gọi hết thuyền này đến thuyền khác, chiếc nào thì vị hiền giả cũng moi ra được khuyết điểm. Cuối cùng, nhà vua không thể nào nhịn nổi:
-Thưa hiền giả! Từ sáng tới giờ, ta đã gọi biết bao nhiêu chiếc thuyền, chiếc nào cũng bị ngài từ chối. Xin hỏi ngài, thuyền bị tróc sơn một chút hoặc thiếu vài ba chiếc đinh thì đã có sao? Nó vẫn có thể đưa mình qua sông được mà? Sao ngài lại để ý đến những khuyết điểm nhỏ nhặt như vậy?
Lúc bấy giờ, vị hiền giả nhìn vua mỉm cười:
Bệ hạ đã tự mình nhận thấy rằng, dù cho có vài ba khuyết điểm nhưng tất cả những chiếc thuyền kia đều có thể đưa mình qua sông. Cũng thế, tất cả Tôn giáo trong quốc gia đều giống như những chiếc thuyền kia. Tôn giáo nào cũng có thể đưa con người thể nhập vào Chân Lý Tối Thượng. Đi tìm khuyết điểm của các Tôn giáo khác nhau, là một điều vô ích, thiếu sáng suốt. Bệ hạ hãy chăm lo việc triều chính, tiếp tục lấy đức trị dân và hãy cư xử bình đẳng, kính trọng các Tôn giáo, xem tôn giáo nào cũng tốt đẹp như tôn giáo của mình vậy!
Nghe xong, nhà vua liền phục xuống chân vị hiền giả đảnh lễ. Và khi ngẩng đầu lên, vua cảm thấy mình hạnh phúc thực sự vì thấm nhuần minh triết của cuộc sống.
Trích tác phẩm ĐẠO GÌ? “Hồi ký tu học”,
Thích Trí Siêu. Xb tại Pháp.
6.- TÔN GIÁO LÀ THỰC HIỆN TÂM LINH
Đây là nguyên tắc thứ nhất: giác ngộ là tôn giáo và người giác ngộ là người đạo đạt. Bạn sẽ thấy nhiều người trên thế gian này nói: “Tôi muốn trở thành người có đạo đức, tôi muốn thực hiện những điều này nhưng tôi không thể làm được, vì thế tôi không tin tưởng gì nữa hết”. Cho đến trong giới trí thức bạn cũng sẽ thấy có những người này. Rất đông người sẽ nói với bạn: “Tôi đã cố gắng theo tôn giáo cả đời tôi, nhưng trong đó không có gì hết”.
Thí như có người kia là một nhà hoá học, một vĩ nhân về khoa học. Bạn nói với y: “Tôi không tin hoá học chút nào hết, vì tôi cả đời đã cố gắng trở thành một nhà hoá học và tôi đã thất bại”.
Y sẽ hỏi bạn : “Bạn cố gắng hồi nào ?”.
“Khi tôi đi ngủ thì tôi lặp đi lặp lại: Hỡi hoá học, hãy đến với tôi và nó không bao giớ đến hết”. Nhà hoá học sẽ cười bạn và nói: “Ồ ! Đó đâu phải là đường lối. Tại sao bạn không đến phòng thí nghiệm và sử dụng tất cả toan loại (acid) và kiềm loại (alcali) và thỉnh thoảng làm phỏng tay bạn một lần thử coi?”.
Bạn đã chịu khó như thế đối với tôn giáo chưa? Mỗi khoa học đều có một phương pháp học riêng của nó và tôn giáo cũng phải được học theo lối đó.
Tôi lại nhớ đên một chuyện xưa. Thuở ấy có vài mụ phù thuỷ quen thói giết người và làm điều ác; nhưng không ai có thể giết họ được, cho đến lúc có người tìm ra rằng hồn của họ ở trong một loài chim và bao giờ những con chim này còn được an toàn thì không có gì có thể huỷ hoại những mụ phù thuỷ.Mỗi người chúng ta có thể nói là cũng có một con chim như thế, ở trong đó có linh hồn của mình – có một lí tưởng, một sứ mạng để hoàn thành trong đời sống. Mỗi một con người là một hiện thân của một lí tưởng, một sứ mạng như thế. Bạn có thể mất tất cả, nhưng bao giờ lý tưởng đó không mất và sứ mạng đó không suy tổn thì không có cái gì có thể giết bạn.
