LỜI CỦA BIỂN
Hạnh Chi
Mùa hè đang thiền hành đến gần vạn hữu. Những thành phố ven biển, cư dân dường như không thể chờ lâu hơn. Cuối tuần, bãi biển đã đông, dù đôi khi gió vẫn lạnh. Người đi dạo, kẻ đi câu, nhóm này trượt nước, nhóm kia dong buồm, cô bé này nhặt vỏ sò thì cậu bé kia tỷ mỉ xây lâu đài cát …. Những hình ảnh quá thân quen với biển.
Biển muốn nói với người rằng, những mùa đông, chẳng phải chỉ người nhớ biển đâu, mà biển cũng rất nhớ người. Không tin, vào ngày mùa đông nào, người ráng chịu rét, thả bộ ra ven biển, xem có nghe biển tỉ tê thương nhớ qua sóng vỗ ghềnh đá hay không?
Làm sao nghe sóng mà hiểu lời biển ư?
Người quên rồi à? Bồ Tát Quan Thế Âm chỉ lặng nghe sóng biển mà lập ra pháp môn Nhĩ-Căn-Viên-Thông đấy! Biển đã từng rất hoan hỷ vì được là phương tiện để Bồ Tát quán chiếu, nhận ra Tánh-Nghe khác với Cái-Nghe.
Tánh-Nghe không sanh diệt, luôn sẵn đó, tiếp nhận âm thanh ở tầng sâu thẳm bằng sự trung thực tuyệt đối, không theo mô hình như Cái-Nghe, là phải có Căn duyên với Trần mới sanh Thức.
Chắc người nhớ giai thoại Đức Thế Tôn truyền ngài Anan thỉnh một tiếng chuông, rồi hỏi:
– Có nghe không?
– Dạ, có nghe.
Khi không thỉnh chuông nữa, Đức Thế Tôn lại hỏi:
– Có nghe không?
– Dạ, không nghe.
Biển thích nhất ở lời dạy tiếp theo:
– Sao ông biết là không nghe? Cái gì cho ông biết là không có tiếng chuông? Này Anan, hãy quán chiếu ngay đó. Cái ông “có nghe” là do Căn (tai) duyên với Trần (tiếng chuông) mà sanh Thức (nhận biết âm thanh). Còn cái cho ông biết không có tiếng chuông, thì chính là Tánh-Nghe. Cái-Nghe biến diệt theo căn trần. Tánh-Nghe thì lặng thinh, ở đó nhận diện mà không đi đâu cả.
Giai thoại này, biển chỉ biết được tới đó, do một lần có hai Phật tử thả bộ theo bờ cát, vừa hứng gió biển, vừa nói chuyện đạo. Biển quá rảnh rang, quanh năm suốt tháng chẳng có gì làm, nên biển nương theo tinh thần lời dạy này mà lân la, gần gũi, lắng nghe tâm sự của những người tìm đến biển, nhờ đó mới biết rằng cõi ta-bà, người người khổ quá!
Cũng chính vì lặng lẽ theo tâm người mà biển nghe được đôi lời dạy của Đức Thế Tôn. Nghe rồi, mới thấy lạ cho người, vì người biết nói, mà khi hành xử thì lý sự thường lại chẳng đi đôi!
Cậu sinh viên ngồi trên bờ đá, bứt đầu bứt tai, lầm rầm một mình: “Thi rớt rồi! Ăn làm sao, nói làm sao với cha mẹ đây!? Ai chả biết, học tài thi phận, nhưng thi rớt thì nhục qúa! nhục quá!”
Khiếp chưa? Làm như trên đời chỉ có một mình cậu ta thi rớt! Sao không chấp nhận thực tại là rớt rồi thì học chăm chỉ hơn, chờ thi lại. Thi rớt có phải là trời sập đâu mà ra biển gào khóc vậy!?
Rồi lại cặp vợ chồng luống tuổi, ngồi sau đụn cát, than thở:
– Con với cái, sao cùng một nhà mà chẳng giống nhau! Phải chi cái ngoan ngoãn hiếu thảo của con Ba, san sẻ bớt cho thằng Út thì mình đỡ khổ biết mấy! Khuyên học cái nọ lại đòi học cái kia, học dở chừng, kêu không thích, không hợp, lại đổi qua cái khác. Rầy la thì lớn tiếng cãi, quăng sách, quăng bút như quăng vào mặt mình. Biết thế, thà sanh ra quả trứng, đem luộc, còn có bữa ăn!
Ối trời ơi, biển nghe mà thấy khổ còn hơn đương sự khổ! Thế nhưng biển sửng sột khi bà vợ nhỏ nhẹ an ủi:
– Thôi ông à, sanh thì phải dưỡng, đó là bổn phận trách nhiệm mình. Nó nghe lời được bao nhiêu là duyên phận nó. Ông không nhớ trong kinh có dạy rằng cha mẹ, con cái, hay thân bằng quyến thuộc, có khi vì nhiều đời nhiều kiếp còn ràng buộc ân oán chưa xong mới lại tìm gặp nhau để ân đền oán trả. Ông khen con Ba ngoan, có lẽ nó tìm mình trả ơn thuở nào, còn thằng Út hư, chắc là mình nợ gì kiếp trước, nó đến đòi. Nhưng ngoan hay hư thì kiếp này chúng nó đều đang là con mình, mình cứ mang tình thương mà đùm bọc, có phải nhẹ lòng không?