Giàu sang có thể đến và đi, khốn khổ có thể chồng chất cao như núi, nhưng nếu bạn cố giữ lý tưởng còn nguyên vẹn thì không gì có thể giết bạn. Bạn có thể già đi, có thể già đến trăm tuổi đi nữa, nhưng nếu sứ mạng đó vẫn còn tươi trẻ trong tâm bạn, thì thứ gì có thể giết bạn được? Nhưng khi lý tưởng đã mất và sứ mạng đã bị hư tổn thì không có thứ gì có thể cứu bạn được. Tất cả phú quý, tất cả quyền lực của thế gian sẽ không cứu bạn được.
(VIVEKANANDA, WHAT RELIGION IS,
Vương Gia Hớn dịch)
7.- ĐỨC PHẬT VÀ MỤC ĐỒNG
Chuyện cổ tích dân gian ở Ấn độ. Có một chàng mục đồng nghĩa là thằng chăn bò hay chăn trâu, hoặc có thể là chăn ngựa, chăn dê, chăn cừu… Qua bao nhiêu năm tháng, có thể là mười năm hoặc hai, ba mươi năm – thằng chăn bò ấy may mắn thành điền chủ một trang trại nhỏ và người ta gọi là chàng mục đồng. Vẫn chăm sóc bầy bò nhưng bây giờ ta đã trở thành chủ nhân rồi.
Hôm nọ, chàng mục đồng gặp đức Phật lúc hoàng hôn, trời bỗng đổ mưa và hai người đều núp tạm bên trong một căn lều hoang nào đó. Và sau đây là cuộc nói chuyện giữa đức Phật và mục đồng, được ghi trong kinh tạng NIKAYA:
Mục đồng: Bữa cơm chiều đã dọn sẵn, tôi đã vắt sữa bầy cừu xong xuôi. Cửa lều đã cài then chắc chắn, ngọn lửa đang reo tí tách trong bếp củi. Và trời muốn mưa đến bao giờ cũng được!
Đức Phật: Ta không cần tới lương thực hoặc bữa ăn chiều. Gió là chốn nương náu của Ta, ngọn lửa tham vọng đã tắt. Và trời muốn mưa đến bao giờ cũng được!
Mục đồng: Tôi có bò đực và bò cái. Tôi có những cánh đồng cỏ ngút ngàn do cha ông để lại. Tôi có con bò mộng để phủ bò cái. Và trời muốn mưa đến bao giờ cũng được!
Đức Phật: Ta không có bò đực lẫn bò cái. Ta không có đồng cỏ. Ta chẳng có gì. Và trời muốn mưa đến bao giờ cũng được!
Mục đồng: Tôi có cô nàng chăn bò ngoan ngoãn thủy chung. Hàng bao năm nay, cô ta là vợ tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc sung sướng khi nô đùa cùng nàng vào ban đêm. Và trời muốn mưa đến bao giờ cũng được!
Đức Phật: Ta có một Tâm linh tự do và ngoan ngoãn. Bao năm nay Ta đã rèn luyện và dạy dỗ nó vui đùa cùng Ta. Và trời muốn mưa đến bao giờ cũng được!
(Zorba, The Greek, của Nikos Kazantzaki
Alexis Zorba, bản dịch của Nguyễn Hữu Hiệu)
AI CŨNG CÓ MỘT “CON BÒ”!
Một hôm Đức Phật và các thầy tỳ kheo cùng ngồi dưới một gốc cây bồ đề, lúc Đức Phật và các thầy đang thiền thì có một người Bà-la-môn nọ chạy đến với tâm trạng rất lo âu, sợ hãi. Người này nói với Đức Phật rằng:
– Này Sa Môn Cù Đàm, nãy giờ ngài ngồi thiền với các vị đệ tử ở đây có thấy con bò nào chạy ngang không?
Đức Phật mới nói rằng:
– “Nãy giờ ta ngồi thiền với các thầy ở đây không thấy con bò nào chạy ngang cả!”.
Người Bà-la-môn nghe Đức Phật nói như vậy mới bỏ đi và tiếp tục tìm con bò của mình. Đức Phật quay sang các thầy bên cạnh hỏi rằng:
– Này các thầy, tại sao người đàn ông kia lại lo âu và sợ hãi như vậy?
Các thầy tỷ kheo trả lời: “Vì người đàn ông này vừa mới bị mất một con bò”. Đức Phật lại hỏi tiếp: “Vậy các thầy có một con bò nào để mất không?”. Các thầy trả lời:
– Thưa Đức Thế Tôn, chúng con không có con bò nào để mất cả!
– Đúng rồi, vì các thầy chẳng có con bò nào để mất cả, nên các thầy mới có thể ngồi an nhiên tự tại và hạnh phúc dưới gốc cây bồ đề này!
Những thứ của cải vật chất xung quanh mình đều là những “con bò” cả, và nếu mình không có tâm thái tự tại của một người học Phật, thì những “con bò” đó luôn làm mình phải lo âu sợ hãi. Vì mình có thì mình sợ mất, mất rồi thì đau khổ vô cùng!
Tâm thái không sợ mất mát thứ gì là một điều tuyệt vời của người học Phật. Đó cũng chính là mình học được cách sống chánh niệm.
(trích kinh tạng NIKAYA)
8.- QUAN NIỆM CỦA ĐẠI SƯ VIVEKANANDAVỀ TÔN GIÁO
Những người thực tế nói với chúng ta:
“Đừng bận rộn tâm trí với những phi lý như là tôn giáo và huyền học. Hãy sống nơi đây, đây là một thế giới đầy xấu xa tệ hại, quả thật như thế, nhưng ta hãy làm cách nào cho nó có lợi ích nhất cho ta”.
Nói một cách thẳng thắn, như thế có nghĩa là: Hãy sống một cuộc đời giả hình, dối trá, một cuộc đời lừa gạt liên tiếp, hãy ráng che lấp đau khổ bằng đường lối nào hay nhất, hãy tiếp tục lấp miếng vá này lên miếng vá khác cho đến khi nào mọi sự đều tan mất và cuộc đời bạn chỉ còn là một khối vải vá. Đó là thứ được gọi là đời sống thực tế. Những người nào thỏa mãn với miếng vải vá đó sẽ không bao giờ đi đến tôn giáo.
Tôn giáo bắt đầu từ một bất mãn kinh khủng đối với tình trạng sự vật hiện nay, đối với đời sống chúng ta và một nỗi chán mứa, một chán mứa mãnh liệt đối với sự lấp vá này của đời sống, mà một căm ghét vô hạn đối với gạt gẫm và dối trá. Người nào dám nói như đức Phật một lần kia đã nói dưới gốc bồ-đề khi ý tưởng về thực tế xuất hiện trứớc mặt ngài và ngài đã thấy nó là phi lý nhưng vẫn chưa tìm ra lối thoát. Khi ngài bị cám dỗ từ bỏ sự tìm kiếm Chân lý của ngài và trở lại trần gian hầu sống một cuộc đời giả dối như xưa, gọi sự vật bằng những tên không đúng, tự dối người và dối mình thì ngài, bậc giác ngộ đã chế ngự nó và nói: “Chết còn tốt hơn là sống một đời sống ngu muội qua ngày, chết ở chiến trường còn tốt hơn là sống một cuộc đời thất bại”. Đây là nền tảng của tôn giáo.
Vậy thì, những người nào dám tranh đấu vì chiến thắng, vì chân lý, vì tôn giáo, đã đi đúng con đường, con đường mà các bậc hiền minh Ấn-độ đã cất tiếng nói:
“Đừng tuyệt vọng, con đường thật là khó khăn, như là đi trên lưỡi dao cạo vậy. Nhưng đừng tuyệt vọng, hãy đứng lên, hãy tỉnh thức và tìm cho được lý tưởng, mục đích”.