Ông vin câu đó, nguýt bà một cái dài:
– Thì ra tôi cũng nợ bà hồi nảo hồi nào, nay bà tìm tôi mà càm ràm suốt ngày!
Bà phản ứng ngay:
– Ông mà nợ gì. Tui mới là con nợ nè, cơm bưng nước rót hơn bốn chục năm, chưa được một lời cám ơn ngọt ngào, chỉ toàn là trách với móc!
Như vậy thì chắc họ đều biết, đều tin có nhân quả, có sanh tử luân hồi. Rõ ràng người biết, mà lại hành xử như không biết! Răng mô dị rứa!?
Cũng như, biển vừa chứng kiến một hoạt cảnh, ngay tại đây, ngay bãi cát bên hàng dừa đó. Hai vợ chồng với ba con nhỏ, trải tấm khăn dưới gốc dừa rồi bầy thức ăn trưa, cùng nhau ăn uống vui vẻ. Ăn xong, hai người lớn đọc sách, hai bé gái chạy loanh quanh, còn bé trai thì bắt đầu chơi cái trò cổ điển ngoài bãi biển, là xây lâu đài cát. Bé khéo tay, khá thận trọng, tỷ mỉ, nên dần dà thành hình, tuy cái cổng thì to đùng, mà lâu đài thì lại quá nhỏ, so với cổng. Nhưng nhìn gương mặt hân hoan ngắm qua, nhìn lại của bé thì biển nghĩ rằng chẳng phải bé thiếu kỹ thuật, mà chắc có dụng ý gì. Ngay khi ấy, hai bé gái chơi rượt bắt nhau, chạy như mũi tên, cùng đâm sầm vào lâu đài, làm sụp đổ tan tành!
Bé trai vừa đấm hai bé gái túi bụi, vừa gào khóc:
– Sao làm đổ lâu đài của tui? Vua và quân lính sắp về tới rồi! Hu! Hu! Làm trả lại tui mau lên!
Bố mẹ cùng buông sách, chạy đến vỗ về bé trai. Người bố giảng giải:
-Nín đi con, có chi đâu mà tiếc, mà khóc. Lâu đài này bằng cát, có phải thật đâu! Có giữ mãi được đâu! Nếu hai chị không đạp phải thì lát nữa đây, gió lớn cũng đủ thổi bay hết!
Điều đó thật quá đi chứ! Lâu đài bằng cát mong manh, làm sao mà giữ lâu được. Đứa bé trai chắc cũng biết thế, vì nhiều phần, chẳng phải đây là lần đầu bé chơi trò này. Nhưng bé vẫn sụt sùi tiếc rẻ cái không thật. Tệ hơn nữa, không chừng bé còn đang lo lắng vì trí tưởng tượng là nhà vua và quân lính sắp về tới, mà thành siêu quách đổ rồi, vua sẽ ngự ở đâu?
Này, biển hỏi thật người, khi người dỗ dành đứa bé đừng khóc, đừng tiếc, vì lâu đài cát là cái không thật, không nắm giữ mãi được, người có phút nào nghĩ lại chính mình?
Biển từng chứng kiến bao cảnh đời, nghe bao nhiêu tâm sự, biển e rằng không chỉ các em bé xây lâu đài cát, khi đổ mất thì tiếc, thì khóc, mà người lớn cũng từng xây, chẳng phải một, mà có khi nhiều, thật nhiều lâu đài cát; rồi khi mất cũng đau khổ, khóc lóc tả tơi, có khi cuồng điên hủy mình vì mất cái không thật đó!
Lâu đài cát của người lớn nhiều hình dạng khác nhau lắm. Nghe này, xem biển nói có sai không. Đó là tình ái, danh vọng, tiền tài. Khai triển ba món này ra thì thấy ngay cơ man nào là nguyên nhân của những khổ đau!
Tình nào mà không khi đầy khi vơi? Danh vọng nào mà không khi sang khi hèn? Tiền tài nào mà không khi còn khi mất? Vậy mà suốt kiếp nhân sinh, người người đều lao vào những mục tiêu ảo tưởng này, như thiêu thân lao vào lửa. Khi không đạt được điều mong muốn, có phải người cũng khổ lo trăm mối vì những trí tưởng mơ hồ. Như đứa bé, bị phá vỡ “lâu đài không thật”, đã tiếc, lại còn buồn lo cuống cuồng vì “vua và quân lính không thật”, sắp về tới, sẽ ở đâu?
Toàn là những cái “không thật”, luôn quay cuồng người người trong vòng “khổ thật”.