Rồi việc gì lại xảy ra? Cảnh tượng bắt đầu thay đổi. Bạn vừa bắt gặp tiếng nói đó và hiểu nó là gì, thì toàn thể cuộc đời bạn biến đổi. Cũng cái thế giới vừa mới là bãi chiến trường khủng khiếp của bức màn ảo hóa, Maya, (người Ấn độ gọi bức màn ảo hóa ấy là Maya!) thì nay đã biến thành một thứ gì tốt lành và đẹp đẽ. Chúng ta không còn nguyền rủa thiên nhiên hoặc nói rằng thế giới này quá gớm ghiếc và mọi sự đều vô ích, chúng ta không cần khóc than thêm nữa. Vừa hiểu được tiếng nói ấy, là chúng ta thấy lý do tại sao phải có cuộc tranh đấu này, nơi đây. Cho nên trọn cả đời sống con người và toàn thể tạo vật đều đang tranh đấu để đi đến tự do tâm linh.
Đến lúc đó, chúng ta sẽ biết là chúng ta tự do tâm linh. Và lúc đó, chỉ lúc đó thôi, tất cả khó khăn sẽ tiêu tan, tất cả khổn hoặc của tâm hồn sẽ được san bằng, tất cả cong quẹo sẽ được uốn nắn lại ngay thẳng và ảo vọng của thiên nhiên phồn tạp sẽ tan biến. Lúc đó thì bức màn ảo vọng thay vì là một cơn ác mộng ghê gớm và tuyệt vọng như bây giờ sẽ biến thành tốt đẹp và quả đất này thay vì là một nhà tù, sẽ trở thành một nơi giải trí thú vị của chúng ta. Cho đến những nguy hiểm và khó khăn, cho đến tất cả đau khổ cũng sẽ được tâm linh hóa và sẽ bày tỏ cho chúng ta biết bản tính chân thật của chúng, sẽ chỉ cho chúng ta thấy rằng, bên sau mọi vật và như là bản thể của mọi vật, Thượng đế (như là Chân lý) đang hiện hữu và Ngài chính là Chân Ngã duy nhất.
…
Quan niệm của tôi là: Tất cả tôn giáo đều là những lực lượng khác nhau trong nền kinh tế của Thượng đế. Tôi tin rằng, các tôn giáo không mâu thuẩn nhau mà chúng bổ túc cho nhau. Mỗi tôn giáo dường như thâu nhận một phần của chân lý vĩ đại phổ biến và dùng toàn lực của nó để thể hiện và biểu tượng phần chân lý này.
What is religion, Vivekananda,
Vương Gia Hớn dịch, An Tiêm xuất bản, Saigon 1970)
9.- TÔN GIÁO LÀ RUNG ĐỘNG TỐI CAO
Một nhạc sỹ tài danh đệ nhất trong nước, được nhà vua triệu thỉnh về triều đình để trình diễn cho tất cả bá quan văn võ cùng thưởng thức. Và nhạc sỹ chấp thuận với điều kiện :
– Tôi sẽ trình tấu những giai điệu tuyệt vời nhất, nhũng âm thanh mầu nhiệm nhất, những ca khúc trữ tình, lãng mạn nhất, nếu tất cả thính chúng đều phải im lặng lắng nghe, không một ai được phép động đậy thân thể. Trong khi tôi dốc lòng mang cả tài nghệ và tâm hồn để cống hiến cho quý vị, thì tất cả quý vị phải đứng trơ như phỗng đá vậy, không một kẻ nào, bất kỳ là nhà vua, hoàng hậu, quý công nương … cho tới quân lính bậc thấp nhất, đều buộc phải im lìm, không được lay chuyển thân mình, không được đong đưa cái đầu, cái lỗ tai hoặc cử động bất cứ chi thể nào … Đây là điều kiện duy nhất của tôi, nếu không, thì tôi không thể trình tấu hết buổi diễn…
Điều kiện khó khăn như vậy, nhưng nhà vua và tất cả mọi người đều tỏ ra mến mộ bậc danh thủ âm nhạc, và háo hức gặp mặt và khát khao tham dự buổi trình tấu của bậc tài hoa này, cho nên nhà vua đành chấp nhận đề nghị kỳ cục ấy, mặc dù biết rằng điều kiện này vô cùng khó khăn để thực hiện.
Nhà vua truyền chỉ :
-Tất cả nghe lệnh ta: Khi nhạc sỹ trình tấu, thì tất cả mọi người đều phải đứng im lìm như pho tượng vậy, không một ai được phép lắc lư thân mình, không một ai được phép chuyển động cơ thể – nếu ai không tuân lệnh, thì trẫm chém đầu và nên nhớ rằng, trẫm sẽ không bao giờ dung tha cho bất cứ ai vi phạm luật chơi này …
Nói là làm, nhà vua bày binh bố trận vô cùng cẩn mật: lính tráng của lực lượng Kiêu Kỵ Doanh đứng khắp bên ngoài tử cấm thành, và Ngự Lâm Quân tuốt gươm dáo sáng ngời khắp bên trong cung điện, nơi sẽ xảy ra cụộc trình diễn độc nhất vô nhị này.
Nhiều người tỏ ra khó chịu vì luật lệ quá ư khắc nghiệt, nhưng tất cả thính giả đều hào hứng, sôi nổi, vì mọi người đã từng nghe đồn rằng, âm nhạc của nhà nhạc sỹ tài hoa này dường như là loại âm nhạc của cõi trời Càn-thát-bà với những làn điệu kiệt xuất nhất từ trước tới nay, và ngay cả những bậc thầy cũng sẵn sàng ngả nón khâm phục, đến nỗi danh tiếng của y đồn khắp nhiều tiểu vùng của đế quốc Kosala.
Thế rồi, mọi sự đã chuẩn bị xong.
Nhạc sỹ đến trong tiếng vỗ tay vang dội.
Và nhạc sỹ bắt đầu chơi đàn veecna, một loại nhạc cụ độc đáo của Ấn-độ ngày xưa.
Trong khoảng nửa giờ đầu tiên, không một người nào động đậy thân mình, ai nấy đều ngồi lặng yên như đang tham thiền nhập định vậy. Tất cả đều bất động. Tất cả đều cố gắng không nhúc nhích bất kỳ chi thể nào. Ngồi yên thin thít và lắng nghe. Im lìm để thưởng thức âm nhạc tuyệt vời của thiên tài số 1 của đất nước.
Khi nhà nhạc sỹ trứ danh này bắt đầu đi sâu vào những cung bậc siêu vời hơn, những làn điệu vi vút hơn … thì đã xuất hiện vài ba cái đầu đong đưa. Khi nhạc sỹ đồng hóa bản thân với loại âm nhạc vi diệu nhất, những bản độc tấu rất riêng của mình, thì lại xuất hiện thêm vài ba thân thể bắt đầu chuyển động, bắt đầu lắc lư và cứ như vậy … lắc lư mãi. Ngay cả nhà vua bệ vệ, nghiêm trang mẫu mực là vậy, mà ngài cũng không thể làm sao giữ cho thân thể của mình đứng yên : các chi thể của ngài càng lắng nghe thì càng lay động mãnh liệt, không thể nào cưỡng lại nổi.
Dường như tất cả mọi người đều bị xâm chiếm bởi những giai điệu và tiết tấu vô cùng mầu nhiệm và kỳ lạ này. Tất cả đều không thể dừng lại nổi, họ cứ lay động, cứ đung đưa, cứ chuyển động thân mình, vung tay múa chân.
Thậm chí có nhiều con người quên cả cái chết gần kề, quên béng cả cái gọi là nghiêm lệnh của nhà vua, họ cứ nhảy nhót liên tục, liên tục như vậy, như vậy.
Khi nhà nhạc sỹ kết thúc buổi trình tấu, thì nhà vua chợt tỉnh : ngài nhìn ra thì thấy có rất nhiều người đã bị bắt. Dường như tất cả mọi người đều bị bắt, ngoại trừ nhà vua, bởi vì không có ai dám bắt … ngài !
Nhà vua bẽn lẽn nói :
– Theo thỏa thuận từ trước, ta sẽ ra lệnh chặt đầu tất cả những người nào không thực hiện mệnh lệnh của ta.
Quay sang đội thị vệ, nhà vua phán :
– Hãy xử tử tất cả những người đã vi phạm luật chơi, chặt đầu những kẻ dám lay động thân mình trong suốt buổi độc tấu thú vị này !