Lại một lần, thấy hai người trẻ ngồi trên ghế đá, tưởng họ thủ thỉ yêu đương, biển tò mò đến gần. Ai dè, họ đang chia sẻ về một đoạn trong kinh Vô Lượng Thọ. Đoạn đó thế này:
“Cao sang nghèo khó, lớn nhỏ nam nữ, suy nhớ chồng chất, do tâm sai sử. Không ruộng lo ruộng, không nhà lo nhà, họ hàng của cải, có không cũng lo, được một thiếu một, lo cho bằng người, vừa được chút ít, lại càng lo hơn”
Vậy, sự đau khổ tự mình chuốc lấy, vì do không biết đủ, không biết chấp nhận hạnh phúc là cái mình đang có, phải vậy không?
Hiếm lắm mới có lần biển nghe được ai đó, nói câu này: “Người an vui với cuộc sống thì không cần phải có mọi thứ tốt nhất trên đời, mà chỉ cần sống tốt nhất với những gì đang có”
Biển thấy điều này đơn giản quá, đơn giản như câu chuyện của hai người chán đời đến mức muốn hủy đời, mà biển cũng tình cờ nghe kể. Chỉ tiếc, biển không nhớ xuất sứ. Nội dung câu chuyện thế này:
Đêm khuya, cô thiếu nữ bị tình phụ, lang thang ra biển với ý định tự trầm. Cũng giờ đó, tại nơi đó, anh thương gia thất bại trên thương trường, xấu hổ, tuyệt vọng, cũng muốn chết. Chàng phát hiện ra nàng trước. Chàng chạy đến:
– Này cô, đêm hôm khuya khoắt, cô một mình ra đây làm gì? Cô định tự tử hả?
Chạm đúng vết thương, nàng òa lên khóc:
– Anh ấy phụ tôi! Tôi đã tin tưởng. Tôi đã trao hết. Tôi đã mất hết. Thiếu anh ấy, tôi làm sao sống được!
Chàng nhìn nàng. Người thiếu nữ còn trẻ và đẹp, thiếu chi cơ hội để có hạnh phúc khác. Chàng đã ân cần an ủi nàng như thế. Và kỳ diệu thay, chàng sửng sốt khi nghe chính giọng mình dõng dạc nói tiếp với nàng rằng:
– Trước khi gặp người phụ bạc ấy, cô vẫn yêu đời, vẫn trẻ, vẫn đẹp, thì nay, không có người phụ bạc kia, cô nào mất gì đâu! Hãy đứng lên, và đi vào thành phố, ở đó, cô còn biết bao bạn bè, thân thuộc, yêu thương và đón chờ cô về.
Thiếu nữ mở to mắt, nhìn người đối diện.
Chẳng lời cám ơn nào giá trị hơn là giòng lệ tỉnh ngộ.
Lặng nhìn thiếu nữ đi vào thành phố bằng những bước chân sáo, chàng mới nhận ra rằng, đó chính là những lời mà trong sát na mầu nhiệm vừa rồi, chàng đã bật ra để nói với chính mình: “Ta vào đời với hai bàn tay trắng, giờ có làm ăn thất bại cũng chỉ là về với trắng tay! Có mất gì đâu!”
Nếu được chứng kiến, thế nào biển cũng tìm cách bảo anh chàng hãy chạy theo thiếu nữ, xin hộ tống nàng về nhà. Chỉ là nghĩa cử hào hiệp của bậc trượng phu thôi, nhưng biển thật tình tin rằng nếu trở thành đôi bạn thì đó sẽ là hai kẻ hạnh phúc lâu dài hơn những đôi bạn khác, vì họ đã có kinh nghiệm bản thân về những gì quý giá trong tầm tay. Chỉ khi nào biết nhìn thẳng vào những đau thương mất mát bằng con mắt trí tuệ với lòng dũng cảm rực lửa thì mới tìm được sự giải thoát.
Biển từng nghe một ông cụ, sảng khoái ngâm cho nhóm bạn già của mình thưởng thức hai câu thơ mà cụ nói tác giả là Thiền-sư Trúc Lâm, tức là vua Trần Nhân Tông của nước Việt Nam đấy:
“Áo rách ôm mây, ban mai húp cháo
Bình xưa dốc nguyệt, trời khuya nấu trà”
Người khổ công nhọc sức đến bao giờ thì tiền tài danh vọng mới mon men đến gần được như vua?
Vậy mà vua bỏ hết, lên non đạm bạc, hạnh phúc khôn cùng!
Nếu bắt chước vua khó quá, người đâu cần phải bỏ hết lên non. Chỉ cần biết đủ và trân quý hiện tại, là gánh nặng khổ đau phiền não sẽ lập tức được đặt xuống rồi.
Thế mà ít ai chịu buông.
Dieu seul le sait!
Hạnh Chi
(Tào-Khê tịnh thất – giờ chỉ tịnh, một ngày tịnh tu, tháng Năm)
Discussion about this post