Nhưng, nhạc sỹ vội vã khoác tay, thưa rằng :
– Không ! Đây mới thực sự là những người duy nhất có khả năng lắng nghe. Xin chớ giết họ, bởi vì chính họ mới là những người biết thưởng thức âm nhạc.
Tôi đến đây là để trình tấu cho những bậc tri âm như thế này.
Bệ hạ hãy đuổi những người nào đã đứng gồng mình, im lìm như pho tượng, bởi vì họ là những kẻ không biết âm nhạc là gì.
Nhà vua thắc mắc :
– Tại sao nhạc sỹ lại chóng thay đổi điều kiện như vậy ? Ta không hiểu gì cả !
Nhạc sỹ nói :
– Đây là một cuộc thử nghiệm. Thực ra, tất cả nhạc sỹ đều vô cùng hạnh phúc khi xuất hiện những thính giả biết lắng nghe và tỏ ra xúc động mãnh liệt. Nhạc sỹ chỉ hạnh phúc khi âm nhạc của họ tỏ ra có hiệu quả, âm nhạc của họ đã khiến mọi người rung động tâm hồn và chuyển động tất cả chi thể của mình. Nhạc sỹ vô cùng hạnh phúc bởi vì tiếng lòng của họ đã xâm chiếm mọi người xung quanh, và khi bị xâm chiếm, thì mọi người bị xúc động. Khi bị xúc động thì tự nhiên buộc phải chuyển động thân mình và rung động tâm hồn, thế thôi! Đơn giản như vậy thôi!
Nhà vua gạn hỏi :
– Như vậy, họ không sợ chết hay chăng ? Ta đã ra nghiêm lệnh rằng, ai lắc lư chuyển động thân mình thì sẽ bị chặt đầu mà !
– Vâng. Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ không rung động đến nỗi liều lĩnh, quên cả mạng sống, thì âm nhạc không còn là âm nhạc nữa.
Khi bệ hạ bị âm nhạc xâm chiếm thực sự, thì tất cả những gì hiện hữu trên thế gian này trở nên vô giá trị.
Tôn giáo cũng như vậy.
Bởi vì tôn giáo chính là nghệ thuật gây cảm xúc cao tột nhất, tôn giáo chính là sự rung động mãnh liệt nhất đến nỗi chúng ta có thể quên cả tánh mạng, quên cả cuộc sống trần tục này.
Nếu chúng ta không rung động đến nỗi liều lĩnh, quên cả mạng sống, thì tôn giáo không còn là tôn giáo nữa.
Trong khoảnh khắc mà chúng ta có thể quên mình, trong giây phút mà chúng ta có thể trở nên liều lĩnh, bất chấp tất cả, thì lúc ấy sẽ xuất hiện sự rung động, xuất hiện sự cảm xúc. Và tâm linh chúng ta sẽ mở toang ra để đón nhận tiếng nhạc vô thanh của tôn giáo đích thực.
Nhưng, hầu hết các tôn giáo hiện nay đều đã giết chết tất cả những sự nhạy cảm của bạn. Hầu hết các tôn giáo đều làm hao mòn tất cả những rung động của bạn. Tôi không nói quá đâu!
10.- CÁC TÔN GIÁO Ở TRÁI ĐẤT
Chuyện xảy ra ở Hỏa tinh.
Qua nhiều lần bí mật thăm dò cuộc sống của nhân loại ở quả địa cầu, (qua những cái mà chúng ta gọi là UFO, vật thể bay không xác định) các nhà bác học hoả tinh kết luận rằng:
– “Loài người ở Địa Cầu tuy có trình độ tiến hoá tương đối thấp kém hơn chúng ta chút ít, nhưng có cùng những sinh hoạt tương tự như chúng ta vậy. Vừa rồi, tại Hội đồng Vũ trụ Quốc gia ngày 18/6, Tổng thống Donald Trump thông báo nước Mỹ sẽ xây dựng “Lực lượng Vũ trụ”. Và Trump tuyên bố: “Nước Mỹ phải thống trị trong vũ trụ. Điều này vô cùng quan trọng. Lực lượng Vũ trụ là binh chủng thứ 6 của các lực lượng vũ trang. Đây sẽ là một bước đi vĩ đại”, ông Trump phát biểu và chúng ta đã bí mật ghi nhận. Tuy nhiên, các nhà bác học hoả tinh lại khẳng định:
– Ngoại trừ điểm khác biệt duy nhất là, loài người có một cái gọi là tôn giáo còn chúng ta thì không”.
Do vậy, chính phủ hoả tinh vội vã thành lập 3 phái đoàn Nghiên cứu Tôn giáo Địa cầu với mục tiêu là khảo sát trực tiếp các sinh hoạt tôn giáo trên trái đất. Sau một thời gian thực hiện đủ loại công tác nghiên cứu, phân tích, và tiếp cận tất cả mọi hình thái sinh hoạt của cộng đồng nhân loại, ba phái đoàn đã thành công tốt đẹp và cuối cùng đã trở về hoả tinh an toàn.
Sau đây là báo cáo của họ trước toàn thể hội đồng các nhà khoa học hoả tinh.
Trưởng phái đoàn 1 trình bày trước hội nghị như sau:
– Chúng tôi không có gì gọi là báo cáo cụ thể cả. Đơn giản chúng tôi đã bắt được tên giáo chủ của một tôn giáo lớn nhất địa cầu.
Mọi người đổ xô ra xem.
Một vật hình vuông nằm chỏng chơ trên bàn. Toàn thể hội nghị ngơ ngác. Mọi người hỏi:
– Cái gì thế này?
Trưởng phái đoàn 1 trả lời:
– Đây chính là tên giáo chủ do chúng tôi bắt được.
Một vị giáo sư đến cạnh “vật lạ” và lật lên lật xuống, rồi kinh ngạc hỏi:
– Vật lạ này dường như chỉ là một cái máy thu hình thường thấy tại xứ sở chúng ta cách đây mấy ngàn năm. Xin Phái Đoàn I giải trình rõ ràng về “vật lạ” này, và tại sao quý ông gọi đây là “tên giáo chủ” của một tôn giáo nổi tiếng ở địa cầu?
Trưởng phái đoàn 1 kính cẩn thưa rằng:
– Ngay cả chúng tôi cũng không hiểu gì cho lắm. Nhưng chắc chắn rằng, suốt ngày và nhất là hàng đêm, tất cả cư dân địa cầu đều tập trung trước mặt tên giáo chủ này để lắng nghe y giảng đạo. Bọn tín đồ của tôn giáo này gọi y là “Tivi”. Hết!
Trưởng phái đoàn II báo cáo:
– Chúng tôi tuy không bắt được tên giáo chủ nào, nhưng đã mang về một Vật Tổ (Tô-tem) của họ.
Vừa nói, viên Trưởng phái đoàn II kính cẩn đặt lên bàn một vật gì tròn tròn, làm bằng da.
Toàn thể hội nghị vô cùng tỏ ra kinh dị:
– Cái gì thế này? Quý vị tìm thấy ở đâu?
Trưởng phái đoàn II báo cáo:
– Đây là một Vật Tổ quan trọng của một tôn giáo hiện đang thịnh hành và bành trướng mạnh mẽ tại nhiều vùng lãnh thổ ở trái đất.
Tất cả tín đồ của tôn giáo này có thể tính đến hàng triệu, họ tụ tập tại một cái sân hình chữ nhật rất rộng, chăm chú nhìn khoảng 22 vị sứ giả đang dốc hết gân sức của mình để tung quả cầu này vào hai ô vuông nhỏ ở hai đầu. Cứ mỗi lần quả cầu này chui tọt vào ô vuông thì tất cả tín đồ xung quanh sân đều vỗ tay reo hò hoặc khóc lóc vô cùng thảm thiết. Chúng tôi nghĩ rằng, đây là một Totem, vật tổ thiêng liêng của một thứ tôn giáo mà cư dân trái đất gọi là Bóng Đá.
– ??? !!!
Tre Pheo thuật
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật…
Nguyễn Xuân Chiến
Thư Viện Hoa Sen
Discussion about this post